Tóm tắt: Chấp trước là nguồn gốc của khổ đau trong cuộc sống con người. Chấp là sự bám víu, cố nắm giữ vào những giá trị hư vọng. Đó có thể là tiền tài, danh vọng, tình cảm, hay ngay chính bản thân mình như sắc đẹp, sức khỏe, sinh mạng,… Thế nhưng, vì là hư vọng, giả tạm, nên việc cố níu giữ như lấy tay giữ chum bọt biển – chỉ là phí hoài, vô ích. Để rồi từ đó sinh ra nỗi thống khổ vì không đạt được những mong cầu hư ảo đó.

Con người vốn vẫn luôn bị cuốn hút về phía những cực đoan trong cuộc sống mà sinh ra phiền não, như bị hút về hai cực của thỏi nam châm mà không tìm ra cân bằng trong chính mình. Chính vì vậy, Phật giáo ra đời, hiển bày con đường Trung Đạo, giúp con người làm chủ được bản thân, giữ được trạng thái cân bằng giữa những cực đoan. Trung Quán Luận của ngài Long Thọ đã trình bày và làm rõ vấn đề này, đồng thời qua đó, học giả tìm thấy được trí tuệ để phá trừ các chấp trước, đạt được niềm hạnh phúc thật sự.

Từ khóa: Trung Quán luận, Long Thọ, Tư tưởng Phá chấp, Chấp, Phật giáo, Phương pháp,…

A. DẪN NHẬP

Nội dung Trung luận là làm sáng tỏ pháp Quán trung đạo cho nên còn gọi là Trung quán luận. Trung có nghĩa là rời khỏi sự điên đảo hí luận khỏi hai cực đoan là không (vô) và có (hữu). Pháp Quán trung đạo này lấy trí tuệ tính không làm thể, lấy sự quán chiếu nhân duyên, trung đạo, bất nhị, xa lìa vọng chấp hữu-vô làm dụng.

Chính vì mục đích của Phật giáo nói chung, cũng như Trung Quán Luận nói riêng đều là giúp chúng ta không còn vọng chấp vào hữu vô, khi không còn chấp thì mới có thể khai mở trí tuệ, tìm thấy sự giác ngộ, đến được bến bờ giải thoát. Bởi vì nút thắt đầu tiên cần phải vượt qua là sự phá chấp, cho nên bài viết này chọn đề tài “Tư tưởng phá chấp trong Trung Quán luận” để người viết trình bày cụ thể và có những liên kết, sâu chuỗi với các tác phẩm Phật giáo khác, qua đó làm nổi bật lên tầm quan trọng của mục tiêu phá chấp cũng như cách thức tư duy, thực hành nhằm đạt được rốt ráo trong quá trình hướng bản thân trở về cuộc sống tự tại ngay trong hiện tại.

B. NỘI DUNG

I. GIỚI THIỆU NGÀI LONG THỌ VÀ TÁC PHẨM TRUNG QUÁN LUẬN

1. Tiểu sử Ngài Long Thọ

Ngài Long Thọ (Nagarjuna) thường được tôn xưng là “Đức Phật thứ hai” bởi các truyền thống Phật giáo Đại thừa tại Tây Tạng và Đông Á. Ngài Long Thọ là người đưa ra những phê phán nghiêm khắc về triết lý thực thể của Bà La Môn và Phật giáo, về nhận thức luận, và các pháp môn tu tập.

Tượng ngài Long Thọ tại Nagarjunakonda. Ảnh: St

Triết lý của ngài Long Thọ đại biểu cho nguồn cội không chỉ lịch sử triết lý Ấn Độ mà còn tất cả lịch sử triết học nói chung. Quan điểm chính của ngài Long Thọ về “tất cả các pháp đều không” - cho thấy sự vô thường và vì vậy tất cả mọi hiện tượng đều không có định tính, nó như là trụ cột thuật ngữ của tư duy triết lý Phật giáo và là sự đối lập với các hệ thống Vệ Đà đương thời.

a. Cuộc Đời của Ngài Long Thọ

Về cuộc đời ngài Long Thọ, với nhiều luồng thông tin được lưu truyền thì có hai tiểu sử được biết đến nhiều nhất, một bằng chữ Hán và một nữa bằng chữ Tây Tạng. Theo đó, chúng ta có thể khái quát một số nét tiêu biểu về cuộc đời ngài Long Thọ, như sau:

Ngài Long Thọ sinh ra trong dòng tộc “Bà La Môn”, tại khu vực Andhra thuộc miền nam Ấn Độ. Ngày sinh của ngài thì không rõ, khoảng từ 150 tới 200 năm sau Công Nguyên. Theo sử truyện Tây Tạng, vì ngài Long Thọ được tiên đoán sẽ chết sớm, do đó song thân của ngài quyết định ngăn chặn định mệnh khủng khiếp này bằng cách cho ngài đi xuất gia trong đạo Phật, sau đó sức khỏe của ngài được nhanh chóng khá hơn. Rồi ngài dời tới miền Bắc và bắt đầu học tập. Ngược lại, theo huyền thoại Trung Quốc nhiều màu mè hơn thì mô tả tuổi trẻ gian tà của ngài sử dụng quyền phép du già huyền bí để lén lút, với một vài người bạn, vào trong hậu cung của nhà vua và dụ dỗ các cung phi mỹ nữ. Ngài Long Thọ thì có thể trốn thoát trong khi họ bị phát giác, nhưng các người bạn của ngài đều bị bắt và hành hình, và nhận thức được sự vô thường trong việc theo đuổi tham dục, ngài Long Thọ yểm ly thế gian và giác ngộ. Sau khi cải đạo, nhờ tài năng và thiền định ngài được thỉnh xuống long cung. Trong thời gian ở đó, vị thần đồng này bắt đầu “khám phá” ra “nền văn học trí tuệ” của truyền thống Phật giáo, được biết như là các Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa (Prajnaparamita Sutras), và nhờ công đức vĩ đại của ngài, đã đem các bộ kinh này lên nhân gian, mà sau đó được biết với quý danh Nagarjuna, tức là Long Thọ hay “rắn thần”.

b. Tư tưởng chính của ngài Long Thọ qua các tác phẩm chính

Ngài Long Thọ nhìn thấy khái niệm “Không” - một khái niệm được chứa đựng trong văn học Phật giáo Nam Phạn (Pali) mô tả sự vô ngã trong con người, nhưng kể từ thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên cũng có nghĩa là con số mới được hình thành “không – zero”, là chiếc chìa khóa để giải thích phần tinh túy của Phật Pháp, và phá hủy tất cả các trường phái triết học siêu hình đang cực thịnh vào thời đại của ngài.

c. Một số tác phẩm của Bồ tát Long Thọ

Trung Luận hay Trung Quán Luận (Mùla-madhyamaka-karikà). Hồi Tranh Luận (Vigrahavyàvartani). Đại Trí Độ Luận còn gọi là Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa Kinh Thích Luận (Mahaprajnaparamata-upadesa-sastra). Đại Thừa Phá Hữu Luận (Bhavasamkranti). Thập Nhị Môn Luận (Dvàdasanikàva). Hạnh Vương Chính Luận (Ràjaparikatha-ratnamàla). Bất Khả Tư Nghì Tụng (Acyntyastava). Bồ đề Tư Lương Luận (Bodhisambhrahaka). Đại Thừa Nhị Thập Tụng Luận (Mahayananavimsakà). Lục Thập Như Ý Luận (Yukisastikà-karikà). Nhân Duyên Tâm Luận Tụng (Pratìtyamutpàdahrdaya-kàrikà) Thất Thập Tính Không Luận (Sunyatàsaptati). Tồi Phá Luận hay Quảng Phá Luận (Vaidalyaprakarana) Xuất Thế Gian Tụng (Lokàtitastava).

2.Tác phẩm Trung Quán Luận

Trung luận[1] hoặc Trung quán luận[2], Trung luận tụng[3], gọi đầy đủ theo tên Phạn văn (mūlamadhyamakakārikā) là Căn bản trung luận tụng[4], là một tác phẩm tối quan trọng của Long Thọ, người khai sáng tông phái Trung quán (mādhyamika) tại Ấn Độ vào khoảng thế kỷ thứ II sau Công nguyên.

a. Tên gọi:

Dựa trên bản tiếng Phạn hiện còn tồn tại, tên tiếng Phạn của Trung luận là Mūla-madhyamaka-kārikā, có thể được dịch là “Căn bản trung luận tụng”. Theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng, sở dĩ Trung luận được gọi là “Căn bản trung luận tụng” vì tất cả những trước tác của Long Thọ sau này như Thập nhị môn luận (dvādaśanikāya-śāstra), Vô uý chú (mūlamādhyamikavṛtti-akutobhayā), v.v… đều dựa trên những lý thuyết căn bản của Trung luận mà triển khai.

Nội dung Trung luận là làm sáng tỏ pháp Quán trung đạo cho nên còn gọi là Trung quán luận. Trung có nghĩa là rời khỏi sự điên đảo hí luận khỏi hai cực đoan là không (vô) và có (hữu). Pháp Quán trung đạo này lấy trí tuệ tính không làm thể, lấy sự quán chiếu nhân duyên, trung đạo, bất nhị, xa lìa vọng chấp hữu-vô làm dụng. Nguồn gốc phép quán này chính là khái niệm Chánh kiến mang nghĩa trung đạo xa lìa chấp có, chấp không mà đức Phật đã thuyết trong Tạp A Hàm, kinh số 301 Tán Đà Ca Chiên Diên (Kaccayanagotta). Chánh tức là trung, còn kiến tức là quán, chánh kiến tức là trung quán.

Các bản Hán dịch cũng có nhiều tên khác nhau. Trong giai đoạn đầu, vào năm 409, Cưu Ma La Thập dịch vắn tắt là Trung luận[5]. Sau này ngài Cát Tạng 吉藏 (549-623) đổi lại là Trung quán luận, cũng có khi ngài gọi là Chánh quán luận trong tác phẩm nổi tiếng của ngài là Tam luận huyền nghĩa[6].

Bản Hán dịch của Pháp sư Cưu Ma La Thập gồm có phần kệ dịch của ngài và lời bình ngắn gọn, cụ thể, bình dị bằng văn xuôi của Luật sư Thanh Mục (Vimalaksa), là vị thầy Bà La Môn trước kia của Pháp sư Cưu Ma La Thập, và được Tăng Duệ, một trong những đệ tử chính của Pháp sư, chịu trách nhiệm xuất bản đầu tiên như trong Lời Tựa của ông cho biết.

