Tác giả: Nguyễn Thượng Hiền - Nguyễn Diệu Phương Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2022

Nước Đại Việt có bảy vị Quốc sư (Tăng Thống) được các Triều đình tấn phong. Huệ Sinh là vị Quốc sư đầu tiên được vua Lý Thánh Tông tôn vinh ở nước ta, trụ trì tại chùa Vạn Tuế, nay là chùa Vạn Niên, Hồ Tây, Thăng Long.

Quốc sư Huệ Sinh, tên khai sinh là Lâm Khu, con trai ông Lâm Khoáng, cận thần vua Ngô Quyền và bà Phạm Thị, gia đình hào phú làng Đông Phù Liệt, Thanh Trì, Hà Nội ngày nay.

Lâm Khu lớn lên khỏe mạnh, khôi ngô tuấn tú. Lên ba tuổi đã thuộc nhiều lời ru, các câu ca dao và tục ngữ. Lúc bốn tuổi đã gieo vần được thơ lục bát và năm tuổi đã làm được thơ Đường luật. Khi sáu tuổi đã có vốn chữ Nho kha khá, ông Lâm Khoáng rất mừng, nên đã dành thời gian dạy dỗ con nhiều hơn, nền nếp hơn. Ông gọi các cháu trong làng cùng đến học, Lâm Khu có thêm bạn bè, ông Lâm Khoáng trở thành ông thầy đồ (thầy giáo) đầu tiên của làng Phù Liệt.

Lâm Khu thông minh và có tố chất đặc biệt, học đâu nhớ đấy, học một biết mười. Cậu đã bắt đầu tự đọc sách của Khổng Tử và cả Lão Tử. Lâm Khu còn có tài hội họa, nên chữ viết cũng rất đẹp, đường nét không bay bướm mà nghiêm chỉnh giống ông Lâm Khoáng. Trong sách Thiền Uyển Tập Anh đã viết: “Lâm Khu là con thứ. Ông tướng mạo khôi vĩ, biện luật lưu loát, có văn chương trời phú, chữ tốt vẽ đẹp”(1)

Một hôm cụ Dương Tam Kha (*) từ trang trại Hồng Dương – Thường Tín đến chơi, thấy Lâm Khu say sưa đọc một cuốn sách, cụ liền hỏi:

- Cháu đang làm gì đấy?

Lâm Khu trả lời:

- Dạ, cháu đang học ạ! Cụ Dương lại hỏi:

- Cháu học nhiều chữ chưa? Lâm Khu trả lời:

- Cháu học được một bồ chữ rồi ạ!

Thấy cậu bé bỡn cợt, cụ Dương cười, đến gần nói:

- Thế ông đặt một câu đối, cháu đối lại xem nhé, vế đối thế này:

“Người Nhót, cắn nhót, chua hơn nhót.”

Lâm Khu ngước nhìn lên cụ Dương đối ngay: “Kẻ Mía, nhai mía, ngọt như mía.”(2)

Cụ Dương tán thưởng, Lâm Khu thích chí lắm. Thấy đứa trẻ mặt mũi rạng ngời, chữ nghĩa lưu loát, cụ gợi ý thêm một câu đối nữa. Nhớ đến chuyện có người kể đêm qua có hổ về rừng Phù Liệt, cụ Dương bèn ra vế đối:

“Hùm về vồ vện nhà ông Tỵ.”

Lâm Khu nghĩ một chút rồi hét lên:

“Rắn đi chộp chuột bếp bà Dần.”(3)

* * * Đối xong, Lâm Khu chạy đi luôn, vì cậu còn phải đi kèm chữ cho các bạn trong xóm và giúp mấy chú thợ mộc tính toán cắt gỗ làm nhà.

Cụ Dương thấy ngứa ngứa ở mũi, câu đối trước thì nó nhắc đến kẻ Mía, câu sau nó đối rắn với hổ, vô tình hay cố ý? Dù sao, cụ vẫn thấy thêm yêu thằng bé tài trí thông minh, thật xứng danh thần đồng Phù Liệt.

Sau nghỉ trưa, cụ Dương đến xem mấy bức tranh và bản vẽ nhà dán trên tường, thấy ông Lâm Khoáng bước ra, cụ hỏi ngay:

- Mấy bức tranh này anh vẽ hay ai vẽ? Lâm Khoáng cung kính trả lời:

- Cháu Lâm Khu vẽ đấy ạ! Cụ Dương ngạc nhiên hỏi:

- Lâm Khu vẽ? Đẹp quá nhỉ? Tôi vẫn phục tài vẽ của anh nhưng thằng bé lớn lên có thể hơn anh đấy. Cụ cười khá đắc ý.

Lâm Khoáng chen vào:

- Thưa đại nhân, cháu nó có tài đo các tỷ lệ, nên vẽ chuẩn chỉ lắm. Mây bác thợ mộc trong làng đóng tủ, làm nhà thường hay mang sang nhờ cháu tính toán và vẽ hộ. Họ có, biếu thứ này thứ khác nhưng cháu không dám nhận ạ.

