Thiền sư Minh Trí đã khái luận về tính Không thông qua một thiền thi đặc sắc của ông, đó là bài “Tầm hưởng” - một tác phẩm tiêu biểu về văn học Phật giáo trong giai đoạn Thơ văn Lý - Trần.
Tác giả: Nguyễn Thanh Huy Giảng viên Trường Đại học Khánh Hòa Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2024
MỞ ĐẦU
Cho đến hôm nay người ta vẫn còn những tranh biện rằng đạo Phật là tôn giáo hay triết học? Thực chất trả lời cho vấn đề trên không khó. Sở dĩ tồn tại những quan điểm này, xuất phát từ góc nhìn về Phật giáo trên các bình diện khác nhau.
Tuy nhiên, dù đứng trên quan điểm nào thì vẫn không thể phủ nhận cả một hệ thống triết học trong các kinh điển, ở đó đạo Phật đi sâu vào giải thích bản thể vũ trụ, con người, và cả thế giới siêu hình. Trong hệ thống tư tưởng ấy quan niệm về “tính Không” như là một nền tảng cốt lõi. Theo lẽ đó, các hành giả phải cảm ngộ được tính Không trong hành trình tu tập của mình. Có như thế người tu mới có thể tiệm cận giác ngộ hoặc đạt thành tựu viên mãn.
Thiền sư Minh Trí đã khái luận về tính Không thông qua một thiền thi đặc sắc của ông, đó là bài “Tầm hưởng” - một tác phẩm tiêu biểu về văn học Phật giáo trong giai đoạn Thơ văn Lý - Trần.
1. Vài nét về thiền sư Minh Trí
Thiền sư Minh Trí (không rõ năm sinh, viên tịch 1196), ông họ Tô, pháp hiệu là Thiền Trí, người làng Phù Cầm. Khi còn nhỏ, bẩm tính vốn thông minh và ham đọc sách, nên ông đã thông làu nhiều kinh điển. Đến năm 20 tuổi ông bỏ tục, xuất gia. Ông là thiền sư thế hệ thứ mười thuộc dòng thiền Quan Bích. Trụ trì ở chùa Phúc Thánh, làng Điển Lãnh (tức làng Khương Tự, nơi có chùa Pháp Vân và chùa Phúc Thánh do vua Lý Anh Tôn lập vào năm 1184).
Ban đầu ông có pháp hiệu Thiền Trí; nhưng sau khi gặp thượng sĩ Đạo Huệ tu học, và nhờ tinh thông các kinh Viên Giác, Nhân Vương, Pháp Hoa, sách Truyền Đăng…, nên được ban hiệu là Minh Trí.
Trong “Thiền uyển tập anh” (Kim Sơn - Thiền phái Trúc Lâm 1337), có ghi lại câu chuyện thiền về ông như sau:
“Một hôm, Sư cắt cỏ, có một vị Tăng khoanh tay đứng bên trái. Sư ném chiếc liềm đến trước mặt vị Tăng, cắt đứt một gốc cỏ.
Vị tăng thưa: "Cổ nhân dạy Hòa thượng chỉ cắt được một cái đó sao?"
Sư cầm chiếc liềm đưa lên, vị Tăng nhận lấy, bèn đứng thế cắt cỏ.
Sư nói: "Lại nhớ được câu sau đó chăng? Ngươi chỉ cắt được cái đấy, mà không cắt được cái kia sao?"
Vị tăng nghĩ rồi bỏ đi.
Sư nói chuyện một vị Tăng, bên cạnh có một vị Tăng khác nói: "Nói hết sức tức là Văn Thù,
im lặng hết sức tức là Duy Ma."
Sư bảo: "Không nói [27a1] không im lặng, chẳng phải là ông sao?"
Vị Tăng gật đầu.
Sư bảo: "Sao chẳng hiện thần thông?"
Vị Tăng thưa: "Chẳng từ chối việc hiện thần thông, chỉ sợ hòa thượng thâu vào giáo".
Sư bảo: "Ngươi chưa phải là con mắt ở ngoài giáo điển. Bèn nói kệ:
"Ngoài giáo khả riêng truyền, Cao sâu vực Tổ Phật.
