Ý nghĩa Thiện tri thức mở ra mối liên hệ nhân duyên khởi hệ từ ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai lại thêm phần xác quyết về tính nhất quán, viên dung nơi giáo nghĩa giải thoát qua các thời kỳ.
Tác giả: Thích nữ Bảo Giác
Then chốt của sự giải thoát nằm ở chỗ chuyển hóa nhận thức, thấy biết. Khổ đau, niềm vui đều tới lui vận hành để khảo nghiệm bản chất thực của mỗi người. Với hai phẩm Đề-bà đạt-đa và Thường Bất Khinh Bồ tát, Thiện tri thức mang tầm ý nghĩa lay chuyển ý thức hệ có bộ rễ ăn sâu trong tâm thức.
Đến phẩm Diệu Trang Nghiêm Vương, vai trò Thiện tri thức không dừng lại ở tuổi đời, kinh nghiệm. Mặc định kiên cố về Thiện tri thức đến đây lại sang một tầm nhìn mới, trong sự thân thiết, gần gũi gia đình. Kinh Kim cương nói không “ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả”[1] cũng chính mang nghĩa ngược hai bờ đoạn-thường của kiến giải ngoại đạo, chỉ ra quy luật nhân quả trong lý nhân duyên.
Con người, cuộc sống đều chịu chi phối trong vòng tròn nhậm vận đó. Câu chuyện hai người con Tịnh Tạng, Tịnh Nhãn tha thiết cầu xuất gia, lại cảm hóa Vua cha tin kính giáo pháp Phật đà bằng phương cách đầy xác chứng trong việc thực hành tu học. Mối quan hệ gia đình Diệu Trang Nghiêm Vương, phẩm 27 tựa như bức tranh đại diện, thí dụ về tính duyên sinh trong vai trò Thiện tri thức.
Xuất gia ngoài nghĩa ra khỏi nhà thế tục, thì lớp nghĩa thứ hai là vượt thoát phiền lụy nhân gian. Xuất là trừ mọi não loạn, phát đại tinh tiến, đoạn gốc ba độc nhiễm ô, an trụ tịnh giới, tăng trưởng pháp lành, định lực trang nghiêm, tuệ giác tròn sáng cho chúng sinh, dẫn Kinh Đại Trang Nghiêm Pháp Môn:
“Người phụ thuộc vào giới, gọi là xuất gia. Người phá giới, không được gọi là xuất gia. Người phụ thuộc thiền định, gọi là xuất gia; người loạn tâm, không được gọi là xuất gia. Phụ thuộc vào trí tuệ, thì gọi là xuất gia, ngu si không được gọi là xuất gia. (Người) phụ thuộc giải thoát, gọi là xuất gia, xa lìa giải thoát, không gọi là xuất gia”[2].
Truyền thống kinh điển thuộc hệ phái nào, vốn không phân biệt đều chung về dòng chảy thẳng về đại dương mênh mông, gồm thâu đủ tính của giáo pháp là chỉ ra sự khổ và con đường diệt khổ. Muốn nhận được pháp vị nguyên sơ đó, thì con đường xuất thế như bậc thang đầu tiên đưa người chạm đến cánh cửa giác ngộ “Những thiện nam tử nào trong thời quá khứ, này các Tỷ-kheo, đã chân chính xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình... sẽ chân chính xuất gia... tất cả những vị ấy làm như vậy để như thật chứng ngộ bốn Thánh đế này”[3].
Trong vạn điều thiện để hiếu đền, ơn nghĩa mẹ cha ở đời, không gì bằng xuất gia. Nhà Nho lấy giữ gìn thân mạng mà cha mẹ đã cho, không làm tổn hại, xây dựng công danh làm rạng rỡ gia đường đó là đạo hiếu. Đạo Phật quan niệm chữ hiếu trên tinh thần báo ân trọn vẹn không chỉ đơn thuần phụng dưỡng, vâng lời.
