Thiền sư Nguyễn Minh Không được thờ tự khá rộng rãi ở Nam Định, điều này cho thấy tầm ảnh hưởng khá lớn của Thiền sư đối với người dân Nam Định. Trong số  những nơi thờ tự Minh Không, huyện Trực Ninh, Nam Trực, Ý Yên được coi là địa phương có nhiêu di tích nhất ở Nam Định.

Tác giả: ThS. Mai Thị Huyền Viện Sử học Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2024

Tóm tắt: Nguyễn Minh Không là thiền sư có nhiều công trạng đối với triều Lý, với vùng đất Đồng bằng Bắc Bộ. Minh Không được hình tượng hóa qua nhiều truyền thuyết dân gian, như một vị thần có nhiều phép thần thông, phi thường. Dấu ấn của thiền sư để lại khá nhiều ở vùng Bắc Bộ nước ta trong đó có Nam Định. Ông không chỉ sáng lập ra nhiều ngôi chùa, truyền bá Phật giáo mà còn lưu truyền kỹ thuật luyện kim, đúc đồng cho người dân vùng này.

Từ khóa: Thiền sư, Minh Không, thời Lý, Phật giáo, thần thông.

Mở đầu

Trong lịch sử trung đại Việt Nam, có khá nhiều thiền sư mà tầm ảnh hưởng của họ đã tác động không nhỏ đến chính trị, xã hội của đất nước. Từ thời Đinh, Lê, Lý, Trần cho đến Nguyễn, đều xuất hiện những gương mặt thiền sư nổi bật. Dưới thời Lý, thiền sư Minh Không cũng là một trong những trường hợp như vậy. Ông có công trạng to lớn như chữa bệnh cho nhà vua, trồng cây thuốc, truyền nghề đúc đồng, phát triển Phật giáo,...

Nguyễn Minh Không đã được người dân thờ tự ở nhiều nơi. Một trong những địa phương cho thấy nhiều dấu ấn của vị thiền sư này chính là Nam Định. Đây là vùng đất hiện còn những cổ tích, phong tục cho thấy sự tôn sùng, kính trọng của người dân đối với Minh Không.

1. Vài nét về Thiền sư Nguyễn Minh Không (1065-1141)

Nguyễn Minh Không (1065-1141) trước khi trở thành một thiền sư, ông có tên gọi là Nguyễn Chí Thành, sinh ra tại làng Đàm Xá, huyện Đại Hoàng, nay thuộc xã Gia Tiến, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Quê mẹ của Nguyễn Minh Không thuộc tỉnh Bắc Ninh. Tương truyền cha mẹ của Nguyễn Minh Không nghèo khó, nên khi sinh ra ông mới đặt tên là Chí Thành, với hi vọng con trai của mình sẽ đạt được chí hướng, thành đạt. Vì gia cảnh cha mẹ mất sớm nên Chí Thành sớm phải lập thân, ông đã quyết chí tu hành học đạo.

Trước khi bước vào con đường tu hành, tương truyền Chí Thành thường có nghề đi đơm cá ở các vùng Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa. Tư liệu ít ỏi hiện nay đã cho biết những chi tiết này.

Tác giả Lê Xuân Quang trong Thần tích Việt Nam cũng đề cập đến việc Nguyễn Minh Không đã từng tới vùng Nam Trực và Giao Thủy, Nam Định:

“Quốc sư họ Nguyễn húy Chí Thành, người làng Điềm Xá, huyện Gia Viễn, nối đời làm nghề đánh cá. Người cao tay phương thuật, vui nghề đăng đó khắp vùng Gia Viễn...đến cả vùng huyện Tây Chân, nay là huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, với một con thuyền lênh đênh khắp nơi sông biển. Sau đó Minh Không thiền sư xây dựng chùa Nghiêm Quang ở bên sông Giao để trụ trì. Chùa Nghiêm Quang sau đổi là chùa Thần Quang. Chùa xây dựng ở bên sông Giao thuộc hương Giao Thủy, chữ “Giao” nghĩa là “Keo”, nên chùa Thần Quang có tên là chùa “Keo””(1).

Trong cuốn Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược, tác giả dịch chữ Hán cho rằng Minh Không đã đến Thần Phù (Nga Sơn, Thanh Hóa). Sách viết: “Sư Nguyễn Chí Thành quê ở Điềm Xá, Gia Viễn thường câu cá tại núi Tai Mèo, rồi chèo thuyền ra cửa biển Thần Phù, để thẳng đến Tây Chân đi bán, thường gánh đá một bên cho cân với cá, đi đường đá bị rơi sư đạp viên đá ra, viên đá vỡ còn dấu tại xã Liên Tỉnh, xã Tương Đông”(2).

