Tác giả: NNC Phan Anh Dũng

Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 01/2025 - Xuân Ất Tỵ

Tóm tắt: Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm trong bài “Ai là tác giả Chỉ nam phẩm vựng” (Tạp chí Hán Nôm, số 4 (119) 2013; tr. 40-48) đã đưa ra một nhận định quan trọng rằng tác giả Chỉ nam phẩm vựng (sau xin viết tắt là CNPV), tiền thân của cuốn từ điển chữ Nôm Chỉ nam Ngọc âm giải nghĩa (sau sẽ viết tắt là CNNA), có thể là Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh. Nhưng vấn đề này vẫn còn chưa chắc chắn nên ngay cả trong giới nghiên cứu Hán Nôm cũng ít người biết đến. Bài viết tổng hợp các tư liệu đã có và bổ sung một số tư liệu riêng của người viết về việc tác giả cuốn sách cổ rất quý là Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa có thể là Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh. Qua đó cung cấp cứ liệu về niên đại hoạt động của Thiền sư Tuệ Tĩnh và thấy được sự đóng góp của Tuệ Tĩnh không chỉ với ngành y dược mà cả với lĩnh vực chữ Nôm và ngôn ngữ, văn hóa Việt.

Từ khóa: Tuệ tĩnh, Chỉ nam ngọc âm, Hoàng Thị Ngọ, Nguyễn Thị Lâm

Giới thiệu:

Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa (Hán-Nôm: 指 南玉音解義, viết tắt là CNNA) là cuốn từ điển Hán-Nôm cổ nhất của Việt Nam, sách ghi là biên soạn vào năm Tân Tỵ chưa rõ cụ thể niên đại nào nhưng nằm trong khoảng giữa thế kỷ XV và thế kỷ XVIII. Theo Tiến sĩ Hoàng Thị Ngọ thì sách cổ hiện còn 7 bản, gồm 5 bản in và hai bản chép tay, nếu không kể các bản vốn thuộc tư gia thì còn ba bản cổ được lưu tại Viện Viễn Đông Bác Cổ (Pháp), Viện Nghiên cứu Hán Nôm, và Hiệp hội Châu Á. Trong ba bản này thì bản của Viện Nghiên cứu  Hán  Nôm  (ký  hiệu AB. 372) được cho là bản cổ nhất và bản thuộc Hiệp hội Châu Á (ghi năm 1761) là bản mới nhất.

(Ảnh: Internet)

Tác phẩm này mở đầu với hai lời tựa, một bằng văn xuôi chữ Hán và một bằng thơ Nôm. Theo tác giả, cuốn từ điển này giúp ích cho những người theo con đường khoa cử và cả những người muốn đọc các kinh sách nhà Phật, là sách quý báu “xem bằng ngọc vàng”. Lời tựa Nôm bắt đầu với câu lục bát, tiếp theo là bài song thất lục bát, và kết thúc với một bài thơ lục bát. Bài tựa đề cao chữ Nôm nước Đại Việt là chữ chính đáng của thánh hiền, đi ngược với quan điểm "chính thống" của triều đình vốn chú trọng đến chữ Nho. Trong khi đó bài tựa chữ  Hán lại chú trọng đến chữ Nho và không nhắc gì đến chữ Nôm, theo lời tựa này thì gốc ban đầu của tác phẩm Chỉ nam ngọc âm là cuốn Chỉ nam phẩm vựng (指南品 彙, viết tắt  là  CNPV) do Sĩ Vương (tức Sĩ Nhiếp) soạn từ rất xa xưa vào thời nhà Hán, sau được chú giải và tăng bổ thêm. Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa bao gồm 41 chương bộ trong đó có 38 chương bộ được giải nghĩa theo lối văn vần bằng thơ lục bát, phần bổ di mới thêm vào thì được chú bằng văn xuôi chữ Nôm, tổng cộng có 3.394 mục từ chữ Hán, mỗi mục có lời chú bằng chữ Nôm để làm sáng nghĩa.

Sách này không chỉ là cuốn từ điển Hán-Nôm cổ nhất của Việt Nam, xét chung những tác phẩm có chữ Nôm thì Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa cũng thuộc hàng cổ nhất, có lẽ chỉ thua cuốn Phật thuyết Đại báo Phụ mẫu Ân trọng kinh có diễn Nôm được cho là ra đời vào đời Lý. Đây là cuốn sách rất quan trọng đối với các nhà nghiên cứu Hán Nôm, nói chung là nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam.

