Giáo hội ý thức rõ ràng việc nêu cao chính pháp, phát triển Phật giáo, xây dựng Giáo hội, góp phần xây dựng đất nước ổn định, hòa bình, hợp tác, hữu nghị và phát triển trên toàn thế giới là trách nhiệm chung của mọi cá nhân trong cộng đồng Phật giáo.

Thư của Đại hội Phật giáo nhiệm kỳ III gửi Tăng, Ni Phật tử trong và ngoài nước.

Thủ đô Hà Nội, ngày 4 tháng 11 năm 1992

Kính thưa chư Tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng, Ni và quý Phật tử.

Trong lúc Tăng, Ni, Phật tử toàn quốc và nhiều nơi trên thế giới hướng về và gửi đến Đại hội toàn quốc kỳ III Giáo hội Phật giáo Việt Nam lòng tin tưởng, lời cầu chúc và tình cảm nồng nhiệt, Đại hội đã vinh dự được Cụ Tổng Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười gửi thư chào mừng Đại hội với lời khẳng định: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam với phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” đã thể hiện ý chí hòa hợp, đoàn kết thống nhất góp phần vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đạt được nhiều thành tích mà Đảng, Nhà nước và nhân dân hết sức hoan nghênh”.

Đại hội cũng vinh dự được đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh do Chủ tịch nước Lê Đức Anh tặng cho Giáo hội, biểu dương công lao thành tích của Tăng, Ni, Phật tử cả nước đã góp phần tích cực cùng toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu hùng mạnh

Đại hội đã làm việc với tinh thần đoàn kết, nhất trí và dân chủ, được thể hiện rõ nét trong suốt thời gian diễn tiến Đại hội. Nội dung các báo cáo, tham luận, thảo luận và đề cương hoạt động nhiệm kỳ III của Hội đồng Trị sự đã một lần nữa khẳng định tính chất hòa hợp, đoàn kết vững mạnh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Một số điểm cơ bản được Giáo hội nhấn mạnh, xem như là nền tảng cho sự ổn định, hướng phát triển và hoạt động trước mắt của Phật giáo Việt Nam trong mối hài hòa giữa Đạo và Đời mà Giáo hội nhận thấy nếu cần nêu ra đây để thông tri và kêu gọi Tăng, Ni, Phật tử trong và ngoài nước thông hội, tán đồng và thực hiện.

1. Phật giáo Việt Nam quyết tâm phát huy truyền thống đoàn kết hài hòa các hệ phái Phật giáo cùng chăm lo Phật sự trên tinh thần tôn trọng Hiến chương của Giáo hội. sau hơn 10 năm được thành lập, Giáo hội đã đạt được những thành quả tốt đẹp, cụ thể trong nhiệm kỳ vừa qua Phật giáo Việt Nam đã bước vào một giai đoạn phát triển mới, thành đạt nhiều Phật sự mà nhiều người rằng phải có thời gian lâu dài mới thực hiện được, như việc thành lập Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, hình thành được 8 tập kinh trong kế hoạch thực hiện bộ Đại Tạng Kinh Việt Nam, thiết lập được 17 trường Cơ bản Phật học trong cả nước cùng với Trường Cao cấp Phật học là những cơ sở đào tạo Tăng tài cho giai đoạn phát triển mới. Giáo hội qua những thành quả đã được sự nhiệt tình ủng hộ của đông đảo Tăng, Ni, Phật tử. Giáo hội vẫn luôn tri ân sâu xa những tình cảm quý báu, những giúp đỡ thiết thực và những ý kiến đóng góp xây dựng để củng cố và phát triển.

2. Giáo hội nỗ lực nêu cao ngọn đuốc Từ bi và Trí tuệ của đức Bổn sư đến với hết thảy chúng sinh, vì hạnh phúc, an lạc và lợi ích của chúng sinh, nên luôn luôn ủng hộ và kêu gọi Tăng, Ni, Phật tử trong và ngoài nước hợp tác xây dựng cõi tịnh lạc nhân gian trên Tổ quốc Việt Nam và toàn thê giới. Giáo hội nhận định sự chia rẽ hận thù là sản phẩm của tam độc Tham-Sân-Si, cội gốc của luân hồi, đau khổ. Giáo hội thiết tha mong cầu mọi bất đồng được giải quyết trong niềm thông cảm, tình thương và sự tôn trọng lý tưởng cao cả: mỗi người là một vị Phật sẽ thành.

3. Giáo hội nhận định rằng hạnh phúc được tìm thấy trong sự bình an, thanh tịnh của tâm linh và môi trường sinh thái lành mạnh. Giáo hội ủng hộ các phong trào bảo vệ môi sinh, chống những hành vi gây tác hại cho thiên nhiên, xã hội và vạn loài chúng sinh trên hành tinh này. Giáo hội luôn khuyến khích một đời sống có đạo đức trong sáng, tránh những hành động gây ô nhiễm môi trường tâm linh như tham dục, sân hận và si muội đưa đến tổn hại cho tình đoàn kết dân tộc và Hòa bình trên thế giới.

4. Đạo Phật là con đường thoát khổ, người tu sĩ và cư sĩ Phật giáo cần lấy giáo lý của đức Từ Phụ làm tiêu bản để tu tâm, hành thiện vì lợi ích của mình và người. Trước những làn sóng bạo lực, sa đoạ đạo đức ở khắp nơi trên thế giới đang gia tăng, trước những đau khổ vì bệnh tật, đói nghèo, những tai hoạ tang tóc do chiến tranh và thiên nhiên gây nên, những người con Phật cần thanh tịnh mình bằng giới hạnh, nêu cao đạo đức Phật giáo, hoằng dương Chính pháp, mặt khác, cần đi sâu vào quần chúng nhân dân với đạo tâm trong sáng thể hiện trong những công tác từ thiện xã hội để tự vun trồng công đức, chan hòa, khuyến thiện, chia sẻ và làm giảm phần nào nỗi khổ đau của các chúng sinh.

Giáo hội một lần nữa thiết tha kêu gọi chư Tăng, Ni, Phật tử trong, ngoài nước đoàn kết gắn bó, cùng với Giáo hội chăm lo Phật sự. Giáo hội ý thức rõ ràng việc nêu cao chính pháp, phát triển Phật giáo, xây dựng Giáo hội, góp phần xây dựng đất nước ổn định, hòa bình, hợp tác, hữu nghị và phát triển trên toàn thế giới là trách nhiệm chung của mọi cá nhân trong cộng đồng Phật giáo.

Những điểm nêu trên, Giáo hội chân thành tín tưởng sự tán đồng của chư Tăng, Ni, Phật tử trong và ngoài nước, sẽ được thể hiện qua những đóng góp cụ thể nhằm thành tựu viên mãn hạnh nguyện hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh.

Trong khi dư âm về sự thành công của Đại hội Phật giáo lần thứ III còn vang vọng, Giáo hội xin được chia sẻ niền hoan hỷ này đến chư Tăng, Ni, Phật tử trong nước và hải ngoại, xin bày tỏ đạo tình thân thiết với Quý vị và chúc Quý vị thân tâm thường an lạc trong Phật pháp và Phật sự.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH ĐẠI HỘI Hòa thượng THÍCH TRÍ TỊNH

Trích theo tài liệu: Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Đại hội đến Đại hội (1981 - 2012) - Nhà xuất bản Tôn giáo 2012. Người thực hiện: Nguyễn Đại Đồng