Phật giáo Chămpa tồn tại dung hòa cùng với Ấn giáo: Theo nội dung phản ánh trong hệ thống di tích và bia ký về Phật giáo Chămpa thì Phật giáo đã du nhập, tồn tại ở Chămpa cùng với Ấn giáo và hai tôn giáo này đã không loại trừ nhau mà hơn thế nữa còn dung hòa với nhau.
TS Trịnh Thị Hà - Viện Sử học
Phật giáo là một trong ba tôn giáo lớn có ảnh hưởng quan trọng đến đời sống tinh thần và thiết chế văn hóa của người Chămpa cổ. Tuy nhiên, khác với các quốc gia khác, sự hình thành của Phật giáo Chămpa ra đời khá sớm; trong quá trình phát triển vừa mang tính chất là một tôn giáo độc lập, vừa hòa lẫn với tôn giáo khác khi một số yếu tố của đạo Phật không tách rời với Ấn giáo.
Lịch sử phát triển của quốc gia Chămpa là sự thay thế, kế tiếp nhau trị vị của nhiều triều đại, nhiều vị vua khác nhau. Ở mỗi các triều vua, bên cạnh các chính sách xây dựng nền nội chính, mở rộng cương giới lãnh thổ, người Chămpa rất chú trọng đến tín ngưỡng của mình, trong đó có Phật giáo khi họ đã cho xây dựng nhiều đền thờ, tượng Phật và khắc văn bia.
Trải qua thời gian do chiến tranh và tác động của thiên tai, hệ thống chùa, đền, văn bia đã bị tàn phá, lụi tàn, chỉ còn mang tính chất là những di vật, di tích, phế tích. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn tư liệu thư tịch chữ viết bị thất lạc và hạn chế khi tìm hiểu về Phật giáo Chămpa, thì hệ thống di chỉ, di tích, hiện vật này lại là những minh chứng rất cụ thể và quan trọng để nghiên cứu, tiếp cận cũng như phục dựng lại quá trình phát triển Phật giáo của vương quốc Chămpa cổ.
***
1. Hệ thống di tích, di vật liên quan đến đạo Phật của người Chămpa
Đạo Phật truyền bá vào Chămpa từ rất sớm, chịu ảnh hưởng trực tiếp của Phật giáo Ấn Độ. Căn cứ theo nội dung ghi trong bia Võ Cạnh có phản ánh tư tưởng đạo Phật, các nhà nghiên cứu xác định đạo Phật du nhập vào Chămpa trong khoảng thời gian thế kỷ II đến thế kỷ IV. Quốc gia Chămpa cổ nằm trên trục giao thông đường biển nên người dân sớm có sự tiếp xúc, trao đổi văn hóa với người Ấn Độ.
Theo Cựu Đường thư ghi nhận “Lâm Ấp theo Phật giáo” hay “Người Chăm theo Phật giáo, đa số xuất gia”[1]. Coedès dựa theo một số văn bản bằng chữ Sanscrit cùng thời với bia Võ Cạnh cho rằng vào thế kỷ III, Phật giáo là tôn giáo chủ đạo ở quanh khu vực Nha Trang. Đến thế kỷ IX, X với việc xây dựng tu viện Đồng Dương đã cho thấy Phật giáo có một vị trí nhất định ở Chămpa, trở thành là một trong những trung tâm Phật giáo của khu vực Đông Nam Á.
Phật giáo Chămpa trước thế kỷ XV phát triển theo hai tông phái: Phật giáo Tiểu thừa và Phật giáo Đại thừa. Trong đó, Phật giáo Tiểu thừa (Hinayana) tập trung trên địa bàn tiểu vương quốc miền Nam, phát triển mạnh trong thế kỷ IV dưới triều vua Bhadravarman (Phạm Hồ Đạt), tông phái này kéo dài đến hết thế kỷ VII.
Vua Phạm Hồ Đạt đã cho đổi tên thành Khu Túc thành Kandapurupura (Phật Bao Thành), xây mới thánh địa Hào Quang, nhiều đền thờ được xây dựng. Phái Đại thừa (Mahayana) tập trung chủ yếu tại miền Bắc Chămpa, do các vị sư Trung Quốc du nhập từ thế kỷ VI, phát triển mạnh thế kỷ IX.