Nếu ngươi muốn rõ đích,
Tìm khói giữa diệm dương."” [7, tr.63-64]
Tác phẩm còn lại của thiền sư là hai bài kệ. Bài kệ trên được gọi tên “Hy Dy” và bài “Tầm hưởng” sẽ trình bày sau đây. [1, tr.523-524]
2. Vài nét về tác phẩm “Tầm hưởng”
Cũng theo “Thiền uyển tập anh”, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm “Tầm hưởng” được ghi chép như sau:
“Một ngày tháng nào đó của năm Bính thìn Thiên Tư Gia Thụy thứ 11 (1196), lúc sắp tịch, Sư nói kệ sau:
"Gió tùng trăng nước tỏ, Không ảnh cũng không hình Sắc thân là cái đó, Không không tiếng vọng tìm". Nói kệ xong, Sư yên lặng mà mất.” [7, tr.64]
Trong “Thơ văn Lý - Trần” - Tập I (Nguyễn Huệ Chi chủ biên), tên bài “Tầm hưởng” là do nhóm tác giả biên soạn sách đặt (bằng cách chọn 2 từ quan trọng trong nội dung tác phẩm). Nguyên văn và dịch nghĩa như sau:
Hán văn: 尋 響 松 風 水 月 明, 無 影 亦 無 形。 色 身 這 個 是, 空 空 尋 響 聲。
Phiên âm:
Tầm hưởng Tùng phong thủy nguyệt minh, Vô ảnh diệc vô hình. Sắc thân giá cá thị, Không không tầm hưởng thanh.
Dịch nghĩa:
Tìm tiếng vọng Gió trên cành thông, trăng sáng ở dưới nước, Không có bóng cũng không có hình. Sắc thân cũng như thế đó, [Muốn tìm nó có khác chi] tìm tiếng vang ở trong khoảng không. [1, tr.524]
Dịch thơ:
Gió tùng trăng nước mênh mông Bóng không thấy bóng, hình không thấy hình.
Sắc thân cũng chẳng của mình Không không, tìm tiếng thinh không vọng về. (Nguyễn Thanh Huy dịch)
3. Tính Không trong Phật giáo
3.1. Quan niệm về tính Không
Tính Không (空 性) là một khái niệm quan trọng trong Phật giáo. Nó khá trừu tượng vì nội hàm bao trùm lên nhiều khái niệm, quan điểm, tư tưởng cốt tủy khác trong toàn bộ giáo lý nhà Phật. Nhưng để hiểu nó lại chỉ có thể lí giải thông qua những hình ảnh, sự vật, hiện tượng cụ thể.
Nghĩa đen của tính Không là: trống rỗng, rỗng không. Nhưng nó không được hiểu là trống rỗng hay không có gì như cách nghĩ thông thường. Nói cách khác, cái Không ở đây không thể thấy ngay bằng nhục nhãn, mà phải quán chiếu.
Cái Không này nó cũng nằm ngoài cặp phạm trù đối lặp Có - Không thuần tuý. Nó cũng không phải hai mặt của tín hiệu: Có và Không. Cái Không đó phải được nhìn nhận ở bản thể, thuộc tính trong sự vô biên, vô hạn.
3.2. Tính Không trong quan hệ với Lý Duyên khởi
Theo giáo lý này, tất cả mọi hiện tượng (các pháp) được sinh khởi đều do những điều kiện (duyên), những yếu tố khác hợp lại. Ví như nhờ một hạt mầm nằm trong đất, nước,… (yếu tố, điều kiện) mà phát triển thành một cái cây (sự vật / hiện tượng).
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa các yếu tố làm nên một sự vật / hiện tượng chỉ là giả hợp, tức nó không bền vững; đến khi nó đoạn duyên thì hiện tượng đó lập tức tan rã, chuyển hoá.
3.3. Tính Không trong quan hệ với Vô ngã, Vô thường
Từ cái thấy biết tất cả là Không, nên bất cứ sự vật/ hiện tượng nào cũng không mang trong mình một cái “ta” nào khác, nó không có một tính cách hay thuộc tính cố hữu - thường hằng, và nó cũng không có một đối tượng độc lập (được gọi “ta”) nằm ngoài cái sự vật/ hiện tượng giả hợp ấy. Chính vì thế con người cũng vô ngã, toàn bộ thân tâm con người là duyên giả hợp của ngũ uẩn. Do vậy không có một tâm hồn, tính cách tồn tại y nguyên (như tinh thần khi sống) du hành trong không gian tìm chỗ tái sinh.
