ThS. Nguyễn Đắc Tùng Nghiên cứu viên phòng Nghiên cứu Lịch sử - Văn hóa, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Tham luận tại hội thảo về chủ đề: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước” vào ngày 04-11-2021 tại Tp.HCM
Tóm tắt: Từ nửa đầu thế kỷ XX, cùng với những chuyển biến về chính trị, văn hóa, xã hội ở Việt Nam đã dẫn tới sự ra đời của các tổ chức Phật giáo ở Việt Nam, tuy nhiên sau sự ra đời các tổ chức Phật giáo ở cả ba miền hoạt động riêng rẽ. Năm 1951, tại Huế sáu tổ chức Phật giáo ở ba miền Bắc - Trung - Nam của Việt Nam đã họp lại để lập ra Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Sự ra đời Tổng hội Phật giáo Việt Nam đáp ứng nguyện vọng của các Phật tử yêu nước về sự thống nhất Phật giáo ở Việt Nam. Từ khóa: Hòa thượng, Phật giáo, Tổng hội Phật giáo Việt Nam.
I. DẪN NHẬP
Theo tác phẩm Lĩnh Nam chích quái, Phật giáo ở Việt Nam xuất hiện từ thời vua Hùng và phát triển mạnh dưới thời Lý - Trần. Tuy nhiên đến thời Lê Trung Hưng thì Phật giáo ở Việt Nam đã bị suy yếu do bị Nho giáo lấn át. Đến thời Nguyễn, Phật giáo ngày càng bị suy yếu hơn, thời nhà Nguyễn Nho giáo đã chiếm vị trí độc tôn. Sau khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam năm 1858, dưới sự cai trị của thực dân Pháp, Phật giáo ở Việt Nam bị chèn ép và không phát triển gần 100 năm. Trong suốt những thập kỷ đầu thế kỷ XX, phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam lâm vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc về đường lối và giai cấp lãnh đạo cách mạng. Một số nhà sư, nhà trí thức yêu nước mong muốn Phật giáo phát triển để đất nước được thống nhất dưới ngọn cờ Phật giáo để đánh đuổi giặc Pháp xâm lược, giải phóng cho dân tộc Việt Nam. Và khi hội tụ đủ nhân duyên, từng bước Phật giáo tiến hành công cuộc cách tân về mọi mặt nhằm khôi phục lại sự phát triển của Phật giáo, tiếp đến là sự thành lập của Tổng hội Phật giáo Việt Nam ngày 6-9-1951. Đây là một sự tất yếu cần thiết trong tiến trình xây dựng củng cố và phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong những giai đoạn tiếp theo.
II. BỐI CẢNH LỊCH SỬ DIỄN RA PHONG TRÀO THÀNH LẬP TỔNG HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
2.1. Bối cảnh trong nước
2.1.1. Tình hình chính trị trong nước
Vào nửa đầu thế kỷ XX, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam lâm vào khủng hoảng sâu sắc về đường lối và giai cấp lãnh đạo. Các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc theo các khuynh hướng khác nhau, như phong trào theo khuynh hướng tiểu tư sản như khởi nghĩa Yên Bái của Nguyễn Thái Học, hoặc theo khuynh hướng dân chủ tư sản như phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục của Phan Châu Trinh,… đều bị thất bại. Tuy thất bại nhưng, một số nhà sư cùng một số nhân sĩ trí thức yêu nước, mến đạo muốn phục hưng Phật giáo, qua đó lấy ngọn cờ Phật giáo nhằm đoàn kết tập hợp lực lượng yêu nước đấu tranh để chống lại thực dân Pháp, giành độc lập cho dân tộc.
Một sự kiện trọng đại trong lịch sử Việt Nam thế kỷ XX là sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930, đã chấm dứt tình trạng khủng hoảng về đường lối cách mạng và đường lối lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam đã đoàn kết toàn dân và lãnh đạo cách mạng đi đến thắng lợi. Thành công đầu tiên là Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thành lập chính quyền dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.
