Đã từ rất lâu, chùa Việt Nam là nơi diễn ra nhiều lễ hội dân gian và là nơi bảo lưu văn hóa truyền thống. Những công trình kiến trúc nổi tiếng trong mấy thế kỷ đầu kỷ nguyên độc lập tự chủ, tiêu biểu cho nền nghệ thuật thời đại và trở thành những danh thắng, hầu hết đều là những chùa, tháp. Ở đó, có sự thẩm thấu giữa Phật giáo với tín ngưỡng dân gian. Truyền thuyết về Man Nương, về Ch Đồng Tử, về Tiên Dung, về Từ Đạo HạnhNguyễn Minh Không… trong Lĩnh Nam Chích Quái, truyền thuyết về thần Phù ĐổngViệt Điện U Linh đã trở thành văn hóa dân gian.

Những ngôi chùa Bắc tông nói chung và đặc biệt chúng tôi muốn nói đến sự dung thông tín ngưỡng dân gian và tín ngưỡng Phật giáo ở Nam bộ. Những ngôi chùa Phật giáo Bắc tông vẫn lưu giữ những phong tục có nguồn gốc từ Phật giáo nói chung và những tục trong dân gian nói riêng. Hầu hết, trong các chùa đều có: về nghi thức như nghi cầu an, nghi cầu siêu, nghi sám hối, nghi cúng ngọ, nghi an vị, nghi chẩn tế, nghi khai đàn tràng, nghi khai kinh, nghi công phu, nghi Tịnh độ; về tập tục như tục bố thí, tục phóng sinh, tục ăn chay, trường hương, trường kỳ, bố tát và về lễ hội như lễ Phật đản, lễ Vu lan, lễ Giỗ tổ, lễ Vía Phật, lễ Vía Bồ tát. Và tín ngưỡng dân gian trong chùa có: Tam nguyên. Trong các khóa lễ đều nổi bật lên một sắc thái Nam bộ là khoa nghi “ứng phú”, là môn nghi lễ Phật giáo phục vụ lễ hội, một hình thức sinh hoạt của Phật giáo dân gian buổi đầu ở Nam bộ. Thành phố Hồ Chí Minh, có các chùa còn in đậm nét sự có mặt của tín ngưỡng dân gian về bộ môn này như chùa Giác Viên (Quận 11), chùa Phụng Sơn (Quận 11), chùa Từ Phước (Quận 11), chùa Từ Thoàn (Quận 8), chùa Định Thành (Quận 10) và với chùa Viên Giác (Quận Tân Bình) là ngôi chùa từ khi khai sơn cho đến nay, các đời trụ trì đã có ảnh hưởng lớn đến nghi thức trong văn hóa Phật giáo miền Nam Việt Nam. Từ thực tế có mặt của tín ngưỡng dân gian, nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đã có thái độ và quan điểm trái chiều. Thứ nhất, tín ngưỡng dân gian không còn phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện đại do bản chất mê tín dị đoan của nó nên bị loại trừ; thứ hai, tín ngưỡng dân gian vẫn tiếp tục tồn tại, thậm chí một số tín ngưỡng còn phát triển và biến đổi khác xưa; thứ ba, một số tín ngưỡng dân gian là biểu hiện truyền thống tốt đẹp và tính thống nhất của văn hóa tại Việt Nam, thể hiện ý nghĩa tích cực như tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thờ cúng các anh hùng dân tộc. Tuy nhiên, trên cái nhìn dung hợp giữa tín ngưỡng Phật giáo và tín ngưỡng dân gian tại một ngôi chùa cụ thể ở thành phố Hồ Chí Minh, chúng ta sẽ tiếp nhận một di sản văn hóa do lịch sử để lại và tất nhiên có chọn lọc để đáp ứng nhu cầu trong cuộc sống tâm linh của đa số tín chúng.

Như chúng ta đã biết thực tế trong lịch sử của các tôn giáo, không có tôn giáo nào tách rời ra khỏi tín ngưỡng dân gian. Phật giáo không ngoại lệ, Phật giáo Ấn Độ đến Việt Nam không chỉ hòa quyện với tín ngưỡng dân gian mà còn hòa trộn với một số tôn giáo khác du nhập vào như Nho giáo, Đạo giáo. Bước đầu, chúng tôi tìm đến những ảnh hưởng của tục dân gian đi vào pháp hội của chùa Viên Giác, một trong những ngôi chùa điển hình cho nghi lễ Phật giáo Nam bộ.