“Thực hành đạo hiếu chẳng phải ở nơi việc sát sinh, mà cốt ở sự khuyến thiện. Nếu cha mẹ có lỗi, ắt phải can gián; nếu can gián ba lần mà chẳng nghe, ắt phải buồn khóc. Nếu chẳng làm được như vậy, cho dù hằng ngày phụng dưỡng thịt cá linh đình cũng gọi là bất hiếu”[4].
Ngoài ra còn thể hiện tinh thần hiếu hạnh một cách cao cả đối với cha mẹ hiện đời là bằng việc quy y Tam bảo. Như vậy, Phật giáo không chỉ đề cao trên phương diện dâng hiến vật chất mà cả thực nghiệm tu tập tâm linh. Trong tác phẩm Lý Hoặc Luận, Mâu tử cho rằng trong nhà hiếu thảo cha mẹ, ra ngoài xã hội cứu dân độ thế, khi ngồi một mình khéo tu thân.
Lại có thể liên kết mối quan hệ xã hội sống theo hạnh nguyện lý tưởng Bồ tát, độ mình chính là độ người. Như vậy, tâm hiếu chính là hạnh nguyện sống theo tinh thần Tứ ân:
“Cha già là Phật Thích Ca
Mẹ già như thể Phật Bà Quan Âm
Nhớ ngày xá tội vong nhân
Lên chùa lạy Phật đền ân sinh thành”.
Phật giáo đề cao tầm quan trọng của hiếu hạnh “Hiếu là gốc của trăm Hạnh”[5]. Kinh lấy hiếu làm tâm tông, Luật lấy hiếu làm giới ngăn giữ. Hiếu đứng đầu muôn hạnh, cảm đến trời thì mưa gió thuận hoà, cảm đến đất thì muôn vật xanh tươi, cảm đến người thì vạn lành đua tới. Đức Thích ca thành đạo còn quay về quê hương giác tỉnh cho vua Tịnh-phạn. Khi Cha mất, đích thân ghé vai khiêng quan tài cùng tôn giả A-nan và La-hầu-la để nêu gương cho hậu học chớ quên ân đức cha mẹ.
Ngày nay, lễ giáo này còn được lưu truyền trong phong tục đám hiếu của miền Bắc và nét đẹp văn hoá truyền thống của người dân đồng bào Khơme. Điều này cho thấy giáo lý nhà Phật thiết lập nền giáo dục nhân loại cũng khởi đầu bằng việc tiếp nhận văn hoá hiếu hạnh. Đạo lý giải thoát khổ đau, chứng ngộ Niết bàn cũng bắt đầu từ nhân bản hiếu.
Xem trọng chữ Thiện, đặt hiếu hạnh làm nền tảng xây dựng đạo đức con người mới là chính nhân. Giá trị định lượng công đức giữa tại gia và xuất thế được xác quyết nơi tâm, nên trong Kinh Văn-Thù-Sư-Lợi Vấn:
“Tất cả công đức không bằng tâm xuất gia. Vì sao? Vì tại gia có vô lượng lỗi lầm, xuất gia có vô lượng công đức...Tại gia là bờ sinh tử, xuất gia là bờ Niết bàn. Tại gia là chỗ đọa lạc, xuất gia là không còn đọa lạc...Tại gia cầm cờ phướn của ma vương, xuất gia cầm cờ phướn của Phật”[6].
Giáo nghĩa Phật đà không giới hạn công đức, không đưa đến sự phân biệt rộng sâu, nhưng bởi chúng sinh nhân hình tướng mà biểu đạt nên chia cao thấp. Xuất gia vốn không phải việc kẻ nhân lượng nhỏ hẹp mà có thể suy lường, chỉ có bậc trượng phu nơi đời mới dám lập chí, noi gương. Bờ mé giữa hai đầu sinh tử - giải thoát hoàn toàn phục thuộc nơi nhận thức, ý niệm nên tri kiến cần khai thông của chúng sinh mới cầu một người thầy thiện trí.
