Hoạt động của Trường TNPSXH do Thiền sư Thích Nhất Hạnh thành lập kéo dài suốt mười năm (1965-1975), trong suốt khoảng thời gian hoạt động của mình, TNPSXH luôn trung kiên với lý tưởng vì dân tộc, vì đạo pháp, vì hòa bình. Đồng thời thực hiện lý tưởng ấy bằng những hành động dựa trên nguyên tắc và tinh thần của Phật giáo nhập thế.
Đinh Tiên Phong - NCS Tiến sĩ Đại học Sư phạm Bắc Kinh Đoàn Thị Thanh Dung (Thích Nữ Quảng Thông) - NCS Tiến sĩ Đại học Sư phạm Bắc Kinh Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 9/2023
Tóm tắt: Năm 1965, ngay giữa khói lửa chiến tranh, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đứng ra thành lập một tổ chức với trách nhiệm chính là chăm lo tái thiết, phát triển đời sống của những vùng nông thôn nghèo khó, chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh, tổ chức này được thiền sư đặt tên là Trường Thanh niên phụng sự xã hội (TNPSXH). TNPSXH là nơi hội tụ của nững bạn trẻ không phân biệt vùng miền, tôn giáo, gồm cả xuất sĩ lẫn cư sĩ cùng nhau chung tay thực hiện lý tưởng phụng sự vì cộng đồng. Đây là một tổ chức có lý tưởng và nguyên tắc hoạt động theo tinh thần của Phật giáo nhập thế. Những đóng góp cho hòa bình dân tộc và an sinh xã hội của trường TNPSXH không hề nhỏ, là những giá trị cần được kết thừa và phát huy.
Từ khóa: Thanh niên phụng sự xã hội, Tinh thần lý tưởng, Nguyên tắc hoạt động.
1. Quá trình hình thành và phát triển của trường Thanh niên phụng sự xã hội
Cuối năm 1963, sau khi hoàn thành xong chương trình du học tại chủng viện Princeton, Hoa Kỳ, thiền sư Nhất Hạnh trở về lại Việt Nam. Ngay sau khi về đến Sài Gòn, trong một buổi gặp mặt với các bạn trẻ tại chùa Trúc Lâm, thiền sư Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho nhóm các bạn trẻ cần thực hiện ngay hai công việc sau: “Thứ nhất, mỗi tuần dành hẳn một ngày trọn vẹn để cùng nhau đến chùa Trúc Lâm tu tập, tĩnh lặng thân tâm và thảo luận kế hoạch hoạt động; Thứ hai, thiết lập một làng thí điểm nhằm tái thiết và phát triển nông thôn.”(1)
Tiếp theo đó, thiền sư Nhất Hạnh đã có buổi họp với các vị trong ban lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN), và đưa ra kiến nghị gồm ba điểm, trong đó nội dung của điểm kiến nghị thứ 3 viết: “Giáo hội nên xây dựng ngay một trung tâm đào tạo tác viên xã hội để về các vùng nông thôn giúp người nghèo-những người thiếu ăn, thiếu học, chưa biết cách tổ chức làng xã, nhằm thúc đẩy xã hội một cách bất bạo động, dựa trên giáo lý của Bụt.”(2)
Tuy nhiên kiến nghị thứ ba này của Thiền sư không được GHPGVNTN chấp thuận. Dẫu vậy vì tính bức thiết của dự án, với một tấm lòng thấu hiểu sâu sắc đối với dân nghèo dưới cảnh bom đạn, như chính Thiền sư từng bày tỏ “Từ đầu năm 1964, tôi thường đi lại các vùng quê với các thanh niên làm công tác xã hội, và do đó tôi biết được rõ rệt tâm lý của người dân quê... Nhà cửa ruộng vườn tan hoang hết cả, gia đình tan nát, mẹ mất con, vợ mất chồng, chiến tranh tiếp tục tàn phá.”(3) Vì thế, không chờ đợi vào sự yểm trợ của Giáo hội, thiền sư Nhất Hạnh ngay lập tức tự mình đứng ra cùng với các bạn sinh viên trẻ bắt tay chuẩn bị cho dự án.