Chùa Viên Giác tọa lạc tại số 193 đường Bùi Thị Xuân, Phường 1, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh do Hòa thượng Thích Hồng Tịnh (1913- 1972) khai sáng. Như bao ngôi chùa khác ở Nam bộ, trước năm 1945, chùa chỉ là một cái am nhỏ vì Ngài cất lên để ẩn tu nên có tên là am Ðộc Giác. Sau do nhu cầu tín ngưỡng, năm 1955, Ngài đã kiến tạo quy mô hơn. Từ đấy, am Độc Giác được đổi thành chùa Viên Giác. Năm 1976, Thượng tọa Thích Minh Phát (1956-1996) về điều hành phật sự. Năm 1996, Ðại đức (ĐĐ) Thích Lệ Trang về trụ trì. Đầu năm 2001, ĐĐ.Thích Lệ Trang cho khởi công trùng hưng ngôi Tam bảo. Năm 2006, TT.Thích Lệ Trang về trụ trì chùa Định Thành (Quận 10, Tp.HCM) và năm 2007, TT.Thích Đồng Văn kế nhiệm. Các công hạnh và hình thức tu tập, hoằng pháp của các vị trụ trì có ảnh hưởng đến nghi thức trong văn hóa Phật giáo miền Nam.

Bên cạnh những ngày Vía trong Phật giáo, một số pháp hội trong lễ hội Phật giáo tại chùa này có sự trao đổi ảnh hưởng phong tục tập quán dân gian như sau:

Tháng Giêng có Lễ cúng Sao hội được ghép với quan niệm là ngày cầu an cho bá tính vào đầu năm chùa tổ chức những khóa lễ tụng kinh Dược sư, thắp đèn Dược sư nhưng thực chất là ngày hội của Đạo giáo. Theo Đạo giáo, ngày mùng 9 tháng Giêng là ngày Vía Ngọc hoàng Thượng đế nên tối mùng 8 phải họp mặt chúc mừng. Ngày nay là ngày Sao hội nên thoạt đầu tiên chỉ có các đạo viện Đạo giáo tổ chức lễ hội, sau các chùa Phật giáo ảnh hưởng theo. Đây là lễ hội dân gian lớn nhất của chùa Viên Giác. Rằm tháng Giêng với tín niệm là ngày “Thiên quan tứ phước” nên đối với người dân, không riêng gì phật tử, mọi người đều có chung một tập quán là về chùa, đình, miếu để cầu cho gia đạo bình yên, tiêu trừ bệnh tật, làm ăn phát tài… Đáp ứng nhu cầu này, các khóa lễ trì Tiêu tai thần chú cát tường được trì niệm gần như suốt tháng Giêng, khóa lễ Kỳ an hội, Đàn tràng Dược sư thất châu. Trong lễ hội, ngày 16 tháng Giêng là Pháp hội Cam lồ pháp thực.

Cũng vậy, theo dân gian, nếu lúc sống làm nhiều tội ác, hoặc chết không người thừa tự cúng cấp thì vong hồn người chết sẽ bị giam vào địa ngục. Hàng năm, chỉ có ngày vía Địa quan, Thập điện Minh vương sẽ cho mở cửa ngục thả các vong hồn bị giam cầm này trở lại dương thế. Do đó, vào những ngày này trên dương thế thường tổ chức cúng cấp cho các oan hồn uổng tử. Ngày Vu lan, theo Phật giáo cũng nằm trong tháng Bảy gần ngày Trung nguyên (Rằm tháng Bảy) nên Phật giáo đã chọn ngày này làm ngày lễ Vu lan và tổ chức Pháp hội Địa Tạng. Rằm tháng Bảy, với tín niệm là ngày “Địa quan xá tội”, ngoài các cơ sở thờ tự khác, thì mọi người về chùa dự lễ hội Vu lan. Trong lễ hội này, ngày 30 tháng Bảy là Pháp hội Địa Tạng Bồ Tát Bạt độ chư hương linh siêu sinh Tịnh độ.

