"Tam Niên" cổ tự gồm 3 ngôi chùa cổ kính: Chùa Vạn Niên, chùa Thiên Niên, chùa Ức Niên. Ba ngôi chùa đều nằm tại vùng ven hồ Tây, Hà Nội và đều có lịch sử lâu đời gắn với sự hình thành phát triển văn hóa Phật giáo tại vùng này. Người dân nơi đây gọi một cách hóm hỉnh dành riêng cho 3 ngôi chùa là "Tam Niên" cổ tự Tây Hồ như một sự khác biệt.
1. Chùa Vạn Niên
Chùa Vạn Niên tọa lạc tại phường Xuân La, quận Tây Hồ, Thủ đô Hà Nội. Nằm bên bờ hồ Tây tấp nập và nhộn nhịp, chùa vẫn giữ cho mình được nét cổ kính nhưng đầy hấp dẫn. Chùa Vạn Niên là một tổng thể di tích văn hóa mang đậm nét nghệ thuật phương Đông.
Vào khoảng năm Thuận Thiên thứ hai (1011) sau khi vua Lý Công Uẩn dời đô ra Thăng Long (1010), chùa có tên là Vạn Tuế, sau đổi thành Vạn Niên. Chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, nhưng vẫn còn giữ được nét trang nghiêm với kiến trúc độc đáo. Lần trùng tu được xem là lớn nhất và gần như ảnh hưởng đến toàn bộ kiến trúc của chùa là vào khoảng đầu thế kỷ XIX, dưới triều đại của nhà Nguyễn.
Chùa Vạn Niên là một công trình nghệ thuật bằng gỗ lớn khi tổng thể ngôi chùa được trang trí bởi rất nhiều hoa văn và họa tiết đậm nét văn hóa phương Đông như hoa sen, lá bồ đề… Cách xây dựng cũng dựa theo lối xây dựng phương Đông với bố cục gồm: Tam quan, Chính điện, Điện mẫu, Nhà tăng và Nhà phụ.
Cổng Tam quan chùa gồm có 2 cổng: một cổng chính ở phía bờ hồ Tây và một cổng phụ ở đường Lạc Long Quân. Cổng phụ mới được xây dựng, được làm từ gỗ hoàn toàn tạo nên sự trang trọng, uy nghi. Cổng chính ban đầu được xây dựng từ bằng gạch, vôi, trên nóc chùa còn ba chữ triện đắp nổi "Vạn Niên tự" với những mảng rêu phong minh chứng cho tuổi đời ngàn năm của chùa.
Chùa Vạn Niên thờ Phật và bà chúa Liễu Hạnh. Chính điện là nơi để thờ Mẫu Liễu Hạnh, với tượng Mẫu được thờ cúng ở nơi có ánh sáng và lộng lẫy nhất ở điện. Chùa chính được xây theo kiểu kiến trúc nhà 5 gian, phần cửa hay các cột chính của đền Mẫu đều được làm bằng gỗ. Do đó, tại đây luôn thoang thoảng mùi hương dịu nhẹ của gỗ và hương nhang tạo cảm giác dễ chịu.
Cho đến thời điểm hiện tại, chùa đang giữ bộ di vật cổ bao gồm: Hơn 40 pho tượng tròn, 10 đạo sắc phong thần của thời Lê và Tây Sơn mang giá trị lịch sử cao của dân tộc. Ngoài ra chùa vẫn còn lưu giữ bài ký trên chuông đồng bao gồm các chữ “Vạn Niên Tự Chuông” được đúc vào thời của vua Gia Long.
Bên cạnh đó, chùa còn được Phật tử tặng một pho tượng Thích Ca ngồi có chiều cao 1,3m, nặng gần 600 kg được làm từ Phỉ Thúy (Jadeit tự nhiên) được khai thác từ Myanmar. Pho tượng Phật bằng ngọc quý này hiện nay được biết đến là “có một không hai” tại Việt Nam đã làm tăng thêm sự tôn nghiêm của ngôi chùa. Không chỉ mang nét cổ kính của kiến trúc xây dựng mà còn mang lại cảm giác của sự linh thiêng tại vùng đất Rồng phi thăng (Thăng Long - Hà Nội).
2. Chùa Thiên Niên
Chùa Thiên Niên có tên chữ là Thiên Niên cổ tự, còn được gọi là chùa Trích Sài là một ngôi chùa nằm ngay sát bờ hồ Tây, thuộc làng Trích Sài, phường Bưởi, giáp ranh với phường Xuân La, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Theo truyền thuyết, chùa ra đời thời Lý Nam Đế (544 – 548). Chùa Thiên Niên đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá, xếp hạng và tổ chức trùng tu hưởng ứng sự kiện 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Chùa đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1992.
Kiến trúc chùa gồm: Tam quan, sân, vườn, Tam bảo, nhà Mẫu, nhà Tổ, tăng phòng, bếp và vườn tháp.
Tam quan chùa có hai tầng mái, kiểu kiến trúc cổng thành, có ba cửa, cửa giữa chiếu thẳng vào tiền đường. Những đề tài trang trí chủ yếu là những hình rồng, vân triện hóa hổ phù, lá cúc…
Chùa chính theo kiểu chữ Đinh gồm: Tiền đường dựng trên nền cao 60 cm so với sân, vườn; 4 mái lợp ngói ta, bờ nóc thẳng, giữa đắp 3 chữ Thiên Niên tự.
Thượng điện: 4 gian dọc nối với Tiền đường, kiểu giá chiêng chồng rường. Từ ngoài vào xây các bệ gạch, hai bên cũng xây bệ đặt tượng 10 vị của thập điện. Trên Tam bảo lần lượt từ ngoài vào: Dưới bệ là 1 nhang án cong ở phía ngoài có ngai thờ đẹp, 1 ỷ thờ, 1 bệ xây thường trải chiếu có chuông, mõ…Trên bệ: Phật Niết bàn, Bộ tượng Cửu long với tượng Phật Thích Ca Mâu Ni sơ sinh ở giữa hai bên là tượng Phạm Thiên – Đế Thích.
Hàng 3: Tượng Quan Âm tọa sơn, hai bên là Tiên Đồng – Ngọc Nữ
Hàng 4: Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni ở giữa giơ tay trái lên, tay phải đặt trong lòng đùi, ngực hở chữ vạn. Hai bên là Ngài A Nan, Ca Diếp đứng, tay kết ấn mật phùng. Tượng cao cả đài sen 1m20.
Hàng 5: Tượng Phật A Di Đà ngồi cao 1m20, hai bên là Quan thế âm và Đại thế chí.
Hàng 6: Bộ Tam thế: Tượng ngồi kiết già cao hơn 1m.
Nhà tổ, nhà mẫu: Là nhà nối dọc với thượng điện, quay hướng tây nhìn ra hồ Tây. Là nhà 5 gian song nơi thờ tự có 3 gian, còn lại 2 gian tăng phòng ở phía sau.
Chùa Thiên Niên còn nhiều di vật có giá trị: 34 pho tượng tròn có niên đại từ thế kỷ XVIII đến XX, 6 hoành phi, 10 câu đối, 2 cửa võng, 2 nhang án, 1 khám gỗ, 5 ngai thờ, 1 chuông đồng, 1 lư hương đồng, 7 bia đá, bia đá có niên hiệu sớm nhất Vĩnh Thịnh 5 (1709).
Bình luận (0)