Trên truyền thông phương Tây, Thiền sư Thích Nhất Hạnh được coi là một nhân vật vĩ đại, một người thầy đã góp phần đưa Phật giáo vào cuộc sống hàng ngày của nhiều người và đưa đến sự hòa bình trong cuộc sống.
Nhóm sinh viên: Nguyễn Thái Kim Anh, Hoàng Thị Thanh Huyền, Nguyễn Trần Sùng, Đồng Minh Trang, Phạm Huyền Trang, Trần Thị Vinh, Đỗ Phương Yến Vy - Khoa Truyền thông và Văn hóa Đối ngoại, Học viện Ngoại giao
Tóm tắt:
Bài viết đóng góp thêm tư liệu nghiên cứu về hình ảnh người khởi xướng phong trào “Phật giáo dấn thân” - Thiền sư Thích Nhất Hạnh được khắc họa trên truyền thông phương Tây trong năm 2022. Nội dung bài viết được trình bày theo kết cấu 3 phần: 1) Vài nét về Thiền sư Thích Nhất Hạnh; 2) Hình ảnh Thích Nhất Hạnh - người khởi xướng phong trào “Phật giáo Dấn thân” trên truyền thông phương Tây; 3) Đánh giá về cách truyền thông phương Tây khắc hoạ chân dung hình ảnh Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Qua khảo sát 6 tờ báo của ba nước phương Tây gồm Mỹ, Anh, Pháp, nhóm tác giả tìm hiểu, phân tích và đánh giá cách truyền thông phương Tây khắc hoạ về hình ảnh của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, từ đó thấy được tầm ảnh hưởng của Ngài đối với nền Phật giáo ở phương Tây.
Từ khóa: Thích Nhất Hạnh, Thiền sư, Phật giáo, dấn thân, chính niệm, nhà hoạt động vì hòa bình, phương Tây
Dẫn nhập
Năm 2022, thế giới chứng kiến sự ra đi của một vĩ nhân, người có tầm ảnh hưởng lớn đối với thế giới nói chung và Phật giáo nói riêng - Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Xuyên suốt cuộc đời và hành trạng của mình, với tư cách là người tiên phong trong phong trào Phật giáo Dấn thân, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã có những đóng góp không nhỏ đối với lịch sử Phật giáo thế giới thời hiện đại, góp phần đưa Phật giáo đến gần hơn với văn hóa các nước phương Tây, nơi mà suốt hàng ngàn năm qua gắn liền với hình ảnh và đức tin đối với Thiên Chúa.
Mục sư Martin Luther King từng gọi Thiền sư Thích Nhất Hạnh là “một tông đồ của hòa bình và bất bạo động” khi đề cử ông cho giải Nobel Hòa Bình năm 1967. Trong suốt những năm tháng hoạt động tại phương Tây, hình ảnh của Thiền sư luôn để lại những ấn tượng nhất định trong góc nhìn về “hiện tượng truyền thông” trên bình diện báo chí quốc tế. Thậm chí, Ngài còn được coi là “một trong những nhà lãnh đạo tâm linh có ảnh hưởng nhất thời đại”[1].
Tuy nhiên, hiện chưa có một đánh giá tổng quát nào minh định và lượng hóa được hình ảnh của Thiền sư thông qua lăng kính của truyền thông trong suốt những năm tháng ông đóng góp cho nền Phật giáo, đem Phật pháp lan tỏa đi khắp phương Tây. Chính vì vậy, nhằm phục vụ cho nghiên cứu truyền thông, nghiên cứu về tôn giáo, đồng thời, nhân sự kiện Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch, nhóm nghiên cứu thống nhất chọn đề tài “Hình ảnh người khởi xướng phong trào ‘Phật giáo Dấn thân’ – Thích Nhất Hạnh trên truyền thông phương Tây trong năm 2022”, trong đó tập trung chủ yếu phân tích truyền thông tại Mỹ, Anh và Pháp, ba quốc gia Tây phương có công nghệ và phương thức truyền thông phát triển, có ý nghĩa với quá trình hoạt động của Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong suốt hành trình mang Phật giáo đến phương Tây.
Hy vọng kết quả khảo sát và đánh giá bước đầu của nhóm tác giả sẽ góp phần làm sáng tỏ vấn đề, cũng như có thể cung cấp cho các nghiên cứu khác các hướng tiếp cận mới trong tương lai.
Phương pháp nghiên cứu
Trong bài, các phương pháp nghiên cứu chính được nhóm tác giả sử dụng bao gồm phương pháp khảo sát định lượng, khảo sát định tính, phương pháp tổng hợp, nghiên cứu và phân tích tài liệu. Trong đó, phương pháp nghiên cứu định lượng thể hiện qua quá trình khảo sát và nghiên cứu về số lượng bài viết, về mức độ liên quan đến đối tượng nghiên cứu, v.v. Nghiên cứu định tính dựa trên khuôn mẫu của nghiên cứu định lượng được thực hiện trước đó, nhằm trả lời cho vấn đề nghiên cứu mà nhóm đang hướng đến. Từ những dữ liệu thu thập được từ hai phương pháp định lượng và định tính, nhóm nghiên cứu sẽ thực hiện tổng hợp, nghiên cứu đánh giá và phân tích các tài liệu liên quan.
KẾT QUẢ VÀ ĐÁNH GIÁ
1. Vài nét về Thiền sư Thích Nhất Hạnh
1.1. Tiểu sử Thiền sư Thích Nhất Hạnh và con đường đến với Phật giáo
Thích Nhất Hạnh là một thiền sư, giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu, nhà hoạt động xã hội và là nhà vận động vì hòa bình. Ông sinh năm 1926 tại Thừa Thiên - Huế với tên khai sinh là Nguyễn Đình Lang, sau đổi tên thành Nguyễn Xuân Bảo.
Từ nhỏ, Thích Nhất Hạnh đã có sở thích đọc sách về Phật giáo. Năm lên 9 tuổi, hình ảnh an bình của đức Phật xuất hiện trên trang bìa một tạp chí Phật giáo đã thu hút trí tưởng tượng của ông và để lại ấn tượng lâu dài về sự bình yên và tĩnh lặng. Hình ảnh này đã đánh thức ước muốn mạnh mẽ trong Thích Nhất Hạnh để trở thành một người giống như đức Phật - người hiện thân cho sự tĩnh lặng, bình yên và thanh thản, người có thể giúp những người xung quanh cũng được bình tĩnh, an bình và thoải mái [2].
Đến năm 16 tuổi, ông về Huế để thọ giới Sa di tại chùa Tứ Hiếu (gần Huế), nhập dòng Thiền tông Việt Nam thuộc dòng truyền thừa. Sau ba năm tu học, Thích Nhất Hạnh chính thức thọ giới Sa di vào năm 1945. Ông thọ giáo với pháp danh là Trừng Quang, pháp tự Phùng Xuân, pháp hiệu là Nhất Hạnh.
Chứng kiến nạn đói năm 1945 cùng với những tháng ngày bị đày đọa của nhân dân Việt Nam, Thích Nhất Hạnh khát khao được làm cách mạng theo lời kêu gọi trong truyền đơn của Việt Minh, ông tin rằng nếu đạo Phật có sự đổi mới và phục hồi lại những giáo lý có thể thực sự giúp làm vơi bớt khổ đau trong xã hội, góp phần vào việc khôi phục hòa bình, thịnh vượng và độc lập cho dân tộc. Chính vì lẽ đó, khát vọng phát triển Phật giáo trong ông càng trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết.
