Huyền Quang đệ tam tổ của thiền phái Trúc Lâm là nhà Phật học lẫy lừng, nhà thi sĩ tài hoa và một cuộc đời phủ đầy màu sắc huyền thoại. Hơn tám mươi năm trên cuộc đời, ngần ấy thời gian đủ để ngài kinh qua mọi thăng trầm vinh nhục của cuộc sống, rồi một sớm mai chợt bừng tỉnh giấc mộng nhân sinh, nhốm phồn hoa đầu đà bạc tỷ.
Tác giả: Thích nữ Hạnh Hiển Học viên Thạc sĩ khóa V, Học viện PGVN tại TP.HCM
1. Sơ lược về hành trạng Tam tổ Huyền Quang
Theo sách Tam tổ Trúc Lâm giảng giải của Hòa thượng Thanh Từ, Tam tổ Huyền Quang thế danh là Lý Đạo Tái, sinh năm Giáp Dần (1254) ở làng Vạn Tải, lộ Bắc Giang (đời Lê đổi lại là làng Vạn Tư, huyện Gia Định) , thuộc tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Thân phụ là Huệ tổ dòng dõi quan liêu, thiếu thời Tam tổ là người có tướng mạo xuất chúng, khí chất bất phàm, được cha mẹ rất mực yêu quý cưng chiều.
Xuất thân từ một làng quê có nền văn hóa, lâu đời, lại được sinh ra trong gia đình có truyền thống thi thư, nên từ nhỏ Tam tổ đã có khiếu văn chương, lại là người thông minh ưu tú học đến đâu thông làu đến đó.
Niên hiệu Bảo Phù thứ hai (1274), đời vua Trần Thánh Tông, lúc này tài thơ văn của Tam tổ Huyền Quang đã nổi danh khắp nơi, Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú hai nhà Nho nổi danh thời bây giờ cũng phải khâm phục tài thơ văn của Huyền Quang “ý tinh tế cao siêu, lời bay bướm phóng khoán”, “năm 20 tuổi thi Hương, năm sau đậu luôn thủ khoa kỳ thi Hội.”[1], sau kỳ thi hội ông tiếp tục đỗ Trạng nguyên, được bổ vào làm việc trong viện Hàn lâm.
Trong thời gian làm quan ở viện Hàn Lâm, Tam tổ Huyền Quang đã từng được vua chỉ định trọng trách tiếp đón xứ thần phương Bắc, với học vấn uyên bác, lại có tài văn chương ăn nói lưu loát khiến xứ thần phương Bắc nể phục.
Sách Tam tổ Trúc Lâm nói Huyền Quang từng tháp tùng vua Anh Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm nghe thiền Sư Pháp Loa giảng kinh, cảm mến Phật pháp đã lâu, nay như được khơi dậy ý chí xuất trần. Ông cảm thán mà thốt rằng: “Làm quan lên Bồng Đảo, đắt đạo đến Phổ Đà, trên cõi nhân gian là tiên, cảnh giới Tây phương là Phật. Phú quý vinh hoa nào khác lá vàng màu thu, mây trắng mùa hạ, há nên lưu luyến mãi”[2].
Nhân đó, tổ nhiều lần dâng biểu xin từ quan xuất gia tu đạo. Theo Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang cho rằng: vào năm (1305) lúc này Tam tổ 51 tuổi mới xuất gia và thờ thiền sư Bão Phác làm thầy. Trong một pháp hội, thiền sư Bão Phác khi đến tham dự có dẫn theo Huyền Quang, Sơ tổ Trần Nhân Tông gặp lại Huyền Quang thì vô cùng vui mừng.
Ngài biết Huyền Quang trước khi đến với Phật pháp từng kinh qua cửa Khổng sân Trình, là viên ngọc quý nổi tiếng trong giới văn nhân thời bây giờ. Sơ tổ liền đề nghị thiền sư Bão Phác cho Huyền Quang theo hầu bên mình, với học vấn uyên bác tài văn chương xuất chúng Tam tổ được Sơ tổ Trần Nhân Tông tin tưởng giao cho nhiệm vụ biên soạn những sách thực dụng để lưu hành rộng rãi như “Chư Phẩm Kinh, Công Văn Tập, Thích Khoa Giáo”[3].