Khi nhìn vạn vật là vô ngã, do duyên giả hợp mà thành, thì đồng nghĩa nó không thường hằng, bất biến. Sự tồn tại của nó chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian dài ngắn nhất định. Còn duyên thì tụ, hết duyên thì tán. Khi đoạn duyên nó sẽ xuất ly, chuyển hoá thành những sự vật, hiện tượng khác trong những điều kiện nhân duyên mới, cứ thế diễn ra trùng trùng sinh khởi - đoạn diệt. Đó chính là vô thường.
Như vậy, vô thường hay vô ngã thực chất là những biểu hiện của tính Không trong tư tưởng triết học Phật giáo.
3.4. Tư tưởng tính Không trong kinh
Tiêu biểu về tính Không được nhắc đến trong tinh thần căn cốt của Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh(1): “Sắc bất dị không, không bất dị sắc; sắc tức thị không, không tức thị sắc” (色 不 異 空, 空 不 異 色; 色 即 是 空, 空 即 是 色). Như vậy “sắc” và “không” tuy hai mà một, nó như biểu hiện của sự chuyển hoá từ “sắc” thành “không” hoặc từ “không” ra “sắc” mà thôi.
Song, chân tính của nó vẫn là Không. Cái Không ở đây là cái vô tướng, phi tướng. Và ngay cả, khi “sắc” đang hiện hữu trước mắt cũng chỉ do duyên giả hợp mà thành nên nó vẫn vô tướng; còn cái tướng mà mắt thấy đó, thực chất cũng chỉ là ảo tướng. Tất nhiên, cái tướng ấy vẫn được nhìn nhận, với tư cách, nó như nó “đang là”.
Thế nên, bằng quán chiếu chư Phật thấy rõ “Vạn pháp giai không” / 萬 法 皆 空 (vạn pháp đều không).
4. Tính Không trong tác phẩm “Tầm hưởng”
Bài kệ được viết theo thể thơ ngũ ngôn tứ tuyệt Đường luật, do vậy, bài viết này dựa theo kết cấu khai - thừa - triển - hợp để tiếp cận, khai thác. Tuy nhiên, điều cốt lõi vẫn dựa vào những quan niệm, tư tưởng Phật giáo mà tác giả đã phản ánh trong tác phẩm, đồng thời bám chặt vào sự gắn kết ngữ nghĩa xuyên suốt trong toàn văn bản.
Mở đầu, “Tùng phong thủy nguyệt minh / 松 風 水 月 明” (Gió trên cành thông, trăng sáng ở dưới nước), câu thơ gợi lên một bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ, thi vị. Nó bày ra trước mắt người đọc một không gian và thời gian đầy ấn tượng, cảm xúc.
Đó là một không gian thoáng đãng bởi khoảng trời cao xa giữa trăng với nước; hay một không gian mênh mông của mặt hồ như trải dài vô tận; hay một chốn cao sơn lưu thủy, nơi có bóng dáng của cội tùng già với những thanh âm rì rầm bởi gió, và một mặt nước lăn tăn đang lấp lánh bởi ánh trăng vằng vặc. Ở đó thời gian như ngừng trôi, đêm tối yên tĩnh hòa quyện vào khoảng không tịch mịch.
Cái hay ở câu thơ là, hình ảnh “tùng phong” 松 風 (gió rung cành tùng) tuy có động nhưng lại càng khiến cho không gian tĩnh lặng hơn. Đây là một thủ pháp độc đáo trong miêu tả, và nó cũng là một đặc trưng của Đường thi - lấy động để nói tĩnh.
Nhưng cái đẹp lại nằm ở hình ảnh “thủy nguyệt minh” 水 月 明 (trăng nước sáng). Hình ảnh trăng soi bóng nước rõ ràng là một điển hình trong thi ca tự ngàn xưa. Điều đó hoàn toàn tự nhiên, vì tự thân trăng vốn đã là một kiệt tác của tạo hoá ban tặng cho nhân gian. Đã thế, trăng soi bóng nước lại càng khiến cho cái đẹp ấy lung linh hơn, lấp lánh hơn, trác việt hơn.
