Tam tự tính gồm Biến kế sở chấp tính, Y tha khởi tính và Viên thành thật tính. Tam tự tính là cội gốc của tất cả pháp nghĩa của Tông Duy thức. Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh, khi soạn Nam Hải ký quy nội pháp truyện, có nói rằng: ‘Pháp Tướng tông dùng tam tính làm tôn chỉ’.
Tác giả: Thích Nữ Diệu An Học viên Cao học khoa Triết học Phật giáo - Khoá III - Học viện PGVN tại Huế
A. DẪN NHẬP
Trong tiến trình lịch sử phát triển những tư tưởng triết học của tôn giáo mình, Phật giáo đã không ngừng xây dựng những học thuyết riêng biệt nhằm đáp ứng nhu cầu của con người trong việc học hỏi và thực hành để nhận chân ra bản chất của Thế giới này.
Cùng với đó, đứng trên góc độ tổng thể để xem xét, có thể thấy rằng, xuyên suốt một giai đoạn dài của lịch sử, khi mà nhiều trường phái triết học và một số tôn giáo đều thừa nhận tính chất tiên thiên, hay vai trò của đấng sáng tạo tối cao… để thực hiện sự áp đặt trong tư duy và nhận thức, đã phần nào làm con người ta hoang tưởng rằng chủ thể nhận thức là cái gì đó được nhìn nhận một cách thụ động, chưa có tính sáng tạo.
Thì ngược lại, tư tưởng Duy thức học của Phật giáo lại ra đời và khẳng định rõ vai trò của con người, chính con người là chủ thể trong quá trình nhận thức, thông qua con đường tự nhận thức, tự trải nghiệm, tự điều chỉnh hành vi của mình để đạt tới những tri thức đúng, mang một màu sắc mới của sự tiến bộ và chủ động.
Mặt khác, khi quan sát vạn pháp hiện có mặt trong vũ trụ, con người thường có khuynh hướng “Tâm” lệch lạc. Bởi vì khuynh hướng “Tâm” luôn bị thay đổi nên nhận thức y theo đó mà bắt chụp Vạn pháp một cách méo mó không tròn đầy.
Qua những dấu tích khi nghiên cứu về việc nhìn nhận các hình tướng đặc biệt không giống nhau, cũng như sự khác biệt giữa sự nhìn nhận đưa đến khổ đau và hạnh phúc của con người, kết quả cho thấy rằng tất cả đều được phát sinh từ nhận thức của chính họ, những nhà Duy Thức học đã dựa theo tính chất của mỗi loại mà chia vạn pháp ra thành ba nhóm khác nhau hay đúng hơn đó là ba cấp độ nhận thức để khảo sát một cách tỉ mỉ giữa ranh giới Mê và Ngộ trong nhận thức của con người về Vạn pháp.
Tính chất khác nhau của ba nhóm được gọi là Tam tự tính (ba tính chất). Trong đó, tính chất của ba nhóm bao gồm: Biến Kế Sở Chấp Tính, Y Tha Khởi Tính và Viên Thành Thật Tính.
B. NỘI DUNG
1. Nội dung của Tam Tự Tính
Với chủ trương phủ định sự tồn tại độc lập của thế giới vật chất, Duy thức học cho rằng, thế giới con người đang sống và trải nghiệm hay những thông tin mà con người nắm bắt được về thế giới này, tất cả đều phụ thuộc vào chủ quan nhận thức của chính họ, đó không phải là tự tính của thế giới. Theo đó, mỗi thức đi vào hoạt động đều tự phân ra thành hai phần: kiến phần và tướng phần, tức chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức, sự tương tác giữa hai phần này là nguyên nhân sinh ra các thế giới hiện tượng.
Khi thức tự phân biệt ra kiến phần và tướng phần, thì thế giới hiện tượng được xây dựng và khi ý thức nhận thức về thế giới, cũng là đang nhận thức về chính bản thân nó. Với mục đích đối trị ngã chấp và pháp chấp, trong sự biến hiện của thức, hay trong hoạt động nhận thức, đối với thức nói chung và ý thức nói riêng đều phải được nhận diện qua ba tự tính.
