Chùa và tiếng chuông là hình ảnh và hồn thiêng của đất nước đã thẩm thấu mặn mà trong tâm khảm của dân tộc Việt Nam và trở thành một bộ phận hữu cơ gắn liền với sinh hoạt làng xã, không thể tách rời. Cha ông ta có câu: “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”. Chùa đã trở thành trái tim của làng quê và tiếng chuông là biểu tượng của tỉnh thức.

Nhà nông nghe chuông công phu khuya mà trở dậy, nhóm bếp thổi cơm rồi chuẩn bị lùa trâu ra đồng. Buổi chiều họ nghe tiếng chuông thu không mà lùa trâu quay trở về chuồng. Đêm về tiếng chuông là tiếng canh gà nhẹ nhàng đánh thức dân làng trong những lúc ngủ say. Chuông chùa quả là cái “đồng hồ báo giờ” của làng xóm:

“Tiếng chuông vượt núi len sông Vào làng thức tỉnh dân nông ra đồng. Chuông không ngại ngày đêm mưa gió thổi Chuông không vì sông núi bể đèo ngăn Tiếng của chuông là bản thể xa xăm Đây vọng lại mấy ngàn năm âm hưởng.”

Chúng sinh hãy lắng nghe tiếng chuông của Vương Duy đời Ðường khi ông về vui thú cỏ cây ở Võng Xuyên (Cốc khẩu sơ chung động, Ngư tiều sảo dục hi): “Nhẹ nhàng chuông ngân thung lũng Ngư tiều lác đác dời chân”

Với Sư Huyền Không, tiếng chuông và mái chùa đã sớm tối đồng hành với người dân quê Việt Nam, từng nuôi dưỡng tâm hồn cho biết bao thế hệ, để cùng nhau xây dựng quê hương xứ sở:

“Vì vậy, làng tôi sống thái bình Sớm khuya gần gũi tiếng chuông linh Sắn khoai gạo bắp nuôi dân xóm Xây dựng tương lai xứ sở mình”.

Với Nguyễn Bính thì trong khung cảnh thiên nhiên với nhịp sống hài hòa tinh tế, tiếng chuông chùa ấm áp đã hiện hữu và gắn liền với con người, với quê hương dân tộc. Tiếng chuông hiện hữu trong tâm thức mỗi người dân như những hiện tượng thiên nhiên bình thường nhất:

“Quê tôi có gió bốn mùa Có trăng giữa tháng, có chùa quanh năm Chuông hôm, gió sớm, trăng Rằm Chỉ thanh đạm thế, âm thầm thế thôi Mai này tôi bỏ quê tôi, Bỏ trăng bỏ gió, chao ôi bỏ chùa”.

Nguyễn Bính đã phác họa nên một bức tranh thủy mặc làng quê thật đẹp đẽ nên đi xa ai cũng nhớ cũng thương về chốn cũ:

“Mấy chiều vắng bặt hơi chuông Sư bà khuyên giáo thập phương chửa về”.

Nhớ tiếng chuông chùa Vua Trần Nhân Tông trong cảnh “chiều thu làng Vũ Lâm” với suối khe lồng bóng cầu treo, với ngấn nước long lanh cùng nắng chiều nghiêng soi đã để tiếng chuông ngân vang trong chốn thâm sơn tĩnh mịch đó lại trong tâm hồn và thi ca:

“Núi non quạnh quẽ lá rơi, Phôi pha sương khói mây trôi chuông rền”.

Và trong “cảnh chiều Lạng Châu” thời:

“Mây thu lạnh lẽo chùa xưa Thuyền ngư xao xác thoảng đưa chuông chiều”

Nguyễn Trãi trong thời gian lui về trí sĩ ở Côn Sơn, huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương khi “nghe mưa” (“thính vũ”) cảm thấy tiếng chuông đi vào giấc mơ thật nhẹ nhàng. Ngâm thơ rồi nhưng vẫn không ngủ được. Chập chờn mãi đến lúc sáng trời:

“Cửa ngoài tre sột soạt Nhập mộng chuông khua hoài Thơ ngâm rồi khó ngủ Dứt nối đến trời mai”.

Sư Huyền Không với tâm hồn sâu nặng tình quê nên khi nghe tiếng chuông ngân lại “nhớ chùa”, mái chùa của dân tộc:

“Chuông vẳng nơi nao, nhớ lạ lùng, Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung. Mái chùa che chở hồn dân tộc Nếp sống muôn đời của Tổ tông”.

Hồ Dzếnh nhớ lại khi cùng chị nuôi đi lễ chùa đầy hớn hở vui tươi. Nhớ lại thời tuổi trẻ với nỗi u hoài. Nhớ cái tình, cái hồn tốt đẹp của thuần phong mỹ tục Việt Nam cái không khí vui tươi dân dã của tục đi lễ hội chùa “Rằm tháng Giêng” ngày xa xưa:

“Hàng năm tôi đi lễ chùa Chuông vàng khánh bạc ngày xưa vẫn còn Chị tôi thấy vắng trong hồn Ít nhiều hương phấn khi còn ngày thơ Chân đi đếm tiếng chuông chùa Tôi ngờ năm tháng ngày xưa trở về”.

Còn tiếng chuông chùa của Quách Tấn như một kỷ vật thiêng liêng nên mỗi lần trông thấy cảnh núi non, bóng tịch dương đổ xuống, chùa chiền từ đâu trong tiềm thức trỗi dậy, cảnh thiên nhiên gợi nhớ:

…“Núi Nhạn chuông ngân trời bảng lảng Đầm Ô sen nở gió thơm tho”.

…“Mây tạnh non cao đọng nắng chiều Tiếng chuông chùa cũ vọng cô liêu”.

Dù cho mỗi khi Quách Tấn tỉnh giấc nồng tiếng chuông cũng vẫn vọng đến:

“Mây nước nhuốm phong trần Nơi đâu tình cố nhân Những đêm buồn tỉnh giấc Chùa cũ tiếng chuông ngân”.

Với Phạm Thiên Thư thời hình ảnh cái chuông chùa treo trên gác chuông gợi nhớ lại kỷ niệm hò hẹn tình cảm cũ:

“Ngày xưa anh đón em Trên gác chuông chùa nọ Bây giờ anh qua đó Còn thấy chữ trong chuông”…

Trước “động hoa vàng” tiếng chuông chùa đôi khi ngân vọng theo sóng nước đêm trăng rồi tan loãng vào nhau cùng hình ảnh một chiếc thuyền con buông lái:

“Thuyền ai buông lái đêm rằm Sông thu ngân thoảng chuông trăng rì rào”

Nghe tiếng chuông vang vọng chơi vơi dần dần thấm đẫm vào từng hạt bụi của thế giới này và có khả năng làm đảo lộn diện mục của vũ trụ, Phạm Thiên Thư tâm sự:

“Chuông ngân chiều lặng trầm tư Tiếng lơi đẫm hạt thiên thư bềnh bồng”…

Riêng với Tâm Minh, kẻ tha hương, thời cõi lòng vẫn rộn ràng dù Xuân đất khách chẳng còn tràng pháo đỏ và thiếu cả bóng mai vàng. Giữa cái ồn ào náo nhiệt nơi xứ người, tiếng chuông êm ả thanh thoát của ngôi chùa xưa quê cũ hình như vẫn còn vang vọng mãi trong tâm hồn như một kỷ niệm khó quên:

“Chúc Xuân lời vẫn ươm tình nghĩa Mừng Tết thơ luôn đượm ánh quang Thoang thoảng hương trầm khơi kỷ niệm Vẳng chuông chùa cũ tiếng còn vang.”

Tiếng chuông Thiên Mụ và Hàn Sơn Tự

Và sau cùng, nói đến âm ba của những hồi chuông kim cổ cần phải nhắc tới tiếng chuông chùa Thiên Mụ và Hàn Sơn Tự.

Lần đầu ghé chốn Thần Kinh và sau đó thực hiện liền bút ký “Mười ngày ở Huế” Phạm Quỳnh không cố ý “biên tập” thơ tiền nhân. Ông chỉ mượn nửa bài thơ cũ, thêm bớt đôi chỗ, nhằm “tức cảnh” khác. Có người lại cho rằng ông chỉ ghi lại nguyên văn mà thôi. Hai câu thơ đó như sau:

“Gió đưa cành trúc la đà, Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương”

Phạm Quỳnh viết thêm: “Cả cái hồn thơ của xứ Huế như chan chứa trong hai câu ca ấy. Chùa Thiên Mụ là một chốn danh lam, có cái tháp bảy tầng, làng Thọ Xương thì ở bờ bên kia. Đêm khuya nghe tiếng chuông chùa với tiếng gà gáy xa đưa văng vẳng ở giữa khoảng giời nước long lanh mà cảm đặt thành câu ca”. Có người phân tích kỹ cho rằng tiếng chuông Thiên Mụ ngoài âm sắc của tiếng đồng được chế tác bằng một kỹ thuật đúc truyền thống hoàn hảo của Phường Đúc-Huế, nó được vang xa nhờ vào vị trí đặt chuông trên đồi cao, lại có dòng sông Hương trải dài như một chất dẫn truyền tự nhiên. Bên dòng Hương lững lờ thơ mộng, tiếng chuông cứ ngân dài lan tỏa trong không gian. Không gian càng rộng, càng yên tĩnh, tiếng chuông nghe càng sâu lắng. Chỉ một tiếng chuông nhưng đã đọng bao buồn vui, khắc khoải của một đời người. Tiếng chuông sẽ tùy hạnh nguyện đánh chuông của thiền tăng mà âm sắc vang vọng thanh thoát và nhịp điệu của tiếng chuông sẽ khác hẳn nhau.

Hàn Sơn Tự về sau được gọi là Phong Kiều tự vì ở gần cầu Phong Kiều. Đến đời nhà Đường chùa lại được đổi tên là Hàn San Tự. Chùa nổi tiếng nhờ có bài thơ “Phong Kiều Dạ Bạc” của Trương Kế. Ông sáng tác bài này khi đi thi trượt trở về ghé qua Tô Châu, tức cảnh mà sinh tình. Trương Kế đã vẽ ra cái hình ảnh kẻ lữ thứ, đêm dài nằm trên thuyền bên bờ sông nghe quạ kêu sóng vỗ, ngắm đèn chài leo lét về khuya đắm chìm trong trăng tà sương lạnh với tiếng chuông chùa đang ngân nga. Quả là hình ảnh của sự thức tỉnh, giải thoát, bỏ lại thuyền ở bến mơ để vượt lên bờ giác.

“Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên Giang phong ngư hoả đối sầu miên Cô Tô thành ngoại Hàn San Tự Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”

Bản dịch của Tản Đà:

“Quạ kêu trăng lặn sương rơi Lửa chài, cây bãi đối người nằm co Thuyền ai đậu bến Cô Tô Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San”

Tiếng chuông chùa quả thật đã làm nảy sinh ra nhạc và thơ, chan chứa chất liệu cốt tủy của tinh thần Phật giáo cùng với tình tự đất nước quê hương, nhất là với những kẻ phải sống kiếp tha phương!

Virginia, tháng 2 năm 2016, mùa Xuân Bính Thân

Tác giả: Tâm Minh Ngô Tằng Giao Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 3/2016