Câu thơ ấy bất giác khiến ta nhớ đến một hình ảnh nguyệt - tùng khác trong “Sơn cư thu minh” (山 居 秋 暝 ) của Vương Duy:
“Minh nguyệt tùng gian chiếu, Thanh tuyền thạch thượng lưu”.
Hán văn: 明 月 松 間 照, 清 泉 石 上 流。
Dịch nghĩa: Trăng sáng chiếu lên cội tùng, Suối trong chảy trên đá.
Mặt khác, từ hình ảnh gió trăng qua đôi mắt của một thiền sư càng làm ta liên tưởng đến gió trăng trong câu thơ khác, cũng của một thiền sư - Nhị tổ Trúc Lâm - Pháp Loa viết:
“Trân trọng chư nhân hưu tá vấn, Na biên phong nguyệt cánh hoàn khoan.”
Hán văn: 珍 重 諸 人 休 借 問, 那 邊 風 月 更 還 寬。
Dịch nghĩa: Trân trọng nhắn mọi người đừng gạn hỏi, Trăng gió ở thế giới bên kia lại càng mênh mông.
Sự gặp gỡ này như duyên kì ngộ!
Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn thấy vẻ đẹp đầy phong vị cổ điển của câu thơ thì dường như ta đã bỏ qua một ẩn ngữ thiền. Không phải tình cờ tác giả dùng hình ảnh “tùng phong”, “thủy nguyệt”, khi chúng đang hiện hữu trước mắt, để diễn đạt; mà đó là một sự lựa chọn để gửi gắm ý niệm thiền, hay quan niệm về bản thể của sự vật, hiện tượng trong giáo pháp.
Rõ ràng, ta dễ nhận ra “tùng phong” (gió ở cây tùng) và “thủy nguyệt” là những hiện tượng dễ tiêu biến, trôi nhanh, không cố định. Chúng chỉ xuất hiện trong khoảnh khắc trước đôi mắt trần. Do vậy, lựa chọn hình ảnh, ngôn từ này là phương tiện trực quan giúp cho người chưa hiểu qua phật pháp dễ bề lĩnh hội. Cách nói này xuất phát từ sự thấu rõ, lĩnh ngộ lý Kim Cang Bát Nhã của thiền sư, như kinh viết:
“Nhất thiết hữu vi pháp Như mộng huyễn bào ảnh Như lộ diệc như điện Ưng tác như thị quán.”
Hán văn: 一 切 有 爲 法 如 夢 幻 泡 影 如 露 亦 如 電 應 作 如 是 觀。
Dịch nghĩa: Tất cả pháp hữu vi Như mộng ảo, bọt nước Như sương sa, điện chớp Nên quán sát như vậy.
Ở đây, đức Phật đã dùng hàng loạt hình ảnh dễ tiêu biến như “mộng ảo”, “bọt nước”, “sương sa”, “điện chớp” để khai thị.
Từ sự lĩnh ngộ này và việc lựa chọn hình ảnh sự vật / hiện tượng ở câu thơ thứ nhất, thiền sư đi đến kết luận ở câu thơ thứ hai - “Vô ảnh diệc vô hình / 無 影 亦 無 形” (Không có bóng, cũng không có hình). Đây chính là quan niệm tính Không trong sự quán chiếu về các pháp hữu vi của Phật giáo.
Sự vật/hiện tượng, đối với Phật giáo, là vô ngã và vô thường. Tức nó không có tự tính(2), không có cái ta thường hằng. Cái mà nhục nhãn thấy được chẳng qua là hình tướng do duyên giả hợp tạo thành, đến lúc đoạn duyên sẽ xuất ly, tan biến và chuyển hoá thành một cái khác khi hội đủ duyên. Như vậy không có một sự vật, thuộc tính nào bất biến, vĩnh hằng; nói cách khác, không có cái gì là một thể của cái ta độc lập. Do đó, việc chỉ ra và gọi tên “ta” chỉ là một nhận thức ảo tưởng mà thôi.
Sự vật, hiện tượng không cố định, luôn biến đổi theo thời gian, đó chính là vô thường. Sự biến đổi của chúng được diễn ra trong từng sát na.