Nên trong phẩm Diệu Trang Nghiêm Vương với sự hiền dịu của phu nhân Tịnh Đức (phu nhân của vua Diệu Trang Nghiêm) nói với hai con Tịnh Tạng, Tịnh Nhãn: “cha các con tin theo ngoại đạo, ham đắm pháp Bà la môn... các con nên tưởng nhớ đến cha các con, hiện thần biến tướng, cho lòng cha được thanh tịnh”[7] đã chỉ pháp hiếu thảo cho các con, vừa đủ duyên đưa Vua về nẻo chính.
Khởi nguyên cho nét văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam, nguyên phẩm Diệu Trang Nghiêm Vương, tôn vinh tinh thần hiếu hạnh của hai người con đối với cha mẹ, trước khi xuất gia tu học. Ngang qua ý nghĩa này, phần nào hiểu được sự đồng nhất về chữ hiếu cũng không khác chữ thiện, không phân chia quốc độ, thổ nhưỡng. Cũng vậy, xuất gia là hành động cá nhân nhưng bao trùm nghĩa lợi tha lại gồm thâu sự báo hiếu rốt ráo trong mối tương quan không gian, thời gian.
Mọi hiện hữu trên thế gian đều là tướng trạng cho đại diện chứ không phải là riêng biệt. Như bông hoa không chỉ mang nét đẹp tách biệt, mà còn mang ý nghĩa nhân duyên. Tuy các yếu tố tạo nên bông hoa đẹp không lấy gì liên quan nhưng sự thật thì không thể thiếu như ánh sáng, phân bón, sâu trùng...Sự vay mượn đó nếu để bông hoa biết được thì niềm kiêu hãnh có còn sinh khởi.
Cũng thế, con người luôn tự, mạn ở bản ngã mà quên mất những nhân duyên đang đắp đổi quanh ta, từ tinh cha máu mẹ hợp thành thân thể, cơm gạo hàng ngày tích lũy dưỡng nuôi, dù gián tiếp, trực tiếp, từ lá cây, cọng cỏ đến vũ trụ, đất trời. Và nguyên lý duyên sinh khởi diệt của Thế Tôn trước đây hơn 2000 năm đã chỉ ra sự thật đó.
Duyên khởi là giáo lý cốt yếu mà đức Phật sau khi thành đạo dưới gốc bồ đề, đã dành bảy ngày để chứng nghiệm an lạc giải thoát. Vào ngày cuối, đầu đêm, giữa đêm, Thế Tôn quán xét nhân duyên theo chiều thuận, nghịch “khi cái này (nhân) có thì cái kia (quả) có, với sự phát sinh cái này (nhân) thì cái kia (quả) phát sinh, cái này diệt thì cái kia diệt, với sự chấm dứt cái này, thì cái kia chấm dứt”[8].
Tính chất của thập nhị nhân duyên là sự thấy rõ, biết rõ (tuệ tri) để soi rọi tiến trình sinh tử luân hồi trong ba cõi sáu nẻo. Sự hiện diện của bậc thầy Thiện tri thức, mà đại diện là Phật hoàn toàn khác biệt, ở sự chỉ ra khổ đau, không phải để dọa nạt, khiến sợ hãi, hoang mang cho chúng sinh mà còn đem đến sự chuyển hóa, đưa tới an lạc rốt ráo. Lý duyên sinh là chân đế, sự thật đệ nhất nghĩa, chỉ có thể chứng thực bằng bát nhã chiếu soi, trực giác như thị thay vì dùng ý thức phân biệt, lý luận, vọng khởi.
