So sánh các loại Thiền

Kính thưa quí vị tu sĩ tăng, ni và cư sĩ phật tử, con đường tu theo đạo Phật hiện giờ có muôn vạn nẻo, chọn sai pháp môn tu hành thì uổng phí một đời không có kết quả. Theo sử 33 vị Tổ sư thiền Ấn Độ và Trung Hoa, thì con đường thiền này do từ đức Phật Thích Ca Mâu Ni chỉ dạy, qua câu chuyện niêm phong trên núi Linh Thứu, ngài Ca Diếp mỉm cười thì chắc quí vị ai cũng biết rõ. Chúng tôi chẳng cần thuật lại làm gì cho mất thì giờ.

Ca Diếp tổ thứ nhất bên Ấn Độ truyền xuống đến tổ thứ 28 là Bồ Đề Đạt Ma. Bồ Đề Đạt Ma sang Trung Hoa và làm tổ thứ nhất tại đất nước này. Người Trung Hoa đắc thiền này đầu tiên là Thần Quang, sau này gọi là nhị tổ Huệ Khả. Bồ Đề Đạt Ma truyền đạo thiền này cho Huệ Khả qua câu chuyện an tâm. Chúng tôi xin nhắc lại câu chuyện để quí vị thưởng thức:

Thần Quang đến tìm Bồ Đề Đạt Ma để mong cầu pháp tu hành. Lúc bấy giờ Bồ Đề Đạt Ma đang ngồi nhìn vách đá, nên Thần Quang đứng đợi chẳng dám động. Mãi đến hôm sau, tuyết phủ lấp gối, Bồ Đề Đạt Ma mới quay ra hỏi:

Ngươi đến cầu gì mà phải khổ sở, vất vả quá vậy?

Thần Quang đáp:

Con đến cầu pháp.

Ta có pháp gì để ngươi cầu?

Bạch Hòa thượng, tâm con bất an.

Ngươi lấy tâm ta an cho.

Thần Quang đứng nhìn quanh quất, chẳng tìm thấy tâm đâu, liền bạch:

Bạch Hòa thượng, tâm ở đâu, làm sao con lấy được.

Ta đã an tâm ngươi rồi đó.

Thần Quang bèn quì xuống đảnh lễ Tổ, nhận pháp an tâm.

Ngay câu nói mà liền hiểu gọi là đốn ngộ. Như vậy, Thần Quang đã ngộ pháp an tâm, tức là ngộ Phật tánh, còn gọi là kiến tánh. Qua câu chuyện này, quí vị có hiểu pháp an tâm không? Để chúng tôi so sánh chỗ pháp an tâm và kinh Nguyên Thủy thì quí vị thấy rõ ràng.

Theo kinh Tứ Niệm Xứ, Phật đã dạy: “vô thường, khổ, không, vô ngã”. Chỗ pháp an tâm của Bồ Đề Đạt Ma tương ưng chỗ Phật dạy tâm vốn không. Khi Thần Quang nhìn lại để tìm kiếm tâm thì tâm không thấy đâu, nhưng khi khởi niệm thì liền có tâm, không niệm thì không tâm. Vậy, khi không niệm tâm quí vị có an không?

Vì không niệm thì còn chỗ nào gọi là phiền não bồ đề; thì còn chỗ nào gọi là tham, sân, si, ái; thì còn chỗ nào gọi là sanh tử. Cho nên, Bồ Đề Đạt Ma gọi là an tâm. Vậy, pháp môn an tâm của Bồ Đề Đạt Ma có giống pháp môn chẳng nghĩ thiện, nghĩ ác, bản lại diện mục hiện tiền của lục tổ Huệ Năng không?

Kính thưa quí vị phật tử, khi tâm chẳng nghĩ thiện, nghĩ ác thì tâm ở trong trạng thái không niệm. Tâm ở trong trạng thái không niệm là tâm không. Tâm không là tâm không phiền não. Không phiền não là tâm an ổn. Tâm an ổn là an tâm. Như vậy, bây giờ quí vị đã hiểu rõ hai pháp giống nhau không khác nhau phải không? Chúng tôi xin kể lại câu chuyện bản lai diện mục để quí vị thưởng thức:

Khi Huệ Minh đuổi theo Huệ Năng để dành y bát lại. Lục tổ Huệ Năng biết chạy không thoát khỏi, nên bỏ y bát bên vệ đường, đứng đợi. Khi Huệ Minh đuổi kịp, Huệ Năng bình tĩnh bảo:

Người đến đây cầu pháp hay cầu y bát? Nếu cầu y bát, thì y bát ở đây, ngươi cứ lấy đi đi!