Năm 1947, Thích Nhất Hạnh được gửi ra tu học tại Phật học Viện Báo Quốc tại Huế. Tại Báo Quốc, Thầy đã khám phá những ý tưởng cho một Phật giáo “có ý thức xã hội” không chỉ quan tâm đến việc chuyển hóa tâm thức mà còn quan tâm đến môi trường và điều kiện rộng lớn hơn trong xã hội, bao gồm cả nguồn gốc kinh tế và chính trị của nghèo đói, áp bức, chiến tranh. Cuối mùa xuân năm 1949, sau hai năm học tại Phật học đường Báo Quốc, Thích Nhất Hạnh cùng một số người bạn quyết định rời Huế để vào Sài Gòn tiếp tục con đường tu học với nguyện vọng sâu xa là trở thành Bồ Tát hành đạo, đưa ra một con đường bất bạo động, đem lại hòa bình và sự bình an cho những người dân lành.
Mùa thu năm 1950, Thầy giúp đồng sáng lập chùa Ấn Quang, một ngôi chùa mới xây bằng tranh và tre. Cũng từ thời điểm này, Thầy bắt đầu với công việc giảng dạy, nhiều cuốn sách, tập thơ được ra đời. Dần dần, với vị thế và tầm ảnh hưởng mạnh mẽ, Thích Nhất Hạnh đã được bổ nhiệm làm Tổng biên tập Tạp chí Phật giáo Việt Nam vào năm 1956. Thầy tiếp tục viết nhiều hơn về lịch sử Việt Nam, văn học quốc tế, văn bản Phật giáo, v.v. với một mục đích cao cả là thúc đẩy hòa giải và hòa bình.
Vào thập niên 1960, chứng kiến đất nước bị ngoại xâm chiếm đóng cùng với “cuộc khủng hoảng Phật giáo” năm 1963, khi hàng ngàn người xuống đường phản đối các chính sách của chính phủ Ngô Đình Diệm, một khái niệm về “dấn thân” đã ra đời bởi vị Thiền sư trẻ Thích Nhất hạnh, góp phần thúc đẩy phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam thời bấy giờ. Những vị tăng ni, phật tử đã rời khỏi chùa chiền, đến các vùng quê, làng mạc để giúp đỡ người dân bị chiến tranh tàn phá. Họ dạy cho người dân cách sống an lạc, tạo ra những cộng đồng đoàn kết và hòa bình. Tuy nhiên, tinh thần Dấn thân của Phật giáo miền Nam Việt Nam đã không được chính quyền miền Bắc công nhận. Thậm chí, nhiều nhà sư, phật tử đã bị bắt giữ, tra tấn và giết hại. Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng bị cấm về nước sau khi trở về từ châu Âu vào năm 1973 bởi Ngài đã lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam.
Trong cuộc chiến đó, Thích Nhất Hạnh đã dành nhiều thời gian và nỗ lực để đưa ra một thông điệp hòa bình, kêu gọi ngừng bắn và thương lượng giải quyết xung đột. Tuy nhiên, với chính quyền Việt Nam Cộng hòa đương thời, các hoạt động của Thích Nhất Hạnh bị xem là “âm mưu chống phá” và bị coi là một mối đe dọa. Trong khoảng thời gian đó, Ngài tiếp tục hoạt động ở nước ngoài và truyền bá tinh thần Dấn thân của Phật giáo đến đông đảo người dân các nước. Ngài lại đến Mỹ với tư cách là một nhà truyền giáo, trước là vì hòa bình, sau là vì thiền. Sự kết hợp độc đáo đó đã gây được tiếng vang ở phương Tây, đặc biệt là với phong trào phản đối chiến tranh đang nổ ra khắp nơi ở Mỹ hồi đó. Kể từ đây, Thích Nhất Hạnh trở thành người tiên phong trong phong trào Phật giáo dấn thân, kêu gọi hòa bình, chấm dứt sự khổ đau và bất công, mang lại sự bình an đến tất thảy chúng sinh.
1.2. Phong trào Phật giáo dấn thân của Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Phật giáo dấn thân, hay Phật giáo nhập thế (tiếng anh là Engaged Buddhism) là một khái niệm Phật học tương đối mới. Ở phương tây, Phật giáo Dấn thân được hiểu như một phong trào tìm kiếm các giải pháp nhằm áp dụng Phật giáo vào mục đích cải biến tích cực xã hội về nhiều phương diện [3]. Phật giáo dấn thân là nơi các hành giả Phật giáo mang trí tuệ thực hành của họ, và những hiểu biết sâu sắc từ thiền định và giáo pháp, vào các tình huống thực tế của xã hội, chính trị, môi trường, kinh tế và sự đau khổ, bất công. Ở Việt Nam, từ những năm 1960, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã dùng danh ngữ Phật giáo dấn thân để chỉ những phong trào Phật giáo đi vào đời sống xã hội, đặc biệt phong trào này của Thầy có ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ ở phương Tây.
Trong cuốn sách năm 1967 với tựa đề “Việt Nam: Hoa sen trong biển lửa”, Thích Nhất Hạnh đã đặt ra thuật ngữ "Phật giáo nhập thế", lấy cảm hứng từ Đại thừa, trào lưu Phật giáo phổ biến nhất lúc bấy giờ, nhấn mạnh vai trò của nhà sư trong việc giảng dạy và cam kết xã hội của họ. Ý tưởng của Thích Nhất Hạnh về Phật giáo Dấn thân bắt đầu hình thành khi ông là một nhà hoạt động vì hòa bình trong Chiến tranh Việt Nam.
Về định nghĩa của Phật giáo dấn thân, ông chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Lion's Roar: “Khi bom bắt đầu trút xuống người, bạn không thể ở trong thiền đường mãi được… Khi tôi còn là một sa di ở Việt Nam, những tu sĩ trẻ chúng tôi đã chứng kiến những đau khổ do chiến tranh gây ra. Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn thực hành Phật giáo theo cách mà chúng tôi có thể mang nó vào xã hội. Điều đó không dễ dàng vì truyền thống không trực tiếp cung cấp Phật giáo Nhập thế. Vì vậy, chúng tôi đã phải làm điều đó một mình. Đó là sự ra đời của Đạo Phật Dấn Thân” [4]. Có thể hiểu rằng, trong tư tưởng nhập thế, người tu hành phải luôn tích cực tham gia vào những vấn đề của đời sống xã hội.
Về mối quan tâm hàng đầu trong Phật giáo dấn thân, theo Ngài, đó chính là sự bình an của con người và sự giác ngộ trong tâm thức. Mỗi hành động đóng góp vào những vấn đề trong xã hội đều phải hướng đến sự bình an của con người, hướng đến một thế giới hòa bình không có bạo động, chiến tranh.