Trước hết, thiền sư Nhất Hạnh hướng dẫn cho các bạn trẻ trong ban Xã hội của Đoàn sinh viên Phật tử đi điều tra và nghiên cứu một số xóm nghèo lân cận Sài Gòn để làm làng Tình thương thí điểm gọi là làng Hoa tiêu. Ngay sau đó, hai làng là Cầu Kinh và Thảo Điền được chọn làm thí điểm làng tình thương đầu tiên. Với hai thí điểm làng Tình thương này, dự án đã nhanh chống thu hút được sự quan tâm và tham gia ngày càng đông của các bạn sinh viên trẻ Sài Gòn, và những công tác chuẩn bị cần thiết nhất cho sự ra đời của một tổ chức TNPSXH xem như đã hoàn tất.
Trường Thanh niên phụng sự xã hội chính thức được thành lập
Sau những thành quả ngoài mong đợi gặt hái được từ hai thí điểm Cầu Kinh và Thảo Điền, mọi người trong dự án đều nghĩ về và gấp rút chuẩn bị cho việc thành lập trường TNPSXH, với niềm khát khao được phụng sự cộng đồng, với tấm lòng từ bi muốn nâng đỡ những xóm nghèo, với năng lượng tuổi trẻ muốn thay đổi tình cảnh của những mảnh đời bất hạnh trong khói lửa chiến tranh. Những khát vọng ấy, những tâm tư ấy, như chính người cha đẻ của trường TNPSXH thiền sư Nhất Hạnh từng thổn thức: “Chúng tôi đã làm xong một dự án về một tổ chức đào tạo những “Làng tự nguyện”. Những người này sẽ được huấn luyện kỹ lưỡng,... Họ sẽ hành động không vì lương bổng, quyền hành mà vì tình thương ý thức và trách nhiệm và ý thức tự nguyện. Họ sẽ là những người thanh niên... có đức tin, có chí nguyện biết khinh thường nếp sống trưởng giả và cầu an, biết tìm hạnh phúc trong phụng sự... Chúng tôi không có tiền bạc, nhưng chúng tôi đã có kế hoạch và rất nhiều thiện chí.”(4)
Chính trong niềm tâm tư cháy bổng của những trái tim khát khao phụng sự cho xã hội ấy, tháng 6 năm 1965, trường TNPSXH chính thức được thành lập. Tháng 9 năm 1965, trường chính thức trở thành một phân khoa trực thuộc Viện Đại học Vạn Hạnh, và khai giảng khóa học đầu tiên tại chùa Từ Nghiêm với 300 học viên.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, trường TNPSXH đã phải đương đầu với vô vàn những vất cả về hoàn cảnh, những thiếu thốn về cơ sở vật chất, tuy nhiên ý chí và khát khao phụng sự nơi những người trẻ ấy vẫn luôn cháy bỏng, luôn có một đời sống tinh thần đầy lạc quan, như Ni sư Chân Không từng tự thuật: “Nghèo thế mà vui vô cùng. Thầy nuôi chúng tôi bằng lý tưởng nên tuy sống nghèo và cực mà ai cũng hạnh phúc. Thỉnh thoảng thầy mời nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ vào hát với anh em sinh viên. Nhạc sĩ Phạm Duy vào trình bày Mười bài Tâm ca tuyệt vời.”(5) Chính nhờ nương vào một đời sống tinh thần đầy lạc quan và ý chí sắt đá ấy, đã giúp TNPSXH có thể vượt qua được mọi khó khăn và thử thách trong giai đoạn vừa mới thành lập trường.
Quá trình phát triển và kết thúc dự án
Không lâu sau khi thành lập, ban lãnh đạo Viện Đại học Vạn Hạnh, quyết định tách trường TNPSXH ra khỏi Viện. Sau khi trường TNPSXH bị tách khỏi Viện Đại học Vạn Hạnh, thiền sư Nhất Hạnh đã cùng ban Giám đốc của trường, quyết định lập tức dời trường về cơ sở mới ở Phú Thọ Hòa, điều động sinh viên đúc gạch, đào giếng và tự xây cất lấy cơ sở mới. Chùa được mọi người gọi với cái tên thân thương là Chùa Lá, sau đó thiền sư Nhất Hạnh đặt tên cho chùa là Chùa Pháp Vân.
