TỪ KHI ĐỆ NHẤT TỔ SƯ THIỀN PHÁI TÀO ĐỘNG NGÀI THỦY NGUYỆT TRUYỀN VÀO XỨ ĐÀNG NGOÀI CHO ĐẾN ĐỆ NHỊ TỔ TÔNG DIỄN CỦA THIỀN PHÁI TÀO ĐỘNG ĐÃ KHAI HÓA TRIỀU ĐÌNH, GIẢI TRỪ ÁCH NẠN CỦA PHẬT GIÁO THỜI NHÀ LÊ Ở XỨ ĐÀNG NGOÀI - ĐẠI VIỆT.

1. Bối cảnh Thiền phái Tào Động truyền vào ở Đàng ngoài

Nếu như thời Lý Trần, Phật giáo trở thành như một quốc giáo thì đến nhà Lê rõ ràng Phật giáo đã nhường địa vị cho Nho giáo. Giới trí thức hướng về Nho giáo như con đường tạo lập công danh và sự nghiệp, đưa Nho giáo lên thành quốc giáo. Thời này, nhà nước phong kiến gạt sang một bên sự ảnh hưởng Phật giáo mà biểu hiện rõ nhất đó là luật Hồng Đức thời Lê Thánh Tông được ban hành rất nổi tiếng, tuy nhiên trong cả một bộ luật lớn như vậy không hề để lại vết ảnh hưởng nào của Phật giáo. Không những thế Lê Thánh Tông còn tìm mọi biện pháp để gạt bỏ ảnh hưởng của Phật giáo ra mọi hoạt động của xã hội, coi nó như một tệ nạn xã hội cần phải dẹp bỏ. Đến năm niên hiệu Vĩnh Thị (1678) vua Lê Hi Tông thi hành chính sách chống Phật giáo nên đã ra lệnh cho cả nước bất cứ ở đâu tăng, ni hoặc già trẻ đều đuổi hết lên rừng sống. Sự đi xuống dốc của Phật giáo trong mọi mặt thời kỳ này đã đánh mất vai trò lãnh đạo ở thượng tầng xã hội để đi vào đời sống quần chúng nhân dân. Từ thế kỷ XVI trở đi, trải qua cuộc nội chiến Lê - Mạc, rồi cuộc phân tranh Trịnh - Nguyễn xảy ra khiến cho con người đau khổ triền miên, lúc này Nho giáo không đủ sức làm chỗ dựa tín ngưỡng vào nơi an tâm lập mệnh cho quần chúng nữa. Thời gian này, Thiền phái Tào Động được truyền vào Đàng Ngoài của Đại Việt trong bối cảnh xã hội có những diễn biến phức tạp không thuận lợi cho hoằng truyền chính pháp. Người đầu tiên hoằng truyền Thiền phái Tào Động ở Đàng Ngoài chính là ngài Thiền sư Thủy Nguyệt, đã từng được vua Lê sắc phong: “Đại thánh Đông Sơn Tuệ Nhẫn Tứ Giác Quốc Sư”. Sau thời gian hoằng truyền Phật pháp, khi cảm thấy duyên hóa độ đã mãn, Thiền sư Thủy Nguyệt truyền pháp cho Ngài Tông Diễn hiệu Chân Dung. Vì vậy, Thiền sư Tông Diễn cũng chính là tổ thứ hai của Thiền phái Tào Động ở Đàng Ngoài của Đại Việt.

2. Những tư tưởng cốt lõi của Thiền phái Tào Động

Thiền phái Tào Động thâm nhập vào mọi tầng lớp dân chúng, mở bày một lối sống chân thật trong cuộc sống hàng ngày. Như vậy, chắc chắn Thiền phái Tào Động không phải là một phương pháp thiền khó được thực hành. Đặc biệt Thiền phái Tào Động hành trì nghiêm ngặt vượt lên hai thái cực của nhị biên. Sự hành trì nghiêm mật và phải dốc hết tâm lực và hành trì. 1. Tìm ra một cách sâu sắc rằng tất cả mọi người đầy đủ Phật tính và có thể giác ngộ được Phật tính ấy. 2. Do công phu toạ thiền ánh sáng trí tuệ của Phật tính sẽ chiếu sáng. 3. Hành giải tương ứng giữa thực tiễn và tri thức là một trung đạo. 4. Hành trì nghiêm mật là tôn chỉ cụ thể hoá qua sinh hoạt hàng ngày. Giáo nghĩa của Thiền phái Tào Động tóm tắt trong mấy luận điểm sau: 1. Giữ vững lập trường Phật pháp toàn nhất không sa vào hai bên. 2. Xả bỏ tư dục, ngã chấp, lấy ý chí cầu đạo làm trọng. 3. Từ bỏ danh lợi, sống đời chân thật đạm bạc. 4. Đạo tâm kiên cố tạo sự an tâm qua thái độ vô sở đắc, vô sở cầu. 5. An trụ cảnh thiền “Tu chứng nhất như - Ngộ hậu tu hành”. 6. Ở đâu truyền thụ thiền pháp chính quyền trực tiếp của Phật tổ. 7. Lý giải và thực hành đi đôi hỗ trợ nhau không thiên bên nào. 8. Hành trì đầy đủ và nghiêm mật trong sinh hoạt hàng ngày là chân thật báo ân Phật. Lý thuyết triết lý của Thiền phái Tào Động có nguyên tắc 5 địa vị (ngũ vị). Giữa thẳng (chính) và nghiêng (thiên). Ý niệm về địa vị giữa thẳng và nghiêng vốn là của Tào Động đã xếp đặt và trình bày lại ý niệm ấy rồi truyền lại cho những thế hệ kế tiếp và được lý giải như sau: Thẳng ở đây tượng trưng cho tuyệt đối còn nghiêng tượng trưng cho tương đối. Động Sơn nói rằng: “Có một vật trên thì chống trời, dưới thì đỡ đất … đen như sơn luôn chuyển dịch và hoạt động”. Đó là cái thẳng, cái thẳng chính là nền tảng của trời đất và muôn loài. Tuy nhiên thẳng và nghiêng không phải là hai vật khác nhau: tương đối là tuyệt với tuyệt đối mà có, tuyệt đối là đối với tương đối mà thành. Cũng như sóng là nước, nước là sóng. Sóng tuy nhiều mà là một, nước tuy một mà là nhiều (thẳng là chân không, nghiêng là diện hữu). Sự liên hệ giữa thẳng và nghiêng làm thành 5 địa vị sau: 1) Cái thẳng đi vào cái nghiêng (chính trung thiên): Vì cái tuyệt đối nằm trong cái tương đối nên có thể hiểu cái tuyệt đối qua cái tương đối. 2) Cái nghiêng đi vào cái thẳng (thiên trung chính): Vì cái tương đối chỉ có thể có do nhờ cái tuyệt đối, cho nên trong cái tương đối phải xáp mặt cho được cái tuyệt đối. 3) Cái thẳng trong tự thân của nó (chính trung lai): Đây là cái tuyệt đối trong tư thế tuyệt đối của nó, không được nhận thức qua liên hệ bản thể - hiện tượng. Đây là pháp thân, là chân như. 4) Cái nghiêng trong tự thân của nó (thiên trung chí): Đây là cái tương đối trong tư thế tương đối của nó không được nhận thức qua liên hệ bản thể - hiện tượng. 5) Cái thẳng và cái nghiêng trong cùng một tự tính (kiên trung đáo) tới vị trí này thì sự phân biệt giữa tuyệt đối và tương đói bản thể và hiện tượng không còn nữa. Năm vị trí giữa thẳng và nghiêng cũng được giải thích bằng năm sự liên hệ giữa vua và tôi, có vua là vì có bầy tôi, có bầy tôi là vì có vua: 1. Vua trông thấy bầy tôi. 2. Bầy tôi hướng về vua 3. Vua (một mình) 4. Bầy tôi (một mình) 5. Vua và bầy tôi (bên nhau). Sau này trong Thiền phái Tào Động những chủ trương sau đây: 1. Chỉ cần ngồi thiền mà không cần chủ đề thiền toạ (chỉ quán đả thiền) 2. Ngồi thiền và đạt đạo là một việc không phải hai (tu chứng nhất như). 3. Không trông chờ sự chứng đắc (vô sở đắc) 4. Không có đối tượng giác ngộ (vô sở ngộ) 5. Tâm và thân nhất như (tâm thân nhất như)