2.1.2. Tình hình Phật giáo tại Việt Nam
Tại Nam bộ
Ý tưởng thống nhất Phật giáo toàn quốc xuất hiện ngay từ đầu thập kỷ 30 của thế kỷ XX. Từ năm 1930, một loạt các tổ chức Phật giáo đã ra đời ở Nam bộ, năm 1930, Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật Học ra đời ở TP. Hồ Chí Minh, năm 1934, Hội Lưỡng Xuyên Phật học ra đời ở Trà Vinh năm 19371, Hội Phật học Kiêm Tế ra đời ở Rạch Giá.2 Tháng 9-1950, cư sĩ Mai Thọ Truyền đã thành lập Hội Phật học Nam Việt ở Sài Gòn, trụ sở của Hội được đặt ở chùa Khánh Hưng.3 Tháng 6-1951, tại chùa Hưng Long, Chợ Lớn, Giáo hội Tăng già Nam Việt được thành lập tại chùa Hưng Long, Chợ Lớn, trụ sở đặt tại chùa Ấn Quang, từ đó Giáo hội Tăng già Nam Việt đã ra đời do Hòa thượng Đạt Thanh chủ trì, Hòa thượng Nhựt Liên làm Tổng Thư ký của Giáo hội Tăng già Nam Việt.4
Tại Trung bộ
Năm 1932, Hội An Nam Phật học ra đời ở Trung bộ, do Hòa thượng Giác Tiên sáng lập, đặt trụ sở tại chùa Trúc Lâm (Huế). Báo Viên âm trở thành cơ quan ngôn luận của hội An Nam Phật học.5 Năm 1948, Hội Việt Nam Phật học Trung Việt khi được thành lập ở Trung bộ, Hòa thượng Trí Thủ trở thành vụ ủy viên hoằng pháp của hội. Năm 1952, Hòa thượng Trí Thủ đã cho cho xây dựng nhiều trường tiểu học và trung học ở các tỉnh miền Trung để giảng dạy Phật học.6 Năm 1949, Giáo hội Tăng già Trung Việt được thành lập với sự đóng góp của các Hòa thượng Mật Hiển và Mật Nguyện.7
Tại Bắc bộ
Tháng 11-1934, Hội Việt Nam Phật giáo Bắc Việt được thành lập theo quyết định số 4283 của Thống sứ Bắc kỳ, trụ sở đặt tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Hội trưởng Danh dự là Robin - Toàn quyền Đông Pháp; Thống sứ A. Tholance và Tổng đốc Hà Đông là Hoàng Trọng Phu; Hội trưởng là cư sĩ Nguyễn Năng Quốc, Hội phó Nguyễn Văn Ngọc - Đốc học Hà Đông và Nguyễn Quốc Thành - Tham tá Thương chánh; Thủ quỹ Phạm Mạnh Xứng; Thư ký Trần Văn Phúc; Giám sát Trần Văn Giác. Hội đã suy tôn Hòa thượng Thích Thanh Hanh - tổ sư chùa Vĩnh Nghiêm làm Thiền gia Pháp chủ. Hội viên của Hội bao gồm: hội viên danh dự, tán trợ, vĩnh viễn, chủ trì, thiện tín. Mục đích chính mà Hội Phật giáo Bắc bộ nêu ra là: “Cốt khuyên rủ nhau, đốc trách nhau hiểu đạo Phật cho rành, làm đạo Phật cho đúng để tự độ mà độ người”.8 Hội cho ra đời báo Tiếng Chuông Sớm vào ngày 15-6-1935, đây là tờ báo đầu tiên của Phật giáo ở Bắc bộ. Ban đầu, Tiếng Chuông Sớm chủ động liên kết với Hội Việt Nam Phật giáo Bắc Việt, nhưng do vài khác biệt trong chủ trương, sự hợp tác bất thành, có lúc còn đi đến chỗ công kích nhau. Nhưng chỉ nửa năm sau, hai cơ quan này làm lành lại với nhau. Tiếng Chuông Sớm ra đời có phần vội vã cho thấy nhu cầu cấp yếu cần phải có một tờ báo Phật giáo ở miền Bắc thời bấy giờ để hưởng ứng phong trào chấn hưng Phật giáo đang lên, nhất là khi hai miền Nam và Trung đã có báo hoạt động được mấy năm.9
Năm 1949 ở Hà Nội, Hòa thượng Tố Liên đã thành lập Hội Tăng Ni chỉnh lý Bắc Việt, trụ sở của Hội được đặt tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Tháng 9-1950, Hội Tăng Ni chỉnh lý Bắc Việt được đổi tên là Hội Phật giáo Tăng già Bắc Việt. Năm 1951, hội bầu Hòa thượng Thích Mật Ứng làm Thiền gia Pháp chủ.10
2.2. Bối cảnh thế giới
2.2.1. Tình hình chính trị
Từ đầu thế kỷ XX đến nửa cuối thế kỷ XX, thế giới đã xảy ra hai cuộc chiến tranh: chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 -1918), tiếp đến là cuộc chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945). Các cuộc chiến tranh này làm hàng chục triệu người chết và bị tàn phế do chiến tranh, đồng thời cũng đã làm cho chủ nghĩa tư bản suy yếu và mâu thuẫn giữa các nước tư bản đế quốc càng tăng thêm. Tình hình đó đã tạo điều kiện cho phong trào đấu tranh ở các nước dân tộc thuộc địa ở Á, Phi, Mỹ La Tinh phát triển mạnh mẽ.