Đầu tháng 5 năm 1966, thiền sư Nhất Hạnh rời Sài Gòn đến New York, bắt đầu cho hành trình kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế cho hòa bình ở Việt nam. Chỉ sau khoảng một tuần kể từ ngày thiền sư Nhất Hạnh rời Sài Gòn, trường TNPSXH đã bị một nhóm người lạ mặt tấn công bằng vũ lực, khiến một số sinh viên của trường bị bắt và bị thương.
Cuối tháng 4 năm 1967, một cuộc tấn công vũ lực của những kẻ lạ mặt lại một lần nữa nhắm vào trường TNPSXH. Cuộc tấn công này đã khiến 2 người tử vong, 16 người trọng thương. Hai tháng sau đó, tháng 6 cùng năm, tám bạn trẻ TNPSXH lúc đang khảo sát tại Bình Quới, bỗng nhiên mất tích không dấu vết sau một đêm, mọi người cố công tìm kiếm các em nhưng đều bất lực. Chỉ chưa đầy ba tuần sau đó, vào đầu tháng 7 năm 1967, tại xã Bình Phước, lại năm anh em TNPSXH bị những kẻ lạ mặt bắt bớ và đưa ra bờ sông hành quyết.
Những cuộc tấn công bất ngờ của những kẻ chủ mưu mà chưa ai từng biết họ là ai và vì cớ gì, đã mang lại cho gia đình TNPSXH những đau thương, mất mát, tiếc nuối đến khó tả. Nhưng những con người tay không tấc sắt, những thanh niên khát khao được phụng sự xã hội, những bạn trẻ tuyệt đối trung kiên với lý tưởng hòa bình và bất bạo động, vẫn không chùng bước trước những đau thương, mất mát ấy. Họ vẫn đang ngày đêm tiếp tục với lý tưởng phụng sự, vẫn quả cảm đi đến với những nơi nghèo đói xa xôi. Đây cũng chính là những thông điệp phụng sự, thông điệp hòa bình của TNPSXH gửi đến với mọi người, vì thế “Sau sự hy sinh này, số người thương TNPSXH lớn vô kể.”(6) Và số lượng các tác viên cũng tăng lên nhanh chống.
Đầu tháng 5 năm 1968, bom đạn oanh tạc liên tục vào khu vực Phú Thọ Hòa xung quanh chùa Lá, có hơn 11.000 người bồng bế nhau chạy vào chùa Lá xin lánh nạn. Lúc bấy giờ tại trụ sở chùa Lá chỉ còn đúng 37 tác viên nhưng vẫn đảm bảo chăm lo cho hơn một vạn đồng bào trong suốt hơn một tuần lễ.
Tháng 3 năm 1973, trong hội nghị Phật giáo Quốc tế tại BangKok, sau cuộc gặp gỡ giữa thiền sư Nhất Hạnh và hòa thượng Thiện Minh, Huyền Quang thay mặt GHPGVNTN đồng ý cùng trường TNPSXH đứng ra thành lập Ủy ban Tái thiết và Phát triển Xã hội (UBTTPTXH).