Chùa Cổ Lễ (Nam Định) - Ảnh: Minh Khang

Tư liệu tại địa phương cũng khẳng định Minh Không đã truyền nghề cho cư dân nơi mà ông đã đến đó. Ví như làng Tống Xá, xã Yên Xá, thị trấn Lâm, tỉnh Nam Định hiện còn lưu giữ những di tích cho thấy ông là tổ của nghề đúc đồng ở vùng này. Tuyển tập tư liệu về đền Tống Xá viết:

“Vào năm 1118 khi Cụ Nguyễn  Chí Thành  (sau này là Nguyễn Minh Không) về ở chùa Đường Leo để dạy nghề đúc cho làng Tống Xá, Cụ đã đặt tên chùa Đường Leo thành Cổ Liêu tự [...] Cụ Nguyễn Minh Không đã tìm thấy ở cánh đồng phía đông của làng có chứa loại đất sét có thể làm được khuôn đúc, Cụ đã dạy dân làng Tống Xá đào thành một hố sâu để lấy đất đem về làm khuôn và dạy nghề đúc kim loại. Trong 7 tháng, Người đã hướng dẫn cho dân làng làm thành thạo nghề đúc gang, đồng”(3).

Qua quá trình giao lưu, học hỏi, Minh Không đã kết bạn với nhiều thiền sư. Tác giả Nguyễn Ôn Ngọc đã cho biết về sự tích Minh Không như sau: “Khoảng năm Thiên Tường Đại Khánh, ông cùng Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Giác Hải kết làm bạn đạo, đến học ở chùa Vân Mộng, thày dạy cho phép thần thông. Được 3 năm đều xin thày ra về [...]

Ở khắp các chỗ danh lam đều có sự tích khảo cứu được, như chuông Phổ Minh ở chùa Báo Thiên, chuông Phổ Lại ở chùa Quỳnh Lâm đều do Minh Không phổ khuyến lấy đồng ở kho công Đại Minh ra đúc cả đấy. Có bài thơ như sau:

Miêu linh hoàng lường xuất hải tần Chu trình thuấn tức bạc Tây Chân Điểu can phao hậu thân nhi Phật Ao thạch dua lai cước hữu thần Tiếp sư phậm oa truyền bí quyết Y quân du dĩnh tĩnh tiền nhân Thiền gia tứ khí tướng chân ảo Dãn ký Tràng An Đàm Xá nhân.

Dịch nghĩa:

Núi Mèo cầu ngang bắc ra ngoài bốn bể Đường thuyền chốc lát đã đến bến Tây Chân Cần cấu vất rồi mình là Phật Lõm đá để lại vết chân có thần Nồi cơm tiếp sứ truyền lại bí quyết Vạc dầu chữa bệnh cho vua, nhắc lại nhân duyên trước Bốn cái đồ của nhà Phật chân hay ảo Chỉ nhớ ông là người Đàm Xá ở Tràng An(4).

Sau khi thành đạo, bước vào con đường tu hành, Minh Không đã thể hiện phép thần thông của mình trong việc chữa bệnh cho vua Lý. Đồng dao vùng Đồng bằng Bắc Bộ thường nhắc đến Minh Không bằng những câu như: “Tập tầm vông/Có ông Nguyễn Minh Không/Chữa cho vua khỏi có/Tập tầm vó/Muốn chữa cho vua khỏi có/ Có ông Nguyễn Minh Không”...

Sách Đại Việt sử ký toàn thư cũng đề cập đến chi tiết Nguyễn Minh Không chữa khỏi bệnh cho vua Lý: “"Tháng 3, năm 1136, Vua bệnh nặng, chữa thuốc không khỏi. Nhà sư Minh Không chữa khỏi, phong làm quốc sư. Tha thuế dịch cho vài trăm hộ"(5).

Cuốn Thiền sư Việt Nam cũng có đoạn viết về cách chữa bệnh của Minh Không: “Sư đến triều vào trong điện ngồi, lên tiếng bảo: “Bá quan đem cái đảnh dầu lại mau, trong đó để 100 cây kim, và nấu cho sôi, đem cũi vua lại gần đó”. Sư lấy tay mò trong đảnh lấy 100 cây kim gâm vào thân vua, nói: “Quý là trời”. Tự nhiên lông, mông, răng đều rụng hết, thân vua hoàn phục như cũ. Vua tạ ơn Sư 1000 cân vàng và 1000 khoảnh ruộng để hương hỏa cho chùa, ruộng này không có lấy thuế”(6).