Tác phẩm đã được hai học giả nữ có danh tiếng là bà Trần Xuân Ngọc Lan, và sau đó là Tiến Sĩ sĩ Hoàng Thị Ngọ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm phiên âm và khảo chú rất công phu.

Khảo sát về tác giả và năm xuất bản CNNA

Việc minh định tác giả và năm trước tác của cuốn từ điển này đến nay vẫn chưa ngã ngũ vì nội dung sách không ghi rõ. Tựa sách thì ghi "Niên thứ Tân Tỵ mạnh xuân cốc nhật" (年次辛巳孟春榖日), hơn nữa mỗi bản đều ghi người soạn khác nhau. Bản của Hiệp hội Châu Á thì đề sách do "Túc tăng Pháp Tính" soạn. Các học giả Nguyễn Tài Cẩn, Trần Văn Giáp và Đào Duy Anh cho rằng Pháp Tính là Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, con gái Chúa Trịnh Tráng. Trong khi đó Lê Văn Quán, Trần Xuân Ngọc Lan, và Nguyễn Đình Hòa thì khẳng định rằng soạn giả không thuộc nữ giới vì "tăng" phải là đàn ông xuất gia; "ni" mới là đàn bà. Bản của Hiệp hội Châu Á cũng ghi rõ sách in "hoàng triều Cảnh Hưng nhị thập nhị", chiếu theo tây lịch là năm 1761, các bản kia đều không ghi niên đại này. Keith W. Taylor thì cho rằng bài tựa sách và phần nội dung có thể do hai tác giả khác nhau viết; Taylor và Trần Xuân Ngọc Lan cũng chỉ ra rằng bản của Viện Nghiên cứu Hán Nôm không kèm danh hiệu "túc tăng" và có lẽ được xuất bản năm 1641. Giáo sư Ngô Đức Thọ căn cứ trên một số chữ húy kỵ đời Hồ thì kết luận rằng sách được soạn năm 1401, sau đó Tiến sĩ Hoàng Thị Ngọ trong bài “Suy nghĩ thêm về văn bản Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa và thể thơ lục bát đầu thế kỷ XV (Tạp chí Hán Nôm, số 6/2012)” tiếp thu thành tựu nghiên cứu của Ngô Đức Thọ cũng đi đến nhận định rằng truyền bản của CNNA có niên đại vào khoảng 1401-1406 đời Hồ Hán Thương. Như vậy thì thời điểm biên soạn của CNPV (tiền thân của CNNA) phải trước thế kỷ XV, nhưng cụ thể là giai đoạn nào và tác giả của nó là ai thì cho đến nay vẫn còn là một câu hỏi lớn.

Chân dung Thiền sư Tuệ Tĩnh (nguồn: Tuệ Y Đường)
Chân dung Thiền sư Tuệ Tĩnh (nguồn: Tuệ Y Đường)

Riêng Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm trong bài “Ai là tác giả Chỉ nam phẩm vựng” (Tạp chí Hán Nôm, số 4 (119) 2013; tr. 40-48) sau khi khảo chú một cách cẩn thận và rất khoa học đã đưa ra một nhận định quan trọng, có thể coi là một phát hiện lớn, rằng tác giả Chỉ nam phẩm vựng, tiền thân của Chỉ nam Ngọc âm giải nghĩa có thể là Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh. Xin trích nguyên văn nội dung lập luận của TS Nguyễn Thị Lâm:

“Trùng san CNPV là một quyển từ điển có tính chất bách khoa, nó phản ánh những tri thức rất phong phú về tự nhiên và xã hội ở thời điểm ra đời của tác phẩm. Tuy nhiên, có thể thấy người làm sách đã để nhiều tâm huyết vào việc giới thiệu, mô tả các vị thuốc Nam thể hiện ở bộ Nam dược (gồm 460 câu, dài nhất tác phẩm). Dược liệu dùng làm thuốc ở đây thường là các thứ sẵn có trong tự nhiên, ở xung quanh con người nên rất dễ tìm kiếm. Tác giả trùng san CNPV tỏ ra là một người có học vấn uyên bác, đặc biệt tinh thông bản thảo Trung dược các đời, nhất là Nam dược. Ông cũng vận dụng một cách thành thục các nguồn từ điển từ thư, vận thư và kinh điển ngữ văn như Nhĩ Nhã, Thuyết văn giải tự, Quảng vận, Tập vận, Kinh Thi, Mạnh Tử vào trong tác phẩm của mình. Trong lịch sử y dược nước ta, một người có nhiều khả năng như vậy lại giỏi làm thơ phú về thuốc Nam thì chỉ có Đại thiền sư Tuệ Tĩnh mà thôi. Thiền sư là người có công xây dựng nền móng cho y học Việt Nam với truyền thống chữa bệnh bằng thuốc Nam, mong cho người trên đời đều lên cõi thọ. Về tiểu sử và hành trạng Tuệ Tĩnh, trước đây đã có nhiều tranh luận, có những người cho ông là người thời Lê song cho đến nay, hầu như đã nghiêng hẳn về ý kiến khẳng định ông là người thời Trần, sống vào khoảng cuối thế kỷ XIV đời Trần Dụ Tông (1345 - 1368). Các nhà nghiên cứu Lê Trần Đức, Mai Hồng, Phó Đức Thảo, Nguyễn Văn Bách, Nguyễn Thiện Quyến, Trần Trọng Dương đã khảo chứng văn bản và đều có xu hướng chứng minh các tác phẩm của Tuệ Tĩnh như Nam dược thần hiệu (NDTH), Nam dược quốc ngữ phú (NDQNP), Thiền tông khóa hư ngữ lục đều thuộc về cuối thời Trần. CNPV phải được biên soạn trước thế kỷ XV, vậy nó có liên quan gì với những tác phẩm kể trên và tác giả Tuệ Tĩnh hay không? …” . (Chú ý NDQNP của Tuệ Tĩnh là một bài phú liên vận gồm 24 vần mà ở lời kết có ghi rõ tác giả là Tráng Tử Vô Dật - biệt hiệu của Tuệ Tĩnh, biệt hiệu này cũng được chép ở Thiền tông khóa hư ngữ lục, bản ở Viện Hán Nôm ký hiệu AB. 268, sách đó cho biết Tuệ Tĩnh cũng là người diễn Nôm bản Thiền tông khóa hư ngữ lục (tuy nhiên do chủ đề của bài viết này nên chúng tôi tạm chưa đề cập cụ thể).

Tiếp sau đó Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm đã đi vào phân tích tư liệu cụ thể:

1. Hệ thống phụ âm đầu kép kl, kr, bl, ml, tl trong hệ thống ngữ âm tiếng Việt cổ đều có hiện diện trong CNPV và NDQNP và cả bản diễn Nôm Thiền tông khóa hư ngữ lục cũng của Tuệ Tĩnh.

2. Hệ thống từ cổ cũng có sự tương tự nhau, như ốc, ốc hiệu (gọi), cả (lớn), mọn (nhỏ), hòa (và), đòi (nhiều), dái (sợ), ca (ở, tại), chỉn (thực), no (đủ), mựa (chớ)… Cách dùng từ “cái” như “con”: Cái ba ba, cái tê tê, cái đỉa... Đặc biệt, chữ Nôm ở cả hai văn bản vẫn còn lưu giữ được khá nhiều dấu vết của những từ song tiết như: La đá, bà ngựa, bồ nâu, bồ cò, bồ cóc, bà cắt, lồ mướp, lồ vừng, mùi tui…

3. So sánh cách phân bộ loại cũng có sự giống nhau CNPV có Vũ trùng (loài chim); Mao trùng (loài thú); Lân trùng (loài có vảy); Giáp trùng (loài có mai); Mộc loại (loài cây); Hoa loại (loài hoa); Quả loại (loài quả)… thì NDQNP cũng đề cập đến vô số các loài cỏ cây, hoa trái cho đến các loại “Vũ mao cầm thú, lân giáp ngư trùng” và ở Nam Dược Thần Hiệu (NDTH) cũng có: Đằng thảo bộ (loài dây leo); Quả bộ; Mộc bộ; Trùng bộ (loài côn trùng); Lân bộ; Ngư bộ; Giáp bộ; Cầm bộ (loài chim); Sơn thú bộ (loài thú rừng) …

4. Khi lập bảng so sánh giữa phần Nam dược trong CNNA với NDQNP thì thấy: Tuy hai tác phẩm, một là thể lục bát, một là thể phú với những đặc trưng riêng về mặt thi pháp (cách đặt câu, vần luật…) nhưng thật đáng ngạc nhiên, kết quả khảo sát đã cho tới 212 trường hợp tương đồng về từ ngữ và nội dung diễn đạt (7), chiếm tỉ lệ 22,46% (212/944). Nếu chỉ có một vài trường hợp tương tự thì còn có thể cho là sự trùng hợp tình cờ, đằng này xuất hiện một cách tương đối thường xuyên, tạo thành hệ thống. Ở khá nhiều trường hợp, sự khác biệt giữa hai văn bản có khi chỉ ở một đôi chữ hoặc đảo trật tự trong câu.

