Chuyển đổi Nhân Quả
Kinh sách phát triển và Thiền Đông Độ cho rằng độ hết chúng sanh, hoặc chẳng nghĩ thiện, nghĩ ác thì thành Phật. Vậy thành Phật rồi còn phải tu nữa hay không?
Khi độ hết chúng sanh rồi có làm chủ được thân tâm hay không? Và có chấm dứt tái sanh luân hồi chưa? Cách thức làm chủ bằng cách nào?
Đây, chúng tôi xin nhường lại cho tổ Bách Trượng trả lời quí vị, tổ Bách Trượng dạy: “Chẳng muội nhân quả”. Ở đây, quí vị phải hiểu câu nói này, đau là phải chịu đau, chết là phải chịu chết, chứ không thể nào làm chủ được nó. Chỉ chẳng mê muội trước nó là đủ, vì mê muội trước nó là sợ hãi, là buồn khổ, rên la, kêu khóc v.v… Ý của Tổ nói, đứng trước các pháp ác tâm không hề dao động là đủ (chẳng mê muội).
Chúng tôi xin lập lại câu nói này, để cho quí vị dễ hiểu hơn. Nghĩa là quí vị chẳng sợ hãi trước cơn đau bệnh; trước cái chết; trước cái tai nạn khổ sở là đủ, nghĩa là đừng sợ hãi các ác pháp. Vì quí vị thấy nó là huyễn giả, không thật, là không. Mọi sự vật, mọi hoàn cảnh xảy ra đều là huyễn giả không thật có.
Do hiểu biết như vậy, quí vị sẽ không sợ hãi. Vì thế, nhị tổ Pháp Loa bệnh đau rên hừ hừ mà không làm chủ được cái đau, nên khi tổ Huyền Quang hỏi, Ông trả lời theo kiểu tổ Bách Trượng: “Gió thổi qua khe trúc”.
Tổ Bách Trượng mượn thuyết định mệnh, để chứng minh Thiền Tông không làm chủ nhân quả. Câu chuyện Bách Trượng giả hồ, chúng tôi xin lưu ý quí vị, tổ Bách Trượng mượn thuyết định mệnh chứ không phải là thuyết nhân quả. Còn đạo Phật thì chuyển nhân quả và làm chủ nhân quả, nên nó không là số mệnh, định mệnh được.
Ví dụ, cùng hai đứa bé nhức răng ôm khóc, một đứa con nhà giàu, một đứa con nhà nghèo. Đứa bé con nhà giàu được cha mẹ đưa đến nha sĩ chữa trị hoặc nhổ chiếc răng hư, đứa này không còn đau nhức, chạy chơi vui cười. Còn đứa bé con nhà nghèo, không có tiền đi nha sĩ nên phải chịu đau nhức, khóc mãi suốt ngày này sang ngày khác.
Kính thưa quí vị, người giàu có là do phước báo hữu lậu, biết bố thí, cúng dường đúng chánh pháp nên chuyển nghiệp nhân quả được, huống là chúng ta, tu pháp môn giải thoát vô lậu thì phước báo vô lậu không thể nghĩ lường, như muốn chết hồi nào thì chết, muốn sống hồi nào thì sống, không có luật định mệnh hay luật nhân quả nào cấm cản sự làm chủ sống chết của chúng ta được nữa.
Kính thưa quí vị, xin quí vị lưu ý chỗ này, lúc nãy tổ Bách Trượng dùng thuyết định mệnh, còn qua câu chuyện chúng tôi vừa kể về hai đứa bé là thuyết nhân quả, mà thuyết nhân quả thì làm chủ được, vì nó di chuyển và thay đổi được. Còn thuyết định mệnh thì không thay đổi được, vì nó cố định. Cho nên, dù có làm Phật thì cũng không làm chủ được cái nhân quả.
Như vậy thì quí vị đã phân biệt được luật nhân quả và luật định mệnh phải không? Hai thuyết này khác nhau chứ không giống nhau, nó chỉ giống nhau ở hành động nhân quả thiện ác mà thôi, còn có sự cố định đó là thuyết định mệnh, còn có sự thay đổi đó là thuyết nhân quả. Ví dụ như Đức Phật, ông Xá Lợi Phất, ông La Hầu La… tự tại nhập Niết bàn là sự chứng minh thuyết nhân quả.
Bởi vậy, người tu theo đạo Phật đến Tứ Thiền xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh thì không còn nghiệp đau, nghiệp chết tác dụng được, vì thọ đã bị triệt tiêu trong định Tứ Thiền. Như vậy mới gọi là làm chủ sanh tử. Làm chủ sanh tử là làm chủ nghiệp, làm chủ nghiệp là xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh.
Xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh là xả thọ, xả thọ tức là đoạn ái, đoạn ái tức là chấm dứt sự đau khổ, còn chấm dứt sự tái sanh luân hồi thì phải thực hiện lậu tận trí. Như trong kinh Thập Nhị Nhân Duyên Phật dạy: “Vì có thọ mới có ái”. Cho nên, khi thọ diệt thì ái phải đoạn tận. Ở đây, quí vị đã hiểu rõ.
Kính thưa quí vị, đến đây quí vị biết Tứ Thiền là một pháp môn rất quan trọng của đạo Phật, trong sự làm chủ sống chết. Phật dạy 37 phẩm trợ đạo đều giúp cho pháp môn này, để cho quí vị thành tựu giải thoát cá nhân của quí vị ra khỏi cuộc đời đầy đau khổ, và còn ra khỏi thân đau khổ này.
Chúng tôi xin quí vị lưu ý chỗ này thêm, thọ là then chốt của nghiệp ái. Chúng ta tự hỏi nghiệp để làm gì? Nghiệp để cho ai? Xin trả lời, nghiệp để cho thọ. Ái để làm gì? Ái để cho ai? Xin trả lời, ái để cho thọ. Vậy, chúng ta tu hành dùng Tứ Thiền xả thọ, thì nghiệp và ái còn tác dụng vào đâu. Cho nên, gọi là diệt nghiệp đoạn ái. Diệt nghiệp là làm chủ thân tâm; đoạn ái là chấm dứt tái sanh luân hồi.
Con đường của đạo Phật dạy chúng ta tu hành quá rõ ràng, không giống như Thiền Đông Độ và kinh sách phát triển. Vả lại, chúng ta đã biết, muốn nhập Tứ Thiền thì phải tịnh chỉ hơi thở. Hơi thở là mạng sống của con người, khi nhập định Tứ Thiền tịnh chỉ được hơi thở, tức là làm chủ được mạng sống của mình, một loại thiền định làm chủ sự sống chết rất rõ ràng và cụ thể, mà trong thế gian này chúng ta không ngờ lại có một pháp môn mầu nhiệm như vậy.
Tâm vô tâm
Kính thưa quí vị, chúng tôi xin chép ra đây một đoạn trong Thiền Luận của đại đức Suzuki: “Thấy tâm không thật thì tâm dứt, quên trâu, tranh 7 - vong ngưu tồn nhân. Thấy người không thật thì người quên nốt, tranh 8 - nhân ngưu câu vong. Biết cái tâm không tâm, ấy là hiểu suốt đạo Phật” (Thiền Luận, tập thượng, trang 616).
Nghe qua những lời dạy này, quí vị có biết cách tu hay không? Hay chỉ cần thấy tâm không thật, người không thật là vọng tưởng hết, là chẳng nghĩ thiện, nghĩ ác. Nói được, không thể làm được . Phải không quí vị? Tri hành không hợp nhất. “Người và trâu đều quên thì từ lòng đất dũng mãnh vọt lên mặt trời tuệ, tượng trưng bằng cái vòng tròn viên giác, tranh 8, đó là tâm vô tâm” (Thiền Luận, tập thượng, trang 616).
Kính thưa quí vị tu sĩ tăng, ni và cư sĩ phật tử, đến tranh 8, Thập Mục Ngưu Đồ xác định người trâu đều quên mất, mới cho đó là tâm vô tâm. Còn kinh phát triển và Thiền Đông Độ trâu mất mà thằng chăn trâu còn, gọi là vô phân biệt. Qua sông quên mặc quần áo, sai lấy cái thùng mang cái rổ, chỗ này không phải là vô tâm.
Ở chỗ Thập Mục Ngưu Đồ tranh 8 mới là chỗ tâm vô tâm. Chỗ này mới gọi là năng sở không còn. Thầy chúng tôi dạy, năng sở không còn là vô tâm, hay là tranh số 8. Thập Mục Ngưu Đồ cho chỗ vô tâm là chưa viên mãn, nên bảo vô tâm còn cách một lớp rào. Vì thế, phải tiếp tục tu hành tiến tới tranh 9, tranh 10.
Kính thưa quí vị, cái vòng tròn tượng trưng cho trí tuệ, từ trong lòng đất người trâu đều quên sanh ra, Thập Mục Ngưu Đồ của Thiền Tông không xác định được người trâu đều quên ở mức độ nào mà trí tuệ phát sáng. Hôn trầm, thùy miên, vô ký, ngoan không cũng có trạng thái người trâu đều quên, rồi cũng từ trong đó có trí tuệ phát sáng, cũng ngộ những công án, cũng thông suốt các lý luận của Thiền Tông và các kinh sách phát triển.
