Theo Phật giáo, từ thiện thường được hiểu là Bố thí và coi đó là đức hạnh tối quan trọng và luôn là hạnh đứng đầu trong tu tập, hành trì và hoằng dương phật pháp của cả tăng sĩ lẫn cư sĩ trong mọi tông phái của Phật giáo.

ThS. Đỗ Duy Hưng Viện Nghiên cứu Tôn giáo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

Tóm tắt: Việt Nam với đặc thù là một nước đang phát triển, đời sống của người dân có nhiều cải thiện hơn trước nhưng nhìn chung bộ phận dân số có đời sống khó khăn còn khá lớn. Bên cạnh đó, ngày càng gia tăng các thảm họa, thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan đe dọa sinh mạng con người cũng như của cải vật chất. Người dân cần được Nhà nước và cộng đồng hỗ trợ góp phần ổn định cuộc sống, nâng cao năng lực phòng chống rủi ro. Cùng với sự nỗ lực không ngừng của Đảng và nhà nước, các tổ chức xã hội trong đó có Phật giáo đã tham gia tích cực trong việc ổn định cuộc sống của người dân. Trong những năm qua, theo tôn chỉ hoạt động của Đức Phật, lấy “đường tu bố thí đứng đầu”, thông qua hoạt động nhân đạo từ thiện, các hoạt động trợ giúp xã hội của Phật giáo Việt Nam phát triển rất mạnh góp phần vào việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

Từ khóa: Phật giáo, từ thiện xã hội, an sinh xã hội, lĩnh vực an sinh xã hội của phật giáo.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và xã hội có nhiều biến đổi, các nước đang phát triển nói chung, Việt Nam nói riêng đang ngày càng có nhu cầu thiết kế và phát triển hệ thống an sinh xã hội nhằm hỗ trợ người nghèo và những người yếu thế. Tuy nhiên, trên thực tế, các chương trình an sinh xã hội còn rất hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu an sinh của người dân. Theo báo cáo của tổ chức Lao động thế giới (ILO) năm 2017, có đến 55% dân số toàn cầu (tương đương với 4 tỷ người) chưa được tiếp cận với an sinh xã hội. Ở Việt Nam, do thiếu tài chính và sự phân bố tài chính hợp lý giữa các chương trình, đồng thời các công cụ, chính sách thiếu nhạy bén làm cho phạm vi bao phủ của an sinh xã hội chỉ phục vụ cho một số nhóm dân cư. Thiếu an sinh xã hội thì những người bệnh tật, nghèo đói dễ bị tách rời khỏi xã hội và rơi vào tình trạng khủng hoảng. Ngược lại sự khủng hoảng của nhóm người này sẽ trở lại gây bất ổn cho xã hội không nhỏ.

Phật giáo là một tổ chức xã hội lớn và có uy tín lâu đời ở Việt Nam. Với tư cách là một tôn giáo có ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần của đa số người dân ở Việt Nam, Phật giáo đã và đang tham gia các chương trình an sinh xã hội, giúp cho các cá nhân không may mắn vượt qua những khó khăn bất khả kháng trong cuộc sống. Thông qua bài viết này, tác giả muốn chỉ ra tinh thần và những hoạt động của Phật giáo góp phần đảm bảo an sinh xã hội thông qua một số hoạt động từ thiện xã hội.

2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Đảm bảo an sinh xã hội là mục tiêu của tất cả các quốc gia trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam. Thực hiện tốt an sinh xã hội góp phần ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Chính vì thế, an sinh xã hội là lĩnh vực được nhiều nhà nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách đặc biệt chú ý. Có rất nhiều nghiên cứu trong nước và quốc tế với các góc độ tiếp cận khác nhau về chủ đề này.

Trong bài viết này, tác giả tiếp cận An sinh xã hội dưới góc độ sự tham gia của Phật giáo. Bằng phương pháp tổng quan tài liệu, tác giả tổng hợp, phân tích các công trình nghiên cứu đi trước nhằm làm nổi bật vai trò và sự tham gia của Phật giáo trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân Việt Nam.