Ấn Thuận pháp sư căn cứ vào truyền thống Phật giáo Tây Tạng phân các trước tác của Long Thọ thành hai loại. Một là “quyết trạch thậm thâm nghĩa”, lấy phương thức lí luận thâm nhập chư pháp thật tướng, bao gồm Trung luận, Thất thập không tính luận, Lục thập như lí luận, Hồi tránh luận,… Hai là “phân biệt bồ tát quảng đại hành”, bao gồm Đại trí độ luận, Thập trụ bì bà sa luận, Bồ đề tư lương luận, Bảo hành vương chánh luận, Khuyến giới vương tụng,… Do đó, Trung luận chính là một trước tác thuộc loại quyết trạch thậm thâm nghĩa.

b. Mục đích tạo luận

Tám câu kệ đầu của Trung luận, Long Thọ bồ tát đã công khai rõ ràng mục đích của ngài là “thiện diệt chư hý luận”: “Bất sinh diệc bất diệt, bất thường diệc bất đoạn, bất nhất diệc bất dị, bất lai diệc bất xuất. Năng thuyết thị nhân duyên, thiện diệt chư hí luận, ngã kê thủ lễ Phật, chư thuyết trung đệ nhất”. Như vậy, mục đích ngài Long Thọ tạo Trung luận nhằm phá tà kiến thường-đoạn, hữu-vô,... của Phật giáo bộ phái và ngoại đạo đang thịnh hành vào thời của ngài; đồng thời hộ trì Phật pháp, xiển dương chánh kiến về bất nhị, trung đạo, nhân duyên và tính không của các pháp.

c. Bố cục bộ luận

Trung luận được kiết tập trong Đại Chính tân tu Đại tạng kinh, tập 30, kinh số 1564 (T30n1564), được Cưu Ma La Thập dịch sang Hán vào năm 409 từ nguyên văn tiếng Phạn do Bồ tát Long Thọ trước tác, lời tựa viết cho Trung luận của Thích Tăng Duệ, và phần sớ giải của Phạm Chí Thanh Mục. Nội dung gồm 27 chương (phẩm), 446 bài tụng, mỗi bài có 4 câu năm chữ.

II. CHẤP VÀ TƯ TƯỞNG PHÁ CHẤP TRONG TRUNG QUÁN LUẬN

1.Phật giáo đề cập đến Chấp như thế nào?

Khi đức Phật ra đời, Ngài đã chỉ bày rõ ràng, cặn kẽ cho người xuất gia cũng như người tại gia ở từng địa hạt một của tâm linh. Ví dụ như việc này từ đâu mà có, sau đó như thế nào và kết quả ra sao giữa các hành vi thiện cũng như ác. Ngài đã nói pháp duyên khởi, duyên sinh và Ngài cũng đã nói pháp Tứ Diệu Đế. Từ thấp đến cao; từ hẹp đến rộng. Từ phàm phu đến Thánh nhân; từ cõi này cho đến cõi khác. Giáo lý ấy ngày nay vẫn còn tồn tại trên thế gian này; nhưng tại sao ngày xưa, sau khi nghe Phật giảng dạy xong thì có người đắc quả Dự Lưu cho đến A La Hán. Còn ngày nay cũng pháp đó, chúng ta đã nghe qua quá nhiều lần mà người chứng đắc lại không có?

Căn cứ trong kinh Trường A Hàm là những bản kinh căn bản của Nam Truyền và Bắc Truyền. Kinh này có sớm nhất từ khi đức Phật còn tại thế và đã lập thành văn tự vào năm 85 trước Tây lịch. Đầu tiên hệ Pali được kết thành và sau đó được chuyển dịch qua Hán văn rồi lần lượt đến các ngôn ngữ khác. Dĩ nhiên Phạn ngữ cũng đã được hình thành song hành với Pali trong từng giai đoạn; nhưng được hướng về phía Phật giáo cải cách nhiều hơn.

Phá chấp. Ảnh: St

Kinh Trường A Hàm cho biết rằng: Con người ngày xưa từ cõi Trời Quang Âm Thiên đầu thai xuống cõi này. Ngày ấy con người có thần thông và mọi nhu cầu của cuộc sống không cần phải lo toan. Tất cả đều hiện ra trên khắp mặt đất này. Loài người chỉ cần đưa ngón tay vào mặt đất là lấy lên đồ ăn ngon ngọt để nuôi thân. Kế đó con người tự suy nghĩ rằng: Nếu không lấy để dành thì ngày mai, ngày mốt không còn gì để ăn nữa. Rồi từ đó con người bắt đầu tích tụ thức ăn cho ba ngày, bảy ngày hoặc nhiều ngày hơn nữa. Do vậy con người sinh ra cạnh tranh với nhau; nên be bờ đắp lũy, tạo thành ruộng vườn riêng tư, nhiều nhà trở thành thôn xóm và nhiều xóm trở thành làng. Tiếp đến có Thôn trưởng, Xã trưởng, Quận trưởng... cứ thế và cứ thế, con người tích chứa của cải, tài sản, danh vọng, địa vị... cho nên trở thành xấu xí và mất hết thần thông.

Lúc thịnh hành nhất là khi con người sống đến 80.000 tuổi mới qua đời. Con gái thuở ấy 500 tuổi mới đi lấy chồng; nhưng của cải giàu có trên thế gian này tiêu xài hoài cũng đến ngày phải cạn kiệt. Quả đất không còn gì để cung cấp cho con người nữa, ngoại trừ hạt bông cỏ là thức ăn chính của con người. Lúc ấy con người chỉ còn sống đến 10 tuổi và 5 tháng tuổi đã dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái ... Như thế sẽ trải qua nhiều kiếp tăng và kiếp giảm; cho đến khi nào con người được 8 vạn tuổi thì đức Phật Di Lặc sẽ ra đời. Ngài sẽ độ 3 lần trong thời gian làm Phật của Ngài và sau thời kỳ chính pháp đến tượng pháp, rồi mạt pháp. Cứ thế và cứ thế, quả đất này được thành tựu, quả đất này biến hiện và quả đất này sẽ bị hủy diệt qua các thời kỳ của Tiểu Tam Tai như: Nạn đói khát, chiến tranh và bệnh tật. Cũng như Đại Tam Tai gồm: Lửa đốt cháy, nước dâng cao, gió thổi mạnh... Con người vẫn mãi bị chi phối bởi vòng nghiệp lực này. Lý do duy nhất là con người hay chấp trước.

a. Chấp trước là gì?

Chữ chấp có nghĩa là bám víu vào; trước có nghĩa là dính chặt vào đó, do tâm niệm của con người qua các việc như: Chấp có, chấp không, chấp thường, chấp đoạn, chấp ngã, chấp ái, chấp ta, chấp người... Tất cả những điều này đều do ý khởi lên và thân là vật bị động, bị sai sử để thực hiện những hành vi tốt hoặc xấu đó. Nếu cái thiện nhiều hơn thì nó sẽ kéo cái ác theo và trung hòa cái ác, để cái ác kia dần dà biến thành lương thiện. Ngược lại, nếu cái ác nhiều hơn, nó sẽ kéo cái thiện chạy theo cái ác. Điều này cũng giống như ánh sáng và bóng tối vậy. Nếu bóng tối còn ngự trị trên thế gian này, thì điều ấy có nghĩa là chân lý chưa xuất hiện, ma Ba Tuần vẫn còn có cơ hội để ngự chiếm nhân gian; nhưng nếu ánh sáng hay chân lý ngự trị mãi trên cuộc đời này thì có nghĩa là loài A Tu La không có cơ hội để tồn tại nữa. Giữa cái thiện và cái ác, nó chẳng khác nhau mấy với ánh sáng và bóng tối kia là vậy.

b. Một số khía cạnh của Chấp trước.

Bây giờ chúng ta thử điểm qua từng loại chấp trước này để từ đó tạo cho mỗi người một cái nhìn thông thoáng hơn, khi thực hành giáo lý của đức Phật.

Đầu tiên là chấp có. Ví dụ như chấp vào thân, tài sản, địa vị, sự nghiệp v.v... Thân này do tứ đại hợp thành, gồm có: đất, nước, gió, lửa; nhưng những thứ này không có thật tướng. Thoạt có, thoạt không. Thế mà ta nghĩ rằng nó vĩnh viễn có thật bên mình. Cái thân này từ trẻ đến già phải trải qua 4 giai đoạn của thành, trụ, hoại, diệt. Thế nhưng con người vừa chấp chặt vào nó, cho nó thật là của mình; nhưng trên thực tế thân này bị vô thường biến đổi. Điều này rất hợp với thuyết duyên khởi. Đó là: tất cả các pháp đều do nhân duyên sinh. Tất cả các pháp đều do nhân duyên diệt và tự tính của các pháp là không. Ai hiểu được pháp duyên khởi, người ấy sẽ hiểu được Phật Pháp và ai hiểu được Phật Pháp, người ấy sẽ hiểu được pháp duyên khởi.

Chính vì chấp vào thân này là của ta, tài sản này của ta, vợ con này của ta, địa vị này của ta, con cái này của ta, sự nghiệp này của ta... nhưng người học Phật phải nhìn kỹ và nhìn sâu vào sự việc để thấy bên trong tất cả những điều này đều ẩn chứa sự khổ và chính sự khổ này con người không biết diệt nó; nên mới sinh ra thất vọng, hối tiếc, bi quan. Vì lẽ ta chấp trước vào nó quá nhiều.

Tương truyền rằng vua Khang Hy đầu triều nhà Thanh ở Trung Hoa vào năm 1640 là một vị Sư người Việt Nam tái thế đã đầu thai. Khi vua sinh ra trên hai bả vai hiện lên 10 chữ. Bên bả vai trái có 5 chữ là: An Nam Quang Minh tự. Bên bả vai phải cũng hiện lên 5 chữ: Sa Môn Tỳ Kheo Tăng. Cuối cùng triều đình nhà Thanh phải cho người qua Việt Nam đến chùa Quang Minh lấy nước giếng tại đó, đem về rửa những chữ này mới mất hẳn. Cả một đời làm vua, Khang Hy đã để lại nhiều tư tưởng rất hay. Trong đó có 2 câu đối là:

Cửu trùng điện khuyết đa ưu lự Bất kiến sơn tăng bán nhật nhàn Dịch ý: Nơi chốn cửu trùng với nhiều nỗi lo toan Chẳng thể sánh với nửa ngày an lạc của một người tu trên núi.

Suốt một đời làm vua mà chưa bằng nửa ngày của một người tu có đời sống an lạc. Điều ấy hẳn đúng; nên đức Phật của chúng ta đã tìm ra chân lý ấy từ lâu rồi; nên Ngài mới bỏ cung thành, xuất gia, học đạo. Thế mà ngày nay có không biết bao nhiêu người muốn chiếm được ngai vàng cũng như những chốn quyền uy cao cả ấy, mà bản chất của nó vốn không chắc thật.

Về chấp ngã cũng tương tự như vậy. Ta chấp cái này là của ta; cái này thuộc về ta. Đôi khi ta nổi lên sân si, giận dữ. Vì lẽ ta cho mình là đúng, còn người đối diện sai. Nhưng chắc gì ta đã đúng. Vì khi cơn giận dữ ngự trị nơi tâm thức, thì lúc ấy chân lý đi chỗ khác, không hiện hữu, chỉ còn lại sự chấp ngã, tồn tại. Sở dĩ ta nóng giận, vì ta muốn chứng minh cho mọi người biết rằng điều ta nói, điều ta suy nghĩ, điều ta hành xử là đúng. Do vậy mới chứng tỏ một một uy quyền để bắt người khác phải tuân phục. Đa phần sự nóng giận dẫn theo sự nghi ngờ và cố chấp. Từ đó sinh ra rất nhiều việc sai trái; nhưng cái ngã của ta không chịu thừa nhận mà lại còn kéo theo những cái liên hệ thuộc về ta nữa. Để đối trị lại vấn đề chấp ngã này ta nên quán sát nơi tự thân của mỗi người là cái ngã này không thật có. Nó chỉ là một ảo ảnh, một cảm giác. Thoạt có, thoạt không, ẩn ẩn, hiện hiện; không nơi chốn; nhưng lại hay tới lui cổ động việc dở xấu của mình. Hãy chiêm nghiệm và quán sát cho thật kỹ, vì cái ngã không có thật. Nếu ngã có thật thì ta phải làm chủ nó, tại sao ta phải bị lệ thuộc vào nó?