Song song với việc tái thiết và phát triển đời sống của các vùng miền nông thôn bị tàn phá nặng nề bởi bom đạn, UBTTPTXH cũng hỗ trợ hết lòng các công tác từ thiện của Giáo hội Phật giáo ở các tỉnh, như tìm người đỡ đầu cho hàng chục ngàn cô nhi. Ở nước ngoài, phái đoàn Hòa bình tìm cách quyên góp từ các tổ chức quốc tế, các tổ chức Chính phủ cho đến các tổ chức tư nhân. Sau đó chuyển về trực tiếp cho UBTTPTXH ở trong nước. Các tác viên của trường TNPSXH trực tiếp đảm trách thực hiện các dự án về tái thiết nông thôn và phát triển xã hội bị ảnh hưởng do chiến tranh.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, non sông trở về một mối, Nam Bắc trở về một nhà. Hòa chung trong niềm vui giải phóng, thống nhất của dân tộc, những đoàn thể, tổ chức hoạt động trong thời chiến vì hòa bình, vì dân nghèo, vì trẻ em mồ côi trong chiến tranh theo đó cũng đã hoàn thành sứ mệnh của mình, và khép lại dự án, trong đó có tổ chức TNPSXH. Trong chặng đường mười năm (1965- 1975) hoạt động TNPSXH đã cống hiến hếtmìnhcholýtưởng phụng sự xã hội, tận sức cho các chương trình thiện nguyện vì cộng đồng. Bên cạnh đó phải đối mặt với vô vàn những khó khăn, mất mát và đau thương để hoàn thành sứ mệnh phụng sự của mình, mang lại những gì ấm áp nhất, yêu thương nhất cho những mảnh đời bất hạnh giữa khói lửa chiến tranh.
2. Lý tưởng của Thanh niên phụng sự xã hội
Phụng sự hết mình cho xã hội
Đúng như tên gọi của tổ chức Thanh niên phụng sự xã hội, thì cố nhiên lý tưởng đầu tiên của tổ chức là hướng đến phụng sự hết mình cho xã hội, đây không chỉ là lý tưởng mà còn là cương lĩnh của chính tổ chức. Được sinh ra và lớn lên trong thời kỳ chiến tranh khóc liệt của dân tộc, với lý tưởng phụng sự hết mình cho cộng đồng, TNPSXH tập trung hướng đến yểm trợ cho những xóm làng nông thôn nghèo khó, những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của bom đạn, cưu mang những trẻ nhỏ mồ côi bất hạnh mà khói lửa chiến tranh đã cướp mất đi bố mẹ, người thân của chúng.
Đấu tranh đến cùng vì hòa bình
Tuy rằng mục đích và lý tường ban đầu của TNPSXH là nhằm tái thiết và phát triển các vùng nông thôn nghèo khó trên bốn phương diện: y tế, kinh tế, giáo dục và tổ chức. Nhưng mỗi một tác viên của TNPSXH đều hiểu được rằng, chỉ cần một ngày trên đất mẹ vẫn còn khói lửa của chiến tranh, vẫn còn bom đạn của hận thù, thì những miền quê nghèo hay thành thị xa hoa vẫn còn bị tàn phá; tình cảnh mẹ mất con, vợ mất chồng, trẻ mất cha, cứ thế vẫn mãi còn tiếp diễn, cho đến chừng nào hòa bình được thực sự lặp lại vàcó mặt. Bản thân họ, những tác viên TNPSXH đang đi dưới bom đạn để phụng sự cho cộng đồng, cũng là những người đang khao khát và ấp ủ lý tưởng đấu tranh cho hòa bình một cách mạnh mẽ phi thường. Họ yêu hòa bình trên tinh thần phi chính trị, đấu tranh vì hòa bình trên nguyên tắc bất bạo động.
Vực dậy đời sống vật chất và tinh thần của những vùng nông thôn nghèo đói
Có thể nói, đây chính là mụ tiêu ngay từ đầu bắt tay vào thành lập trường TNPSXH. Có thể thấy rằng, lý tưởng và mục tiêu này của TNPSXH được hình thành từ sự thấu hiểu sâu sắc về thực trạng lúc bấy giờ tại những vùng thôn quê nghèo đói của thiền sư Nhất Hạnh, như thiền sư từng chia sẻ rằng: “Học tập để kiểm điểm và thấy rõ tình trạng kinh tế xã hội và văn hóa trong thôn xóm và tìm cách đối trị. Ta tìm ra những nguyên nhân sau đây của sự chậm tiến: Người dân ít học, ít biết về các vấn đề y tế, kinh tế, văn hóa và xã hội; Người dân chưa biết cách tổ chức các hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ; Người dân có thái độ thụ động và trông chờ;”(7). Dựa trên sự nhìn nhận và thấu hiểu sâu sắc này, mà ngay từ những ngày đầu chuẩn bị cho sự ra đời của TNPSXH, thiền sư Nhất Hạnh đã đặt ra nhiệm vụ và lý tưởng rõ ràng của tổ chức là cống hiến hết mình để vực dậy đời sống vật chất và tinh thần của những vùng nông thôn nghèo đói, giúp họ có thể tự mình đứng dậy vượt ra khỏi sự nghèo đói ấy, xây dựng nên những xóm làng giàu mạnh về vật chất lẫn tinh thần, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, hướng đến sự phát triển bền vững của một xã hội hiện đại, dựa trên tinh thần của giáo lý đức Phật.
