Tác giả: Thích Đức Trung
Học viên thạc sĩ khóa VI, Học viện PGVN tại TP.HCM
Tóm tắt: Thuyết tái sinh và nghiệp báo là một trong những chủ đề nổi bật không chỉ trong truyền thống của đạo Phật mà có mặt ở nhiều tôn giáo. Theo quan điểm tư tưởng Phật giáo nói chung và các bộ phái nói riêng, tái sinh là một trong những học thuyết được quan tâm và nó lý giải cho mục đích của sự tu tập gắn liền với các học thuyết đạo đức, nhân quả, nghiệp báo, định hướng cho con đường chấm dứt luân hồi sinh tử (Niết-bàn). Trong phần này chúng ta sẽ tìm hiểu một khía cạnh ứng dụng của thuyết tái sinh để góp phần xây dựng giá trị đạo đức xã hội.
Từ khoá: tái sinh, nghiệp báo, đạo đức,…
1. Thuyết tái sinh góp phần xây dựng giá trị đạo đức xã hội
Khổng Tử nói rằng: “kỷ sở bất dục vật thi ư nhân”, nghĩa là cái mình không muốn thì đừng khiến người khác phải làm. Trong Phật giáo cũng vậy, đứng trên lập trường nhân bản nhân văn, đặt vị trí con người ở trung tâm điểm của nhận thức và hành động.
Đạo Phật đề cao tinh thần lợi mình lợi người, tinh thần từ bi hỷ xả, vô ngã vị vị tha, luôn luôn được chú trọng phát triển, vì vậy có thể nói rằng, giáo lý của Phật giáo xây dựng trên một nền tảng đạo đức vị nhân sinh, hướng con người đến một sự giải thoát an vui.
1.1. Cơ sở nền tảng cho đạo đức xã hội
Triết gia người Đức, Immanuel Kant cho rằng: Lý tính thuần túy là thực hành do tự nơi chính mình và mang lại cho con người một quy luật phổ biến được ta gọi là quy luật luân lý (das Siitengesetz). Quy luật luân lý gắn liền với một mệnh lệnh tuyệt đối mà ta có bổn phận phải làm theo. Ông đề xuất một quy luật cơ bản của lý tính thuần túy thực hành: “Hãy hành động sao cho châm ngôn của ý chí của bạn lúc nào cũng đồng thời có thể có giá trị như là nguyên tắc của một sự ban bố quy luật phổ biến”.[1] Các châm ngôn có thể được giải thích dựa theo các nguyên tắc hành động, có giá trị chủ quan cho ta (ví dụ: tôi không muốn mắc nợ, tôi muốn giữ lời hứa,..), do đó quy luật thực hành của đạo đức học là bàn về hình thức của tính quy luật phổ biến cho những nguyên tắc ý chí chủ quan. Theo ông, tự do đồng nghĩa với những yêu sách về cái Phải là (sollen), tức là tự do trong tư tưởng và hành động gắn liền với nghĩa vụ luân lý đạo đức.
Trong Phê phán lý tính thực hành, Kant đưa ra ba cấp độ thực hiện mệnh lệnh nhất quyết (der kategorishche Imperativ):
Mệnh lệnh kỹ thuật (technischer Imperativ), quy định phương tiện cần thiết cho một mục đích; ví dụ: muốn giàu có thì thu phải nhiều hơn chi.
Mệnh lệnh thực tiễn, thực dụng (pragmatischer Imprerativ) của sự khôn ngoan, quy định những hành vi cần thiết cho những nhu cầu cơ bản của con người, ví dụ: hạnh phúc (kể cả những quy định về ăn, mặc, ở…có lợi cho sức khỏe).
Mệnh lệnh nhất quyết, những nghĩa vụ luân lý có giá trị vô điều kiện, dựa theo tiêu chuẩn của cái tốt tuyệt đối. Tính phổ biến chặt chẽ là thước đo và dấu hiệu nhận diện của luân lý.