Về ái dục cũng như vậy thôi. Sở dĩ có ái vì do sự ham muốn về thể xác làm chủ động, sai khiến. Do vậy ta mới thấy người này đẹp hơn người kia, và khuynh hướng chiếm hữu ngự trị nơi chấp ái này; nên ta lôi người đối diện về phía mình và cho rằng người ấy thuộc về mình, mình là chủ; nhưng sự làm chủ ấy được bao lâu? ngay cả vợ chồng, con cái, bè bạn cũng không bền. Có những cặp vợ chồng sống đến khi lâm chung; nhưng trong cuộc sống mấy mươi năm chung đụng ấy có quá nhiều sóng gió, chẳng qua chỉ là sự gá nghĩa mà thôi. Người này cần người kia và ngược lại người kia cần lại người này. Mỗi người đều mong làm cho thỏa mãn sự ái dục của mình. Do vậy sự đổ vỡ chắc chắn sẽ xảy ra không chóng thì muộn. Thế rồi người ta đi tìm một đối tượng khác; nhưng sẽ được bao lâu? Nếu ta không nhận chân ra được cái gốc của ái là cái nhân của sinh tử luân hồi? Đa phần con người không tự làm chủ mình được trong những thử thách này; nên cứ mãi dong ruổi trong lộ trình sinh tử. Tất cả những cái gì xảy ra trên thế gian này trong thời gian chúng ta sinh sống, trước đây mấy ngàn năm và sau đây mấy vạn năm cũng sẽ như vậy; nhưng thuở xưa có đức Phật và các vị Thánh nhân ra đời. Các Ngài thấy rõ bộ mặt khổ đau của sinh tử; nên đã chỉ cho con người và con người thuở ấy trí tuệ còn nhiều nên chấp nhận một cách dễ dàng và từ đó dự nhập vào hàng Thánh. Còn bây giờ, những việc như thế ta vẫn thấy, ta vẫn nghe, ta vẫn cảm nhận; nhưng không đủ tự lực và nghị lực để vượt qua, nên khó mà làm chủ mình để hội nhập vào hàng Thánh được. Biết thì ta vẫn biết; nhưng làm chủ cái tâm này vẫn chưa được. Do vậy con người đời nay mãi bị trầm luân trong sinh tử là vậy.

Về chấp trước của tâm thức này còn hay mất sau khi chết cũng như vậy. Có người thì cho rằng: Chết là hết, chẳng có cái gì theo sau nữa. Có người lại bảo rằng: Chết không phải là hết, mà còn mãi với thời gian này. Vậy đâu là sự thật?

Đức Phật với cái nhìn siêu việt của trí tuệ, Ngài thấy rõ và quán chiếu thế gian này cũng như tâm thức của chúng sinh trước khi sinh ra đến lúc đầu thai và sau cái chết. Tất cả đều được thay đổi theo nghiệp lực và thức biến hiện, để tạo thành một chúng sinh ở cõi này và nhiều cõi khác nữa.

Theo kinh Đại Bảo Tích Phẩm Nhập Thai Tạng Pháp Giới, đức Phật đã phân tích kỹ càng, chi tiết từng loại đi đầu thai như thế nào khi vào bụng mẹ. Thật ra khi một người nam và một người nữ có ý niệm hành dục với nhau, ngay lúc ấy một tâm thức hiện hữu bên ngoài đã cố bám víu vào để thành con của hai người nam nữ được gọi là cha mẹ đó. Như vậy một chúng sinh được hình thành từ tư tưởng lúc ban đầu của vợ chồng, khế hợp với tâm thức của một chúng sinh sắp gá vào sự phối hợp giữa nam và nữ để tạo thành một con người trong tương lai. Theo tính dục, nếu tâm thức ấy là con gái, nó sẽ nhận cha nó trong tương lai, ngay lúc ấy là chồng của nó. Nếu tâm thức là con trai, nó sẽ nhận người mẹ trong tương lai, ngay lúc gá thai là vợ của nó. Từ đó nó yêu thương ấp ủ, sống chết để chờ ngày sinh ra báo ân hoặc báo oán. Rồi trưởng thành, rồi già chết, rồi tiếp tục đi đầu thai trong luân hồi sinh tử.

Riêng các vị Bồ Tát chỉ gá vào thai mẹ để sinh ra đời. Cho nên Bồ Tát đứng bên hông phải của người mẹ, chứ không gá vào tử cung. Do vậy khi sinh ra, Bồ Tát từ hông bên phải của người mẹ để chào đời; chứ không ra khỏi cửa mình của người mẹ như bao đứa trẻ phàm phu khác. Đây là nhân duyên, đây là nghiệp lực, đây là sinh tử luân hồi. Cứ vay trả, trả vay hết đời này qua đời nọ; nhưng vì căn bản của chúng sinh là vô minh; nên dễ bị đắm trước bởi tất cả những chấp ngã, chấp ái, chấp thuờng, chấp đoạn ấy. Bậc trí thức sẽ biết rõ mình lối đi về, còn đa phần phàm phu không trí tuệ, cứ để cho nghiệp lực sai sử và dẫn dắt đi đến đâu thì nương vào đó, để rồi mãi mãi vẫn đau khổ, khổ đau mà thôi.

Thương và ghét cũng như vậy. Đây là những cặp đối đãi của 8 loại gió nghiệp. Trên thực tướng chúng bị chi phối bởi sự chấp trước của con người. Ví dụ như khi thương thì “trái ấu cũng tròn” mà ghét nhau thì “trái bồ hòn cũng méo”. Tại sao vậy? Đây chính là do tâm chấp thủ của con người mà ra. Đối tượng để mình thương và được thương, vì nó hợp với nhãn quan qua tia quang phổ chấp vào tướng của mình. Mình cho người đối diện mình là đẹp, trong khi đó những người khác, thì ngược lại. Vì không hợp với tầng số của sóng ái; nên kẻ khác cho là xấu; nên không thương và trở nên xa lánh; nhưng sự thương, yêu ấy chẳng được bao lâu lại sinh ra ghét gỏng, đổ vỡ. Lý do là người nam đã thỏa mãn sự chiếm thủ rồi, bây giờ họ lo đi tìm đối tượng khác. Trong khi đó người nữ, khuynh hướng nương tựa, cậy nhờ không còn tiếp tục nữa; nên người nữ sinh ra thù ghét đối phương và tìm đủ cách để xa lánh. Vậy thì cái thương yêu mới đó nó đã đi đâu rồi? Nó có thật chăng? hay chỉ là một trò huyễn hóa? Điều quan trọng của người học Phật là phải nhận chân ra mặt mũi thật, hư của nó.

Giận hờn và oán trách cũng lại như vậy. Tất cả đều do sự chấp trước mà ra. Sở dĩ chúng ta tự giận mình hay giận người đối diện. Vì lẽ mình không tự làm vừa lòng mình hay người khác không làm thỏa mãn điều mình mong đợi; nên mình sinh ra hờn trách và oán than. Sở dĩ có việc này, vì ta lấy cái ta làm chủ thể để so sánh. Nó phải như thế này hay như thế kia. Nó phải như thế này hoặc như thế nọ. Nhưng tất cả sự hy vọng ấy nó không đến với mình, thế rồi cái ta đó làm chủ, nó khiến cho mình mù quáng, đâm ra hờn trách, giận giỗi đối phương. Đôi khi đối phương chẳng có lỗi nào. Lỗi ấy chính do mình tạo ra mà thôi. Nếu ta biết rằng: hãy đừng hy vọng gì nơi người đối diện thì chẳng có gì để thất vọng cả. Vì ta hy vọng quá nhiều; nên đâm ra thất vọng và từ đó sinh ra giận hờn và oán trách. Nếu chúng ta tự đặt mình ngược lại là đối phương, thì ta không có lý do gì để oán trách cả.

Chiến thắng và thất bại cũng nương vào tự ngã; tự ái của con người. Vì chúng ta muốn làm thỏa mãn cái ta của mình và cái ta ấy phải trên cái ta của người khác; nên chúng ta tìm cách để chiến thắng; nhưng cuối cùng rồi cũng chẳng là gì cả. Ngày xưa vua A Dục được xưng là Vạn Thắng Quân; nghĩa là đánh đâu thắng đó; nhưng cuối cùng rồi cũng thua phép Phật. Bằng chứng là khi ông đi đến Bồ Đề Đạo Tràng, lúc ấy ông vẫn còn tâm ganh tị với đức Phật và ông thách thức rằng: Nếu Phật có linh thiêng thì những cành lá cây Bồ Đề mà ông ra lệnh đốn hạ đó, phải mọc lại ngay lập tức, cũng như nếu đức Phật có thần lực thì hãy cho ông chứng nghiệm một sự nhiệm mầu.

Khi ông ra lệnh cho quân lính đốt những cành lá của cây Bồ Đề nơi đức Phật thành đạo thì kỳ lạ thay! Ánh hào quang tỏa ra chung quanh những cành cây bị đốt cháy đó. Ngần ấy việc cũng chưa khiến cho đức vua tin. Tối hôm đó ông nằm mơ, chư Thiên mách bảo rằng: Ngày mai bệ hạ đem sữa bò tươi tưới vào gốc Bồ Đề đã cho chặt hôm qua thì tự nhiên nhành lá sẽ mọc trở lại. Sáng ra nhà vua đích thân làm điều ấy và quả nhiên cây Bồ Đề đã mọc cành, đâm lộc. Từ đó nhà vua đã xin quy y Tam Bảo và trở thành một phật tử hỗ trợ đắc lực cho vấn đề truyền bá Phật Pháp tận đến Âu, Phi, mà ngày nay nếu có ai nghiên cứu đến vấn đề truyền thừa này đều không thể không thán phục. Do vậy đức Phật đã từng dạy rằng:

"Chiến thắng muôn quân không bằng tự thắng mình. Tự thắng mình mới là chiến công oanh liệt nhất”.

Từ đó ta rút ra được những bài học rất nhiệm mầu; nếu chúng ta biết chuyển hướng và đổi chiều.

Hạnh phúc và đau khổ cũng không nằm ngoài khuôn khổ của sự chấp trước này. Đa phần mọi người khi mới cưới hỏi nhau đều chúc cho nhau được “trăm năm hạnh phúc”. Nhưng không biết có được bao nhiêu cặp trên thế gian này có được đến cả trăm năm mà không có vấn đề nan giải trong cuộc sống? Cái hạnh phúc ấy thật ra chẳng bao nhiêu mà sự khổ đau lại có quá nhiều hình tướng. Ít thấy ai trang trải hạnh phúc của mình cho người khác nghe, mà đa phần chỉ nghe về khổ đau và tục lụy. Vậy thì cuộc đời đâu có gì vui mà con người mãi bám víu như vậy.