Nên nhận định Phật giáo không dừng ở triết học, lý thuyết, quan điểm, lập trường, đưa lên đong đếm với các tôn giáo, làm xa rời mục đích giải thoát, giác ngộ. Khái niệm, tư duy, trí năng sẽ bị bỏ xa và lu mờ trước ánh sáng chân lý bất biến. Hằng số duy nhất chỉ có thành Phật mới là cuối cùng, như trăng chân lý, ngón tay chỉ đều là phương tiện thiện xảo.
Giống như bậc chính pháp tướng quân, Xá-lợi-phất “tự thấy rất cảm thương, vì như bị mất vô lượng tri kiến của Như lai...song vì không hiểu Phật tùy cơ phương tiện nói pháp. Nên khi mới nghe Phật nói pháp đã vội tin theo, suy nghĩ để chứng lấy”[9]. Đương cơ bộ kinh cũng chính là hậu học ngày nay, cứ vội chấp lấy một pháp môn, phương tiện quyền biến rồi tự thị đã đủ, quên mất bản thân cũng là con của đấng Như Lai, “từ pháp hóa sinh, được phần pháp của Phật”[10].
Chủ quyền gốc vốn tồn tại ngay từ khi sinh ra, bởi mải miết nắm chặt sáu trần, bằng lòng để cuộc đời nổi trôi vô định. Do những nguyên nhân chồng chất đó của chúng sinh mà đức Minh Hạnh Túc xuất hiện ra đời, như vị thầy tuyên thuyết vô số lời dạy qua ngôn ngữ hạn hẹp để tạm chỉ hóa thành. Không bàn tới tiến hóa vũ trụ, nguồn gốc sinh-hoại, thành-không hỗn mang, giáo lý 12 nhân duyên lấy con người làm trung tâm.
Mọi giả hợp ngũ uẩn, căn trần xứ giới, danh sắc, đã tự tóm thâu trong mối tương quan gia đình, xã hội, giáo dục, an sinh, môi trường, văn hóa, chính trị…mang tính tất yếu tự thành. Bậc toàn tri diệu giác, chỉ dạy những phương cách trị tận căn nguyên, nhân cội như vị thầy lương y giỏi cho thuốc. Tu tập tuệ tri, hiện quán, thực chứng tiến trình tâm sinh khởi, vận hành trong mối quan hệ căn-trần-thức, vượt khỏi hạn cuộc chữ nghĩa chính là con đường mau nhất để thành tựu pháp duyên khởi bởi “ai thấy pháp tức thấy Như lai”[11].
Ý nghĩa Thiện tri thức mở ra mối liên hệ nhân duyên khởi hệ từ ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai lại thêm phần xác quyết về tính nhất quán, viên dung nơi giáo nghĩa giải thoát qua các thời kỳ. Nhờ có nhân duyên sinh, diệt mà có đổi thay, xã hội có tiến bộ, con người có trưởng thành. Chối bỏ vô thường, trốn tránh sự thật, hay chán ghét định luật này là còn suy nghĩ mê lầm, tự dối.
Từ những hiểu biết trên với ánh sáng duyên khởi, đã làm sáng tỏ những tồn tại và gặp gỡ trong cuộc đời thêm phần ý nghĩa. Bao trùm trong đó là Thiện tri thức với vai trò quan trọng, vượt thời gian, không gian. Mọi tạo tác ở quá khứ, tiếp nối đến hiện tại, vị lai khi hợp thời, đã định về mối quan hệ gia đình, bạn bè, xã hội. Duyên sâu, cạn, oán ân cũng đã có lời giải để mọi nghịch cảnh, trách than, tiếc phận được ứng dụng trong đời sống đầy đổi thay mà không chút sợ hãi, hối cùng.
Phẩm Diệu Trang Nghiêm Vương, cũng cùng như hai phẩm trên, mang một điều trái ngược đến người tụng đọc khi nói:
“Bạch đức Thế tôn, hai người con đây đã làm Phật sự, dùng sức thần thông biến hóa, chuyển tâm tà kiến của con, khiến cho con an trụ trong Phật pháp, được thấy đức thế tôn. Hai người con đó là Thiện tri thức của con, vì muốn cho con phát khởi căn lành đời trước, nên làm lợi ích lại sinh vào nhà con”[12].