3. Thiền sư Tông Diễn hóa giải ách nạn Phật giáo Đàng Ngoài

Ngài Tông Diễn đã trải qua nhiều năm tham cứu vẫn không ngộ đạo. Ngài quyết định đến tham vấn Thiền sư Thủy Nguyệt liền được giác ngộ, đồng thời được Thiền sư Thủy Nguyệt truyền tâm ấn, kế thừa chân truyền của Thiền phái Tào Động. Vì vậy Thiền sư Tông Diễn cũng chính là tổ thứ hai của Thiền phái Tào Động ở Đàng Ngoài. Năm niên hiệu Vĩnh Trị (1678) vua Lê Hi Tông ra lệnh cho các quan khắp nước bất cứ tăng ni hoặc già hoặc trẻ đều đuổi hết vào rừng sống. Thiền sư Tông Diễn biết tin này rất đau lòng, tự nghĩ: “Tại sao nhà vua đối với đạo Phật lại hà khắc như vậy?” Nếu không hoằng dương được chính pháp thì làm sao độ được hàm linh trong bể khổ, thật là phí công tu hành Phật pháp một đời. Ngài về kinh thành mong muốn gặp được nhà vua để làm sáng tỏ mọi lẽ, với ý chí cứu nguy Phật giáo lúc này. Ngài liền trở về xin phép đến kinh đô và được thiền sư Thủy Nguyệt ủng hộ. Theo sách Thiền sư Việt Nam, Ngài Tông Diễn lý lẽ rõ ràng, sự tình đầy đủ, lời văn sáng suốt, ý tứ thâm trầm, bèn ra lệnh quan Đề Lĩnh dẫn vị tăng này vào triều. Khi vào triều, vua ban cho bảo tọa ngồi một bên trước mặt vua. Vua hỏi những sách lược trị dân, Ngài ứng đối sự lý rất dung thông. Khi ấy vua phán: “Đạo Phật là viên ngọc quý, chẳng nhẽ trong nước chúng ta không dùng, tăng, ni hay người chuyên làm thiện tại sao lại vứt bỏ đi? Người đem Phật pháp khai hoá dân chúng cũng là phương pháp tốt giúp cho triều đình trị dân”. Vua liền mời Thiền sư Tông Diễn ở lại chùa Báo Thiên để bàn luận đạo lý, tham vấn kế sách trị nước an dân. Thái thượng hoàng nghe tiếng Ngài sai Trung sứ đến nói với vua thỉnh Thiền sư đến kinh đô ba tháng không được tiếp kiến nhà vua, Ngài bèn suy nghĩ viết một tờ biểu nói rõ việc tu hành, cách thức làm yên nước, lợi nhà một cách rõ ràng như: Đạo Phật như là hòn ngọc quý soi ráng mười phương, phá dẹp mọi sự u tối. Viết xong để trong cái hộp dán kín cẩn thận, xin cầu quan Đề Lĩnh vào triều tâu lên vua một lần nữa rằng: Xin nhà vua chọn lấy một vị quan văn trung thực thanh liêm, tắm gội và trai giới ba ngày sẽ ra nhận ngọc quý dâng lên vua. Vua nghe xong liền phán cho Viện Hàn lâm chọn một người rất tín cận, thành tâm trai giới ba ngày rồi đến chỗ vị tăng quê nhận lấy hòn ngọc dâng lên vua. Vị quan văn được đề cử giữ đúng trai giới ba ngày xong liền đến dinh quan Đề Lĩnh hỏi vị tăng để nhận ngọc. Sư liền trao cái hộp, dặn dò cẩn thận dâng lên tận tay vua. Vị quan văn bằng hộp ngọc đến trước triều dâng lên vua, khi mở ra xem chỉ là một tờ biểu chứ không có hòn ngọc nào. Vua phán vị quan văn đọc tờ biểu cho vua nghe. Vị quan quỳ đọc xong, vua nghe qua thấy Tông Diễn vào kinh diễn giải Phật pháp. Vua cũng đến dự nghe thấu hiểu đạo lý, ra lệnh thu hồi lệnh trục xuất sư hồi trước, để tăng, ni trở về chùa mình tùy duyên giáo hoá. Vua Lê Hy Tông đã thấm nhuần đạo lý, thành tâm sám hối lỗi trước của mình, nên tạc hình vua quì mọp xuống cõng Phật trên lưng, để tỏ lòng thành sám hối. Tượng còn thờ các chùa vùng quanh kinh thành. Đã giải được ách nạn của Phật pháp và giáo hoá được vua chúa trong triều.

Lời kết

Phật pháp đã gặp không ít lần khó khăn, nhưng với thời nào cũng vậy, hễ có các bậc chân tu hộ trì thì các pháp nạn cũng sẽ vượt qua dễ dàng. Thiền phái Tào Động Đàng Ngoài nói riêng và Phật giáo Đàng Ngoài thời Trịnh - Nguyễn phân tranh nói chung, đã ghi lại công đức to lớn của Thiền sư Tông Diễn, đệ nhị Tổ sư của Thiền phái Tào Động trong lịch sử Phật giáo giai đoạn này. Thích Thanh Huy - Nghiên cứu sinh Học viện PGVN tại Tp.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 9/2019
TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Kỷ yếu Hội thảo “Thiền phái Tào Động và Chùa Nhẫm Dương” ở Hải Dương. 2. Vân Thanh (1974) Lược khảo sử Phật giáo Việt Nam, nhà in Sen Vàng, Sài Gòn. 3. Nguyễn Lang (2009) Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Nxb Văn Học, Hà Nội. 4. Thiền sư Việt Nam. http://www.vnbet.vn/thien-su-viet-nam-293.html. 5. Ngô Đức Thọ - Hoàng Văn Lâu dịch (2017) Đại Việt sử ký Toàn Thư. Nxb Văn Học – Đông A. Hà Nội.