2.2.2. Tình hình Phật giáo thế giới tại Trung Quốc
Tại Trung Quốc, sau Cách mạng Tân Hợi năm 1911 của Tôn Trung Sơn đã thúc đẩy Phật giáo ở Trung Quốc phát triển, năm 1913, Đại sư Thái Hư đã thành lập Hội Phật giáo Trung Quốc, cho xuất bản Tuần san Hải Triều Âm. Sau đó, cư sĩ Dương Nhân Sơn đã thành lập Kỳ Hoàn Tinh xá và triệu tập thanh niên Tăng Ni và cư sĩ hữu tâm về để nghiên cứu Phật học qua Hán văn, Anh văn và Pali. Từ 1914 trở đi, các cơ sở hoằng pháp được thành lập tại nhiều nơi ở Trung Quốc. Sau đó, nhiều Phật học viện được thành lập ở Trung Quốc đã xuất bản các tạp chí Phật học. Các hiệp hội Tăng Giáo dục, Phật giáo Hợp Tiến, Phật giáo Tổng hội, Phật giáo Liên hiệp, Phật giáo Cư sĩ Lâm,... thi nhau ra đời sau đó lan rộng ra nhiều nước ở châu Á, với phương châm cách mạng trong giáo lý, cách mạng giáo chế và cách mạng trong Tăng đoàn. Năm 1928, tại Nam Kinh, Đại sư Thái Hư đã thống nhất các hội Phật giáo ở Trung Quốc thành Hội Phật học Trung Hoa (Buddhist Society of China) nhằm “Tuyên truyền giáo nghĩa nhà Phật. Biện lý sự giáo dục của tăng chúng. Đề xướng việc Tăng Ni làm lụng để sản xuất ra các đồ chế tạo và tài sản, song không trái với giáo chỉ nhà Phật.”11 Những người ủng hộ Phật giáo Việt Nam đã được khích lệ rất nhiều bởi phong trào ở Trung Quốc khi họ biết đến phong trào này qua các bài viết, đặc biệt là nguyệt san Hải Triều Âm. Năm 1934, Đại sư Thái Hư đã có chuyến sang thăm chư Tăng tại Hà Nội, Việt Nam, trong chuyến thăm này Ngài đã viết bộ đôi câu đối “Pháp luân tự địa đông tây chuyển - Phật đạo phùng nguyên tả hữu thông” tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, hiện nay đôi câu đối này vẫn còn treo tại chính điện chùa Quán Sứ.