Theo Thích Nhất Hạnh, nội dung giáo lý cơ bản của Phật giáo dấn thân chính là “Chính Niệm”. Ngài từng chia sẻ: “Chính niệm là một phần của cuộc sống. Khi bạn chính niệm, bạn hoàn toàn sống động, bạn hiện diện đầy đủ. Bạn có thể tiếp xúc với những điều kỳ diệu của cuộc sống có thể nuôi dưỡng và chữa lành cho bạn. Và bạn mạnh mẽ hơn, bạn rắn rỏi hơn để xử lý những đau khổ bên trong bạn và xung quanh bạn. Khi bạn có chính niệm, bạn có thể nhận ra, ôm lấy và xử lý nỗi đau, nỗi buồn trong bạn và xung quanh bạn để mang lại cho bạn sự nhẹ nhõm. Và nếu bạn tiếp tục với định và tuệ, bạn sẽ có thể chuyển hóa khổ đau bên trong và giúp chuyển hóa khổ đau xung quanh bạn.”
Chính niệm của Thích Nhất Hạnh có định hướng duy nhất là quan tâm, thấu hiểu và chia sẻ nỗi đau khổ của con người, thúc đẩy họ hành động tiến về phía trước. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tư tưởng về Phật giáo dấn thân của Thích Nhất Hạnh đã tạo ra đường lối mới ở phương Tây hiện đại, có ảnh hưởng lớn đến các phong trào tiến bộ và cải cách trên thế giới.
Khái niệm Phật giáo dấn thân cũng đã trở thành thông điệp chính khi Thích Nhất Hạnh đến Hoa Kỳ vào những năm 1960, nơi ông giảng dạy tại Princeton và Đại học Columbia trong khi tiếp tục vận động để chấm dứt xung đột ở Việt Nam. Tại Hoa Kỳ, ông đã gặp Martin Luther King (người vào năm 1967 đã đề cử Thích Nhất Hạnh làm ứng cử viên cho giải Nobel Hòa bình). Trong những năm tiếp theo, ở miền nam nước Pháp, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã thành lập Làng Mai, một tu viện Phật giáo lớn, nơi đón tiếp hơn 200 tăng, ni và 10.000 du khách mỗi năm, thuộc nhiều lứa tuổi, hoàn cảnh và tín ngưỡng khác nhau, những người đến đó để học cách tu tập. Ý tưởng đằng sau những tu viện này là đạt được sự thanh thản nội tâm có thể có tác động tích cực đến người khác và giúp truyền năng lượng tích cực cho các mục đích vị tha. Việc thực hành thiền định được ngài truyền tải một cách hấp dẫn, do vậy tiếp cận được với bất cứ tầng lớp nào từ những vị cư sĩ, những người thuộc các tín ngưỡng tôn giáo khác, các học giả, v.v. [5].
Thích Nhất Hạnh từng chia sẻ trong một buổi trò chuyện cùng Terry Gross - người dẫn chương trình, nhà điều hành sản xuất, rằng trong thời kỳ chiến tranh xảy ra ở Việt Nam, để kêu gọi hòa bình và giúp đỡ những người chịu tổn thất do chiến tranh gây ra, Ngài đã đào tạo các nhà sư và thanh niên trẻ để họ trở thành những người làm công tác xã hội và hòa bình, đến những vùng có nạn nhân chiến tranh để chăm sóc những người bị thương, tái định cư những người tị nạn và thiết lập những nơi ở mới cho những người này. Bên cạnh đó, Ngài cũng góp phần xây dựng trường học cho các em nhỏ được có điều kiện tiếp cận tri thức, xây dựng trung tâm y tế, v.v. Ngài đã làm đủ mọi việc, và tất cả đều hướng đến mục đích cao cả là chống lại chiến tranh, bạo động, vì một thế giới hòa bình, con người được hưởng bình an.
Trong một bài viết đăng tải trên Tạp chí Tôn giáo và Truyền thông xã hội với tiêu đề “Thich Nhat Hanh and Socially Engaged Buddhism” (Tạm dịch: Thích Nhất Hạnh và Phật giáo Dấn thân vào Xã hội), tác giả Shiju Paul viết về Thích Nhất Hạnh như là một người đã làm sống lại tinh thần Phật giáo dấn thân vào xã hội bằng cách cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau như: xây dựng xã hội, xây dựng các tu viện và trung tâm nhập thất, nơi đây, thầy truyền tải những lời dạy về chánh niệm, lòng tốt và lòng trắc ẩn. Ông chia sẻ trong bài viết của mình về một lần có cơ hội đồng hành cùng một nhóm người LGBTQIA+ [6] sống chung với HIV trong chương trình phục hồi, thiền định hơi thở chánh niệm là nguồn hỗ trợ lớn nhất của họ, việc thực hành các kỹ thuật thở đơn giản từ lời dạy của Thích Nhất Hạnh đã giúp họ giữ bình tĩnh và tập trung trong quá trình phục hồi vì hơi thở là một biểu hiện hoạt động của tâm trí, khi trái tim và tâm trí được ổn định thì hơi thở sẽ chậm lại và dài hơn. Shiju Paul cho biết chính từ những giây phút suy niệm sâu xa mà Thích Nhất Hạnh mang đến đã khơi dậy niềm khao khát để trở thành một môn đệ truyền giáo trong ông [7].
Eliza Barclay, biên tập viên khoa học của Vox.com đã diễn giải lời nhắn nhủ của Pháp Dung - đệ tử lớn nhất của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, khi ông viên tịch vào năm 2019: “Xin đừng xây bảo tháp cho tôi. Xin đừng đặt tro cốt của tôi trong một chiếc bình, nhốt tôi bên trong và giới hạn tôi lại. Tôi biết điều này sẽ có thể khó khăn cho một số bạn. Tuy nhiên, nếu bạn phải xây dựng một bảo tháp thì hãy đặt một tấm bảng bên trong đó có nội dung ‘Tôi không có ở đây’. Ngoài ra bạn cũng có thể đặt một tấm bảng khác ‘Tôi không có ở ngoài đó’ và tấm bảng thứ ba có nội dung ‘Nếu tôi ở bất cứ đâu, thì đó là trong hơi thở chánh niệm của bạn và trong những bước đi bình yên của bạn”. Thật vậy, đó chính là những lời dạy về chánh niệm mà Thích Nhất Hạnh đã dành cả một đời để lan tỏa đến mọi người, ông đã thật sự thành công và góp phần chữa lành được nhiều tâm hồn, giúp họ cảm nhận được ý nghĩa thực sự của cuộc sống.
Với tinh thần Dấn thân, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã mở ra một hướng đi mới cho Phật giáo, đó là gắn thực hành Phật giáo với những hoạt động thực tiễn để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khốn cùng trong xã hội. Trong đó, việc thực hành lòng từ bi và nhân ái của Phật giáo dấn thân tại phương Tây đã tạo ra một ảnh hưởng sâu sắc và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Bởi lẽ phong trào này đã góp phần khơi nguồn cảm hứng, kết nối xây dựng mạng lưới cộng đồng nhân đạo, văn minh và hạnh phúc; tạo điều kiện cho con người thể hiện sự quan tâm, tình yêu thương và gắn kết với nhau hơn. Như vậy, sức lan tỏa của Phật giáo dấn thân không chỉ giới hạn trong cộng đồng Phật giáo mà nó còn tạo ra một tầm nhìn thúc đẩy sự phát triển của cá nhân và xã hội.