Theo dân gian, Rằm tháng Mười là Vía Thủy quan đại đế vốn lễ cầu mùa, cầu nước dầm thấm, điều hòa cho lúa làm đòng, với tín niệm “Thủy quan giải ách”. Ở Nam bộ, đây là mùa nước nổi, nên có tục cúng nước trong nông nghiệp, người dân cầu giải tai ách do các thủy thần gây ra. Khi hội nhập vào chùa, lễ hội này ở chùa Viên Giác lại có thêm một ý nghĩa mới là khóa lễ tổ chức dưới nghi thức Phật giáo với tâm nguyện cầu quốc thái dân an, mưa hòa gió thuận, thiên tai, nhân họa tiêu trừ, chúng sinh an cư lạc nghiệp. Trong lễ hội này, ngày 16 tháng Mười là Pháp hội Phổ hồi hướng Cam Lồ Pháp Hải pháp giới Thánh Phàm Thủy Quan giải ách. Ngoài ra, cuối tháng Chạp, trong tục đưa rước ông Táo, ông bà tổ tiên thì các chùa cũng có tục đưa và rước chư Phật. Trong khoảng thời gian này chùa lo bao sái và không đốt nhang, không tụng kinh, hô chuông, còn trong mỗi gia đình cũng lo thu dọn, quét tước…

Cũng như việc tổ chức các khóa lễ của ngày Vía Phật giáo, những lễ hội mang tính chất dân gian trên, nhà chùa đặc biệt chú trọng chuyển tải Kinh tụng, Sám pháp đến các lễ hội này. Điểm chung nhất của ba tháng trên là đều có chẩn tế, một lễ hội bố thí đượm chất nhân văn. Trong đó, các khóa lễ Cam lồ pháp thực, Bạt độ chư hương linh siêu sinh Tịnh độ, Phổ hồi hướng Cam lồ pháp hải Thánh phàm thủy quan giải ách đượm màu sắc Mật giáo. Trong Việt Nam Phật giáo sử luận, tác giả Nguyễn Lang cho rằng sự có mặt của yếu tố Mật giáo khiến cho đạo Phật phát triển rất rộng trong sinh hoạt quần chúng:

(…). Mật giáo bắt nguồn từ tư tưởng thâm sâu của Bát nhã, đồng thời cũng bắt nguồn từ những tín ngưỡng nhân gian Ấn Độ. Về phương diện sau này Mật giáo chấp nhận sự có mặt của những thần linh được thờ phụng trong dân gian, và như thế khiến cho đạo Phật phát triển rất rộng trong sinh hoạt quần chúng. Ở Giao Châu, khuynh hướng này rất phù hợp với sinh hoạt tín ngưỡng và phong tục người Việt, vì vậy cho nên, Mật giáo đã trở nên một yếu tố khá quan trọng trong sinh hoạt thiền môn[1].

Trong dân gian, lễ hội Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Mười là nhóm có liên quan đến Phật, Trời Thần Thánh[2] còn Vu lan Rằm tháng Bảy lại có liên quan đến ông bà tổ tiên. Chính vì vậy, việc cầu siêu, cầu an trở nên một phần khá quan trọng trong tín niệm báo hiếu. Tháng Bảy, các chùa Bắc tông đều có ghi tên cầu siêu, cầu an. Tín niệm dân gian của cộng đồng cư dân nơi đây được nhà chùa đáp ứng dưới nghi lễ Phật giáo. Thể hiện rõ nhất là qua nghi thức tuyên sớ cầu siêu, cầu an hàng đêm. Trong năm, chùa tổ chức tuyên sớ hai lần, tháng Giêng và tháng Bảy. Nghi thức cầu siêu cầu an được thực hiện trong mỗi tối từ đầu tháng Bảy, sau khóa lễ đọc tụng kinh, sám Vu lan. Bản chú Phổ Am được đọc tụng trong dịp này. Phật giáo, thay vì thể hiện những ước mong, khát vọng, tâm tư, chia sẻ giữa con người với con người, của con người với đấng suy tôn bằng ngôn từ thì nó được thực hiện bằng nghi lễ. Nghi lễ là những nguyên lý, quy tắc hướng dẫn các hành vi. Phật giáo, Công giáo, Tin lành đều có nghi lễ. Nó như là một thiết chế, một quy tắc, một biểu tượng của thực thể tồn tại. Ai không thực hành nghi lễ thì không phải là tín đồ của tôn giáo. Theo cố Viện trưởng Viện Tôn giáo học Nguyễn Quốc Tuấn (giảng dạy lớp Cao học chuyên ngành Lịch sử Phật giáo Việt Nam, thuộc khóa I (2017-2019), Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM) cho rằng:

Khi chúng ta thắp một nén nhang bái lễ tổ tiên là ta thực hiện nghi lễ của một tôn giáo. Đó chính là cách bày tỏ cảm xúc rất dân dã, thiêng liêng vì thắp một nén nhang và trò chuyện như lúc tổ tiên còn sống. Lúc này, hành vi, thái độ, cảm xúc đang hướng về tổ tiên. Như vậy là chúng ta đang thực hiện hành vi nghi lễ”.