Như vậy theo Kant, một hành động tự do phải gắn liền với các giá trị luân lý đạo đức, một mệnh lệnh nhất quyết. Mệnh lệnh tuyệt đối được Kant xem là chuẩn mực duy nhất và cao nhất để đánh giá hành vi đạo đức của con người. Vì vậy mà nó yêu cầu mọi hành vi của con người phải đặt người khác là mục đích, hướng tới những giá trị tích cực tốt đẹp, hạnh phúc, mà không phải lấy người khác làm phương tiện để bản thân mưu cầu hạnh phúc riêng. Con người cảm thấy có bổn phận và trách nhiệm làm đúng, làm theo lẽ phải dù điều đó có hay không có lợi ích cho mình.
Chúng ta nhận thấy một số nét tương đồng trong tư tưởng của Kant có những nét tương đồng với đạo đức học Phật giáo. Đạo đức Phật giáo cũng được xây dựng trên một nền tảng nhân bản và lấy con người làm trung tâm, cụ thể hơn theo Thượng tọa bộ thì một trong những con đường thực hành đạo đức tâm linh cũng phải gắn liền với con đường Bát chính đạo, tức là giới – định – tuệ.
Kant cho rằng bất cứ ai cũng phải thực hành theo một mệnh lệnh nhất quyết và bất cứ hành động nào cũng phải đặt dưới một nguyên tắc luân lý phổ quát. Tuy nhiên có một vấn đề mà chúng ta cần quan tâm, khi nói đến đạo đức tức là nói đến các giá trị quy ước của một xã hội, tùy theo nhận thức, tư duy cũng như tập quán sinh sống của mỗi quốc gia mà hình thành nên những quy tắc đạo đức khác nhau. Chính vì vậy mà Phật giáo đứng trên lập trường nhân quả-nghiệp báo-tái sinh mà đề xuất những phương châm đạo đức xây dựng hướng đến một con người hoàn thiện.
Đối với các tôn giáo hữu thần cho rằng nền tảng đạo đức bắt nguồn từ thần minh, ý chí, nguyện vọng của đấng giáo chủ, một ý chí tuyệt đối độc tôn. Ngược lại, Phật giáo Nguyên thuỷ cho rằng: Dục vọng làm cơ sở nên phải có đạo đức, như câu chuyện trong Kinh Khởi thế nhân bổn. Có thể nói rằng Phật giáo luôn hướng về xây dựng một nền tảng đạo đức căn bản của con người dựa trên căn bản thiện ác, tội phúc, trong đó yếu tố tàm quý[2] của con người được chú trọng đặc biệt. Về sự cần thiết của đạo đức, có 3 căn cứ chủ yếu sau:
i) Nhân quả thiện ác gắn liền với nghiệp báo tái sinh: làm thiện được phước, làm ác quả báo xấu.
ii) Lập trường đồng tình: lấy bản thân mình làm thước đo, Pháp cú số 129-130: “mọi người sợ hình phạt, mọi người sợ tử vong… mọi người sợ hình phạt, mọi người thích sống còn, lấy mình làm ví dụ, chớ giết chớ bảo giết.”
iii) Thế giới tương duyên: vạn vật tồn tại trong quan hệ duyên sinh trùng trùng.
Cơ sở đạo đức Phật giáo được thiết lập trên nền tảng Vô ngã luận và lấy Niết bàn làm lý tưởng giải thoát tối hậu. Bởi vì bản chất của con người chấp ngã nên từ đó mà tìm cách thoả mãn dục vọng tạo thành ác pháp. Do đó nền tảng đạo đức vô ngã để phát triển các việc làm thiện, hướng đến giải thoát. Đó cũng chính là biểu hiện đạo đức của tính Không, một cách sống đạo đức trọn vẹn. Tùy theo cấp độ nhận thức trình độ mà đức Phật sử dụng các phương pháp giáo hóa thích ứng, từ đó khuyến thiện ở mọi trình độ, mọi tư tưởng, hướng dẫn mọi người đến với con đường đạo đức giải thoát.
1.2. Thuyết tái sinh đóng góp vào nền đạo đức xã hội
Như đã nói, nền tảng căn bản của đạo đức Phật giáo dựa trên quan điểm nhân quả nghiệp báo, tất cả điều được quan sát trong một mối quan hệ nhân duyên quả tương sinh tương diệt. Theo thuyết nghiệp báo tái sinh thì một hành động có chủ ý sẽ tạo thành nghiệp và sức mạnh của nghiệp sẽ dẫn đến các kết quả trong hiện tại, cũng như sự tái sinh trong tương lai.