3. Tinh thần hoạt động của Thanh niên phụng sự xã hội
Tinh thần Bố thí Ba la mật
Những bạn trẻ TNPSXH làm tất cả công việc phụng sự xã hội với một tinh thần “Người trí thức về nhà quê giúp nông dân, nhưng không nghĩ mình là ‘người giúp đỡ’ và người dân là ‘người được giúp’, cả hai bên tương tức như cánh tay mặt và cánh tay trái, cùng đứng lên, cùng trách nhiệm, cùng tự nguyện thay đổi cuộc sống chung.”(8) Đây cũng chính là tinh thần “Bố thí Ba la mật” trong Lục độ Ba la mật, một tinh thần của sự bố thí cao đẹp nhất của những “trái tim Bồ tát” giữa đời thường, như trong kinh Kim cang viết “Bồ tát ư pháp ưng vô sở trụ hành ư bố thí, sở vị bất trụ sắc bố thí, bất trụ thanh hương vị xúc pháp bố thí. Tu bồ đề, Bồ tát ưng như thị bố thí, bất trụ ư tướng.”(9)
Tinh thần Bình đẳng bất nhị
Những tác viên TNPSXH lúc thực hiện các dự án của tổ chức luôn nêu cao tinh thần bình đẳng và vị tha. Tinh thần bình đẳng này được thể hiện rõ qua mỗi hành động của các tác viên, đối với họ mà nói, mọi người dân dưới bom đạn kia đều là đồng bào dân tộc Việt Nam, đều cùng chung một số phận, đều là nạn nhân của chiến tranh, không phân biệt Nam Bắc, không phân biệt vùng miền, không quan tâm người này là của tổ chức này, người kia là của tổ chức kia. Các tác viên TNPSXH chỉ ý thức rằng, nơi họ đang đến là những vùng tan hoang của chiến cuộc, là xóm làng của những kẻ cùng khổ, những người họ đang băng bó chăm sóc y tế đều là nạn nhân của chiến tranh. Như Ni sư Chân Không từng chia sẻ: “Khi trẻ em và người lớn bị đạn thì họ khổ đau như nhau và chúng tôi, những tình nguyện viên công tác giúp người thì không phân biệt đạn của bên này hay của bên kia.”(10)
Tinh thần Bất bạo động
Trong chặng đường mười năm hoạt động của mình TNPSXH đã phải gánh chịu vô vàn những đau thương, mất mát, sách nhiễu của nhiều thế lực dấu mặt. Nhiều tác viên của TNPSXH đã hi sinh, bị bắt bớ không lýdotrong quátrình thực hiện các chương trình vì cộng đồng. Đương đầu trước khủng bố và bạo lực, nhưng chưa một lần và chưa một ai trong gia đình TNPSXH có những hành động bạo lực để đáp trả, mà thay vào đó là những phương thức đấu tranh trung kiên với lý tưởng hòa bình và sắt son với tinh thần bất bạo động.
Đầu năm 1966, một hôm trước ngày rời Sài Gòn ra nước ngoài, thiền sư Nhất Hạnh đã có buổi nói chuyện thân mật và để lại cho các tác viên TNPSXH trong nước một bài thơ mang tựa đề “Dặn dò” trong đó có những đoạn viết:
Dù con người Có đổ chụp trên đầu em Cả ngọn núi hận thù Tàn bạo, Giết em, [...] Đày ải em vào hang sâu tủi nhục. Em vẫn phải nhớ lời tôi dặn: Kẻ thù chúng ta không phải con người...(11)
Đây là những lời dặn dò tha thiết từ tim can, chứa đựng tinh thần bất bạo động, không hận thù. Các tác viên TNPSXH trong suốt chặng hoạt động vẫn luôn trung kiên với tinh thần bất bạo động này.