Xét về khía cạnh tâm lý, hai người con Tịnh Tạng, Tịnh Nhãn, lòng yêu kính với mẹ và thương xót cha nên dùng đủ mọi phương tiện, tùy ý thích mà khiến niềm tin kính nơi vua cha được phát khởi, ham thích, đồng ý thân cận, cúng dàng đến Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí. Trước tâm nguyện xuất gia của hai người con khi tha thiết cầu khẩn:
“Xin mẹ cho chúng con
Xuất gia là sa môn
Chư Phật rất khó gặp
Chúng con theo Phật học
Như hoa Ưu đàm bát
Gặp Phật lại khó hơn
Thoát các nạn rất khó,
Xin cho con xuất gia”[13].
Sinh trong gia đình tà kiến, cha theo Bà-la-môn, Tịnh Tạng, Tịnh Nhãn có được đại thần lực, phúc đức trí tuệ, sáu ba la mật, tứ vô lượng tâm, ba bảy phẩm trợ đạo thông suốt vô ngại, cùng các môn tam muội, đều mong muốn ly gia xuất thế, mà cầu mẹ xin cha. Nếu muốn xuất gia, điều này không khó với hai người, nhưng với lời dạy thấu tình đạt lý từ người mẹ hiền đức thì thấy vị trí, tâm ý của người phụ nữ trong gia đình như giữ cán cân hòa giải.
Dạy con ngoan, kính trọng Cha, đúng cương vị, không lấn át đã làm nên nét đẹp của người vợ đảm, nhu nhuyến cần có nơi người nữ. Thân là con, đã mấy ai hội đủ được sự hiếu kính như hai vị, cũng vì nghe lời mẹ dạy mà khởi tâm thương kính cha đang lầm đường lạc lối trong tà kiến. Người cha, cũng nhờ hiện thân biến tướng của hai con mà nhận thức ra sai lầm vội quay về chính đạo.
Mọi duyên thuận ý, như được an bài sắp xếp thứ tự, hợp với tâm thức chúng sinh, từ diễn biến tâm lý đến tương ứng hành động “vì trồng căn lành thì đời đời kiếp kiếp được gặp bậc Thiện tri thức, chỉ bảo cho điều lợi ích an vui, khiến cho vào đạo vô thượng chính đẳng chính giác”[14].
Công phu tu tập như hai ngài Tịnh Tạng, Tịnh Nhãn còn sợ lạc đường trong cảnh gia duyên buộc ràng mà xuất gia cầu thoát, nhưng cũng không vì ích kỷ bản thân mà quên công sinh, ơn dưỡng. Một lần nữa, Thiện tri thức lại mang một hình tướng mới, không chỉ dừng lại ở những bậc trưởng thượng, đáng tuổi cha ông, mà có thể ngược lại ở vị trí người con, người nhỏ.
Phạm vi phẩm 27 tuy ngắn, nhưng đầy ý tứ sâu xa, tế nhị, qua cuộc sống gia đình gần gũi. Không rời tục đế, chân đế vẫn luôn hằng hữu, hiện bày trước nhãn quan của bậc Thiện tri thức (qua sự khuyên nhủ của phu nhân Tịnh Đức). Đến đây, Thiện tri thức như lại được mở ra xoay quanh giữa các mối quan hệ gia đình. Cương vị hai người con đưa đến lợi ích cho cha thì vai trò người mẹ cũng nhân đây mà được nâng cao trong vị thế hòa hợp, kết nối.