2. Thiền sư Thích Nhất Hạnh - người khởi xướng phong trào Phật giáo Dấn thân trên truyền thông phương Tây năm 2022
Khảo sát 07 tờ báo lớn của Anh, Pháp và Mỹ (bao gồm The Guardian, Reuters; Le Monde, La Croix; The New York Times, The Washington Post, AP News) cho thấy trong năm 2022 có tổng cộng 21 bài đưa tin về Thiền sư Thích Nhất Hạnh, trong đó phần lớn bài đăng được đăng tải vào tháng 1 và chủ yếu là được cập nhật từ ngày 22/01 (tức ngày mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch). Các tháng sau có rất ít, hoặc thậm chí là không có bài đăng nào.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh được xác nhận viên tịch vào lúc 00:00 ngày 22 tháng 01 năm 2022. Ngay trong ngày hôm đó, các tờ báo The Guardian (Anh), The New York Times (Mỹ) và Le Monde (Pháp) đều có những bài chia sẻ về thông tin này kèm theo nhiều thông tin nổi bật liên quan đến Ngài. Tiêu biểu trong số các tờ báo được khảo sát, The Guardian là tờ báo có bài cập nhật sớm nhất, vào lúc 7 giờ 58 phút (giờ Việt Nam), với tiêu đề: “Thich Nhat Hanh, revered Zen Buddhist monk and peace activist, dies at 95” (Tạm dịch: Thích Nhất Hạnh, vị thiền sư tôn kính và nhà hoạt động vì hòa bình, qua đời ở tuổi 95). The Guardian cũng là tờ báo đăng tải nhiều bài viết về Thiền sư Thích Nhất Hạnh nhất trong năm 2022 với số lượng là 09 bài.
Nhìn chung, các bài cập nhật về Thiền sư Thích Nhất Hạnh trên truyền thông phương Tây trong năm 2022 thường nhắc đến Ngài với thái độ kính trọng. Những thông điệp về chánh niệm, lòng trắc ẩn và hình ảnh nhà hoạt động vì hòa bình, chống bạo động là những chủ đề gắn liền với Thiền sư được thể hiện rất rõ qua các bài báo được khảo sát.
2.1. Thiền sư với thông điệp về chính niệm
Qua khảo sát, có thể thấy đây là nhóm thông điệp xuất hiện nhiều nhất trong các bài báo về Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong khoảng thời gian khảo sát vì những quan điểm của Thiền sư về chính niệm vẫn luôn mang giá trị và tầm ảnh hưởng nhất định ở các nước phương Tây. Hầu hết các bài viết không đơn thuần là mẩu tin ngắn thông báo về việc Thiền sư đã viên tịch mà có dung lượng và nội dung tương đương với các bài tin sâu.
Trên truyền thông phương Tây, Thiền sư Thích Nhất Hạnh được nhắc đến với các tên gọi như “nhà sư có tầm ảnh hưởng” (influential monk), “Thiền sư nổi tiếng” (renowned Zen master), “Thiền sư Phật giáo đáng kính” (the revered Zen Buddhist monk)... cho thấy sức ảnh hưởng của ngài đã được công nhận rộng rãi.
Theo lời các trang báo, Thiền sư Thích Nhất Hạnh có tầm ảnh hưởng sâu sắc, là người đã truyền bá ý nghĩa và thực hành chính niệm trên khắp thế giới. Bài viết “Funeral held in Vietnam for influential monk Thich Nhat Hanh” (Tạm dịch: Tang lễ tổ chức tại Việt Nam cho nhà sư có tầm ảnh hưởng Thích Nhất Hạnh) trên AP News khẳng định: “Thích Nhất Hạnh được công nhận trên toàn cầu vì đã truyền bá thực hành chính niệm và Phật giáo dấn thân vào xã hội”.
“Các bài phát biểu của Thiền sư đôi khi thu hút hàng nghìn người nghe và cuốn sách “Nghệ thuật của chánh niệm” xuất bản năm 2012 của Ngài đã bán được hơn 200.000 bản chỉ riêng tại Hoa Kỳ” - Dẫn chứng về sức lan tỏa của chính niệm được đưa ra trong bài viết “Thich Nhat Hanh, Buddhist monk who sought peace and mindfulness, dies at 95” (Tạm dịch: Thích Nhất Hạnh, nhà sư Phật giáo, người đã tìm kiếm hòa bình và chánh niệm, viên tịch ở tuổi 95) trên The Washington Post.
Sự quan tâm của báo chí phương Tây về chính niệm được thể hiện thông qua những trích dẫn quan điểm của Thiền sư về khái niệm này, xuất hiện nhiều lần trên các tờ báo.
Theo bài viết “Thich Nhat Hanh, influential Zen Buddhist monk, dies at 95” (Tạm dịch: Thiền sư có tầm ảnh hưởng - Thích Nhất Hạnh qua đời ở tuổi 95) trên báo AP News, “... Để vượt qua những giông bão của cuộc đời và nhận ra hạnh phúc, Ngài khuyên luôn luôn “trở về với hơi thở” chính niệm, ngay cả khi đang làm những công việc thường ngày như quét dọn và rửa bát đĩa.”
Tờ The New York Times đăng tải bài viết “Thich Nhat Hanh on Life, War and Happiness” (Tạm dịch: Thích Nhất Hạnh nói về cuộc sống, chiến tranh và hạnh phúc) tổng hợp các trích dẫn của Thiền sư về nhiều khía cạnh trong cuộc sống, trong đó bao gồm các quan điểm về chính niệm:
“Nhiều người còn sống nhưng không chạm tới điều kỳ diệu của sự sống”;
“Hãy uống trà của bạn một cách chậm rãi và cung kính, như thể đó là trục quay của cả trái đất - chậm rãi, đều đặn, không vội vã hướng tới tương lai”...
Những chi tiết trên cho thấy, truyền thông các nước phương Tây đã dành sự quan tâm và ủng hộ đối với các thông điệp về chánh niệm mà Thiền sư đã chia sẻ.
Ngoài ra, sức lan tỏa của việc thực hành chính niệm còn được khẳng định thông qua những nhận định của những người nổi tiếng, chuyên gia trên toàn thế giới.
Tờ AP News trích dẫn lời của đức Đạt Lai Lạt Ma khi nói về Thiền sư: “...và hơn hết là sự cống hiến của ông để chia sẻ với những người khác không chỉ cách thực hành chánh niệm và lòng trắc ẩn góp phần mang lại hòa bình trong nội tâm, mà còn cả cách những cá nhân nuôi dưỡng sự bình yên trong tâm hồn đóng góp cho hòa bình thế giới thực sự”.
Tờ The Guardian trích dẫn lời nhà sư Haenim Sunim, người từng làm thông dịch viên của Thích Nhất Hạnh trong chuyến đi Hàn Quốc, “Thầy giống như một cây thông lớn, cho phép nhiều người nghỉ ngơi dưới tán cây với lời dạy tuyệt vời về chính niệm và từ bi… Thiền sư là một trong những người tuyệt vời nhất mà tôi từng gặp.”
Theo tờ Reuters, sau khi Thiền sư viên tịch, Đại biện lâm thời Marie C. Damour của Phái bộ Hoa Kỳ tại Việt Nam đã tuyên bố rằng: “...những lời dạy của ông, đặc biệt là về việc đưa chính niệm vào cuộc sống hàng ngày, đã làm phong phú thêm cuộc sống của vô số người Mỹ”.
Có thể thấy, hình ảnh Thiền sư Thích Nhất Hạnh cùng với quan điểm của ngài về chính niệm được truyền thông phương Tây dành sự tôn trọng và ủng hộ nhất định khi nhắc đến.