Người Nga định nghĩa rằng: “Hạnh phúc là những gì người ta đang có, chứ không phải những gì người ta đi tìm”. Điều ấy hẳn không sai; nhưng cái có ấy được bao lâu và nó có bị chi phối bởi vô thường, sinh diệt không? hay nó vẫn mãi có? Cái có ấy chỉ đem so sánh và đối đãi với cái không. Trên thực tế nằm sâu dưới cái có hạnh phúc ấy là sự khổ đau chồng chất. Thế nhưng sự khổ đau có thật tướng chăng? Xin thưa rằng: cũng không! Thế nhưng nhiều lúc chúng ta thấy rằng không còn lối thoát nữa; nên nhiều kẻ đã quyên sinh; nhưng họ quên đi rằng: sự khổ đau ấy cũng chẳng có thật tướng. Nếu có chăng đi nữa, qua thời gian nó sẽ phôi pha đi và người ta lại tiếp tục đi tìm một loại hạnh phúc khác. Tất cả cũng chỉ để đắp vá những khoảng trống không vô nghĩa của cuộc đời này.

2. Tinh thần Phá Chấp trong Trung Quán Luận

Để tìm hiểu Trung Quán Luận đề cập đến tinh thần phá chấp như thế nào, chúng ta sẽ lần lượt phân tích từng phần của tác phẩm. Ngay phần mở đầu, phá chấp đã thể hiện ở phẩm thứ nhất: Phá Nhân Duyên

Bài này phá cái ý chấp thật về vũ trụ, về nhân duyên, về vật chất, về các pháp

Bất sinh diệc bất diệt Bất thường diệc bất đoạn Bất nhất diệc bất dị Bất lai diệc bất xuất Chư pháp bất tự sinh Diệc bất tòng tha sinh Bất cộng bất vô nhân Thị cố tri vô sinh [7] Nghĩa: Không sinh cũng không diệt Không tồn tại mãi cũng không tiêu mất Không đồng nhất cũng không khác nhau Không đến cũng không đi Các pháp không tự sinh ra Cũng không phải do vật khác sinh ra Không phải cộng sinh cũng không phải tự nhiên mà có sinh Vì vậy biết là vô sinh.

Bài kệ này mô tả khái quát vũ trụ vạn vật điển hình là cõi thế gian. Vũ trụ không có sự sinh thành cũng không có sự tiêu vong. Nó không tự sinh ra cũng không mất đi, cũng không phải do vật khác sinh ra, cũng không phải do nhân duyên hòa hợp giữa hai vật mà thành (cộng sinh), cũng không phải tự nhiên mà có (vô nhân). Vì vậy nên biết là vô sinh tức chỉ là ảo tưởng không có thật.

Vô sinh là một yếu chỉ quan trọng trong Phật pháp. Ý tưởng vô sinh được đúc kết trong thuật ngữ vô sinh pháp nhẫn[8].

Kinh Đại Bát Nhã giải thích vô sinh pháp nhẫn như sau:

“Như thị bất thoái chuyển Bồ Tát Ma Ha Tát, dĩ tự tướng không, quán nhất thiết pháp, dĩ nhập Bồ Tát chính tính ly sinh, nãi chí bất kiến diệu pháp khả đắc. Bất khả đắc cố, vô sở tạo tác. Vô sở tạo tác cố, tất cánh bất sinh. Tất cánh bất sinh cố, danh vô sinh pháp nhẫn. Do đắc như thị vô sinh pháp nhẫn cố, danh bất thoái chuyển Bồ Tát Ma Ha Tát. Thử vị Bồ Tát quán chư pháp không, nhập kiến đạo sơ địa, thủy kiến nhất thiết pháp tất cánh bất sinh chi lý, danh vô sinh pháp nhẫn”[9]

Nghĩa:

“Bồ Tát Ma Ha Tát[10] bất thoái chuyển như thế, lấy tự tướng không để xem xét tất cả các pháp, đã vào được cảnh giới không còn sinh diệt của Bồ Tát, đến mức không còn thấy có diệu pháp để đắc. Vì không thể có đắc nên không có cái để tạo tác. Vì không có cái tạo tác, nên tất yếu là bất sinh. Vì tất yếu là bất sinh nên gọi là vô sinh pháp nhẫn[11]. Người chứng được vô sinh pháp nhẫn như thế gọi là Đại Bồ Tát bất thoái chuyển[12]. Đó gọi là Bồ Tát thấy các pháp là không nên vào được sơ địa của con đường giác ngộ, bắt đầu thấy cái lý tất yếu bất sinh của tất cả các pháp, gọi là vô sinh pháp nhẫn.”

Tại sao biết thế giới không có thật? Vì vật không có tự tính, một hạt proton hay hạt neutron hoặc hạt electron đều không có thuộc tính (properties) gì cả, những thuộc tính như số đo spin, vị trí, khối lượng, điện tích của hạt, đều là do người khảo sát đo đạc gán ghép cho hạt, chứ nó không có sẵn, không chắc chắn có (uncertainty). Nhận thức này do nhà khoa học Niels Bohr đưa ra và một nhà khoa học khác là Alain Aspect kiểm chứng năm 1982 tại Paris trong thí nghiệm về liên kết lượng tử (quantum entanglement).

Vạn vật trong vũ trụ đều do nguyên tử cấu tạo mà nguyên tử chỉ là vật ảo nên vạn vật cũng chỉ là ảo. Vũ trụ vạn vật là do tưởng tượng có điều kiện. Điều kiện đó Phật pháp gọi là nhân duyên hay duyên khởi. Bởi vì các hạt cơ bản vốn là ảo, nguyên tử không phải là vật thật nên Long Thọ mới phá sự chấp thật về nhân duyên.

Bởi vì vạn vật trong vũ trụ, trong thế gian chỉ là ảo hóa nên kinh điển nói là vô sinh, vạn vật chỉ là tưởng tượng. Đó cũng là yếu chỉ của Trung Quán Luận. Tuy nhiên Long Thọ cũng không phủ nhận thế giới, đó chính là ý nghĩa cốt lõi của Trung Quán, phá chấp thật chứ không phải phủ nhận, có nghĩa là nên hiểu rằng cuộc sống của con người diễn ra trong thế giới ảo.

Đến với phẩm thứ hai: Phá Khứ Lai

Bài kệ này phá cái ý chấp thật về không gian và thời gian. Bài kệ phá chấp thật về không gian và thời gian ở cả ba thời : quá khứ, vị lai và hiện tại.

Dĩ khứ vô hữu khứ Vị khứ diệc vô khứ Ly dĩ khứ vị khứ Khứ thời diệc vô khứ[13] Nghĩa: Đã đi là không có đi Chưa đi cũng là không có đi Xa lìa đã đi chưa đi Lúc đi cũng là không đi.

Không gian và thời gian cũng chỉ là những khái niệm, tưởng tượng không có thực chất. Cho nên sự di chuyển, đi hay chưa đi cũng đều là không có đi, không có sự di chuyển trong không gian trong cả ba thời quá khứ, vị lai và hiện tại. Lý do là vì vật không có vị trí nhất định, bất định xứ (non locality). Khoảng cách không gian cũng không có thật. Năm 2008, nhà khoa học Nicolas Gisin và các đồng sự tại Đại học Geneva, Thụy Sĩ, đã tiến một thí nghiệm về liên kết lượng tử (quantum entanglement). Họ tạo ra một cặp hạt photon cách xa nhau 18km. Họ chỉ cần đo đạc thuộc tính của hạt ở gần thì biết được chắc chắn thuộc tính của hạt ở xa, bất kể khoảng cách là bao xa. Cái hạt ở đàng xa kia luôn luôn liên kết với hạt ở gần, mà không phải là do thông tin được truyền đi, bởi vì không mất chút xíu thời gian nào để truyền thông tin đi. Cuối cùng người ta phải đi tới nhận thức rằng khoảng cách không gian 18km là không có thật, tất cả khoảng cách không gian trong vũ trụ đều không có thật. Do đó những chúng sinh ở những hành tinh xa xôi trong vũ trụ có thể chuyển kiếp tái sinh trên Địa cầu hoặc người trên Địa cầu có thể vãng sinh ở cõi Tây phương Cực lạc của Phật A Di Đà mà không gặp bất cứ vấn đề khó khăn nào về khoảng cách không gian xa xôi cả. Như vậy có thể kết luận, không gian và thời gian là không có thật.

Với Phẩm thứ ba: Phá Lục Tình

Bài kệ này nêu lên sự sai lầm trong nhận thức về vai trò của 6 giác quan của con người.

Nhãn nhĩ cập tị thiệt Thân ý đẳng lục tình Thử nhãn đẳng lục tình Hành sắc đẳng lục trần Thị nhãn tắc bất năng Tự kiến kỳ kỷ thể Nhược bất năng tự kiến Vân hà kiến dư vật [14] Nghĩa: Mắt tai và mũi lưỡi Thân ý, gọi chung là lục tình Cái thấy của mắt trong lục tình Cũng như hành, sắc đối với ngũ ấm và lục trần Mắt ắt là không thể Tự thấy cái chính mình Nếu không thể tự thấy Thì sao thấy các vật còn lại

Lục tình là 6 cơ quan cảm nhận của cơ thể còn gọi là lục nhập[15] hoặc lục căn[16] bao gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể và não bộ (cơ quan ý thức). Có thể lấy cái thấy của mắt làm đại biểu cho cảm nhận của lục tình, điều đó cũng tương tự như sắc là đại biểu cho lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) và hành đại biểu cho ngũ ấm (sắc, thọ, tưởng, hành, thức).

Con mắt không thể tự thấy được mình, vậy làm sao có thể thấy các vật còn lại?

Ý ở đây muốn nói sự thấy không phải do con mắt. Mặc dù mắt có vai trò nhất định trong sự thấy, nhưng mắt chỉ là công cụ giúp cho sự thấy chứ không phải là chủ thể của sự thấy. Chủ thể của sự thấy là tính thấy, nó vốn bất sinh bất diệt, hoàn toàn không phụ thuộc vào con mắt.

Các cơ quan cảm nhận khác cũng vậy, chỉ là công cụ giúp cho sự cảm nhận chứ không phải chủ thể cảm nhận. Chủ thể cảm nhận ngoài tính thấy là tính nghe, tính ngửi, tính nếm, tính cảm giác tiếp xúc và tính biết. Lục tình hay lục căn chỉ có vai trò hạn chế. Chỉ có bản tính của chúng mới bất sinh bất diệt.

Phẩm thứ tư: Phá Ngũ Ấm

Phần này nêu ra sự sai lầm trong nhận thức về thế giới. Chúng ta thường chấp thật tức là cho rằng thế gian là có thật, không biết rằng thế gian chỉ là ảo hóa do sự vận động của ngũ ấm.

Nhược ly ư sắc nhân Sắc tắc bất khả đắc Nhược đang ly ư sắc Sắc nhân bất khả đắc Ly sắc nhân hữu đắc Thị sắc tắc vô nhân Vô nhân nhi hữu pháp Thị sự tắc bất nhiên[17] Nghĩa: Nếu lìa hạt nhân của vật chất Vật chất ắt không thể thành lập Trong lúc lìa khỏi vật chất Hạt nhân của vật chất không thể thành lập Lìa hạt nhân vật chất mà có vật Là vật chất không có hạt nhân Không có hạt nhân mà có vật Không thể có việc như vậy

Ngũ ấm[18] hay ngũ uẩn[19] là năm tích hợp của tất cả các pháp. Ngũ uẩn bao gồm : sắc[20] là vật chất (material); thọ[21] là cảm nhận (perceptions); tưởng[22] là tưởng tượng (imagination); hành là vận động[23] (motion); thức[24] là nhận thức, phân biệt (consciousness). Ngũ uẩn tạo ra thế giới với muôn vàn sai biệt.