Hình ảnh Thiện tri thức, gần như không có bó hẹp ở người nam mà đến như nữ nhân cũng có thể, Pháp hoa đề cương của thiền sư Minh Chánh có ghi: “Vua Diệu Trang Nghiêm đại diện cho người tu hành, có bên cạnh là Tịnh Đức phu nhân biểu tượng cho chính trí tuệ, Tịnh Tạng là chính tri, Tịnh Nhãn là chính kiến”[15].
Gộp chung đủ cả ba làm Thiện tri thức, lại khéo dụng tâm sáng suốt mà phá lưới điên đảo của thức tâm si mê khi tự mình sợ hãi rồi vơ nhận đấng Thần linh bên ngoài để dựa dẫm. Trong văn tiết này như đồng với phần năm vọng ấm kinh Lăng nghiêm mà viết kệ rằng:
“Vô thủy luân hồi ái là căn
Đuổi theo tà ác thọ sinh thân
Xoay về tịnh tạng gieo lời thỉnh
Khéo độ trang nghiêm tin chính nhân
Chẳng lại tự theo tâm hạnh ác
Từ nay nguyện thích Phật năng nhân
Đấy nêu gặp được chân tri thức
Hay chuyển Bồ Đề bất thoái luân”[16].
Nội dung phẩm này là bức thông điệp báo hiếu đầy cao tột trong giáo pháp đức Như Lai. Chăm sóc, hầu hạ song thân, hướng cha mẹ về con đường chính pháp với tâm chân thành, cung kính như sự hiện diện của chư Phật thì cảnh giới tu hành cũng tự nhiên thành tựu. Một vài quan điểm cho rằng xuất gia là vô tình, vô nghĩa bỏ quên ơn sinh nghĩa dưỡng nhưng lại quên rằng trong bách hiếu thì trên đền bốn ân nặng (ân Phật, quốc gia, chúng sinh, cha mẹ), dưới cứu độ tam đồ mới chính thực rốt ráo.
Đưa hai đấng sinh thành quy y, tu tập trong chính pháp, kết duyên thiện lành là gieo mầm bồ đề quyến thuộc nhiều kiếp nhưng không bị vòng dây luân hồi, ái luyến trói buộc. Hai vị Tịnh Tạng, Tịnh Nhãn trong phẩm chính là hình ảnh Thiện tri thức chỉ dạy cho hậu thế về gương sáng tu tập có cao siêu, vượt thoát ba cõi cũng lấy nền tảng nhân đạo làm gốc.
Tiêu chuẩn một con người lấy hiếu làm căn bản, tròn bổn phận của người làm con mới mong hướng đến quả vị Phật, vượt thoát ba cõi. Ý nghĩa bao trùm vạn hữu không gì hơn giải thoát, cho chính mình và tha nhân, đặc biệt là cha mẹ bởi ơn đức cù lao, khó báo. Xuất gia chính yếu là con đường tận hiếu duy nhất có thể đưa người về cảnh an lành trong đức tướng trang nghiêm giống như Phật không khác.
Trước khi bước đến một chân trời rộng lớn với kho tàng tri thức vĩ đại của nhân loại, thì cha mẹ chính là người thầy, Thiện tri thức đầu tiên cho con cái. Người làm cha mẹ biết đến đạo sẽ dẫn dắt đứa con lại gần chính pháp, hàm dưỡng nên những phẩm chất đạo đức, những công dân, thiện lành cho đất nước. Câu chuyện Bó đũa cũng mang nghĩa về sự răn dạy của cha mẹ dành tặng cho con cháu không ở vật chất tiền tài mà ở cách sống đoàn kết, đạo đức.
Những khóa tu, lớp học đệ tử quy cho các lứa tuổi đã và đang được mở rộng trên mọi địa bàn dù miền núi hay đồng bằng, nông thôn hay thành thị. Dù gần như gia đình, rộng ra có trường lớp, xã hội luôn là những môi trường huân ướp nên con người của tương lai, thiết lập đất nước đổi mới. Phật giáo đóng góp cùng sự giáo dục đó, như một liều thuốc hay chữa lành mọi vết thương lòng, vực dậy những tâm hồn yếu đuối, đồng hành cùng bước chân người lữ khách.