4. Nguyên tắc hoạt động của Thanh niên phụng xã hội
Nguyên tắc “3 điểm: tình thương, trách nhiệm, tự nguyện”
Sự ra đời của trường TNPSXH đặt trên nền tảng của tình thương, hay nói cách khác là “Hiểu và Thương”, nghĩa là hiểu thấu sâu sắc thực trạng khó khăn, tình cảnh bi đát của những mãnh đời bất hạnh nơi những xóm làng nghèo đói, gánh chịu sự tàn phá của chiến tranh. Hiểu thấu được thực trạng của những vùng quê nghèo, thì những tác viên TNPSXH mới có thể sinh khởi một từ bi tâm rộng lớn, từ đấy mới có thể gắn kết trách nhiệm của tự thân với trách nhiệm phụng sự vì cộng đồng. Nguyên tắc “Tự nguyện” ở đây được hiểu từ cả hai phía, thứ nhất các tác viên TNPSXH tự nguyện dấn thân phụng sự, tự nguyện đi về nơi các vùng thôn quê nghèo đói, giúp đỡ những người dân quê tái thiết và cải tổ đời sống của họ. Thứ hai, bản thân những người dân quê phải tự nguyện vượt ra khỏi thói quen thụ động trông chờ,tự nguyện đứng dậy cùng các tác viên TNPSXH tổ chức lại lối sống, cải tổ lại sản xuất, cùng nhau chung tay tái thiết và phát triển thôn xóm của chính mình. Như thiền sư Nhất Hạnh từng bày tỏ: “Ta không nên thụ động ngồi đó mà chờ chính quyền (chỉ chính quyền Việt Nam Cộng hòa lúc bấy giờ) giúp ta thoát khỏi nghèo túng, bệnh tật và thiếu học. Chúng ta chờ đợi đã quá lâu rồi, chúng ta nên tự mình xây dựng cho mình trước. Tinh thần tự lực này quả đúng là tinh thần ‘tự mình thắp đuốc lên mà đi’ của đạo Phật.”(12) Chỉ khi “người hỗ trợ” và “người được hỗ trợ” đều tuân thủ theo nguyên tắc đôi bên cùng tự nguyện này thì lý tưởng và mục đích vực dậy đời sống vật chất và tinh thần của những vùng nông thôn nghèo đói mới gặt hái được thành công.
Nguyên tắc “3 cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm”
Lúc về đến thôn xóm, tất cả tác viên TNPSXH đều phải sẻ chia miếng ăn thức uống với dân làng, không cầu thị, không đòi hỏi. Xin ở nhờ trong nhà của các người dân xóm nghèo để có cơ hội gần gũi hơn và thấu hiểu hơn tình cảnh và nguyện vọng của dân làng. Đồng thời mỗi tác viên TNPSXH cũng đều phải bắt tay cùng lao động, cùng thực hiện những kế hoạch, dự án nhằm tái thiết đời sống của dân làng. Mỗi một tác viên TNPSXH lúc đặt chân về làng là như một thành viên đích thực của thôn xóm ấy. Thiền sư Nhất Hạnh từng chia sẻ: “Các tác viên về thôn làng, chơi với trẻ em, dạy các cháu đọc, dạy các cháu viết và múa hát. Đến khi dân làng bắt đầu quý mến các tác viên, chúng tôi mới đề nghị xây dựng trường học cho các cháu...Sau khi dựng trường, chúng tôi dựng trạm y tế để phát các loại thuốc chữa những căn bệnh thông thường cho dân làng.”(13) Đây là nguyên tắc và cũng là chiến lược của các tác viên TNPSXH lúc mới bắt đầu đi về một vùng thôn quê nghèo khó mà đôi bên đều chưa quen biết lẫn nhau, vẫn chưa có thiện chí với nhau, thì nguyên tắc “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” chính là nhịp cầu vững chắc gắn kết và bện chặt các tác viên TNPSXH cùng với mọi người trong xóm nghèo, khi mà trong thời buổi loạn lạc của chiến tranh thì niềm tin và hi vọng là những thứ không dễ có và khó giữ.