Những trí tuệ phát sáng này chúng tôi gọi là tưởng tuệ. Tưởng tuệ là do từ trong định tưởng phát ra, tùy theo ở mức độ nhập định tưởng lâu, mau, sâu, cạn, và do đó có sự hiểu biết thấp cao. Tưởng tuệ là trí tưởng tượng, suy nghĩ nghĩa lý trong các kinh sách phát triển và Thiền Đông Độ, chứ không có kinh nghiệm tu hành giải thoát như kinh Nguyên Thủy.
Như câu: “Chẳng nghĩ thiện nghĩ ác, độ hết chúng sanh thành Phật, thấy tâm không thật thì tâm dứt, thấy người không thật thì người quên”, những câu nói này là tưởng tuệ, không tu hành gì được, bằng chứng kinh sách thì nhiều mà người tu chẳng ra gì, nghe thì hữu lý mà thực hành thì không vô. Bởi vậy, có hàng trăm hàng ngàn người theo tu với Mã Tổ, mà người ngộ đạo, ngộ được tâm, ngồi đạo tràng tu hành chỉ có 84 người, nhưng đến khi thành tựu chỉ còn có 2, 3 người, tức là những người nhập được định, trong đó có thiền sư Dược Sơn.
Phải nói, Thiền Đông Độ có nhiều đạo tràng, mà đạo tràng của Mã Tổ là số người tu đông nhất, nhập định được thì cũng không được mấy người, nhưng lại là định tưởng, định không làm chủ được sự sống chết. Loại thiền định này nhập để mà chơi, cũng như đức Phật nhập Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ để mà biết Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ mà thôi. Như vậy thì có nghĩa lý gì cho cuộc đời tu hành?
Kính thưa quí vị, giai đoạn đầu thiền, người ngộ thì đông mà tu thành tựu thì quá ít, không giống như câu nói kiến tánh thành Phật. Biết bao nhiêu người đã thấy chỗ không nghĩ thiện, nghĩ ác mà có làm Phật được đâu? Mà có thành Phật chỗ nào?
Do pháp môn tu không kết quả, các thiền sư phải thay đổi cách khai ngộ và cách tu, bắt đầu họ dùng các công án rắc rối hơn, hoặc đánh, hoặc la, hoặc hét, để hạn chế người ngộ. Đó là giai đoạn giữa thiền. Bắt đầu từ các đệ tử của lục tổ Huệ Năng, đến Lâm Tế thì cách tu tập họ cũng còn giữ cách tu cũ, nhưng có thêm nhiều thứ thiền, như:
1- Lục Diệu Môn gồm có sáu pháp tu tập: sổ, tùy, chỉ, quán, hoàn, tịnh.
2- Thiền hơi thở gồm có bốn pháp tu tập: phong, khí, suyển, tức.
3- Pháp môn Tịnh Độ gồm có: lục tự Di Đà.
Thiền lục diệu pháp môn do Trí Khải đại sư sản sanh. Thiền hơi thở phong, khí, suyển, tức do một vị thiền sư (có lẽ là Cảnh Phong), mà chúng tôi không nhớ tên rõ. Pháp môn Tịnh Độ do thiền sư Huệ Viễn lập Liên Trì thư xã và sớ giải kinh Tịnh Độ, thiền sư Diên Thọ Vĩnh Minh tán thán pháp môn này.
Khi con đường Thiền Đông Độ tu không có kết quả, người ta mới sinh ra nhiều pháp môn như vậy. Nhưng mỗi pháp môn được sinh ra chỉ có sống một thời với người cha đẻ của nó, rồi cũng chết yểu, vì thiếu kinh nghiệm, chỉ do trí tưởng tượng tạo ra, nên tu không có kết quả.
Pháp môn Tịnh Độ còn sống đến ngày nay là nhờ một nhóm thiền sư, khéo léo làm chỗ nương tựa mê tín trong dân gian như cầu an, cầu siêu, cúng sao giải hạn, xem ngày giờ tốt, xấu v.v… Họ sớ giải kinh sách Tịnh Độ: "Nếu những người nào niệm Phật được nhất tâm, khi chết được sanh về Cực Lạc không còn tu tập. Còn những người nào niệm Phật chưa đạt được nhất tâm, nhưng sau khi chết cũng được sanh về Cực Lạc, rồi ở cõi Cực Lạc lại tiếp tu tập cho đến khi được nhất tâm”.
Do sự tu tập tiện lợi và dễ dàng như vậy, nên già, trẻ, lớn, bé đều đua nhau niệm Phật, dù niệm Phật ít, hay nhiều đều cũng được sanh về nước Cực Lạc. Người ta đặt ra 48 lời nguyện của đức Phật Di Đà, để mọi người dựa vào đó mà nuôi hy vọng, như trong sám Từ Vân có câu:
“Thiện nam tín nữ các người
Chí thành tưởng Phật niệm mười tiếng ra
Ta không rước ở nước Ta
Thệ không làm Phật chắc là không sai”
Nhưng đây chỉ là một thứ hy vọng ảo tưởng mà thôi, chứ sự thật không bao giờ có cõi Cực Lạc.