Từ những tư liệu kể trên, hình tượng Thiền sư Minh Không được cụ thể hóa với khá nhiều tài năng như khả năng thần thông, chữa bệnh, chèo thuyền và có nhiều huyền thuật khác. Dù là chính sử hay dân gian, các tư liệu đều thống nhất ở một điểm, con người Minh Không vừa có những yếu tố đời thường vừa có nét phi phàm, vừa là người vừa là thần. Điều này cũng lý giải tại sao có sự ra đời hệ thống thờ tự Minh Không trải dài từ châu thổ Bắc Bộ đến Trung và Nam Bộ, trong đó điển hình là tỉnh Nam Định.

2. Việc thờ tự Thiền sư Nguyễn Minh Không tại Nam Định

Tại huyện Trực Ninh, Nam Định, những nơi thờ tự Minh Không phải kể đến đó là chùa Cổ Lễ, chùa Quýt và Lương Hàn. Một trong những di tích điển hình nhất ở Trực Ninh đó là chùa Cổ Lễ. Tương truyền, quốc sư Nguyễn Minh Không đã sáng lập ra chùa Cổ Lễ để thờ Phật vào thời Lý Thần Tông (nay thuộc thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định).

Tuy nhiên, kiến trúc ban đầu được xây dựng bằng gỗ đã bị đổ nát, hiện nay chùa hiện còn là kiến trúc chùa giống với các nhà thờ công giáo, được sư Phạm Quang Tuyên thiết kế và xây dựng lại vào năm 1920. Trước chùa có tháp Cửu Phẩm Liên Hoa 12 tầng và một tầng để tháp đặt trên lưng một con rùa lớn được dựng vào năm 1926. Trong chùa có chiếc chuông nặng 9 tấn, cao 3,20m được đúc vào năm 1936.

Chùa Cổ Lễ được coi là di tích thờ Phật hết sức độc đáo ở Nam Định. Trong cuốn sách Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược tác giả dịch thuật Dương Văn Vượng khẳng định ở Lương Hàn, tổng Văn Lãng, huyện Trực Ninh có thờ Nguyễn Minh Không, ba năm rước thần một lần.

Ngoài Trực Ninh, thì huyện Ý Yên cũng  là một nơi thờ tự Minh Không. Sách Đại  Nam nhất thống chí cũng chép về việc thờ tự Minh Không ở Ý Yên: “Đền Thiền sư Minh Không: ở xã Cổ Đam, huyện Ý Yên. Thiền sư họ Nguyễn, tự là Chí Thành, người xã Đàm Xá huyện Gia Viễn tỉnh Ninh Bình”(7).

Trong sách Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược, Nguyễn Minh Không đã được đề cập đến bởi một số cứ liệu như:

“Đền thờ tổ nghề rèn đúc, xã Tống Xá, tổng Vũ Xá thường gọi tên là đền Thánh tổ, tổ tên là Nguyễn Chí Thành sinh tại chùa Hàn Lý, huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương [...] Năm 24 tuổi, ông cùng hai học trò đến mở cảnh động tại Tiên An xã Trường Yên, năm 43 tuổi ông tới động Hoa Lư, mở nghề rèn nhưng không thành, sau lại về chùa Tống Xá rồi dạy dân làm nghề rèn sắt đúc đồng, nay có khu đất cánh đồng Cầu Hố là nơi ông lấy đất làm khuôn mẫu”(8).

Theo tư liệu này thì xã Tống Xá nay đã đổi thành xã Yên Xá, thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Trong lịch sử lai lịch của đền Tống Xá, xã Yên Xá, huyện Ý Yên, công trạng của Thiền sư Nguyễn Minh Không đối với dân làng khá rõ rệt. Ông được coi là cụ tổ của nghề đúc kim loại đối với làng: “Ngày 12 tháng 2 Âm lịch, tức năm 1118, nhà sư Minh Không đã đến vãn cảnh chùa Tống Xá, đã dạy nghề đúc kim loại cho dân làng, mở mang cho Tống Xá có một nghề đúc lưu truyền đến tận bây giờ.

Ngày mùng 3 tháng 8 năm Giáp Tuất, tức năm 1154, Người đã viên tịch, hưởng thọ 79 tuổi. Tưởng nhớ công lao to lớn, ở hầu hết các địa phương mà người đến dựng chùa, dạy đúc đều lập đền thờ. Trong đó có đền thánh tổ được xây dựng vào thế kỷ XIII. Đức Minh Không ở đền này đã được 5 lần phong sắc cấp nhà nước.

Đó là năm 1208, vua Lý Cao Tông phong Thánh; Năm 1446 vua Lê Nhân Tông phong Thần (Nam quốc phúc thần); năm 1917, vua Khải Định phong Trung đẳng thần, năm 1924 vua Khải Định lại phong Thượng đẳng thần, năm 1994, bộ Văn hóa thông tin nước CHXHCN Việt Nam công nhận di tích lịch sử văn hóa của nước ta”(9).

Sắc phong tại đền Tống Xá có sắc của vua Khải Định năm 1924, khi phong Minh Không là Trung đẳng thần có đoạn viết như sau: “保 中 興 先 聖 師 教 民 作 田 器” nghĩa là “Bảo Trung Hưng là thầy dạy dân làm ruộng và nghề đúc”(10). Đền Tống Xá được xây dựng theo kiểu chữ Đinh  (丁) bao gồm Đệ nhất, đệ nhị, đệ Tam và hậu cung, bên ngoài là Tam quan. Tòa Tiền đường có diện tích rộng nhất gồm 5 gian lớn nối Tòa đệ tam và sân trước cửa đền và có hai cửa ở hai bên để ra vào Tòa Đệ tam.

Nam Trực cũng là một huyện ở Nam Định có nhiều di tích thờ thiền sư Minh Không. Lai lịch về chùa Cấp Cô và Đương cảnh thành hoàng - Hổ mang đại vương cũng đã cho biết về việc Minh Không đã đến cánh đồng làng Bích Khê (nay là Vị Khê, xã Nam Điền, huyện Nam Trực).

Vì thấy người dân sống đói nghèo, ông mới gợi ý cho dân làng thờ thần rắn làm thành hoàng:

“Giữa lúc ấy một con rắn hổ mang từ đâu xuất hiện bò đến nằm khoanh tròn bên đức Minh Không. Mọi người thấy con rắn hổ mang to lớn thì xôn xao sợ hãi, đức Minh Không bảo rằng: “Đây là Rắn thần, làng Bích Khê nên lập đền thờ làm đương cảnh thành hoàng để thần Rắn trừ yêu trị quái và phù hộ cho dân làng làm ăn yên ổn”.

Dân làng Bích Khê nghe lời đức Minh Không dựng một thảo am thờ thần Rắn. Từ đó trở đi yêu quái không dám vào làng quấy nhiễu, dân làng lại làm thêm nghề phụ trồng hoa, uốn cảnh. Nghề cay cảnh ở Bích Khê phát triển rất nhanh. Làng Bích Khê xây chùa Cấp Cô (chẩn cấp cho người cô đơn), thờ Minh Không”(11).

Chùa Thanh Am nằm trên cánh đồng đất rộng, giữa cánh đồng Khoi, thôn Tiền, xã Hư Tả, huyện Nam Chân, trấn Sơn Nam hạ, nay thuộc xóm Tiền, thôn Giang Tả, xã Nam Toàn, huyện Nam Trực. Theo tương truyền thì vào thời Lý, đức Minh Không đã có thời gian đi đơm đó ở vùng này. Nhân lúc rảnh rỗi, ông đã dạy trẻ em đấu vật. Sau khi đức Minh Không tịch và hiển thánh thì trẻ em trong vùng đã thắp hương ở nơi này tưởng nhớ ông.

Nhớ ơn đức phù hộ của Minh Không tránh cho người dân làng Tiền khỏi nạn binh đao năm 1740 dưới thời chúa Trịnh Doanh (chúa Trịnh đem quân đàn áp quân khởi nghĩa Cà Hớp ở đây), người dân đã khởi công xây dựng chùa Thanh Am vào năm 1744.

Trong chùa hiện còn đôi câu đối thể hiện sự biết ơn Minh Không của cư dân làng Tiền (Nam Trực) như sau: “Xuất quỷ nhập thần pháp diệu đằng vân giá vũ, thông thiên đạt địa đạo cao phục hổ hàng long” (nghĩa là: Ra quỷ vào thần phép khéo đằng vân giá vũ, thông trời suốt đất đạo cao bắt cọp hàng rồng)(12).