Sơ tổ đã rất hài lòng với công việc sáng tác của Tam tổ Huyền Quang, “khi đọc xong bản thảo Thích Khoa Giáo, vua ngự vút phê như sau: Phàm sách đã qua tay Huyền Quang biên soạn hiệu khảo rồi thì không thể thêm hay bớt một chữ nào nữa”[4], chỉ tiếc là những tác phẩm này theo dòng thời gian biến thiên của lịch sử đến nay không còn tồn tại nữa. Sơ tổ dành nhiều sự ưu ái, tin tưởng giao phó núi Yên Tử cho Huyền Quang lãnh đạo,“Sư vâng lệnh trụ trì chùa Vân Yên trên núi Yên Tử.
Do Sư đa văn bác học, tinh thâm đạo lý, nên học đồ bốn phương nghe danh tụ hội về tham vấn thường xuyên không dưới ngàn người”[5]. Năm (1308), Sơ tổ viên tịch, ngài Pháp Loa nối tiếp ngọn đèn thiền, trở thành đệ Nhị tổ thiền phái Trúc Lâm. Huyền Quang y theo lời phó chúc của Sơ tổ đi theo phò tá Nhị tổ Pháp Loa tiếp tục con đường hoằng dương Phật pháp, mở rộng giáo hội Trúc Lâm.
Theo Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận nói rằng: “Năm 1330, Nhị tổ Pháp Loa viên tịch, thọ 47 tuổi”[6], Tam tổ Huyền Quang lúc này cũng đã 77 tuổi kế nhiệm lãnh đạo thiền phái Trúc Lâm. Sau khi nhận trọng trách lãnh đạo thiền phái, Tam tổ Huyền Quang không về ở chùa Quỳnh Lâm hay chùa Báo Ân, như các đời tổ sư trước.
Tam tổ lúc này tuổi cao nên có lẽ ngài không thích sống những nơi đô thị huyên náo ồn ào, lựa chọn về với núi rừng tĩnh lặng, sống bình dị trong những năm tháng còn lại của mình , “Huyền Quang sau khi giao phận sự cho An Tâm đã về núi Thanh Mai ở sáu năm, rồi dời sang Côn Sơn ở chùa Tư Phúc, tháng riêng năm 1334 Tam tổ tịch tại đây”[7].
2. Tác phẩm Vịnh Vân Yên tự phú
Khi nói về thiền sư đệ tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang ngoài vai trò Tam đại thiền tổ, ngài còn là một nghệ sĩ nhà thơ, nhà văn, tài hoa xuất chúng. Những trước tác thơ ca, và sách ngài biên soạn khá nhiều, được lưu hành trong thiền phái Trúc Lâm và trong dân gian, cùng một số văn thư ngoại giao tiếp các sứ đoàn, hiện tất cả các tác phẩm trên đều thất lạc.
Về thơ ông có hơn cả nghìn bài, nhưng theo sự biến thiên thăng trầm của lịch sử qua các thời kỳ, đến nay chỉ còn xót lại 25 bài, được Lê quý Đôn chép trong Toàn Việt thi lục, Bùi Huy Bích chép trong Hoàng Việt thi tuyển. Ngoài ra còn có một tác phẩm phú Nôm, (Vịnh Vân Yên tự phú), tất cả những tác phẩm của Huyền Quang đến nay đều được tập hợp trong bộ sách Thơ văn Lý-Trần.