Thực chất, vô thường và vô ngã là hai mặt của thực tại “đang là” dưới hai góc nhìn: theo chiều thời gian và không gian. Vậy, giữa vô thường và vô ngã luôn tồn tại mối quan hệ khăng khít, không thể tách rời; chính cái này qui định cái kia và ngược lại.
Huống chi, ở đây, “tùng phong” và “thủy nguyệt” chỉ là hình với bóng thì càng lộ rõ tính chất “Không” của nó. Vì lẽ, nó chỉ trình hiện trong khoảnh khắc hoặc trong một khoảng thời gian ngắn ngủi. Điều này nhãn thức có thể nhận biết được. Nói một cách khác, có thể nhìn thấy tính vô ngã và vô thường của chúng mà không cần phải quán chiếu.
Từ hai câu đầu, thiền sư tiếp tục phát biểu về tính Không ở câu thơ thứ ba - “Sắc thân giá cả thị / 色 身 這 個 是”. Đến đây ta nhận ra rằng hai câu đầu như một tiền đề / đề dẫn để đi đến một kết luận cao hơn, vừa hàm ý khái quát vừa có tính cụ thể đối với sự vật, hiện tượng, và đặc biệt là con người. Lối diễn đạt này là một thủ pháp - dùng câu 1 & 2 như một đòn bẩy - để nhấn mạnh ngữ nghĩa cho câu 3.
Đặt trong tương quan đối sánh giữa “tùng phong” - “thủy nguyệt” với “sắc thân”, thì rõ ràng sắc thân con người có tính tồn tại dài hơn. Một đời người bình quân cũng vài chục năm chứ không thoáng chốc như cơn gió thổi, như ánh trăng soi. Vậy mà, dưới cái nhìn của nhà Phật, dưới con mắt của thiền sư, nó cũng chẳng khác nhau, tất cả cũng chỉ là mộng ảo, bọt nước; tất cả vẫn là Không.
Vì nhà Phật cho rằng sắc thân được cấu thành bởi tứ đại (đất, nước, lửa, gió). Và toàn bộ thân - tâm con người do ngũ uẩn (Sắc: thân và sáu giác quan; Thọ: cảm giác; Tưởng: tưởng tượng; Hành: ý định, hành động; Thức: nhận thức, phân biệt) hợp thành, được sinh ra bởi trùng trùng duyên khởi. Ngoài sự hợp thành của năm uẩn đó, không có cái gọi là “ta” (ngã), tức vô ngã. Cho nên, tri kiến về “tứ đại giai không” (四 大 皆 空) hay “ngũ uẩn giai không” (五 蘊 皆 空) mà phá chấp ngã có thể đưa con người đến giải thoát.
Nhưng cần minh định rằng cái Không của sắc thân không đồng nghĩa với hư không hay không tồn tại mà nó vẫn trình hiện như cái “đang là”. Cái Không ấy chỉ là cái Không của thực tướng; nói cách khác, cái tướng mà ta nhìn thấy chỉ là tạm thời, do giả hợp mà ra, không bất biến, thường còn.
Nếu như ở ba câu thơ trên thiền sư nhắc đến những sự vật/hiện tượng hữu hình và có thể thấy biết bởi nhãn căn, thì ở câu thơ cuối là hiện tượng hữu thanh, mà để cảm thọ được thanh âm đó đòi hỏi phải quán chiếu. Ông viết:
“Không không tầm hưởng thanh / 空 空 尋 響 聲” ([Muốn tìm nó có khác chi] tìm tiếng vang ở trong khoảng không).
Khi hành giả đã hiểu sắc thân tứ đại vốn là Không thì phải hành trì tu tập để không còn chấp trước vào nó. Vì chính cái thân ấy khiến tâm bị mắc kẹt, trói buộc, bị chi phối bởi các giác quan; nhưng mặt khác, cũng nhờ cái thân chịu kham nhẫn mới có thể đưa con người đến giải thoát. Tất nhiên đó là một hành trình dài, một quá trình gian nan cầu đạo, đi tìm Chân Như.
Hình ảnh “Tầm hưởng thanh” 尋 響 聲 (tìm thanh âm vọng lại trong hư không) trước hết gợi lên một sự mênh mông vô định, xa xăm mịt mù và vô vọng. Mặt khác, nó cũng có thể hiểu là một pháp - tu tập tính nghe. Rộng hơn, có lẽ, đây là cách nói ước lệ khi thiền sư đang bước đi trên con đường đầy gian lao tìm Phật tính hay nhận diện được Chân tâm thanh tịnh. Đến đây ta lại nhớ đến bài “Tâm” (心) của thiền sư Phạm Thường Chiếu:
“Tại thế vi nhân thân Tâm vi Như Lai tạng Chiếu diệu thả vô phương Tầm chi cánh tuyệt khoáng.”
Hán văn: 在 世 爲 人 身 心 爲 如 來 藏 照 曜 且 無 方 尋 之 更 絕 曠。
Dịch nghĩa: Tồn tại giữa cõi đời chính là thân thể người ta, [Còn] tâm là kho báu của Như Lai; Chiếu sáng khắp mọi nơi, Nhưng tìm nó thì mênh mông mờ mịt. [1, tr.531]
Đặc biệt, sự đồng điệu của hai thiền sư nằm ở hai câu cuối “Chiếu diệu thả vô phương / Tầm chi cánh tuyệt khoáng”. Điều đó cho thấy tìm được Chân tâm đối với hành giả là việc vô cùng khó khăn, tựa như mò kim đáy bể; cho dù thứ ánh sáng kì diệu mà Chân tâm tỏa ra là vô lượng, vô biên, vô ngại.
Hay ta bắt gặp một sự cảm thán, khi thiền sư Từ Đạo Hạnh - một danh sư, một bậc Thánh Tổ - phải thốt lên trên bước đường tu tập của mình:
“Cửu hỗn phàm trần vị thức kim, Bất tri hà xứ thị chân tâm”.
Hán văn: 久混凡塵未識金, 不知何處是真心。
Dịch nghĩa: Lâu ngày pha lẫn với phàm trần, chưa biết vàng thực sự, Không biết nơi đâu mới là chân tâm. (Trích “Vấn Kiều Trí Huyền”) [1, tr.346]
Như vậy, để tìm thấy được Chân Tâm đòi hỏi hành giả phải đủ căn cơ, phải có một đời sống thanh tịnh, tinh tấn hành trì và quán chiếu. [5, tr.49]
Ngoài ra ở câu thơ cuối, cách dùng điệp từ - “không không” 空 空 - đã tạo ra hai cách hiểu khác nhau:
Thứ nhất, nếu như theo bản dịch nghĩa trên ([Muốn tìm nó có khác chi] tìm tiếng vang ở trong khoảng không(3)) thì “không không” có nghĩa là khoảng không / hư không. Cách hiểu này khá logic với cụm từ còn lại trong câu với trật tự “Không không - tầm hưởng thanh”. Sự logic nghĩa trong tình huống này được thoả mãn bởi cụm từ “hưởng thanh”, tức âm thanh vọng lại. Khi nói “vọng lại” thì mặc nhiên phải có một đối tượng, một điểm bắt đầu khiến nó có thể phát ra, vang ra; ở đây chính là “hư không”.
Bên cạnh đó, “hư không” trong quan niệm nhà Phật, nó thường được ví như trạng thái tâm rỗng lặng, an tĩnh ở những bậc đắc đạo. Trạng thái này còn được gọi là “vô tâm(4)” 無 心, tức tâm không động do trước bất kì ngoại cảnh nào. Đối lập với nó là “kì tâm” 其 心 như trong “Ưng vô sở trụ nhi sinh kì tâm / 應 無 所 住 而 生 其 心.”
Thứ hai, dựa trên mặt nghĩa, hai tiếng “không không” được hiểu là “khoảng không / hư không” chưa chắc đã thoả đáng. Vì, ở đây, “không không” có thể phải xem xét với tư cách là hai từ đơn độc lập được sử dụng lặp lại với mục đích nhấn mạnh như thường thấy trong diễn ngôn.
Khi ấy ta có một quan hệ nghĩa giữa nó với 3 câu trên như sau: nếu ở 3 câu trên bàn về “tùng phong”, “thủy nguyệt”, “sắc thân”, tất cả đều không bóng, không hình (tức vô tướng); thì “không không” (ở câu 4) là một lời khẳng định tính Không của chúng thêm một lần nữa. Hiểu theo nghĩa này thì “không không” vẫn còn một quan hệ nghĩa khác ngay trong nội bộ cấu trúc câu thứ tư: “Không không - tầm hưởng thanh” (tìm âm thanh vọng lại, âm thanh đó vẫn là Không - tức không nằm ngoài tính Không).