Nguyên tắc “Trung lập về chính trị”
“Nguyên tắc của trường TNPSXH là không dính dáng tới các thế lực chính quyền và chính trị. Trường không hề nhận tài trợ của Bộ Xã hội của chính phủ Việt Nam Cộng hòa hay từ những chương trình xã hội được chính phủ Hoa Kỳ tài trợ.”(14) Nguyên tắc trung lập về chính trị này chính là chuẩn mựcđảm bảochoquá trình hoạt động của trường TNPSXH luôn hướng đến mục đích thuần túy là phụng sự cộng đồng, thiện nguyện xã hội, tránh khỏi sự cám dỗ, lôi kéo và lợi dụng của những tổ chức, phe phái chính trị. Sự trung lập về chính trị cũng đảm bảo và khẳng định một điều rằng, mọi hoạt động, mọi dự án của TNPSXH đều vì lợi ích của những người dân nghèo, của những trẻ mồ côi, cuả những vùng miền ảnh hưởng nặng nề bởi bom đạn, thiên tai, chứ không vì lợi ích của bất kỳ một đoàn thể hay tổ chức nào.
Nguyên tắc “Phụng sự phải song hành với tu tập”
Thiền sư Nhất Hạnh rất coi trọng việc các tác viên TNPSXH trong quá trình phụng sự cần phải thực hiện song song với việc tu tập, chuyển hóa tự thân. Bởi lẽ trên con đường phụng sự vì cộng đồng ấy, các tác viên trẻ của TNPSXH chắc chắn không tránh khỏi những nghịch cảnh, những buồn thương hay những mất mát. Những điều này như những chướng ngại, phiền não, khổ đau đè nén, áp bức lên trên vườn tâm của họ, lâu dần sẽ khiến họ đuối sức, tuyệt vọng và gục ngã ngay chính trên con đường phụng của mình, “Bởi vì nếu bạn không tu tập trong khi phụng sự, bạn sẽ đánh mất mình, tinh thần bị kiệt quệ, và đó không phải là đạo Bụt dấn thân”(15). Cho nên “phụng sự phải song hành với tu tập” không chỉ là nguyên tắc mà còn là chiếc phao cứu sinh cho các tác viên nắm giữ được bình an, vững chãi và chế tác được năng lượng trong quá trình phụng sự mỗi khi họ biết trở về để tự chăm sóc cho mãnh vườn tâm đang đầy dẫy những xáo trộn.
Qua đó đủ cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của yếu tố tâm linh và công năng của sự tu tập chính niệm chuyển hóa thân tâm trong quá trình thực hiện các dự án, dù cho đấy là các dự án về thiện nguyện xã hội, phụng sự cộng đồng đi chăng nữa, thì vẫn không thể thiếu đi chất liệu của vững chãi và năng lượng của bình an ở trong mỗi hành động.
Kết luận
Hoạt động của Trường TNPSXH do Thiền sư Thích Nhất Hạnh thành lập kéo dài suốt mười năm (1965-1975), trong suốt khoảng thời gian hoạt động của mình, TNPSXH luôn trung kiên với lý tưởng vì dân tộc, vì đạo pháp, vì hòa bình. Đồng thời thực hiện lý tưởng ấy bằng những hành động dựa trên nguyên tắc và tinh thần của Phật giáo nhập thế. Tất cả đấy như những làn gió mát, những hơi thở mới của một thế hệ thanh niên Phật tử đầy đủ các phẩm hạnh Bi, Trí, Dũng đóng góp vào cho sự nghiệp hòa bình dân tộc, an sinh xã hội trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Những đóng góp to lớn của TNPSXH xứng đáng được tuyên dương, và những giá trị cốt lõi của TNPSXH cần được gìn giữ và phát huy.