Tại Liên Xô
Sau Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, Phật giáo Liên Xô được phục hồi, năm 1927, Hội nghị Phật giáo Liên Xô được tổ chức tại Mát-xcơ-va do Thượng tọa Dorgzhiev và nhà Nghiên cứu Phật học Roerich chủ trì. Hội nghị này có tính cách quốc tế rộng lớn do sự tham dự của đông đảo Phật tử đến từ các nước Trung Á và Đông Á, do đó nó đã đóng góp đáng kể vào việc phổ biến tư tưởng về sự tương hợp của Phật giáo và chủ nghĩa cộng sản, về những định hướng quốc tế của Phật giáo. Năm 1929, Hội Truyền giáo Mông - Tạng được thành lập.12
Từ tất cả những nguyên nhân chính trị, ở trong nước cũng như các nước trên thế giới hay cũng như nền Phật giáo của các nước trên thế giới đang có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực, mặt khác chính bản thân Phật giáo ở nước ta đã có bước tiến lớn với hàng loạt các tổ chức Phật giáo ra đời ở cả ba miền. Về cơ bản, các tổ chức này đều hướng đến mục tiêu là chỉnh đốn lại Tăng đoàn và sự nghiệp đào tạo giảng dạy cho hàng Tăng sĩ, ra các tờ báo, tạp chí, tập san để làm hậu thuẫn cho các công tác Phật sự nhằm xiển dương chính pháp, đưa Phật giáo tiếp cận gần hơn với các tầng lớp nhân dân nhằm lấy lại hình ảnh Phật giáo trong lòng quần chúng nhân dân cư sĩ Phật tử yêu nước.
III. NỘI DUNG CỦA PHONG TRÀO THÀNH LẬP TỔNG HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
3.1. Phong trào vận động thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam
Sự ra đời và phát triển của các tổ chức Phật giáo ở cả 3 miền nhưng lại thiếu đi sự liên kết, hỗ trợ nhau về mặt tư tưởng cũng như hoạt động Phật sự. Ngoài ra, trong nội bộ các tổ chức cũng có sự mâu thuẫn về đường lối lãnh đạo, cách thức hoạt động. Lại thêm phần giữa các tổ chức cũng có sự hiềm khích, tranh luận, đả kích lẫn nhau,…vì điều này mà sau khi phong trào được hình thành mặc dù có rất nhiều vị cao Tăng, Hòa thượng yêu nước mong muốn hợp nhất các tổ chức Phật giáo thành một khối thống nhất. Các trường giảng dạy Phật học được tổ chức ở khắp ba miền, nhưng thiếu sự thống nhất về cung cách, nội dung giảng dạy, chưa có sự liên kết chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau.
Kể từ năm 1950, các tờ báo ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam đều đăng tải nhiều bài viết nói lên nguyện vọng thống nhất của các tín đồ Phật giáo. Tại Bắc bộ, Hòa thượng Tố Liên trong một bài viết giải thích về lý do thành lập Giáo hội Tăng già Bắc Việt đã nói lên ý muốn thống nhất: “Ta phải tuân theo mục đích của Hội Phật giáo Quốc tế là thống nhất lực lượng Phật giáo, theo đà tiến triển thì phải thống nhất lực lượng từng xứ sở rồi đi đến thống nhất Phật giáo toàn quốc để gia nhập cơ quan thống nhất Phật giáo quốc tế.”13 Hòa thượng Thích Trí Quang trong bài viết Hãy bước tới Phật giáo toàn quốc đã nói lên ý nguyện thống nhất Phật giáo đồ Trung bộ là: “Phải bước tới Phật giáo toàn quốc, thống nhất Phật giáo, đấy là nguyện vọng từ lâu, nguyện vọng duy nhất của toàn thể Phật tử xuất gia cũng như Phật tử tại gia.”14 Tại Nam bộ, cư sĩ Nguyễn Văn Khỏe đã gửi thư tới Phật tử trong cả nước bày tỏ nguyện vọng thống nhất Phật giáo. Bức thư có đoạn viết: “Đề xướng việc lập hội Phật học chúng tôi còn có cái thâm ý đi đến chỗ Bắc - Trung - Nam sẽ bắt tay nhau thành một khối phát triển quảng đại và thống nhất trên nguyên tắc cũng như trong hành động.”15 Một phần cũng bị tác động bởi các hoạt động chính trị, hiện tại, lúc này lòng dân ý Đảng là một khối thống nhất, các tôn giáo cùng tất cả các tầng lớp nhân dân đều chung tay tham gia vào công cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp giải phóng dân tộc. Ảnh hưởng bởi công tác tổ chức của các đoàn thể, tổ chức Đảng sinh hoạt tại các chùa đã tác động rất lớn đến cung cách sinh hoạt của các hội đoàn Phật giáo.
