Hỏi: Sau khi chết nên chôn hay thiêu thì phù hợp với quan niệm của đạo Phật?
Trả lời của Sa môn Thích Quang Hạnh Trụ xứ Diễn Lâm, Diễn Châu, Nghệ An
Trả lời: Vạn pháp được sinh ra và biến diệt đều xảy ra trong các thế giới quan trật tự của guồng máy nhân quả, trong ba giới, bốn loài, loài hữu tình hay loài vô tình, nhân tưởng hay hữu tưởng, chúng đều có quy luật sinh diệt của chúng trong thế giới quan của chúng.
Chúng sinh nào được sinh ra từ môi trường nghiệp nhân quả nào thì chúng tự sinh diệt trong môi trường nhân quả ấy, loài được sinh ra từ môi trường nghiệp nhân quả ở trong môi trường của nước thì chúng tự sinh diệt trong môi trường nghiệp nhân quả của nước, chúng sinh nào được sinh ra từ môi trường nghiệp nhân quả trên cạn thì chúng tự sinh diệt trong môi trường nghiệp nhân quả trên cạn, chúng sinh được sinh ra từ môi trường nghiệp nhân quả trong đất thì chúng tự sinh diệt trong môi trường nghiệp nhân quả trong đất, chúng sinh nào được sinh ra từ môi trường nghiệp nhân quả trong rừng sâu thì chúng tự sinh diệt trong môi trường nghiệp nhân quả trong rừng sâu, chúng sinh nào sinh ra từ môi trường trên cao thì chúng tự sinh diệt trong môi trường nghiệp nhân quả ở trên cao,...
Qua đó, chúng ta thấy được rằng chuyện sinh diệt (sống và chết) của vạn pháp cũng được thiết lập một cách rất logic không sai lệch một pháp nào, năm thủ uẩn của mỗi loài cũng đều được thiết lập trong năm thế giới quan của mỗi thức (sắc thức, thọ thức, tưởng thức, hành thức và ý thức), do năm thủ uẩn này tạo ra thế giới quan cộng trú tương ưng với môi trường nghiệp của chúng.
Mỗi loài đều có môi trường sống riêng biệt, không có môi trường sống nào mà giống môi trường sống nào! Môi trường sống của noãn sinh khác với môi trường sống của thai sinh, môi trường sống của thai sinh khác với môi trường sống của thấp sinh, môi trường của thấp sinh khác với môi trường sống của hóa sinh, môi trường sống của dục giới khác với môi trường sống của sắc giới, môi trường sống của sắc giới khác với môi trường sống của vô sắc giới.
Yếu tố của môi trường nhân sinh quan (con người) cũng là một trong những môi trường sống trong thế giới quan và vũ trụ quan, môi trường sống trong càn khôn vũ trụ quan này đều như nhau và đều vô ngã, nó không có giá trị gì để bàn luận về sinh diệt.
Sự sinh diệt của con người có khác gì sự sinh diệt của muôn loài hữu tình, sự sinh diệt của loài hữu tình có khác gì sự sinh diệt của loài vô tình, sự sinh diệt của loài vô tình có khác gì sự sinh diệt của loài có sự sống và sự sinh diệt của loài có sự sống có khác gì sự sinh diệt của vạn vật không có sự sống, cho nên trong thế giới quan hạn hẹp này, dưới góc nhìn hiểu biết của chúng ta khi nghĩ về sự sinh diệt (sống và chết) cũng chỉ là khái niệm, cũng chỉ là một tư duy của tưởng tri.
Thời đức Phật và cũng như ngay thời hiện tại, đất nước và con người Ấn Độ vì quốc độ ấy có quá nhiều tôn giáo và tín đồ cực đoan, cho nên cũng hình thành nên những tư duy khác biệt, cục bộ của mỗi tôn giáo ấy khi bàn luận về sự sinh diệt.
Xuất phát từ quan điểm về giai cấp phân biệt nên tạo ra các hệ ý thức sinh diệt cũng không đồng nhất. Quan điểm để giải quyết vấn đề sinh diệt của người Ấn Độ thời đức Phật cũng như thời hiện tại, họ có bốn cách để giải quyết mai táng, thứ nhất là địa táng, thứ hai là hoả táng, thứ ba là lâm táng, thứ tư là thủy táng.
Bốn cách mai táng này xuất phát từ các tư duy của các tôn giáo thời xa xưa trước lúc đức Phật Đản sinh, lúc bấy giờ các tôn giáo của Bà la môn đều có chung một quan điểm là thế giới đang hiện hữu là một thế giới Tiểu ngã trong một thế giới của Đại ngã, chúng được nuôi dưỡng và sinh ra từ tứ đại "Đất, Nước, Gió và Lửa". Bốn đại này có sức mạnh không thể có pháp nào có thể kháng cự, cho nên các tôn giáo Bà la môn ấy xem bốn đại như bốn vị thần" tứ thiên vương", các tôn giáo Bà la môn ấy ra đời để tôn thờ các vị thần linh ấy hầu mong để được bình an, trong đó có đạo thờ Bái hỏa (thờ lửa) trong kinh Nikaya có nói đến.
Bà la môn tôn thờ một trong những các vị thần (Đất, nước, gió, lửa) ấy mà họ hình thành nên niềm tin và tư duy rằng khi chết đi phải mai táng sao cho linh hồn của người đã chết được vị thần linh mà họ tôn thờ ấy sẽ tiếp dẫn vong linh về thế giới của Đại ngã, tín đồ hay tôn giáo nào tin theo vị thần Địa linh thì chọn địa táng để được vị thần linh ấy đưa về thế giới của đại ngã, tín đồ hay tôn giáo nào tin theo vị thần Thủy linh thì chọn thủy táng để được vị thần ấy tiếp dẫn về với đại ngã, tín đồ hay tôn giáo nào tin theo vị thần Phong linh thì chọn lâm táng để được vị thần linh ấy tiếp dẫn về với thế giới đại ngã, tín đồ hay tôn giáo nào tin theo vị thần Hỏa linh thì chọn Hoả táng để được vị thần linh ấy tiếp dẫn về với thế giới đại ngã.