5. Có hàng chục trường hợp câu chữ diễn giải rất đặc thù, mang đậm dấu ấn cá nhân, mà lại giống hệt nhau như sau: Trong NDQNP, Tuệ Tĩnh gọi hoa cây mò (một loại cây bần) là “hoa đau mắt”; Cao lương khương là “củ giềng ấm”; Dã vu căn là “củ dáy ngứa”; Hoa lan là “lan quốc hương”, Nga truật là “củ ngải máu”, Hương cái tử là “quả gai” (tức quả dứa)… thì ở Trùng san CNPV cũng vậy. Hay như những cách diễn tả: “Cá ngạnh rắn xương”, “cà cuống ngon cay”, “khúc khuỷu trái hòe”, “đắng thay mật gấu”, “ghê (tởm) thay cái đỉa”… giống hệt nhau ở cả hai tác phẩm.

Nhóm chúng tôi cũng xin góp một vài số liệu thống kê so sánh với hệ thống từ cổ còn lưu trong cuốn Từ điển Việt Bồ La của A.D.Rhodes (1651) như bảng sau (chọn ngẫu nhiên một số từ cổ vì các khảo cứu dựa trên so sánh tỉ lệ tương đối chứ không phải con số tuyệt đối):

Nhận xét chung: Số từ song tiết ở CNNA còn gặp trong TĐ VBL là 4/9, số từ cổ khác là 5/16 nói chung đều dưới 50%, nghĩa là đa số đã không xuất hiện còn trong TĐ VBL (xin nhắc lại đây là những từ cổ chúng tôi chọn ngẫu nhiên để so tỉ lệ tương đối chứ không phải là trong CNNA chỉ có từng đó). Mà từ điển VBL in năm 1651, thời điểm thu nhập còn trước vài chục năm nữa (theo Lịch sử chữ quốc ngữ (1)), nếu theo giả thuyết của nhóm GS Hà Văn Tấn (2) (và nhiều học giả khác) cho rằng Tuệ Tĩnh sống khoảng cuối thế kỷ 17 thì rõ ràng là không hợp, vì nhiều từ cổ trong CNNA khi đó đã không còn dùng phổ thông, không được thu thập vào TĐ VBL nữa, thì làm sao tác giả lại có để đưa vào trong CNNA? Tóm lại các từ cổ đã chỉ ra rằng CNNA phải có trước nửa cuối TK XVII, cũng từ đó vấn đề Tuệ Tĩnh sống ở thế kỷ XIV (đời Trần) hay XVII (đời Lê Trung Hưng) mà giới học giả tranh cãi lâu nay tất phải bỏ khả năng thế kỷ XVII chỉ còn thế kỷ XIV (hoặc sớm hơn).

(Ảnh: Internet)

Về cung cách viết chữ Nôm trong các tác phẩm Nôm của Tuệ Tĩnh một số tác giả đã phân tích, nêu ra nhiều viết tích cổ, như “Trăng ????” viết chữ Ba+lăng (巴+陵) thể hiện tiền âm tiết b-l- (blăng); “Trời” ở Nam dược thần hiệu viết chữ Ba + lệ (巴+例) có tiền âm tiết (blời), đời sau thường viết dạng thiên + thượng (???? =天+上). “Một” viết chữ miệt 蔑 (đời sau thường viết chữ “Một 沒” là mất); “chịu” viết chữ triệu 召 là vời lại (đời sau thêm chữ thụ 受 = ????), “trước” viết xa + lược (????=車+略) thể hiện có tiền âm tiết k-l- (k-lước), đời sau thường viết dạng lược + tiên (????=略+先); “vui” viết “bôi + tư (盃+司” cho thấy khả năng có tiền âm tiết t-b (tbui), đời sau thường viết dạng tâm + bôi  (????=忄+盃).v.v..  những dạng viết có dấu vết tiền âm tiết là dạng cổ thường là TK XV về trước, khi so sánh về cách viết chữ Nôm thì NDQNP có phần xưa hơn cả QATT (TK XV) tức là ủng hộ cho thuyết rằng Tuệ Tĩnh là người đời Trần (TK XIII - XIV).

Đối chiếu với QATT của Nguyễn Trãi (thế kỷ XV) với CNNA và NDQNP thấy từ ngữ nhiều chỗ dùng giống nhau, như chỉn, ốc, la đá, bà ngựa ... lại có một số vị thuốc nói ở CNNA và NDQNP cũng được thấy trong QATT, như “núc nác” có ở QATT bài 10/3 “tả lòng thanh vỏ núc nác”, “tổ ong tàng” có ở QATT 25/6 “của nhà bịn rịn tổ ong tàng”, CNNA có câu “hoè giác lúc khuỷu trái hoè” tả trái hoè khô, thì QATT bài 40/4 cũng có câu “khúc khuỷu làm chi trái hoè”, cho thấy Tuệ Tĩnh phải sống khoảng TK XV về trước. Những dấu tích muộn như các dạng viết chữ Nôm muộn hay các địa danh thời Lê Trung hưng.v.v thì có thể giải thích dễ dàng vì cả CNNA và NDQNP đều đã trải qua nhiều lần in lại, có sự chỉnh lý của người đời sau.

Sơ kết:

Qua việc so sánh giữa bản CNNA và tác phẩm CNPV của Tuệ Tĩnh đồng thời so với cuốn Từ điển Việt Bồ La thì nhiều khả năng Thiền sư Tuệ Tĩnh là người đã viết CNPV tiền thân của CNNA. Như vậy CNNA là một nguồn tư liệu giá trị bổ sung vào tiểu sử và danh mục trước tác của Tuệ Tĩnh - một con người suốt đời phấn đấu không mệt mỏi cho sự nghiệp y học của nước nhà với tinh thần dân tộc rất cao: “Thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt”.

Ngược lại việc xác định Tuệ Tĩnh là tác giả CNPV cũng dứt khoát bác bỏ việc Tuệ Tĩnh là người thuộc thế kỷ XVII mà nhiều nhà nghiên cứu đưa ra lâu nay, Tuệ Tĩnh phải trước thế kỷ XV và nhiều khả năng là người đời Trần (thế kỷ XIV) như các nguồn thông tin chính thống hiện nay đã thừa nhận.

Chắc tác phẩm CNPV đã qua nhiều đời, nhiều thế hệ biên tập chỉnh lý trước khi trở thành bản CNNA in vào thế kỷ XVIII mà chúng ta hiện có ngày nay. Điều quan trọng là phần Nam dược bộ trong CNNA khả năng cao đúng là do Đại y Thiền sư Tuệ Tĩnh trước tác, hoặc không thì cũng chỉnh sửa bổ sung rất nhiều.

Trang bìa cuốn Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa
Trang bìa cuốn Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa
Trang đầu bài Nam Dược Quốc Ngữ Phú trong sách Hồng Nghĩa Giác Tư Y Thư, hiện lưu ở Viện Hán Nôm.
Trang đầu bài Nam Dược Quốc Ngữ Phú trong sách Hồng Nghĩa Giác Tư Y Thư, hiện lưu ở Viện Hán Nôm.
Trang đầu phần Nam Dược Loại trong sách Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa
Trang đầu phần Nam Dược Loại trong sách Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa

Tác giả: NNC Phan Anh Dũng

Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 01/2025 - Xuân Ất Tỵ

***

CHÚ THÍCH:

(1) Lịch sử chữ quốc ngữ 1651-1919. Phạm Thị Kiều Ly. NXB Văn học. 2024

(2) GS Hà Văn Tấn dựa vào tấm bia niên đại 1713 ở chùa Giám, Hải Dương, là chùa mà Thiền sư Tuệ Tĩnh (慧靜) tu tập theo truyền thuyết, có nhắc đến tên vị sư trụ trì chùa khi đó là Tuệ Tịnh (慧凈) và cho rằng Tuệ Tịnh chính là thiền sư danh y Tuệ Tĩnh, từ đó suy ra Tuệ Tĩnh sống ở cuối TK17 đầu Tk18. Nhưng theo chúng tôi thì chữ Tịnh hay không dùng thông với chữ Tĩnh hay được, không thể đánh đồng Tuệ Tịnh với Tuệ Tĩnh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Tìm hiểu tư liệu về Tuệ Tĩnh. Mai Hồng. Tạp chí Hán Nôm. Số 2-1985; tr.27-40

2. Ai là tác giả Chỉ nam phẩm vựng? Nguyễn Thị Lâm. Tạp chí Hán Nôm, số 4 (119) 2013; tr. 40-48.

3. Suy nghĩ thêm về văn bản Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa và thể thơ lục bát đầu thế kỷ XV. Hoàng Thị Ngọ. Tạp chí Hán Nôm số 6 (115) 2012; tr.12 - 19.

4. Từ Điển Song Ngữ Hán Việt: Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa. Hoàng Thị Ngọ. NXB Văn Học. 2016.

Lịch sử chữ quốc ngữ 1651-1919. Phạm Thị Kiều Ly. NXB Văn học. 2024