Tác phẩm Vịnh Vân Yên tự phú của Tam tổ Huyền Quang được sáng tác khi ngài được Sơ tổ Nhân Tông cử về trụ trì chùa Vân Yên. Bài phú được mệnh danh là một trong những bài phú thiền thuộc vào loại đẹp nhất của văn chữ Nôm thời Trần. Vịnh Vân Yên tự phú, là một bài phú gián tiếp trình bày giáo lý thiền tông qua việc miêu tả, ca ngợi nét thanh tú diễm lệ của thiên nhiên, của đất nước, con người tu hành.
Toàn bài phú tuy không chia rõ từng đoạn nhưng có thể thấy nó gồm 8 đoạn, mỗi đoạn gieo một vần, bằng trắc đan xen. Phần cuối kết thúc bằng bài kệ chữ Nôm theo thể “luật Đường thất ngôn bát cú, với niêm luật vần đối rất chỉnh đúng yêu cầu của thể thơ”[8]. Bài phú nổi bật lên hình ảnh thiền sư ẩn sĩ với tinh thần tự tại phóng khoáng, tiêu dao thoát tục, cảnh Phật, cảnh tiên, chất đạo chất đời hòa quyện vào nhau một cách rất chân thật và gần gũi.
3. Tư tưởng thiền trong Vịnh Vân Yên tự phú
Đệ tam tổ Huyền Quang nổi bậc với hình ảnh nhà sư uyên bác Phật học, nhà Nho lỗi lạc, người nghệ sĩ tài hoa lãng mạn. Ngài đã trình bày thế giới thiền của mình bằng cách hòa nhập với thiên nhiên bao la hùng vĩ của núi rừng.
Ngài Phật hóa cõi thiên nhiên non nước hữu tình, Vân Yên dưới nhãn quan của tam tổ trở thành cảnh giới thiền thiên vằng vặc trăng soi sáng. Bằng lời phú bay bổng chất thơ mượt mà, tư tưởng thiền của tam tổ phảng phất trong bài phú vừa mang vẻ đẹp siêu thoát tự tại thanh cao, lại vừa hàm chứa sức sống yêu đời, phóng khoáng của kẻ sĩ nơi trần
“Buông niềm trần tục,
Náu tới Vân Yên
Chim thụy dõi tiếng ca chim thụy
Gió tiên đưa đôi bước thần tiên”[9].
Để bước chân về Vân Yên được nhẹ nhàng thanh thoát, ngài đã buông bỏ hết thảy mọi ràng buộc của thế gian, buông bỏ chín nghìn nhân duyên, buông bỏ danh vọng, khoa cử bảng vàng, giai nhân yêu kiều. Buông bỏ hết mọi phiền não kiếp nhân sinh, buông xuống gánh nặng cuộc đời, buông hết rồi nên con đường về Yên Tử mới nhẹ nhàng vô ưu.
Chân bước đi thỏng thả mang theo bầu nước đủng đỉnh tự do dạo chơi khắp núi sông, vừa đi vừa cất tiếng ca hát vang khắp cả đất trời,“Bầu đủng đỉnh giang hòa thế giới, Hài thong thả dạo khắp sơn xuyên”[10]. Chính con đường này năm xưa, sơ tổ trước khi về Vân Yên ngài cũng buông bỏ ngai vàng, quyền lực, ba ngàn giai lệ gửi lại cung son, để đổi lấy sự tự do tự tại.
“Vân thủy bằng lòng, yên hà phải thú.
Vui thay cái cảnh khác cảnh hoàng kim
Trọng thay đường hơn đường cẩm tú”[11].
Cái thú vui với cảnh mây bay, nước chảy, sương khói lững lờ ấy thật sự làm lòng người ta tiêu sái yên tĩnh, không như những thú vui chốn kinh kỳ phồn hoa náo nhiệt, nhưng có thể đem đến cho con người ta nhiều bất an. Thế mới thấy được niềm vui của thiền sư ẩn cư nương am vắng mà cảm nhận được mây gió cũng từ bi, bởi trong lòng có bụt thì nhìn cảnh vật đâu đâu cũng là hình bóng của bụt.