HT.Thích Gia Quang trao quà cho các hộ gia đình khó khăn tại chùa Liên Phái, Hà Nội - Ảnh: Nhật Minh

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.1. An sinh xã hội và nhu cầu của người dân

Hiện nay, trên thế giới có nhiều định nghĩa khác nhau về an sinh xã hội. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), An sinh xã hội là một sự bảo vệ mà xã hội cung cấp cho các thành viên của mình thông qua một số biện pháp được áp dụng rộng rãi để đương đầu với những khó khăn, các cú sốc về kinh tế và xã hội làm mất hoặc suy giảm nghiêm trọng thu nhập do ốm đau, thai sản, thương tật do lao động, mất sức lao động hoặc tử vong. Cung cấp chăm sóc y tế và trợ cấp cho các gia đình nạn nhân có trẻ em.

Theo Ngân hàng thế giới (World Bank), An sinh xã hội là những biện pháp của chính phủ nhằm giúp cho các cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng đương đầu và kiềm chế được nguy cơ tác động đến thu nhập nhằm giảm tính dễ bị tổn thương và những bấp bênh thu nhập.

Nhìn chung, có thể coi an sinh xã hội là sự bảo vệ của xã hội đối với những cá nhân hay nhóm xã hội đặc biệt khó khăn hoặc gặp phải rủi ro bất khả kháng (như tai nạn chiến tranh, thiên tai, tật nguyền bẩm sinh,…). Ngoài nhà nước là tổ chức thực hiện chính, để đảm bảo an sinh xã hội cho người dân cần có sự tham gia tích cực của các tổ chức và thành viên trong cộng đồng.

Việt Nam là một nước đang phát triển, mặc dù đời sống của người dân có nhiều cải thiện hơn trước nhưng nhìn chung bộ phận dân số nghèo có đời sống khó khăn còn khá lớn. Bên cạnh đó, hiện nay Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tác động của biến đổi khí hậu. Ngày càng gia tăng các thảm họa, thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan đe dọa sinh mạng con người cũng như của cải vật chất bị mất sạch. Ngoài ra, những người khuyết tật, người già cô đơn, người tâm thần, trẻ em mồ côi, người nhiễm HIV cũng chưa giảm, họ không có khả năng tạo thu nhập, cần được Nhà nước và cộng đồng hỗ trợ góp phần ổn định cuộc sống, nâng cao năng lực phòng chống rủi ro.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách xã hội nhằm đảm bảo an sinh xã hội tốt hơn. Đến năm 2015, cả nước có trên 2,6 triệu người được hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên chiếm 2,7% dân số (Bộ Lao động thương binh và xã hội, 2013). Tuy nhiên, trong các lĩnh vực vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém kéo dài, chậm được khắc phục. Theo Nghị quyết 15-NQ/TW, Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa XI về Một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012- 2020, ở nước ta hiện nay tình trạng giảm nghèo chưa bền vững, tỉ lệ hộ cận nghèo, tái nghèo còn cao, hay mức trợ cấp ưu đãi cho người có công còn thấp; Chất lượng giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội hiện đại, kết quả phổ cập giáo dục ở nhiều huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp; Chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ chưa đáp ứng được yêu cầu của nhân dân, nhất là đối với người nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn cao và giảm chậm; Vệ sinh, an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ; Tỉ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiếm y tế còn thấp. Đời sống của một bộ phận người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn rất khó khăn, chưa bảo đảm được mức tối thiểu các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là về nhà ở và sử dụng nước sạch. Chênh lệch các chỉ số trung bình về an sinh xã hội giữa miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của cả nước còn lớn.

Có thể thấy nhu cầu rất lớn của người dân trong việc được đảm bảo các quyền về an sinh xã hội. Trước tình hình trên, bên cạnh sự nỗ lực của chính phủ trong việc ban hành các chính sách cần có sự tham gia của cộng đồng trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân đặc biệt là những người yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn. Là một tôn giáo có ảnh hưởng sâu rộng đến người dân, với tinh thần của mình, Phật giáo có những hoạt động tích cực góp phần vào việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân Việt Nam.