Cụ Dương phấn chấn đi sang phòng Lâm Khu đang học, cụ tươi cười hỏi:

- Trong các sách kinh Thi, kinh Thư, kinh Lễ hay kinh Dịch, kinh Nhạc thì cháu thích đọc sách nào?

- Dạ cháu thích học cả tam giáo ạ! Lâm Khu trả lời.

Cụ Dương tròn mắt hỏi lại:

- Vì sao cháu thích học cả tam giáo? Lâm Khu điềm nhiên trả lời:

- Vì biết cả tam giáo thì mới có thể giỏi một giáo ạ!

Cụ Dương mặt mày rạng rỡ như tìm được vật báu, cụ quay lại nói với Lâm Khoáng trước khi ra về:

-Về, tôi sẽ cho mấy thợ ngự điền chuyển toàn bộ kho sách ở Hồng Dương – Thường Tín lên cho cả anh và cháu.

Lâm Khoáng cảm động chắp tay tạ lễ và tiễn khách ra về.

Một hôm ông Lâm Khoáng uống trà nói chuyện với cậu Ba và ông Đồ (4), Lâm Khu đến hỏi bố:

- Cha ơi, hồn thơ là gì ạ?

Ông Lâm Khoáng mỉm cười, nhìn cậu Ba:

- Cậu nói cho cháu biết đi.

Cậu Ba hắng giọng vui vẻ trả lời:

- Giống như bát cơm có mùi thơm của gạo. Câu thơ cũng có vị ngọt, bùi, cay, đắng. Bài thơ cũng có màu xanh, đỏ, trắng, vàng. Nghĩa là bài thơ phải có hồn để người ta có thể tưởng tượng ra được, vốc lên được, cầm hái được. Hồn thơ luôn có ở quanh ta. Nói thế cũng hơi khó, cháu có hiểu không?

Lâm Khu nhảy cẫng lên.

- Thế thì cháu hiểu rồi ạ!

Cậu Ba phấn chấn khuyến khích:

- Cháu thử ứng ra một đoạn thơ có hồn xem nào?

Lập tức Lâm Khu đọc luôn:

“Hồn thơ là lũy tre xanh Là hàng dâm bụt đâm cành nở hoa Chum tương, lọ muối, vại cà Ngô khoai thay bữa nuôi ta thành người’’

Thật là bất ngờ, khả năng trí tuệ và tài làm thơ của Lâm Khu xuất thần như thế. Cả ba người vỗ tay khen ngợi cậu bé. Về sau, cả làng đều thuộc lòng đoạn thơ này.

Một hôm, nhà ông Lâm Khoáng bị một bữa hoảng loạn. Chú thợ mộc đi qua đầu làng rủ Lâm Khu vào đồi tìm chặt một cái xà nhà. Chú nhờ Lâm Khu tính toán hộ cho chắc ăn. Lâm Khu thích quá đi cùng chú mà quên xin phép bố mẹ.

Hồi đó, Đông Phù Liệt là vung sông nước mênh mông, những rừng cây nguyên sinh phủ khắp các đồi ngô, đủ các loại gỗ quý và hoang thú. Chú thợ mộc đánh thuyền vào bờ rồi neo thuyền vào một cái rễ lớn của cây đại thụ. Lâm Khu nhanh chân đã nhảy tót lên bờ la hét, hù dọa làm chim Cheo veo đang ngơ ngác nhìn người lạ. Hai chú cháu đi sâu vào rừng. Lâm Khu chỉ thẳng vào cây cao thẳng đẹp, hỏi:

- Chú ơi, cây này gỗ gì ạ?

Chú thợ mộc nhìn từ ngọn cây xuống, trả lời:

- Cây gỗ de. Ừ, sao chú không nhìn thấy nhỉ ? Lâm Khu nói nhanh:

- Chú vẫn nói gỗ de dẻo, thế thì cây này làm xà đẹp chứ?

Chú thợ mộc xác định:

- Đúng vậy. Lâm Khu giỏi quá. Cây này làm xà nhà thì quá đẹp.

Chú thợ mộc phát các cây nhỏ và các loại dây leo xung quanh. Sau khi ngắm hướng, chú hạ cây de đổ xuống ngon lành. Chú hỏi ý kiến Lâm Khu và cắt lấy một đoạn xà nhà khá ưng ý. Hai chú cháu vui vẻ vác ’’chiến lợi phẩm ’’ ra thuyền.

Lạ thay !Không thấy thuyền đâu cả? Ai mượn? Ai lấy? Hay một cơn gió mạnh nào đã kéo đứt dây neo, làm thuyền trôi đi? Chú thợ mộc tái mặt sợ hãi khi nghĩ đến ông bà Lâm Khoáng sẽ hốt hoảng đi tìm Lâm Khu. Trời đã xế chiều, biết tính sao đây. Trong lúc sự việc rối bời như vậy, chợt Lâm Khu reo lên:

- Cháu nghĩ ra cách rồi!

