Đại đức Ts Thích Quảng Hợp Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 3.2022
Dẫn nhập
Ngày 25 tháng 12 năm 2021 tại chùa Song Quỳnh, thị trấn Gia Bình, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, nhà chùa liên kết cùng với các Nhà khoa học, học giả, phật tử tổ chức tọa đàm trực tuyến trên zoom meeting về chủ đề: “Thân thế và sự nghiệp hoằng pháp của Thiền sư Huyền Quang”.
Thiền sư Huyền Quang(玄光禪師), thế danh Lý Đạo Tái (李道載), (1254 – 1334), quê làng Vạn Tải, Châu Nam Sách, lộ Lạng Giang xưa, nay là xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, vốn là nho sĩ thi đậu Trạng nguyên (Tiến sĩ) vào thế kỷ 13 triều đại nhà Trần. Ngài làm quan duyên đủ rũ bỏ ngôi quan xuất gia tu hành theo Thiền sư Pháp Loa, thông minh học giỏi, học một biết mười, được người đời ví Người như Nhan Hồi Á Thánh của Khổng Tử. Trong quá trình tìm hiểu về cuộc đời tu hành và những tác phẩm của Ngài, ý gì liên quan tới Ngài đều có ý nghĩa thâm thúy sâu xa. Vì thâm thúy của các pháp được gợi lên từ lan tỏa đức tu chân thật của Ngài, không ngoài giáo lý Phật giáo. Trong bài viết này, bên ngọn đèn thiền khuya, người viết xin chia sẻ sự hiểu biết của mình về chữ “Tức” trong Bài thơ “Xuân Nhật Tức Sự” của Thiền sư Huyền Quang. Chữ “Tức” này được hiểu như triết lý về: Duyên, Nhân Duyên trong nhà Phật.
Phân tích chữ “Tức” trong Xuân Nhật Tức Sự của Thiền sư Huyền Quang
Toàn văn bài thơ Xuân Nhật Tức Sự bằng chữ Hán:
春日即事 “二八佳人刺繡遲 紫荊花下囀黃鸝 可憐無限傷春意 盡在停針不語時” Dịch nghĩa: Duyên Cảnh Ngày Xuân Thêu gấm nhè nhẹ dáng mỹ nhân Líu lo oanh hót khóm hoa gần Đáng thương vô hạn, thương xuân ý Chỉ tại dừng kim chẳng hỏiBài thơ của Thiền sư Huyền Quang trên cho ta hiểu chữ “Tức” như là một khái niệm, diễn tả triết lý Nhân duyên, những điều kiện cần và đủ, hay những cái thấy của các giác quan rõ biết như thật về sự đời, sự vật của muôn pháp.
Chữ Tức ta có thể thấy rất rõ trong Tâm Kinh Bát Nhã ta thường đọc như là: “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc”. Sắc là cái Không, Không là cái Sắc. Hay Sắc duyên là không, không duyên là sắc. Nghĩa là chữ “Tức: Duyên” này, có thể dùng phép thiền quán theo thể triết lý Nhân duyên, vô ngã của nhà Phật có thể thấu hiểu được bài thơ “Xuân Nhật Tức Sự”này.
Bài thơ Xuân Nhật Tức Sự dịch là Duyên Cảnh Ngày Xuân. Cho ta thấy tác giả trong cảnh thiền, mùa xuân về muôn hoa đua nở, lòng người tu rất hân hoan trong chính thiền, nhân một ngày xuân tác giả tĩnh lòng, thân tâm an lành, Ngài nhận diện quán thấy có nhiều cảnh vật hiện lên, nhưng Ngài đại diện ghi lại mấy cảnh ghép thành câu thơ cho đời. Như hình ảnh cô thiếu nữ xinh đẹp 16 tuổi đang nhẹ nhàng thêu gấm (二八佳人刺繡 遲: Nhị bất giai nhân thích tú trì), cảnh như thật thấy.
Tác giả còn thấy: tiếng chim hót líu lo, bên khóm cây gần (紫荊花下囀黃鸝: Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng ly). Tiếng con chim oanh hót líu lo như là tiếng pháp Nhân duyên cùng khóm cây, khốm hoa. Tạo nên cảnh hữu tình chim oanh thuyết pháp, líu lo vui mà không lo, không buồn. Cảnh thật thơ mộng, đẹp như cảnh Tây phương của Phật A Di Đà hiện ngay trong hiện tại.
