Nhân lễ ra mắt Viện Trần Nhân Tông thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội do Chính phủ thành lập, GHPG VN vô cùng hoan hỷ, có thể nói rằng đây chính là sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và Chính phủ mới có kết quả như ngày hôm nay, việc rất cần thiết kịp thời phù hợp với trào lưu tiến hóa của tư tưởng nhân loại qua sự tiếp cận tư tưởng Trần Nhân Tông, đồng thời vừa để tôn vinh tinh thần giá trị nhân văn của bậc anh minh lỗi lạc, tu hành đạt đạo, vừa để nhắc nhở và là bài học cho thế hệ mai sau kế thừa và phát huy tư tưởng Trần Nhân Tông trong nước cũng như giới thiệu đến các nước trên thế giới.

Tạp chí Nghiên cứu Phật học lược trích bài phát biểu của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhân lễ ra mắt Viện Trần Nhân Tông - Đại học Quốc gia Hà Nội, ngày 22/02/2017.

Phật giáo đã sớm có mặt trên đất nước ta vào những thế kỷ đầu sau công nguyên, sự hiện diện của 500 vị Tăng cùng với 20 ngôi chùa và 15 bộ kinh Phật tại Trung tâm Phật giáo Luy Lâu, đã nói lên chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của Phật giáo Việt Nam(1). Trải qua hàng ngàn năm sau đó, trên tinh thần gắn bó đồng hành sắc son với dân tộc, Phật giáo không ngừng phát triển, nhất là khi thiền phái Trúc Lâm và Giáo hội Trúc Lâm ra đời dưới sự lãnh đạo của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, thì Phật giáo Trúc Lâm mới thực sự khẳng định vị thế vững vàng trong lòng dân tộc, và cũng từ cột mốc thời gian này, đạo Phật tại nước ta thực sự trở thành một đạo Phật đúng nghĩa của người Việt. Mang tính nội sinh.

Sáng ngày 22/02/2017, tại Hội trường Nguyễn Văn Đạo, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã trang trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập Viện Trần Nhân Tông - ĐHQGHN và các Quyết định bổ nhiệm Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông, ĐHQGHN.

Tới dự buổi lễ đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, Hà Nội và một số địa phương; HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS cũng Chư tôn đức lãnh đạo cao cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam; đại diện Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đại diện dòng Họ Trần và một số doanh nghiệp cùng đại diện lãnh đạo các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài ĐHQGHN.

Viện Trần Nhân Tông thuộc ĐHQGHN được thành lập theo Quyết định số 1717/QĐ-TTg, ngày 01/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là một trong 5 viện nghiên cứu của ĐHQGHN được Thủ tướng Chính phủ thành lập. Viện Trần Nhân Tông là cơ sở giáo dục đầu tiên của Việt Nam tiên phong trong đào tạo nhân lực chất lược cao về Phật học (trước mắt là bậc tiến sĩ).

Giám đốc ĐHQGHN PGS.TS Nguyễn Kim Sơn kiêm giữ chức Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông; Phó Viện trưởng là PGS.TS Lại Quốc Khánh - nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Chính trị học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN.

Viện Trần Nhân Tông có chức năng, nhiệm vụ chính: Nghiên cứu các di sản, giá trị văn hóa và sự nghiệp của Trần Nhân Tông, giá trị văn hóa, tư tưởng thời nhà Trần và các vấn đề liên quan; tư vấn chính sách về phát triển, bảo tồn và phát huy di sản, giá trị văn hóa Trần Nhân Tông và văn hóa truyền thống của dân tộc; thực hiện hoạt động đào tạo về các chuyên ngành có liên quan theo quy định hiện hành.

Viện Trần Nhân Tông được tổ chức và hoạt động theo các quy định về cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập; việc thành lập Viện Trần Nhân Tông gắn với tự cân đối, điều chỉnh trong tổng biên chế hiện có của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Dự kiến khóa đào tạo Tiến sĩ Phật học đầu tiên của Việt Nam sẽ tuyển sinh vào tháng 09/2017.

Về cơ sở vật chất của Viện Trần Nhân Tông hiện nay, ĐHQGHN đã giao cho Viện quản lý và sử dụng 05 phòng làm việc tại tầng 8, Tòa nhà C1T - số 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội, với tổng diện tích khoảng 350m2. Viện sẽ được xây dựng cơ sở mới khang trang tại núi Hòa Quang, trong khu đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc.

Sự hình thành Phật giáo Trúc Lâm là khởi nguồn cho sự hợp nhất ba thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường tại nước ta để hình thành nên Thiền phái Yên Tử, vốn là tiền thân của Thiền phái Trúc Lâm.

Sau khi Thiền phái Trúc Lâm ra đời, Phật Hoàng Trần Nhân Tông (1258 – 1308) đã thành lập Giáo hội Phật giáo Trúc Lâm(2), sự kiện này đánh dấu thời kỳ mở đầu của tổ chức Giáo hội Phật giáo tại Việt Nam.

Về tư tưởng Phật học của Thiền phái Trúc Lâm đã hội tụ và dung hợp được nguồn minh triết của ba thiền phái vốn du nhập từ Ấn Độ và Trung Hoa(3). Từ sự hội tụ tinh hoa đó đã tỏa ra bốn luồng tư tưởng đốn siêu phương tiện, cao vút thâm sâu nhưng lại rất thiết thực gần gũi với đời sống hàng ngày của người dân Việt, đó chính là tư tưởng “Thiền tùy tục” của Thiền sư Thường Chiếu; “Biện tâm” của Trần Thái Tông”; “Hòa quang đồng trần” của Tuệ Trung Thượng sĩ và “Cư trần lạc đạo” của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, nhất là tính nhân bản lấy tâm làm bản thể, Tâm là Phật là tâm của mỗi người.

Về mặt đạo Pháp, lịch sử đã ghi nhận vua Trần Nhân Tông là một bậc quân vương nhân từ, một nhà chính trị lỗi lạc, nhưng đồng thời cũng ghi nhận Ngài là một Thiền sư chứng ngộ, một nhà lãnh đạo tài ba và uy tín của Phật giáo trong suốt một ngàn năm qua. Sau khi hoàn thành trọng trách đối với dân tộc trên cương vị của một bậc quân vương, thì suốt cuộc đời làm tăng của vua Trần Nhân Tông là một chuỗi ngày hoạt động tích cực và hiệu quả cho công cuộc hoằng hóa độ sinh trên tinh thần giữ năm giới và mười điều thiện làm căn bản và cho sự phát triển của Phật giáo Trúc Lâm hội tụ và lan tỏa khắp nơi.

Về mặt dân tộc, lịch sử cho thấy tinh thần nhập thế của Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã tạo thành sự hội tụ nhân tâm và phát huy sức mạnh tổng hợp cho Phật giáo nước nhà và toàn dân tộc thời bấy giờ. Các vua Trần đã thừa nhận vai trò ổn định trật tự xã hội của đạo Phật thông qua việc giáo dục nhân cách đạo đức con người, ứng dụng giáo lý nhà Phật làm kim chỉ nam trong việc giáo dục phẩm chất cho vương công quan lại và khơi nguồn đạo đức trong đời sống nhân dân, để từ đó, từ vua quan đến thần dân đều thấm nhuần đời sống đạo đức, tin sâu nghiệp báo nhân quả, tỏ rõ lý vô thường, đồng thời ứng dụng tư tưởng Phật học của thiền phái Trúc Lâm một cách sinh động vào đời sống thực tiễn, dựa vào sức mạnh đoàn kết của toàn dân, các triều đại nhà Trần đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà lịch sử giao phó, đó là đánh bại tập đoàn quân xâm lược Nguyên Mông vốn được xem là đoàn quân bất khả chiến bại trên khắp chiến trường Trung Á, củng cố và xây dựng đất nước càng hùng cường giàu mạnh, góp phần gìn giữ vững chắc độc lập chủ quyền đất nước, mở ra những trang sử vàng trong sự nghiệp phát triển nước nhà.

Ngày nay, trong mối quan hệ giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Viện Trần Nhân Tông thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đây là mối quan hệ hữu cơ với các Học viện Phật giáo Việt Nam của Giáo hội. Thông qua đó, Giáo hội có thể giới thiệu nhân sự tham gia Ban lãnh đạo của Viện, giáo sư Phật học, Thiền học cho Viện. Cung ứng đầu vào cho Viện khi có chiêu sinh cấp Cao học, Tiến sĩ Phật học. Vì hiện nay Giáo hội có hơn 100 tăng, ni có trình độ học vị Cử nhân Cao học muốn theo học cấp Cao học, cấp Tiến sĩ Phật học trong nước. Thông qua chương trình đào tạo của Viện, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ có cơ hội giới thiệu tăng ni theo học Cấp cao học Tiến sĩ Phật học trong nước không phải ra nước ngoài đỡ đi phần chi phí đáng kể trong chương trình giáo dục Phật học của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tiến xa hơn trong tương lai các Học viện Phật học với Viện Trần Nhân Tông. Trước mắt nối kết với Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, sau đó là Thành phố Hồ Chí Minh và Huế. Do đó, sự ra đời Viện Trần Nhân Tông thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Giáo hội vô cùng hoan hỷ và sẽ tích cực hợp tác lâu dài trong lĩnh vực giáo dục Phật học của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Nhân lễ ra mắt Viện Trần Nhân Tông thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội do Chính phủ thành lập, GHPGVN vô cùng hoan hỷ, có thể nói rằng đây chính là sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và Chính phủ mới có kết quả như ngày hôm nay, việc rất cần thiết kịp thời phù hợp với trào lưu tiến hóa của tư tưởng nhân loại qua sự tiếp cận tư tưởng Trần Nhân Tông, đồng thời vừa để tôn vinh tinh thần giá trị nhân văn của bậc anh minh lỗi lạc, tu hành đạt đạo, vừa để nhắc nhở và là bài học cho thế hệ mai sau kế thừa và phát huy tư tưởng Trần Nhân Tông trong nước cũng như giới thiệu đến các nước trên thế giới.

(Trích tóm lược bài phát biểu tại lễ ra mắt Viện Trần Nhân Tông)

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS GHPGVN Tạp chí Nghiên cứu Phật học – Số tháng 3/2017 (*) tiêu đề do Ban Biên tập đặt

----------------------

Ghi chú: (1) Việt Nam Phật giáo Sử Luận của Nguyễn Lang, NXB Văn Học, năm 1992. (2) Năm 1992, vua Trần Nhân Tông đến chùa Hoa Yên núi Yên Tử (Quảng Ninh) xuất gia tu hành và thành lập thiền phái Trúc Lâm (còn gọi là Trúc Lâm Yên Tử hay Trúc Lâm Tam Tổ. (3) Việt Nam Phật giáo Sử Luận của Nguyễn Lang, NXB Văn Học, năm 1992.