Chú thợ mộc mừng díu cả hai chân, vôi hỏi cháu líu cả lưỡi:

- Cách nào hả cháu? Cách nào hả Lâm Khu? Lâm Khu điềm nhiên trả lời như người lớn:

- Chú đi chọn 10 cây chuối thật là to, thật là dài để làm bè. Chú nhớ chặt hai cây tre già nhỏ để làm sào đẩy và làm que xuyên ghép đầu bè và cuối bè. Nhanh lên chú nhé. Cháu đi tìm bó dây sắn để buộc bè và kéo gỗ đây.

Chú thợ mộc mừng qua thốt lên: ‘‘Ừ sao mình không nghĩ ra nhỉ? Lâm Khu thông minh quá’’rồi lập tức cầm dao đi tới bìa rừng.

Khi bè được lắp ghép xong, cả hai chú cháu đều vui mừng khôn xiết. Chú cầm sào lên trước. Cháu cầm đầu dây kéo cái xà lên sau. Trời nước mênh mông, hoàng hôn hắt xuống nước rập rờn lung linh. Bè chuối lướt nhẹ trên đầm. Hai chú cháu cảm thấy phấn khích, hãnh diện vô cùng. Chú trầm giọng hát một bài dân ca không cần làn điệu, cháu ngâm nga một bài ca dao ngẫu hứng. Xa xa đã trông thấy rặng tre làng. Bỗng hai chú cháu tròn mắt thấy một đám người như rướn về phía trước và vẫy gọi.

Bè vừa chạm bờ, ông Lâm Khoáng đã lội xuống nước đón con. Bà Phạm Thị giọt lệ còn đọng trên khóe mắt. Chú thợ mặt đầy vẻ đau khổ, hai tay giơ lên xin lỗi. Ông Lâm Khoáng cười, khoa khoa tay như bảo rằng xong rồi, không sao, không sao. Đến lúc này chú thợ mộc mới nở nụ cười tươi méo xệch của mình.

Từ cây chuối tập bơi ở ao làng, đến bè chuối chở người, kéo gỗ, Lâm Khu đã dần dần xuất lộ khả năng thông minh kỳ lạ và trí tuệ hiếm có của một thần đồng ở làng quê nhỏ bé này.

*** Năm 19 tuổi, Lâm Khu rời bỏ thế tục, cùng với các bạn Hạc Lâm, Pháp Thống đến thụ nghiệp với Thiền sư Định Huệ, Vạn Hạnh, Lý Khánh Văn ở chùa Giỏ (tức là chùa Quang Hưng – Quang Đổ ngày nay). Khi Thiền sư Định Huệ thị tịch đã truyền tâm ấn cho Huệ Sinh làm Pháp chủ thế hệ thứ 13 của Thiền phái Tì ni Đa Lưu Chi Đại Việt.

Năm 25 tuổi, Thiền sư Vạn Hạnh cử Huệ Sinh xuống Hoa Lư bên cạnh Lý Công Uẩn. Năm 1009, Huệ Sinh đã cùng Lý Công Uẩn, Đào Cam Mộc, Lê Nhân Nghĩa, Lâm Trụ, Nguyễn Đê, … tổ chức chính biến Hoa Lư, tôn vinh Lý Công Uẩn lên ngôi vua Lý Thái Tổ, mở đầu Nhà Lý, dựng nền độc lập lâu dài nước Đại Việt đến ngày nay.

Tác giả: Nguyễn Thượng Hiền - Nguyễn Diệu Phương Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2022 ***

CHÚ THÍCH: (*) Vua Ngô Quyền vừa mất, đại thần Dương Tam Kha là em vợ vua đã chiếm ngôi vua, bị bắt và bị đày xuống Hồng Dương, Thường Tín. Ông Lâm Khoáng, là cận thần thân tín cảu vua Ngô Quyền, đã về quê vợ là Đông Phù Liệt, huyện Thanh Đàm. Tướng Nguyễn Siêu đưa quân về lập sứ quân Tây Phù Liệt, liền kề với trang trại của Dương Tam Kha. Ba vị đại quan tình cờ ở trên cùng một dải đất, có thể cộng tác với nhau vì dân vì nước mưu nghiệp lớn cho giang sơn xã tắc. Nhưng, Dương Tam Kha vẫn theo đường cũ, phản bội lại bạn hữu… (1) Thiền Uyển Tập Anh, trang 199, NXB Tôn giáo 2013. (2) Vua Ngô Quyền, người làng Mía, Đường Lâm. (3) Ông Dương Tam Kha, tuổi Tí, là tuổi chuột, Lâm Khu đối luôn ‘‘Bà Dần’’ (tức là tuổi hổ). (4) Ông đồ, tức là thầy giáo dạy chữ Nho thời xưa.