Do vậy, Thượng tọa bộ nhấn mạnh lời dạy của đức Phật về các đặc tính của giáo pháp mang tinh thần thiết thực hiện tại, siêu vượt thời gian, có khả năng hướng thượng, đến để mà thấy,… Nhấn mạnh tinh thần thiết thực hiện tại của giáo pháp, đạo Phật nhấn mạnh đến việc xây dựng một con người thánh thiện, một xã hội tự do đạo đức ngay trong kiếp sống hiện tại.
Đứng trên lập trường vô ngã vị tha, lợi mình lợi người với phương chỉ hành đạo lấy từ bi hỷ xả làm gốc, trí tuệ là sự nghiệp, giải thoát là cứu cánh. Do đó nền tảng đạo đức Phật giáo được thiết lập trên cơ sở của giới luật bao gồm tại gia và xuất gia. Như vậy có thể nói rằng Phật giáo đã đóng góp những bộ quy tắc sống, những cam kết thực hành của một đời sống đạo đức, tầm ảnh hưởng của nó không chỉ riêng đối với trong đạo mà ảnh hưởng ra ngoài xã hội.
Đạo Phật được xem là “đến để mà thấy” và “đến để tự mình chứng ngộ”, do đó không thể dùng các kiến giải thông thường của thế tục mà có thể thấu rõ sự mầu nhiệm của Niết-bàn. Nhưng sự giải thoát là có được ngay trong kiếp sống này, qua đó nhấn mạnh tính chất tự do ý chí hành động thực hiện mục tiêu cứu cánh ngay trong tấm thân năm uẩn này, đức Phật đã từng nói rằng: “Như Lai sinh ra trong đời, lớn lên trong đời, vươn lên khỏi đời và sống không bị đời ô nhiễm”.[3] Cũng trong bài kinh này ghi nhận rằng: “Thế pháp (lokadhamma) ấy Như Lai hoàn toàn chứng ngộ, chứng tri; sau khi hoàn toàn chứng ngộ, chứng tri, Như Lai tuyên bố, thuyết giảng, trình bày, xác chứng, khai thị, phân tích, hiển lộ”.[4]
Thế pháp ở đây có nghĩa là năm thủ uẩn, tức là nó liên hệ với con người thực tại đang hiện hữu, rõ ràng chính nhờ sự không chấp trước vào các khái niệm ngôn ngữ, nhìn vào bản chất thực tại duyên khởi vô ngã của con người mà từ đó đức Phật chứng ngộ Niết-bàn. Vấn đề ở đây chúng ta nhận thấy rằng con đường thực hành đạo đức chính là phương tiện để đưa qua bờ giải thoát. Nhưng khi đã qua bờ rồi thì có cần dùng tới phương tiện không? Kinh Xà dụ và Kinh Kim cang, đức Phật nói rằng: “pháp còn phải bỏ, huống nữa là phi pháp”. Tuy nhiên, chúng ta nhận thấy rằng đức Phật sau khi thành đạo Ngài không dừng các hoạt động để an trú vào Vô dư y Niết-bàn, mà Ngài vẫn tiếp tục hoằng hoá độ sinh. Không chỉ đề xướng đạo giải thoát mà đối với tất cả đạo đức thế gian đức Phật đều quan tâm đến các vấn đề xã hội con người thông qua các hoạt động: thuyết pháp độ sinh, thành lập Tăng đoàn, đề cao tinh thần bình đẳng con người, khuyến khích xóa bỏ phân biệt giai cấp,...
Qua đó thấy rằng đức Phật dù đã giải thoát vẫn hoằng pháp độ sinh ngay trong cuộc đời này. Đạo đức đó là giá trị của giải thoát, là cái công hạnh vĩ đại của Ngài, và ta có thể nói đó là phạm vi hoạt động sau khi giải thoát, đó là sự tự do tự tại vào ra nơi ba cõi, làm chủ vòng luân hồi sinh tử.
2. Ứng dụng vào việc xây dựng một nền tảng đạo đức xã hội
2.1. Giáo dục nhận thức và chuyển hóa
Một nền tảng đạo đức xã hội cần thiết phải bắt nguồn từ yếu tố quan trọng nhất: con người. Theo đó, chúng ta nhận thấy sự tác động từ các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng lên nhận thức và hành vi đạo đức của một cá nhân. Trong đó sự tác động từ môi trường sống bên ngoài, đặc biệt là về vấn đề giáo dục nhận thức có tác động lớn đối với quá trình hoàn thiện nhân cách.
Để hình thành nên một nhân cách đạo đức bắt buộc phải có sự tác động từ các yếu tố ngoại tại lẫn nội tại. Nhưng quan trọng nhất chính là yếu tố giáo dục nhân cách, bởi vì thông qua quá trình giáo dục, tư duy nhận thức cá nhân mới được định hình theo các quy chuẩn mà hình thái xã hội đó quy ước. Tuy nhiên, giáo dục cũng chính là con dao hai lưỡi, nó có thể bóp chết và đóng khuôn tư duy sáng tạo của cá nhân, mặc khác, giáo dục góp phần vào tiến trình tư duy hệ thống, hình thành nên các tư duy phản biện sáng tạo. Ngoài ra, một số các yếu tố khác có thể tác động đến nhân cách đạo đức như: gen di truyền, hoạt động giao tiếp, quá trình tự phản tư,…cũng tác động đến nhân cách.
Một đứa trẻ hoàn toàn không biết gì là thiện hay ác, nhưng thông qua các yếu tố ngoại tại (cha mẹ, ông bà,…) giáo dục và tác động lên đứa bé đó và nói cho nó biết đó là thiện hay ác, tốt hay xấu, từ đó định hình nên một khuôn khổ nhận thức mang tính chất đạo đức (đúng, sai). Sau khi đứa bé đó lớn lên và tiếp tục duy trì quá trình tiếp nhận những tín hiệu từ bên ngoài, cùng với sự trưởng thành từ bên trong, hình thành nên một tư duy nhận thức độc lập. Từ những nhận thức dẫn đến những hành vi mang tính chất đạo đức (thiện, ác; tốt, xấu) mà cá nhân đó sẽ tác động lên xã hội.
Như vậy, giáo dục nhận thức về đạo đức là một quá trình lâu dài, yếu tố quan trọng nhất là giáo dục và tự giáo dục. Xã hội muốn tác động để thay đổi một cá nhân hay một ý thức hệ cũng cần phải bắt đầu từ việc giáo dục và định hướng giáo dục theo các quy tắc ứng xử mà xã hội đó đặt để.
Bên cạnh Bát chính đạo, một trong những giá trị nhân bản của Phật giáo cũng góp phần xây dựng và định hướng giáo dục nhân cách đạo đức con người thông qua Năm nguyên tắc sống (Ngũ giới): không cố ý đoạt mạng sống của người khác, không cố ý lấy những thứ của người khác khi chưa có sự đồng ý; không cố ý xâm phạm đến vợ/chồng hợp pháp của người khác đã được pháp luật bảo hộ; không cố ý nói những lời trái với sự thật, những lời gây chia rẽ, những lời hung ác,…; và không cố ý sử dụng các chất nghiện như rượu, bia, cho đến những chất cấm (ma túy,…). Năm nguyên tắc sống này chính là nền tảng của đạo đức học Phật giáo, đó cúng chính là nền tảng cho giáo dục nhận thức đạo đức con người. Thiết nghĩ, những giá trị nhân bản nhân văn của đạo Phật cần được áp dụng một cách rộng rãi hơn nữa vào xã hội, đặc biệt là những xã hội đang đứng bên bờ xói mòn đạo đức con người.
2.2. Tinh thần bất bạo động
Theo nhân quả nghiệp báo thì một hành động thiện sẽ dẫn đến các cảnh giới tái sinh tốt đẹp, do đó, tinh thần bất bạo động được xây dựng dựa trên nền tảng từ bi vô ngã trí tuệ của Phật giáo. Bất bạo động cần được hiểu là một triết lý hoặc chiến lược nhằm biến đổi xã hội mà không dùng đến bạo lực. Do đó, đấu tranh bất bạo động là chấp nhận một cách thụ động sự đàn áp của phía đối lập kể cả bằng vũ trang. Người tham gia đấu tranh bất bạo động có thể dùng nhiều phương pháp khác nhau để thay đổi xã hội bao gồm nhiều dạng tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, bất phục tùng, hành động bất bạo động trực tiếp và phát biểu trên thông tin đại chúng. Các dạng bất bạo động dựa trên niềm tin trong tôn giáo hoặc đạo đức và những phân tích chính trị. Bất bạo động dựa trên tôn giáo hoặc đạo đức đôi khi gọi là bất bạo động cơ bản, triết học hoặc đạo đức trong khi đó bất bạo động dựa trên phân tích chính trị thường được gọi là bất bạo động chiến thuật, chiến lược hoặc thực tiễn. Thông thường ở nhiều phong trào và trong tư tưởng cá nhân, có cả hai dạng này.
Bất bạo động có thể nói bao gồm hai phương diện chủ đạo: tư tưởng và thực tiễn. Bất bạo động trong tư tưởng đó chính là vận dụng các khái niệm phạm trù mang tính hòa bình, những thông điệp lan tỏa sự thương yêu nhân loại như: từ bi trong đạo Phật và một số tư tưởng tương tự trong các tôn giáo khác. Đây chính là các hệ thống giáo lý tư tưởng học thuyết, định hướng cho sự nhận thức tư duy đạo đức của cá nhân và tác động lên quá trình áp dụng vào thực tiễn.
Bất bạo động thực tiễn thường liên quan đến các hoạt động đấu tranh chính trị, như biểu tình ngồi, tuyệt thực, chặn đường, đình công,…thay vì chọn các biện pháp đấu tranh đẫm máu, sát thương nhau với vũ khí, đạn dược, thì đấu tranh bất bạo động là một hình thức ôn hòa. Mục đích của nó là nhằm tiến tới giải quyết thống nhất về một yêu cầu về quyền lợi chính đáng, hợp pháp.
Áp dụng hình thức bất bạo động vào trong cuộc sống thực tiễn sẽ giúp giảm thiểu những tổn thương về thể chất lẫn vật chất. Nhưng chất liệu để nuôi dưỡng hình thức này chính là những lý tưởng, mục tiêu cao thượng, cùng với những thông điệp yêu thương nhân loại để tiến đến sự thống nhất các quan điểm, chính sách và giải quyết những vấn đề về quyền lợi ích hợp pháp. Chiến tranh, xung đột vũ trang, bạo lực leo thang giữa các quốc gia gây nên nỗi kinh hoàng cho dân chúng, áp dụng đấu tranh bất bạo động chính là một biện pháp thể hiện đạo đức nhân bản văn minh.
2.3. Ứng dụng trong việc phục hồi và phát triển nhân cách hành vi
Hành trình bắt đầu cho một công cuộc kiến thiết nhân cách đạo đức bắt đầu từ một ý thức phản tư và đòi hỏi một sự nổ lực kiên trì quyết tâm xây dựng lại cuộc đời. Tâm lý ăn năn, hối hận về những hành vi xấu mà mình đã gây tạo, trong Phật giáo được nói đến đó chính là “tàm và quý”, chính là sự xấu hổ và sợ hãi với những việc xấu mà mình tạo ra. Có lẽ tâm trạng này cũng xuất hiện nơi tôn giả Aṅgulimāla, sự này đã cho chúng ta một cách nhìn nhận mới về vấn đề phục hồi và phát triển nhân cách dưới một góc độ Phật giáo.[5]
Theo đó, một cá nhân phạm tội lỗi xấu ác, có thể bị xã hội lên án và khai tử. Nhưng xét dưới góc độ tu tập chuyển hóa của đạo Phật thì mọi người đều bình đẳng về cơ hội tu tập và giải thoát như nhau. Do đó, triết lý Phất giáo hướng con người lầm lỗi quay trở về với con đường chân chính thì khả năng người đó vẫn có thể đạt đến giải thoát giác ngộ.
Vấn đề đặt ra cho xã hội hiện nay là vấn đề phục hồi và phát triển nhân cách đạo đức đối với những phạm nhân, tội phạm, trong phạm vi gần thì đó là sửa đổi phát triển những điều chưa hoàn thiện thành hoàn thiện hơn trong cuộc sống, lao động, cũng như trong học tập. Bởi vì bản chất của con người sinh ra trên thế gian này, không thể nói là thập toàn thập mỹ được, nhưng người biết chấp nhận nhìn thấy được lỗi lầm của bản thân và khắc phục nó trong tương lai, đây mới thật sự là một con người bản lĩnh.
Ngoài vấn đề chuyển hóa và tự chuyển hóa của người phạm tội thì vai trò trách nhiệm của xã hội cũng là một yếu tố cần phải nói đến. Bởi vì cá nhân là một tế bào của xã hội, do đó, khi một tế bào bị tổn thương, thì xã hội cũng cần phải có trách nhiệm trọng việc nuôi dưỡng, chữa trị tế bào đó. Do đó, vấn đề hòa nhập, tái hòa nhập của một số tội phạm (ít nguy hiểm, có sự chân thành hối lỗi,…) cần được sự chấp nhận từ phía cộng đồng.
Mô hình những tổ chức phi lợi nhuận giúp đỡ các vấn đề an sinh, phúc lợi xã hội, các hoạt động tuyên truyền hướng đạo cho những người sa ngã có được một cơ hội hoàn lương bắt đầu một cuộc đời mới,…cần phải được mở rộng và cần phải có được sự đồng cảm từ phía cộng đồng xã hội. Chính đức vua Pasenadi đã dẫn đạo quân truy đuổi Aṅgulimāla, nhưng sau khi nghe đức Phật xác nhận ngài đã xuất gia hướng thiện, trở thành một con người đạo đức, thì lúc đó đức vua cũng hoan hỷ và chấp nhận cho hành động cao đẹp này.[6] Điều này phần nào minh chứng cho giáo lý trí tuệ, từ bi, vị tha vô ngã trong Phật giáo, chú trọng xây dựng con người trong hiện tại, hướng đến sự hoàn thiện viên mãn trong tương lai.
2.4. Đạo đức và môi trường
Một trong những vấn đề mà nhân loại đang phải đối mặt trong bối cảnh khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão, đó là tình trạng ô nhiễm môi trường và những hệ lụy của sự bùng nổ khoa học kỹ thuật gây ra. Thực trạng môi trường hiện nay đang ở mức báo động, điều này gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái cũng như sức khỏe của con người. Nếu tình trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục kéo dài thì loài người sẽ phải đối mặt với những nguy cơ về sức khỏe, tài nguyên thiên nhiên, cùng vô số những hệ lụy khác.
Ngày nay nhân loại đang đứng trước vấn đề khủng hoảng môi sinh. Khủng hoảng môi sinh là sự ô nhiễm môi sinh do các phóng xa, sự phân bạch, bụi bạch của thiên nhiên, nạn khai thác rừng, cháy rừng, giao thông vận tải quá tải, sự thiêu đốt, sự khai thác các nguồn năng lượng vô tội vạ, phục vụ cho nhu cầu phát triển công nghiệp nhẹ và nặng trong một nền kinh tế thị trường đầy lợi nhuận luôn biến động. Nó gây ra những hậu quả và di chứng không chỉ đời này mà còn đời sau. Đó cũng là hệ quả của sự thiếu trách nhiệm đối với môi sinh của con người, có khi dẫn đến sự hủy diệt sự sống cuả loài người trong một tương lai gần.
Nếu xét về góc độ tái sinh - duyên khởi mà nhìn nhận, thì tất cả những vấn đề mà nhân loại đang hứng chịu điều có nguyên nhân của nó, mà trong số đó nguyên nhân trực tiếp có thể dễ dàng nhận thấy được đó là do sự tác động của con người. Một trong những nguyên nhân sâu xa là do tác động của tham, sân và si mà con người đã có những hành động thiếu suy nghĩ dẫn đến những hậu quả nặng nề cho môi trường sống.
Trong một bài kinh, đức Phật cũng đã từng nhắc đến về vấn đề môi trường sống của loài người bị ảnh hưởng: “Do nhân gì, thưa Tôn giả Gotama, do duyên gì ngày nay loài người lại bị tiêu diệt, bị giảm thiểu trông rõ như thế, các làng trở thành không phải làng, các thị trấn trở thành không phải thị trấn, các thành phố trở thành không phải thành phố, các quốc độ trở thành không phải quốc độ?” Đức Phật trả lời rằng: “Ngày nay, này Bà-la-môn, loài người bị tham ái phi pháp làm cho say đắm và bị ác tham chinh phục và bị tà kiến chi phối”. [7] Phật xác nhận nguyên nhân dẫn đến sự ảnh hưởng của môi trường sống có sự góp mặt của tham, sân và si do loài người gây ra.
“Vì bị tham ái phi pháp làm cho say đắm, bị ác tham chinh phục và vì bị tà kiến chi phối họ cầm gươm sắc bén sát hại lẫn nhau…trời không mưa xuống đều đặn, khiến cho bữa ăn khó tìm, mùa màng hư mất, trắng xóa với côn trùng, chỉ còn lại cọng lép…các loài yakka (dạ-xoa) thả ra các loài phi nhân dữ tợn…”[8]. Phật giải thích thêm về các nguyên nhân dẫn đến sự hoại diệt của loài người có ảnh hưởng trực tiếp/ gián tiếp lên hoàn cảnh cũng như môi trường sống.
Các đoạn trích dẫn trong Kinh hoại diệt (Palokasutta) thuộc Tăng chi bộ kinh, đã cho chúng ta thấy rằng đức Phật cũng đã có những nhìn nhận về môi trường sống của loài người, sở dĩ môi trường bị hủy hoại đi đến hoại diệt đó là do con người bị chi phối bởi tham ái phi pháp, ác tham chinh phục và bị tà kiến chi phối.
Tham ái phi pháp và ác tham tức là trạng thái ham muốn những thứ không thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình hoặc những thứ trái với luân thường đạo lý đi ngược lại với sự tiến bộ văn minh của nhân loại. Sự tham muốn này mang tính chất cá nhân, ích kỷ hẹp hòi, đối nghịch lại với sự khát khao ham muốn giải thoát.
Tà kiến tức là những quan điểm, những cái thấy biết mang tính chất lệch lạc, sai lầm, chính vì nhìn nhận sai lầm nên dẫn đến những hành động thiếu chuẩn mực dẫn đến những hậu quả cho mình và cho môi trường sống. Trái ngược với tà kiến là chính kiến – tức là cái thấy biết đúng đắn, một nhận thức đúng đắn làm ích lợi cho mình và ích lợi cho mọi người.
Khi tâm thức của con người bị đầu độc bởi các ác pháp như: tham ái phi pháp, ác tham, tà kiến, si mê,…sẽ dẫn đến những hành động thiếu chuẩn mực và gây ảnh hưởng đến môi trường sống. Khi đó, con người vì lòng tham lam và tà kiến chi phối sẽ trở nên tàn bạo đối với thiên nhiên và đối với môi trường sống. Sự khai thác kiệt quệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, những hệ lụy do ô nhiễm môi trường gây ra bởi sự phát triển của khoa học công nghệ,…dẫn đến tình trạng môi trường sống đang ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng. Ô nhiễm môi trường là một trong những vấn nạn lớn nhất mà nhân loại đang phải đối mặt: ô nhiễm đất, ô nhiễm nước và ô nhiễm không khí. Xét về mối tương quan duyên khởi, thì sự tác động của con người cũng chính là những góp phần vào sự ô nhiễm này, như vậy thì con người cần phải có những hành động gì?
Mỗi cá nhân là một tế bào của xã hội, do đó, mỗi người cần phải nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường sống, tuyên truyền vận động mọi người cùng nhau chung tay góp phần vào công cuộc chung của loài người.
Thực hiện các cam kết về trách nhiệm đạo đức đối với môi trường sống, tôn trọng và bảo vệ môi trường như bảo vệ mạng sống của chính mình.
Rác thải, khí thải từ các hoạt động sản xuất shinh hoạt là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường lớn nhất. Cần phải xử lý chặt chẽ nguồn rác thải, nhất là các loại nilon, nhựa, các chất thải độc hại; ưu tiên cho việc sử dụng các vật liệu hữu cơ thân thiện môi trường; tái sử dụng, tái chế các nguồn nguyên liệu sẵn có, để tránh lãng phí các nguồn tài nguyên;…
Năm nguyên tắc của sinh thái, theo tiến sĩ Fritjof Capra bao gồm: các mạng lưới (tất cả hệ sống cộng sinh với nhau và cùng sẻ chia các nguồn tài nguyên); vòng chu chuyển (vòng chuyển hóa liên tục, tận dụng rác thải để tiếp tục chu chuyển); năng lượng mặt trời (sử dụng các nguồn năng lượng sạch, không gây ô nhiễm môi trường); sự hợp tác (hòa hợp với thiên nhiên, đôi bên cùng có lợi); đa dạng (đa dạng cân bằng sinh học); căn bằng động lực (duy trì sự ổn định của hệ sinh thái).[9]
Môi trường là một vấn đề sống còn của loài người, do đó cần phải có sự chung tay góp sức của mỗi người, cho đến mỗi quốc gia dân tộc và cần phỉa thực hiện một cách quyết tâm triệt để nhất, có như vậy mới mong đạt được những hiệu quả như mong đợi.
3. Ý nghĩa – kết luận
Qua đó, chúng ta nhận thấy rằng, Phật giáo xuất phát từ trong lòng xã hội loài người, phát triển giữa lòng xã hội và chung tay góp phần xây dựng một xã hội nhân bản dựa trên một nền tảng đạo đức Phật giáo chính là một trục duy nhất xuyên suốt tiến trình hình thành phát triển của Phật giáo.
Những vấn đề căn bản mà thế giới phải đối mặt như chiến tranh, xung đột sắc tộc, bạo lực,…căn nguyên của chúng xuất phát từ cách nhìn nhận của những con người trong đó. Hơn nữa chúng cũng được soi sáng dưới lăng kính của học thuyết tái sinh – nghiệp báo của đạo Phật. Một xã hội nhân bản nhân văn phải lấy con người làm nền tảng và luân lý đạo đức làm kim chỉ nam cho mọi hành động ứng xử. Tình yêu thương bác ái, tấm lòng vị tha bình đẳng cần phải được phát triển song hành cùng với tốc độ phát triển của khoa học kỹ thuật, đó cũng chính là tinh thần từ bi, trí tuệ, vô ngã theo tinh thần Phật giáo.
Tác giả: Thích Đức Trung
Học viên thạc sĩ khóa VI, Học viện PGVN tại TP.HCM
***
Tài liệu tham khảo chính
1. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung bộ, NXB. Hồng Đức, TP.HCM, 2021
2. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương ưng bộ, NXB. Hồng Đức, TP.HCM, 2021
3. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng chi bộ, NXB. Hồng Đức, TP.HCM, 2021
4. Fritjof Capra, Những mối quan hệ tiềm ẩn, Nguyễn Nguyên Huy dịch, NXB Tri Thức, 2017
5. Immanuel Kant, Phê phán lý tính thực hành, Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải, NXB Tri Thức, TP.HCM, 2020
Chú thích:
[1] Immanuel Kant, Phê phán lý tính thực hành, Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải, NXB Tri Thức, TP.HCM, 2020, tr56
[2] Xem thêm Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng chi bộ, Chương Hai pháp, Kinh hạnh, NXB. Hồng Đức, TP.HCM, 2021, tr52
[3] Xem thêm Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương ưng bộ, Thiên uẩn, Kinh bông hoa, NXB. Hồng Đức, TP.HCM, 2021, tr617
[4] Xem thêm Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương ưng bộ, Thiên uẩn, Kinh bông hoa, sđd, tr617
[5] Xem thêm Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung bộ, 86.Kinh Aṅgulimāla, NXB. Hồng Đức, TP.HCM, 2021, tr661
[6] Xem thêm Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung bộ, 86.Kinh Aṅgulimāla, sđd, tr659-660
[7] Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng chi bộ, Chương Ba pháp, Kinh hoại diệt, sđd, tr147
[8] Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng chi bộ, Chương Ba pháp, Kinh hoại diệt, sđd, tr147-148
[9] Xem thêm Fritjof Capra, Những mối quan hệ tiềm ẩn, Nguyễn Nguyên Huy dịch, NXB Tri Thức, 2017, tr311
Bình luận (0)