Tác giả: PGS TS Nguyễn Hoàng Sơn Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng Văn hóa Phương Đông
Năm 2023, kỷ niệm 60 năm Bồ tát Thích Quảng Đức vị Pháp thiêu thân góp phần bảo vệ Phật giáo Việt Nam trường tồn, nước nhà độc lập, thống nhất. Để tưởng niệm công đức hy sinh to lớn của Ngài và biểu dương truyền thống Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự - Giáo hội Phật giáo Việt Nam quyết định tổ chức trọng thể Đại lễ kỷ niệm 60 năm Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân (1963-2023) (Thông tư số 069TTHĐTS của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam)
Phương pháp đấu tranh của Hòa thượng Thích Quảng Đức là bất bạo động để chiến thắng kẻ thù, thức tỉnh lương tri nhân loại, giữ vững Hòa Bình. Trước khi tự thiêu Tỳ khiêu thường tụng kinh Pháp Hoa, trong đó có đoạn ý nghĩa của Kinh Pháp Hoa nói về việc cúng dường thân bảo, tự thiêu khi thấy khổ hạnh của quần chúng, hiến phụng cả thân bảo để cầu nguyện cho tha nhân, thức tỉnh quần sinh xã hội.
Dù sáu thập kỷ đã qua ta vẫn còn khám phá dưới góc độ triết học, lịch sử, văn hóa dân gian, tấm gương Bồ tát vẫn mãi còn giá trị với thời đại với tu sĩ và thế hệ trẻ.
* * * Cho dù cạn nước Đồng Nai Nát chùa Thiên Mụ không sai tấc lòng (Ca dao)
Chúng ta đọc lại bức thư mang trọn “ý nguyện” của Ngài, như là động cơ, mục đích tự thiêu:
"Tôi pháp danh Thích Quảng Đức, trụ trì chùa Quan Âm, Phú Nhuận, Gia Định.
Nhận thấy Phật giáo nước nhà đang lúc nghiêng ngửa, tôi là một tu sĩ mệnh danh là trưởng tử Như lai không lẽ cứ ngồi điềm nhiên tọa thị để cho Phật giáo tiêu vong, nên tôi vui lòng phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dường chư Phật để hối hướng công đức bảo tồn Phật giáo.
Mong ơn mười phương chư Phật, chư Đại đức tăng, ni chứng minh cho tôi đạt thành ý nguyện sau đây:
1- Mong ơn Phật tổ gia hộ cho Tổng thống Ngô Đình Diệm sáng suốt chấp nhận năm nguyện vọng tối thiểu của Phật giáo Việt Nam ghi trong bản Tuyên ngôn. 2- Nhờ ơn Phật từ bi gia hộ cho Phật giáo Việt Nam được trường tồn bất diệt.
3- Mong nhờ hồng ân đức Phật gia hộ cho chư Đại Đức, Tăng ni, Phật tử Việt Nam tránh khỏi nạn khủng bố bắt bớ giam cầm của kẻ ác gian.
4- Cầu nguyện cho đất nước thanh bình quốc dân an lạc.
Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gởi lời cho tổng thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ái từ bi đối với Quốc dân và thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thuở.
Đó là ý thức trách nhiệm của một vị tu sĩ, gọi là trưởng tử Như lai, trong tâm tư Ngài lớn mạnh và bùng nổ. Ý thức ấy bùng nổ dẫu bức thư thỉnh nguyện đầu tiên của Ngài bị từ chối. Trách nhiệm ấy càng bùng nổ mạnh hơn khi nền Phật giáo Việt Nam lúc ấy (1963) đang nghiêng ngả. Ngài phải làm một cái gì đó để góp phần giúp Phật giáo Việt Nam không bị tiêu vong. Tiêu ở đây là tiêu về tay chỉnh phủ gia đình trị Ngô Đình Diệm. Vong ở đây là vong bởi chính sách đàn áp tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo.
Đó là tâm nguyện của một bậc chân tu. Tâm nguyện tự thiêu của Ngài dâng hiến cho toàn thể Phật giáo Việt Nam, không riêng cho bất cứ vùng miền nào, không đại diện cho bất cứ lãnh thổ nào. Tâm nguyện tự thiêu của Ngài dâng lên cho toàn thể quốc dân, chứ không dành riêng cho những tín đồ đạo Phật. Tâm nguyện của Ngài muốn thắp lại ngọn đuốc trí tuệ trong tâm trí chính quyền, đặc biệt là Tổng thống Ngô Đình Diệm, vốn lâu nay bị vô minh và ganh tỵ tôn giáo bao trùm.
Chúng ta cũng thấy sâu xa hơn rằng. Tâm nguyện của Ngài vượt thời gian. Ngài nguyện cho Phật giáo Việt Nam trường tồn bất diệt . Đây chắc chắn là điều tất cả chúng ta mong muốn: Phật giáo có mặt mãi mãi trên đất nước hình chữ S. Niềm mong ước này chính đáng với mọi thể chế chính trị, xứng đáng với tất cả thế hệ phật tử và phù hợp với tính nhân văn của xã hội loài người.
Lời nguyện là tinh thần nhập thế cứu nạn cứu khổ. Mục đích của sự nghiệp tu thân hành đạo, lời nguyện là cương lĩnh của hoạt động, hoằng pháp hòa hợp dân tộc và đạo pháp, lời nguyện kết tinh lòng từ bi cao cả về trí tuệ vô biên của vị chân tu.
Đấu tranh bất bạo động là không dùng hành động táo bạo để tàn sát thế giới có nhiều hình thức như biểu tình, tuyệt thực, thuyết giảng, tự thiêu, đơn thư, hội kiến…
Gandhi (Ấn Độ) đã từng tuyên bố: “Chủ nghĩa bất bạo động của tôi không chấp nhận chạy trốn nguy hiểm, để mặc cho những người thân yêu không được bảo vệ. Giữa bạo động và chạy trốn một cách hèn nhát, tôi chỉ chọn lấy bạo động” . Hơn thế nữa, người bất bạo động phải biết chọn đúng lúc để dấn thân vào cuộc đấu tranh với tất cả quyết tâm và lòng tự nguyện, tự giác, hỷ xả; phải thản nhiên đưa chính bản thân mình ra đón lấy mọi sự tấn công, ngược đãi.
Bất bạo động chủ trương lấy tình thương vô biên xoá bỏ hận thù nên không đánh trước và cũng không đánh lại kẻ đã đánh mình. Bất bạo động là tự đem chính bản thân làm gương mẫu mà giác ngộ kẻ đã tự cho là thù địch với mình để cho kẻ ấy tự ý từ bỏ mọi tư tưởng, hành động bạo động. Như vậy, phương pháp bất bạo động đòi hỏi một tinh thần vững mạnh, lòng can đảm vô biên, vì người bất bạo động tất nhiên thừa biết rằng mình có thể đánh lại đối phương, nhưng sở dĩ không đánh lại không phải là vì sợ bạo lực mà chính là tinh thần “tự giác giác tha”.
* * * Phong trào Hà Nội sau ngày 11/6/1963 có nhiều sự kiện khi ngọn lửa của Bồ Tát Thích Quảng Đức rực hồng, lan tỏa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 11/6/1963 và ngay sau đó, đã cho trang trọng công bố trên đài phát thanh và báo chí từ Hà Nội đôi câu đối kính viếng, thể hiện tấm lòng của Người và đồng bào cả nước đối với Bồ tát Thích Quảng Đức:
“Vị pháp thiêu thân vạn cổ hùng uy thiên nhật nguyệt Lưu danh bất tử bách niên chánh khí địa sơn hà”
Tạm dịch:
“Vị pháp thiêu thân muôn thuở hùng Uy trời nhật nguyệt Lưu danh bất tử trăm năm chính khí đất sơn hà”
Năm 1963 báo chí miền Bắc góp phần rất tích cực, nổi bật nhất mà các báo Nhân dân, Quân Đội Nhân Dân, tạp chí Học Tập (nay là tạp chí Cộng Sản) tuần báo Thống nhất …. Các báo miền Bắc đưa tin về cuộc đấu tranh quyết liệt của tăng, ni và phật tử miền Nam; về sự tham gia đấu tranh tích cực của mọi giới đồng bào miền Nam; về sự ủng hộ rộng rãi của dư luận thế giới đối với phong trào; đăng những văn kiện quan trọng của phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 cùng với những hình ảnh đấu tranh sinh động, như hình ảnh của tăng ni phật tử miền Nam đối diện với sự đàn áp ác liệt của kẻ thù nổi bật nhất là hình ảnh của những nhà sư ngồi yên trong ngọn lửa đỏ với một tâm nguyện duy nhất là “diệt lũ ma vương ,đem lại an lạc cho chúng sinh”.
Các cuộc mít tinh được tổ chức như của 2.000 cán bộ và đồng bào miền Nam tập kết, 480 công nhân bốc dỡ ở Hà Nội ngày 25/08/ 1963, 50.000 nhân dân Thủ đô mít tinh lên án chính quyền họ Ngô đàn áp Phật giáo và đồng tình với sự đấu tranh của đồng bào phật tử miền Nam.
Một di tích gắn với Bồ Tát Thích Quảng Đức là ở chùa Hồng Phúc. Chùa hiện nay ở số nhà 19 phố Hàng Than còn có tên là chùa Hoè Nhai vì trước đây chùa thuộc phường Hòe Nhai. Vốn được xây dựng từ đầu thế kỷ XI nhưng chùa Hồng Phúc bị chiến tranh tàn phá, mãi đến cuối thế kỷ XVII có bà nhũ mẫu của vua Lê Hy Tông quê ở phường này đứng ra xây dựng lại rồi mời Hòa thượng Thủy Nguyệt vị tổ thứ nhất của phái Tào Động đến trụ trì.
Chùa tọa lạc trên một khu đất vuông vắn, ngoài cùng là Tam quan xây cột trụ không mái. Trước sân chùa có hai tháp kỷ niệm các nhà sư viên tịch và chếch về góc trái trước chùa có tháp Ấn Quang xây năm 1963 để tưởng niệm Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu ở Sài Gòn nhằm tố cáo tội ác của Mỹ ngụy. Đáng chú ý là bia ở bên phải trước sân chùa dựng năm 1703 có ghi rõ “Chùa được xây dựng tại phường Hòe Nhai ở Đông Bộ đầu (Bến Đông) nhờ có tấm bia và vị trí của nhà chùa Hồng Phúc mà giới sử học ngày nay xác định được địa điểm của Đông Bộ Đầu - nơi diễn ra cuộc tập kích đánh đuổi quân Nguyên mông xâm lược ra khỏi Thăng Long năm 1258.
Trong Tam bảo của nhà chùa có pho tượng Phật ngồi trên lưng một ông vua đang phủ phục cũng là một trong những báu vật của nước ta. Truyền thuyết kể rằng lúc bấy giờ vua Lê Hy Tông thi hành chính sách chống Phật giáo nên đã đuổi các nhà sư vào rừng. Vì thế Hòa thượng Tông Diễn tổ của Chân Dung, vị sư tổ thứ hai của chùa Hồng Phúc đã viết một bài biểu bỏ vào trong một cái hộp đem đến dâng Vua và nói là trong hộp có ngọc Minh Châu. Nhà vua mở hộp ra xem không thấy ngọc mà chị có bài biểu đại ý nói rằng nhà Lê sở dĩ được lâu bền là nhờ đức Phật phù hộ độ trì, sau đó Lê Hy Tông sám hối thay đổi thái độ với Phật giáo. Có lẽ xuất phát từ câu chuyện này mà về sau người ta đã tạc lên pho tượng một vị quốc Vương phủ phục để Phật ngồi trên lưng, biểu thị cho sự khuất phục của Vương quyền trước Thần quyền thời vua Lê Hy Tông (1663 – 1716).
Tháp Ấn Quang chùa Hồng Phúc (Hòe Nhai) được Thành hội Phật giáo Hà Nội xây dựng ngày 27/07/1963 để tưởng niệm Hòa Thượng Thích Quảng Đức trụ trì chùa Ấn Quang (Sài Gòn) tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của Mỹ - Diệm.