3.2. Tinh thần của Phật giáo về an sinh xã hội

Phật giáo được coi là tôn giáo nhập thế gắn bó với dân tộc Việt Nam. Trải qua lịch sử hình thành và phát triển gắn liền với sự phát triển của dân tộc, nhiều triết lý của Phật giáo đã hòa quyện với triết lý sống, giá trị, chuẩn mực đạo đức của con người Việt Nam. Theo quan niệm của Phật giáo, những việc tu phước, làm việc thiện chính là con đường để giúp con người có được một cuộc sống an bình. Kinh nhà Phật luôn nhắc đến tinh thần vô ngã, vị tha, khuyên con người sống có trách nhiệm với cộng đồng, thể hiện lòng nhân ái của mình với người khác. Tư tưởng Vô ngã, vị tha trong các kinh nhà Phật trở thành nền tảng của Từ bi và Bố thí. Chính tinh thần đó của Phật giáo đã góp phần to lớn hình thành những giá trị đạo đức về nhân cách văn hóa dân tộc, về đạo lý nhân ái, yêu thương, thủy chung, giản dị và tiết kiệm. Các giá trị đó được hình thành và phát triển trong văn hóa Việt Nam luôn gắn liền với  lịch sử phát triển dân tộc.

Trong quá trình phát triển, đạo Phật đã tạo dựng cho các tín đồ, phật tử một niềm tin vào cõi niết bàn, luật nhân quả,…  Niềm tin ấy chi phối ý thức đạo đức của con người Việt Nam để tạo thành triết lý sống mang giá trị nhân văn sâu sắc: “ở hiền gặp lành”, “gieo nhân nào gặt quả ấy”. Với tinh thần “vì chúng sinh”, Đạo Phật đã hướng con người tới một lối sống tốt đẹp, vị tha, hướng thiện, khiêm nhường, bác ái, yêu thương đồng loại, chúng sinh.

Theo Phật giáo, từ thiện thường được hiểu là Bố thí và coi đó là một đức hạnh tối quan trọng và luôn là hạnh đứng đầu trong tu tập, hành trì và hoằng dương Phật pháp của cả tăng sĩ lẫn cư sĩ trong mọi tông phái của Phật giáo. “Phụng sự chúng sinh tức là cúng dường chư Phật” là nguyên lý nhập thế căn bản của đạo Phật và cũng là định hướng cho Phật giáo đem an sinh xã hội đến với mọi người. Đạo Phật dạy “Từ bi là cho vui, cứu khổ, đến mọi người”. Xem vui, khổ của người như vui, khổ của chính mình… chia vui, sớt khổ cho nhau đấy là lòng từ bi. Vì thế, cho vui, cứu khổ đến mọi người mà không thấy Ta là kẻ ban ân, Kia là kẻ thọ ân. Tận tâm, tận lực vì người, không còn một niệm vì mình mới là từ bi, là tình thương chân thật. Từ bi là tình thương đồng hóa khổ vui của người, coi như của chính mình. Mọi xót thương cứu giúp người, không vì mình, mới đúng thật là lòng từ bi vậy.

Theo triết lý của Phật giáo, mục tiêu của tu hành là giác ngộ và giải thoát, nhưng để thực hiện mục tiêu đó thì đạo phải gắn với đời, phải lấy lòng từ, bi, hỷ, xả, vô ngã, vị tha để cứu người và giúp đời. Với hạnh từ bi và định hướng “Phật pháp bất ly thế gian pháp”, Phật giáo Việt Nam tích cực nhập thế hành đạo, luôn gắn bó với dân tộc Việt Nam. Khi nói về đời sống tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, Đại đức Thích Đức Thiện đã nêu: “Phật giáo phát triển lấy việc hoằng pháp lợi sinh làm sự nghiệp tức là phục vụ chúng sinh, phục vụ cộng đồng xã hội là chính”.  Phật giáo luôn đề cao tinh thần hướng thiện một cách thực tế thông qua việc sẻ chia những đau khổ mất mát của con người, cứu giúp con người khi hoạn nạn “dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người”. Trong Lục độ của Phật giáo[1] thì bố thí là hạnh đầu tiên phải thực hiện trên con đường giải thoát. Trong Thập thiện, “không trộm cắp mà phải bố thí” là một trong ba điều thiện về thân nghiệp mà mọi phật tử đều phải thực hành. Vì lẽ đó, các tăng ni, phật tử không chỉ dừng lại ở việc tìm cầu giác ngộ và giải thoát cho chính mình. Các tín đồ của Phật giáo còn tích cực tham gia vào các sinh hoạt xã hội như  hoạt động từ thiện, cứu trợ thiên tai, giúp đỡ người nghèo khó, thiếu thốn, chăm sóc người già, nuôi nấng và giáo dục trẻ mổ cô, ngăn chặn các tệ nạn xã hội và góp phần giải quyết các khủng hoảng xã hội, mâu thuẫn xã hội,… (Nguyễn Hồi Loan và cộng sự, 2013).