Tại xóm Lộc, xã Bình Minh, huyện Nam Trực, người dân đã tưởng nhớ thời gian Minh Không đi đơm đó, bắt cá ở đây và lập đền thờ. Nhân dân xóm Lộc xây chùa Thánh tổ trên lều tranh nơi Người trú chân đi đơm đó và cất vó ở vùng này. Tương truyền xóm Lộc, làng Sẫy, làng Phan, làng Vọc xưa thuộc tổng Bái Dương, nay thuộc xã Bình Minh, huyện Nam Trực có rất nhiều ao nhỏ.

Người ta cho rằng những cái ao đó là bước chân của Minh Không đi đơm đó. Cánh đồng còn nhiều phiến đá in hình bàn chân mà tục gọi là bàn chân đức Minh Không. Hoặc trước cửa chùa Lẫm, xã Nam Đồng, huyện Nam Trực còn có những mô đất cao nổi trên cánh đồng nước, nhân dân trồng dâu, tương truyền đó chính là chỗ Minh Không vứt đó rách hóa thành cồn đất.

Ngoài ra các vùng Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Vụ Bản cũng có những di tích thờ Minh Không. Đình Ông Khổng ở vị trí sát đường 56 thôn Tiên Hương, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản được coi là một công trình khá lớn, hàng đầu ở huyện. Bao gồm hai tòa tiền đường và hậu cung. Tiền đường được cấu tạo làm 5 gian theo lối tứ trụ, cột cái có đường kính 45cm.

Đình Ông Khổng tức là đình thờ Ông Khổng, còn gọi là Ông Khổng Lồ hay ông Minh Không. Mỗi năm, khi mở hội xuân vào các ngày 6, 7, 8, 9 tháng Giêng thì các thần trong làng đều rước về đình để tế hội đồng. Đình Ông Khổng là một di tích trong quần thể di tích Phủ Dầy mà chính quyền xã Kim Thái, huyện Vụ Bản đã chủ trương tôn tạo thật trang nghiêm(13).

Theo tư liệu thống kê, tại Nam Định có 16 nơi thờ Thiền sư Minh Không. Xin xem thống kê sau:

Nguồn: Đại Nam nhất thống chí (2006), tập III, Nxb. Thuận Hóa, Huế; Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược, Dương Văn Vượng dịch, phòng Địa chí- Thư mục thư viện tỉnh Nam Định chỉnh lý, chế bản; Lê Xuân Quang (1998), Văn hóa hai bên sông đào, giải khuyến khích của Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, bản đánh máy.

Đền Tống Xá, thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

3. Nhận xét

Tại Nam Định, dấu ấn của Thiền sư Minh Không không chỉ ở những nơi thờ tự mà còn cả trong văn hóa dân gian. Minh Không được người dân tri ân là tài năng khác người với nhiều tên gọi  khác nhau như ông Khổng, bước chân Khổng Lồ. Ông được phong là thần thành hoàng của làng, người thầy thuốc giỏi, ông tổ của nghề rèn sắt và dạy trẻ em trò đấu vật.

Thiền sư Minh Không được thờ tự khá rộng rãi ở Nam Định, điều này cho thấy tầm ảnh hưởng khá lớn của Thiền sư đối với người dân Nam Định. Trong số  những nơi thờ tự Minh Không, huyện Trực Ninh, Nam Trực, Ý Yên được coi là địa phương có nhiêu di tích nhất ở Nam Định.

Hiện trạng này cũng khăng định vai trò truyền nghề, truyền bá Phật giáo của Minh Không ở Nam Định khá sâu đậm. Những cứ liệu tại Nam Trực và Ý Yên đã cho thấy sự ảnh hưởng của Minh Không với nghề đúc đồng khá rõ nét. Có thể khẳng định, Minh Không đã để lại dấu ấn sâu sắc trong tâm thức của người dân Y Yên nói riêng và Nam Định nói chung.

Nguyễn Minh Không không chỉ là nhà sư, ông còn được người dân phong là bậc thánh, là thượng đẳng thân, được phối thờ làm thân thành hoàng của làng. Điều này càng khẳng định vai trò to lớn của một vị quốc sư qua nhiều thế kỷ.