Cũng như các công trình kiến trúc tháp mộ khác, tháp Ấn Quang được tạo dựng hình vuông cao ba tầng, tầng trên được xây thu nhỏ hơn tầng dưới, đỉnh tháp trang trí bình nước cam lộ mang biểu tượng của nhà Phật, xung quanh thân tháp ốp trần, tạo gờ chỉ. Bên trong để Bài vị Hòa Thượng Thích Quảng Đức và có bài minh:
-Hộ trì chính pháp tự thiêu mình Phản đối tà ma phá đạo lành Vô uý nêu gương cho Phật tử Đại hùng vang khắp tiếng khắp toàn dinh Căm thù Mỹ Diệm chuyên tàn sát Khích động đồng bào quyết đấu tranh Bể khổ lấp bằng là đại nguyện Từ bi bao quản mọi hi sinh!
Chùa Hòe Nhai cũng là nơi trụ trì của Đức Pháp chủ đệ nhất Thích Đức Nhuận (1897-1993)
Tâm nguyện tự thiêu là hành động phi phàm, ngọn lửa của lòng yêu nước thức tỉnh lương tri nhân loại. Tâm nguyện qua sáu thập kỷ đã trở thành hiện thực. Xã hội Việt Nam và Phật giáo Việt Nam không ngừng phát triển đạt nhiều thành tựu với nhân dân ta đặc biệt với thế hệ trẻ thời 4.0. Sống phải có sự hài hòa giữa cái tôi cái ta khi cần phải biết hy sinh vì đất nước vì mọi người. Phúc đẳng hà sa khi ta làm việc thiện, biết giúp đỡ san sẻ cho kẻ nghèo khó, bất hạnh. Cho và nhận, Phật từng khuyên ta như vậy.
Xin kết thúc bài kệ viết bằngtác phẩm của Đức Pháp chủ Thích Trí Quảng, về Bồ Tát Thích Quảng Đức:
Thập phương thế giới chung Thiêu thân cúng dàng Phật Thành tựu đệ nhất Pháp Duy hữu Việt Nam Tăng
Tác giả: PGS TS Nguyễn Hoàng Sơn Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng Văn hóa Phương Đông ***THAM KHẢO SÁCH 1. Việt Nam Phật giáo sử luận Nguyễn Lang NXB VH 1994 2. Chùa Hà Nội -Nguyễn Thế Long, Phạm Mai Hùng NXB VVTT 1997 3. Thiền sư Việt Nam Hòa thượng Thích Thanh Từ NXB THTP HCM 1999 4. 30 bài thuyết pháp Hòa thượng pháp chủ Thích Trí Quảng NXB THTP HCM 1999 5. Bồ tát thích Quảng Đức ngọn lửa và trái tim NXB THTTP HCM 2005 6. Di sản LS, CM, KC ở Hà Nội. TS Lưu Minh Trị cb NXB HN 2006 7. Việt Nam một thiên nhiên lịch sử di tích lịch sử Nguyễn Khắc Viện NXB KHXH 2009 8. Di tích lịch sử văn hóa và cách mạng kháng chiến quận Ba Đình NXB KHXH 2009 9. Bồ tát Thích Quảng Đức từ lời nguyện đến trái tim Châu thành 2013 10. Thăng Long Hà Nội Vượng khí ngàn năm NBX HN 2020
TẠP CHÍ, TẬP SAN 1. Nghiên cứu Phật học 2020 -2022 2. Giác ngộ 2020-2022 3. Góp tìm hiểu Phật giáo Xứ Đoài 2022 Trao đổi 1. Bà Lê Thị Khanh (phòng VHTT quận Ba Đình- Hà Nội 2. Sư thầy Thích Tâm Hoan (chùa Hòe Nhai) 3. Cụ Lê Bá Tước (Thư viện xóm quan Hoa – Cầu Giấy) 4. PGS TS Bùi Xuân Đính (Nguyên ở Viện Dân tộc học) 5. Bà Chi (Thư viện Phật học – chùa Quán Sứ)
Bình luận (0)