Huệ Minh cúi đầu đảnh lễ, tác bạch:

Con đến cầu pháp, chẳng cầu y.

Chẳng nghĩ thiện, nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của thượng tọa Huệ Minh?

Huệ Minh đảnh lễ Tổ, nhận pháp bản lai diện mục rồi trở về.

Kính thưa quí vị tu sĩ tăng, ni và cư sĩ phật tử, bây giờ chúng ta đem hai pháp này so sánh với kinh phát triển, vì lúc nãy chúng ta đã đem so sánh với kinh Nguyên Thủy rồi. Kinh Kim Cang Bát Nhã có câu: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, do câu kinh này mà lục tổ Huệ Năng đã kiến tánh. Nghĩa của câu kinh này dạy đừng nên trụ tâm chỗ nào cả thì tâm kia hiện tiền.

Xin thưa với quí vị, tâm của chúng ta thường trụ ở 3 chỗ: niệm thiện, niệm ác và không niệm. Kinh này dạy chúng ta ở chỗ không, không trụ tức là không niệm, không niệm tức là tâm vốn không, tâm vốn không tức là an tâm, an tâm tức là chẳng nghĩ thiện nghĩ ác, chẳng nghĩ thiện nghĩ ác tức là bản lai diện mục, bản lai diện mục tức là Phật tánh.

Chỗ vô trụ này còn nhiều tên khác nhau mà chúng ta từng gặp trong các kinh sách phát triển và kinh sách Thiền Đông Độ. Bây giờ quí vị đã hiểu kinh và lời của Tổ đều khế hợp nhau, nên người đời sau gọi là Thiền Giáo đồng hành.

Thiền Đông Độ chia làm 3 giai đoạn, giai đoạn đầu thiền, giai đoại giữa thiền và giai đoạn cuối thiền. Ba giai đoạn gồm có:

1- Từ pháp môn An Tâm đến pháp môn Bản Lai Diện Mục là giai đoạn đầu của Thiền Đông Độ.

2- Từ số đệ tử của lục tổ Huệ Năng đến Lâm Tế là giai đoạn giữa thiền.

3- Từ số đệ tử của Lâm Tế đến Hư Vân hòa thượng và La Hỏa thiền sư là giai đoạn cuối thiền.

Giai đoạn đầu thiền, sự khai ngộ cho đệ tử dễ hiểu, dễ ngộ. Cho nên, lúc bấy giờ người theo tu rất đông, nhất là thời kỳ lục tổ Huệ Năng, người nghe qua liền ngộ, chẳng cần phải moi đầu nặn óc tìm kiếm. Chúng ta phải nói, Thiền Đông Độ cực thịnh nhất ở giai đoạn này, như hoa thiền đến thời kỳ rộ nở.

Khi nhận ra pháp này, Thiền Đông Độ gọi là ngộ, ngộ xong rồi phải bảo nhậm, còn gọi là tiệm tu, giữ tâm hay chúng sanh độ Phật. Vì vậy mà có từ ngữ: “đốn ngộ rồi tiệm tu”. Tiệm tu có nghĩa là tu lần lần. Mục đích của thiền này là nhắm vào Phật tánh. Vì có ngộ được Phật tánh mới thành Phật, nên gọi là kiến tánh thành Phật.

Ngộ Phật tánh tức là nhận ra pháp môn tu hành, nhận ra pháp môn tu hành tức là nhận ra pháp môn chẳng nghĩ thiện, nghĩ ác, chỗ chẳng nghĩ thiện, nghĩ ác là chỗ chẳng có pháp môn, nên thiền này còn gọi là chẳng có pháp môn nào, chỗ chẳng có pháp môn nào biết lấy cái gì tu hành.

Do đó, kinh Kim Cang dạy cách tu: “Bồ Tát độ chúng sanh mà không thấy mình độ, độ hết chúng sanh thì thành Phật”, Bát Nhã Tâm Kinh dạy: “Đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không”, kinh Lăng Nghiêm dạy: “Phản văn, văn tự tánh”, kinh Viên Giác dạy: “Tri huyễn tức ly, ly huyễn tức giác”, các tổ sư thiền dạy: “chăn trâu”, “gọi ông chủ”, “biết vọng liền buông”, “tham thoại đầu, tham công án, khởi nghi tình v.v…​”.

