Tác giả: Nguyễn Văn Tuấn Đại học Hồng Đức
Những ngày cuối năm khi hương xuân đang phảng phất đến gần, thì bao nhiêu hoài niệm về Tết xưa lại hiện về trong mỗi chúng ta. Tết là dịp để con cháu làm ăn xa quê trở về với sum họp bên mái ấm gia đình, để được tắm mát trong dòng suối mùa xuân ngọt ngào đang đơm hoa kết trái.
Tết nguyên nghĩa là sự chuyển biến giữa khí tiết trong năm, là giây phút giao mùa giữa mùa đông và mùa xuân. Theo quan niệm của văn hóa phương Đông Tết bắt nguồn từ chữ tiết khí, một năm được chia ra hai mươi tư tiết khí và chia đều cho 12 tháng, mỗi tháng gồm hai tiết, bắt đầu từ tiết Lập Xuân, Vũ Thủy thuộc tháng một, kết thúc vào tháng mười hai âm lịch thuộc tiết Tiểu Hàn và Đại Hàn. Cứ như vậy theo lịch Thái Âm là lịch mặt trăng mà Tết đến sớm hay đến muộn tùy thuộc vào sự vận hành của năm đủ, năm thiếu và năm nhuận.
Như vậy Tết còn đồng nghĩa với việc khí trời, khí đất giao hòa tạo nên một sự chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống văn hóa tâm linh người Việt. Xuân đến thời tiết sẽ ấm dần lên để lại sau lưng mùa đông heo may và băng giá, gác lại bao vất vả của một năm lao động mệt nhọc. Tết là dịp nghỉ ngơi, sum vầy trong mỗi gia đình, là dịp để con cháu tri ân ông bà, cha mẹ chúc phúc cho nhau được viên thành đạo hạnh.
Tết xưa là dòng chảy cội nguồn, Tết nay là sự kế tiếp dòng chảy văn hóa cổ truyền xuyên suốt qua mọi thời gian không gian cho đến tận mai sau. Dòng chảy ấy là một dải lụa hồng tô điểm nên sắc màu rực rỡ nhất, là sự kết tinh văn hóa rất đặc trưng cấu thành từ nhiều yếu tố nội sinh của văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.
Trải qua bao sự thăng trầm của lịch sử dân tộc, nhưng Tết cổ truyền của dân tộc ta vẫn luôn đồng hành cùng mọi thời đại. Mỗi khi tiết khí lập xuân về trên muôn nẻo quê hương, từ Cực Nam xa xôi đến địa đầu Móng Cái. Những sắc hoa mơn man trên những chồi non đánh thức bao niềm vui trong mỗi chúng ta khi mang đến những ngọn gió đầu mùa đầy sinh lực và ấm áp.
Không khí đón Tết cổ truyền từ xưa đến nay có lẽ không thể thiếu nồi bánh chưng xanh rì gói bằng lá dong hoặc lá chuối, bánh chưng vuông biểu tượng cho đất thuộc hành thổ, nơi con người sinh sống cư trú và lao động, bánh chưng vuông thuộc về ngũ hành âm, còn bánh chưng tròn thể thể hiện cho bầu trời thuộc tính dương, nơi mang nguồn năng lượng sưởi ấm cho cả thế gian. Cho nên biểu tượng và ý nghĩa của bánh chưng tròn và bánh chưng vuông còn thể hiện được cả một miền văn hóa phi vật thể và văn hóa vật thể rất đặc trưng không thể thiếu trong mâm cúng Tết tưởng nhớ Cửu Huyền Thất Tổ, Ông, Bà.
Trải qua một giai đoạn Tết xưa gần như bị mai một đi một số nét văn hóa cổ truyền, nhưng ngày nay bản sắc văn hóa truyền thống đang dần được khôi phục, như tục khai bút và tục xin chữ đầu xuân. Trước những năm bốn mươi của thế kỷ hai mươi. Nhà thơ Vũ Đình Liên đã khắc lên một bức tranh về mùa xuân phảng phất sự heo buồn của thế cuộc qua bài thơ ông đồ. Khi Tết đến, xuân về thiếu vắng những người đến xin chữ về nhà chơi Tết:
“Năm nay đào lại nở Không thấy ông đồ xưa Những người muôn năm cũ Hồn ở đâu bây giờ?”
Ngày nay Tết về hình ảnh ông đồ được tái hiện qua những câu lạc bộ thư pháp trên khắp các tỉnh thành trong cả nước. Đặc biệt là khu “Văn Miếu - Quốc Tử Giám” có thể coi đây là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam. Là nơi thi triển nhiều tài năng Thư pháp Việt và Thư pháp Hán. Hình ảnh ông đồ đang được tôn vinh giữa đời sống hiện đại hôm nay.
Song hành với việc giữ gìn và phát triển văn hóa Thư Pháp thì tục khai bút ngày nay vẫn được giữ gìn và phát huy, kế tục truyển thống hiếu học của cha ông ta qua tục “Khai Bút” đầu năm, thể hiện khát vọng, niềm tin vào một năm mới mang lại nhiều điều “Đại cát” cho gia đình và đất nước:
“Minh niên khai bút, bút khai hoa Vạn sự giai thành phú quý đa Đa tử đa tôn, đa phúc lộc Đắc tài đắc lợi, đắc danh gia.”
Trong kỷ nguyên số để đánh thức những tiềm năng văn hóa, những dải lụa hồng, những tác phẩm hay đang ngủ yên trên giá sách Thư viện Hồng Đức. Như tuyển tập thơ của tác giả Đoàn Văn Cừ với bài thơ “Chợ Tết” được viết trong tuyển tập là một bài thơ mang hơi thở rất chân thực của cảnh chợ Tết rất xa xưa, làm nao lòng cho những ai yêu thích tác phẩm văn học nghệ thuật. Hồn Tết qua áng thơ mang đậm màu sắc thôn dả của tác giả Đoàn Văn Cừ đã khắc họa lên cả một không gian Tết xưa mua xắm nhộn nhịp:
“…Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ. Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ, Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu, Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau. -***- Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa, Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa, Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh, Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh. Người mua bán ra vào đầy cổng chợ.”
Trong một thời lượng ngắn không thể diễn giải hết được những phong tục tập quán của Tết cổ truyền Viêt Nam. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây, dù là Tết xưa hay Tết nay hay dù ở thời điểm nào thì “Tết” vẫn là những tập tục tốt đẹp nhất được hình thành nên từ đời sống của nền văn minh lúa nước. Tập tục ấy sẽ được lớp lớp thế hệ gìn giữ và lưu truyền mãi đến mai sau./.
Tác giả: Nguyễn Văn Tuấn Đại học Hồng Đức
Bình luận (0)