Sắc phải hiểu là vật chất, nhân là hạt nhân của vật chất, phải hiểu là hạt nhân của nguyên tử. Long Thọ Bồ Tát có huệ nhãn ắt thấy được cấu trúc của nguyên tử. Nếu không có hạt nhân thì ắt không có nguyên tử, không có vật chất. Không có nguyên tử thì cũng không có hạt nhân. Nếu không có hạt nhân mà có nguyên tử, như vậy vật chất không có hạt nhân. Không có hạt nhân mà có vật chất, không thể có việc đó.

Vậy những hạt cơ bản hay hạ hạt nguyên tử (subatomic particles) thì có hạt nhân là gì? Chúng vốn là phi vật chất (dạng sóng) hay dạng tiềm thể (potentialities) của vật chất, nghĩa là không phải vật chất, chỉ khi chúng được quan sát hay cảm nhận hay đo đạc thì mới thành dạng hạt và có đặc tính của vật chất. Khi đã thành hạt vật chất, vậy hạt nhân hay nguyên nhân hiện hữu của chúng là sự quan sát, đo đạc hay cảm nhận, nếu không có thì hạt vật chất cũng bất thành, thí nghiệm hai khe hở đã xác nhận điều này :

Trong thí nghiệm này electron khi bị quan sát mới thành hạt vật chất, nếu không thì chỉ là dạng sóng, chỉ là tiềm thể của vật chất và tạo ra hiệu ứng sóng, cụ thể là có nhiều vạch xuất hiện trên màn chắn trong khi chỉ có hai khe hở.

Vậy ngũ ấm, từ vật chất (sắc) cho tới nhận thức, sự nhận biết của chúng sinh đều là ảo hóa, là mối quan hệ nhân duyên dựa vào nhau mà sinh khởi chứ không bao giờ có sự độc lập, chúng phải tùy thuộc vào nhau, cái này làm nhân duyên cho cái kia. Cái này còn thì cái kia còn, cái này mất thì cái kia mất.

Phẩm thứ năm: Phá Lục Chủng

Bài này phá sự chấp thật về 6 thành phần cơ bản nhất của vũ trụ là : Tứ đại (địa, thủy, hỏa, phong) hư không (không gian) và thức (consciousness).

Không tướng vị hữu thời Tắc vô hư không pháp Nhược tiên hữu hư không Tức vi thị vô tướng Thị cố tri hư không Phi hữu diệc phi vô Phi tướng phi khả tướng Dư ngũ đồng hư không[25] Nghĩa: Lúc chưa có tướng không Tức không có hư không Nếu trước có hư không Tức là không có tướng Vậy thì biết hư không Không hữu cũng không vô Không phải tướng cũng không thể có tướng Năm cái còn lại cũng giống như hư không

Lục chủng là tứ đại (địa, thủy, hỏa, phong) cộng với hư không và thức. Tứ đại là thuật ngữ ngày xưa để chỉ vật chất tồn tại dưới 4 trạng thái : địa là vật chất thể rắn; thủy là vật chất thể lỏng; hỏa là dạng năng lượng; phong là vật chất dạng khí. Thức không phải chỉ là ý thức mà là tính biết nền tảng của vũ trụ vạn vật (A-lại-da thức). Chính vì tính biết này nên các tôn giáo nhân cách hóa nó thành Thượng Đế hay Trời. Nói theo quan niệm ngày nay thức tức là thông tin, là số (digital), kinh Phật còn gọi là chánh biến tri. Tính biết bao gồm cả năng tri và sở tri.

Long Thọ chủ yếu luận về hư không (không gian), năm chủng còn lại thì cũng giống như hư không, không thể nói là có hay không có. Tính hay tướng của hư không chỉ là vọng tưởng của bộ não, tứ đại là chỉ chung vật chất, thức là tâm, hư không hay không gian là cái nền cho các tướng hiển hiện, các tướng thì có thuộc tính đi kèm. Tất cả lục chủng đều chỉ là ảo tưởng, nhưng cũng không thể nói là không có, chỉ là không có thật, nên kết luận là phi hữu diệc phi vô.

Khoa học ngày nay đã hiểu rõ, trước vụ nổ Big Bang, không có không gian, thời gian, vật chất, không có gì cả, tương ứng với câu “không tướng vị hữu thời”. Sau vụ nổ mới phát sinh không gian, thời gian, vật chất. Đó là lục chủng. Lục chủng cũng chỉ là ảo hóa không có thực chất, nhưng chúng sinh lại thấy rất thật. Chúng ta thấy ngân hà, thái dương hệ, mặt trời, mặt trăng, hành tinh, địa cầu, sơn hà đại địa, biển lớn, nhà cửa, xe cộ, vật dụng, người và sinh vật… không thể nói là không có. Nhưng ngày nay khoa học cũng đã khám phá rằng những hạt cơ bản của vật chất như quark, electron chỉ là hạt ảo, chúng vừa có thể ở dạng sóng vô hình, phi vật chất, vừa có thể ở dạng hạt sơ cấp, tạo thành nguyên tử vật chất cứng chắc, bền vững. Bởi vậy không thể khẳng định là có hay không có. Tính chất bất định (uncertainty), hay bất định xứ (non locality), phi hiện thực (non realism) và phi số lượng (non quantity) là những tính chất cơ bản của vật lý lượng tử (quantum physics) ngày nay, đã được ứng dụng rộng rãi trong tin học hiện đại. Ngày nay ai cũng biết rằng một văn bản hay một hình ảnh đưa lên mạng internet là một vật ảo phi hiện thực (non realism), không có vị trí nhất định (non locality) có thể xuất hiện khắp mọi nơi trên địa cầu, bất cứ chỗ nào có đủ điều kiện, và không thể xác định số lượng (non quantity).

Khoa học cũng đã biết rằng vũ trụ là số (digital) vì đã khám phá tiếng ồn toàn ảnh.

Một khi biết được cách xử lý các bit thông tin vũ trụ thì các cố thể vật chất như đồ vật, con người, cũng có thể xử lý giống như văn bản hay hình ảnh hiện nay, đó là viễn ảnh của viễn tải lượng tử và máy in 3D vạn năng, là chiếc máy có thể in ra bất cứ thứ gì trong không gian 3 chiều. Hiện nay chỉ có các nhà đặc dị công năng thực hiện được viễn tải lượng tử đối với con người và đồ vật, nhưng trong tương lai, khoa học có thể cũng sẽ làm được.

Phẩm thứ mười lăm: Quán Hữu Vô

Bài này phá sự chấp thật về Có và Không. Vũ trụ không phải Có, cũng không phải Không, chấp Có hay chấp Không đều lọt vào nhị biên và đều không đúng. Vì vậy Kinh Kim Cang nói:

Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm. Chúng duyên trung hữu tính Thị sự tắc bất nhiên Tính tòng chúng duyên xuất Tức danh vi tác pháp Tính nhược thị tác giả Vân hà hữu thử nghĩa Tính danh vi vô tác Bất đãi dị pháp thành[26] Nghĩa: Trong các duyên có tính Thật ra không phải vậy Tính từ các duyên mà ra Gọi là pháp tạo tác Nếu tính là chủ tạo tác Làm sao có nghĩa đó Tính, danh không là chủ tạo tác Không đợi pháp khác để thành

Tính là thuộc tính (properties) của sự vật, danh là tên gọi để mô tả. Chúng ta thường có định kiến cho rằng tính từ các duyên mà ra và gọi đó là pháp tạo tác. Sự thật không phải như vậy. Có thể lấy Einstein làm đại biểu cho quan điểm duy vật, quan điểm này cho rằng vật, ví dụ hạt photon đã có sẵn thuộc tính như số đo spin (xoay theo chiều nào với góc bao nhiêu độ), vị trí của hạt, điện tích, khối lượng. Long Thọ bác bỏ quan điểm này, ông nói sự thật không phải như vậy, các thuộc tính không phải là chủ tạo tác, một pháp hay một vật không phải đợi hay tùy thuộc vào các thuộc tính đó để thành vật. Niels Bohr có cùng quan điểm với Long Thọ, nói rằng hạt photon không sẵn có các thuộc tính, chúng chỉ phát sinh các thuộc tính đó khi bị quan sát và đo đạc. Điều đó có vẻ phi lý nhưng lại đúng với khảo sát thực nghiệm. John Clauser là người ủng hộ quan điểm của Einstein cho rằng vật có sẵn thuộc tính. Sau khi John Clauser chế tạo được chiếc máy có khả năng tách rời các cặp hạt photon liên kết để có thể khảo sát cho tường tận, và Alain Aspect sử dụng chiếc máy đó và ứng dụng bất đẳng thức của John Bell để xác định xem quan điểm của Niels Bohr và của Einstein, cái nào đúng. Kết quả cuối cùng đã chứng minh Niels Bohr đúng, vật không có sẵn thuộc tính, vật là bất định (uncertainty), vật chỉ có thuộc tính khi bị quan sát hay đo đạc.

Pháp nhược vô tự tính Vân hà hữu tha tính Tự tính ư tha tính Diệc danh vi tha tính[27] Nghĩa: Nếu pháp không có tự tính Sao lại có tha tính Tự tính mà ở chỗ tha tính Cũng gọi là tha tính.

Pháp không có tự tính. Nếu từ tha tính mà có đặc tính thì cũng là tha tính. Bên Duy Thức học gọi lý này là Y tha khởi tính. Vậy các thuộc tính của pháp, của sự vật do đâu mà có. Theo thí nghiệm khoa học về hai khe hở nêu ở phần trên thì sự quan sát hay đo đạc có ảnh hưởng tới vật, chính các hành động này xác định các thuộc tính của vật. Như vậy có thể nói chính người khảo sát đã gán ghép các thuộc tính cho vật, các thuộc tính đó là tưởng tượng có điều kiện. Điều kiện là thế nào? Điều kiện là phải có một tiềm thể (potentiality) dù là ảo, để sự tưởng tượng có chỗ bấu víu. Nguyên tử chính là một tiềm thể như vậy. Werner Heisenberg nói : Nguyên tử không phải là vật (atoms are not things) mà chỉ là tiềm thể, phải có tưởng tượng của người quan sát thì mới thành vật. Vậy sự tưởng tượng của thức bao gồm mạt-na thức và ý thức mới chính là nguyên nhân khiến cho vật có đặc tính và xuất hiện trong không gian, chứ vật tự nó không có sẵn thuộc tính. Vật chính là tâm, khi tiềm thể chưa được gán ghép thuộc tính thì không hiện hữu (Vô), khi được gán ghép thuộc tính thì hiện hữu (Hữu). Đây là yếu chỉ cơ bản của Trung Quán Luận. Cũng chính vì vậy, Phật pháp mới nói tất cả các pháp là do tâm tạo.