Đứng trước cảnh đẹp của thế giới thiên nhiên vô cùng vô tận, tam tổ ung dung vui chơi trên đỉnh núi thiên, ẩn mình dưới mái chùa cổ kính ngàn năm phủ đầy rong rêu. Thầy trò một già một trẻ bên cửa sổ dưới ánh trăng người hỏi, người trả lời ý nghĩa kinh văn, tay gõ mõ tay nâng sáo, mặc cho thế sự đổi thay, thiên hạ cười chê cũng mặc tình. Quên đời quên hết cuộc tang thương, quên người, quên vật, quên hết cả ngày tháng chỉ khi nào bắt gặp hoa cúc nở tam tổ mới hay mùa thu đến.
Ở đó một tinh thần sống lạc quan vô biên vô tận, không còn bị chi phối bởi giáo lý kinh điển, không còn chấp vào cái có, cũng không vướng vào cái không, ngài thật sự đạt đến trạng thái vô ngã, vô phân biệt. Có lẽ, hơn nửa cuộc đời vùi thân chốn quan trường, ắt hẳn ngài từng uống cạn chén đắng cay thị phi nhân nghĩa, bởi con người có trải qua gian truân khổ nạn vượt qua rồi sẽ mạnh mẽ như tùng bách hiên ngang.
Người dám từ bỏ vinh hoa phú quý, xem thường công danh sự nghiệp, quên ngọc thực, bỏ hương giao chỉ để đổi lấy vò cà, hũ tương thì còn sợ gì việc đời khen với chê. Đối với thế gian có lẽ châu báo ngọc ngà, quyền cao chức trọng là sự nghiệp cả đời, là giấc mộng nhân sinh ao ước có được, tam tổ thì chỉ cần mặc cà sa nằm trướng giấy là đủ rồi, không màng châu báo ngọc ngà cất đầy rương.
“Ta nay, Ngồi đỉnh Vân Tiêu,
cỡi chơi Cánh Diều,
Coi Đông sơn tựa hòn kim lục,
Xem Đông hải tựa miệng con ngao”[12].
Ngài ngao du tiêu sái dạo chơi trên những ngọn núi cao ngất ngưỡng, xem Đông hải mà người đời cho là rộng lớn ấy chỉ bé bằng miệng con ngao. Trước cái nhìn phóng khoáng của bậc thượng sĩ, vũ trụ có bao la rộng lớn đến đâu ở trong mắt người ngộ đạo đều trở nên nhỏ bé tầm thường. Trong cõi vô thường biến đổi khôn lường, lão thiền sư vẫn ngồi điềm nhiên ngắm khói trầm xông mặt thế sự xoay vần.
Tuy rằng là tổ sư của một thiền phái nổi tiếng, văn chương của ngài hẳn phải đậm chất thiền gia, thế nhưng trong Vịnh Vân Yên tự phú một thế giới thiền không chỉ có cảnh Tây phương, Bụt, mà còn có cả những cung trời cõi thần tiên cùng xuất hiện.
Rõ ràng trong cùng một thời đại đang tồn tại nhiều hệ tư tưởng chi phối (Nho-Phật-Lão), lại xuất thân từ cửa Khổng sân Trình nên trong thơ văn của tam tổ đã hội tụ đủ cả ba luồng tư tưởng lớn của xã hội thời bây giờ. Mặc dù là thiền sư, người chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng triết lý Phật giáo, nhưng không đồng nghĩa con người ấy phải sống tách biệt với thế giới trần tục bên ngoài.
Trên tinh thần tùy duyên tùy tục tam tổ đã vận dụng nó một cách thật khéo léo tinh tế, khắc họa lên hình ảnh con người Phật giáo vẫn luôn sống hòa đồng với mọi tầng lớp trong xã hội. Điều đó, được thể hiện qua con đường thơ văn, nơi tam giáo dung hòa bình đẳng, chính vì thế mà thơ văn của ngài trong giai đoạn này cũng dễ dàng được tầng lớp trí thức Nho sĩ tiếp thu khen ngợi. Bởi ở đó, người ta không chỉ thấy tư tưởng thiền giải thoát của Phật giáo mà còn pha lẫn chút màu sắc Nho, Lão đan xen tồn tại.