Thầy chúng tôi giải thích, cách tu của kinh Kim Cang dừng hết vọng tưởng là thành Phật. Thiền sư Huệ Hải cũng dạy như vậy. Thiền sư Dược Sơn dạy: ngàn Thánh cũng chẳng làm, nghĩa là cái biết không cho mất, nhờ cái biết trong cái không niệm thiện, niệm ác lâu ngày thuần thục, nên gọi là da mỏng, da dày đều rớt sạch. Giữ tâm chẳng niệm thiện, niệm ác còn gọi là chăn trâu. Vọng tưởng hết gọi là hết chăn trâu. Hết chăn trâu là thành tựu, cũng như kinh Kim Cang dạy độ hết chúng sanh là thành Phật.

Kính thưa quí vị tu sĩ tăng, ni và cư sĩ phật tử, việc làm này không phải dễ, cho nên tổ sư Hoàng Bá đã dạy:

“Thoát khỏi trần lao việc chẳng thường”

hoặc:

“Chẳng phải một phen sương lạnh buốt

Hoa Mai đâu dễ ngửi mùi hương”

Cho nên, chăn trâu và độ chúng sanh mãi không hết. Thiền sư mới nghĩ ra cách biết vọng liền buông. Thầy chúng tôi triển khai diệu pháp này để hồi phục Thiền Đông Độ và chấn hưng Thiền Tông Việt Nam. Trong thời gian chúng tôi theo học tại thiền viện Chân Không, Thầy chúng tôi dùng phép an tâm khai ngộ chúng tôi và dạy chúng tôi cách tu biết vọng liền buông.

Kính thưa quí vị, kinh phát triển và Thiền Đông Độ dạy cách tu quá đơn giản, nhưng kinh phát triển và Thiền Đông Độ không ngờ khi tâm hết vọng tưởng thì tâm không bao giờ chịu đứng yên một chỗ chẳng niệm, thiện niệm ác, mà lại lặng xuống rơi vào trạng thái mất tiêu.

Nên trong Thập Mục Ngưu Đồ, tranh thứ tám người trâu đều mất, giống như ở trạng thái hôn trầm, thùy miên, vô ký, ngoan không đều có trạng thái mất tiêu, người trâu đều mất. Ở chỗ trạng thái hôn trầm, thuỳ miên thì các thiền sư đều biết mặt nó, do đó các Ngài lại một phen khổ sở, không biết làm cách nào phá được nó. Qua những trang tự thuật của các Ngài tu hành, chúng tôi biết các Ngài không có cách phá. Cho đến vô ký, ngoan không thì trong phần tự thuật các Ngài không có kể đến.

Qua kinh nghiệm bản thân của chúng tôi, thì các pháp tu từ các pháp độ chúng sinh, chăn trâu, gọi ông chủ và biết vọng liền buông đều không đủ lực dừng niệm thiện, niệm ác, thì làm sao phá được hôn trầm, thùy miên, vô ký, ngoan không, nên các Ngài phải lấy dùi đóng vào chân, trèo lên cây ngồi thiền, lấy gốc cây tròn làm gối kê đầu. Những việc làm này chỉ là một trò đùa với hôn trầm, thùy miên, không thể hàng phục được nó.

Kính thưa quí vị, chúng tôi xin lưu ý quí vị ở chỗ này, khi chăn trâu, độ chúng sanh, biết vọng liền buông, các pháp này chỉ dừng được niệm thiện, niệm ác thô, còn niệm thiện, niệm ác vi tế thì không thể diệt được nó. Nên chúng tôi bảo rằng các pháp môn này không đủ lực. Vì thế, quí vị tu hành suốt một thời gian dài 24 năm nay mà chưa hết niệm vi tế. Khi gặp nghịch cảnh, quí vị nén được tâm nhưng không nén được loạn tưởng.

Do đó, mà chúng tôi bảo rằng quí vị không phá được hôn trầm, thùy miên, vô ký và loạn tưởng, thì các thiền sư dùng pháp tác ý thường gọi ông chủ. Ông chủ là pháp môn tác ý, pháp môn tác ý có nhiều pháp như: gọi ông chủ, sổ tức, niệm Phật, đề khởi thoại đầu để tham thoại đầu, đề khởi nghi tình để tham công án v.v…​

Kính thưa quí vị tu sĩ tăng, ni và cư sĩ phật tử, muốn chiến thắng được loạn tưởng, hôn trầm, thùy miên, thì chỉ có giới luật của Phật mới hàng phục được nó. Do vậy, đức Phật mới dạy: “Giới sanh định”. Không thể giữ tâm ức chế tâm mà có được định.

Người ta đi tìm định ngoài giới luật thì không bao giờ có định chân chính, chỉ có những định tưởng mà thôi.

Như định tiếng động 500 cỗ xe bò đi qua không nghe của ngoại đạo, định của ông Nhan Hồi tọa vong cu thân, định của thiền sư Dược Sơn như trồng hoa trên đá, định của tổ Hám Sơn rung chuông gọi dậy, định của một vị thiền sư nhập 1000 năm dùng đồng loa đánh xuất định, định Không Vô Biên Xứ Tưởng, định Thức Vô Biên Xứ Tưởng, định Vô Sở Hữu Xứ Tưởng, định Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ đều không giải quyết được sanh, lão, bệnh, tử, và cũng không chấm dứt tái sanh luân hồi.

Cho nên, đức Phật đã ném bỏ chúng như ném chiếc giày rách, chỉ có người sau không dám bỏ, nên đem xếp loại trong các kinh điển của Phật.

Trên đây là những lời chúng tôi đã nói thẳng. Quí vị đừng tin chúng tôi, mà cứ về suy ngẫm kỹ. Sau này khi có thì giờ, chúng tôi sẽ đem so sánh Bốn Thiền của Phật với thiền của kinh phát triển và Thiền Đông Độ.

Nếu quí vị muốn tu theo Phật mà quí vị sợ tu Giới Luật thì quí vị tu cái gì? Chúng tôi xin nêu lên một ví dụ để quí vị rõ:

Bây giờ quí vị hãy nhìn cây bồ đề trước cửa chùa cành lá sum suê, tươi tốt, vì hằng ngày chư tăng bón phân, tưới nước rất kỹ, lúc nào cũng không cho cỏ mọc ở gốc cây. Bắt đầu quí vị hái lá bỏ, khi hái sạch lá, quí vị tưởng không còn lá nữa, nào ngờ trong một thời gian ngắn lá bắt đầu đâm ra rất mạnh, như vậy biết bao giờ quí vị hái cho hết lá.

Lá vì tự nơi gốc cây mà ra. Chúng tôi tu giới luật đâu cần dừng vọng, giữ tâm, chỉ giữ gìn giới luật đừng cho sai phạm dù một lỗi nhỏ nhặt nào. Giữ gìn giới luật đừng cho sai phạm tức là chúng tôi đã xa lìa dục lạc thế gian, cũng giống như cây kia không bón phân, tưới nước nữa, thì cây phải cằn cỗi, trơ cành, trụi lá.

Còn quí vị cố dừng tâm, giữ tâm không cho niệm thiện, niệm ác khởi, mà cứ luôn chạy theo dục lạc thế gian thì cũng giống như cây kia cứ bón phân, tưới nước được đầy đủ, thì làm sao quí vị hết vọng tưởng, hết hôn trầm được. Cho nên, người ta thường bảo: “ham ăn, ham ngủ”, nghĩa là ăn nhiều phải ngủ nhiều.

Qua kinh nghiệm bản thân của chúng tôi, ăn ngày một bữa, ăn vừa đủ no, không ăn ráng ăn thêm thì hôn trầm không dừng nó cũng tự dừng, còn ăn ráng ăn thêm thì hôn trầm tấn công không thể tránh khỏi.

Ở đây chỉ ăn một bữa, không ăn uống lặt vặt, vậy mà có người sợ mất sức khỏe, ăn ngày một bữa mà ăn hơi nhiều hơn một chút còn bị hôn trầm, thùy miên thăm viếng, huống là quí vị ăn ngày hai, ba bữa, còn ăn uống thêm lặt vặt thì thử hỏi làm sao quí vị phá hôn trầm, thùy miên, vô ký được! Nên, đức Phật đã dạy: “Ăn ít, ăn vừa đủ, không nên ăn ráng”.

Kính thưa quí vị, nếu quí vị tu hành mà không dừng được vọng tưởng, cũng không phá được hôn trầm, thùy miên, vô ký, thì lâu ngày quí vị rơi vào các định vong thân như định của ngài Nhan Hồi, định trong Thập Mục Ngưu Đồ, tranh số tám, người trâu đều quên. Kinh phát triển không có cách thức xuất nhập định, nên chỉ dừng hết vọng tưởng là thành Phật.

Ở trạng thái này, kinh phát triển gọi là thường định, đại định, định không xuất không nhập. Thiền Đông Độ cũng vậy, không có định xuất nhập. Còn Thập Mục Ngưu Đồ thì có nhập vào định vong thân người trâu đều quên. Theo kinh nghiệm bản thân của chúng tôi, nhìn cách thức buông vọng, dừng vọng thì biết cách thức nhập định của họ.

Bây giờ, chúng tôi so sánh hai thứ thiền định của Phật và Tổ, để quí vị suy ngẫm. Theo thiền của đạo Phật, muốn hàng phục vọng tâm của mình nhập Sơ Thiền thì chúng tôi cần giữ gìn giới luật nghiêm túc. Sống lập ba hạnh ăn, ngủ và độc cư. Do ba hạnh này chúng tôi nghiêm trì được giới luật, bảo vệ được sáu căn, tức là bảo vệ được tâm của chúng tôi. Bảo vệ được tâm tức là không cho tâm tiếp duyên bên ngoài, tức là không phóng dật.

Tâm không phóng dật tức là tâm ly dục, ly ác pháp. Nhờ đó, tâm chúng tôi thanh tịnh, tâm thanh tịnh là tâm tỉnh thức, do sự tỉnh thức nên không còn bị loạn tưởng, hôn trầm nhiều. Chúng tôi rất tỉnh giác, thường thấy biết cái tâm ham muốn và tham dục của mình còn nhiều hay ít. Nhờ thấy được nó, chúng tôi ly được dục, và các ác pháp không làm tâm chúng tôi dao động. Nhờ ly được dục, chúng tôi thấy cuộc sống thoải mái, không bị ràng buộc bởi dục lạc thế gian.

Tâm thường lặng lẽ, rỗng rang nhưng rất sáng suốt, mọi vật không qua được ý tứ của chúng tôi. Như vậy là chúng tôi đã tỉnh giác trên mỗi niệm, tỉnh giác trên mỗi niệm là chúng tôi đã làm chủ được tâm mình, làm chủ được tâm mình tức là tâm bất động, hay nói cách khác là chúng tôi nhập Bất Động Tâm Định.

Từ đó, chúng tôi thấy mình làm chủ được tâm trong cuộc sống hằng ngày. Chúng tôi không làm khổ mình và cũng không làm khổ người. Do điều này, chúng tôi hiểu rõ lời Phật dạy ly dục sanh hỷ lạc là đúng, do ly dục và ác pháp mà tâm mình có giải thoát, do ly dục và ác pháp mà tâm mình trở thành thiền định, chứ không phải ngồi ức chế tâm cho hết vọng tưởng mà có thiền định. Như chúng tôi nhập Sơ Thiền không có tốn công phu chút nào, chỉ cần sống đúng giới luật là đủ.

Kính thưa quí vị tu sĩ tăng, ni và cư sĩ phật tử, chúng tôi xin lưu ý quí vị chỗ này nữa, một người muốn nhập Sơ Thiền không phải là một việc dễ làm.

Phải biết xả bỏ tâm ác, phải biết từ bỏ tính xấu, phải không bép xép nhiều chuyện, phải biết thương yêu mọi người, phải biết tha thứ mọi lỗi lầm của người khác, phải biết nhẫn nhục, phải biết tùy thuận, phải biết bằng lòng trong mọi hoàn cảnh, mọi đối tượng, phải biết xa lánh sắc dục, phải biết ăn ngày một bữa, phải biết ngủ ít, phải biết sống độc cư, phải biết tu tập đức hạnh giải thoát, đạo đức nhân bản - nhân quả, sống không làm khổ mình, khổ người, tức là đạo đức làm người.

Tóm lại, quí vị phải xa lìa tâm danh lợi và ly tất cả dục lạc thế gian, có được như vậy thì mới nhập được Sơ Thiền.

Kinh sách phát triển và Thiền Đông Độ dạy phải dụng công tu tập hết sức mới độ hết chúng sanh, mới giữ được tâm chẳng nghĩ thiện, nghĩ ác. Khi độ hết chúng sanh và chẳng nghĩ thiện, nghĩ ác thì mới tương ưng bằng chúng tôi tu giới luật nhập Sơ Thiền. Nhưng Thiền Đông Độ và kinh sách phát triển thuộc về loại thiền ức chế tâm, vì không ly dục, ly ác pháp, mà cứ bắt ép tâm tập trung diệt vọng tưởng, nên tâm tham, sân, si vẫn còn nguyên vẹn. Vì thế, nên không thể có giải thoát được.

Cùng một kết quả thiền định gần giống như nhau, nhưng lại khác nhau, một bên tu hành giữ gìn giới luật, gọi là thiền xả tâm. Vì thế, Phật thường dạy: “Giới sanh định”. Do giữ gìn giới luật nên tâm tham, sân, si, mạn, nghi bị diệt sạch, nên được giải thoát hoàn toàn. Còn một bên không giữ giới luật, chỉ nhiếp tâm, ức chế cho hết vọng tưởng, gọi là thiền định, vì thế tâm tham, sân, si, mạn, nghi vẫn còn nguyên vẹn, nên không được giải thoát.

Đem so sánh hai thiền gần như tương đương với nhau, nhưng kết quả khác nhau, nên tên gọi cũng khác nhau. Kinh Nguyên Thủy gọi là ly dục, ly ác pháp, do ly dục sanh hỷ lạc nhập Sơ Thiền, kinh sách phát triển gọi là kiến tánh thành Phật, Thiền Đông Độ gọi là bản lai diện mục v.v…​

Kinh Nguyên Thủy được giải thoát do ly dục, ly bất thiện pháp. Ly dục, ly bất thiện pháp là lìa tâm ham muốn và các ác pháp. Do ly dục mà giải thoát được cái ăn, cái ngủ và các lòng ham muốn, nên cuộc sống không còn bon chen khổ sở, không còn phiền não, sân hận, tham lam, si mê, ganh tỵ v.v…​

Còn kinh sách phát triển và Thiền Tông thì dừng hết vọng tưởng là tâm được “tự tại vô ngại, đói ăn, khát uống, mệt ngủ”, thậm chí ăn ngày bốn, năm bữa cũng chẳng sao, vui chơi, ca hát, đàn địch thỏa thích, sát sanh, hại mạng cũng không tội. Những kết quả này của hai bên xin quí vị suy xét, chúng tôi chẳng có ý kiến gì về nó cả.

Kính thưa quí vị, ở đây tu tập giới luật, mới có diệt được tầm nhưng chưa diệt được tứ. Chúng tôi nói diệt tầm, tức là nói không vọng khởi, chứ không phải diệt tầm tứ theo kiểu Nhị Thiền. Nên chúng tôi tiếp tục nương Định Niệm Hơi Thở để diệt tứ, bằng pháp hướng tâm nhập Nhị Thiền. Đến đây, chúng tôi xin lưu ý nhắc quí vị, khi nào quí vị hết vọng tưởng mới tu pháp hướng tâm diệt tứ.

Ở đây, chúng tôi giải thích thêm cho rõ, để quý vị biết diệt tứ bằng cách nương vào hơi thở dùng pháp hướng diệt tầm tứ, chứ không phải tùy tức suông như Lục Diệu Pháp Môn. Còn nếu vọng tưởng chưa hết mà vội tu pháp hướng tâm diệt tứ, thì quí vị tu hành hoài công vô ích, (vọng tưởng chưa hết có nghĩa là tâm ly dục, ly ác pháp chưa sạch) mà còn làm điểm tựa cho hôn trầm, thùy miên, vô ký tấn công, chứ chẳng ích lợi gì cho con đường tu hành của quí vị, và về sau còn tai hại rất lớn cho quí vị vì bệnh thần kinh.

Khi chúng tôi tu giới luật ly dục diệt tầm, tương ưng với tranh thứ 7 trong Thập Mục Ngưu Đồ của Thiền Tông, trâu quên còn người. Chỗ này tương ưng với kinh sách phát triển, “độ hết chúng sanh thành Phật”.

Khi chúng tôi diệt tầm tứ nhập Nhị Thiền, chỗ này tương ưng với bức tranh thứ 8 trong Thập Mục Ngưu Đồ, người trâu đều quên. Chúng tôi biết rất rõ ràng diệt tầm là tâm không, diệt tứ là thân không.

Xin lưu ý quí vị, khi chúng tôi diệt tầm tứ thì chúng tôi không mất. Trời sét đánh không nghe. Chúng tôi đang ở trong một trạng thái hỷ lạc do sức định của Nhị Thiền sinh ra. Trong Thập Mục Ngưu Đồ tranh 8, người trâu đều quên không có hỷ lạc, vì bị mất tiêu, mất tiêu nhưng tiếng động lớn còn nghe.

Đó là trạng thái vong thân, còn gọi là tưởng vô sắc định, một trạng thái không tưởng giống như người trong mộng. Do đó, người nhập định tưởng còn mộng mị chiêm bao, vì đó là môi trường của chúng (tưởng thức), như thiền sư Hoàng Bá, Hám Sơn, Trí Khải đại sư, Hư Vân hòa thượng v.v…​ Phải nói rằng, hầu hết các thiền sư Đông Độ đều còn nằm chiêm bao, tức là còn tưởng dục.

Xưa, đức Thế Tôn đã nhập được các định tưởng, và nhập đến định cao nhất của tưởng là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ định. Khi nhập xong, đức Phật xem xét lại thấy không có lợi ích thiết thực giải quyết những cái khổ của loài người, nên đức Phật ném bỏ. Mặc dù vị thầy dạy đức Phật tu pháp môn này rất tha thiết yêu cầu đức Phật ở lại chia nửa tòa, nhưng đức Phật từ khước ra đi tìm chân lý.

Chỗ này, Thiền Đông Độ và Nhị Thiền của Phật không thể tương ưng nhau được. Cũng như kinh sách phát triển không thể tương ưng với Sơ Thiền được. Vì Sơ Thiền nhờ tu giới luật ly dục ly ác pháp nên tâm được an ổn, thanh tịnh, thường trống không, lặng lẽ, nhưng rất tỉnh giác, sáng suốt, và ý tứ làm chủ cuộc sống, nên tâm không bị chướng ngại, phiền não, đau khổ, ganh tỵ hơn thua v.v…​

Còn kinh sách phát triển khi độ hết chúng sanh thì tâm như như bất động. Giống như một vị thiền sư nào đó cứ ôm ấp chữ “như” trên đầu, nên qua sông quên mặc quần áo. Trong cuốn Góp Nhặt Cát Đá, có thuật lại một vị thiền sinh khi sư phụ sai lấy cái thùng thì mang cái rổ, thiền sư cả cười cho là đệ tử của mình đắc đạo vô phân biệt.

Kính thưa quí vị, chỗ vô phân biệt này không phải là chỗ vô tâm, vì cái biết vẫn còn nhưng không có phân biệt (chỗ này nói được chứ không làm được). Ở đây, kinh sách phát triển và thiền Đông Độ chấp nhận chỗ này là tu xong, còn Thập Mục Ngưu Đồ cho tu đến chỗ này chưa xong, còn tiến tu đến tranh 8, tranh 9 và tranh 10.

Kính thưa quí vị, đến đây quí vị tự suy ngẫm sự chứng đạt này, chúng tôi không có ý kiến gì.

Kính thưa quí vị tu sĩ tăng, ni và cư sĩ phật tử, người trâu đều quên mà trong Thập Mục Ngưu Đồ chưa xác định tu ở mức độ nào tương ưng với kinh sách phát triển và Thiền Tông. Ngược lại, Thiền Tông và kinh sách phát triển cũng không xác định tu ở mức độ nào mới tương ưng đúng với tranh số 8. Mọi trạng thái lặng từ hôn trầm, thùy miên, vô ký và ngoan không đều có trạng thái người trâu đều quên. Chỗ này khi quí vị về suy ngẫm lại, khi nào bí quá, quí vị hỏi các vị thiền sư Đông Độ.

(Còn tiếp) Tác giả: Trưởng Lão Thich Thông Lạc  Trích sách: Tạo duyên giáo hóa chúng sanh- Nhà xuất bản Tôn giáo