Đây là phái có ảnh hưởng rất lớn đến bộ phận cư dân Chămpa. Trong đó dòng Đại thừa Mật tông đã thực sự phát triển không chỉ ở Chămpa mà còn được truyền bá sang Trung Hoa, Ấn Độ khi nửa đầu thế kỷ VIII, một nhà sư Chămpa tên là Phật Triết sau khi sang Ấn Độ tu luyện đã đến Nhật Bản để truyền bá Phật giáo với danh xưng là “Lâm Ấp tăng Phật Triết”.
Trong chuyến đi năm Bính Tý (736) tại Nhật Bản, Phật Triết cùng với người thầy của mình đã mang theo nhiều cuốn kinh điển Mật tông (còn gọi là Mật bộ) sang Nhật Bản để truyền giảng. Phật Triết sử dụng cuốn “Sittan chương” để giúp người Nhật học cách tạo thành cách phát âm các chữ cái của tiếng Phạn, góp phần hình thành nên bảng 50 âm chữ Kana của tiếng Nhật.
Trong thời gian thuyết giảng tại Nhật, hai thầy trò ông trú ngụ tại hai ngôi chùa là Đại An Tự và Đông Đại Tự, truyền đạo cho tới khi qua đời. Ông là người “có vai trò sớm nhất trong việc truyền bá văn hóa Ấn Độ và Phật giáo Mật tông của Chămpa”[2].
* Hệ thống di tích, di vật Phật giáo (đền thờ, tượng Phật) của người Chămpa
Trong giai đoạn từ thế kỷ II đến thế kỷ X, nhiều trung tâm Phật giáo đã được hình thành tại các địa phương gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Phú Yên, …. Nổi bật có trung tâm Phật giáo Đồng Dương, Di tích Đại Hữu (Quảng Bình), Di tích Phong Nha (Quảng Bình), Di tích Mỹ Đức (Quảng Bình), Di tích Nhan Biểu (Quảng Trị)… Trong đó Phật viện Đồng Dương (Thăng Bình) dựng năm 875 là “di tích phật giáo quan trọng nhất ở Đông Nam Á”[3].
Trong các trung tâm Phật giáo này, các vua Chămpa đã cho xây dựng nhiều cơ sở thờ tự cùng các bức tượng khác nhau mà dấu tích còn lại nằm rải rác dọc miền duyên hải Trung bộ Việt Nam hiện nay. Ngoài bia Võ Cạnh được phát hiện là minh chứng vật chất đầu tiên nói về Phật giáo, nhiều di tích còn phát hiện các phù điêu mang hình ảnh Phật, tượng Phật, tượng thần giữ cửa (Hộ pháp -Davapalas) được tạc khắc bằng đồng hoặc đá, trong đó có những tượng Phật có niên đại rất sớm.
Tại khu di tích Đồng Dương, qua các cuộc khai quật di tích lớn diễn ra các năm 1901, 1960, 1978 đã phát hiện được gần 20 hiện vật liên quan đến đạo Phật, trong đó đáng chú ý có 4 tượng Phật nguyên dạng, 3 tượng Phật mất đầu, 1 tượng đầu Phật (hiện trưng bày tại bảo tàng Pháp); 5 tượng thần giữ cửa nằm la liệt trong khu vực thuộc tu viện Đồng Dương.
Một số tượng Phật có niên đại sớm như pho tượng Phật đồng dựng ở kinh đô Đồng Dương ở tư thế đứng có chiều cao 1,08m có niên đại từ thế kỷ IV đến đầu thế kỷ VI, được chế tác theo phong cách Amaravati của Ấn Độ. Ngoài ra còn các tượng Thích Ca tại chùa Kim Thành, đầu tượng Phật tại chùa Quảng Phú (Quảng Điền, Thừa Thiên Huế), tượng đầu Bồ Tát ở Quảng Khê (Gia Lai) đều có niên đại thế kỷ IV –V chịu ảnh hưởng sâu sắc đạo Phật Trung Hoa; bức phù điêu hình ảnh Phật được làm từ đất nung có niên đại thế kỷ VII –VIII tại chùa Hồ Sơn (Tuy Hòa, Phú Yên).