2.2. Thiền sư với những hoạt động vì hòa bình, chống bạo động
Hình ảnh Thiền sư Thích Nhất Hạnh với tư cách là một nhà hoạt động vì hòa bình được đề cập trong tất cả các bài đăng và được thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau, bao gồm cả cách thể hiện trực tiếp lẫn gián tiếp.
Thể hiện thông qua việc nhắc đến các hoạt động vì hòa bình của Ngài
Trong các bài báo nói về Thiền sư Thích Nhất Hạnh, yếu tố hòa bình thường được gắn liền với các hoạt động kêu gọi vì hòa bình của Ngài, đặc biệt là về cuộc Chiến tranh tại Việt Nam vào giai đoạn những năm 1960-1970.
Trong bài đăng với tiêu đề “Thich Nhat Hanh, Monk, Zen Master and Activist, Dies at 95” (Tạm dịch: Thiền sư Thích Nhất Hạnh, nhà hoạt động vì hòa bình, ra đi ở tuổi 95), The New York Times thông tin về con đường đấu tranh vì hòa bình, phản đối chiến tranh của Thiền sư từ những giai đoạn năm 1960, khi Thiền sư thành lập tổ chức Thanh niên Phục vụ Xã hội, một tổ chức cứu trợ cấp cơ sở ở miền Nam Việt Nam khi đó, đồng thời trích một phần bài thơ “Condemnation” (Tạm dịch: Lên án) của Thiền sư với nội dung lên án và phản đối chiến tranh. Thông tin này đồng thời cũng được tờ Le Monde nhắc đến trong bài “Thich Nhat Hanh, le vieux sage bouddhiste et l’enfant” (Tạm dịch: Thiền sư Thích Nhất Hạnh và đứa con), bên cạnh thông tin về việc Ngài đã thành lập Viện Nghiên cứu Phật học Cao cấp Ấn Quang, nơi đã trở thành cái nôi của cuộc đấu tranh bất bạo động chống lại Chiến tranh Việt Nam từ năm 1963 đến năm 1975 vào năm Ngài 24 tuổi.
Bài đăng trên AP News với tiêu đề “Thich Nhat Hanh, influential Zen Buddhist monk, dies at 95” (Tạm dịch: Thiền sư Thích Nhất Hạnh có ảnh hưởng qua đời ở tuổi 95) đã thông tin về việc Thích Nhất Hạnh đã “lao vào” hoạt động phản chiến khi cuộc chiến tranh tại Việt Nam đang leo thang bằng việc thành lập Dòng tu Tiếp Hiện (Order of Interbeing), tán thành “Phật giáo dấn thân” cống hiến cho bất bạo động, chính niệm và phục vụ xã hội.
Ngoài ra, bài viết với tiêu đề “Thich Nhat Hanh, Buddhist monk who sought peace and mindfulness, dies at 95” (Tạm dịch: Thích Nhất Hạnh, một nhà sư Phật giáo, người tìm kiếm hòa bình và chánh niệm, viên tịch ở tuổi 95) trên The Washington Post thông tin về con đường đấu tranh vì hòa bình của Thiền sư. Theo bài báo, “Thích Nhất Hạnh và một số nhà sư khác đã từng chèo thuyền ngược dòng sông, với tiếng súng của cả hai bên, để vận chuyển thực phẩm và vật tư y tế cho các nạn nhân của chiến tranh…”.
Không chỉ đề cập đến các hoạt động trong nước, các bài viết còn nói về các hoạt động quốc tế của Thiền sư nhằm tìm kiếm sự ủng hộ hòa bình như các cuộc gặp gỡ với Giáo hoàng Paul VI, Bộ trưởng Quốc phòng Robert S. McNamara, Thượng nghị sĩ Edward M. Kennedy (D-Mass.) và tu sĩ Trappist kiêm nhà hoạt động xã hội Thomas Merton. Đặc biệt, thông tin về việc Ngài gặp gỡ nhà lãnh đạo dân quyền Hoa Kỳ Martin Luther King Jr. để trao đổi về các vấn đề liên quan đến chiến tranh và hòa bình tại đất nước Việt Nam xuất hiện trong tất cả các bài đăng. Đây là một trong những nỗ lực to lớn của Thiền sư với mong muốn thúc đẩy hòa giải giữa miền Nam do Hoa Kỳ hậu thuẫn và miền Bắc Việt Nam cộng sản.
Trong bài báo của Reuters, năm 1963, Thiền sư Thích Nhất Hạnh trở lại Việt Nam để tham gia một phong trào Phật giáo đang ngày càng phát triển nhằm phản đối Chiến tranh Việt Nam - Hoa Kỳ, thể hiện qua các cuộc biểu tình tự thiêu của một số nhà sư. Vào giai đoạn đỉnh điểm của Chiến tranh Việt Nam vào những năm 1960, Thích Nhất Hạnh đã gặp nhà lãnh đạo dân quyền Martin Luther King và thuyết phục ông lên tiếng phản đối cuộc xung đột. Martin Luther King là một người có sức ảnh hưởng rất mạnh mẽ tại phương Tây nói riêng và trên thế giới nói chung như một nhà kiến tạo hòa bình. Ông là một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ cũng như lịch sử đương đại của phong trào bất bạo động.
Các chi tiết trên cho thấy hình ảnh Thiền sư Thích Nhất Hạnh trên truyền thông phương Tây gắn liền với các hoạt động vì hòa bình, chống bạo động và luôn nỗ lực để đem đến sự hòa bình cho đất nước.
Thể hiện thông qua việc trích lời từ các nhân vật có ảnh hưởng toàn cầu
Đứng trước thông tin viên tịch của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, các bài viết được đăng tải trên các tờ báo được khảo sát đều có đoạn trích lời từ các nhân vật có ảnh hưởng trên thế giới khi nói về Ngài.
Mục sư Tiến sĩ Martin Luther King Jr. gọi Thích Nhất Hạnh là “sứ đồ của hòa bình và bất bạo động” và đề cử thiền sư cho giải Nobel Hòa bình. Trong thư đề cử, Martin Luther King đã viết: “Cá nhân tôi không biết ai xứng đáng hơn nhà sư bác ái đến từ Việt Nam này. Những ý tưởng vì hòa bình của ông, nếu được áp dụng, sẽ tạo nên một tượng đài cho chủ nghĩa đại kết, cho tình cảm huynh đệ trên thế giới, cho toàn nhân loại.” Thông tin này xuất hiện trong hầu hết các bài khảo sát, đơn cử như bài “Vietnam: dernier adieu au moine Thich Nhat Hanh, grande figure du bouddhisme” (Tạm dịch: Việt Nam: lần cuối tiễn biệt Thiền sư Thích Nhất Hạnh, nhân vật vĩ đại của Phật giáo) trên tờ La Croix.
Ngoài ra, bài đăng “Thich Nhat Hanh, poetic peace activist and master of mindfulness, dies at 95” (Tạm dịch: Thích Nhất Hạnh, nhà hoạt động hòa bình bằng thơ ca và bậc thầy về chánh niệm, qua đời ở tuổi 95) và nhiều bài đăng khác cũng chia sẻ, trước tinh thần hòa bình của Thiền sư, Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần của Phật giáo Tây Tạng cũng đã bày tỏ sự quan tâm. Trên Twitter, ông đã nói: “Hòa thượng Thích Nhất Hạnh đã sống một cuộc đời thực sự ý nghĩa. Tôi không nghi ngờ gì nữa, cách tốt nhất mà chúng ta có thể bày tỏ lòng kính trọng đối với ông là tiếp tục công việc của ông nhằm thúc đẩy hòa bình trên thế giới.”
Có thể thấy, tinh thần hòa bình đầy nhân văn và mạnh mẽ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã gây ấn tượng đậm nét với những nhân vật có tính biểu tượng lớn của thế giới và truyền thông phương Tây đã thể hiện rõ điều này.
Thể hiện trực tiếp qua cách sử dụng từ trong bài báo
Ngoài việc cập nhật những dẫn chứng chứng tỏ Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà hoạt động vì hòa bình sôi nổi, các bài đăng cũng đã sử dụng những từ ngữ trực tiếp công nhận danh hiệu này của Ngài.
Cụm từ “peace activist” (Tạm dịch: nhà hoạt động vì hòa bình) xuất hiện trong tất cả các bài đăng và trong 5 tiêu đề trong số 21 bài được khảo sát. Có thể thấy, các bài đăng đều đang dành sự kính trọng và bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với hành trình chống bạo động của Thiền sư.
Các bài đăng “Vietnam: dernier adieu au moine Thich Nhat Hanh, grande figure du bouddhisme” (Tạm dịch: Việt Nam: lần cuối tiễn biệt Thiền sư Thích Nhất Hạnh, nhân vật vĩ đại của Phật giáo) và bài “Mort de Thich Nhat Hanh, grand maître du bouddhisme zen” (Tạm dịch: Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch) trên Tờ La Croix đều gọi Ngài là “nhà hoạt động vì hòa bình không mệt mỏi” ngay từ những phần đầu tiên của bài viết.
Những cụm từ như “suốt cuộc đời vận động cho hòa bình lâu dài của mình” (in his long life of advocating for peace) được xuất hiện nhiều lần trong cả 2 bài đưa tin được đăng tải trên AP News. Ngoài ra, AP News cũng liên tục nhắc đến Ngài với cương vị là một nhà hoạt động vì hòa bình: “Nhất Hạnh đã chắt lọc những lời dạy của Phật giáo về lòng từ bi và đau khổ thành những hướng dẫn dễ nắm bắt trong suốt cuộc đời cống hiến cho hòa bình.”
Thích Nhất Hạnh xuất hiện trên tờ The Guardian là một thiền sư với tên gọi “sứ đồ của hòa bình và bất bạo động”, là người khởi xướng phong trào Phật giáo Dấn thân. Trên tờ Reuters, Thiền sư xuất hiện như một biểu tượng của hòa bình. Reuters đã gọi thiền sư là “nhà hoạt động hòa bình” (peace activist) và đề cập đến sự nổi tiếng của ông với tư cách một người phản đối chiến tranh tại Việt Nam vào những năm 1960.
Bài đăng “Thich Nhat Hanh, Monk, Zen Master and Activist, Dies at 95” (Tạm dịch: Thiền sư Thích Nhất Hạnh, nhà hoạt động vì hòa bình, ra đi ở tuổi 95) đề cập đến “Phật giáo dấn thân” như một phương thức để Thiền sư thúc đẩy hòa bình. Theo tác giả, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã “gây ảnh hưởng đến phong trào hòa bình của Hoa Kỳ…”
Ngoài ra, bài viết “Thich Nhat Hanh on Life, War and Happiness” (Tạm dịch: Thích Nhất Hạnh bàn về cuộc sống, chiến tranh và hạnh phúc) trên The New York Times mô tả Thiền sư là người có tầm ảnh hưởng và trích dẫn một số nhận định của Thiền sư về chiến tranh và hòa bình:
“Chúng ta biết rất rõ rằng máy bay, súng và bom không thể loại bỏ những nhận thức sai lầm. Chỉ có ái ngữ và lắng nghe từ bi mới giúp con người sửa đổi được những lầm lỗi trong tri giác. Nhưng các nhà lãnh đạo của chúng ta không được chỉ dẫn về nguyên tắc đó mà họ chỉ dựa vào các lực lượng vũ trang để loại bỏ chủ nghĩa khủng bố.”
“Để chuẩn bị chiến tranh, để cho hàng triệu người đàn ông và đàn bà cơ hội để thực hành việc giết hại ngày và đêm trong tâm thức họ, là gieo trồng những hạt giống của bạo động, sân hận, thất vọng, và sợ hãi mà chúng sẽ được trao truyền cho những thế hệ tương lai.”...
Có thể thấy, một vị thiền sư hết mình vì nền hòa bình là hình ảnh mà truyền thông phương Tây mô tả Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
2.3. Tiểu kết
Dù số lượng bài đăng về Thiền sư Thích Nhất Hạnh trên 6 tờ báo phương Tây là không nhiều, thế nhưng các bài đăng đều có dung lượng dài với phần nội dung có chiều sâu, giúp người đọc điểm lại những sự kiện và dấu mốc quan trọng trong cuộc đời ý nghĩa của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, qua đó làm nổi bật lên hình ảnh một vị Thiền sư cùng với những đóng góp cho việc thực hành chánh niệm tại phương Tây nói riêng và thế giới nói chung cũng như hoạt động vì hòa bình trong giai đoạn những năm 1960 tại đất nước quê hương của Thiền sư.
Trên The Guardian, tác giả Rebecca Solnit có một bài viết với tiêu đề “How Buddhism has changed the west for the better” (Tạm dịch: Đạo Phật đã thay đổi phương Tây tốt đẹp hơn như thế nào), trong đó bằng những từ ngữ tốt đẹp “the great teachers who came from Asia” (tạm dịch: người thầy vĩ đại đến từ châu Á), tác giả đã miêu tả chân dung Thích Nhất Hạnh như một thiền sư Phật giáo đầy sự chính niệm, là người mang ảnh hưởng Phật giáo đến với phương Tây, Ngài đến với phương Tây với những tư tưởng lập trường chính trị rõ ràng là phản đối chiến tranh Việt Nam. Bà Rebecca Solnit còn nhận định sự ra đi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh không phải là một sự kết thúc mà là một lời nhắc nhở rằng một điều gì đó vĩ đại đã được khơi nguồn và sẽ tiếp tục lan rộng, mang hạt giống của những điều tốt đẹp.
Có thể thấy, sức ảnh hưởng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh vô cùng nổi bật tại phương Tây với những hoạt động kêu gọi hòa bình. Ngài đại diện cho Phật giáo Việt Nam, mang đến phương Tây những cái nhìn tốt đẹp. Hình ảnh của Thích Nhất Hạnh với tư cách là một nhà hoạt động vì hòa bình được truyền thông phương Tây miêu tả lại theo khuynh hướng hoàn toàn ủng hộ với thái độ ca ngợi và tôn trọng.
3. Đánh giá
Qua việc khảo sát truyền thông phương Tây vào năm 2022, có thể thấy, hình ảnh Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã được báo chí quốc tế đánh giá tích cực về tầm ảnh hưởng lớn với những từ ngữ tốt đẹp và thái độ ủng hộ nồng nhiệt, đồng thời cũng bày tỏ sự tiếc thương sâu sắc về sự ra đi của một con người đã “thay đổi cách thế giới thực hành Phật giáo”.