Tuy nhiên, nhu cầu cấp thiết này chỉ được đặt ra và tiến hành có hiệu quả sau hội nghị lần thứ nhất của Phật giáo thế giới tại Colombo (thủ đô Sri Lanka), từ ngày 25-5-1950 đến 8-6-1950, thành lập “Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới” (World Fellowship of Buddhists). Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới là một tổ chức Phật giáo quốc tế. Được khởi xướng bởi Gunapala Piyasena Malalasekera- một học giả và nhà ngoại giao người Sri Lanka nổi tiếng với cuốn Từ điển Anh - Sinhala Malalasekara. Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới được thành lập vào năm 1950 bởi các đại diện từ 27 quốc gia, trong đó có Việt Nam (năm 1950, ban lãnh đạo “Hội Phật giáo Tăng già Bắc Việt” đã đề cử Hòa thường Tố Liên, Ni trưởng Thích Đàm Thảo cùng phái đoàn,… đi dự hội nghị thành lập Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới tại Sri Lanka). Trụ sở chính của tổ chức đặt tại Thái Lan và có khoảng 140 trung tâm Phật giáo địa phương được đặt trên khắp thế giới tại 35 quốc gia, bao gồm các quốc gia Phật giáo truyền thống của châu Á cũng như các quốc gia phương Tây như Hoa Kỳ, Australia và một số quốc gia của châu Âu và châu Phi. Trong đó Việt Nam là một trong những trung tâm Phật giáo địa phương (thành viên chính thức). Nói cách khác, bên cạnh một số điều kiện thuận lợi khách quan đương thời, có thể khẳng định, Hội nghị Phật giáo thế giới lần đầu tiên là cú hích quan trọng trong việc xúc tiến thành lập một tổ chức chung của Phật giáo Việt Nam.16
Mục đích của Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới nhằm thúc đẩy các thành viên tuân thủ nghiêm túc và thực hành lời dạy của đức Phật; đảm bảo sự thống nhất, đoàn kết và tình huynh đệ giữa các Phật tử; tuyên truyền giáo lý của đức Phật; tổ chức và thực hiện các hoạt động trong lĩnh vực xã hội, giáo dục, văn hóa và các hoạt động nhân đạo khác; hoạt động vì hạnh phúc, hòa hợp và hòa bình trên trái đất và cộng tác với các tổ chức khác hoạt động vì cùng mục đích.
Hiến chương của Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới có đoạn: “Mỗi trung tâm điểm địa phương được lập nhiều chi nhánh hay thâu lập nhiều tổ chức trong phạm vi địa hạt của mình, và nhận làm hội viên từng cá nhân một hay toàn một tổ chức… Bất luận Tăng già hay cư sĩ tại gia đều được xin gia nhập làm hội viên của trung tâm điểm địa phương… Tổng hội có thể lập những trung tâm điểm địa phương ở các nước khác hay là công nhận một tổ chức hiện hữu nào đó là trung tâm điểm địa phương của một nước nào đó, nếu xét là hợp nghi, nhưng mỗi nước không được có hai trung tâm điểm địa phương”.17
Sau khi trở về Việt Nam, Hòa thượng Tố Liên với tư cách là Trưởng đoàn Phật giáo Việt Nam, thành viên sáng lập Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới, Ngài đã tích cực lên kế hoạch xây dựng tổ chức nhiều hoạt động để từng bước tạo sự liên kết giữa các hội đoàn trong cả nước, tiến tới hợp nhất thành một tổ chức Phật giáo. Ngày 9-12-1950 (tức ngày 2 tháng 11 năm Canh Dần), nhân ngày giỗ Điều ngự Giác hoàng - Đệ nhất Tổ Trúc Lâm, các Hòa thượng đã mời các Tăng Ni và các nhà trí thức tới chùa Quán Sứ, Hà Nội để làm lễ và thảo luận về việc thành lập Trung tâm điểm Phật giáo thế giới tại Việt Nam theo như tinh thần của Hiến chương của Hội Liên hữu Phật giáo thế giới năm 1950 tại Sri Lanka. Sau khi bàn thảo kỹ lưỡng, để công việc thống nhất Phật giáo toàn quốc được diễn ra thuận lợi, hội nghị quyết định thành lập Tiểu ban Nghiên cứu về Điều lệ. Trưởng tiểu ban là Hòa thượng Phạm Đức Nhuận, hội viên gồm: Hòa thượng Phạm Gia Thụy, Phan Huy Quát, Tam Lang, Mai Ngọc Thiệu, Vũ Như Trác, Lê Văn Thu và Viên Quang.18 Sau đó, Hòa thượng Tố Liên đã cho xây dựng văn phòng Trung tâm Địa phương Việt Nam đặt trụ sở tại chùa Quán Sứ. Nhân mùa Phật đản năm 1951 Ngài đã cho treo lá cờ ngũ sắc làm lá cờ Phật giáo lần đầu tiên tại chùa Quán Sứ.
