Giáo hội kêu gọi Tăng, Ni, Phật tử trong và ngoài nước, báo đáp Phật ân, đồng tâm hiệp lực xây dựng Giáo hội, quyết chí ủng hộ các công tác của Hội đồng Phiên dịch và Ấn hành Đại Tạng Kinh Việt Nam, đảm bảo sách giáo khoa các trường Phật học và Học viện Phật giáo, phát triển các công trình Văn học, Sử học và Tư tưởng Phật giáo Việt Nam.

THƯ CỦA ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU PHẬT GIÁO TOÀN QUỐC LẦN THỨ IV GỬI TĂNG NI, PHẬT TỬ TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC Thủ đô Hà Nội, ngày 23 tháng 11 năm 1997

Kính thưa chư Tôn đức Hòa thượng, Thượng toạ, Đại đức, Tăng, Ni và quý Phật tử.

Thế là 5 năm của nhiệm kỳ III Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa kết thúc. Giáo hội đã vượt qua nhiều khó khăn và đã gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp. Tăng, Ni, Phật tử trong và ngoài nước hướng về Đại hội Toàn quốc lần thứ IV, chờ đón sự thành công của Đại hội với những thành tựu đã chung tay góp sức làm nên và các dự án Phật sự của nhiệm kỳ mới, nhiệm kỳ lịch sử nối liền hai thế kỷ bước vào thiên niên kỷ mới.

Đại hội đã tiếp đón hơn 500 Đại biểu đại diện cho Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam ở khắp mọi miền Đất nước và ở nước ngoài vân tập về trong niềm hân hoan của những người con Phật để điểm lại những Phật sự của Giáo hội đã thực hiện trong nửa thập kỷ qua và quyết định những vấn đề trọng đại cho giai đoạn phát triển mới.

Nhận lời mời của Giáo hội, Quý vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã hoan hỷ đến dự, chúc mừng và động viên Đại hội.

Đại hội đã tiếp nhận hàng trăm điện thư chào mừng của Tăng, Ni, Phật tử từ khắp nơi cùng với sự hưởng ứng của hàng chục triệu Tăng, Ni, Phật tử hướng về Đại hội bằng cả tinh thần và vật chất.

Để đáp ứng lòng ngưỡng mong của tất cả Tăng, Ni, Phật tử trong và ngoài nước, Quý vị Tôn túc, Quý Đại biểu và toàn thể Đại hội đã tập trung tâm lực và trí lực để tinh tấn làm việc trong tinh thần đại hoan hỷ, đại hòa hợp. Trong các ngày từ 21 đến 23 tháng 11 năm 1997, Đại hội đã làm việc khẩn trương, thống nhất duyệt xét, quyết định nhiều Phật sự quan trọng và đã suy tôn quý Đại lão Hòa thượng vào Hội đồng Chứng minh và suy cử Quý Hòa thượng, Thượng toạ, Ni trưởng, Ni sư, Cư sĩ vào Hội đồng Trị sự nhiệm kỳ IV.

Đại hội Đại biểu Phật giáo Việt Nam lần thứ IV đã quyết nghị:

1. Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất các Hệ phái theo tinh thần của Hiến chương Giáo hội dưới ánh sáng Duyên khởi, vì hạnh phúc an lạc của số đông.

2. Nhất trí ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu Phật sự có ý nghĩa của nhiệm kỳ III như :

- Đã ấn hành Đại Tạng Kinh Việt Nam đến tập thứ 25.

- Đã hình thành ba Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hà Nội, thành phố Huế, thành phố Hồ Chí Minh. Đến nay, Học viện Phật giáo tại Hà Nội đã đào tạo 49 Tăng, Ni sinh tốt nghiệp cử nhân, 78 sắp tốt nghiệp, Học viện Phật giáo tại Huế vừa chiêu sinh có 160 Tăng, Ni sinh trúng tuyển, đang vào năm thứ nhất khoá I. Học viện Phật giáo tại thành phố Hồ Chí Minh đã đã đào tạo khoá I được 59 cử nhân, khoá II được 102 cử nhân, khoá IIII được 243 cử nhân, khoá IV có 300 Tăng, Ni sinh đang theo học năm thứ nhất. Gần 100 Tăng, Ni xuất dương tu học tại Ấn Độ (60), Tích Lan (3), Nhật (2), Trung Quốc (4), Pháp (2), Đức (1), Úc (1), Mỹ (3), Đài Loan (12). Trong đó, 3 Tăng sinh đã tốt nghiệp tiến sĩ Phật học, 10 Tăng, Ni đang thực hiện luận án tiến sĩ và Phó tiến sĩ Phật học, 20 Tăng, Ni sinh đang học Cao học Phật học.

- Đã mở hai lớp Cao đẳng Phật học với 435 Tăng, Ni sinh, 25 trường Cơ bản Phật học với 1600 Tăng, Ni sinh đã tốt nghiệp và 1500 Tăng, Ni sinh đang theo học từ năm thứ 2 đến năm thứ 4.

- Đã đào tạo 249 giảng viên Hoằng pháp cho các Tỉnh, Thành hội với chươngtrình học 3 năm.

- Đã tổ chức mạng lưới y tế xã hội với hơn 25 Tuệ Tĩnh đường Tỉnh, Thành hội, 165 lớp học tình thương và 16 cơ sở nuôi dạy trẻ.

- Đã ấn hành 3 triệu bản in cho 165 đầu sách Phật học phát hành khắp cả nước, một tạp chí, một tuần báo và một tập Văn của Giáo hội được ấn hành định kỳ đều đặn.

3. Giáo hội đề cao tinh thần sống theo Chính pháp vì lợi ích số đông, quảng bá nếp sống đạo đức của Chính ngữ, Chính nghiệp và Chính mạng, nếp sống an lạc, thoát khỏi tâm lý căng thẳng (hay hội chứng Stress) của Chính niệm, nhận thức Duyên sinh và vô ngã để bảo vệ cuộc sống cũng như môi trường sống thoát khỏi các ô nhiễm của vật lý và tâm lý.

4. Giáo hội phấn đấu vì mục tiêu Đạo pháp và Dân tộc hướng vào thế kỷ XXI và thiên niên kỷ thứ ba, trên cơ sở Hoằng dương Chính pháp, phát triển Văn hoá và Giáo dục Phật giáo để góp phần giữ gìn đạo đức xã hội và bản sắc dân tộc, đảm bảo cho xã hội an lạc và ổn định, tránh bị khủng hoảng ô nhiễm do ảnh hưởng những mặt tiêu cực trong sự phát triển nhanh kỹ nghệ và kinh tế thị trường. Giáo hội ý thức rõ rằng các Phật sự càng phát triển mạnh thì ý nghĩa và thực chất phục vụ xã hội càng cao.

5. Giáo hội kêu gọi Tăng, Ni, Phật tử trong và ngoài nước, báo đáp Phật ân, đồng tâm hiệp lực xây dựng Giáo hội, quyết chí ủng hộ các công tác của Hội đồng Phiên dịch và Ấn hành Đại Tạng Kinh Việt Nam, đảm bảo sách giáo khoa các trường Phật học và Học viện Phật giáo, phát triển các công trình Văn học, Sử học và Tư tưởng Phật giáo Việt Nam.

6. Đại hội kêu gọi Tăng, Ni, Phật tử trong và ngoài nước, nỗ lực vận động tài chính, phẩm vật cứu trợ đồng bào các tỉnh miền Tây Nam Bộ bị thiệt hại do cơn bão Linda số 5 vừa qua gây nên.

Như mùa xuân về, thiên nhiên khoác vào mình màu xanh của sức sống, cũng thế, khởi đầu thiên niên kỷ thứ ba, toàn thể thành viên của Giáo hội hãy nối vòng tay lớn đem về cho Giáo hội sức sống của Chính pháp và của lịch sử. Mọi thành viên chúng ta đều phát tâm Bồ đề, nhìn nhau bằng đôi mắt từ ái để ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam không có khó khăn nào mà không thể vượt qua.

Kính thưa chư Tôn đức Hòa thượng, Thượng toạ, Đại đức, Tăng, Ni và quý Phật tử.

Đại hội Đại biểu Phật giáo lV của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thành công viên mãn. Giáo hội mong mỏi nhận được sự đồng tình và ủng hộ của toàn thể Quý vị để các Phật sự căn bản của nhiệm kỳ IV được thành tựu tốt đẹp vì sự nghiệp hoằng dương Chính pháp, trang nghiêm Giáo hội và góp phần trang nghiêm quốc độ.

Giáo hội xin gửi đến Quý vị đại tình chân thành và thắm thiết, ngưỡng cầu hồng ân Phật bảo gia hộ và được thường tinh tấn an lạc trong mọi Phật sự.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Trích theo tài liệu: Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Đại hội đến Đại hội (1981 – 2012) – Nhà xuất bản Tôn giáo 2012. Người thực hiện: Nguyễn Đại Đồng