Phong Kiều dạ bạc là một bài Đường thi nổi tiếng của tác giả Trương Kế, rất quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt. Bài viết này không đi sâu vào bình phẩm văn chương, mà chỉ muốn trình bày nội dung ý nghĩa và khía cạnh thiền vị tinh tế trong bài thơ này.
Nguyên tác
楓 橋 夜 泊
月 落 烏 啼 霜 滿 天 江 楓 漁 火 對 愁 眠 姑 蘇 城 外 寒 山 寺 夜 半 鐘 聲 到 客 船 張 繼
Phiên âm:
Phong Kiều dạ bạc Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên Giang phong, ngư hỏa đối sầu miên Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền Trương Kế
Tạm dịch:
Đêm đậu thuyền ở bến Phong Kiều. Bến quạnh, trăng tà, quạ kêu sương Lửa chài, cây bãi, giấc sầu vương Ngoài cõi Tô thành, Hàn Sơn tự Chuông vọng thuyền ai giữa đêm trường.
Trương Kế tự là Ý Tôn, đậu tiến sĩ đời nhà Đường ở Trung Hoa và có làm quan dưới triều vua Đường Minh Hoàng. Bài thơ Phong Kiều dạ bạc là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. Tương truyền ông làm bài thơ này khi đi thi trượt trở về ghé chơi bến Phong Kiều. Có người lại bảo vào năm 756, khi vua Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi phải xuất kinh tránh loạn An Lộc Sơn, Trương Kế không theo kịp đoàn hộ giá mà lạc xuống Tô Châu. Ngang qua bến Phong Kiều dưới thành cổ Cô Tô, thấy cảnh sinh tình mà làm nên tuyệt phẩm.
- Bến quạnh, trăng tà, quạ kêu sương:
Thời gian lúc này chưa đến nửa đêm nhưng trăng đã lặn. Đây là một đêm thượng tuần. Khung cảnh bến nước hoang vắng, bầu trời tối tăm phủ đầy sương. Những con quạ đang ngủ bị sương rơi thấm lạnh nên thảng thốt kêu lên, bay đi tìm nơi ấm áp.
- Lửa chài, cây bãi, giấc sầu vương:
Cây bãi là hàng cây phong ở bến sông. Nhà thơ đang nằm dỗ giấc ngủ trong khoang thuyền, nghe tiếng quạ kêu não nuột, trông ra ánh lửa chài chập chờn nên trằn trọc không yên. Cụm từ ‘đối sầu miên’ trong nguyên tác cho biết tác giả đang trong giấc mộng một mình, không có người bạn nào bên cạnh.
Đây rõ ràng không phải là một chuyến du sơn ngoạn thủy bình thường. Có lẽ đó là cuộc đi lánh nạn nên tác giả chỉ có một mình và trú ở nơi hoang vắng, không người.
- Ngoài cõi Tô thành, Hàn Sơn tự:
Hàn Sơn tự là một ngôi chùa nhỏ ở ngoài thành Cô Tô, cách bến Phong Kiều vài cây số.
Tương truyền vào khoảng thế kỷ 5 trước Công nguyên, thời Đông Chu liệt quốc. Vua nước Ngô là Phù Sai vì mê đắm Tây Thi gái nước Việt nên đã tha chết cho Câu Tiễn vua nước Việt. Phù Sai cho xây thành Cô Tô lộng lẫy để Tây Thi ở, bỏ bê triều chính, không nghe lời can gián. Vì vậy nước Ngô suy yếu dần, sau bị Câu Tiễn đánh bại, Phù Sai phải tự vẫn chết.
Vào thời Trương Kế đến đây ( khoảng năm 756), thành Cô Tô trên bến Phong Kiều đã thành phế tích.
- Chuông vọng thuyền ai giữa đêm trường:
Nửa đêm là thời khắc kết thúc ngày cũ, bắt đầu cho một ngày mới. Nhà thơ đang thao thức trên thuyền giữa những âm thanh của sông đêm như tiếng sóng vỗ mạn thuyền, cá quẫy, ếch nhái gọi bầy…, thì tiếng chuông chùa Hàn Sơn vọng tới lại được ghi nhận thành cái tứ để kết bài thơ, như một thông điệp cho định hướng quay về của tác giả.
Đọc lại cả bài thơ, thấy những tình tiết như có một sự sắp xếp rất tinh tế. Cả bài thơ chỉ có cụm từ ‘đối sầu miên’ là tả tình, còn lại đều là tả cảnh mà lại gợi lên được tâm tình của tác giả.
Nhà thơ đang là một mệnh quan của triều đình, gặp thời loạn lạc cũng như những con quạ đang ngủ gặp sương đêm lạnh, phải kêu gào bay đi tìm nơi trú ẩn. Nơi tác giả tạm lánh, xưa là đài Cô Tô lộng lẫy, nay chỉ có hàng phong và ánh lửa chài leo lét trên sông. Phế tích Cô Tô có thể là viễn cảnh cho kinh đô Trường An hiện tại.Tương lai nhà thơ cũng mờ mịt như trong đêm tối không trăng.
Trong thời khắc bất an đó, chợt có tiếng chuông chùa vọng đến.Trước đây trong cuộc sống bình yên, nhà thơ chắc đã từng nghe và thờ ơ nghĩ rằng đó chỉ là tiếng chuông chùa. Nay chính trong hoàn cảnh đầy lo âu bế tắc, nhân duyên được hội đủ nên khi nghe tiếng chuông chùa, tác giả chợt nhận ra cho mình con đường thoát khổ của đạo Phật, để có thể chấm dứt những giấc sầu miên dai dẳng.
Đạo Phật ở Trung Hoa lúc này đang phát triển mạnh. Năm 520 tổ sư Bồ-Đề-Đạt-Ma đã đến Trung Hoa truyền bá Thiền tông. Năm 664 trước khi mất, nhà sư Huyền Trang cùng các cộng sự đã dịch được 75 bộ Kinh, Luận thỉnh từ Ấn Độ về. Đạo Phật lúc này có hơn 10 tông phái với những tư tưởng phong phú, mới lạ được những người thích quy ẩn hâm mộ hơn đạo Lão.
Vì vậy tiếng chuông chùa kết thúc cảnh sầu miên nơi bến Phong Kiều trong bài thơ của Trương Kế là cái kết độc đáo, hợp lý, có tính hướng thượng làm cho ý nghĩa và giá trị bài thơ được nâng lên, phù hợp với hoàn cảnh xã hội và tâm trạng của nhà thơ lúc bấy giờ nên được nhiều người cảm nhận và yêu thích.
Tóm lại, Phong Kiều dạ bạc là một bài thơ hay, truyền cảm, giàu âm thanh hình ảnh, ý ở ngoài lời. Các tình cảnh được sắp đặt khéo léo để thể hiện ý tác giả một cách kín đáo, tài tình.
Tác giả vì chán nản trước thời cuộc loạn lạc hiện tại nên mượn cảnh hoang sơ của nơi phế tích để gởi gắm nỗi ưu tư và bày tỏ tâm niệm muốn tìm đến đạo Phật như một lối giải thoát đang được nhiều người hướng tới.
Tác giả: Hoàng Hạnh Hội viên Hội văn học nghệ thuật tỉnh Bình Thuận
Bình luận (0)