Biểu hiện cho sự thấu tỏ vạn pháp thông qua ba tự tính được xem là một vấn đề rất quan trọng trong việc mở ra cánh cửa huyền vi quán chiếu thực tại của các pháp trong đời sống này.
“Tam tự tính gồm Biến kế sở chấp tính, Y tha khởi tính và Viên thành thật tính. Tam tự tính là cội gốc của tất cả pháp nghĩa của Tông Duy thức. Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh, khi soạn Nam Hải ký quy nội pháp truyện, có nói rằng: ‘Pháp Tướng tông dùng tam tính làm tôn chỉ’.”[1]
1.1. Biến kế sở chấp tính (Parikalpita- 遍計所執性)
Vạn pháp trên Thế gian này vốn vô thường, biến đổi và vô ngã. Nhưng vì vô minh, tham ái vô hình chung đã kéo con người rơi vào sự bám víu trầm kha trong dục vọng để đeo đuổi những thứ vốn chẳng có thật ngã này. Con người thường hoang tưởng cho rằng Thế giới vốn thường hằng, thật có trong khi bản chất của cuộc đời luôn luân chuyển và giả hợp mà thành.
Theo Duy Thức tam thập tụng bài kệ số 20 có ghi rằng:
『由彼彼遍計
遍計種種物
此遍計所執
自性無所有。』
Dịch nghĩa:
“Do biến kế nọ kia
Biến kế chủng chủng vật
Biến kế sở chấp này,
Tự tính toàn không có.” [2]
Tất cả các pháp vốn từ nhân duyên sinh mà tồn tại và phát triển, nhưng bản chất của duyên sinh trên thực tế chỉ là huyễn tướng của sự hòa hợp, bởi vì thế khi quán sát cái gọi là tự tính chân thật thì hoá ra chúng chẳng có mảy may một thực thể nào. Bởi vì nó luôn luôn luân chuyển và thay đổi vô số trong từng sát na sinh diệt, mà dầu chúng ta có cố gắng tinh vi cỡ nào cũng không thể quán sát và nhận diện được sự thay đổi mau chóng của chúng được. Cho nên, không có cái tự tính thường trụ, độc lập tự thành, các pháp đều là giả danh.
Tự tính của các pháp vốn là không. Do tính chất biến kế tức là biến khắp mọi nơi, mọi chỗ mà phân biệt, so đo chỗ này và kia mà biến chuyển và khởi lên sự phân biệt hư vọng tạo ra muôn hình vạn trạng trong vũ trụ bao la này. Tuy nhiên, biến kế sở chấp này tất cả đều do vọng tưởng mà thành, nhận thức sinh cũng chính do vọng tưởng đưa đến sự phân biệt, chấp trước và cũng chính vọng tưởng luôn cho rằng vạn pháp vốn thật có.
Nhưng một sự thật mà vọng tưởng chẳng bao giờ chấp nhận chính là các tự tính mà nó đang chấp trước đó hoàn toàn giả hợp và không thật có. Vậy nên, bản chất của các pháp đều bắt nguồn từ sở biến của duy thức tạo nên.
Theo Thích Trí Châu nhận định rằng: “Các pháp vốn như huyễn nhưng vì Biến Kế Sở Chấp mà chuyển hiện ra có chủng tử và hiện hành, kiến phần và tướng phần, tâm thức và hiện tượng. Các năng và sở này làm nhân duyên cho nhau, trùng trùng duyên nhau mà hiện khởi chứ thật ra không có tự tính cố định chân thật. Vì cái này có nên cái kia có, nên nói các pháp đều duyên khởi.”[3]
Biến kế sở chấp tính bao gồm: Chủ thể biến kế và đối tượng biến kế.
1.1.1. Chủ thể biến kế (主體遍計)
Chủ thể biến kế hay còn được gọi là năng biến kế, là cái tác dụng biến kế. Do năng biến kế này mà mọi vật, mọi sự, mọi ngã và pháp trong tam giới lục đạo bị phân biệt và chấp trước.
Chủ thể biến kế có khả năng biến kế hư vọng phân biệt thức thứ sáu và thức thứ bảy với các tâm sở tương ưng của chúng[4]. Bởi lẽ rằng, tính chất nhận thức của thức thứ sáu và thứ bảy vốn dùng nhận thức tỷ lượng duyên cảnh đới chất, cho nên luôn vọng tưởng, phân biệt, chấp trước so đo phân biệt đối với các pháp và cho đó là thật ngã, thật pháp.
Trong kinh Viên Giác chương 1, Bồ-Tát Văn-Thù Sư Lợi thưa hỏi, Đức Phật dạy rằng: “Này thiện nam, hư không thật không có hoa đốm, vì người bệnh vọng chấp, do vọng chấp nên chẳng những lầm tự tính của hư không mà cũng lầm luôn chỗ sinh ra hoa đốm là thật. Do vọng chấp này mà có luân chuyển sinh tử nên gọi là vô minh”[5].
Qua đây, có thể thấy điểm tương đồng của Năng biến kế cũng như vậy, do chấp ngã, chấp pháp, chỉ vì mê lầm mà hiện khởi ra ngã, pháp và chấp trước cho rằng nó vốn thật có, luôn hiện hữu trường tồn.
1.1.2. Đối tượng biến kế (對象遍計)
Đối tượng biến kế hay còn được gọi là sở biến kế. Vì Chủ thể biến kế luôn biến kế đối với thức thứ sáu và thức thứ bảy, cho nên đối tượng biến kế là sự tập hợp tất cả những sự phản ánh lại của thế giới hiện tượng, từ đó khởi lên tâm phân biệt và chấp thủ vào nó cho rằng thật ngã, thật pháp.
Như vậy, đối tượng biến kế của hai thức này luôn bị chi phối bởi vọng tưởng sai lầm và phân biệt, nó không còn được nhìn nhận một cách đúng đắn “pháp đang vận hành như nó đang là”, ngược lại các pháp luôn bị bóp méo dưới những cái ngã tưởng, đem cái hư huyễn mà vọng nhận là thật có.
Mặt khác, mọi sự, mọi vật, tất cả các ngã và pháp trong tam giới lục đạo đều không có tự tính chân thật, không có tự tính cố định. Chúng chỉ nương nhau mà hiện hữu. Ví như, ngôi nhà không phải là ngôi nhà, chỉ là tên gọi thôi. Ngôi nhà sở dĩ có được là do có người muốn xây dựng, có người vẽ họa đồ, có người thợ hồ, thợ mộc, có các vật dụng như thang, dây, cuốc, xẻng, gỗ, đá, ...
Cho nên, ngôi nhà không có tự tính là ngôi nhà, không có cái tính nhất định của nó. Vì bởi do những cái không phải là nó duyên hợp lại nên cái nhà không có tự tính là ngôi nhà mà chỉ là quy ước đặt tên cho nó là cái nhà mà thôi. Tựu trung, tất cả sự vật trên thế gian này cũng đều được hiện hữu trên cùng một sự nhân thức sai lầm như nhận thức về ngôi nhà vậy.
1.2. Y tha khởi tính (Paratantra-依他起性)
Tổng quan về vạn pháp trên thực tế đều có sự tương sinh tương quan với nhau qua lăng kính của giáo lý Duyên Khởi mà hiện hữu, không có cái nào có thể tự tồn tại độc lập mà nó đều được thiết lập trên nền tảng sự cấu thành của vô số nguyên nhân hoà hợp với nhau. Và trên thực tế tự tính của Y tha khởi được thiết lập trên cơ sở nền tảng của Duyên sinh mà thành, Y tha khởi làm sở duyên duyên cho Biến kế sở chấp.
Vì biến kế phân biệt mà các pháp làm nhân duyên cho nhau, tương duyên tương sinh, trùng trùng duyên khởi làm hiện ra thân mạng chính báo và thế giới y báo của chúng ta. Y báo và Chính báo này là Đới Chất Cảnh, là cảnh giới không có tự tính chân thật, không có cái thể tính cố định, là cảnh giới dời đổi và sinh diệt liên tục.
Tất cả sự vật trong thế gian có sức sống đều phải nương tựa vào Kiến Phần Thức Alaya để sinh khởi, để lớn lên và tồn tại nên gọi là Y Tha Khởi Tính. Đây là tính chất đặc biệt của vạn pháp. Vạn pháp trong vũ trụ vốn không có pháp nào hiện diện một cách độc lập mà không liên hệ với các vật khác, cũng như không có pháp nào không nương tựa vào Kiến Phần Thức Alaya mà có thể sinh khởi, có thể lớn lên và có thể tồn tại.[6]
Theo Duy thức tam thập tụng hai cầu đầu bài kệ số 21 nói về Y tha khởi tính như sau:
『依他起自性
分別緣所生。』
Dịch nghĩa:
“Tự tính y tha khởi
Do sự phân biệt của các duyên mà sinh.”
Tất cả mọi cảnh giới đều do những đối tượng của cái tâm phân biệt duyên nhau mà sinh khởi. Tất cả mọi cảnh giới đều không có tự tính cố định, chúng đều do các thành phần khác với chúng duyên nhau mà thành lập. Nên nói tất cả các pháp đều là Y Tha Khởi.
Như vậy, đối với tự tính của Y Tha khởi được cấu thành do bởi sự phân biệt của các Duyên. Định luật duyên sinh là điều kiện chính yếu của các pháp sinh khởi. Đây là định luật tất yếu của vũ trụ và nhân sinh quan, các pháp sinh diệt để cùng nhau hiện khởi, trưởng thành và tồn tại trong thế gian. Ví như, thân thể và thế giới của một con người hay của một chúng sinh hữu tình nào, nếu như không có những yếu tố trợ duyên từ nơi tinh cha huyết mẹ thì không thể sinh trưởng trong định luật duyên sinh và nếu không có sự trợ duyên của những duyên ngoài thì con người không thể sống được.
Chính vì vậy, mà tự tính Y Tha Khởi là một trạng thái được phát sinh khi và chỉ khi nó nương vào một đối tượng duyên sinh nào đó.
Bởi vì vạn pháp đều phải nương vào Alaya để tồn tại, đồng thời công năng của Kiến Phần Thức Alaya cứ vừa làm nhân và làm duyên lẫn nhau mãi để liên tục sinh khởi vạn pháp không bao giờ chấm dứt. Vậy nên gọi Y Tha khởi tính vì chúng có bản chất thuộc về trạng thái trùng trùng duyên khởi của vạn pháp và tính chất quan hệ lẫn nhau của mỗi pháp trong việc sinh trưởng và tồn tại nơi thế gian này.
Y Tha Khởi Tính là chỉ cho vạn pháp có thể chất, có sức sống, có sự sinh trưởng theo hình thức nhân duyên hoà hợp qua sự xây dựng của Kiến Phần Thức Alaya.
1.3. Viên thành thật tính (Parinispanna-圓成實性)
Tự tính của tất cả pháp về mặt chân lý chính là thể tính chân thật đã thành tựu một cách viên mãn tròn sáng. Tự tính này nguyên thể vốn là thể tính chân thật, là nguồn năng lực không biến hoại, không sinh diệt, không tăng giảm, không dơ sạch. Nguồn năng lực đây cũng là nền tảng căn bản để cho vạn pháp sinh trưởng theo chiều hướng duyên sinh, nên gọi là Viên Thành Thật Tính[7].
Như vậy, có thể xem Viên Thành Thật tính là một kết quả của sự viên mãn và toàn hảo, là thể tính chân thật của tất cả các pháp, vốn không có ngằn mé, như như bất sinh bất diệt.
Viên Thành Thật chỉ là “pháp tính của các pháp”, cũng gọi là “Chân như pháp giới”. Vì vậy mà pháp tính của các pháp là bất động, bất biến, bất sinh, bất diệt, trạm nhiên thường trú. Cho nên gọi là Viên Thành Thật tự tính.[8]
Theo Duy thức tam thập tụng hai câu sau bài kệ số 21 nói về Viên Thành thật tính như sau:
『圓成實於彼
常遠離前性。』
Dịch nghĩa:
“Tính Viên thành thật đối với tính Y Tha khởi kia
Thường xa lìa Biến Kế Sở Chấp tính.”
Qua bài kệ có thể thấy, Tự Tính Viên Thành Thật của các pháp không phải là Tự Tính của Y Tha Khởi và cũng không phải là Tự Tính của Biến Kế Sở Chấp vọng tưởng phân biệt. Mà Tự tính Viên Thành Thật ở đây đích xác chính là ngay nơi tính Y Tha Khởi mà rời được tính Biến Kế Sở Chấp. Nó cũng đồng nghĩa với việc đối với các pháp Duyên Sinh không còn bị chi phối bởi những sự khởi sinh của Biến kế sở chấp nữa thì khi đó tự tính Viên Thành thật sẽ được hiển lộ.
Đặc biệt, tính Viên Thành Thật khác với hai tự tính còn lại bởi vì nó là sự kết tinh được thành tựu bởi nhân của Ngã không và Pháp không. Trong khi đó, các pháp thuộc loại Tự Tính Y Tha Khởi thuộc về tính chất Duyên sinh và nó vốn được tạo thành hình trong thế gian đều do các hạt giống nguyên thể cùng nhau kết hợp, chuyển biến và hỗ tương cho nhau trên nền tảng của Ngã Tướng và Pháp Tướng dưới sự ảnh hưởng của nghiệp lực với mục đích xây dựng và duy trì vạn pháp được tồn tại trong thế gian này.
Cùng với đó, Tự Tính Biến Kế Sở Chấp thì hoàn toàn không có chút gì đặc tính của Viên Thành Thật cả. Bởi rằng, các pháp thuộc loại Tự Tính Biến Kế Sở Chấp này được thành lập là do Ý Thức thứ sáu vọng tưởng tạo nên.
2. Mối quan hệ của Tam Tự Tính và những phương pháp để diệt trừ những chướng ngại của Tâm trên lộ trình Tam Tự Tính
2.1. Mối quan hệ của Tam Tự Tính
Trên phương diện tương quan lẫn nhau, nếu như không có sự góp mặt và nương tựa vào tính Viên Thành Thật thì cả hai tính Biến kế Sở Chấp và Y Tha Khởi không thể sinh khởi được. Ngược lại, nếu tách rời đi hai Tự Tính Y Tha Khởi và Biến Kế Sở Chấp này ra ngoài, chúng ta cũng chẳng thể tìm thấy Tự Tính Viên Thành Thật.
Thực chất việc phân chia Tam tự tính này là cơ sở để nhận diện được các cấp độ của nhận thức đối với các hiện hữu, từ đó cắt lớp và xác định được bản tính của nhận thức đối với các hiện hữu như thế nào đưa đến sự loại bỏ những kiến giải sai lầm về bản chất của vạn pháp.
Theo Duy thức tam thập tụng bài kệ số 22 nói về mối quan hệ của chúng như sau:
『故此與依他
非異非不異
如無常等性
非不見此彼。』
Dịch nghĩa:
“Cho nên Viên thành thật tính này đối với Y tha khởi tính
Vừa khác vừa chẳng phải khác
Giống như tính chất vô thường
Chẳng thấy cái này thì cái kia cũng không.”
Có thể thấy, Y tha rời được Biến kế sở chấp tạo nên Viên Thành thật. Tức có nghĩa khi nào Y Tha Khởi chuyển được phần nhiễm thành tịnh thì lúc đó Viên Thành thật hiển lộ. Như vậy, Viên thành thật và Y Tha khởi không phải một mà cũng chẳng phải khác. Không phải một bởi vì Y tha khởi do các duyên phân biệt sinh, trong khi Viên Thành thật là chân tính không từ tha duyên sinh. Ngược lại, chẳng phải khác là vì rời Y tha khởi mà tìm thì không thể có Viên Thành thật được. Vì phần tịnh, phần chân của Viên thành thật vốn đã nằm trong Y tha khởi rồi.
Như vậy, xét trên bản chất chung của ba tự tính thì chúng có một mối liên hệ tương duyên tương sinh với nhau rất chặt chẽ và logic, sự liên kết của chúng được ví như một lộ trình được vạch ra, để làm cơ sở cho nhận thức của con người trong quá trình tìm đến cái chân như của vạn pháp. Nhìn đời sống theo ba tính chất tạo nên quyết định số phận của một người nào đó trong kiếp sống này, từ nhìn thấy sai đến nhìn thấy đúng, từ khổ đau đến hạnh phúc, từ cuộc sống thấp nhất đến cuộc sống cao rộng và an vui nhất.
Mối quan hệ của chúng có thể hiểu theo hai hướng về mặt bản thể luận hay nhận thức luận. Sponberg đưa ra hai mô hình khái quát cho giáo nghĩa này, đó là mô hình ‘xu chuyển’ và mô hình ‘tiệm tiến’.[9]
Về mặt bản thể, mô hình về mối liên hệ của Tam Tự tính có thể được hiểu như sau:
Đây là mô hình xu chuyển của Tam Tự tính. Trong đó, Y tha khởi đóng vai trò trung tâm điều chỉnh của hai tự tính còn lại, Biến kế sở chấp và Viên Thành Thật là hai tự tính toàn toàn đối lập nhau. Y Tha khởi thể hiện tính chất Duyên sinh, Duyên khởi của vạn pháp, là sự thật hiện tiền và trong nó vốn dĩ có sẵn có hai phần nhiễm và tịnh. Nếu Y tha khởi nương vào phần nhiễm để chấp vào ngã và pháp, chấp vào sự phân biệt thì khi ấy Y tha rơi vào “MÊ”- nhìn vạn pháp méo mó, sai lệch, đó chính là Biến Kế sở chấp.
Ngược lại, Y tha khởi nương vào phần tịnh, tức không còn sự bám víu vào chấp ngã và chấp pháp thì cảnh giới “NGỘ” sẽ được hiển lộ- nhìn vạn pháp tròn đầy, sáng suốt, đó chính là Viên Thành thật. Như vậy, theo mô hình này, có thể thấy Y Tha khởi là chủ chốt của quá trình nhận thức và lằn ranh giữa “MÊ” và “NGỘ” hay đúng hơn giữa Biến kế và Viên Thành Thật đều phụ thuộc vào nhận thức của con người mà có thế thành tựu được.
Về mặt nhận thức luận, mô hình về mối liên hệ của Tam Tự tính có thể được hiểu như sau:
Đây là mô hình Tiệm tiến của Tam Tự tính. Theo đó sự nhận thức về Vạn pháp được đi theo một lộ trình rạch ròi. Có thể hiểu nôm na rằng dưới nhãn quan mang hơi hướng tự ngã của con người được vấy lên bởi những màng vô minh kết tủa từ vô thỉ, nên Tâm thức luôn nhìn vạn vật như chúng đang có một tự tính, hư vọng.
Tự tính đó chính là sự vọng tưởng phân biệt về chấp Ngã và chấp pháp ở Tâm mà khởi lên chính là Biến kế sở chấp. Từ Biến kế nhận diện, xả bỏ chỗ y cứ của chấp ngã và chấp pháp thì Y tha khởi hiển bày và cuối cùng vượt lên thoát ly khỏi chúng sẽ đạt được Viên Thành Thật.
2.2. Những phương pháp để diệt trừ những chướng ngại của Tâm trên lộ trình Tam Tự Tính
2.2.1. Đối với Biến kế sở chấp tính
Vì Biến kế sở chấp y cứ vào sự chấp trước đối với Danh và Tướng sinh ra Chấp Ngã và chấp Pháp. Như vậy, để diệt trừ được hai cái chấp ấy, cần phải thực hành pháp quán huyễn để nhìn các pháp một cách chân thật là nhân không và pháp không. Từ cái khía cạnh nhìn nhận tướng của vạn pháp để quán đi đến trạng thái vô tướng.
2.2.2. Đối với Y tha khởi tính
Vì Y tha khởi tính được hình thành do sự phân biệt các duyên, nó được hình thành do Duyên khởi. Cho nên muốn diệt trừ nó cần phải quán Duyên khởi. Từ đó, nhận diện vạn pháp vốn vô thường, duyên sinh và chẳng có tự tính thường hằng nào cả. Quán duyên khởi để thây sự vận hành của vạn pháp vốn trùng trùng duyên khởi, sinh rồi diệt, diệt rồi sinh, sinh-diệt tương tục nhau trong từng khoảng sát na, cho nên nó vốn vô ngã và không có tự tính.
2.2.3. Đối với Viên thành thật tính
Viên thành thật tính là một cấp độ nhận thức được thành tựu khi hành giả đạt đến trạng thái của tự chứng bằng cách vượt lên trên Danh và Tướng cùng với những hình thức của hư vọng phân biệt, trạng thái đó chính là Chân Như. Và để thành tựu được tính này, điều quan trọng nhất hành giả cần phải tu tập Thiền na để có thể diệt trừ được vọng tưởng, nhìn vạn pháp vượt ra ngoài Danh và Tướng đạt đến trạng thái tịch tĩnh chân như.
C. KẾT LUẬN
Ba tự tính là cơ sở nền tảng tạo nên sự nhận thức về vạn pháp trong cuộc đời này. Thông qua nó, ta có thể dễ dàng nhìn nhận một cách rõ ràng và sâu sắc lằn ranh của Mê và Ngộ hay Khổ đau và Giải thoát, tất cả đều từ nhận thức của Tâm sinh khởi mà thành tựu được. Lộ trình của Tam tự tính đi từ Biến kế sở chấp qua Y tha khởi đến Viên thành thật là tiến trình đi từ cái giả đến cái thật tương đối và đến cái thật tuyệt đối.
Nó như hai mặt của thực tại, nếu nhận thức mang hơi hướng tự ngã, chấp ngã về cái giả, cái lầm mê thì đưa đến Khổ đau. Trái lại, nhận thức cái chân thật, vô ngã và ngộ thì sẽ đem đến Hạnh phúc vậy.
Tất cả khổ đau và hạnh phúc, điều tồi tệ hay điều kỳ diệu nhất, vĩ đại nhất, cái hư huyễn, cái Thật, cái Viên thành thật tính, Chân Như, Phật tính, Pháp thân… vẫn vốn có sẵn ở đây, vẫn luôn luôn ở với chúng ta, vẫn hằng ở trước mắt chúng ta, khi sống cũng như chết. Thế nên hạnh phúc hay khổ đau là một sự chọn lựa: chọn lựa ở trong Biến kế sở chấp tính khổ đau sinh tử hay chọn lựa an trụ trong Viên thành thật tính, trong thật tính của Duy thức, đó đều phát khơi từ nhân thức của chúng ta mà ra cả.
Tác giả: Thích Nữ Diệu An Học viên Cao học khoa Triết học Phật giáo - Khoá III - Học viện PGVN tại Huế ***
Bình luận (0)