Việc ngài Huyền Quang lựa chọn lối sống ẩn cư, cũng là một lựa chọn phù hợp với tình hình xã hội, nó không hề đi ngược lại với chủ trương nhập thế của Phật giáo.
Cùng với sự lớn mạnh của Nho gia trong triều đình, tam tổ người đứng đầu thiền phái Trúc Lâm bây giờ, đã chọn cách rút lui, rút lui khỏi những bó buộc bởi vương quyền.“Buông niềm trần tục”,“Buông bỏ” ở đây không phải tam tổ chạy trốn cuộc đời, bỏ mặt chúng sinh đi ngược lại với chủ trương nhập thế của thiền phái Trúc Lâm. Hình ảnh từ chối cuộc sống nơi kinh thành phồn hoa náo nhiệt, tìm về với đời sống thiên nhiên u tịch, một thân một bóng bầu bạn với chim muôn đại ngàn.
4. Kết bài
Huyền Quang đệ tam tổ của thiền phái Trúc Lâm là nhà Phật học lẫy lừng, nhà thi sĩ tài hoa và một cuộc đời phủ đầy màu sắc huyền thoại. Hơn tám mươi năm trên cuộc đời, ngần ấy thời gian đủ để ngài kinh qua mọi thăng trầm vinh nhục của cuộc sống, rồi một sớm mai chợt bừng tỉnh giấc mộng nhân sinh, nhốm phồn hoa đầu đà bạc tỷ. Nhìn thấu hồng trần như mộng như huyễn, nhân gian vốn chỉ là chốn dừng chân không phải nơi quay về, chỉ có Phật pháp mới có thể giúp ngài tìm lại cố hương.
Từ đó, người thanh niên khoa bảng thuở nào buông bỏ hết bao nỗi niềm trần tục, tránh xa bệ rồng, mỹ nữ giai nhân, ngài thong thả mà dạo chơi khắp núi sông. Chính trên đỉnh phù vân Yên Tử ngàn năm khí thiên hội tụ ấy, đã sản sinh ra một Huyền Quang thiền sư, thi sĩ, đắc đạo giải thoát. Ngài yêu cuộc sống, thích tự do tự tại bất kể giữa phồn hoa đô thị, hay núi rừng u tịch, đều trân trọng mỗi khoảnh khắc tươi đẹp quý giá của cuộc sống.
Trong bài phú Vịnh về chùa Vân Yên, tam tổ Huyền Quang đã khắc họa lên toàn bộ tư tưởng thiền của mình qua hình ảnh thiên nhiên trong trẻo thiền vị như chính thế giới nội tâm của thiền sư.
Tác giả: Thích nữ Hạnh Hiển Học viên Thạc sĩ khóa V, Học viện PGVN tại TP.HCM
***
Chú thích
[1] Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Phương Đông, tr.265
[2] Thích Phước Sơn (1995), Tam tổ thực lục, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, tr. 80.
[3] Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Phương Đông, tr.266.
[4] Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Phương Đông, tr.266.
[5] Thích Thanh Từ ( 1997 ), Tam tổ Trúc Lâm giảng giải, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, tr. 535.
[6] Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Phương Đông, tr.250.
[7] Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Phương Đông, tr.268-269.
[8] Nguyễn Công Lý (2018), Văn học Việt Nam thời Lý Trần, Nxb. Đại học quốc gia. TP.HCM, tr.247.
[9] Viện văn học (1989), Thơ văn Lý -Trần, tập 2, sđd, tr.710.
[10] Viện văn học (1989), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, Nxb Khoa học xã hội tr. 710.
[11] Viện văn học (1989), Thơ văn Lý -Trần, tập 2, sđd, tr.711.
[12] Viện văn học (1989), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, Nxb Khoa học xã hội tr.711.
Bình luận (0)