Dưới lăng kính Phật giáo, Thiện tri thức trong mối tương quan gia đình vô cùng gần gũi, gần thì hóa độ người thân, rộng là đem đến lợi lạc chúng sinh, mở rộng trái tim, sống trọn vẹn ý nghĩa kiếp người. Đây là chính tư duy, lợi lạc tha nhân, vừa là hoài bão độ sinh của Phật, vừa là bức thông điệp chính yếu, mang nội hàm vượt thoát ba cõi.
Tác giả: Thích nữ Bảo Giác
***
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Kinh Tương Ưng Bộ, (5 q, q 2), Ht. Thích Minh Châu (dịch) (2013), Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
2. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Tuệ Hải (dịch) (1993), thành hội Phật giáo Hồ Chí Minh.
3. Đại Tập 56 - Bộ Kinh Tập III (Số 468->489), Thích Tịnh Hạnh (dịch) (2000), Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan.
4. Kinh Trung A-Hàm, Tuệ Sỹ (dịch) (2008), Nxb Tôn Giáo, Hà Nội.
5. Minh Chánh (1999), Pháp Hoa đề cương, Nxb Hồ Chí Minh.
6. Nguyên Châu (2007), Phật học đức dục, Tỉnh hội Phật giáo Hà Tây.
7. Ht. Thích Minh Châu (1998), Hãy Tự Mình Thắp Đuốc Lên Mà Đi, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh.
8. Ht. Thích Minh Châu (1999), Đại Thừa Và Sự Liên Hệ Với Tiểu Thừa, Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh.
9. Ht. Thích Minh Châu (2005), Đức Phật nhà đại giáo dục, Nxb Tôn giáo.
10. Ht. Thích Minh Châu (2003), Những Lời Dạy Cuối Cùng Của Đức Phật, Nxb Tôn Giáo.
11. Trần Văn Duy (dịch và chú thích) (2019), Đời sống của các giáo điển vĩ đại, Nxb Hồng Đức.
12. Bí sô. Thích Trí Nghiêm (dịch) (1970), Kinh Diệu Pháp Liên Hoa giảng diễn lục, Nhà in Hạnh Phúc số 8 Gò Vấp.
13. Thích Phước Sơn (2006), Giải Trình Ý Nghĩa Vu Lan, Nxb Văn Hóa Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh.
14. Nguyễn Minh Tiến (dịch) (2011), Quy Nguyên Trực Chỉ, Nxb Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội.
CHÚ THÍCH:
[1] Thích Chơn Thiện, Tư Tưởng Kinh Kim Cương, tr. 152
[2] Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 69 - Bộ Kinh Tập XVI - Số 805 ->847, tr. 363
[3] Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tương Ưng Bộ (5q, q2), tr. 778
[4] Nguyễn Minh Tiến (dịch), Quy Nguyên Trực Chỉ, tr. 578
[5] Thích Phước Sơn, Giải Trình Ý Nghĩa Vu Lan, tr. 183
[6] Thích Tịnh Hạnh (dịch), Đại Tập 56 - Bộ Kinh Tập III - Số 468->489, tr. 59-60-61
[7] Sđd, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, tr. 542
[8] Tuệ Sỹ (dịch), Kinh Trung A-Hàm (4q, q1), tr. 400
[9] Sđd, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, tr. 91-92
[10] Sđd, tr. 92
[11] Tuệ Sỹ (dịch), Kinh Trung A-Hàm (4q, q1), tr. 236
[12] Sđd, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, tr. 548
[13] Sđd, tr. 544
[14] Sđd, tr. 548
[15] Minh Chánh, Pháp Hoa đề cương, tr. 89
[16] Sđd, tr. 90
Bình luận (0)