Sự kính trọng, ngưỡng mộ và ca ngợi được thể hiện khi hình ảnh Ngài thu hút được sự quan tâm của các hãng tin và cơ quan báo chí lớn của phương Tây, cụ thể là các nước Anh, Mỹ và Pháp đã liên tục đưa tin về Ngài khi Ngài viên tịch, thể hiện sức ảnh hưởng to lớn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại các quốc gia này. Các trang báo lớn như Washington Post, Reuters, La Croix hay The Guardian đã mô tả về các hoạt động của Ngài như là một người đứng đầu phong trào Hòa bình và Phật giáo Dấn thân, cùng với các tác phẩm có giá trị, mang tính cách mạng và giúp đỡ mọi người sống đúng với chính mình.
Hơn nữa, trên truyền thông phương Tây, Thiền sư Thích Nhất Hạnh được coi là một nhân vật vĩ đại, một người thầy đã góp phần đưa Phật giáo vào cuộc sống hàng ngày của nhiều người và đưa đến sự hòa bình trong cuộc sống. Ngài không chỉ là một nhà sư, mà còn là một nhà hoạt động tâm huyết vì hòa bình. Trong mắt bạn bè quốc tế, Ngài được biết đến là cha đẻ, là bậc thầy của phương pháp Chính niệm. Giờ đây, “chánh niệm” đã trở thành thuật ngữ phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Giáo sư Mark Williams, giáo sư danh dự về tâm lý học lâm sàng tại Đại học Oxford của Anh, giám đốc sáng lập Trung tâm Chánh niệm Oxford tin rằng, nếu không nhờ tầm ảnh hưởng của thiền sư Thích Nhất Hạnh, chánh niệm sẽ không được lan tỏa ở phương Tây như hiện nay.
Đối với phương Tây, Thích Nhất Hạnh có thể coi là Thiền sư nổi tiếng nhất cùng với phong trào Phật giáo Dấn thân mà Ngài đã truyền bá. Mặc dù tư tưởng “Phật giáo phải gắn bó mật thiết với đời sống xã hội” không phải là một tư tưởng mới khi cũng đã từng có nhiều thầy tu giảng dạy về vấn đề này, có thể kể đến như Robert Aitken, Joanna Macy, Sulak Sivaraksa thế nhưng Thích Nhất Hạnh lại trở thành nhân vật nổi bật nhất thuyết giảng về quan điểm này tại châu Âu. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tư tưởng về Phật giáo dấn thân của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã tạo ra đường lối Phật giáo mới ở phương Tây hiện đại và có ảnh hưởng lớn đến các phong trào tiến bộ và cải cách trên thế giới [8].
Với tư cách là một nhà hoạt động vì hòa bình, Thiền sư đã phát triển và dạy về hòa giải tại phương Tây và gắn bó chặt chẽ với hoạt động này. Thích Nhất Hạnh đã kết hợp hài hòa kiến thức về đạo Phật truyền thống của mình với hiểu biết sâu sắc về tâm lý học của phương Tây để giảng dạy cho con người nơi đây học cách lắng nghe một cách sâu sắc và nói chuyện bằng tình yêu thương. Khi Phật giáo liên tục bị đàn áp tại Việt Nam, Ngài đã truyền bá đến phương Tây thông điệp về hòa bình và từ bi, vận động các nhà lãnh đạo phương Tây tác động đến cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều cách tiếp cận đến thiền định đến từ các nhà sư châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,... xuất hiện ở các nước phương Tây, thế nhưng hướng đi và cách nhìn của Thích Nhất Hạnh - mang đậm hơi thở của thực hành thiền truyền thống tại Việt Nam - đã tỏa sáng hơn hết. Thích Nhất Hạnh đã được công nhận là một trong những thiền sư quan trọng nhất đối với Phật giáo phương Tây qua phong trào Phật giáo Dấn thân thấm nhuần tính xã hội và ý chí cầu tiến không ngừng của ông [9].
Với tầm quan trọng và sức ảnh hưởng như vậy, việc truyền thông phương Tây đặt nhiều sự chú ý và quan tâm trước sự ra đi của thiền sư là điều dễ thấy. Dù số lượng bài đăng trên các báo không quá lớn nhưng tất các bài đều có thái độ rất tích cực trước con người Thích Nhất Hạnh và những điều Ngài đã mang lại cho Phật giáo phương Tây. Điều này đã góp phần củng cố mạnh mẽ cho hình ảnh của Thích Nhất Hạnh nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung, những điều vốn đã chiếm được không ít thiện cảm và được lòng công chúng quốc tế, cũng như tô đậm thêm vẻ đẹp và những giá trị cao cả của phong trào Phật giáo Dấn thân - tiên phong bởi Thích Nhất Hạnh. Là một người Việt Nam, một người châu Á, nơi có hệ tư tưởng khác biệt, thậm chí đối lập với thế giới phương Tây, Thích Nhất Hạnh vẫn được công nhận và yêu mến bởi cộng đồng Phật giáo nơi đây. Kể cả khi Phật giáo không phải một trong những tôn giáo chiếm ưu thế ở các nước Tây phương, Thích Nhất Hạnh vẫn có được sự trân trọng và cảm thán của truyền thông các nước, cho thấy, các giá trị mà vị Thiền sư mang lại đã vượt qua rào cản về biên giới, chính trị và hướng con người cùng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn. Ví dụ như qua việc áp dụng chính niệm, mọi người có thể sống hạnh phúc và bình an trong cuộc sống hàng ngày, đồng thời giúp đẩy lùi sự căng thẳng, xung đột và bạo lực trong thế giới ngày nay.
Thái độ tích cực này từ truyền thông chính là tín hiệu tốt cho sự phát triển của Phật giáo tại phương Tây và điều đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Phật giáo ngày càng được nhân rộng và lan tỏa nhiều giá trị tốt đẹp đến với người dân nơi đây. Điều này cũng khẳng định mặc dù Thiền sư đã viên tịch nhưng hình ảnh của Ngài và những lời dạy về chính niệm vẫn sẽ được lưu giữ và thực hành bởi hàng ngàn, hàng triệu người trên toàn thế giới, và chắc chắn sẽ tiếp tục được truyền bá và phát triển trong tương lai.
Kết luận
Có thể thấy, bằng sự kiên trì không ngừng nghỉ đối việc thực hành Phật giáo của mình, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã tích cực thúc đẩy hòa bình, chống bạo động cũng như trở thành một trong những thiền sư lỗi lạc nhất trên thế giới truyền giảng triết lý về chánh niệm - đây cũng là đóng góp lớn nhất của Ngài đối với tư duy phương Tây. Thiền sư đã góp phần giúp cho nhân loại tìm được những cân bằng trong cuộc sống, mang lại sự ảnh hưởng to lớn và tích cực đến Phật giáo Việt Nam nói riêng và Phật giáo nói chung, được cả thế giới tri ân.
Sự nghiệp hiện đại hóa đạo Phật như sợi chỉ đỏ xuyên suốt tư tưởng và hành động của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, luôn gợi ra những trăn trở và suy tư không chỉ cho tôn giáo mà còn cho văn hóa dân tộc. Giống như một tác giả, giảng viên người Mỹ đã nói rằng: “Món quà Thầy ấy gửi tặng thế giới này quá lớn, nên tôi nghĩ chúng sẽ không phai mờ theo bất kỳ cách nào sau khi Thầy ra đi.”