Theo chúng tôi hầu hết các tục trong dân gian được thực hiện trong môi trường lễ hội. Trong đó, phong tục tập quán của người dân Nam bộ hẳn nhiên chịu ảnh hưởng tôn giáo, văn hóa khác nhau. Tại chỗ này, chúng ta cần nhìn nhận lại hành trang văn hóa của lưu dân Thuận - Quảng vào Đồng Nai – Gia Định khi Nguyễn Hữu Cảnh chính thức sát nhập vùng đất này vào lãnh thổ Việt Nam năm 1698, phần lớn họ là những người nghèo tha hương cầu thực, hoặc trốn tránh luật lệ hà khắc hoặc vì sưu thuế nặng nề mà họ đào tẩu đi tìm đất mới làm lại cuộc đời… Do vậy, hành trang văn hóa của họ vốn là văn hóa dân gian mà họ thủ đắc ở quê hương bản quán… và trải qua bao năm tháng, do điều kiện tự nhiên và lịch sử xã hội tại chỗ, chúng đã biến đổi đi ít nhiều và đặc biệt là trong xu thế hội nhập toàn cầu chắc chắn rằng sẽ có những cái cần thay đổi cho phù hợp với xu thế thời đại, nhưng không vì thế triệt tiêu hoàn toàn vốn bản sắc văn hóa truyền thống của người Việt trong đó có sinh hoạt lễ hội. Có những tục vốn không phải là của Phật giáo nhưng đã được Phật hóa bằng nghi thức, như cúng linh, chiêu u, thuyết linh, đề phan, cúng cơm, vớt vong, cúng sao, cúng Sóc Vọng… để rồi từ đó, xem xét ảnh hưởng của Phật giáo đối với lễ hội dân gian. Theo chúng tôi, nếu gắn nghi thức cầu siêu cho người chết và cầu an cho người sống với bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội khắp nơi tại Nam bộ trong nhiều thời kỳ khác nhau và mãi cho đến nay thì cầu siêu, cầu an vẫn có giá trị thời đại. Cho nên, dù không có trong Phật giáo chính thống nhưng tháng Bảy, chùa nào cũng có ghi danh cầu siêu, cầu an. Cụ thể hơn là “cầu siêu Vu lan”, như vậy cầu siêu là linh hồn của Vu lan báo hiếu. Xét nguồn gốc cầu siêu, cầu an của cư dân Nam bộ trước đây, thì ngày nay chỉ khác về cái tên gọi của sự đe dọa mà thôi! Chết vì tai nạn giao thông, vì ô nhiễm môi trường sống, vì những đạo đức xuống cấp, … cho thấy, mọi bi kịch của gia đình và xã hội vẫn phủ trùm lên con người đương đại thay cho cái chết chóc, bệnh tật bởi thú dữ, rừng thiêng nước độc xưa kia khi đi mở đất. Cho nên tín ngưỡng cầu siêu và cầu an không thể thiếu nghi lễ. Điều này cho biết, tín niệm của cư dân Nam bộ xưa và nay không khác, nghi lễ trai đàn nhằm cầu siêu cho người chết, và qua đó cũng cầu an cho người sống. Trong tín ngưỡng này không thể thiếu vai trò của Phật giáo. Chính lòng từ bi thương xót chúng sinh, đặc biệt là các vong linh còn vất vưởng. Trai đàn chẩn tế dù nghi thức này xuất xứ từ đâu, người ta không quan tâm, chỉ biết trong tâm thức của mọi người: “Chết mà được Phật chiếu cố là đã mãn nguyện đối với thân nhân, nếu thiếu thì sẽ trở thành “thập loại chúng sinh”.

Phật giáo chính thống không có lập trai đàn Cầu siêu, Cầu an, Cúng sao… Tuy nhiên, Phật giáo một số nước Đông Á do đặc thù của văn hóa từng nước mà có mặt tín ngưỡng dân gian trong Phật giáo như một thuộc tính tất yếu ở các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam… Phật giáo Việt Nam ngoài đặc điểm chung của toàn đất nước còn mang sắc thái của từng vùng miền do hoàn cảnh lịch sử, điều kiện địa lý, kinh tế, xã hội nữa. Ngay ở Nam bộ do quá trình cộng cư với các dân tộc nên các lễ hội Phật giáo đều ít nhiều chịu ảnh hưởng. Nhìn vào hoạt động lễ hội tháng Giêng, tháng Bảy, tháng Mười của các chùa Bắc tông nói chung, chùa Viên Giác nói riêng, việc tổ chức cúng Sao hội nhằm ngày mùng 8 tháng Giêng hàng năm, cúng pháp hội Địa Tạng tháng Bảy, cúng Thủy quan giải ách tháng Mười là một giải pháp nhằm bình ổn tâm lý, có dính dáng đến Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian đã được chuyển thành một nghi lễ Phật giáo và tổ chức định kỳ tại chùa bên cạnh những ngày Vía chính thống.

Biên Hòa Gia Định là hai trung tâm Phật giáo hình thành sớm nhất ở Nam bộ. Phật giáo đã thâm nhập vào tín ngưỡng dân gian và cả các dạng thức tín ngưỡng truyền thống Nho giáo, Đạo giáo. Thế nên, tại đây, có gia đình phật tử, họ vừa thờ Phật, nhưng họ cũng lại kính cúng Tam nguyên tứ quý [3], phần lớn là người Việt gốc Hoa, cho dù không đủ tất cả lễ. Lại có những nhà, họ không phải là tín đồ Phật giáo nhưng cũng đến chùa ngày Sóc, ngày Vọng, đặc biệt là vào những ngày của lễ hội. Điều này cho thấy, cúng Tam nguyên là một tập quán lâu đời, càng về sau càng có thêm ý nghĩa mới và cũng nhạt đi ý nghĩa cũ khi tập quán canh tác và nông lịch thay đổi.

Tóm lại, lễ hội xuất phát từ tôn giáo tín ngưỡng sẽ làm thỏa mãn các nhu cầu tâm linh. Lễ hội là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc biệt, bản thân nó là một kho lịch sử khổng lồ, tích tụ vô số những lớp phù sa văn hóa, là bảo tàng sống về sinh hoạt văn hóa, chứa đựng các giá trị tinh thần sâu sắc. Trong lễ hội là kho tàng phong tục tín ngưỡng, là ứng xử của con người với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, là những lớp văn hóa trầm tích và được lưu cầu của con người về đời sống tâm linh, đời sống văn hóa, nó vừa phản ánh hiện thực, vừa thể hiện khát vọng của con người trong cuộc sống. Vì vậy lễ hội vừa mang ý nghĩa cộng đồng và cộng cảm sâu sắc; vừa mang ý nghĩa dân chủ và nhân bản. Lễ hội chứa đựng các giá trị thẩm mỹ cao bởi lễ hội chính là không gian cho con người phát huy năng lực sáng tạo nghệ thuật của mình.

Tác giả: Lương Thị Thu (Pháp danh Ngọc Trực) - Lớp CHTXI Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM.

Tạp chí Nghiên cứu Phật học – Số tháng 11/2019

-----------------------------------------------------------------------

[1] Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 125-126.

[2] Thích Đồng Bổn (2013), Phong tục dân gian Nam Bộ và Phật giáo, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 60.

[3] Tứ quý (bốn mùa xuân, hạ, thu, đông), đình cúng vào những ngày: lập xuân, lập hạ, lập thu và lập đông:

Nguyên đán, Hàn thực (ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch)

Thanh minh (tiết Thanh minh trong khoảng tháng 3 âm lịch)

Đoan ngọ (còn gọi là Đoan dương, ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch)

Trung thu (Rằm tháng 8 âm lịch)

Trùng cửu (ngày mùng 9 tháng 9 âm lịch)

Trùng thập (ngày mùng 10 tháng 10 âm lịch)

Trừ tịch (30 tháng Chạp âm lịch)

Ở đình, đôi nơi có tổ chức theo lệ, nhưng không phải là lễ chính.