Tu thiền chẳng có kết quả, thường sống trong ảo giác Phật tánh, nên không còn cách nào hơn, phải tưởng giải pháp môn Tịnh Độ để nuôi hy vọng, sống thêm những ngày còn lại mà không bị mất mặt với quí phật tử.
Kính thưa quí vị tu sĩ tăng, ni và cư sĩ phật tử, bây giờ chúng tôi đem so sánh kinh sách Nguyên Thủy, kinh sách phát triển, Thiền Đông Độ với Thập Mục Ngưu Đồ.
Chúng tôi xin nhắc lại, kinh sách Đại Thừa và Thiền Đông Độ chấp nhận khi hết vọng tưởng là thành Phật: “Độ hết chúng sanh thành Phật, chẳng nghĩ thiện nghĩ ác bản lai diện mục hiện tiền”, hay: “kiến tánh thành Phật”. Chỗ này kinh sách phát triển và Thiền Đông Độ chỉ tương ưng với Thập Mục Ngưu Đồ ở tranh số 7, “ngưu vong tồn nhân”.
Thầy chúng tôi dạy, trâu mất, người chăn phải còn. Chỗ này của Thầy chúng tôi tương ưng với tranh 7, với kinh sách phát triển và với Thiền Đông Độ, nhưng không thể tương ưng với Thập Mục Ngưu Đồ tranh 8 được. Kinh sách phát triển và Thiền Đông Độ tu đến chỗ này được xem là thành Phật. Phật là đại giác, giác là trí tuệ. Ngược lại, Thập Mục Ngưu Đồ cho chỗ tu này chưa xong nên phải tiếp tục tu tới tranh 8, “nhân ngưu câu vong”, người trâu đều mất, người trâu đều quên.
So với Thập Mục Ngưu Đồ ở tranh 8, kinh sách phát triển và Thiền Đông Độ không có trạng thái nào tương ưng. Trong khi đó, kinh Nguyên Thủy tuy có vẻ tương ưng, mà thực ra lại khác. Ở Thập Mục Ngưu Đồ, khi người trâu đều quên thì mất tiêu, rồi phát ra trí tuệ, nhưng kinh Nguyên Thủy thì không mất tiêu, mà ở trong trạng thái hỷ lạc do định Nhị Thiền sanh, như chúng tôi đã nói ở trên.
Ở Thập Mục Ngưu Đồ, khi trí tuệ hiện ra thì hành giả thấy mình và vạn hữu là một. Nên thiền sư Thiền Lão dạy:
"Thúy trúc huỳnh hoa phi ngoại vật
Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân”
Dịch:
“Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh ngoại
Trăng trong mây bạc hiện toàn chân”
Thấy mọi vật là mình, mình là mọi vật là tranh số 9, “phản bổn hoàn nguyên” trong Thập Mục Ngưu Đồ. Tu đến chỗ này, sau một năm nhập thất, Thầy chúng tôi tuyên bố trước tăng, ni và phật tử là Thầy đã về đến nhà, tranh số 9 phản bổn hoàn nguyên.
Sau khi ra thất, Thầy chúng tôi cho xây cất thiền viện Trúc Lâm, phát huy Thiền Tông Việt Nam, để tăng, ni và phật tử có chỗ tu hành chân chính, đó là Thầy chúng tôi đang ở tranh 10, “thỏng tay vào chợ”.
Kính thưa quí vị tu sĩ tăng, ni và cư sĩ phật tử, Thầy chúng tôi vừa dẫn dắt tăng, ni và phật tử, vừa còn phải tự tu cho mình. Thế là, cho đến hôm nay, Thầy chúng tôi đã đi suốt quãng đường Thập Mục Ngưu Đồ của Thiền Tông.
Kính thưa quí vị, như vậy, xét qua cách thức tu hành để đi đến kết quả, thì kinh sách phát triển và Thiền Đông Độ giống nhau. Còn Thập Mục Ngưu Đồ thì không giống kinh sách phát triển và Thiền Đông Độ. Riêng kinh Nguyên Thủy độc lập, không giống kinh sách phát triển, Thiền Tông và Thập Mục Ngưu Đồ.
Cho nên, pháp môn của đức Phật hiện giờ trong các chùa hành trì là pháp môn phát triển, pháp môn tổng hợp. Vì thế, chúng ta đừng hiểu các pháp môn là các phương tiện di chuyển, mà phải hiểu mỗi pháp môn là một con đường. Mỗi con đường đi nó sẽ dẫn chúng ta đến một nơi riêng của nó.