Phẩm thứ hai mươi bảy cũng là phẩm cuối của tác phẩm: Phá Tà Kiến

Chương này phá cái thấy nhị biên (thường, đoạn) cũng phá luôn cái thấy nửa thường nửa đoạn, rốt cuộc tất cả cái thấy của 6 giác quan đều là tà kiến (lệch lạc), vọng tưởng. Hành giả không thể chấp vào đâu cả. Đó cũng là kết luận của Trung Quán Luận.

Ngã ư quá khứ thế Vi hữu vi thị vô Thế gian thường đẳng kiến Giai y quá khứ thế Ngã ư vị lai thế Vi tác vi bất tác Hữu biên đẳng chư kiến Giai y vị lai thế Quá khứ thế hữu ngã Thị sự bất khả đắc Quá khứ thế trung ngã Bất tác kim thế ngã Nhược vị ngã tức thị Nhi thân hữu dị tướng Nhược đương ly ư thân Hà xứ biệt hữu ngã Ly hữu vô thân ngã Thị sự vi dĩ thành Nhược vị thân tức ngã Nhược đô vô hữu ngã Đãn thân bất vi ngã Thân tướng sinh diệt cố Vân hà đương dĩ thọ Nhi tác ư thọ giả Nhược ly thân hữu ngã Thị sự tắc bất nhiên Vô thọ nhi hữu ngã Nhi thực bất khả đắc Nhược thiên tức thị nhân Tắc đọa ư thường biên Thiên tắc vi vô sinh Thường pháp bất sinh cố Nhược thiên dị ư nhân Thị tức vi vô thường Nhược thiên dị nhân giả Thị tắc vô tương tục Nhược bán thiên bán nhân Tắc đọa ư nhị biên Thường cập ư vô thường Thị sự tắc bất nhiên Nhược thường cập vô thường Thị nhị câu thành Như thị tắc ứng thành Phi thường phi vô thường Nhất thiết pháp không cố Thế gian thường đẳng kiến Hà xứ ư hà thời Thùy khởi thị chư kiến[28] Nghĩa: Ta ở thời quá khứ Có làm việc hữu vi thì nay cũng thành không Những cái thấy thường của thế gian Đều dựa vào quá khứ Ta ở thời vị lai Có làm hay không làm Những cái thấy lệch một bên Đều dựa vào vị lai Đời quá khứ có ta Là việc không thể có Ta trong đời quá khứ Không phải là ta trong đời hiện tại Nếu cho rằng đúng là ta (ta hiện tại đúng là ta quá khứ) Nhưng thân có hình tướng khác Nếu nay lìa khỏi thân Dựa vào đâu phân biệt ta Lìa việc xác định ta có hay không dựa vào thân Thì sự việc đã thành Nếu nói thân là ta Thì cả hai đời đều không có ta Chỉ vì thân không phải là ta Nên sự sinh diệt của thân Sao lại nhận là mình Mà làm người lãnh thọ Nếu lìa thân mà có ta Ắt là không phải thế Không lãnh thọ mà có ta Thực tế không thể được Nếu trời tức là người Ắt rơi vào bên thường Trời ắt là vô sinh Vì pháp thường là không có sinh Nếu trời khác với người Đó tức là vô thường Nếu trời khác với người Ắt là không tiếp nối Nếu nửa trời nửa người Ắt rơi vào nhị biên Thường cùng tồn tại với vô thường Ắt không phải như vậy Nếu thường tồn tại cùng vô thường Đó là hai mặt bổ sung cho nhau Như thế ắt thành là giả Không phải thường không phải vô thường Vì tất cả pháp đều là không Những cái thế gian thường thấy Tại chỗ nào vào lúc nào Ai khởi động những cái thấy đó

Trong phẩm này, Long Thọ muốn phá ngã chấp và pháp chấp. Người thế gian chấp ngã, cho là ta có thật. Đó là do cái thấy bị hạn chế. Ở đời quá khứ thì chỉ biết quá khứ, chấp cái hình tướng của quá khứ là ta. Ở đời vị lai thì chỉ biết vị lai, chấp cái hình tướng vị lai là ta. Nếu lìa hình tướng thì làm sao phân biệt cái nào là ta. Không biết ta là thế nào, thế thì cả quá khứ, vị lai đều không có ta. Ta chỉ là cái mà mình tự lãnh thọ, tự gán ghép chứ không có thực chất, sự sinh diệt của thân, sao cứ nhận bừa là ta?

Ngoài chấp ngã, người đời còn chấp pháp. Pháp là tất cả sự vật, hiện tượng kể cả vật chất và tinh thần, Long Thọ gọi chung là trời, ý chỉ vũ trụ vạn vật. Trời là sẵn có, vô sinh, bất diệt. Nếu người cũng là trời thì rơi vào thường kiến tức là cho rằng người (ngã) tồn tại mãi mãi. Nếu người khác với trời thì ắt là ngã không tương tục, không thường hằng, là vô thường. Nếu vũ trụ là nửa trời nửa người thì rơi vào nhị biên, bất định giữa thường và vô thường. Nếu hai mặt đối lập thường và vô thường cùng tồn tại, thì đó không phải là mâu thuẫn mà là bổ sung cho nhau (ứng thành). Xét cả ba trường hợp (thường, đoạn, bất định) đều không phải, thì rút ra kết luận là vũ trụ không phải thường, cũng không phải vô thường.

Vì bản chất của tất cả các pháp đều là không, nên những hiện tượng sự vật thường thấy trong không gian (vị trí xác định nơi nào) và trong thời gian (ngày tháng năm nào) là do ai khởi lên những cái thấy đó? Câu hỏi này tạo ra một nghi tình, nếu không phải là ta (phần trên đã phá ngã chấp và pháp chấp) thì là do đâu? Buông bỏ tất cả sự chấp trước, nghi tình này có thể dẫn đến giác ngộ thành Phật.

III. PHƯƠNG PHÁP ĐỂ PHÁ CHẤP

1. Giá trị của việc Phá Chấp

Người phá chấp: như tằm phá kén

Một hình tượng gần gũi giúp chúng ta có thể dễ dàng liên tưởng về người cố chấp là những con tằm kéo kén để rồi tự ràng buộc mình vào trong tổ kén bịt bùng và chật chội ấy. Người cố chấp cũng như thế. Trong phần Sám hối lục căn của Khóa hư lục, vua Trần Thái Tông đã diễn tả ý này rằng:

Mắc mứu tình trần, Lấp tâm chấp tướng. Như tằm kéo kén, Càng buộc càng bền.

Đức Phật từng tuyên bố rằng, người nào có thể bỏ bớt “cố chấp tư kiến, tính khó hành xả” thì sở tri kiến sẽ được đoạn giảm dần (Kinh Đoạn giảm, Trung bộ kinh số 8) và dĩ nhiên, đau khổ cũng theo đó giảm dần. Khi làm như vậy, người ấy sẽ tự mình nới lỏng sợi dây ràng buộc để nhẹ nhàng hơn, bớt căng thẳng và ngột ngạt hơn. Trong bài kinh này, đức Phật cũng nhấn mạnh rằng “con người tự mình bị rơi vào bùn lầy thì không thể kéo lên một người bị rơi vào bùn lầy”, một người cố chấp tư kiến, tự ràng buộc mình, không tự giải thoát thì không thể nào giúp người khác từ bỏ cố chấp tư kiến được. Nói cách khác, người cố chấp thì không thể khuyên người khác đừng có cố chấp! Đây là sự thật hiển nhiên vì một khi không tự giúp mình thì không thể giúp ai! Và thực tế hơn, không ai có thể cho đi những gì mình không có!

Một người tự buộc mình trong ổ kén của cố chấp thì không thể tiếp cận được Tam bảo, như ở trong “vùng mù” của bóng đêm thì không thể tiếp cận ánh sáng mặt trời vậy.

Người phá chấp: gần với Tam bảo

Chúng ta không khỏi giật mình khi đức Phật nói rằng, với “người cố chấp khó thuyết phục, vị ấy sống không cung kính, không tôn trọng bậc Đạo sư, không cung kính, không tôn trọng Pháp, không cung kính, không tôn trọng Tăng chúng, không viên mãn sự học tập” (kinh Trường trảo, Trung bộ kinh số 74). Người có tính cố chấp không lường được tai hại thế này! Thế nhưng, bình tâm suy nghĩ một chút, chúng ta có thể dễ dàng chấp nhận lời dạy trên của đức Phật. Người cố chấp thì cứ khư khư ôm giữ cách nhận thức, cách hiểu của mình, vì cho đó là đúng, sẽ không tôn trọng và không chấp nhận quan điểm của người khác. Nói theo thuật ngữ nhà Phật thì đó là “chấp trước tà kiến”. Do đó, vì khó thuyết phục nên họ sẽ không thể viên mãn sự học tập từ Ba ngôi báu. Là người học Phật thì không có gì trên đời này quý hơn Ba ngôi báu! Chỉ vì không lường được sự nguy hiểm, của tính cố chấp, sự thiệt thòi khi không tiếp cận được với Tam bảo mà chưa nỗ lực chuyển hóa đó thôi. Nay nhờ lời dạy này của đức Phật mà chúng ta tự xét mình kỹ hơn, kịp thời chuyển hóa tâm mình trước khi tự đóng khung mình trong vòng cố chấp đầy vô lý và nhiều khổ đau!

Ở một bài kinh khác, đức Phật nói rằng người cố chấp tự mình ngăn chặn những cơ hội tiếp cận và học hỏi từ đức Phật (bậc Đạo sư), giáo pháp, chư tăng và các học pháp (giới) và đây là gốc rễ đưa đến sự tranh đấu vì họ sống trong vô minh, mê mờ của dục vọng và cố chấp. Những phẩm chất đặc trưng của người cố chấp được ghi nhận trong kinh là “Người chấp trước sở kiến, kiên trì gìn giữ, rất khó rời bỏ. Vị ấy sống không cung kính, không tùy thuận bậc Đạo sư, không cung kính, không tùy thuận Pháp, không cung kính, không tùy thuận tăng, không thành tựu đầy đủ các học pháp” (Tăng chi bộ kinh, chương VI, phẩm IV, kinh số 36: Gốc rễ của đấu tranh).

Đoạn kinh này như một định nghĩa cô đọng về người cố chấp. Họ tự bao bọc mình bằng lớp tà kiến vô cùng kiên cố. Đây là một loại “chất liệu không thấm” giáo pháp nên chúng ta không ngạc nhiên khi họ tự hạn chế mình trong khe hẹp nhận thức một chiều để rồi con đường họ đi là “càng xa bến giác, càng gần sông mê!”

Người phá chấp: đa chiều trong nhận thức

Ở Tiểu kinh sư tử hống (Trung bộ kinh số 11), đức Phật nói rằng, người cố chấp vào “pháp có” sẽ bị chướng ngại với các “pháp không”, và người cố chấp vào “pháp không” sẽ bị chướng ngại với các “pháp có”. Nói cách khác, người cố chấp không thể nào hiểu và chấp nhận những gì khác với suy nghĩ, nhận thức và niềm tin của mình! Một khi nhận thức và suy nghĩ của người chấp trước bị đóng khung như một tảng băng đông cứng thì người ấy sẽ không thấy được điều gì khác, dù có tốt đẹp, sinh động đang diễn ra ngoài kia. Bằng trải nghiệm tự thân, ai cũng có thể cảm nhận điều này không mấy khó khăn. Đây là đầu mối của tất cả sự bất hòa, căng thẳng giữa mình và người trong bất cứ một tập thể nào, dù ở phạm vi nhỏ nhất chỉ có hai con người!