Với sự tu giác của tác giả vạn pháp giai không, Nhân duyên vô ngã, nên Ngài luôn mở lòng từ bi, tình thương vô hạn, thương xuân ý. Nguyên văn là (可憐無限傷春意: Khả liên vô hạnh thương xuân ý). Trong cuộc đời Ngài bé thì chăm học, lớn lại chăm tu, là một con người thuộc lớp Tổ sáng bừng trong cửa Thiền gia. Ngài như là Ngài A Nan đa văn uyên bác thời Phật tái sinh. Nên trí nhớ, lòng từ bi bình đẳng, nam - nữ như nhau được nối truyền hướng người giác ngộ, an vui. Xưa A Nan thương phái nữ xin Phật cho đi tu giờ mới có ni chúng vào hàng Tăng. Nay Thiền sư Huyền Quang có tinh thần từ bi thương chúng sinh, làm thơ về cô thiếu nữ, những bông hoa, tiếng chim oanh hót tô đẹp cho đời, tâm không dính cảnh, có sao đâu?
Thiền sư viết câu cuối coi như câu rất giá trị: Chỉ tại dừng kim chẳng mở lời (盡在停針不語 時:Tận tại đình châm bất ngữ thì). Câu thơ này tác giả cho ta hiểu rằng, khi con người tu hành cần hiểu về sự vật và hiện tượng tồn tại hay thay đổi, từ dạng này sang dạng khác, tướng của chúng thì khác nhưng tính thể bất sinh bất diệt thì không đổi. Nhìn cảnh vật ở thể thực của nó, hay biến hóa của chúng phải là Duyên thể là không, Không thể diệu hữu. Để tình thương như thật, cần tu tập hành thiền trong hằng nhật mới có an lạc thực sự. Khi con người tu giác ngộ được chữ “Tức”, tức là, tức Nhân duyên thì con người ta có thể dừng kim, sống với vô ngôn không cần mở lời cũng hiểu đời vui đạo. Ta đọc bài thơ Xuân Nhật Tức Sự xong, ta lại nhớ tới Thiền sư Ngô Ngôn Thông thế kỷ thứ 8-9. Ngài không nói, nhưng Ngài hiểu tường tận thực tướng của các pháp thể vốn dĩ như thế, nói không nói chỉ là một, nói chỉ là phương tiện độ sinh.
Kết luận
Tóm lại, Xuân Nhật Tức Sự (Duyên Cảnh Ngày Xuân) được Thiền sư sáng tác theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt: 4 câu, mỗi câu 7 chữ, toàn bài 32 chữ. Nội dung về cảnh xuân hiện bày, thật đẹp và ý nghĩa. Qua bài thơ đã nhắc ta tinh tiến tu thêm, biết cảm nhận thiền quán về chữ Tức, Nhân duyên, vô ngã, tính Không, không bị kẹt chấp vào đâu. Sống ở đời cũng vui, trong cửa thiền cũng tự tại. Nhân dịp này, cũng lại vào dịp kỷ niệm 688 năm Thiền sư Huyền Quang viên tịch. Mặt khác, lúc này cảnh xuân 2022 đang hiện hữu, xuân Nhâm Dần tới như xuân xưa. Người viết bằng sự hiểu biết trao đổi học hỏi, trình bày về chữ “Tức” trong thơ của Thiền sư Huyền Quang đây như là một pháp, triết lý Tức: nhân duyên, dung hòa, không hai, chẳng lìa, không tức, không khổ, càng làm cho tâm hồn thoáng đãng, thư thái, yêu đời, mến đạo trong cảnh ngày xuân.
Người viết xin ngũ thể đầu địa, nhất tâm đỉnh lễ giác linh Tam Tổ Trúc Lâm Thiền sư Huyền Quang. Cầu nguyện thế giới thanh bình, nhân dân no ấm. Thế là pháp “Tức: Nhân duyên” của Thiền sư Huyền Quang đã được hiển bày trong ngày xuân, một con người mà Phật hoàng Trần Nhân Tông đã từng phê chuẩn sách qua tay tu soạn không thể thêm hay bớt một chữ nào là thế ấy.
Đại đức Ts Thích Quảng Hợp Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 3.2022 ***TÀI LIỆU THAM KHẢO: - HT.Thích Thanh Từ (2018), Tam Tổ Trúc Lâm giảng giải, Nxb Hồng Đức. - HT.Thích Thanh Từ (202 0), Thiền Sư Việt Nam, Nhà xuất bản Hồng Đức - Đoàn Trung Còn, (2009), Phật học Từ Điển, Nhà xuất bản TP HCM - Nguyễn Quang Khải – Thích Đức Thiện (2021), Phật giáo Bắc Ninh trong lịch sử, Nhà xuất bản KHXH - Tài liệu tham khảo Tọa đàm về: “Thân thế và sự nghiệp hoằng pháp của Thiền sư Huyền Quang” tại chùa Song Quỳnh, Bắc Ninh.
Bình luận (0)