Kính thưa quí vị, đến đây quí vị cần suy ngẫm kỹ, chứ quí vị đừng hiểu trăm sông đều về biển cả. Đem pháp môn tu hành của đức Phật ví dụ như vậy là sai. Vì mọi pháp môn tu hành không phải là những môn học được xếp loại thấp, cao, để nối tiếp nhau theo lớp lang. Mọi pháp môn có thấp, cao tự riêng nó.
Cho nên, chúng ta tu đúng thì đúng ngay từ lúc ban đầu, mà đã tu sai thì cũng tu sai ngay từ lúc ban đầu. Nếu đường đi về thành phố Hồ Chí Minh thì phải về thành phố, nếu đường đi về Tây Ninh thì phải về Tây Ninh. Không thể đi Tây Ninh mà về thành phố được, ngược lại cũng vậy.
Kính thưa quí vị, tranh Thập Mục Ngưu Đồ Thiền Tông do các thiền sư sau này tưởng giải sinh ra, qua kinh nghiệm tu hành của họ, nên đã đi khá xa hơn kinh sách phát triển và Thiền Đông Độ. Nhưng các thiền sư vẫn chấp nhận, cho đó là kết quả của Thiền Tông. Vậy chúng tôi xin quý vị cứ suy ngẫm, riêng chúng tôi chẳng có ý kiến gì hết.
Nhất là hiện giờ, người theo tu Thiền Đông Độ và kinh sách phát triển rất đông, và thời gian cũng rất dài, nhưng chẳng thấy ai làm chủ sự sống, chết, già, bệnh cụ thể. Hình thức ngồi thiền 2, 3 tiếng đồng hồ thì có, mà chẳng có định gì cả, giỏi nhất của Thiền Đông Độ là hý luận trên công án.
Kính thưa quí vị tu sĩ tăng, ni và cư sĩ phật tử, bây giờ đến giai đoạn cuối thiền, cách khai ngộ vẫn giữ nguyên như cũ, nhưng đánh, la và hét thì các thiền sư giảm bớt. Cách tu thì hoàn toàn thay đổi hẳn. Họ không còn tu chăn trâu, gọi ông chủ hay biết vọng liền buông nữa, mà tham thoại đầu, tham công án, khởi nghi tình.
Các Ngài cố ôm chặt khối nghi, dùng sức mạnh của khối nghi mà tập trung tư tưởng, hầu để ức chế vọng tưởng cho bằng được. Những điều ức chế tâm quá mạnh này khiến cho các thiền sư càng nén tâm nhiều. Và sự nén tâm nhiều này khiến cho các Ngài nổi lên những cơn sân quá dữ dội, những hành động và lời nói rất thô lỗ và hung ác, khi các Ngài đối xử với các đệ tử cũng như đối với các phật tử, như thiền sư Lâm Tế, Mục Châu, Đạo Ngô, La Quả thiền sư v.v…
Nhất là La Quả thiền sư, dùng ngôn ngữ thô bạo kém văn hóa (Nhai lại đờm dãi).
Mặc dầu các thiền sư cố dùng khối nghi, mong đè bẹp được vọng tưởng để đạt được định, nhưng sự thành tựu này cũng chẳng được gì, vì chính họ đã đi xa dần Giới Luật và Đức Hạnh giải thoát của đạo Phật, nên càng ngày họ tu hành không có kết quả.
Trong cuối thế kỷ thứ 20 này, Thiền Tông đã chết tại đất nước Trung Quốc. Thầy chúng tôi đã đi qua đó tham quan, để tìm xem có vị thiền sư nào hay không. Chuyến đi đó, Thầy chúng tôi không gặp.
Thiền sư có vợ
Thiền Đông Độ không tu giới luật, nên thiền sư Bạch Vân (Yasutani) Nhật Bổn, đã hướng dẫn tu thiền và khai ngộ cho người Tây phương rất đông. Tuy đã được thiền sư khai ngộ và đã tu hành chứng ngộ được đạo thiền, vậy mà họ lại kết hôn nhau làm thành vợ chồng (trong tập 3, Trụ Thiền của Philip Catro, do ông Đỗ Đình Đồng dịch).
Thiền sư Suzuki vẫn có những tác phẩm thiền (Thiền Luận) danh tiếng trong thế kỷ 20 này, vậy mà Ngài có một người vợ Mỹ, thì thử hỏi tu thiền như vậy làm sao thoát khổ, chấm dứt tái sanh luân hồi được. Nhưng có người bào chữa cho thiền sư, cho rằng thiền sư có người vợ Mỹ để cùng nhau hợp tác mà viết ra những tác phẩm thiền bằng ngoại ngữ. Lời bào chữa này theo chúng tôi nghĩ không đúng.
Vì Thiền sư Suzuki vẫn có những người bạn trai rất tâm đầu ý hợp. Qua việc làm của ông muốn phổ biến thiền sang Tây phương, thì hầu hết những người bạn trai này cũng sẵn sàng giúp ông. Nên lối bào chữa như vậy chỉ là một lý luận che đậy những sự phạm giới của ông trong đạo Phật.
Thiền sư còn dâm dục thì làm sao mà tin họ giải thoát. Bởi nguyên nhân đau khổ là do ái dục, cớ sao người ta lại nuôi ái dục mà gọi là chứng ngộ thiền giải thoát. Còn ái dục thì làm sao hết khổ. Ái dục còn thì làm sao chấm dứt sanh, lão, bệnh, tử được.
Hiện giờ, Thầy chúng tôi phục hồi giai đoạn đầu Thiền Đông Độ. Hòa thượng Duy Luật phục hồi giai đoạn cuối Thiền Đông Độ. Hòa thượng Duy Luật luôn luôn kích bác Thầy chúng tôi, đệ tử của họ đem cuốn Thiền Tông Việt Nam cuối thế kỷ 20 mổ xẻ, chống bác Thầy chúng tôi. Tôi nghĩ cũng buồn cười, một con rắn độc lấy cái đuôi chửi cái đầu.
Kính thưa quí vị tu sĩ tăng, ni và phật tử, những người tu Thiền Đông Độ hiện giờ đang trong cảnh chờ đợi chén rơi, bát đổ, mèo kêu, chó sủa, hoa rơi, lá rụng… để chứng ngộ đạo thiền. Chúng tôi không biết nghĩ như thế nào mà các thiền sinh đang phải ở trong cảnh chờ đợi như thế này. Quí vị cứ suy ngẫm.
Kính thưa quí vị, như chúng tôi đã nói ở trên, thiền sư Bách Trượng đã xác định Thiền Đông Độ không làm chủ sanh tử được, chỉ dùng những danh từ hoa mỹ và những câu chuyện huyền thoại về việc làm chủ sanh tử để lừa dối, bịp người sau. Thiền sư Thường Chiếu cũng xác định rõ ràng để chúng ta không còn nghi ngờ gì nữa:
Một hôm, thiền sư Thần Nghi hỏi thiền sư Thường Chiếu:
Bạch Hòa thượng, khi Hòa thượng trăm tuổi (chết) như thế nào?
Thiền sư Thường Chiếu bảo:
Ta chết như người thường.
Thiền sư Thần Nghi ngạc nhiên, hỏi:
Như vậy Bồ Đề Đạt Ma là sao?
Thiền sư Thường Chiếu đáp:
Đó là bọn đại bịp, một con chó sủa một bầy chó sủa theo.
Kính thưa quí vị, Bồ Đề Đạt Ma là tổ thứ nhất, Người đại diện cho Thiền Đông Độ và tượng trưng cho thiền phái này, là linh hồn của Thiền Đông Độ. Cho nên, hai thầy trò Thần Nghi ở đây không phải nói về cá nhân Bồ Đề Đạt Ma, mà nói thẳng về Thiền Đông Độ.
Như chúng ta đã biết, thiền sư Bách Trượng là một vị đại thiền sư danh tiếng nhất Trung Quốc. Chỉ riêng tiếng tăm của bộ Thanh Qui Bách Trượng cũng đủ cho ta biết ngài là một người điều khiển, chỉ huy cả một thiền đường lớn, chứ không phải nhỏ của Trung Quốc. Nên khi Ngài đã xác định Thiền Tông không làm chủ sanh, già, bệnh, chết, thì chuyện cha con ông Bàng Long Uẩn chỉ là một câu chuyện huyền thoại.
Cũng như ở Việt Nam, thiền sư Thường Chiếu là một danh tăng, có nhiều uy tín trong dòng Thiền Đông Độ. Thế mà trong câu truyện trên, Ngài cũng đã thành thật xác định với chúng ta về dòng thiền này như vậy.
Thiền Trúc Lâm Yên Tử cũng thuộc dòng thiền Đông Độ, dòng thiền này truyền đến tổ Huyền Quang là mất, mặc dù sau này có nhiều người muốn phục hồi lại nó, nhưng không thành tựu, chỉ vì họ chết cứng trong giáo điều thiền Trúc Lâm.
Tổ Pháp Loa trước khi tịch đau, rên hừ hừ, tổ Huyền Quang hỏi:
Sao Hòa thượng lại rên?
Pháp Loa trả lời:
Gió thổi qua khe trúc - và tống cho Huyền Quang một đạp.
Ở đây, quí vị tự suy ngẫm, gió thổi qua khe trúc có “thọ” hay không? Do có thọ Pháp Loa mới rên, nếu không thọ làm gì có rên. Tổ Huyền Quang đã chứng kiến cái chết của tổ Pháp Loa, cũng như chúng ta đã chứng kiến cái chết của Hòa thượng Th.H, Hòa thượng Th.H, Hòa thượng H.H, Hòa thượng B.H, Hòa thượng Th.T, và còn biết bao nhiêu vị tôn túc khác nữa. Từ đó, tổ Huyền Quang mới đem Mật Tông vào con đường thiền này, làm thơ vịnh hoa, bướm, khiến cho nhà vua và ông Mạc Đĩnh Chi phải nghi ngờ, mới dùng nàng Thị Bích thử Tổ.
So sánh Chánh định và Tà định image
Kính thưa quí vị tu sĩ tăng, ni và cư sĩ phật tử, bây giờ, chúng ta so sánh hai thứ định: định của đạo Phật và định tưởng của ngoại đạo.
1- Định trời sét không giật mình, định của đức Phật (Nhị Thiền).
2- Định tiếng động 500 cỗ xe bò đi ngang qua, định của ngoại đạo, định tưởng.
Ở đây, không phải chúng ta so sánh hai tiếng động lớn, nhỏ, mà so sánh ở trạng thái giật mình và ở mục đích giải thoát của định trời sét không giật mình. Định này của Phật, dù quí vị có đánh bể đồng loa thì cũng không xuất định. Trời sét không giật mình tức là định đã diệt sáu thức, cho nên cảm thọ không còn có, vì thế gọi là xả thọ.
Xả thọ tức là diệt ái như chúng tôi đã nói ở trên, diệt ái tức là phải có định, mà định ở đây thì phải bắt đầu từ Nhị Thiền đến Tứ Thiền. Tứ Thiền là xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh. Xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh tức là xả thọ, hay là làm chủ thọ, nên không còn giật mình.
Định Tứ Thiền là định xả thọ, còn định phá âm thanh là định Nhị Thiền, khi diệt tầm tứ thì sáu thức dừng nghỉ, không hoạt động, nên tai không còn nghe âm thanh, dù âm thanh có to như tiếng sét cũng không nghe vì đã diệt tầm tứ. Thiền định tưởng, dù định cao nhất của nó như định Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ cũng còn giật mình, trừ Diệt Thọ Tưởng Định thì âm thanh, sắc tướng đều bị diệt cả.
Cho nên các thiền sư, dù trong lúc nhập định mà tiếng đồng loa, tiếng chuông lắc vẫn đánh thức họ khỏi định. Như thiền sư Hám Sơn lắc chuông tỉnh lại, thiền sư nhập 1000 năm dùng đồng loa đánh xuất định… đều là những định chưa diệt tầm tứ, chưa xả thọ, nên chưa làm chủ thân, tâm, chưa chấm dứt tái sanh luân hồi. Phần nhiều các thiền sư nhập vào định này đều còn tưởng dục.
Chúng tôi xin lưu ý quí vị một lần nữa, còn tưởng dục tức là còn mộng mị chiêm bao. Tất cả thiền sư Đông Độ đều còn chiêm bao mộng mị.
Kính thưa quí vị tu sĩ tăng, ni và cư sĩ phật tử, thiền định nào để lại nhục thân được?
Thiền định nào cũng để lại nhục thân được, nhưng các loại định tưởng thì phải nhập những định cao hơn Không Vô Biên Xứ và Thức Vô Biên Xứ.
Để lại nhục thân không phải mục đích của đạo Phật, nên đức Phật và các đệ tử của Ngài không có để lại, vì để lại nhục thân là còn có mục đích cầu danh trong đó, và đó cũng là một lối lừa đảo người đời sau.
Kính thưa quí vị, những điều chúng tôi đã phân giải ra đây là những điều chúng tôi đã trực tiếp thấy trong cuộc đời tu hành của chúng tôi. Chúng tôi đã thấu suốt rất rõ ràng, từ đời sống tu sĩ, cư sĩ, và đến các pháp môn như thế nào đúng, như thế nào sai. Chúng tôi nói ra đây để Thầy chúng tôi và cũng như quí vị tăng, ni, phật tử hiểu rõ Phật pháp, để trở về đúng với con đường tu hành của đạo Phật.
Chúng tôi không có ý xấu xa, bài bác mọi con đường, mọi pháp môn tu hành của quí vị, của Thầy chúng tôi. Chúng tôi nói ra những điều này là vì chúng tôi đã hiểu rất rõ ràng mọi pháp môn, mọi con đường tu hành từ Thiền Tông, Tịnh Độ Tông, Mật Tông, Pháp Hoa Tông, Thiền Đông Độ đến kinh sách phát triển và Nam Tông, Thiền Minh Sát v.v…
Chúng tôi không nỡ tâm, cứ ngồi nhìn quí vị tu hành ngày tháng qua mau, sanh tử gần kề; chúng tôi cũng không thể chịu được nữa. Phải nói! Nói ra dù có tan xương nát thịt; nói ra dù chúng tôi có như thế nào, chúng tôi cũng đành cam chịu. Nói để Thầy chúng tôi chấn hưng lại Thiền Tông Việt Nam, làm sáng tỏ Thiền Tông Việt Nam, mà không theo lối mòn của thiền phá giới và sống một đời sống phi phạm hạnh.
Nếu Thiền Tông Việt Nam phục hưng với nền đạo đức nhân bản - nhân quả, sống không làm khổ mình, khổ người và không làm khổ tất cả các loài chúng sanh, thì ích lợi thiết thực cho loài người nói chung, cho dân tộc Việt Nam nói riêng, và thiền đức này sẽ sống mãi muôn đời trên thế gian này.
Kính thưa quí vị, khi chúng tôi nói ra điều này, thì quí vị khó mà được gặp chúng tôi nữa.
Tại sao? Chúng tôi nói ra vì Phật pháp, vì sự tồn vong của Phật pháp, chứ không phải nói ra vì danh, vì lợi, vì tranh hơn thua cao thấp với quí vị, với Thầy chúng tôi. Chúng tôi đã xả bỏ hết danh lợi của cuộc đời. Cho nên, chúng tôi chẳng quản quí vị biết đến chúng tôi. Biết đến chúng tôi để làm gì?
Chúng tôi sẽ ẩn bóng, để Thầy và huynh đệ chúng tôi hướng dẫn quí vị trên đường tu hành của đạo Phật. Tu viện Chơn Như chúng tôi sẽ trao lại cho Cô Út Diệu Quang, khi cô nhập xong Tứ Thiền, cô sẽ đứng ra hướng dẫn các cháu con của những người cư sĩ quyết tâm theo cô tu hành. Tu viện này sẽ trở thành tu viện nữ cư sĩ, thì lúc bấy giờ chúng tôi sẽ không còn ở lại đây nữa, nếu cô vững vàng trên sự hướng dẫn. Còn cô chưa đủ khả năng thì chúng tôi chưa đi xa vội, mà chờ có người tu chứng được chân lí.
Kính thưa quí vị, tại sao chúng tôi phải ẩn bóng, bỏ các vị mà đi? Xin thưa cùng quí vị, có hai điều kiện:
Thứ nhất, khi chúng tôi còn ở lại, quí vị sẽ hiểu lầm chúng tôi là những người đem kinh nghiệm tu hành của mình đã đạt được ra tranh chấp hơn, thua với quí vị và Thầy chúng tôi.
Thứ hai, chúng tôi không muốn manh mún, chia chẻ Phật pháp thành nhiều đoàn thể, phe nhóm và nhiều tông phái khác nhau, để làm tan nát ngôi nhà Phật giáo. Từ xưa đến nay, Phật giáo đã bị tâm danh lợi của loài người chia rẽ tan nát. Phật giáo đã mang trên mình hơn 20 vết thương bộ phái, từ khi đức Phật nhập Niết Bàn. Bây giờ, chúng ta không thể làm thêm một vết thương nữa. Xin quý vị thông cảm và hiểu cho.
Kính thưa quí vị tu sĩ tăng, ni và cư sĩ phật tử, chúng tôi chỉ muốn những kinh nghiệm tu hành của chúng tôi được trao lại cho một vị thầy có đức độ, có uy tín, có giới luật với quí vị, để vị thầy ấy xây dựng lại ngôi nhà chánh pháp của đạo Phật.
Theo chúng tôi tự nghĩ: những kinh nghiệm tu hành của chúng tôi chỉ là những viên gạch nhỏ bé, để chúng ta là những người con Phật phải xây dựng lại ngôi nhà Phật giáo, mà từ lâu vô tình chúng ta đã bị ảnh hưởng mọi chiều hướng của các giáo phái ngoại đạo, và bị ảnh hưởng những phong tục tập quán của dân tộc các nước trên thế gian này, đã khiến cho tòa nhà đạo đức Phật giáo sụp đổ tan tành, chỉ còn lại những giáo pháp lai căng, trừu tượng, ảo giác, siêu hình mang cái tên Phật giáo.
Thật là đau xót vô cùng, đây là một nỗi đau đớn đứt từng khúc ruột, nhức nhối tận tâm can chung của những người con Phật.
Bây giờ chúng ta phải làm gì??? Hay cứ lấy mắt nhìn Phật giáo với những nỗi xót xa, chết dần mòn trong tâm chúng ta!!!
--o0o--
(Còn tiếp) Tác giả: Trưởng Lão Thich Thông Lạc Trích sách: Tạo duyên giáo hóa chúng sanh- Nhà xuất bản Tôn giáo
Bình luận (0)