ABSTRACT
Thich Nhat Hanh - the initiator of the "Engaged Buddhism" movement on Western media in 2022 The purposes of this article are to position mixed methods research as the natural complement to traditional qualitative, quantitative, and semiotic research. This paper presents the main experiences gained and conclusions drawn from analyzing how Western media demonstrate the image of Zen Thich Nhat Hanh and his significant influence on Buddhism in the Occident by analyzing and evaluating media materials. Thereby, the authors wish that this paper will contribute more research materials on the image of the founder of the “Engaged Buddism” movement - Zen Thich Nhat Hanh during the year 2022. Keyword: Thich Nhat Hanh, engaged buddhism, mindfulness, peace activit, the Test
Nhóm sinh viên: Nguyễn Thái Kim Anh, Hoàng Thị Thanh Huyền, Nguyễn Trần Sùng, Đồng Minh Trang, Phạm Huyền Trang, Trần Thị Vinh, Đỗ Phương Yến Vy - Khoa Truyền thông và Văn hóa Đối ngoại, Học viện Ngoại giao *** CHÚ THÍCH [1] Aidyn Fitzpatriick, 2019, The Monk Who Taught the World Mindfulness Awaits the End of This Life, Time, link truy cập: https://time.com/5511729/monk-mindfulness-art-of-dying/, truy cập ngày 19/5/2023. [2] Thich Nhat Hanh: Extended Biography, Plum Village, link truy cập: https://plumvillage.org/thich-nhat-hanh/biography/, truy cập ngày 19/5/2023. [3] Phe, Bach; Simon Brinkmann, Robinson; W. Edward Bureau, 2016, A case study and manifestation of Thich Nhat Hanh’s vision of the Five Mindfulness Trainings, Dion Peoples (eds.) Journal of the International Association of Buddhist Universities, Jiabu Vol.9, No.2. [4] Quan Nhu - Pham Van Minh, 2002, “Nhat Hanh’s peace activities” in Vietnamese Engaged Buddhism: The Struggle Movement of 1963-1966, Nxb. Văn Nghệ, CA, USA, tr. 12. [5] Federica Biscardi, 2022, The “Engaged Buddhism” of Thich Nhat Hanh, link truy cập: https://www.unive.it/pag/14024/?tx_news_pi1[news]=11921&tx_news_pi1[controller] =News&tx_news_pi1[action]=detail, truy cập ngày 19/5/2023. [6] LGBTQIA+ là từ viết tắt của đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới, đồng tính hoặc đặt câu hỏi, liên giới tính, vô tính, v.v. Những thuật ngữ này được sử dụng để mô tả xu hướng tính dục hoặc bản dạng giới của một người. [7] Shiju Paul, 2022, Thich Nhat Hanh and Social Engaged Buddhism, Asean Research Center for Religion and Social Communication, link truy cập: https://www.asianresearchcenter.org/blog/essays/thich-nhat-hanh-and-socially-engage d-buddhism#:~:text=Venerable%20Thich%20Nhat%20Hanh%20revived,were%20at %20its%20foundational%20core, truy cập ngày 19/5/2023. [8] Trương Văn Chung, Thích Nhật Từ, 2021, Phật giáo dấn thân tại vùng Nam Bộ, Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh - trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Nxb. Hồng Đức, link truy cập: https://books.google.com.vn/books?hl=vi&lr=&id=tREfEAAAQBAJ&oi=fnd&pg=P A221&dq=ph%E1%BA%ADt+gi%C3%A1o+d%E1%BA%A5n+th%C3%A2n+th%C 3%ADch+nh%E1%BA%A5t+h%E1%BA%A1nh&ots=R60J0-KRfQ&sig=vcWjsq5A jJFzbThzF_7lt4l6bEI&redir_esc=y#v=onepage&q&f=true, truy cập ngày 19/5/2023. [9] James Ishmael, 2006, Zen master Who? A guide to the people and stories of Zen, Boston: Wisdom Publications, tr. 89-94. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Thư viện Phật Việt, 2022, Tiểu sử Thiền sư Thích Nhất Hạnh, link truy cập: https://thuvienphatviet.com/tieu-su-thien-su-thich-nhat-hanh/#_ftn1, truy cập ngày 20/05/2023. 2. Adrienne Minh-Châu Lê, Columbia University, Đạo Phật dấn thân và xây dựng đất nước Việt Nam trong các trang viết đầu tiên của Thích Nhất Hạnh, Kyoto Review, link truy cập: https://kyotoreview.org/issue-35/vietnamese-nation-building-early-writings-of-t hich-nhat-hanh-vi/#note-34379-4, truy cập ngày 20/05/2023. 3. Làng Mai, Đôi nét về Thiền sư Thích Nhất Hạnh, link truy cập: https://langmai.org/cuoc-doi-thien-su-thich-nhat-hanh/doi-net-ve-thien-su-thich -nhat-hanh/, truy cập ngày 05/2023. 4. Aidyn Fitzpatriick, 2019, The Monk Who Taught the World Mindfulness Awaits the End of This Life, Time, link truy cập: https://time.com/5511729/monk-mindfulness-art-of-dying/, truy cập ngày 19/5/2023. 5. Federica Biscardi, 2022, The “Engaged Buddhism” of Thich Nhat Hanh, link truy cập: https://www.unive.it/pag/14024/?tx_news_pi1[news]=11921&tx_news_pi1[con troller]=News&tx_news_pi1[action]=detail, truy cập ngày 19/5/2023. 6. Thich Nhat Hanh: Extended Biography, Plum Village, link truy cập: https://plumvillage.org/thich-nhat-hanh/biography/, truy cập ngày 19/5/2023. 7. Shiju Paul, 2022, Thich Nhat Hanh and Social Engaged Buddhism, Asean Research Center for Religion and Social Communication, link truy cập: https://www.asianresearchcenter.org/blog/essays/thich-nhat-hanh-and-socially- engaged-buddhism#:~:text=Venerable%20Thich%20Nhat%20Hanh%20revive d,were%20at%20its%20foundational%20core, truy cập ngày 19/5/2023. 8. Trương Văn Chung, Thích Nhật Từ, 2021, Phật giáo dấn thân tại vùng Nam Bộ, Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh - trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Nxb. Hồng Đức, link truy cập: https://books.google.com.vn/books?hl=vi&lr=&id=tREfEAAAQBAJ&oi=fnd &pg=PA221&dq=ph%E1%BA%ADt+gi%C3%A1o+d%E1%BA%A5n+th%C 3%A2n+th%C3%ADch+nh%E1%BA%A5t+h%E1%BA%A1nh&ots=R60J0- KRfQ&sig=vcWjsq5AjJFzbThzF_7lt4l6bEI&redir_esc=y#v=onepage&q&f=tr ue, truy cập ngày 19/5/2023. 9. Phe, Bach; Simon Brinkmann, Robinson; W. Edward Bureau, 2016, A case study and manifestation of Thich Nhat Hanh’s vision of the Five Mindfulness Trainings, Dion Peoples (eds.) Journal of the International Association of Buddhist Universities, Jiabu Vol.9, No.2. 10. Quan Nhu - Pham Van Minh, 2002, “Nhat Hanh’s peace activities” in Vietnamese Engaged Buddhism: The Struggle Movement of 1963-1966, Nxb. Văn Nghệ, CA, USA. 11. James Ishmael, 2006, Zen master Who? A guide to the people and stories of Zen, Boston: Wisdom Publications, tr. 89-94.
Bình luận (0)