Phong tục tạo nên ý thức hệ của mỗi tín đồ tôn giáo ấy đã truyền thừa cho đến thời điểm Thế Tôn ra đời và cũng cho đến thời hiện tại có một số vùng dân tộc kém văn minh họ vẫn còn bị ảnh hưởng bởi các luồng tư tưởng thần quyền, còn tin vào các Thần linh thì họ vẫn còn giữ các hình thức mai táng này kể cả đất nước Ấn Độ hiện thời.
Nhưng tại sao vào thời đức Phật, Thế Tôn hay các đệ tử của Ngài thường chọn cách hoả táng để giải xác thân sau khi chết?
Ở đây có hai luồng trí tuệ được Thế Tôn hướng đến để tư duy đó là "giải quyết môi trường và tạo ra môi trường", bởi vì Thế Tôn biết như thật rằng" vạn pháp được sinh khởi trong môi trường, sống trong môi trường và hủy diệt về với môi trường" cho nên Thế Tôn thấu triệt về vấn đề môi trường.
Thứ nhất chúng ta bàn luận về "giải quyết môi trường". Khi Thế Tôn quan sát về thế giới quan là Ngài nghĩ ngay đến môi trường sống, bởi vì thế giới quan sẽ tương tác và đồng nhất với môi trường nghiệp lực hấp dẫn của mỗi ý thức lực hấp dẫn của mỗi loài để kiến tạo nên môi trường sinh diệt của mỗi loài ấy trong đó có loài người. Người có trí tuệ là người biết tạo nên môi trường thanh tịnh vì chính môi trường thanh tịnh này được tạo nên bởi ý thức lực thanh tịnh, ý thức lực thanh tịnh hấp dẫn sẽ tương đồng và tạo ra thế giới quan thanh tịnh, nhờ vào thế giới quan thanh tịnh này mà làm cho môi trường thời tiết cũng được ôn hòa. Chỉ có lửa là đại duy nhất mới giải quyết triệt để các chất tạo nên bất tịnh, ngoài ra ba đại nước, gió và đất không có khả năng làm trong sạch môi trường một cách triệt để, cho nên Thế Tôn không chấp nhận ba đại ấy mà chỉ chọn Hỏa đại để giải quyết xác thân?
Vấn đề thứ hai chúng ta bàn luận về "tạo ra môi trường"! Vậy Thế Tôn tạo ra môi trường gì? Đó là môi trường giải thoát, chúng ta nên nhớ khi xác thân ta tan rã thì năm thủ uẩn cũng tan rã, khi năm thủ uẩn tan rã thì bản chất tứ đại cũng tan biến để nó trở về với tứ đại của vạn pháp, vì vạn pháp được sinh khởi bởi tứ đại của vũ trụ của vạn pháp của vô ngã pháp, như vậy khi ngũ uẩn tan rã thì tứ đại của xác thân tan rã, địa đại là (xác thân) tan rã, thủy đại là (nước trong thân) tan rã, phong đại là (hơi thở) tan rã, hoả đại là (hơi nóng) tan rã.
Khi khi tứ đại xác thân tan rã thì năm thủ uẩn biến mất không còn pháp nào hiện hữu, sự sống hiện tại hết duyên nhân quả. Ở đây có một vấn đề mà trí tuệ tư duy của Thế Tôn được khởi lên, khi năm thủ uẩn tan rã! Vậy uẩn nào là uẩn có quy trình tan rã xảy ra lâu dài hơn? Đó là sắc uẩn! Khi tiến trình tan rã của sắc uẩn diễn lâu dài thì đồng nghĩa với năm thủ uẩn của nhân sinh quan chưa đồng nhất với thế giới quan và cũng như vũ trụ quan, như vậy Thế Tôn thật tri rằng duyên nghiệp lực hấp dẫn chưa thể tương đồng với thế giới vô ngã pháp chỉ vì một uẩn chưa hoàn toàn tan rã. Chúng ta cũng biết rằng Thế Tôn kể về sắc uẩn như sau: "này các Tỳ kheo, cái gì thuộc về sắc, đây là móng tay, móng chân, đây là râu tóc, đây là xương cốt, đây là da thịt, đây là răng, đây ruột non ruột già, đây là tìm, đây là phổi, đây là dạ dày,...".
Như vậy, qua đó cho chúng ta thấy rằng đối với sắc uẩn cái gì làm cho tiến trình tan rã lâu dài, đó là móng tay móng chân, đó là râu tóc, đó là xương cốt, đó là răng, các yếu tố các pháp này làm cho sự tiến trình tan rã diễn ra bị trì trệ. Vậy để cho các yếu tố các pháp ấy được tan rã nhanh chóng thì chỉ có hỏa đại mới giải quyết triệt để và nhanh nhất ngõ hầu đưa đến sự đồng nhất với ngũ uẩn thế giới quan và ngũ uẩn vũ trụ quan, giúp cho quá trình của một pháp trong vạn pháp trở về với bản thể vô ngã.
Ghi chú: Những trao đổi, lập luận, quan điểm thể hiện chính kiến, cách hành văn và tư duy riêng của tác giả. Tạp chí NCPH đăng tải để rộng đường trao đổi, mang tính học thuật, phục vụ công tác nghiên cứu triết học Phật giáo. Tiêu đề (*): Do BBT Tạp chí NCPH đặt
Bình luận (0)