Từ thiện xã hội là những hoạt động đạo đức mang tính đạo lý tương thân tương ái tích cực của dân tộc, kết hợp với đạo Phật thể hiện tinh thần nhập thế từ bi cứu khổ chia sẻ những khó khăn đối với đồng bào đang cần sự giúp đỡ khi gặp phải những khó khăn trong cuộc sống. Chính tinh thần và những hoạt động của Phật giáo góp phần vào việc đảm bảo an sinh xã hội cho những người yếu thế nói riêng

3.3. Một số lĩnh vực thực hiện an sinh xã hội của của Phật giáo

Xuất phát từ thuyết duyên khởi: “Cái này có thì cái kia có. Cái này không thì cái kia không. Cái này diệt thì cái kia diệt” Phật giáo đã tìm thấy mối tương quan giữa mọi vật, mọi việc, giữa những con người khác nhau trong xã hội. Có lẽ vì thế, Phật giáo có sức mạnh quy tụ rất lớn mọi tầng lớp trong xã hội, khơi dậy được các giá trị nhân văn, nhân ái, hướng con người vun đắp thiện tâm. Các chương trình an sinh xã hội, vì cộng đồng của Phật giáo đều có sức thu hút và lan tỏa rộng rãi trong xã hội, có ảnh hưởng tích cực tới đời sống tâm hồn con người Việt Nam (Trần Thị Điểu, 2018). Trong những năm qua, theo tôn chỉ hoạt động của đức Phật, lấy “đường tu bố thí đứng đầu”, thông qua hoạt động nhân đạo từ thiện, các hoạt động trợ giúp xã hội của Phật giáo Việt Nam phát triển rất mạnh. Nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, Phật giáo không chỉ giúp đỡ con người bằng các liệu pháp tinh thần, mà còn giúp đỡ thông qua những hành động mang tính thiết thực trong đó nổi bật là sự hỗ trợ vật chất trong hoạt động hành đạo thông qua việc giúp đỡ những người nghèo khó, gắn kết và góp phần trong việc nâng cao chất lượng sống của họ.

Các Tăng ni, Phật tử cùng các mạnh thường quân đã tích cực đồng hành, thực hiện được nhiều chương trình, hành động thiết thực, đem lại những đóng góp tích cực trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho cộng đồng. Có thể tạm chia các lĩnh vực thực hiện an sinh xã hội của Phật giáo thành 3 nhóm: y tế, giáo dục, và các lĩnh vực khác:

Ảnh: St

3.3.1. Trong lĩnh vực y tế

Với quan điểm cho rằng con người có hai phần quan trọng như nhau là Tâm và Thân, cho nên đối với người bệnh, trước hết  đem đến cho họ những phương thuốc thần diệu của một nền y đạo thật sự để xoa bới nỗi đau thể xác, loại trừ căn bệnh rồi dần dần hướng họ tu hành theo Phật pháp (Nguyễn Thị Minh Ngọc, 2014). Chính vì thế, các hoạt động chăm sóc sức khoẻ người dân cũng được Giáo hội Phật giáo Việt Nam quan tâm, góp phần chia sẻ với người dân những khó khăn trong lĩnh vực y tế mà Nhà nước chưa thể đáp ứng kịp thời.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hệ thống Tuệ Tĩnh Đường được thành lập khắp nơi trên cả nước nhằm khám chữa bệnh miễn phí cho người dân bằng phương pháp y học dân tộc và y học hiện đại. Với hệ thống phòng khám chữa bệnh của Phật giáo đã góp phần tăng cường lực lượng y tế địa phương để chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho người dân trên địa bàn. Các cơ sở đã góp phần làm giảm bớt gánh nặng cho y tế Nhà nước trong việc đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ người dân ngày càng cao, đặc biệt đối với những đối tượng dân nghèo, những trẻ em bị khuyết tật (bại não, bại liệt, chậm phát triển tinh thần) cần phục hồi chức năng và những người nhiễm HIV/AIDS cần chăm sóc tư vấn.