Từ Quảng Bình trở vào đến Phú Yên còn phát hiện nhiều hang động làm nơi thờ Phật, chủ yếu ở Quảng Bình như động Phong Nha, động Lạc Sơn (huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình). Các bức tượng Bồ Tát Quan Thế Âm có niên đại muộn thuộc thế kỷ IX –X cũng được phát hiện tại các địa phương này.
Như ở di chỉ Đại Hữu (Quảng Bình) có hai tượng Phật Avalokitesvara được làm bằng đồng, cao 0,445m, thân mình béo, lùn, khuôn mặt mang đường nét Chăm và bức tượng Phật Quan âm có tư thế đứng, hai chân thẳng, thiếu đầu. Tại Thủy Cam (Thừa Thiên Huế) có hai tượng Quan Thế Âm.
Trong chùa Phước Xa (thuộc Quy Nhơn, Bình Định) cũng có bức tượng Phật bằng đồng, tượng ngồi trên khúc cuộn của rắn Naga, bảy đầu rắn che lấy tượng; tượng mặc trang phục cao, xếp thành tầng hình nón, có vành đầu, vòng cổ, vòng đeo cánh tay, có khuyên tai, thắt lưng và tua viền. Trong đó tượng Avalokitesvara là bức tượng Phật rất độc đáo của Chămpa. Tượng cao 52cm, bề ngang dài 30cm được làm từ chất liệu đồng.
Tượng có “tư thế đứng, eo thon, khuôn mặt đầy đặn”. Tượng có 4 tay, trên mỗi tay cầm hoa sen, một tay cầm chuỗi hạt tràng, bình nước và cuốn sách[4]. Tại biển Sa Kỳ (Quảng Ngãi) phát hiện dấu chân Phật khổng lồ có kích thước từ 0,3m đến 3m, rộng từ 0,15m đến 0,9m.
Ở khu vực Bình Định cũng phát hiện nhiều di vật tượng Phật Chămpa có niên đại muộn hiện bảo lưu tại Bảo tàng lịch sử hoặc các chùa. Tiêu biểu có tượng Lokesvara bằng đồng có niên đại thế kỷ IX-X, hiện trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh; đầu Tượng phật lưu Bảo tàng Điêu khắc Chămpa Đà nẵng; tượng Phật ngồi bán già không còn phần đầu, tượng Bồ Tát ngồi bán già niên đại thế kỷ XII -XIV được bảo lưu tại chùa Giác Hoàng (huyện An Nhơn), cột đá hình rắn xòe tán che cho đức Phật, niên đại thế kỷ XII ở chùa Hàm Long (thị trấn Tuy Phước).
Tại chùa Phước Sa (thành phố Quy Nhơn) cũng lưu giữ hai bức tượng Phật bằng đồng, trong đó có pho tượng Bồ tát Quan Thế Âm có niên đại các thế kỷ IX-X.
*Hệ thống bi ký
Bia ký ghi chép về đạo Phật của Chămpa không nhiều. Theo một số nghiên cứu, trong 128 văn bia thuộc về Chămpa được tìm thấy thì chỉ có 7 bia Phật giáo, trong khi có 92 bia đề cập đến Siva và liên quan đến Siva, 5 bia đề cập đến Visnu và 21 bia chưa được xác định rõ[5].
Trong số các bia ký về Phật giáo Chămpa, bia Võ Cạnh (Khánh Hòa) có niên đại thế kỷ II đầu thế kỷ III, bia thể hiện sự thấm nhuần giáo lý đạo Phật. Bia được dựng bằng đá hoa cương, kích thước khoảng 1,53m x 0,67m. Bia An Thái (Quảng Nam) được dựng bằng đá sa thạch, có kích thước 0,995m x0,485m x0,22m, khắc bằng chữ sanscrit nghiêng ở hai mặt Mặt A có 13 dòng là những lời cầu khẩn, mặt B gồm 9 dòng.
Bia An Thái (Quảng Nam) có niên đại năm 902, đây là minh văn hoàn toàn mang nội dung Phật giáo Đại thừa của đại thần tên là Sthavira Nagapuspa. Bia kể về việc viên đại thần này đã cống một Lokanatha cho tu viện Phật giáo Pramuditalokesvara dưới triều vua Bhadravarman II. Bia cũng kể về ba vị Phật có tên là Sakyamuni, Amitabha, Vairocana đã có công tạo ra “chỗ hội tập của Phật”.
Bia Đại Hữu (Quảng Bình) được khắc trên mỏ của Snana -droni, có chiều dài 0,29m, ngang 0,37m (phần trong) và 0,17m (phần ngoài), chiều cao 0,17m, bia cũng gồm hai mặt A, B. Bia Phú Quý (Phan Rang) dựng năm 889 thế kỷ IX. Bia Bakul (Phan Rang) được tìm thấy tại làng Chung Mỹ, văn bia được khắc bằng hai chữ : 9 dòng chữ Sanscrit và 7 dòng được khắc bằng chữ Chăm cổ, có niên đại năm 928. Bia Nhan Biểu (Quảng Trị), có niên đại 911.
Bia Đồng Dương (Quảng Nam) là tấm bia có 4 mặt đều được khắc chữ sanscrit. Bia Kon Klor (Kon tum) có niên đại 914 của triều thần tên là Mahindravarman, bia ký nói về một cơ sở Phật giáo có tên là Mahindra -Lokesvara…
2. Nội dung phản ánh về Phật giáo qua di tích, di vật
Các di tích, di vật liên quan đến Phật giáo của Chămpa được phát hiện và lưu giữ là nguồn tư liệu rất quan trọng để hiểu về lịch sử, giá trị văn hóa và quá trình hình thành, phát triển của loại hình tôn giáo này. Trong đó quan trọng nhất là thấy được sự tiếp nhận Phật giáo vào trong đời sống và chính sách của các vương triều trong việc tạo điều kiện để Phật giáo phát triển.
Hình thành các trung tâm Phật giáo lớn và nhiều chùa được xây dựng bởi vua và các triều thần Chămpa: trong đó đáng chú ý nhất là triều vua Indravarman II thứ 1 dưới vương triều Panduranga, ngay khi vừa lên ngôi vua Indravarman đã dời trung tâm quyền lực chính trị, tôn giáo lên phía Bắc tại Indrapura[6] - trên bờ sông Ly Ly[7] (còn gọi thành phố Sấm Sét - tức Đồng Dương).
Vị trí Indrapura ứng với địa phận làng Đồng Dương (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) hiện nay, cách Đà Nẵng 60 km về phía Nam. Đồng thời ông đã cho xây dựng một tịnh xá có tên là Laksmindra Lokecvara tại phía tây của kinh đô Đồng Dương (Quảng Nam) để thờ thần Dharna - một thành phố đẹp “rực rỡ ánh hào quang”, luôn sáng lên với những bông hoa sen trắng, được tô điểm bằng những bông sen đẹp nhất do Bhrgu lập nên từ xa xưa[8].
Kinh đô Indrapura có vị trí nằm trên vùng trung du, dạng đồi núi thấp, có ruộng đồng xen kẽ. Thành Indrapura nằm gọn trong toàn bộ cánh đồng hình chữ nhật có chiều rộng 2 km2; ba mặt đông, tây, nam là đồi núi, mặt bắc là sông Ly Ly. Phía tây của thành là Phật viện Đồng Dương, phía đông cách thành 1000m là hoàng cung.
Theo kết quả khảo cổ học[9] tổng thể kiến trúc chính của kinh đô Đồng Dương nằm trên một ngọn đồi cao 500m, có chiều dài từ Tây sang Đông là 1.330m. Đây vừa là trung tâm chính trị vừa là trung tâm tôn giáo khi ở đây vừa có hoàng cung vừa có đền miếu thờ thần Phật.
Trong đó khu chính gồm các miếu thờ nằm gọn trong vành đai hình chữ nhật có chiều dài 326m, chiều rộng 155m. Từ cửa chính phía Đông của thành có hình cung gẫy có một con đường chạy dài dẫn đến thung lũng rộng 240m, dài 300m. Trong thung lũng gồm nhiều khu kiến trúc, trong đó có một tu viện Phật giáo được vua Indravarman II xây dựng cùng 1 ngôi đền để thờ Laksmindra Lôkésvara[10]. Đây là ngôi chùa Phật giáo đầu tiên được xây dựng tại kinh đô Indrapura vào nửa sau thế kỷ VIII. Chính vua đã tự mình dựng tượng Quan Âm (Lokesa) và xin quy thuận theo (Lokesa).
Sau khi dựng chùa và đắp tượng Phật, vua Indravarman II đã cung cấp đồ dùng, đất đai trồng trọt, miễn các loại thuế cho nhà chùa. Ông còn dâng nô lệ, vàng bạc, đồng thau, nhiều bảo vật quý hiếm cho đấng tối cao có tên gọi là Avalokutecvara Svabbayada. Sau khi chết ông được mang tên thụy là Sri Paramabuddhaloka, pháp danh theo đạo Phật.
Dấu tích của Phật viện Đồng Dương ngày nay nằm cách khu thánh địa Mỹ Sơn (thuộc tỉnh Quảng Nam) về phía Đông Nam khoảng 12 đến 13 km.
Ngoài xây dựng Phật viện Đồng Dương, vua Indravarman II đã cho xây dựng tại Đồng Dương cùng các địa phương trong cả nước nhiều ngôi chùa Phật giáo, hình thành một số thành phố mang đậm dấu ấn đạo Phật như thành phố Pháp Bảo (Ratnapura ở Quảng Bình), thành Visnu ở Quảng Bình, thành Châu Sa (Quảng Ngãi).
Theo ghi chép của các bia ký, ngôi chùa Phật cũng được xây dựng ở một số địa phương thuộc khu vực miền Trung. Bia Phú Quý (Phan Rang, Khánh Hòa) cho biết vào năm 889, một tu viện Phật giáo được xây dựng với tên gọi là Rajaka theo tên vợ của một vị lãnh chúa ở Đồng Dương, người đã có công quyên cúng cho tu viện.
Bia An Thái (Quảng Nam) cho biết vào năm 902, vua Bhadravarman II cho lập nên tu viện Pramadita –Lokesvara do Hòa thượng Nagapuspa làm tu viện trưởng. Bia Đại Hữu (Quảng Bình) ghi lại thông tin về việc vua Jaya Shinhavarman đã cho xây dựng ngôi đền thờ có tên Ratna - Lokesvara thờ thần Lokesvara. Tấm bia Kon Klor (Kontum) có niên đại 914 kể về một triều thần tên là Mahindravarman đã cho dựng một cơ sở Phật giáo của ông có tên là Mahindra –Lockesvara.
Cùng với việc xây dựng chùa Phật giáo, các vua và triều thần Chămpa còn tham gia vào việc dựng khắc nhiều văn bia, minh văn để lưu giữ việc làm hoặc bày tỏ lòng tôn thờ Phật giáo thông qua việc dâng cúng các lễ vật. Như vào khoảng cuối thế kỷ III đến đầu thế kỷ IV, vua Phạm Hồ Đạt (Sri Mara) đã cho dựng bia Võ Cạnh tại thôn Võ Cạnh, xã Vĩnh Trung, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa. Bia ký được khắc nổi chữ Phạn cổ trên 3 mặt của phiến đá granit lớn, cao 2,5m, rộng 72 cm, chiều hẹp hơn 67 cm. Tại mặt B, C và D của bia Đồng Dương 1 (có niên đại năm 875) ghi lại việc vua Indravarman cho dựng tu viện Phật giáo lớn nhất của Chămpa tại Đồng Dương nửa sau thế kỷ IX cùng sự cống lễ của vị vua này dành cho tu viện.
Bia Ròn (Quảng Bình) được dựng dưới triều vua Indravarman II thống kê về việc dâng cúng các lãnh địa cho một tu viện Phật giáo (tên tu viện này không rõ). Bia An Thái (Quảng Nam) có niên đại năm 902, đây là minh văn hoàn toàn mang nội dung Phật giáo Đại thừa của đại thần tên là Sthavira Nagapuspa. Bia kể về việc viên đại thần này đã cống một Lokanatha cho tu viện Phật giáo Pramuditalokesvara dưới triều vua Bhadravarman II.
Bia cũng kể về ba vị Phật có tên là Sakyamuni, Amitabha, Vairocana đã có công tạo ra “chỗ hội tập của Phật”. Bia Kon Klor (Kon tum) có niên đại năm 914, một tấm bia hoàn toàn mang tinh thần Phật giáo Đại thừa được dựng bởi viên đại thần tên là Mahindravarman kể về tu viện Phật giáo của chính ông có tên là Mahindra - Lokesvara. Bia Nhan Biểu của viên đại thần tên là Pô Khun Pilih Rajadvara kể về việc năm 911 ông đã cho dựng ở quê nhà một tu viện Phật giáo có tên là Vrddhalokesvara.
Phán ánh đức tin, ca ngợi giáo lý nhân văn cao đẹp, luật nhân quả của đạo Phật: Niềm tin vào giá trị nhân văn của đạo Phật, đặc biệt là luật nhân quả của Phật giáo đã được người dân Chămpa cổ thừa nhận và cho lưu khắc trong bi ký. Chẳng hạn minh văn bia ký An Thái (Quảng Nam) đã dành khá nhiều dòng chữ ca ngợi ánh sáng của đức Phật và khẳng định luật nhân quả của Phật giáo: "Xin bày tỏ lòng tôn kính trung thành đến người có tấm lòng nhân từ…Những người không có hạnh phúc và bị đánh bằng những cái roi đá… được cứu rỗi linh hồn khi nghĩ về Lokesvara. Những người gây nhiều tội lỗi trong công việc hàng ngày trước đây và không có bất kỳ hy vọng được giải thoát, bị các đạo quân khủng khiếp của Mara vây quanh vĩnh viễn, bị cơn đói và khát dày vò vì trước đây họ có thái độ coi thường và ác cảm với Sugata (Đức Phật) nhưng họ được Vajrapani cứu vớt khỏi địa ngục, được đức Phật chỉ ra con đường để được cứu rỗi linh hồn"[11].
Đoạn trích trên đã trình bày về tôn giáo ca ngợi đức Phật xuất hiện như một đấng đại từ bi trắc ẩn đã cho phép tất cả những người phạm tội thoát khỏi địa ngục để Vajrapni giải phóng họ, đưa họ vào con đường của Phật. Trong mặt D của minh văn bia ký Đồng Dương I cũng nêu lên tư tưởng công minh của đạo Phật, theo đó bất cứ ai có hành vi lấy trộm hoặc bảo vệ hiện vật trong tu viện Phật giáo đều nhận hình phạt xuống địa ngục hoặc được nhận khen thưởng lên thiên đường: "Những vị vua như Ksatriyas… Brahmans, mục sư, … các nhà buôn mà lấy đi những thứ này mang về hoặc phá hủy, sẽ đi đến (địa ngục) Maharaurava. Ngược lại, những ai bảo vệ, duy trì và phát giác (những thứ đã được lấy đi) sẽ được lên thiên đường hoặc là được lên cõi niết bàn nếu họ mong muốn"[12].
Bản thân các vua Chămpa cũng là người rất am hiểu giáo lý Phật giáo, như vua Indravarman III có tên phiên âm là Thích Lợi Nhân Đức Man Cindravarman. Sau khi vua Bhadravarman III mất, ông lên nối ngôi, trị vì Chămpa 44 năm (917 -960). Ông là vị vua rất giỏi về văn học, triết học. Trong sáng tác, ông đã kết hợp thể loại Kacika và Uttarakalpa của người Civaites. Ông am hiểu sâu sắc 6 bộ triết học của Ấn Độ bắt đầu là bộ Mimamsas và rất chú ý đến dòng Jinandre (học thuyết của Phật giáo). Sự hiểu biết và uyên thâm của ông được ví “như con cá trong huyền thọai và trong Uttrakalpa của người Civaites: vì rằng trong số những nhà hiền triết giỏi, ông là người chuyên về các chuyện đó nhất”[13].
Phật giáo Chămpa tồn tại dung hòa cùng với Ấn độ giáo: Theo nội dung phản ánh trong hệ thống di tích và bia ký về Phật giáo Chămpa thì Phật giáo đã du nhập, tồn tại ở Chămpa cùng với Ấn Độ giáo và hai tôn giáo này đã không loại trừ nhau mà hơn thế nữa còn dung hòa với nhau. Điều đó được thể hiện rất rõ khi ở các trung tâm Phật giáo hoặc các tượng Phật xen lẫn kiến trúc của Ấn giáo. Tiêu biểu nhất là ở trong tu viện Đồng Dương (Quảng Nam) các thần Ấn giáo cũng được tôn thờ xen lẫn cùng Phật giáo.
Trong nghệ thuật tạc tượng cũng thể hiện rõ xu hướng dung hòa khi tại bức tượng Bồ tát có con mắt thứ ba ở giữa trán, đặc điểm này vốn của Siva của Ấn giáo. Cũng trong Phật viện Đồng Dương còn có quần thể kiến trúc là các khu nhà dài dành cho Tăng chúng sinh hoạt, các kiến trúc có hình dáng như chiếc cột vây quanh những tháp cổng nằm ở bên bờ của mỗi bức tường vành đai là những công trình không xuất hiện trong tất cả các ngôi đền của Chămpa. Về hình dáng, chúng trông như hình ảnh chiếc lọng ô của Phật giáo: có hình trụ bên dưới với những đai vòng tròn nhỏ dần và có chiếc chóp nón bên trên.
Sự dung hòa giữa các tôn giáo của Chămpa còn được phản ánh qua ghi chép của những minh văn bia ký. Trong bia thứ nhất ở Đồng Dương (Indrapura) có niên đại năm 875 có 4 mặt minh văn A, B, C, D, trong đó mặt B là những dòng minh văn kể về việc dựng lên một Kosa (cái bao) có mặt vàng cho Sambhubhadresvara (vị thần Sava phía bắc).
Những đoạn tiếp theo của hai mặt C, D lại mang tư tưởng Phật giáo Đại thừa. Mặt C và D của bia ký nói rằng với lòng tin Phật giáo đã khiến vua dựng lên một tu viện Phật giáo (vihara) quan trọng nhất ở Chămpa, nêu lên những phần thưởng và hình phạt: thiên đường (svargapura) hoặc đô thị giải thoát (moksapura) hoặc nơi ở của Phật (Buddhapada) dành cho những người được thưởng, tám địa ngục của Maharauvara dành cho các tội phạm: "Nhân danh Dharma, không phải vì vụ lợi, một tu viện đã được thành lập cho cộng đồng tu sĩ.
Ta đã lập những thứ cần thiết trong tu viện để đáp ứng sự mong muốn của cộng đồng tu sĩ cũng như của các chúng sinh.Tu viện này được thành lập cho cộng đồng tu sĩ ở suốt đời và không phải vì sự hưởng thụ của nhà vua hoặc là nguồn thu vào ngân khố cố định"[14]. Trong bi ký Châu Sa (thuộc tỉnh Quảng Ngãi) có nhắc đến việc vào năm 893 công nguyên (813 Saka) vua Indravarman đã dâng cúng một tượng Linga có tên là Indradeva cho một tu viện Phật giáo. Sự kiện này cho thấy sự dung hòa giữa hai tôn giáo vẫn được tiếp diễn vào cuối thế kỷ IX.
Như vậy qua các di tích, di vật liên quan đến Phật giáo Chămpa trước thế kỷ XI có thể thấy sự phát triển của tôn giáo này luôn gắn liền với sự hình thành các vương triều của Chămpa, trong đó sự phát triển rực rỡ nhất của Phật giáo tập trung chủ yếu dưới triều đại Indrapura (thế kỷ IX –X). Các vua Chămpa rất coi trọng Phật giáo khi cho xây dựng các tu viện Phật giáo, đúc tượng Phật, khắc minh văn trên bia ký… Loại hình tôn giáo này đôi lúc không tồn tại một cách biệt lập mà luôn có sự dung hòa với các tôn giáo khác, qua đó cho thấy người dân Chămpa luôn tiếp nhận tất cả những giá trị tốt đẹp của các tôn giáo trong đời sống tín ngưỡng của mình, từ đức hiếu sinh, từ bi của Phật giáo đến tình thương của Visnu giáo cũng như tính quyền lực của Siva giáo.
TS Trịnh Thị Hà - Viện Sử học ***[1] Cựu Đường thư, Q.197, Liệt truyện 147, Nam Man, phần “Lâm Ấp quốc”. [2] Onishi Kazuhiko: Võ Vinh Quang, Sự tích về Phật Triết của Lâm Ấp trong tiến trình giao lưu văn hóa Việt –Nhật, in trong (2017): Đà Nẵng miền Trung những vấn đề lịch sử, Nxb Văn hóa Văn nghệ, 2017, tr. 374. [3] Trần Kỳ Phương, “Di tích Phật giáo Champa tại Quảng Bình, bản đánh máy của tác giả”, tr 4, dẫn từ: Nguyễn Hữu Thông “Di tích và việc thờ phụng Phật ở vương quốc Champa”, trong Võ Quang Vinh, Đà Nẵng miền Trung những vấn đề lịch sử, Sđd, tr 377. [4] Dẫn từ bài: Bá Trung Phụ, “Về hình tượng Avalokitesvara Đại Hữu (Bồ Tát quan thế âm) tại bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh”, Những phát hiện mới về khảo cổ học, Viện Khảo cổ học, 2014, tr 715. [5] Phan Xuân Biên, Phan An, Phan Văn Dốp, Văn hóa Chăm, Nxb Khoa học Xã hộ Vi, 1991; tr278 [6] Về địa vực Indrapura, tác giả Po Dharma trong bài “Etat des dernières recherches sur la date de l’absorption du Campa” (Tình trạng những tìm kiếm gần đây về thời điểm nước Champa bị đồng hóa) tr.61 cho rằng Indrapura (Bình Trị Thiên) là một trong năm hầu quốc liên bang với nhau để hình thành nên vương quốc Chămpa thống nhất và Indrapura có kinh đô riêng”, dẫn từ Nguyễn Sinh Duy: “Vị trí địa lý Indrapura” trong Quảng Nam những vấn đề lịch sử, Nxb. Văn học, 2003. Các học giả Pháp cho rằng kinh đô Indrapura nằm trên địa bàn của châu Amaravâti, tọa lạc tại làng Đồng Dương, tổng Châu Đức trung, huyện Lễ Dương, Phủ Thăng Bình, Quảng Nam. [7] Một nhánh sông Thu Bồn, cách Trà Kiệu 20 km. [8] Bia Đồng Dương II, bản dịch trong Phụ lục trong Lương Ninh, Lịch sử vương quốc Chămpa, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004,tr 291. [9] Năm 1902 nhà khảo cổ học người Pháp Henri Parmentier đã đo vẽ, khai quật di tích Đồng Dương. [10] Số liệu dựa kết quả điều tra sơ lược năm 1902 của H.Pácmăngchiê [11] Trung tâm quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam, Văn bia Chăm ở miền Trung, năm 2014; tr.62. [12] Trung tâm quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam, Văn bia Chăm ở miền Trung, Sđd; Tr.44 [13] M.Georges Maspero, Vương Quốc Chàm, Nxb. G.Văng-Oet. Bản dịch lưu tại Viện Khảo cổ học, 1928; tr.174, tr.191 [14]Trung tâm quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam, Văn bia Chăm ở miền Trung, Sđd; tr.42-43
Bình luận (0)