Trong hội nghị của Hội Tăng già Bắc Việt trên cương vị là hội trưởng Hòa thượng Tố Liên đã có bài phát biểu: “Vì phải theo với mục đích Hội Phật giáo quốc tế là thống nhất lực lượng Phật giáo theo đà tiến triển thì phải thống nhất lực lượng từng xứ sở sẽ lại đi đến thống nhất toàn quốc để gia nhập cơ quan thống nhất Phật giáo quốc tế.”19
Ngày 20-11-1950, ông Nguyễn Văn Khỏe đại diện hội Phật học Nam Việt ở Nam kỳ (năm 1951 đổi tên thành Giáo hội Tăng già Nam Việt), đã gửi thư cho Hòa thượng Tố Liên để đồng ý với chủ trương thống nhất các tổ chức Phật giáo ở ba miền thành một khối thống nhất. Sau đó, Hội Việt Nam Phật học Trung Việt cũng đã gửi thư tới Hòa thượng Tố Liên để bàn bạc cho công cuộc hợp nhất các tổ chức Phật giáo.
Bên cạnh đó Thủ hiến Bắc Việt - đại diện chính quyền thực dân Pháp ở ở Hà Nội tạm chiến đã gửi thư đến Hòa thượng Tố Liên, trong đó có nội dung: “Trân trọng đa tạ Thượng tọa và xin Thượng tọa biết cho rằng các cơ quan chính phủ vẫn sẵn lòng ủng hộ trong mọi trường hợp và về mọi phương diện các hội tôn giáo theo đuổi mục đích hướng dẫn dân chúng theo chính đạo.”20 Những sự kiện trên cho thấy việc hợp nhất các tổ chức Phật giáo ở Việt Nam không là niềm mong mỏi của hàng Tăng sĩ, cư sĩ Phật tử trên cả nước.
3.2. Thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam năm 1951
Nhận thấy thời cơ đã chín muồi, ngày 6-5-1951, năm mươi mốt đại biểu của sáu tổ chức Phật giáo ở Nam bộ, Trung bộ và Bắc bộ gồm: Phật giáo Tăng già Bắc Việt, Việt Nam Phật giáo (Bắc bộ), Giáo hội Tăng già Trung Việt, Việt Nam Phật học (Trung bộ), Giáo hội Tăng già Nam Việt và Hội Phật học Nam Việt (Nam bộ)21 đã họp hội nghị tại chùa Từ Đàm, Huế đã quyết định Thống nhất Phật Giáo toàn quốc Việt Nam. Sáu tổ chức Phật giáo này đã hợp thành Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Đây được coi là cuộc vận động đoàn kết Phật tử đầu tiên tại Việt Nam, lấy ngày Phật đản làm ngày kỷ niệm thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam và bầu Hòa thượng Thích Tịnh Khiết chùa Tường Vân làm người đứng đầu Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Văn phòng Tổng hội đặt tại chùa Từ Đàm, Huế.22
Kết thúc Hội nghị đã thông qua bản Tuyên Ngôn “Bánh xe Phật pháp xoay vần trên khắp quốc độ Việt Nam đến nay đã gần hai mươi thế kỷ. Nhân tâm, phong tục, văn hóa, chính trị trong nước đều đã chịu ảnh hưởng rất sâu xa của Phật giáo. Tăng đồ và thiện tín từ Bắc vào Nam, một lòng quy ngưỡng đức Điều Ngự Thích-ca Mâu-ni, sống trong tinh thần từ bi hỷ xả và luôn luôn lo toan xây dựng hòa bình. Nhưng sự đời không hòa nhịp với lòng mong mỏi; hoàn cảnh trước đây đã chia ranh giới ba phần nên Phật sự cũng phải tùy duyên mặc dầu Phật pháp vẫn bất biến. Sự tướng mỗi phần mỗi khác, làm cho mặt bàng quan xem như có điều chia rẽ. Nay cơ duyên thuận tiện, Phật giáo Việt Nam phải được thống nhất. Hơn nữa, họa chiến tranh đang gieo rắc khắp nơi, nhân loại đương lâm vào cảnh lầm than phiền não. Chính là lúc đạo từ bi và vô thượng phải đem nước Cam Lộ mà rưới tắt lửa sân si để xây dựng cảnh hòa bình cho nhân loại.”23
Mặc dù được thành lập vào năm 1951, Tổng hội Phật giáo Việt Nam bị thực dân Pháp tìm cách phá hoại (mãi đến ngày 8-7-1953 Chính quyền vùng tạm chiếm mới ký nghị định số 45MI/ĐDP chính thức công nhận và cho phép Tổng hội Phật giáo Việt Nam được hoạt động). Do đó trên thực tế, hoạt động của Tổng hội Phật giáo Việt Nam chỉ giới hạn trong các tự viện. Vì vậy, vào tháng 9 năm 1952, đại biểu Tăng đoàn cả ba miền đã tổ chức đại hội tại chùa Quán Sứ, Hà Nội thành lập Giáo đoàn Tăng già Phật giáo toàn quốc với mục đích giúp Tổng hội Phật giáo Việt Nam thống nhất lãnh đạo các hoạt động Phật giáo và tạo mối quan hệ với các tổ chức Phật giáo trên toàn thế giới, trong đó có Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới với Việt Nam với tư cách là một trong những nước sáng lập. Hòa thượng Thích Huệ Tạng làm Trưởng ban, Hòa thượng Thích Trí Hải làm Trưởng ban điều hành, Hòa thượng Thích Tố Liên làm Tổng thư ký.
Sự ra đời của Tổng hội Phật giáo Việt Nam năm 1951 đáp ứng được nguyện vọng của tín đồ Phật giáo về một nền Phật giáo Việt Nam Thống nhất: “Phật giáo Việt Nam thống nhất Bắc, Trung, Nam từ đây, một lòng chúng ta đứng lên vì đạo thiêng. Nào cùng vui trong ánh đạo vàng rạng ngời bốn phương, vang ca đón chào Phật giáo Việt Nam.”24 Tổng hội Phật giáo Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập của Tổng hội Phật giáo Thế giới, thành lập năm 1950 tại Colombo (Sri Lanka) và đã cử đại biểu đi tham dự tất cả các khóa họp của Tổng hội Phật giáo Thế giới.
Phong trào thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam năm 1951 có ý nghĩa đặc biệt quan trong, phong trào này đã thống nhất được các tổ chức Phật giáo ở Việt Nam. Phong trào này là dấu mốc quan trọng để Phật giáo Việt Nam - với vai trò “Hộ quốc an dân”, tiếp bước cùng dân tộc trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước. Phong trào thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam được ví như một cuộc cách mạng về Phật giáo ở Việt Nam.
IV. TỔNG KẾT
Phong trào thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam ra đời trong bối cảnh từ nửa đầu thế kỷ XX, hàng loạt các tổ chức Phật giáo ra đời ở Việt Nam. Sau ba mươi năm mong mỏi ở cả ba miền, đến năm 1951, nhận thấy thời cơ đã chín muồi, sáu tổ chức Phật giáo ở Việt Nam đã hợp lại để lập ra Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Sự thống nhất này tuy chưa được triệt để vì một số vùng miền của đất nước vẫn còn dưới sự thống trị của thực dân Pháp, nhưng đây là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam các giai đoạn kế tiếp.
ThS. Nguyễn Đắc Tùng Nghiên cứu viên phòng Nghiên cứu Lịch sử - Văn hóa, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Tham luận tại hội thảo về chủ đề: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước” vào ngày 04-11-2021 tại Tp.HCM **** CHÚ THÍCH 1 Hội Phật học Lưỡng Xuyên: Hương sắc trường xưa, Thích Nữ Đàm Thanh (2014), HTTP:// PHAPLUAN.VN. 2 Thiền sư Khánh Hòa và công cuộc vận động ở Nam kỳ, http://cusi.free. 3 Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận (1992) , Nxb Văn học, Hà Nội, tr. 714. 4 Thích Thiện Hoa (2009), 50 năm (1920-1970) Chấn hưng Phật giáo Việt Nam, tr. 33. 5 Nguyễn Lang, sđd, tr. 616. 6 Nguyễn Lang, sđd, tr. 729-730. 7 Nguyễn Lang, sđd, tr. 723. 8 “Các tổ chức Phật giáo trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam trước năm 1945”, Dương Thanh Mừng, Tạp chí nghiên cứu tôn giáo, số 5/2015, trang 54. (https://thuvienhoasen.org). 9 Huệ Quang (2015), Tạp chí Đuốc Tuệ, , https://thuvienhuequang.vn. 10 Nguyễn Lang, sđd, tr. 737-738. 11 “Hội Phật giáo Trung Quốc” (1936), Tiếng chuông sớm, số 15, tr. 6. 12 Buddhism in the Soviet Union: Annihilation or Survival, Hans Braker, https://biblicals- tudies.org. 13 Dương Thanh Mừng (2017), Sự hình thành các tổ chức Phật học trong phong trào Chấn hưng Phật giáo ở miền Nam Việt Nam (1931-1951), Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 12/2017, tr. 15. (https://vjol.info.vn). 14 Dương Thanh Mừng (2017), tlđd. 15 Dương Thanh Mừng (2017), tlđd. 16 Chương xxxiv, Chùa Quán Sứ ở Bắc Việt (2010), https://thuvienhoasen.org. 17 Phương Tiện, số 30, mùng 1 tháng 10 năm Canh Dần (1950), tr. 26. 18 Lê Tâm Đắc (2012), Hòa thượng Thích Tố Liên với sự thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam năm 1951, https://thuvienhoasen.org. 19 Lê Tâm Đắc (2012), sđd. 20 Lê Tâm Đắc (2012), sđd. 21 Quang Mai (2021), Bản Tuyên Ngôn thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam (1951), https://thuviengdpt.info. 22 Chương xxxiv, Chùa Quán Sứ ở Bắc Việt (2010), https://thuvienhoasen.org. 23 Nguyễn Lang, sđd, tr. 750. 24 Nguyễn Lang, sđd, tr. 751.TÀI LIỆU THAM KHẢO
Nguyễn Lang (1992), Việt Nam Phật giáo sử luận, tr. 616, 714, 723, 729, 730, 737, 738, 750, 751. Buddhism in the Soviet Union: Annihilation or Survival, Hans Braker, https://biblicalstudies.org. “Hội Phật giáo Trung Quốc” (1936), Tiếng Chuông sớm, số 15, tr. 6. Chương xxxiv, Chùa Quán Sứ ở Bắc Việt (2010), https:// thuvienhoasen.org. Huệ Quang (2015), Tạp chí Đuốc Tuệ, https://thuvienhuequang.vn. Dương Thanh Mừng, “Các tổ chức Phật giáo trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam trước năm 1945”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 5/2015, tr. 54. (https://thuvienhoasen.org). Dương Thanh Mừng (2017), Sự hình thành các tổ chức Phật học trong phong trào Chấn Hưng Phật giáo ở miền Nam Việt Nam (1931-1951), Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 12/2017, tr. 15. (https://vjol.info.vn). Lê Tâm Đắc (2012), Hòa thượng Thích Tố Liên với sự thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam năm 1951, https://thuvienhoasen.org. Phương Tiện, số 30, mùng 1 tháng 10 năm Canh Dần (1950), tr. 26. Quang Mai (2021), Bản Tuyên Ngôn thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam (1951), https://thuviengdpt.info. Thích Nữ Đàm Thanh (2014), Hội Phật học Lưỡng Xuyên: Hương sắc trường xưa, HTTP://PHAPLUAN.VN. Thích Thiện Hoa (2009), 50 năm (1920-1970) Chấn hưng Phật giáo Việt Nam, tr. 33. Thiền sư Khánh Hòa và công cuộc vận động ở Nam kỳ, http://cusi.free. Tính ưu việt của công cuộc thống nhất Phật giáo Việt Nam (2021), https://phatsumienbac.vn.
Bình luận (0)