Theo Báo cáo Tổng kết Công tác phật sự nhiệm kỳ VII (2012-2017), trong toàn giáo hội có 165 Tuệ Tĩnh Đường và hàng trăm phòng chẩn trị y học dân tộc, châm cứu, bấm huyệt, vật lý trị liệu, khám và phát thuốc nam, thuốc bắc. Tính đến năm 2018, trên phạm vi cả nước có 33 cơ sở phòng khám Đông y với 60.298 lượt khám, điều trị với 206 Lương y. Ngoài ra, còn có 10 cơ sở phòng khám Tây y với 4.689 lượt khám, điều trị với có 40 Bác sĩ. Các phòng khám này đã phát thuốc nam, thuốc tây, châm cứu, bấm huyệt cho hàng trăm ngàn lượt bệnh nhân với tổng chi phí điều trị ước tính lên tới vài chục tỷ đồng. Một ví dụ điển hình cho công tác trợ giúp người dân trong lĩnh vực y tế là hoạt động của phòng khám đa khoa từ thiện Long Bửu do ni sư, bác sĩ Liên Thanh phụ trách. Phòng khám đã thực hiện các công tác như khám, phát thuốc, vật lý trị liệu, tặng xe lăn, tặng quà cho các bệnh nhân nghèo tại các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung, miền Tây và các vùng sâu, vùng xa, tặng trang thiết bị y tế cho các phòng khám, phát thuốc từ thiện là gần 20 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhiều Tuệ Tĩnh Đường còn mở các lớp y học dân tộc để bồi dưỡng cho các lương y nhằm kế thừa kho tàng y học cổ truyền của dân tộc. Hàng năm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam mở các lớp đào tạo cán bộ y tế sơ cấp, các lớp đào tạo Đông y sĩ, đồng thời gửi tăng ni theo học tại các trường đại học y và trung cấp y tế để phục vụ yêu cầu khám, chữa bệnh của người dân; ấn hành các tập kỷ yếu về y học,… phục vụ chăm sóc, điều trị bệnh cho người dân nghèo ở những vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc miền núi.

Bên cạnh công tác khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thành lập các trung tâm tư vấn, hỗ trợ người bị nhiễm HIV/AIDS. Đây là hoạt động mang ý nghĩa xã hội rất lớn, góp phần cứu rỗi những con người lầm lạc, giúp xóa đi sự kỳ thị, mặc cảm xã hội đối với các bệnh nhân, đồng thời hạn chế sự lây lan của căn bệnh nguy hiểm này trong cộng đồng. Đến năm 2015, Giáo hội có 08 trung tâm hỗ trợ, tư vấn người nhiễm HIV/AIDS hoạt động có hiệu quả cao. Giáo hội đã tổ chức các lớp dạy châm cứu, dưỡng sinh cho nhân viên chăm sóc bệnh nhân HIV; mở phòng tư vấn sức khoẻ; tổ chức các khóa tập huấn, các cuộc hội thảo, hội nghị và tham quan học tập cho Tăng ni, Phật tử về phòng chống HIV/AIDS ở trong và ngoài nước. Học viện Phật giáo tại Tp. Hồ Chí Minh có trung tâm tư vấn HIV/AIDS, được nước ngoài tài trợ, hoạt động có hiệu quả cao, đã tư vấn cho người nhiễm HIV/AIDS, giúp họ hiểu bệnh và hòa nhập cộng đồng. Trung tâm còn tăng cường truyền thông khắc phục sự kỳ thị đối với người bị nhiễm HIV/AIDS (Ngô Hữu Thảo, 2018).

3.3.2. Trong lĩnh vực giáo dục

Bên cạnh lĩnh vực y tế, trong những năm qua, Giáo dục là một trong những lĩnh vực nhận được nhiều sự quan tâm, trợ giúp của phật giáo. Các hoạt động trợ giúp trong lĩnh vực giáo dục thể hiện chủ yếu qua các lớp mẫu giáo tình thương, tổ chức hướng nghiệp, dạy nghề cho thanh thiếu niên, nuôi dạy trẻ mồ côi, trẻ em khuyết tât, bảo trợ các trẻ em nghèo không có điều kiện đến trường. Khi trẻ em đến tuổi đi học, không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con em mình được đi học đầy đủ. Với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn không có đủ kinh phí cho các em theo học tại các trường công lập và tư thục thì các lớp học tình thương là sự lựa chọn phù hợp.