Một người cố chấp vào một điều gì đó, một khái niệm nào đó thì cho đó mới là sự thật, ngoài ra đều không đúng! Một người khác cố chấp vào “không có điều đó” hoặc không có cùng cách hiểu về một “khái niệm” thì người chủ trương “có” cho cái có là đúng, trong khi đó, người có quan điểm “không” sẽ không đồng thuận và cho rằng cái “không” mới là đúng. Nếu người nào ý thức được điều này và sống “bỏ tính ý của mình và sống theo tính ý của người khác” sẽ có đời sống cộng đồng hòa hợp như nước với sữa (Tăng chi bộ kinh, tập III, kinh số 122: Tranh chấp; tập V, kinh số 54: Thời gian để tinh cần; kinh số 78: Sự sợ hãi trong tương lai). Ngược lại, với tính cố chấp, mỗi người là một ốc đảo lạnh lẽo, dù ở gần nhau vẫn không thể nào sưởi ấm cho nhau, ngược lại còn tạo chướng ngại cho nhau, khiến cuộc sống trở nên vô cùng mệt mỏi, căng thẳng và nặng nề.

Với tính cách trên, nếu người cố chấp không ưa ai một điểm gì, thì trong mắt họ, người ấy sẽ mãi như thế, không bao giờ thay đổi! Người cố chấp không cho mình cơ hội để phá vỡ tường thành chấp pháp và chấp ngã, đồng thời không cho ai cơ hội “làm mới”! Họ là người tự vẽ vòng “kim cô” để giam hãm sự tự do của chính mình: tự do nhận thức, tự do chấp nhận và tiếp nhận những quan điểm khác với mình. Họ chỉ khư khư bảo thủ trong nhận thức một chiều, tự làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai mà không tự biết. Thậm chí với cái nhìn tà kiến thái quá, bất cập, người cố chấp có thể làm khổ ngay cả những người mà họ quý trọng thương yêu mà họ coi là “thần tượng”.

Người phá chấp: có niềm tin chân thật

Người cố chấp muốn áp đặt suy nghĩ, khuôn khổ mà tự người ấy lên ni tấc cho những người mà họ thương yêu, quý mến. Nếu những người thân yêu làm những việc trái ngược với suy nghĩ và ý thích của mình, họ không chịu được! Họ không thể chấp nhận được một sự thật rằng mỗi người là một tiểu thế giới và là duy nhất đặc thù, không ai giống ai, nên mong ai đó sống theo “khuôn” mình đúc sẵn là một việc làm không thể! Một khi cố công làm việc này mà không thỏa mãn, hơn ai hết, người cố chấp chịu thiệt thòi và đau khổ trước tiên! Do đó, đừng nâng ai lên mức “thần tượng” vì đã “đúc tượng” thì trước sau gì tượng cũng đổ! Khi “thần tượng” một ai đó, cái tâm lý “thương ai thương cả đường đi” nó cứ đeo bám và chúng ta cứ dõi theo từng bước chân của họ!

Không ai có thể hiểu hết một con người và “thần tượng” cũng là một con người! Cuộc sống của một con người tuôn chảy sống động như một dòng nước, còn cái mà chúng ta hiểu được về người ấy chỉ là vài tấm hình được ghi lại, là “cái bóng” của sự thật ở một vài khoảnh khắc nhất định nào đó trên dòng chảy sinh động của vạn pháp vô thường! Với người cố chấp, những tấm ảnh được ghép lại theo sự tưởng tượng chủ quan của người ấy rồi nâng lên thành “thần tượng”. Khi ấy, họ không nhận ra khoảng cách giữa “tưởng”“thật”, giữa hình ảnh lung linh và sự thật gồ ghề của người mình hết lòng kính trọng và tin tưởng!

Người cố chấp một khi thần tượng ai một cách thái quá là đang rơi vào tà kiến mà không biết. Trong một bài kinh, đức Phật gọi người tà kiến là người chấp trước “Đây là thường. Đây là thường hằng. Đây là thường trú. Đây là viên mãn” (Tương ưng bộ kinh, tập I, chương VI, phẩm I, phần IV: Phạm Thiên Baka). Người mà họ thần tượng, trong mắt họ, là viên mãn, toàn diện, hoàn hảo và mãi mãi như vậy không hề thay đổi. Cho đến một lúc nào đó, khi vỡ lẽ ra những gì ta tưởng đã hiểu hết về người kia cũng chỉ là một phần theo kiểu “những mảnh ghép không hoàn hảo” mà thôi. Khi ấy thì niềm tin lại vỡ vụn và cái còn lại là hụt hẫng và đau khổ! Khi ấy, tham sân si lại hiện nguyên hình!

Người phá chấp: diệt trừ tham, sân

Một người cố chấp có thể nhận ra mình cố chấp, có thể đồng ý khi “bị quy vào” nhóm người bảo thủ, nhưng tuyệt nhiên họ khó chấp nhận mình là người nặng về tâm tham! Chính bản thân người cố chấp không bao giờ nghĩ rằng cố chấp là tham! Họ biết xả tài vật để cúng dường, bố thí không toan tính mà! Ấy vậy mà trong kinh Ví dụ con rắn (Trung bộ kinh số 22) thì đức Phật nói người cố chấp là người còn nặng về tâm tham. Chúng ta có thể quên đi rằng tâm tham hiện hành trong nhiều phương diện, không thể diệt trừ một cách đơn giản qua việc bố thí tài vật. Với người cố chấp, họ khư khư chấp vào cái hiểu biết, nhận thức của mình, mà hình ảnh “như tằm kéo kén” ở trên đã diễn tả đầy đủ, là do động cơ tham chấp (tham vào ý kiến, quan điểm riêng của mình) điều động và chi phối. Đức Phật từng tuyên bố “Do duyên chấp trước nên có xan tham”[29].

Đức Phật từng nói rằng “Phàm phu thường chấp trước, chấp thủ và tham đắm”[30], còn những ai từ bỏ chấp thủ, sẽ xứng danh với tên gọi Tỳ kheo hoặc Bà La Môn[31]. Do đó, khi nào còn giữ tâm chấp trước, chấp thủ thì muôn kiếp mãi mãi là phàm phu mà thôi! Vậy mới thấy tâm lý cố chấp nguy hiểm và chướng ngại của đến dường nào!

Ở bài kinh Trường trảo (Trung bộ kinh số 74), đức Phật dạy rất chí lý rằng, người cố chấp hễ thích cái gì thì cho cái đó là sự thật, ngoài ra là hư vọng, hễ thích ai thì cho chỉ có người đó là đúng, những người khác đều sai! Người cố chấp như thế sẽ gặp sự đối nghịch từ hai nhóm người có ý kiến khác: nhóm thứ nhất hoàn toàn không thích những gì người cố chấp thích, không ưa những người mà kẻ cố chấp ưa (vì không thích, không ưa nên họ không thể chấp nhận chỉ điều đó là sự thật, chỉ người kia mới đúng); nhóm người thứ hai chỉ thích một phần, chứ không phải tất cả, toàn bộ những gì người cố chấp thích (họ sẽ chấp nhận một phần sự thật, một vài phương diện nơi một con người nào đó là tốt, chứ không phải cái gì nơi người kia cũng tốt!). Mà một khi “có đối nghịch thời có tranh luận; khi nào có tranh luận thời có chống đối; khi nào có chống đối thời có bực mình”[32]. Như vậy, người cố chấp tự tạo nên sự đối nghịch, tranh luận, chống đối và bực mình; do đó đức Phật dạy, người đệ tử Phật nên từ bỏ cố chấp để tiến bộ trên con đường tu tập.

Trong kinh Pháp cú, đức Phật dạy rằng “chấp vào sân hận là sự cố chấp bền chặt nhất” (câu 151). Lại ở một bài kinh khác, đức Phật dạy rằng nhiều người phẫn nộ, lại cố chấp sự phẫn nộ của mình, trở thành người khó nói. Khi những người thiện tri thức nhắc nhở, khuyên người ấy không nên trở thành “người khó nói” thì người ấy “tránh né vấn đề với một vấn đề khác, trả lời ra ngoài vấn đề, để lộ phẫn nộ, sân hận và bất mãn của mình” (Trung bộ kinh số 15: kinh Tư lượng). Đức Phật kết luận ở bài kinh này rằng, người như thế đó, dù nhiệt tâm, nhiệt tình thì những người sống chung, sống gần vẫn không ưa thích và cảm thấy không thoải mái. Người cố chấp rất bảo thủ và cứ kiên trì ôm lấy kiến chấp của mình, không dễ hành xả. Chính vì vậy, đức Phật dạy: là đệ tử Phật, cần phải phát tâm như sau: “Ta sẽ không chấp trước thế tục, không cố chấp tư kiến, tính dễ hành xả”[33].

Thật bất hạnh và khổ đau cho những ai ôm trong lòng nhiều tham lam và phẫn nộ!

Người phá chấp: đẩy lùi bất hạnh và khổ đau

Như một hệ quả tất yếu, người cố chấp cứ khư khư tham giữ lấy quan điểm của mình, xây thành trì phong kín ý niệm về “tôi” “của tôi” một cách kiên cố, bất mãn và phẫn nộ với những quan điểm trái chiều. Đức Phật gọi những người như vậy là khó có thể mở lòng để tiếp thu, học hỏi thêm điều gì từ người khác. Như một ly nước đầy thì không thể chứa thêm được nước nữa, dù chỉ một giọt! Người như vậy không bao giờ kham nhẫn để có đủ thời gian và sự nhu nhuyến cần thiết để phân định đúng-sai, hay-dở, chỉ lo bảo thủ những gì thuộc về mình, và đẩy ra những gì mình không ưa thích. Đây là lý do đức Phật nói người cố chấp góp phần làm cho Chính pháp băng hoại. Ngài dạy, “Này các Tỳ kheo, các Tỳ kheo nào là những người khó nói, đầy đủ những tính khiến họ trở thành khó nói, khó kham nhẫn, không cung kính đón nhận khi được giảng dạy. Đây là pháp khiến diệu pháp hỗn loạn và biết mất”[34]. Người như vậy chỉ biết sống theo bản năng để xuôi theo dòng chảy về sông mê biển khổ, không tiếp cận được với giáo pháp để ngược dòng về bến giác an vui.

Bên cạnh việc tự mình chặn lối không tiếp cận được giáo pháp, những tai hại và nguy hiểm của sự cố chấp được đức Phật dạy nhiều lần trong một số bài kinh. Ngài xác quyết, người không chấp thủ được nhiều người ưa thích, gần gũi và thăm viếng khi có dịp[35]. Điều này có thể được hiểu thêm rằng, người chấp thủ bị nhiều người không ưa thích, không gần gũi và thân cận, và đây là một bất hạnh lớn. Ở kinh Sáu thanh tịnh (Trung bộ kinh số 112), đức Phật một lần nữa khẳng định người cố chấp bị ràng buộc, người không cố chấp mới có thể giải thoát. Đức Phật thẳng thắn chỉ ra rằng người còn cố chấp thì không thể nào chứng quả A La Hán[36]. Ngài còn quả quyết rằng, “Ai chấp trước, này Tỳ kheo, người ấy bị ma trói buộc. Ai không chấp trước, người ấy được giải thoát khỏi ác ma”[37]. “Người chấp trước, không từ bỏ kiến ấy, vị ấy chắc chắn rơi vào địa ngục”[38].

