Sát sinh là cướp đi mạng sống của con người hoặc loài vật. Người đời thường có câu “vật dưỡng nhân” với tư tưởng con vật sinh ra là để phục vụ nhu cầu ăn uống cho con người, dẫn đến họ xem việc sát sinh, cướp đi mạng sống của loài vật là chuyện bình thường.
Tác giả: Tổ tư vấn Tạp chí Nghiên cứu Phật học
Câu hỏi: Tôi làm nghề bán hàng cơm bình dân, hàng ngày các đầu mối chở rau, thịt, tôm, cá đến cho tôi vào sáng sớm. Gia đình tôi rất khó khăn, vợ bại liệt, 3 đứa con còn đang tuổi đi học. Tôi không học hành bằng cấp gì, nghỉ học từ sớm.
Dạo gần đây tôi thường nghe nói về nhân quả nhà Phật, mọi người cũng khuyên từ bỏ nghề bán cơm chuyển sang hình thức buôn bán khác vì như vậy là sát sinh, sau này tôi và các con tôi sẽ bị đày xuống địa ngục và phải làm súc sinh, khi chết rất khó coi. Xin hỏi quý báo như vậy có đúng không, tôi nên làm thế nào?
(email: chienthang123…@gmail.com)
Xin chào bạn! Cám ơn thư của bạn.Trước hết, chúng ta cần hiểu đúng thế nào là sát sinh?
Sát sinh là cướp đi mạng sống của con người hoặc loài vật. Người đời thường có câu “vật dưỡng nhân” với tư tưởng con vật sinh ra là để phục vụ nhu cầu ăn uống cho con người, dẫn đến họ xem việc sát sinh, cướp đi mạng sống của loài vật là chuyện bình thường. Nhưng đằng sau đó là những hậu quả khó lường. Có một bài kệ như sau: “Xưa nay trong một bát canh Oán sâu như bể hận thành non cao Muốn hay nguồn gốc binh đao Lắng nghe lò mổ tiếng gào đêm thanh”. Sát sinh không phải là một hành động bình thường của một con người lương thiện. Với đạo Phật luôn xem trọng sinh mạng của chúng sinh là bình đẳng kể cả người hay vật thì góc độ của sát sinh thật tàn nhẫn. Mỗi chúng ta, những loài hữu tình có cảm xúc và cảm giác đều ham sống sợ chết, sợ đau sợ khổ thì với những loại vật cũng vậy, chúng cũng có cảm giác sợ hãi, đau đớn và sân hận khi bị cướp đoạt mạng sống. Thế nhưng nhu cầu ăn uống, ham ăn ngon, ăn lạ đã che lắp trí tuệ, khiến chúng ta trở nên tàn nhẫn. Sát sinh và những hậu quả sát sinh: Đức Phật đã đưa tội sát sinh vào giới cấm thứ nhất trong ngũ giới, nghĩa là Ngài đã thấy hậu quả khôn lường của việc sát sinh hại vật. Ngày nay cũng thế, các giới khoa học chứng minh về tác hại sức khỏe của việc ăn thịt động vật cũng như ô nhiễm môi trường từ các lò mổ thải ra. Xưa nay người ta vẫn coi việc giết hại sinh linh – đặc biệt là giết hại những súc vật lớn là điều tối kỵ. Trong dân gian có câu: “sinh nghề tử nghiệp”, có người nói chữ “nghiệp” ở đây không chỉ có hàm ý biểu thị nghề nghiệp mà còn có hàm ý là chỉ nghiệp lực (ác nghiệp), mà họ gây ra trong chính cái nghề mà mình đang làm, xem ra cũng không phải là không có lý!Trên thực tế, chưa có tài liệu nào chứng minh rằng việc bán cơm bình dân sẽ khiến người bán bị đọa này, đọa kia hay sau khi chết là đọa làm súc sinh. Bạn cũng không phải người trực tiếp giết hại động vật mà là gián tiếp vì có cầu mới có cung, bạn đặt hàng người ta bán, việc làm của bạn chỉ là gián tiếp gây nên cái chết cho động vật, gia cầm.
Đạo Phật khuyên người con Phật tại gia giữ gìn 5 giới trong đó có “không sát sinh” và những hậu quả khi giết hại, làm tổn hại tới sinh mạng một ai đó, con vật nào đó dù là trực tiếp hay gián tiếp, nhưng đạo Phật không chỉ rõ sau khi lìa đời con người đó sẽ như thế nào.
Đạo Phật cũng là đạo từ bi, xét thấy ở đây bạn cần mưu sinh, nuôi dưỡng con cái,…việc bạn bán hàng cơm là cộng nghiệp, chứ không trực tiếp tạo nên nghiệp sát, vì đó đều đã được làm sẵn và giao đến cho bạn, tức là bạn có liên hệ trong tương quan cộng nghiệp.
Vậy thì nếu cũng là phật tử tu tại gia để thực hành theo đúng giáo pháp của đức Phật, bạn nên cân nhắc về việc chuyển đổi sang hình thức bán thực phẩm chay. Xu hướng bán đồ chay hiện tại đang rất được ưa chuộng, bạn có thể kết hợp với việc mưu sinh và những việc làm hiếu đức để tạo phước, xây dựng thiện nghiệp.
Chúng tôi nghĩ rằng, người phật tử luôn phát huy trí tuệ và từ bi để tìm một nghề mưu sinh thích hợp với hoàn cảnh và khả năng của mình. Không chạy theo lợi nhuận mà bất chấp tất cả nhưng cũng không quá cứng nhắc, không dám làm gì vì thấy nghề nào cũng có tội. Bởi “không dám làm gì” thì sẽ dẫn đến túng thiếu, mà túng thiếu lại có thể tạo ra vô số tội nghiệp khác trong tương quan khác.Chúc bạn tinh tấn!
Tác giả: Tổ tư vấn Tạp chí Nghiên cứu Phật học
Tài liệu tham khảo: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam
Bình luận (0)