Các cơ sở giáo dục mầm non tôn giáo nói chung, phật giáo nói riêng góp phần quan trọng trong việc xây dựng hệ thống giáo dục trên phạm vi cả nước. Xuất phát từ phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, ngoài công tác khuyến học, khuyến tài dành cho các cấp học phổ thông, đại học, các tổ chức Phật giáo, những nhà tu hành đã huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non để huy động trẻ mầm non đến trường, lớp. Các lớp mẫu giáo tình thương góp phần chung tay giải quyết gánh nặng xã hội cho nhà nước trong việc đào tạo, giáo dục thế hệ trẻ. Trước thực tế, các cơ sở của nhà nước đứng trước thực trạng chưa đáp ứng đủ nhu cầu xã hội, các tổ chức, cá nhân Phật giáo đã tự nguyện hiến đất, kinh phí để xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn hoặc huy động các mạnh thường quân. Nhiều tổ chức, cá nhân Phật giáo đã vận động các nhà hảo tâm tích cực tham gia phát triển giáo dục mầm non. Các cơ sở giáo dục mầm non được thành lập từ sự đóng góp, hiến đất của các nhà hảo tâm nhờ sự vận động của các vị chức sắc, nhà tu hành tôn giáo tạo điều kiện cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn được đến trường, góp phần thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non. Chính các tổ chức và cá nhân tôn giáo đã góp phần không nhỏ trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh và phát triển giáo  dục mầm non ở nhiều địa phương trong cả nước. Một bộ phận trẻ em nghèo, trẻ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi, không nơi nương tựa nhờ những lớp học này được cắp sách đến trường. Tính đến thời điểm năm 2018, trên phạm vi cả nước có 46 Trung Tâm nuôi dạy trẻ mô côi với 1.329 trẻ và 160 bảo mẫu. Cả nước có 12 cơ sở  lớp học tình thương với 5.678 học sinh và 199 giáo viên. Ngoài ra, cả nước có 2 cơ sở dạy nghề với 65 học viên và 6 giáo viên hướng dẫn (Đăng Huy, 2018). Đây cũng là một hình thức áp dụng giáo lý tôn giáo vào giải quyết vấn đề xã hội (Nguyễn Thị Minh  Ngọc, 2014).

3.3.3 Trong các lĩnh vực xã hội khác

Với tinh thần trách nhiệm và ý nghĩa cao cả, cứu khổ ban vui của đạo Phật, tạo nên những giá trị thiết thực cụ thể, đem đạo vào đời thông qua phương tiện để làm lợi ích chúng sinh. Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn cố gắng nỗ lực vận động tài chính, vật phẩm để có thể trợ giúp cho những hoàn cảnh khó khăn. Theo báo cáo của Hội nghị Tổng kết công tác phật sự năm 2018, ban Từ thiện xã hội của Trung ương giáo hội đã thực hiện hơn 524 tỷ đồng từ thiện.

Với tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật, cùng với việc xây dựng các lớp học tình thương, các trường mẫu giáo hay các trường dạy nghề, hệ thống Phật giáo Việt Nam đã xây dựng các cơ sở nuôi dưỡng người già neo đơn, trung tâm phục hồi chức năng cho người khuyết tật và nhiễm chất độc màu da cam,… thuộc Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh trên phạm vi toàn quốc. Chăm lo cho người già đặc biệt là những người già cô đơn không nơi nương tựa là một trong những hoạt động từ thiện xã hội quan trọng của Phật giáo. Trong những năm qua, với chi phí lên đến hàng trăm tỷ đồng, các cơ sở đã nuôi dưỡng hàng trăm cụ già neo đơn không nơi nương tựa, góp phần chia sẻ gánh nặng cho xã hội.

Cũng trên tinh thần từ bi, tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ, chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau, Tăng Ni, Phật tử cả nước đã tích cực hưởng ứng các phong trào phúc lợi xã hội, ích nước lợi dân. Các hoạt động trợ giúp được thực hiện dưới nhiều hình thức với nhiều đối tượng khác nhau như cứu trợ đồng bào bị thiên tai, đồng bào có hoàn cảnh khó khăn, tặng học bổng, trao tặng nhà tình thương, tình nghĩa, đại đoàn kết, tặng xe đạp, xe lăn, xây cầu, đào giếng, làm đường nông thôn, chương trình đem lại ánh sáng cho người bị đục thủy tinh thể, dạy nghề miễn phí, khám và cấp phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo, hỗ trợ phẫu thuật tim, phẫu thuật mắt, ủng hộ gia đình chính sách, chiến sĩ biên phòng, nuôi dưỡng Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, trẻ mồ côi, nhà dưỡng lão, bếp ăn từ thiện,… Chỉ trong vòng 5 năm (2012-2017), tổng công tác cứu trợ của hội đã lên tới gần 6.000 tỷ đồng.