2. Phuơng pháp Tu tập để Phá Chấp

Phật dạy: “Tu đạt đến vô tu mới thật là tu, hành đạt đến vô hành mới thật là hành, chứng đạt đến vô chứng mới thật là chứng”.

Thật vậy, nếu tu mà không đạt đến trình độ vô tu thì chưa thật sự là tu, hành mà không đạt đến trình độ vô hành thì chưa thật sự là hành, chứng mà không đạt đến trình độ vô chứng thì cũng chính là trở chứng.

Còn nữa, một người tu theo tâm nguyện của Bồ tát, đức Phật dạy: “Phát cái nguyện lớn như hư không, hành cái hạnh lớn như hư không, chứng cái quả lớn như hư không, nhưng cái tướng hư không ấy cũng không thể được”.

Đây chính là đức tính khiêm cung, tận tụy với lý tưởng phục vụ, hy sinh mà không hề thấy thua thiệt của hành giả chân tu và thật học, không phải là hạng người chạy theo chủ nghĩa thành tích, đánh trống khua chuông, thùng rỗng kêu to.

Đặc biệt, tinh thần triệt phá chấp thủ táo bạo nhất qua lời phê phán mạnh mẽ của đức Phật: “Nếu dùng sắc tướng để thấy ta (Phật), dùng âm thinh để thấy ta, là kẻ đang thực hành tà đạo, không bao giờ thấy được Như Lai”.

Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Các ông phải y như lời ta dạy đây, mà hàng phục vọng tâm của mình. Các vị đại Bồ tát phải độ tất cả các loại chúng sinh (như loài sinh trứng, loài sinh con, loài sinh chỗ ẩm thấp, loài hóa sinh, loài có sắc, loài có tưởng, loài chẳng phải không tưởng,…) đều được nhập Niết bàn. Bồ tát tuy độ vô lượng vô số chúng sinh như vậy, nhưng không thấy có một chúng sinh nào được độ. Tại sao vậy? Nếu Bồ tát còn thấy có mình độ và chúng sinh được độ, tức là Bồ tát còn chấp bốn tướng (tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh và tướng thọ giả) thì không phải là Bồ tát”.

Bồ tát độ sinh, phải dùng Trí tuệ Bát nhã, phá các vọng chấp ngã, nhân,… đó là phương pháp “hàng phục vọng tâm”.

Bồ tát muốn biết mình còn phiền não vọng chấp hay không, để diệt trừ, tất nhiên phải lao mình vào phiền não; nghĩa là phải nhập thế độ sinh, làm các Phật sự.

Bồ tát khi nhập thế độ sinh làm các Phật sự, luôn luôn phải dùng Trí tuệ Bát nhã phá trừ các chấp ngã, chấp pháp, không còn thấy bốn tướng (ngã nhân,…) thì phiền não vọng chấp không sinh. Đó là phương pháp “hàng phục vọng tâm”.

Hay: “Chung nhật độ sinh vô sinh khả độ”. (Ngày nào cũng cứu độ chúng sinh nhưng không thấy một chúng sinh nào được độ).

Nếu Bồ tát vừa khởi vọng chấp: “có mình độ và người được độ,…”, tức là Bồ tát còn ngã, nhân, bỉ, thử, thì vô số phiền não đua nhau nổi lên như sóng. Cổ nhân nói: “Nhất ba tài động, vạn ba tùy”. (Một lượn sóng vừa nhô lên, thì trăm ngàn lượn sóng liền theo đó mà nổi lên).

Nếu Bồ tát còn vô minh phiền não vọng chấp nổi lên, thì không phải là Bồ tát; vì chưa nhập được Trí tuệ Bát nhã.

Thật vậy, ở đời lắm kẻ sống với chủ nghĩa hình thức, mà người tu phải sống bằng tấm lòng. Phật ở tại tâm! Và dân gian cũng có nói: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, hay: “Quen sợ dạ, lạ sợ áo”. Sống không phải câu nệ, vẽ vời hình thức; hãy để tâm hồn mình thanh thản trong phút giây trở về nơi chính mình, trở về với lẽ “bình thường tâm thị đạo”, trong cái bình thường này sẽ toát lên sự nhiệm mầu của cái phi thường: ăn, ngủ, làm việc, tu tập… bằng cả tấm lòng, sống hết lòng trong phút giây hiện tại. Vì biết rằng:

“Vô thường là thường, là pháp sinh diệt Sinh diệt diệt rồi, tịch diệt là vui”. (Vô thường thị thường, thị sinh diệt pháp, Sinh diệt diệc dĩ, tịch diệt vi lạc).

Đức vua Thiền sư Trần Nhân Tông cũng dạy trong phú Cư Trần Lạc Đạo rất nổi tiếng:

“Sống đời vui đạo hãy tùy duyên Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền Trong nhà có ngọc thôi tìm kiếm Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”. (Cư trần lạc đạo thả tùy duyên Cơ tắc xan hề khốn tắc miên Gia trung hữu bảo hưu tầm mích Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền).

Hơn nữa, Lục Tổ Huệ Năng đã dạy trong kinh Pháp Bảo Đàn, lời lẽ bình dị nhưng ý tứ thật siêu thoát:

“Tâm bình thì việc gì phải tu thiền, Hạnh trực thì lo gì phải trì giới”. (Tâm bình hà dụng tu thiền, Hạnh trực hà lao trì giới).

Tương tự, với tinh thần vô chấp thông thoáng trên, Tuệ Trung Thượng Sĩ đã dạy:

“Khi nào mỏi mệt tâm tự dứt, Chẳng cần niệm Phật chẳng ngồi thiền”. (Tự thị quyện thời tâm tự tức, Bất quan nhiếp niệm bất quan thiền).

Với Tuệ Trung, một con người bản lĩnh, một con người xem danh lợi như đôi dép bỏ, một con người đóng nhập vai Thượng sĩ giáng trần: vào hàng tôn quý là tôn quý của tôn quý và vào hàng hạ tiện là hạ tiện của hạ tiện; không hề bị cái danh phận này ràng buộc:

“Về vui với đạo thôi, ẩn sơn lâm, Xa bỏ lợi danh thôi, lánh thị triều”. (Quy dư đạo ẩn hề sơn lâm, Khôi khước lợi danh hề triều thị).

Bình thản và thong dong trước lẽ sống và cái chết, bản lãnh ấy đã thể hiện qua hai vần thơ:

“Kẻ ngu sống chết mãi lo âu, Người trí rõ thông nhàn thôi vậy”. (Ngu nhân điên đảo bố sinh tử, Trí giả đạt quan nhàn nhi dĩ).

Sống không câu nệ vướng bận, cho dù đó là sự vướng bận của một chút gì của luật tắc, luân lý và đạo đức ở đời. Đây là đạo phong của bậc xuất trần. Tinh thần vô chấp này đã vượt lên mọi sự ràng buộc của thế giới nhị nguyên: thiện và ác, tốt và xấu, chính nghĩa, và phi nghĩa, v.v… Tinh thần thông thoáng này được nhận thấy qua tư tưởng của Tuệ Trung Thượng Sĩ: “Thịt cá qua đường ruột, Phật ở tại tâm”.

Vượt lên mọi đối đãi của nhị nguyên hữu vô, hình thức và ngôn ngữ. “Thà rằng chấp có như hư không, còn hơn chấp không như hạt cải” (Ninh chấp hữu như hư không, mạc chấp không như giới tử). Hay: “Ý tại ngôn ngoại” (Ý nghĩa nằm bên ngoài lời nói).

C. KẾT LUẬN

Qua việc tìm hiểu tiểu sử của Ngài Long Thọ, cùng tác phẩm Trung Quán Luận, bài viết phần nào làm sáng tỏ con đường trung đạo trong thế giới quan Phật giáo. Từ đó giúp người đọc có một góc nhìn cụ thể hơn về con đường phá bỏ những tà kiến, sai lầm trong quá trình nhận thức và tu tập.

Thêm vào đó, với mục tiêu làm rõ tinh thần phá chấp qua tác phẩm Trung Quán Luận, bài viết đã dựa những lời dạy của đức Phật thông qua kinh điển để định nghĩa lại khái niệm Chấp trước theo quan điểm Phật giáo; đồng thời trình bày một số khía cạnh của Chấp trước trong đời sống nhằm hiện chân thực hóa các khái niệm, giúp người đọc tiếp nhận các lý thuyết về Chấp trước một cách cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu hơn.

Thông qua việc tìm hiểu Chấp trước thông qua Kinh điển và thực tế; bài viết trình bày về tinh thần phá Chấp trong tác phẩm Trung Quán Luận, thể hiện qua từng phẩm để nhận ra rằng: Toàn bộ Trung Quán Luận đều là phá chấp. Không thể chấp vào lục căn, không thể chấp lục trần, không thể chấp ngũ uẩn, không thể chấp nhân duyên, không thể chấp nhân quả, không thể chấp nghiệp báo, không thể chấp vũ trụ vạn vật là Có hay Không Có. Tất cả mọi chấp trước đều lọt vào nhị biên và đều là tà kiến.

Đồng thời, bài viết đã trình bày giá trị của việc Phá Chấp trong tu tập cũng như trong cuộc sống hằng ngày, góp phần mở rộng trí tuệ của mỗi cá nhân, diệt trừ Tam độc tham, sân, si, giúp vững tin và gần gũi hơn với Tam Bảo, ướng đến một đời sống an lạc, giải thoát tuyệt đối.

Vậy phải làm sao? Phương pháp tu tập để Phá Chấp cũng được trình bài trong bài viết trên tinh thần gần gũi với đời sống thực tại nhưng không xa rời giáo lý. Đây là một sự thúc bách gây chấn động thân tâm, làm tê liệt nhận thức, tê liệt tư duy của bộ não. Tư duy không còn cách nào khác ngoài việc dừng lại. Tàng thức (a-lại-da), tiềm thức chấp ngã (mạt-na), ý thức và tiền ngũ thức, tất cả đều dừng lại, và thoát nhiên đại ngộ. Đó là cứu cánh của Trung Quán Luận.

Hiểu như thế chúng ta cần có một tư duy rốt ráo hơn để đón nhận, thấu hiểu, và rồi vận dụng triệt để vào quá trình chuyển hóa bản tâm, nhằm đạt được thành quả chân chính trong việc tham học Phật pháp.

Tỳ kheo Thích Quảng Đạt ---------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. TRUNG LUẬN – Thích Thiện Siêu dịch và tóm tắt – NXB TP.HCM 2001 2. ĐẠI BÁT NHÃ KINH – Đại tạng kinh Việt Nam 3. KINH TRUNG BỘ - Đại tạng kinh việt nam 4. KINH PHÁP CÚ – Việt dịch HT. Thích Minh Châu – NXB Tôn Giáo tái bản 2003 5. TƯƠNG ƯNG BỘ KINH – Đại Tạng kinh Việt Nam 6. TĂNG CHI BỘ KINH – NXB Tôn Giáo 2003 7. KINH PHÁP BẢO ĐÀN – Đoàn Trung Còn, Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải, NXB Tôn Giáo 2009.

Phần chú thích: