TÓM TẮT: Nhìn chung, Pháp Loa ít đề cập đến những vấn đề triết học siêu hình trừu tượng một cách có hệ thống như Trần Thái Tông, ít đưa ra những vấn đề thiền học uyên thâm sâu sắc như Tuệ Trung Thượng Sĩ, ít đề cập đến những vấn đề lý luận như Trần Nhân Tông; ông chỉ nêu ra một cách vắn tắt ngắn gọn những vấn đề thiết thực cụ thể của việc tu đạo. Tuy nhiên, đối với một số vấn đề ông có những lý giải cao siêu thâm thuý. Theo Pháp Loa ''Người học Phật phải chú trọng trước hết đến vấn đề kiến tính”. Kiến tính là giác ngộ, còn nếu chưa giác ngộ thì phải tịnh giới, thiền định. Thiền định là phải định được cái tâm của mình. Thiền rồi phải đi đến tuệ. Định mà không dẫn đến tuệ là thiền si; tuệ mà không dẫn đến định cao hơn là tuệ căn. Trong thiền, Pháp Loa chia ra làm 5 bậc: Phàm phu, Ngoại đạo, Tiểu thừa, Đại thừa, Thượng thừa.Và thiền của Pháp Loa là thiền Thượng thừa, tức thiền phải dẫn đến tuệ ngày càng cao, qua quán các thoại đầu. Lúc đó đi đứng, nằm, ngồi, đều là thiền.
TỪ KHÓA: Thiền học, Đệ nhị tổ Pháp Loa
Pháp Loa: (1284-1330), tên thật là Đồng Kiên Cương, người Nam Sách. Khi bé Pháp Loa thông minh khác hẳn người thường, khi ăn lại không ưa những thứ tanh hôi, thịt cá. Năm 1304 ông xuất gia theo Trần Nhân Tông và được đặt tên là Thiện Lai. Lúc đầu ông được Nhân Tông gửi đến học với Hoà thượng Tình Giác ở Quỳnh Quán. Có lần ông đọc kinh “Hải Nhãn” (kinh Hoa Nghiêm, theo Hoà thượng Thích Thanh Từ) trông thấy cái hoa đèn rụng xuống bèn tỉnh ngộ và quyết chí tu theo giới hạnh thập nhị đầu đà. Năm 1305, ông được Nhân Tông cho thụ giới Bồ Tát và được đặt pháp danh là Pháp Loa, và năm tiếp theo ông được cử làm giảng chủ tại chùa Báo Ân ở Siêu Loại. Năm 1307, ông được Nhân Tông giảng cho bộ “Đại tuệ ngữ lục” và trao y bát tâm kệ làm tổ thứ hai của thiền Trúc Lâm Yên Tử trước sự chứng kiến của vua quan văn võ. Chỉ sau bốn năm, từ một người mới xuất gia, Pháp Loa đã trở thành người lãnh đạo giáo hội khi ông mới 24 tuổi.
Pháp Loa đã có công đưa Phật giáo Việt Nam phát triển thêm một bước mới, trở thành hệ thống tương đối quy củ. Số người xuất gia khá đông và ông đã quy định chức vụ sư tăng cả nước, mọi tăng nhân đều có sổ sách thuộc quyền quản lý của Giáo hội. Như vậy, ông là người đầu tiên đứng ra thành lập một giáo hội thống nhất cho cả nước. Không chỉ độ tăng mà ông còn cho xây dựng nhiều chùa tháp. Dưới thời ông, giới quí tộc đua nhau xuất gia hay thụ giới tại gia, nhiều vua quan hoàng hậu đều xin nhận làm đệ tử. Cũng nhờ sự giúp đỡ của giới quí tộc, thế lực kinh tế của thiền Trúc Lâm Yên Tử khá lớn.
Ông còn mở hội giảng kinh và in ấn các tài liệu Phật giáo. Ông đã giảng các bộ “Đại tuệ ngữ lục”, “Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục”, “Thiền Lâm Thiết Chuỷ ngữ lục”, “Kinh Kim Cương”, “Viên Giác”, “Thủ Lăng Nghiêm”, “Duy Ma”, “Hoa Nghiêm”. Tiếp tục công việc của Nhân Tông, Pháp Loa cho in “Đại tạng kinh” mang từ Nguyên về hơn 5000 quyển cất giữ ở Viện Quỳnh Lâm. Ông còn cho khắc ván in Tứ Phần luật hơn 5000 bản, ông là người đầu tiên xây dựng thiền viện Quỳnh Lâm. Tất cả những “Ly Trần Viện” của Phật giáo sau này đều bắt nguồn từ thiền Trúc Lâm Yên Tử. Ông đã soạn, viết nhiều tác phẩm nhưng hiện nay còn lại những tài liệu sau:
1. Thạch thất mỵ ngữ niệm tụng 2. Tham thiền chỉ yếu 3. Kim Cương trường Đà la ni kinh khoa chú 4. Pháp Hoa kinh khoa sớ 5. Lăng Già kinh khoa sớ 6. Bát nhã tâm kinh khoa sớ 7. Niết bàn đại kinh khoa sớ 8. Pháp sư khoa văn 9. Đồ môn trợ thành tập 10. Nhân vương hộ quốc nghi quĩ 11. Tuệ Trung Thượng Sĩ ngũ lục (Biên tập) 12. Thiền đạo yếu học
Nhìn chung, Pháp Loa ít đề cập đến những vấn đề triết học siêu hình trừu tượng một cách có hệ thống như Trần Thái Tông, ít đưa ra những vấn đề thiền học uyên thâm sâu sắc như Tuệ Trung Thượng Sĩ, ít đề cập đến những vấn đề lý luận như Trần Nhân Tông; ông chỉ nêu ra một cách vắn tắt, ngắn gọn những vấn đề thiết thực cụ thể của việc tu đạo. Sau đây là một số tư tưởng thiền học của ông.
1. Theo Pháp Loa ''Người học Phật phải chú trọng trước hết đến vấn đề kiến tính'' (Phù học Phật chi lưu, tiên tu kiến tính) (4, 663-665).
Ông cho rằng kiến đây là kiến cái không thể kiến. Cho nên, kiến cái kiến phi kiến tức thì chân tính hiện ra (kiến tính giả, phi vị hữu khả kiến chi vị kiến, nãi kiến vô khả kiến xứ nhi kiến chi. Cố kiến kiến phi kiến, tắc chân tính hiện) (4,663-665). Ở đây rõ ràng, tính trong quan niệm của Pháp Loa, là cái không thể thấy, biết, bàn, suy, nghĩ được, bởi vậy không phải là cái thấy theo nghĩa thông thường được. Với lý do đó, Pháp Loa mới nói kiến cái không thể kiến được. Tính, bản tính, bản thể chính là cái kiến phi kiến. Vậy kiến được cái kiến phi kiến này thì chân tính, bản tâm mới hiện ra. Theo Pháp Loa, tính của kiến là vô sinh, nên sinh kiến phi hữu, tức không phát sinh cái kiến ấy, (tính kiến vô sinh, tắc sinh kiến phi hữu). Mà đã phi hữu tính thực (tức không có cái tính thực hay thực tính), trong khi đó cái kiến chân thực không hề thay đổi, cho nên là nói kiến tính một cách chân thực (phi hữu tính thực, nhi thực kiến, bất thiên. Cố danh chân thực kiến, tính giả) (4,663-665).
Tóm lại, Pháp Loa cho rằng tính, chân tính là bản thể, không thể nghĩ suy, bàn định được, không thể thấy theo nghĩa thông thường. Bởi vậy, nói là kiến tính, nhưng thực ra là nói về cái kiến phi kiến. Mặt khác, tính của kiến là vô sinh, nên bản nguyên cũng chẳng có cái kiến nào cả. Do hư vọng nên mới bày đặt ra này nọ, nào tính, tính thực hay thực tính, và từ đó mới có chuyện kiến và đi đến kiến phi kiến. Kiến phi kiến cũng chẳng qua là trở về với cái không ban đầu. Đây chính là tư tưởng tính không mà Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng sĩ cũng như Trần Nhân Tông...
2. Ở Pháp Loa, khái niệm kiến tính có hai nghĩa; nghĩa thứ nhất như đã nêu trên, nghĩa thứ hai là nhận thức, nhận ra bản thể, bản tính nơi mình. Theo nghĩa thứ nhất thì người kiến tính là người giác ngộ. Còn theo nghĩa thứ hai thì kiến tính chỉ mới là bước đầu của quá trình đi đến giác ngộ. Với nghĩa thứ hai, Pháp Loa viết: ''Sau khi kiến tính, phải kiên trì tịnh giới'' (kiến tính tri hậu, kiên trì tịnh giới). Vậy thế nào là tịnh giới? Tịnh giới theo Pháp Loa, chính là phương pháp thực tiễn nhiếp tâm giữ ý.
Ông nói: ''trong khoảng 12 thời khắc của một ngày, bên ngoài tắt lặng mọi nhân duyên, bên trong tâm không xao động'' (ngoại tức chư duyên, nội tâm vô suyễn) (4,666). Ông giải thích: tâm không xao động thì cảnh đạt tới trạng thái như nhàn (tức cảnh hiện đến cũng như không, cảnh lặng vắng). Nhãn (mắt) không vì thức lôi cuốn mà hướng ra ngoài, thức không bị cảnh níu kếo mà vướng vào trong. Ra vào tự tại cho nên gọi là chế (chế ngự), sự dừng. Tuy gọi là chế ngự sự dừng (điều chế ngừng chỉ) mà như tỵ, thiệt, thân, ý cũng như vậy. Đó gọi là Đại thừa giới, là Vô Thượng giới, là Vô đẳng giới'' (Dĩ thập nhị thời chung; ngoại tức chư duyên, nội tâm vô suyễn động cảnh đáo như nhàn. Nhãn bất vi thực sở duyên xuất, thức bất vị cảnh sở duyên nhập. Xuất nhập bất giao, cố danh chế chỉ. Tuy danh chế chỉ, phi chỉ chỉ cố. Cố tri, nhĩ, ty, thiệt, thân, ý diệc phục như thị. Thị danh đặng thừa giới; thị danh vô thượng giới; Diệc danh vô đẳng giới) (4, 663-666).
Tóm lại, tịnh giới theo Pháp Loa là cho tâm yên, cảnh lặng, lục căn không vì thức mà hướng ra ngoài, thức không bị cảnh níu kéo mà hướng vào trong, căn trần tự tại, dừng như không phải bất động. Đó là tư tưởng cao siêu thâm thuý chỉ có người đạt đạo mới có được. Ở đây trong tĩnh có động, động hướng tới tĩnh, tĩnh đến quán động rõ hơn.
Pháp Loa cho rằng pháp định giới này từ vị tiểu tăng đến vị đại tăng ai ai cũng có thể duy trì, an trú trong đó được. Nhờ duy trì tịnh giới mà vững vàng không lay động. Từ đó mới tu tập thiền định buông xả thân tâm cùng một lúc. (Thử tịnh giới giả, tuy tiểu tăng dĩ chí đại tăng, giai khả trụ trì. Nhân trí đắc giới, kiên xác bất giao, thứ nãi tập thiền, thân tâm câu xả) (4,665-666). Như vậy, theo Pháp Loa, vấn đề trước hết phải kiến tính, phải nhận thức rõ mọi người đều có tính Phật. Sau đó phải tịnh giới như vừa trình bày trên. Sau khi tịnh giới mới đi vào bước thứ ba là thiền định. Sơ đồ đó như sau:
Vậy trong quan niệm của Pháp Loa, thiền định là gì? Ông cho điều cốt yếu của phép thiền định là trước hết phải định cái tâm của mình, thường tự suy nghĩ: Thân từ đâu tới? Tâm từ đâu thành? Tâm đã không có thì do đâu mà có thân? Thân và tâm đều là không thì pháp từ đâu có được? Pháp đã không phải là ''hữu'' thực, thì ''vô'' cũng có nhân duyên với ''hữu'' như thế nào? (thả thiền vị chi yếu, tiên định kỳ tâm, thường tự tư duy: Thân tòng hà lai? Thân tâm câu vô? Pháp tổng hà hữu? Pháp chi thực hữu, vô hữu hữu cố) (4,665-666). Như vậy, theo ông điều quan trọng của thiền định là phải định được cái tâm của mình. Nói như danh từ các thiền sư là phải kìm cho được cái tâm vượn, ý mã. Muốn làm được việc đó, theo ông phải quán tưởng những thoại đầu sau:
1. Thân từ đâu tới? 2. Tâm từ đâu thành? 3. Tâm đã không có thì do đâu mà có thân? 4. Thân và tâm đều là không thì pháp từ đâu mà có được? 5. Pháp đã không phải là thực hữu thì vô có nhân duyên với thực hữu như thế nào? Những thoại đầu tiếp ông đặt ra như sau: 6. Hữu không phải là thực hữu thì cái thực hữu lấy gì mà có được? (Hữu phi hữu hữu, hữu hữu hà hữu). 7. Cái thực hữu là không (vô) thì cũng chẳng có cái thực hữu của pháp (Hữu hữu dĩ vô, vô hữu hữu pháp). 8. Pháp là pháp không pháp vậy thì pháp dựa vào đâu ? (Pháp pháp bất pháp, pháp pháp hà y). 9. Không có căn cứ, không có chỗ dựa, nên pháp không pháp là pháp (vô cứ vô y pháp phi pháp pháp). 10. Cái pháp đó là không thực mà cũng không phải không thực (Thử pháp phi thực, diệc phi bất thực).
Có được thực pháp chứng ngộ thì mới có năng lực chứng ngộ nhập thiền. Tu tập thiền định mà không cần bám vào công dụng thì sẽ dùng được cái không thể dùng. Đó gọi là Thượng thừa thiền vậy. (Đắc thực pháp chứng, năng chứng nhập thiền. Tu tập thiền định, bất trú công dụng. Dụng vô khả dụng, danh thượng thừa thiền) (4,666-667). Người tu thiền không thấy mình tu gì cả, thấy cảnh vật, tâm không dính mắc là được.
Những thoại đầu này, nếu diễn dịch ra ngôn ngữ hiện đại, ta sẽ thu được một loạt những vấn đề triết học, chẳng hạn như: Con người từ đâu tới? Ý thức tâm lý, tinh thần từ đâu mà hình thành? Thế giới xung quanh từ đâu mà có được?…
Qua những thoại đầu triết học này chứng tỏ thiền sư Pháp Loa và các môn đệ của ông suy nghĩ khá sâu sắc về những vấn đề triết học thuộc vũ trụ quan và nhân sinh quan.
Thoại đầu thứ năm nói về mối quan hệ giữa Pháp, thực hữu và vô. Thoại đầu sáu nói lên thế giới là có, nhưng không phải là thực có, cũng như có là không, nhưng không phải là thực không. Ở đây đả phá quan niệm phủ nhận thế giới hiện tượng của những người không tường tận Phật giáo mà cho rằng, theo Phật giáo, thế giới hiện tượng là không tồn tại. Nó có, nhưng không thực có. Nó không, nhưng không thực không. Đi tiếp một bược nữa, ngay bản thân cái thực tồn tại, thực có, thực không này cũng là không. Cho nên cái thực hữu của pháp cũng là không. Pháp là thực, mà cũng là phi thực, pháp là pháp không pháp, pháp không pháp là pháp. Thoại đầu này làm ta liên tưởng đến bài truyền pháp của Như Lai cho đại đệ tử Ma Ha Ca Diếp.
Pháp bản pháp vô pháp Vô pháp pháp diệc pháp Kim phó vô pháp thời Pháp pháp hà tằng pháp. Hay bài truyền của Ma Ha Ca Diếp cho A Nan Đà. Pháp pháp bản lai pháp Vô pháp vô vi pháp Hà ư nhất pháp trung Hữu pháp hữu phi phápQua đây ta cũng thấy trình độ uyên thâm về thiền học của Pháp Loa.
Đó là một số thoại đầu mà Trúc Lâm đệ nhị tổ chỉ dạy môn đồ. Vậy, tham cứu, quán các thoại đầu này như thế nào? Theo Pháp Loa, tham cứu thoại đầu chớ để gián đoạn, liên miên mật thiết, không xen kẽ một ý niệm nào khác, không chắp vá, giữ đừng để nghiêng ngả, không trạo cử (tức không lay động) cũng không hôn trầm (tức không mê muội), tươi hoạt như ngọc lăn trên mâm, sáng lung linh như gương chiếu trên đài. Đạt đến cõi đất ấy rồi thì đi cũng đặng, đứng cũng đặng, ngồi cũng đặng, nằm cũng đặng, nói cũng đặng, im lặng cũng đặng, không lúc nào mà không ở trong trạng thái thiền (khắp nơi đều đặng), (Tham thoại đầu, vô sử gián đoạn; miên mật tương liên, diệc vô phùng hả, diệc bất điên đảo, diệc bất trạo cử, diệc bất trầm hôn. Hoạt bát bát để, như bàn tẩu trâu; quang quýnh quýnh để, như đài phóng kích. Đáo giá điền địa, hành dã đắc, trú dã đắc, toạ dã đắc, ngoạ dã đắc, ngữ dã đắc, mặc dã đắc, hà xứ bất vi chi đắc) (4,667). Như vậy, tham thoại đầu phải liên tục tỉnh táo, sáng tươi. Đạt được như vậy thì đi, đứng, nằm, ngồi, nói, im lặng đều là thiền. Đây là sự kết tiếp tư tưởng của Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ và Trúc Lâm Đệ Nhất Tổ Trần Nhân Tông. Khi đã đạt đến trạng thái không có lúc nào mà không thiền thì sẽ thấu hiểu tam quan ngộ cú, tam huyền, tam yếu, ngũ vị mới suy xét kỹ về ''tứ liệu giản'', ''tứ tân chủ'', ''tứ chiếu dụng''(1) và cơ vi của các thiền tổ, ''bảy khe tấm lỗ'' xào đi xáo lại, thấu triệt chân nguyên (Ký nhậm ma đắc, nhiên hậu đề đoan tam quan ngộ cú, tam huyền, tam yếu, ngũ vị. Thuyên lượng tứ liệu giản, tứ tân chủ, tứ chiếu dụng, đẳng chi thiền tổ chi cơ quan; thấu xuyên bát huyệt, đả khứ đả lai, chân nguyên thấu triệt) (4,665-667). Khi đã thấu hiểu như vậy thì ''Bấy giờ mới có thể mượn pháp toạ của Đăng Vương nhổ sừng thỏ, vặt lông rùa, tung bay rực rỡ một phen, làm nóng bừmg mặt và tối mắt muôn loài. Đúng vào lúc ấy mới phát sinh vô thượng diệu tuệ, chiếu rọi muôn phương, soi vào tứ lượng tâm, tứ niệm xứ, tứ vô uý, bát chính đạo, Phật thập lực,mười tám bất cộng pháp''(2), cho đến tám vạn bốn nghìn cửa Đà La Ni (Phương năng tá đăng vương chi pháp toạ, niệm thố giác, bỉnh qui mao, hoa phách nhất hồi, nhiệt mãn tứ chúng. Thuỷ khả chỉnh nhậm ma thời, tiện phát vô lượng diệu tuệ, chiếu rọi vô phương, ư tứ lượng tâm, tứ niệm xứ, tứ vô uý, bát chính đạo, Phật thập lực, thập bát bất cộng pháp, nãi chi bát vạn tứ thiên Đà la ni môn) (4,667). Ở đây, tiếp theo bước thiền định là Tuệ. Như vậy, sơ đồ gồm ba thành phần ở trên, bây giờ thành sơ đồ bốn thành phần sau:
Tuệ này có thể chiếu rọi muôn phương, cả nội tâm lẫn ngoại giới, cả Phật lực lẫn vạn pháp. Đến lúc này thì mọi sự vật hiện tượng, tương đối cũng như tuyệt đối, hữu hình cũng như vô hình, mọi cõi, thậm chí nhất thiết chư tam muội môn đều đầy đủ nơi mình, đều từ mình ra (Trần trần sát sát(3) nhất thiết chư tam muội môn giai tòng tự kỳ lưu xuất) (4,667). Ở đây Pháp Loa đã đi đúng con đường của thiền Tông nói riêng và Đại thừa nói chung, có điều ông giải thích rõ hơn luận điểm "Nhất thiết duy tâm tạo'' của nhà Phật, hay quan điểm ''Nhất thiết chư pháp, giai tòng tâm sinh'' của thiền tông Trung Hoa, ở chỗ, ông cho rằng những luận điểm này chỉ đúng đối với những người đã đạt đến trí tuệ viên mãn chiếu rọi muôn phương, những người đã đạt đến giác ngộ. Khi đạt đến tuệ, con người sẽ thấy mọi cái phát sinh từ tâm, mọi cái phụ thuộc vào tâm. Ở đây, ta chưa đạt tới trình độ đó, vẫn ngụp lặn trong đại dương tương đối chủ thể, khách thể, tâm vật, ta người, trong thế giới trần tục nên đâu có phải như vậy. Âu đó cũng là những hệ qui chiếu khác nhau của cái vũ trụ bao la vô biên này.
Khi ''Tuệ đã đầy đủ, thì bố thí ra chúng sinh, bốn giống chín loài tất cả đều được thấm gội cả'' (Tuệ ký cục túc, thí dữ cửu loại, nhất thiết phổ triêm) (4,667).
Trúc lâm đệ nhị tổ đã tiến hành phân tích mối liên hệ giữa thiền định và tuệ. Ông cho rằng tụê mà không đạt được định thì còn gọi là tuệ cằn, định mà không đạt được tuệ, cũng gọi là thiền si (cái tuệ khi bất đắc định giả, do danh cằn tuệ, định nhi bất đắc tuệ giả, diệc danh si thiền) (4, 667).
Như vậy, thiền định là phải dẫn đến tuệ mới là thiền định chân chính, còn nếu ngược lại, thiền định không dẫn đến tuệ, thì chỉ là thiền si mê,u tối. Và khi đã có tuệ rồi thì lại phải định ở trình độ cao hơn. Nếu từ tuệ không dẫn đến định cao hơn thì cái tuệ đạt được này trước sau cũng mai một cằn cỗi.
Trong thiền, Pháp Loa chia ra làm 5 bậc:
a) Phàm phu b) Ngoại đạo c) Tiểu thừa d) Đại thừa e) Thượng thừa.
Và ông cho rằng quan niệm về thiền của ông ở trên là thuộc thiền Thượng thừa, tức đi, đứng, nằm, ngồi đều là thiền. Thiền không dẫn đến tuệ là thiền si; tuệ không dẫn đến thiền cao hơn là tuệ cằn.
3. Nếu ở Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, đạo gắn liền với đời, đạo với đời làm một, thì ở Pháp Loa đạo ít gắn với đời hơn. Nếu ở Trần Thái Tông, ông đã hành động theo lời khuyên của Trúc Lâm Quốc Sư Phù Vân "Dĩ thiên hạ chi dục vi dục, dĩ thiên hạ chi tâm vi tâm", ở Tuệ Trung Thượng Sĩ thì "tâm của muôn loài tức Phật tâm" (Vạn pháp chi tâm tức Phật tâm), từ đó mà sống "hoà quang đồng trần", "tuỳ tục", thì ở Pháp Loa, ông viết hẳn một bài luận về "khuyến xuất gia tiến đạo ngôn" (tức lời khuyên người xuất gia tiến tu việc đạo. Hơn nữa ta thấy yếu tố mật tông trong Phật giáo Việt Nam bắt đầu lớn dần lên từ Pháp Loa. Như chúng ta đã biết, yếu tố mật tông này cuối thời Lý phát triển khá mạnh. Nhưng đầu thời Trần, đặc biệt ở Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, yếu tố này hầu như không có, và nếu có thì cũng rất mờ nhạt. Nhưng đến Pháp Loa, yếu tố này lại lộ rõ. Nếu yếu tố mật tông cuối triều Lý báo hiệu sự sụp đổ của Vương triều này thì yếu tố mật tông ở Pháp Loa nói lên điều gì? Thời Pháp Loa là thời phong kiến Việt Nam đang đạt đến giai đoạn cực thịnh. Nhìn toàn cục về sự phát triển của Phật giáo Việt Nam nói chung và thiền Trúc Lâm Yên Tử nói riêng, thì thiền Trúc Lâm này chỉ tồn tại được ba đời (Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang). Sau Pháp Loa là Huyền Quang, và sau Huyền Quang ta thấy thiền Trúc Lâm hầu như không phát triển. Thiền Trúc Lâm, từ thiền bác học, tới Pháp Loa là đạt đến đỉnh cao. Vật cùng tắc biến, có thịnh tất có suy. Ngôi sao sắp tắt bao giờ cũng loé một tia sáng chói loà cuối cùng trên bầu trời rồi đi vào cõi vĩnh hằng.
Tác giả: Gs Ts Nguyễn Hùng Hậu - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 9/2020 -------------------CHÚ THÍCH: (1) Tam quan là ba cổng mình phải qua: Tổ sư, lao, trùng.Tam huyền của ngài Lâm Tế:''Một câu phải có đủ tam huyền, tam yếu''. Ngũ vị ở Tông Lâm Tế và Tông Tào động có khác nhau.Tứ liệu giản (lựa chọn bốn điều) của Tông Lâm Tế: 1. Đoạt nhân bất đoạt cảnh.;2. Đoạt cảnh bất đoạt nhân;3. Nhân cảnh câu đoạt;4. Nhân cảnh câu bất đoạt. Tứ tân chủ trong tông Lâm tế là: 1. Tân khán chủ;2. Chủ khán tân; 3. Chủ khán chủ; 4. Tân khán tân Tứ chiếu dụng cũng thuộc tông Lâm tế (chiếu - chủ, dụng - khách): 1. Trước chiếu sau dụng; 2. Trước dụng sau chiếu; 3. Chiếu dụng đồng thời; 4. Chiếu dụng bất đồng thời (1) Tứ lượng tâm: từ, bi, hỷ, xả Tứ niệm xứ: - Quán thân bất tịnh;- Quán thọ thị khổ;- Quán tâm vô thường;- Quán pháp vô ngã Tứ vô uý (4 đức chẳng sợ) 1. Có trí biết tất cả, nên chẳng sợ chi hết 2. Dứt hết các phiền não, nên chẳng sợ chi hết 3. Giải thuyết chỉ chỗ ngăn hại đạo, nên chẳng sợ chi hết 4. Giảng thuyết dạy dứt hết các khổ, nên chẳng sợ chi hết. Phật thập lực: 1. Biết rõ nhân duyên quả báo, 2. Biết rõ nghiệp nhân quả báo, 3. Biết rõ mọi cấp thiền định, 4. Biết rõ căn tính hơn kém và quả báo nặng nhẹ, 5. Biết rỡ những việc thiện ác và các dục vọng khác nhau, 6. Biết rõ hoàn cảnh, tình huống khác nhau, 7. Biết rõ sự vận hành các qui luật thiện ác, 8. Biết rõ các đời sống quá khứ, 9. Biết rõ các đời sống vị lai, 10. Biết rõ các lậu hoặc đã dứt hết. (2) 18 bất cộng pháp: 1. Thân không lầm lỗi, 2. Miệng không lầm lỗi, 3. Niệm không lầm lỗi, 4. Bình đẳng cứu độ chúng sinh, 5. Tâm luôn trong thiền định, 6. Tâm luôn lắng tịnh, 7. Tâm muốn cứu độ, 8. Tịnh tấn trong độ sinh, 9. Đủ niệm lực, 10. Đủ trí tuệ, 11. Đủ giải thoát, 12. Đủ giải thoát tri kiến, 13. Thân nghiệp theo trí huệ, 15. ý nghiệp theo trí huệ, 16. Rõ các dời sống quá khứ, 17.Rõ các đời sống vị lai,18.Rõ hiện đại đã dứt sạch các lậu hoặc. (3) Trong thơ văn Lý - Trần, tập II, Q. Thượng, 4 chữ '' Trần trần sát sát'' được dịch là ''Dù lâu hay chóng vánh tôi e là không sát với nguyên bản cũng như văn cảnh.Hoà Thượng Thích Thanh Từ dịch ''Trần trần sát sát'' là ''Dù cho bao nhiêu hạt bụi, bao nhiêu cõi nước'' có lẽ đúng hơn
TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1.Trần triều dật tồn Phật điển lục. Tổng hội Phật giáo Bắc Kỳ, Hà nội 1943. 2.Trần Thái Tông. Khoá hư lục. Nxb Khoa học Xã hội, Hà nội 1974 3.Thiền uyển tập anh. Phân viện nghiên cứu Phật học và Nxb Văn học, Hà nội 1990. 4.Thơ văn Lý - Trần. T. II. Q. Thượng. Nxb Khoa học xã hội, Hà nội 1988.
Bình luận (0)