4. KẾT LUẬN

Có thể thấy, Phật giáo với triết lý nhân sinh sâu sắc cùng những hành động cụ thể đã giúp cứu khổ, độ sinh, trợ giúp cho con người trong xã hội khi họ gặp phải những khó khăn trong cuộc sống. Nhìn chung, các hoạt động trợ giúp xã hội của Phật giáo Việt Nam vô cùng phong phú và đa dạng. Đặc biệt, qua từ thiện Phật giáo đã có những hoạt động trợ giúp xã hội thiết thực thể hiện tinh thần đạo pháp và dân tộc, mang đến những hỗ trợ vật chất cần thiết, đồng thời mang lại sự an ủi về tinh thần cho nhiều đối tượng trong xã hội. Các hoạt động trợ giúp xã hội của Phật giáo đã đạt được những hiệu quả rất lớn, góp phần cùng nhà nước thực hiện ổn định xã hội và an sinh xã hội cho người dân được tốt hơn.

ThS. Đỗ Duy Hưng Viện Nghiên cứu Tôn giáo Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam ***

TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Lao động thương binh và xã hội. 2013. Phát triển hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam đến năm 2020. http://khcn.molisa.gov.vn/books/BooklettiengVIETlayout_16-12.pdf 2. Đăng Huy (2018), “Tổng kết năm 2018, Ban từ thiện – xã hội TWGH thực hiện hơn 524 tỷ đồng từ thiện”. Phật tử Việt Nam. http://www.phattuvietnam.net/tong-ket-nam-2018-ban-tu-thien-xa-hoi-twgh-thuc-hien-hon-524-ty-dong-tu-thien/ 3. ILO. 2017. Báo cáo An sinh xã hội thế giới 2017- 2019. https://www.ilo.org/hanoi/Informationresources/Publicinformation/newsitems/WCMS_607477/lang--vi/index.htm 4. Nghị quyết 15-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa XI. Một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012- 2020. 5. Ngô Hữu Thảo. 2018. Công tác bảo trợ xã hội của Phật giáo và một số vấn đề đặt ra. Cơ sở dữ liệu số Giáo hội Phật giáo Việt Nam. https://vbgh.vn/index.php?language=vi&nv=news&op=ban-tu-thien-xa-hoi/20-cong-tac-bao-tro-xa-hoi-cua-phat-giao-va-mot-so-van-de-dat-ra-hien-nay-168.html 6. Nguyễn Anh Tuấn (2018). Công tác từ thiện xã hội của Phật giáo. Cơ sở dữ liệu số Giáo hội Phật giáo Việt Nam. https://bgh.vn/index.php?language=vi&nv=news&op=ban-tu-thien-xa-hoi/22-cong-tac-tu-thien-xa-hoi-cua-phat-giao-170.html 7. Nguyễn Hồi Loan (chủ nhiệm đề tài). 2013. Sự tham gia của Phật giáo vào Công tác xã hội. Đề tài cấp Đại học Quốc gia. Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. 8. Nguyễn Thị Minh Ngọc (2014), “Vài nét về hoạt động từ thiện xã hội của các tôn giáo tại Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 3/2014. 9. Thích Viên Trí (2002). Khái niệm về Bồ Tát Quán Thế Âm (lý thuyết và thực hành). Nhà xuất bản Tôn giáo 10. Trần Thị Điểu. 2018. Vai trò của Phật giáo với công tác an sinh xã hội ở Việt Nam hiện nay. Cơ sở dữ liệu số Giáo hội Phật giáo Việt Nam. https://vbgh.vn/index.php?language=vi&nv=news&op=ban-tu-thien-xa-hoi/27-vai-tro-cua-phat-giao-voi-cong-tac-an-sinh-xa-hoi-o-viet-nam-hien-nay-175.html

CHÚ THÍCH [1] Lục độ của Phật giáo bao gồm 6 hạnh là:bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ.