MỞ ĐỀ
Khi nghiên cứu về phong trào chấn hưng Phật giáo tại Việt Nam đầu những năm thế kỷ 20, mà chưa đề cập đến ngôi sao sáng như Sư trưởng Như Thanh có lẽ là một khiếm khuyết lớn?! Đọc qua hết trang sử về cuộc đời của Sư trưởng mới thấy những phẩm chất và những việc làm làm bừng sáng ngọn lửa tinh thần chấn hưng Phật giáo mà các bậc tôn túc như Hòa thượng Khánh Hòa… đã khởi xướng. Cuộc đời của Sư trưởng đủ các công đức để tôn vinh là một ngôi sao bắc đẩu trên bầu trời Ni giới nói riêng và Phật giáo nói chung, xứng với danh xưng là một Sư trưởng, một việc từ trước cho đến nay vốn chưa từng có, như lời của PGS.TS.Trần Hồng Liên: “Sự tôn vinh này có quá đáng không? Có phải vì xuất phát từ lòng tôn kính, ngưỡng vọng người mà danh xưng như vậy? Theo tôi, hoàn toàn không phải như vậy”.
NỘI DUNG
1. Cuộc đời và đạo nghiệp Sư trưởng Như Thanh
Sư trưởng Như Thanh tên thật là Nguyễn Thị Thao (1911- 1999), tại huyện Thủ Đức, làng Tăng Nhơn Phú, con của tri huyện Nguyễn Minh Giác pháp danh Hồng Ngộ, tự Phổ Minh, nhà Nho-Y nổi tiếng đương thời, cũng là nhà nghiên cứu Phật học uyên thâm và mẹ là Đỗ Thị Gần pháp danh Hồng Tín là người tôn kính Phật pháp[1]. Sư trưởng sinh ra trong giai đoạn đất nước nhiễu nhương với ách thống trị của thực dân Pháp, một giai đoạn giao thời của nền văn hóa Tây học và sự nhạt nhòa dần của Hán học Việt Nam. Đối với dân tộc Việt Nam các phong trào đấu tranh không mệt mỏi của các chiến sĩ yêu nước hàng ngày đang nổ ra, còn Phật giáo thì ngọn cờ chấn hưng cũng đang mở ra rầm rộ, mà người dẫn đầu phất lên ngọn cờ đó không ai khác là Hòa thượng Khánh Hòa.
Người từ nhỏ đã được hun đúc và học tập nghiêm túc dưới sự bảo ban của gia đình, được học tập cả Nho học và Tây học. Được tưới tẩm dưới sự chỉ bảo của cha và mẹ, những người mến kính Phật pháp nên hạt giống Bồ-đề sớm nảy mầm ở trong tâm Sư trưởng. Đến năm 1932, Sư trưởng đã xuất gia đầu Phật với Tổ Pháp Ấn (Chùa Phước Tường, Quận 9, Tp.HCM), pháp danh là Hồng Ấn nối dòng Lâm Tế Gia Phổ đời 40. Kể từ năm 1932 đến năm 1941, Sư trưởng vân du tham học: “Sư trưởng đã quyết tâm “thân nữ dặm trường” đi nhiều nơi từ Nam ra Bắc và cầu học với những bậc thầy danh tiếng, bao gồm cả Hòa thượng Pháp Ấn (Chùa Phước Tường, Thủ Đức), Sư tổ Khánh Thuyên (Chùa Thiên Bửu), Hòa thượng Mật Hiển (Huế), cụ tổ chùa Trấn Quốc, Chùa Bằng Sở (Hà Nội)….[2]
Sau khi trở về Nam, Sư trưởng bắt đầu vào con đường hoằng pháp, thuyết giảng, mở trường Ni, xây chùa, độ chúng, dịch kinh, từ thiện,… các công việc ấy đã gắn với cuộc đời Sư trưởng đến khi thuận tịch quy Tây năm 1999, đúng với những gì mà Sư trưởng đã từng dạy rằng: “Đã là phật tử, không kể tại gia hay xuất gia, ai cũng có bổn phận tu học và phụng sự Đạo pháp theo khả năng và hoàn cảnh của mình. Người biết tự lợi, lợi tha là khéo tu phước huệ thì có đủ tư lương và thuận lợi trên đường giải thoát”[3]. Lời nói đi với việc làm, lời nói tuy khiêm cung, giản tiện nhưng với những việc làm và tâm phụng sự, Sư trưởng đã để lại cho đời một tấm gương sáng cho hậu thế noi theo, thật đáng là bậc Tổ sư cho Ni giới đương thời, một vị Bồ tát trong thời hiện đại.
Đạo nghiệp của Sư trưởng là một khúc ca hùng tráng, kể từ khi xuất gia năm 1932, khi Sư trưởng 22 tuổi, cái tuổi thanh xuân đẹp nhất của một người con gái, lại là một cành vàng lá ngọc, con nhà quyền quý của một Tri huyện, mà lại xuất thế ly gia tìm cầu giác ngộ. Sư trưởng vào đạo trong giai đoạn đầu phong trào chấn hưng Phật giáo, trong một thời gian dài Phật giáo suy vi, tăng già hũ bại: “Ôi thôi! Tăng đồ hũ bại Phật giáo suy vi!! Chết nỗi! cái hiện trạng của giáo đồ, đang thời kỳ thất học, lúng túng trong vòng hắc ám, học sai dùng lộn những luật kinh”[4].
Sau khi vào đạo Sư trưởng đã dành cả 10 năm để tham phương học Phật (1932-1941), khởi đầu là tham gia lớp học gia giáo tại chùa Viên Giác (Bến Tre), Chùa Thiên Bửu (Bình Dương) sau đó là tham học ra tận Bắc ở chùa Bằng,…với các bậc danh Tăng, những nơi có dạy Phật pháp Sư trưởng đều ghé qua để kiêm ưu giáo pháp. Sau khi trở về Nam, Sư trưởng bắt đầu hành trình xiển dương Phật pháp: mở lớp luật cho ni tại chùa Hội Sơn (1942); đăng đàn thuyết pháp tại Giới đàn ở Phan Thiết, dạy bộ Luật Tứ Phần Tỳ kheo ni Lược Ký tại Chùa Hội Sơn năm 1944; năm 1947, mở Phật học Ni viện tại Chùa Huê Lâm, mở trường Trung Tiểu học Kiều Đàm, thành lập ký Ni viện Kiều Đàm, mở phòng thuốc từ thiện giúp đỡ dân nghèo,… đứng ra vận động thành lập Ni bộ Nam Việt năm 1956; về trước tác “Với vốn chữ Hán có sẵn, từ năm 1950 đến năm 1975, Sư trưởng đã trước tác và soạn thuật 13 tác phẩm, 06 dịch phẩm, 06 thi phẩm và chủ biên 02 tạp chí: Nhân Cách và Hoa Đàm”[5].
Có thể nói rằng cuộc đời của Sư trưởng là một kỳ tích, với những công trạng mà khó ai vượt qua. Cả cuộc đời dành riêng cho đạo “Sư trưởng đã tận lực đóng góp công sức cho Phật giáo nói chung, Ni giới nói riêng về nhiều lĩnh vực văn hóa, giáo dục, phiên dịch kinh điển, sáng trước tác,…” [6]. Một cuộc đời phạm hạnh kiêm ưu giới đức để tạo gây một gia tài tinh thần sáng soi cho đàn hậu bối, đồng thời để lại những di sản bất diệt trong lòng con Phật về sau.
2. Thắp sáng tư tưởng chấn hưng của Hòa thượng Khánh Hòa
Trong phong trào chấn hưng Phật giáo từ những năm đầu 1920 với những nỗ lực không ngừng của Hòa thượng Khánh Hòa, Ngài đã cùng với các cộng sự của mình như sư Thiện Chiếu, Hòa thượng Từ Phong,… bước đầu đã gây dựng được tiếng vang cho phong trào chấn hưng Phật giáo với ba phương châm chính là: giáo chế, giáo lý và giáo sản, nghĩa là chỉnh đốn tăng già, kiến lập Phật học đường, phiên dịch kinh điển và xuất bản báo chí. Hòa thượng đã từng nói trong bài Tự trần: “Như muốn truyền bá tư tưởng Phật giáo thì cần nhứt các nhà học giả nên hiệp tác với nhau, cùng chung tư phủ cất nhà thư xã, thỉnh ba tạng Kinh đồng tâm nghiên cứu, rồi diễn dịch ra chữ quốc ngữ, phổ thông trong thiên hạ,… còn một bên thì lập trường Phật học cho học sinh tấn nghiệp luôn luôn. Học cho thông ngũ giáo tam thừa,…”[7]. Chính những mục tiêu như thế mà cả cuộc đời Hòa thượng khi dấn thân vào con đường chấn hưng Phật giáo khởi đầu là hội Lục Hòa Liên Hiệp (1923), xuất bản tờ Phật giáo đầu tiên mang tên Pháp Âm (1929), sau đó thành lập hội Nam kỳ Nghiên Cứu Phật học (1931) và xuất bản tờ báo Từ Bi Âm, năm 1934 về Lưỡng Xuyên thành lập Phật học đường Lưỡng Xuyên sau đó thì tạp chí Duy Tâm Phật học ra đời, năm 1939 về chùa Vĩnh Bửu thành lập Ni trường để đào tạo cho chư Ni. Hòa thượng đã không từ lao nhọc, vượt qua bao thử thách chông gai, nếm mật nằm gai để đặt nền móng cho phong trào chấn hưng Phật giáo, làm tiền đề cho những bước tiến sau này, phục hưng lại Phật giáo, tất cả là ở ý chí và đường hướng rõ ràng mà từ đầu Hòa thượng đã vạch ra sẵn.
Ngang qua những chặng đường của Hòa thượng, một cuộc đời cống hiến với tư tưởng phục dựng ngôi nhà Phật giáo đã xiêu vẹo, lại đang bị bão táp phong ba, cứ ngỡ những gì Hòa thượng làm, những thành tựu của Hòa thượng sẽ bị mai một và lặng yên như một cục đá đã chìm xuống hồ thu sau một tiếng vang dữ dội “những tưởng phong trào chấn hưng Phật giáo do thời cuộc bị tắt lịm không thể hồi sinh”[8]. May thay, sau Ngài là những Hòa thượng anh tài, đạo cao đức trọng đã kế thừa và phát huy con đường mà Ngài đã vạch sẵn như Hòa thượng Trí Tịnh, Hòa thượng Thiện Hoa,… và một trong những ngôi sáng trong hàng Ni giới là Sư trưởng Như Thanh người phát huy trọn vẹn những tư tưởng chấn hưng mà Hòa thượng Khánh Hòa khởi xướng.
2.1. Chỉnh đốn tăng già
Như lời ca ngợi của Hòa thượng Thiện Hòa bấy giờ là Trưởng ban Trị sự Giáo hội Tăng già Nam Việt trong lời giới thiệu tập Kỷ yếu Đại hội ngày 12 tháng 02 năm 1957: “Người ta thường tưởng rằng ni lưu chỉ có khả năng tự tu, chứ không có những khả năng đảm đang những phật sự lớn lao làm vẻ vang cho Phật pháp. Nhưng trái lại, ngày nay người ta đã thấy ni lưu có ý chí mạnh mẽ kiên quyết, đứng ra lãnh lấy nhiệm vụ cùng với chư tăng chia sớt gánh nặng lo đào tạo ni tài để duy trì gia phong từ phụ. Thật là một điểm son đáng ghi trong lịch sử Phật giáo Việt Nam”[9]. Một trong những công trạng sáng chói nhất của Sư trưởng chính là thành lập Ni bộ Nam Việt. Chúng ta biết rằng, giáo đoàn của Phật là một chỉnh thể có cả tăng và ni hay xa hơn là tứ chúng, sự suy đồi của Phật giáo không phải chỉ là tăng, xây dựng Phật giáo cũng không chỉ có tăng, chấn hưng Phật giáo cũng phải chỉ có tăng mới làm được và thực hiện một mình.
Một trong những việc làm đáng lưu tâm của Hòa thượng Khánh Hòa trong phong trào chấn hưng Phật giáo là từ khi về Lưỡng Xuyên mở Phật học đường Ngài đã thu nhận ni, và sau đó về chùa Vĩnh Bửu đã lập một trường ni riêng biệt để đào tạo ni tài, điều đó cho chúng ta một vài suy ngẫm: rõ ràng lúc bấy giờ số lượng ni không phải ít và có năng lực học tập; thứ hai là Ngài đã thấy rõ tầm quan trọng của ni trong công cuộc chấn hưng. Một minh chứng rõ nhất cho điều này là việc thành lập ni bộ Nam Việt có sư bà Diệu Ninh (Chùa Vĩnh Bửu) tham gia vào bộ máy nhân sự chức phó thủ bổn và chùa Vĩnh Bửu ủng hộ rất nhiều cho tổ chức này.
Ni bộ Nam Việt là một tổ chức đầu tiên của ni, tập hợp lực lượng chư ni lại với nhau để phát triển và phát huy sức mạnh đại đoàn kết trong ni giới và tăng đoàn. Những ngày đầu phong trào chấn hưng Hòa thượng Khánh Hòa thành lập các hội để làm mạnh lên cái tinh thần đoàn kết Phật giáo, từ đó chấn chỉnh Tăng già và làm Phật giáo phục hưng trở lại. Còn Sư trưởng đã vận động các tỉnh lân cận và ra tận miền Trung để vận động và thành lập Ni bộ Nam Việt: “Nếu chị em chúng ta không đoàn kết lại để cứ rời rạc mãi, thì chẳng khác chi những đứa con không cha mẹ, anh chị, bơ vơ giữa biển đời sóng gió, tự mình đã bỏ rơi mình ra ngoài đoàn thể vậy”[10].
Việc thành lập Ni bộ Nam Việt (sau này là Ni bộ Bắc tông) nói lên tinh thần của Ni giới, chỉnh đốn lại đội ngũ ni chúng, đoàn kết tạo nên tinh thần mạnh mẽ, sẵn sàng chung vai với chư Tăng gánh vác sứ mệnh hoằng truyền chính pháp, làm chính pháp tỏa rạng như ngày nay, đó là một phần công lao của chư ni vậy.
Nhờ việc thành lập Ni bộ Nam Việt, các phật sự đã trở nên thống nhất, mạnh mẽ và nhanh chóng như các công tác Phật sự, đào tạo ni tài, từ thiện các phúc lợi xã hội,… được phát triển nhanh chóng, tạo nên một thế vững mạnh trong lòng quần chúng. Từ đó đẩy Phật giáo lên một tầm cao mới, có vị trí trong xã hội, khi vai trò được chứng minh thì tiếng nói trong xã hội cũng được nể trọng. Từ đó, Phật giáo trở lại là một chỗ dựa tinh thần, một tôn giáo đáng kính trong lòng dân tộc. Đó cũng là công lao to lớn của chư ni vậy, mà chưa hẳn chư tăng đã có thể làm được và đóng góp vai trò rất lớn trong công cuộc phát triển Phật giáo sau này.
2.2. Kiến lập Phật học đường
Sự nghiệp chấn hưng Phật giáo sẽ không bao giờ thành tựu nếu việc mở trường không được thực hiện, ngay từ đầu việc nhận định gốc rễ của việc chấn hưng là do “Phật giáo suy đồi là do tăng đồ thất học”[11]. Mở lớp dạy học là một phương pháp tối ưu, giải quyết vấn đề bấy giờ, tạo ra những bậc nhân tài đầy đủ giới đức và hiểu biết giáo pháp để hoằng dương chính pháp “Học cho thông ngũ giáo tam thừa, rồi ra trách nhiệm trụ trì, cho kiêm toàn phước huệ, hầu diễn dương diệu pháp, thì mới trông mong tăng giới được tinh tấn”[12].
Kế thừa những tư tưởng đó, Sư trưởng đã dành cả cuộc đời cho phương châm “Duy tuệ thị nghiệp”, ngay từ những năm đầu xuất gia Sư trưởng đã tham học khắp nơi với các bậc danh đức từ Nam ra Bắc: “Năm 1933 Sư trưởng tham gia lớp gia giáo tại chùa Viên Giác (Bến Tre), chùa Thiên Bửu (Bình Dương). Sau đó, người quyết tâm ta Huế tham học Phật pháp với Hòa thượng Mật Hiển qua các bộ kinh Lăng Nghiêm Trực Chỉ, Bát Nhã,… tiếp đó Sư trưởng vân du ra Bắc, học Luật với chư tôn đức tại chùa Trấn Quốc, chùa Bằng Sở. Năm 1941, trên đường về Nam, Sư trưởng đến chùa Thập Tháp Di Đà (Bình Định) cầu học với quốc sư Phước Huệ- bậc danh Tăng, nhà giáo dục Phật giáo xuất sắc đương thời qua bộ kinh Lăng Già Tâm Ấn”[13].
Sau khi trở về Nam qua những năm tham học, Sư trưởng đã bắt đầu cuộc đời dấn thân cho đạo pháp, đào tạo Ni tài bằng cách mở hàng loạt các Ni trường “Phật học Ni viện Huê Lâm, Phật học Ni viện Dược Sư, Phật học Ni viện Từ Nghiêm, Phật học Ni viện Diệu Quang, Phật học Ni viện Diệu Đức, Hoa Quang Ni viện, Từ Thuyền Ni viện,Ưu Đàm Ni viện. Các Phật học Ni viện hằng năm đào tạo được hàng ngàn Ni sinh qua các lớp sơ đẳng Phật học, trung đẳng chuyên khoa về nội điển lẫn ngoại điển và cao đẳng Phật học chuyên khoa”[14].
Công tâm mà thấy rằng, quả thật công tác giáo dục của Sư trưởng đạt được thành tựu vượt bậc tại miền Nam giai đoạn này với số lớp, trường được mở ra để đào tạo, ngoài việc học nội điển, Sư trưởng còn khuyến khích Ni chúng học cả ngoại điển để dấn thân phụng sự, các ngành như sư phạm, Đông-Tây y, Cao đẳng mầm non,.…
Ngoài các trường mang tính vĩ mô ra, Sư trưởng còn là một nhà thuyết giảng nhiệt tâm với những lần đại Giới đàn hay trường hạ, Sư trưởng đều thuyết giảng để truyền trao Phật pháp cho đàn hậu tấn, thật đúng như những gì mà Sư trưởng đã tâm niệm: “Phật pháp hoằng khai đều do sứ mạng Tăng Ni đảm trách. Do đó Tăng Ni đều phải nghiêm trì Giới luật, phát triển đạo tâm cho quần chúng. Ni giới cần sớm nhận thức nhiệm vụ, góp phần công đức, tô bồi nền tảng Phật pháp, mong sao đền đáp công ơn sâu dày của đức Thế Tôn và phát triển năng lực tự hành hóa tha hoàn thành sứ mạng phụng sự Đạo pháp”[15].
Sư trưởng đã nhận thức trọn vẹn giá trị của giáo pháp, tầm quan trọng của việc học và nghiên cứu giáo điển, đồng thời việc tu tập, ứng dụng lời Phật dạy trong sự nghiệp tu hành và hoằng dương Phật pháp: “Giới học là giềng mối của người phật tử; Định học là phép tắc điều phục tâm trí; Tuệ học là năng lực bạt trừ nghiệp chướng si ái”[16]. Kế thừa và phát triển tuột bậc những thao thức mà Hòa thượng Khánh Hòa và các bậc cao đức trong phong trào chấn hưng đã khởi xướng.
2.3. Phiên dịch và xuất bản báo chí
Nếu như ở trong thời kỳ chấn hưng Phật giáo, Hòa thượng Khánh Hòa từ tờ báo đầu tiên là Pháp Âm rồi Từ Bi Âm sau này là Duy Tâm Phật học, thì Sư trưởng cũng chủ biên hai tờ báo là Nhân Cách và Hoa Đàm. Nhưng trong đó, trước tác và phiên dịch phải nói rằng Sư trưởng có cả một gia tài đồ sộ để truyền bá tư tưởng Phật giáo: “Trước tác soạn thuật: Lược sử Đức Phật Thích Ca, Lược sử Kiều Đàm Di Mẫu, Nghi thức tụng niệm, Nghi thức niệm hương, Oai nghi người xuất gia, Nghi thức phóng sinh, Cẩm nang cho người Phật tử, Giới đức kiêm ưu, Hành Bồ tát đạo, Bát nhã cương yếu, Duy thức học, Phật pháp giáo lý. Dịch phẩm: 24 bài kệ Bát Nhã, Thiền tông và Tịnh độ tông, Thiền tông cương yếu, Gương Tăng sĩ hiện đại, Tinh thần tu dưỡng (thơ), Hương thiền hộ quốc, Làm cách nào để hoằng dương Phật pháp. Thi phẩm: Hoa thiền (40 bài), Hoa đạo (140 bài), Hoa đạo hạnh (15 bài), Hoa Bát Nhã (27 bài), Hoa chánh giác (25 bài), Hoa thanh hương (27 bài), Thơ Ngụ ngôn (Ngụ ngôn 6 bài, Nhàn đàm 29 bài, Nhàn ngâm 21 bài), Thơ chữ Hán (27 bài), Phẩm chất người con Phật, Nếu còn (10 bài), Con ơi (10 bài), Người con Phật (10 bài), Ngày về Phật”[17].
Nhìn qua những công trình trước tác và soạn dịch, chúng ta mới thấy được kiến thức đồ sộ của Sư trưởng, đồng thời thấy được công lao mà một đời Sư trưởng đã dùng nó để truyền bá chính pháp và để lại để cho hàng hậu học trên bước đường hoằng pháp noi theo và học hỏi. Từ những dịch phẩm cho đến những trước tác, chúng ta cũng phần nào đánh giá được những nhu yếu Phật giáo trong giai đoạn đó, vì những tác phẩm ấy chính là để phục vụ truyền bá, những thực phẩm tâm linh mà trong giai đoạn đó cần nên Sư trưởng mới chuyển dịch và trước tác. Bên cạnh đó, những bài thơ mà Sư trưởng đã sáng tác, dù là những vần thơ mang hương vị đạo:
“Cố gắng trau dồi một thể không. Tinh thần đức trí phải bền trông. Mượn than hư huyễn mà tu tỉnh, Nương cõi thanh nhàn chẳng ước mong. Hai chữ nhục vinh luồng song dội Thiền môn yên lặng mối tâm đồng”[18].
Hoặc là:
“Tu hành phân biệt khó thành Dùng tâm bình đẳng hạnh lành thanh cao”[19].
Hay chỉ là những bài thơ nói lên thế thời trong một giai đoạn lịch sử như trong bài thơ “Tuồng đời-lẽ đạo”, Sư trưởng đã viết:
“Lớp lớp tuồng, thay đổi ngổn ngang, Bắc, Nam vận hội lắm mơ màng. Màu da, máu thịt còn đâu nữa, Lý tưởng, hồn thần khó nỗi an. Đất nước tan tành, dân đói khổ, Non sông ngơ ngác, cảnh kinh hoàng. Còn chi hoa gấm màu tươi đẹp, Chỉ thấy đau thương giọt lụy tràn. Chỉ thấy đau thương giọt lụy tràn. Tinh thần dân tộc quá thương tang ! Xuống lên ngơ ngẩn về đâu nhỉ ! Qua lại bâng khuâng hết nỗi than… ”[20].
Thì đều chan chứa nỗi lòng của một người ưu tư cho vận mệnh Phật giáo, cho đất nước, người dân Việt Nam, thật đáng kính quý và mang ơn. Các bài thơ chính là một vũ khí tuyệt vời trong truyền bá chính pháp, nó như dòng nước tươi mát, nhẹ nhàng len lỏi vào trong mọi ngóc ngách của tâm hồn, xoa diụ những nỗi đau trong lòng của mỗi người, những vần thơ đã an ủi và dìu dắt họ vào đạo như một sự tình cờ. Đó phải chăng cũng là một sự khéo léo tuyệt vời mà chỉ có Sư trưởng mới làm được và hiệu quả như vậy!
Có thể nói công tác trước tác, soạn thuật của Sư trưởng đạt được những thành tựu to lớn, góp phần không nhỏ trong ngôi nhà văn chương Phật giáo và phong trào chấn hưng Phật giáo trong giai đoạn kế thừa về sau. Những thành tựu đó đáng để tôn vinh và tự hào rằng những gì Người làm là sự phát triển toàn diện những tư tưởng chấn hưng mà Hòa thượng Khánh Hòa đã đề ra và thực hiện. Qua đó, khẳng định vai trò và vị trí của Sư trưởng trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam trong tiến trình phát triển Phật giáo thời hiện đại.
3. Kế thừa và phát huy những di sản Sư trưởng để lại.
Sư trưởng đã để lại một di sản đồ sộ cho Ni giới nói riêng và Phật giáo nói chung, di sản đó bao gồm cả vật chất và tinh thần. Di sản vật chất có thể nói đến những ngôi chùa, Ni trường mà Người đã dựng xây, bên cạnh đó là những trại mồ côi, trại tế bần, các ngôi trường dạy học, nghề cho trẻ em thiếu điều kiện… Xa hơn là những trước tác, soạn dịch của Sư trưởng, là môn đồ cùng hàng hậu tấn cần phải giữ gìn, đồng thời phát huy những giá trị mà Người đã gây dựng.
Bằng những gì đã có, hàng Ni giới ngày nay cần đẩy mạnh các công tác phúc lợi xã hội có quy mô và tổ chức. Cần nói thêm rằng, ngày nay chúng ta đang đổ hàng tỷ đồng cho những thiện nguyện không mang lại giá trị thức tiễn và mang tính lâu dài cho Phật giáo. Chúng ta hoạt động một cách riêng lẻ, không kịch bản rõ ràng dẫn đến tình trạng “hạt muối bỏ xuống biển”, một sự thất thoát về tài chính kinh khủng, trong khi đó các tôn giáo khác họ làm một cách có hệ thống và bài bản, mới nhìn ta thấy họ không rộng lượng, lớn lao hơn ta nhưng thành quả họ đạt được lại hơn ta gấp trăm ngàn lần.
Các ngôi chùa ngày nay càng được xây dựng to và hoành tráng nhưng cái chất và cái tâm mà Sư trưởng để lại ngày nay chúng ta đã làm được gì? Sư trưởng đã xây chùa nhưng không phải để ở, chỉ để nuôi chúng một cách thông thường mà là đào tạo Ni tài, chỗ này chúng ta cần xem xét kỹ lưỡng. Chính vì lẽ đó, ngày nay chúng ta nên cần nghiêm túc xem lại phẩm chất của đại đa số, những người trụ trì liệu đã làm tốt vai trò, trách nhiệm cũng như kế thừa những gì mà tiên tổ chúng ta để lại hay chưa, hay chúng ta đang giẫm nát những thành quả mà cha ông chúng ta để lại.
Một lần nữa chúng tôi kêu gọi những người đồng tu, chúng ta cần thức tỉnh, cần nhận thức vai trò và trách nhiệm của mình để làm đúng tinh thần mà thầy tổ chúng ta mong đợi, hơn thế nữa là trách nhiệm “Trụ pháp vương gia, trì Như Lai tạng”.
Nói về di sản tinh thần thì nhiều không thể nói hết, vì nó là cả cuộc đời Người. Nhưng nói theo lời của NS.TS. Thích Hạnh Tâm tông phong Tổ đình Huê Lâm: “Tôi mạo muội nhắc lại hai giá trị quý báu của Người cần được học tập cũng như vận dụng, đó là tinh thần luôn đề cao sự đoàn kết để ổn định ngôi nhà Ni bộ cùng với việc tạo điều kiện phát huy tài năng mỗi người nhằm tạo nên bước phát triển mạnh mẽ của tổ chức”[21]. Lời “mạo muội” này chưa hẳn là trọn vẹn những di sản tinh thần mà Người để lại, nhưng trong bối cảnh hiện nay nó lại vô cùng sâu sắc và ý nhị. Có lẽ, cái nhìn của Ni trưởng Hạnh Tâm trong bối cảnh hiện nay phát huy hai điều này là cần nhất!
Đoàn kết xưa nay chưa bao giờ là đủ cả, và “sáu pháp lục hòa” Phật chế cũng đâu ra ngoài ý nghĩa đoàn kết đâu! Sở sĩ Phật giáo suy tàn, sở dĩ Phật giáo cần chấn hưng cũng là do Tăng đoàn rời rạc, không đoàn kết, và ngày hôm nay muốn duy trì, phát triển Phật giáo cũng không có gì khác mà cần nhất là đoàn kết “Bởi mục đích của đại hội, không ngoài ý định củng cố và phát huy tinh thần đoàn kết của Ni giới chúng ta. Xét ra, cơ duyên đoàn kết chặt chẽ thì muôn người như một, vừa thống nhất ý chí, vừa tổ hợp hành vi. Lẽ ra việc làm ấy không thành tựu hay sao”[22]. Qua đó cho chúng ta thấy được vai trò to lớn của đoàn kết, vì có đoàn kết thì mới tạo được sức mạnh, có đoàn kết mới không chống báng lẫn nhau, có đoàn kết thì mới hòa hợp theo tinh thần như nước hòa với sữa mà Phật đã dạy.
Một di sản thứ hai mà chúng ta ngày nay cần kế thừa và phát triển chính là đào tạo Ni tài, tạo điều kiện để Ni giới phát triển.
“Chúng ta chấm đúng theo trình độ của mỗi người và tùy theo khả năng của chúng ta sẽ sắp xếp cho họ mỗi người làm một việc, người nào cũng có việc làm cả, dụng nhơn như dụng mộc mà”[23] hay: “Vị Ni nào có khả năng diễn giảng thì diễn giảng, vị ni nào có khả năng về từ thiện xã hội thì làm từ thiện xã hội”[24].
Đọc lại những lời vàng ngọc, tâm tư, hoài bão của Sư trưởng mà không nén được sự bồi hồi, và ngày nay chúng ta không làm được những gì mà Sư trưởng đã hoài vọng thì thật là phụ lòng của Người đã truyền trao.
“Này con ơi! Đạo tràng thầy lập Này con ơi! Kinh tập thầy truyền Mai kia thầy đã tịnh thiền Bao nhiêu chí nguyện thầy truyền cho con Con đứng lên lòng son chí cả Con đứng lên sắt đá một lòng Không lơ lửng chẳng long đong Chắp tay trước Phật, chí hồng nguyện sâu”[25].
Đào tạo nhân tài và sử dụng nhân tài luôn là đề tài nóng bỏng, bởi lẽ những điều này nằm ở nơi người lãnh đạo. Nếu một nhà lãnh đạo có tâm thì điều này tuy khó mà dễ, còn ngược lại thì trăm nan vạn nan, thậm chí là không thể thực hiện. Nếu phát huy được tinh thần này thì cần phải có một đủ tài đức để hiệu triệu đại chúng, đứng ra để dẫn dắt, chỉ đạo và làm một cách triệt để. Còn ở phương diện nhỏ hơn, khi ta ở một ngôi chùa nếu thấy được những nhân tố có triển vọng thì đào tạo và tạo mọi điều kiện cho phát huy. Khi ta làm trong một tổ chức, một cơ quan mà thấy được những nhân tài thì cũng hay trao họ những cơ hội. Đừng vì tư tâm cá nhân, đừng vì sự ích kỷ mà để cho tâm ta thêm u tối và đạo pháp không có cơ hội để phát triển.
KẾT LUẬN
Lật lại từng trang sử của Sư trưởng Như Thanh như đọc lại những lời di huấn của một người mẹ hiền với những lời yêu thương và ấp ủ dành cho con trẻ. Cuộc đời của Sư trưởng mãi còn là cảm hứng cho giới nghiên cứu, đồng thời là tấm gương cho hàng hậu tấn noi theo, từng việc làm, từng lời nói, từng trang thơ là nguồn động lực lớn lao để cho đời sau học tập.
Qua đó cũng cho ta thấy vai trò, vị trí của Sư trưởng Như Thanh trong trang sử vàng Phật giáo, người xuất hiện như là người đốt lên ngọn đuốc còn đang cháy dở dang mà chư vị Tổ thầy đang còn bỏ dở. Để rồi người làm nên một kỳ tích sáng soi cả một giai đoạn Phật giáo u buồn, để hôm nay đàn hậu tấn có được một mái nhà đạo pháp phát triển như ngày hôm nay, công lao ấy phải chăng Sư trưởng là một phần không thể thiếu được. Với những gì mà Người đã làm, những gì mà Người đã đạt được các thành quả ấy, chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định Sư trưởng Như Thanh - Người phát triển trọn vẹn tinh thần chấn hưng Phật giáo của Hòa thượng Khánh Hòa.
Là hàng hậu học chúng ta cần mạnh dạn cổ xúy tinh thần của Người, làm sống dậy những giá trị mà Người đã để lại, phát huy để xứng đáng là hàng hậu học tông phong con nhà Thích tử.
Thích Tâm Ý - Học viên Thạc sĩ Khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM
-------------------
CHÚ THÍCH:
[1] Trong bài viết này, những gì liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Sư trưởng được trình bày dựa trên nguồn tư liệu chính: Tổ đình Huê Lâm (1999), Lược sử Sư trưởng thượng Như hạ Thanh, Sư trưởng Như Thanh: Cuộc đời và sự nghiệp, Nxb.Thành phố Hồ Chí Minh, tr.9-34. [2] Ths.Võ Thị Khánh Vân (2019), “Tinh thần hiếu học của Sư trưởng Như Thanh đóng góp cho sự nghiệp giáo dục” trong Di sản Sư trưởng Như Thanh kế thừa-phát triển Ni giới Việt Nam, Nxb.Tổng hợp, Thành phố Hồ Chí Minh, tr.31. [3] Tổ đình Huê Lâm (1999), Sư trưởng Như Thanh: Cuộc đời và sự nghiệp, Nxb.Thành phố Hồ Chí Minh, tr.30. [4] Khánh Hòa (1929), Tự trần, Pháp Âm số 1, tr 24. [5] NS.TS.Thích Nữ Như Nguyệt (2019), “Sư trưởng Như Thanh ảnh hưởng đến chư Ni thế hệ hậu hậu” trong Di sản Sư trưởng Như Thanh kế thừa-phát triển Ni giới Việt Nam, Nxb.Tổng hợp, Thành phố Hồ Chí Minh, tr.249. [6] NS.TS. Thích Nữ Như Nguyệt (2019), “Sư trưởng Như Thanh …”, Sđd, tr.252. [7] Khánh Hòa (1929), Tự trần, Pháp Âm số 1, tr.24. [8] Thích Minh Cảnh (2018), “Hậu duệ của Hòa thượng Khánh Hòa” trong Hòa thượng Khánh Hòa trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Nxb.Hồng Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, tr.32. [9] Tổ đình Huê Lâm (1999), Sư trưởng Như Thanh: Cuộc đời và sự nghiệp, Nxb.Thành phố Hồ Chí Minh, tr.17. [10] SC.ThS.Thích Niệm Huệ (2018), “Nhân cách văn hóa của Sư trưởng Như Thanh” trong Di sản Sư trưởng Như Thanh kế thừa-phát triển Ni giới Việt Nam, Nxb.Tổng hợp, Thành phố Hồ Chí Minh, tr.40. [11] Khánh Hòa (1929), Tự trần, Pháp Âm số 1, tr.25. [12] Khánh Hòa (1929), Sđd, tr.25. [13] HT.TS Thích Tấn Đạt (2018), “Sư trưởng Như Thanh với sự nghiệp hoằng pháp của Ni giới” trong Di sản Sư trưởng Như Thanh kế thừa-phát triển Ni giới Việt Nam, Nxb.Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr.21. [14] SC.ThS.Thích Niệm Huệ (2018), Nhân cách văn hóa của Sư trưởng Như Thanh … Sđd, tr.43. [15] Tư liệu lưu trữ tại Tổ đình Huê Lâm. [16] Sư trưởng Như Thanh (1972), Giới đức kiêm ưu, Tư liệu lưu trữ tại Tổ đình Huê Lâm, tr.42. [17] SC.ThS.Thích Niệm Huệ (2018), “Nhân cách văn hóa của Sư trưởng Như Thanh” trong Di sản Sư trưởng Như Thanh kế thừa-phát triển Ni giới Việt nam, Nxb.Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr.45. [18] Sư trưởng Như Thanh (1999), Nhẫn hạnh, Tập thơ Đàm Hoa thi phẩm, Nxb.Văn nghệ, tr.55. [19] Tổ đình Huê Lâm (1999), Sư trưởng Như Thanh: Cuộc đời và sự nghiệp, Nxb.Thành phố Hồ Chí Minh, tr.80. [20] http://www.buddhismtoday.com/viet/tho/252-nitruongnhuthanh.htm. Truy cập ngày 7/3/2021. [21] NS.Thích Như Tâm (2018), “Nghĩ về di sản Sư trưởng Như Thanh” trong Di sản Sư Trưởng Như Thanh kế thừa-phát triển Ni giới Việt Nam, Nxb.Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr.269. [22] Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất (1972), Kỷ yếu Đại hội Ni bộ Bắc tông, chùa Từ Nghiêm, tr.3. [23] Tổ đình Huê Lâm (1999), Sư trưởng Như Thanh: Cuộc đời và sự nghiệp, Nxb.Thành phố Hồ Chí Minh, tr.124. [24] Thích nữ Như Nguyệt, “Bhikasuni Như Thanh: A polar Star among Vietnamese Nuns”, in trong Karma Lekshe Tsomo (2014), Eminent Buddhist Women, Nxb.Suny, Hoa Kỳ, tr.83-92. [25] Tổ đình Huê Lâm (2000), Phẩm chất người con Phật, Nxb.Thành phố Hồ Chí Minh, tr.117-118.
TÀI LIỆU THAM KHẢO1. TS.Như Nguyệt (Chủ biên) (2018), Di sản Sư Trưởng Như Tthanh kế thừa-phát triển Ni giới Việt Nam, Nxb.Tổng hợp, Thành phố Hồ Chí Minh. 2. Tổ đình Huê Lâm (1999), Lược sử Sư trưởng thượng Như hạ Thanh, Sư trưởng Như Thanh: Cuộc đời và sự nghiệp, Nxb.Thành phố Hồ Chí Minh. 3. Sư trưởng Như Thanh (1972), Giới đức kiêm ưu, Tư liệu lưu trữ tại Tổ đình Huê Lâm. 4. Sư trưởng Như Thanh (1999), Nhẫn hạnh, Tập thơ Đàm Hoa thi phẩm, Nxb.Văn nghệ, Sài Gòn. 5. Tổ đình Huê Lâm (2000), Phẩm chất người con Phật, Nxb.Thành phố Hồ Chí Minh. 6. Thích nữ Như Nguyệt, “Bhikasuni Như Thanh: A polar Star among Vietnamese Nuns”, in trong Karma Lekshe Tsomo (2014). Eminent Buddhist Women, Nxb.Suny, Hoa Kỳ. 7. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất (1972), Kỷ yếu Đại hội Ni bộ Bắc tông, chùa Từ Nghiêm. 8. Thích Đồng Bổn (Chủ biên) (2018), Hòa thượng Khánh Hòa trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Nxb.Hồng Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. 9. Khánh Hòa (1929), Tự trần, Pháp Âm số 1. 10. http://www.buddhismtoday.com/viet/tho/252-nitruongnhuthanh.htm. Truy cập ngày 7/3/2021.
Bình luận (0)