Như vậy đã có 15 nơi thờ tự Thiền sư Minh Không tại Nam Định. Các huyện Ý Yên, Nam Trực, Trực Ninh là một trong những nơi có nhiều di tích thờ Minh Không nhiều hơn cả. Điều này cho thấy ảnh hưởng không nhỏ của ông đối với cư dân ở các vùng này.

Không chỉ được kính thờ ở trong các đền, chùa, đình, Minh Không còn hóa thân vào không gian của lễ hội chợ Viềng, Nam Giang, Nam Trực. Tương truyền ông là tổ khai sinh ra nghề đúc đồng, truyền nghề cho người dân ở đây nên trước đình thờ Minh Không, người dân thường bày bán đồ đồng, đồ sắt. Những người mua hàng ở chợ Viềng cho rằng mua được một món đồ đồng ưng ý vào dịp đầu năm sẽ đem lộc về đầy nhà họ trong năm đó. Vì vậy, đặc trưng thực sự của lễ hội chợ Viềng chính là bán vận xui, mua về vận lành.

Tác giả: ThS. Mai Thị Huyền - Viện Sử học Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2024

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993.

2. Dương Minh Đức, Tập sách Kỷ niệm nghề đúc gang, đồng, thép ở Tống Xá, lưu tại đền Tống Xá, xã Yên Xá, thị trấn Lâm, Nam Định.

3. Nguyễn Ôn Ngọc, Nam Định tỉnh địa dư chí mục lục, Phòng Địa chí Thư viện tỉnh dịch, Nam Định, 1997.

4. Lê Xuân Quang, Văn hóa hai bên sông đào, giải khuyến khích của Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, 1998, bản đánh máy.

5. Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập I, Nxb. Giáo dục, 1998.

6. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập III, Nxb. Thuận Hóa Huế, 2006.

7. Bùi Văn Tam, Ngày xuân trẩy hội chợ Viềng, Tạp chí Xưa & Nay, số 275-276 (I-2007), tr. 61-62.

8. Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược, Dương Văn Vượng dịch, phòng Địa chí- Thư mục thư viện tỉnh Nam Định chỉnh lý, chế bản.

9. Tư liệu tại đền Tống Xá, xã Yên Xá, thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

10. Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, Tu viện Chơn Không, Ấn quán Thăng Long, Sài Gòn, 1973.

11. Võ Văn Tường, Những ngôi chùa nổi tiếng Việt Nam, Nxb. Văn hóa- Thông tin, Hà Nội, 1994.

12. Hồ Đức Thọ, Huyền tích thánh mẫu Liễu Hạnh và di sản văn hóa- lễ hội Phủ Dầy, Nxb. Văn hóa- Thông tin, 2004.

CHÚ THÍCH:

(1) Lê Xuân Quang, Thần tích Việt Nam, Nxb. Thanh Niên, tr. 290, 293.

(2) Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược, Dương Văn Vượng dịch, phòng Địa chí- Thư mục thư viện tỉnh Nam Định chỉnh lý, chế bản, tr. 127.

(3) Dương Minh Đức, Tập sách Kỷ niệm nghề đúc gang, đồng, thép ở Tống Xá, lưu tại đền Tống Xá, xã Yên Xá, thị trấn Lâm, Nam Định, tr. 11.

(4) Nguyễn Ôn Ngọc, Nam Định tỉnh địa dư chí mục lục, Phòng Địa chí Thư viện tỉnh dịch, Nam Định, 1997, tr. 102.

(5) Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, tr. 308.

(6) Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, Tu viện Chơn Không, Ấn quán Thăng Long, Sài Gòn, 1973, tr. 118.

(7) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập III, Nxb. Thuận Hóa Huế, 2006, tr. 415.

(8) Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược, Dương Văn Vượng dịch, phòng Địa chí- Thư mục thư viện tỉnh Nam Định chỉnh lý, chế bản, tr. 143.

(9) Theo tư liệu tại đền Tống Xá, xã Yên Xá, thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

(10) Sắc phong năm 1924 tại đền Tống Xá.

(11) Lê Xuân Quang, Văn hóa hai bên sông đào, giải khuyến khích của Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, 1998, bản đánh máy, tr.150-151.

(12) Lê Xuân Quang, Văn hóa hai bên sông đào, giải khuyến khích của Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, 1998, bản đánh máy, tr. 155.

(13) Hồ Đức Thọ, Huyền tích thánh mẫu Liễu Hạnh và di sản văn hóa- lễ hội Phủ Dầy, Nxb. Văn hóa- Thông tin, 2004, tr. 209.