Đinh Tiên Phong - NCS Tiến sĩ Đại học Sư phạm Bắc Kinh Đoàn Thị Thanh Dung (Thích Nữ Quảng Thông) - NCS Tiến sĩ Đại học Sư phạm Bắc Kinh Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 9/2023 ***
CHÚ THÍCH: (1) Tăng thân làng Mai, (2022), Lễ tâm tang thiền sư Thích Nhất Hạnh, NXB Thế giới, Hà Nội, trang 74. (2) Tăng thân làng Mai, (2022), Lễ tâm tang thiền sư Thích Nhất Hạnh, NXB Thế giới, Hà Nội, trang 75. (3) Thích Nhất Hạnh, (1967), Hoa sen trong biển lửa, NXB Lá Bối, Sài Gòn, trang 87. (4) Thích Nhất Hạnh, (2015), Nẻo về của ý, NXB Hồng Đức, Hà Nội, trang 226-227. (5) Thích Nữ Chân Không, (2019), Con đường mở rộng, NXB Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội, trang 156. (6) Thích Nữ Chân Không, (2019), Con đường mở rộng, NXB Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội, trang 209. (7) Thích Huyền Quang, Thích Nhất Hạnh, (2015), Đạo Phật áp dụng vào đời sống hằng ngày, NXB Phương Đông, Tp.Hồ Chí Minh, trang 125. (8) Thích Nữ Chân Không, (2019), Con đường mở rộng, NXB Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội, trang 118. (9) Xem Diêu Tần Cưu ma la thập dịch, Kim cang bát nhã ba la mật kinh, Đại chính tạng, quyển 8, số 235, trang 749a. (10) Thích Nữ Chân Không, (2019), Bước chân hộ niệm hơi thở từ bi, NXB Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội, trang 132. (11) Thích Nhất Hạnh, (2015), Tuyển tập thơ Tiếng đập cánh loài chim lớn, NXB Hội nhà văn, Hà Nội, trang 21-22. (12) Thích Huyền Quang, Thích Nhất Hạnh, (2015), Đạo Phật áp dụng vào đời sống hằng ngày, NXB Phương Đông, Tp.Hồ Chí Minh, trang 123. (13) https://langmai.org/cong-tam-quan/dong-tu-tiep-hien/dong-tu-tiep-hien-va-con-duong-phung-su/, 22:30 16/8/2022. (14) Tăng thân làng Mai, (2022), Lễ tâm tang thiền sư Thích Nhất Hạnh, NXB Thế giới, Hà Nội, trang 89. (15) Tăng thân làng Mai, (2022), Lễ tâm tang thiền sư Thích Nhất Hạnh, NXB Thế giới, Hà Nội, trang 108.
TÀI LIỆU THAM KHẢO: [1] Diêu Tần Cưu ma la thập dịch, Kim cang bát nhã ba la mật kinh, Đại chính tạng, quyển 8, số 235. [2] Thích Huyền Quang, Thích Nhất Hạnh, (2015), Đạo Phật áp dụng vào đời sống hằng ngày, NXB Phương Đông, Tp.Hồ Chí Minh. [3] Thích Nhất Hạnh, (1967), Hoa sen trong biển lửa, NXB Lá Bối, Sài Gòn. [4]Thích Nhất Hạnh, (2015), Nẻo về của ý, NXB Hồng Đức, Hà Nội. [5] Thích Nhất Hạnh, (2018), Phép lạ của sự tỉnh thức, NXB Hồng Đức, Hà Nội. [6]Thích Nhất Hạnh, (2015), Tuyển tập thơ Tiếng đập cánh loài chim lớn, NXB Hội nhà văn, Hà Nội. [7] Thích Nữ Chân Không, (2019), Con đường mở rộng, NXB Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội. [8]Thích Nữ Chân Không, (2019), Bước chân hộ niệm hơi thở từ bi, NXB Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội. [9]Tăng thân làng Mai, (2022), Lễ tâm tang thiền sư Thích Nhất Hạnh, NXB Thế giới, Hà Nội. [10] Thích Giác Giới, Phụng sự tối thượng, Báo Giác ngộ , số 1150.2022. [11] https://langmai.org
Bình luận (0)