Ngoài ra, “không không” còn là thành tố trong thành ngữ “Sắc sắc không không” (色 色 空 空) để chỉ sự chuyển hoá, biến đổi vô thường và bản tính vô ngã của vạn vật. Thành ngữ này thường dùng như một câu nói cửa miệng ở các tu sĩ Phật giáo.
Do vậy, không lấy gì làm chắc chắn khi cho rằng “không không” trong câu thơ này được dịch, được hiểu với nghĩa là “khoảng không / hư không”.
KẾT LUẬN
Rõ ràng, bàn về những quan điểm triết học, những triết lý cao sâu của Phật giáo là việc làm không dễ dàng. Cái khó ở đây không chỉ bởi tính cao siêu, trừu tượng mà còn là ở sự vi diệu, màu nhiệm. Hơn thế, những quan điểm, triết lý nhà Phật được chỉ ra qua cái thấy biết bằng huệ nhãn của đức Thế Tôn, trong khi chúng ta chỉ là người trần mắt thịt nên có chỗ “không thấy mà tin” và “bất khả tư nghị”.
Thêm nữa, khi bàn về những quan niệm thiền, một trở ngại không nhỏ, đó là những ẩn ngữ, những “mã hoá” mà chỉ những ai tu thiền và chứng mới thấu tỏ được. Đặc biệt hơn, khi các triết lý Phật giáo được truyền tải bằng ngôn ngữ thi ca, vốn hàm súc, điều đó càng khiến cho người đọc thêm khó hiểu. Ý thức rõ như vậy, những phân tích trên chỉ là một góc nhìn với những tri kiến hạn hữu trước sự vô lượng, vô biên của Phật pháp.
Tác giả: Nguyễn Thanh Huy Giảng viên Trường Đại học Khánh Hòa Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2024 ***
CHÚ THÍCH:
(1) Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh: là một trong các kinh căn bản và phổ thông của Phật Giáo Đại Thừa.
(2) Tự tính (自 性): cái tính nằm sau mọi hiện tượng, cái ngã. Tự tính trong bài viết được hiểu theo nghĩa này. Vì Tự tính, trong Thiền tông và một số tông phái khác của Đại Thừa, được dùng để chỉ cho bản thể thật sự của chúng sinh, vạn vật; đồng nghĩa với các khái niệm như Phật tính, Như Lại tạng, Chân như, Pháp thân.
(3) Khoảng không: Có rất nhiều bản dịch khác thay nó thành “hư không”.
(4) Vô tâm: như “Ðối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền / 對 境 無 心 莫 問 禪” trong bài kệ “Cư trần lạc đạo” của Trần Nhân Tông.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nguyễn Huệ Chi (chủ biên), (1977), Thơ văn Lý - Trần - Tập I, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
2. Nguyễn Thanh Huy (2021), “Đọc bài kệ “Cư trần lạc đạo” qua lăng kính Kim cang Bát nhã Ba-la-mật-đa kinh”, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số ngày 22 tháng 08.
3. Nguyễn Thanh Huy (2022), “Hoa cúc trong thơ của thiền sư Huyền Quang”, Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 391, ngày 23 tháng 06.
4. Nguyễn Thanh Huy (2023), “Hoa mai qua góc nhìn của thiền sư Trần Nhân Tông”, Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 404, ngày 01 tháng 01.
5. Nguyễn Thanh Huy (2023), “Luận giải “Tâm” và “Đạo” qua hai bài thơ của thiền sư Phạm Thường Chiếu”, Tạp chí Văn nghệ Tp.Hồ Chí Minh, số 87, ngày 17 tháng 08.
6. Nguyễn Thanh Huy (2023), “Luận giải bài Kệ thị tịch của thiền sư Pháp Loa”, Nguyệt san Giác Ngộ, số 329, tháng 08.
7. Lê Mạnh Thát, (1976), Lê Bắc ấn bản điện tử (2001), “Thiền uyển tập anh” (Kim Sơn - Thiền phái Trúc Lâm 1337) - Quyển hạ, Nxb. Đại học Vạn Hạnh, Saigon.
Bình luận (0)