Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện nay số lượng chuông đồng đúc dưới thời Tây Sơn hiện còn tồn tại là 20 quả. Điều này góp phần minh chứng Bắc Ninh là địa phương có mật độ phân bố chuông thời Tây Sơn khá “đậm đặc” so với các tỉnh khác trên vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ.
Tác giả: Nguyễn Văn An Bảo tàng Bắc Ninh
Chùa làng Quan Đình xưa thuộc tổng Mẫn Xá, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (nay thuộc xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). Chùa có niên đại khởi dựng từ lâu đời, sang thời Lê Trung Hưng được mở rộng với quy mô to lớn gồm nhiều hạng mục công trình kiến trúc cùng hệ thống tượng Phật đồ sộ. Trong đó đặc biệt giá trị nhất là quả chuông đồng đúc dưới đời vua Cảnh Thịnh triều Tây Sơn hiện còn bảo lưu tại di tích cho đến tận ngày nay.
Chùa làng Quan Đình còn có tên chữ là “Kim Cương tự”, chùa nằm chung khuôn viên với đình làng, mặt chính hướng Tây Nam, toàn bộ công trình kiến trúc hiện nay gồm các hạng mục chính như: Tam quan, Tam bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu... Toà Tam bảo là công trình khá đồ sộ có mặt bằng kiến trúc hình chữ Đinh là sự liên kết của 7 gian Tiền đường và 3 gian Thượng điện. Bộ khung chịu lực làm bằng gỗ tứ thiết, liên kết giữa các bộ vì kèo kết cấu theo kiểu “con chồng giá chiêng”, “tiền bẩy hậu bẩy”. Nghệ thuật chạm khắc tập trung chủ yếu ở hệ thống bẩy tiền trang trí họa tiết hoa văn mây lửa mang phong cách nghệ thuật thời Lê - Nguyễn.
Chùa làng Quan Đình hiện còn lưu giữ được nhiều di vật cổ có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa và mỹ thuật, tiêu biểu như: Hệ thống tượng Phật phong phú, đa dạng chất liệu bằng gỗ sơn son thếp vàng, phần lớn có niên đại thời Nguyễn. Các bức đại tự, câu đối, hương án gỗ, nồi hương gốm sứ, nồi hương đồng...
Giá trị nhất là quả chuông đồng “Kim Cương thiền tự”, đúc vào năm 1794 dưới thời Tây Sơn hiện đang treo tại tam quan chùa Kim Cương. Chuông màu xanh gỉ đồng có kích thước khá lớn cao toàn bộ 105cm (riêng quai cao 26cm), đường kính miệng 56cm, chu vi thân 147cm. Quai chuông là một đôi bồ lao đấu lưng vào nhau 4 chân ôm lấy thân chuông, đuôi hướng lên phía trên đỡ quả hồ lô. Bồ lao có đầy đủ các bộ phận như: râu, tóc, sừng, đao lửa, miệng há rộng ngậm ngọc, thân và chân có vẩy. Vai chuông hơi vuông, thân phình, miệng loe rộng, gờ miệng giật cấp bề mặt để trơn không trang trí. Toàn thân chuông chia làm 8 ô (4 trên, 4 dưới), ngăn cách giữa các ô là những đường chỉ nổi (gân chuông) gồm 5 đường ngang và 5 đường dọc, đường ở giữa to hơn hai đường bên cạnh. Xung quanh thân chuông (vị trí đường gân ngang) có 4 núm đánh đối xứng nhau hình tròn nổi cao, đường kính 11,5cm, mỗi núm đính 22 hạt tròn.
Trên vai chuông khắc chìm 4 chữ Hán lớn: ‘‘Kim Cương thiền tự’’ có nghĩa là: chuông chùa Kim Cương. Ngoài ra trên thân chuông khắc bài minh chữ Hán, tất cả khoảng hơn 200 chữ, kiểu chữ chân phương còn rất rõ nét. Nội dung toàn bộ bài minh dịch vu seo như sau: “Bài minh ghi chép hoàn thành việc đúc chuông chùa Kim Cương.
Từng nghe! Từ khi đức Phật Giác Hoàng cầu hiền đã lưu truyền sự tích thánh Không Lộ cùng sự tích An Nam tứ khí trên đất Việt ta. Trong chùa âm thanh của chuông được tôn trọng làm pháp hiệu để thỉnh đức Phật cứu giúp cõi trần tục. Nghe thấy âm thanh của chuông là để giác tỉnh, tu niệm, hạnh ngộ được nhân tâm. Công việc đúc chuông được hoàn thành thuận lợi nhờ vào sự kết hợp hài hòa giữa lòng người, tiền của, công sức, tất cả mọi việc đều được an toàn, đến khi xong việc lại thiết đàn cáo tế sự đã thành. Đức Phật, thánh thần phù trì, âm dương soi xét nên việc nấu đồng đúc chuông đã hoàn thành viên mãn đến vạn cổ còn tồn tại, thiên thu vững bền phúc ấm, người người được hưởng vui mừng phồn thịnh.
Nghe rằng các vị Quan viên, Sắc mục, Trùm trưởng cùng toàn thể lớn bé trên dưới tại hai thôn Phù Xá, Nghiêm Xá, xã Lan Đình, huyện Đông Ngàn cùng hưng công đúc chuông. Trụ trì bản tự Chiếu Đăng hưng công đúc chuông. Vũ phần Đội trưởng Đông Minh hầu người huyện Đông Ngàn hưng công đúc chuông và các vị Thái ông, Lão bà, Thiện nam, Tín nữ cùng hưng công đúc chuông”. Phần cuối là dòng lạc khoản cho biết chuông được đúc vào ngày 17 tháng 3 năm Cảnh Thịnh 2 (1794).
Tóm lại quả chuông đồng đúc vào năm 1794 ở chùa làng Quan Đình là một di vật cổ quan trọng đóng góp cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về loại hình chuông đồng đúc vào Triều Tây Sơn (1788 - 1802) còn bảo lưu được đến ngày nay.
Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện nay số lượng chuông đồng đúc dưới thời Tây Sơn hiện còn tồn tại là 20 quả. Điều này góp phần minh chứng Bắc Ninh là địa phương có mật độ phân bố chuông thời Tây Sơn khá “đậm đặc” so với các tỉnh khác trên vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ.
Tác giả: Nguyễn Văn An Bảo tàng Bắc Ninh
Bình luận (0)