DẪN NHẬP

Phật giáo có lịch sử phát triển hơn 2000 năm ở Việt Nam, những tư tưởng, triết lý Phật giáo đã bắt rễ, ăn sâu vào tâm trí người Việt và một trong những biểu hiện điển hình chính là qua nội dung của ca dao, tục ngữ.

Bài viết đề cấp đến nội dung về nền tảng đạo đức, triết lý về nhân quả trong ca dao, tục ngữ Việt Nam.

Tag: ca dao, tục ngữ, đạo đức, nhân quả, triết lý, lịch sử….

NỘI DUNG

1. Khái niệm, nguồn gốc và nội dung Ca dao, tục ngữ

Trước hết chúng ta tìm hiểu về ca dao. Trong bài diễn thuyết của Phạm Quỳnh tại Hội Trí Tri (Hà Nội) ngày 21/04/1921, trên tạp chí Nam Phong số 46, từ trang 253 đến trang 272, có định nghĩa: “Ca dao là những bài hát nhỏ, từ hai câu trở lên, mà không bao giờ dài lắm, giọng điệu tự nhiên, cũng do khẩu truyền mà ra phổ thông, trong dân gian thường hát... Thường là lời ngâm vịnh về công việc nhà quê hay là lời con trai con gái hát với nhau”[1]. Đồng tình với quan điểm trên nhà nghiên cứu văn học Dương Quảng Hàm cũng đã có định nghĩa tương tự: “Ca dao (ca: hát; dao: bài hát không có chương khúc) là những bài hát ngắn lưu hành trong dân gian, thường tả tính tình phong tục của người bình dân. Bởi thế ca dao cũng gọi là phong dao (phong: phong tục) nữa. Ca dao cũng như tục ngữ, không biết tác giả là ai ; chắc lúc ban đầu cũng do một người vì có cảm xúc mà làm nên , rồi người sau nhớ lấy mà truyền tụng mãi đến bây giờ”.[2] Qua hai định nghĩa trên cho chúng ta biết ca dao chính là “Một loại thơ dân gian có thể ngâm được như các loại thơ khác và có thể xây dựng thành các điệu dân ca”[3].

Khi chúng ta đọc những câu ca dao với một cái hồn theo từng câu, từng chữ chúng ta mới thấy những âm hưởng nhạc điệu trong đó, bản thân của ca dao vốn đã có những âm điệu thăng trầm với những kiểu gieo vần khác nhau, cộng với người đọc thả hồn vào đó bỗng chốc những giai điệu du dương được vang vọng. Có lẽ cũng chính vì thế mà Vũ Ngọc Phan đã có nhận định: “Khi chúng ta đã tước bỏ những tiếng đệm, những tiếng láy, những câu láy ở một bài dân ca thì chúng ta thấy bài dân ca ấy chẳng khác nào một bài ca dao. Do đó, người ta có thể nói: giữa ca dao và dân ca, ranh giới không rõ”[4].

Tiếp theo chúng ta bàn về tục ngữ. “Tục ngữ hay là ngạn ngữ là những câu nói thường, hoặc vì cái thể nó gọn ghẽ dễ nhớ, hoặc vì cái ý nó phổ thông dễ hiểu, mà người trong một nước ai ai cũng nói đến truyền ở cửa miệng người ta, nhất là ở những nơi lý hạng, chốn nhân gian. Vì ở cửa miệng người bình thường ít học mà ra, thật thà sỗ sàng, không có bóng bẩy chải chuốt, nên gọi là tục, chớ không phải tất nhiên là thô bỉ tục tằn”[5]. Ở đây tác giả Phạm Quỳnh đã chú trọng giải thích chữ “tục” và qua đó cho chúng ta biết với ý kiến của tác giả “tục ngữ” chính là sản phẩm của tầng lớp bình dân nên ngôn từ giản đơn, không trau chuốt nhưng không nghĩa thô bỉ tục tằng. Đồng thời, tác giả cũng quan điểm rằng những câu “tục ngữ” có triết lý, ý nghĩa cao xa thì thuộc về một thể khác chứ gộp chung là “tục ngữ” được: “Câu tục ngữ phương ngôn nào có ý nghĩa cao xa thời có thể gọi là cách ngôn được, song cách ngôn lại là một thể riêng đã có triết lý văn chương rồi không phải là những câu tự nhiên truyền khẩu đi như phương ngôn cùng tục ngữ”[6].

Đồng tình với một phần quan điểm của tác giả Phạm Quỳnh, nhà nghiên cứu văn học Dương Quảng Hàm có cái nhìn rộng hơn khi nói về giới hạn nội dung trong tục ngữ, không hẳn chỉ gói gém trong giới bình dân, nội dung đơn thuần mà thiếu phần triết lý được: “Xét về nguồn gốc, ta có thể chia tục ngữ ra làm hai loại: 1) Những câu vốn là tục ngữ, tức là những câu nói thường, lúc ban đầu chắc cũng do một người phát ra trước tiên, rồi vì ý nó xác đáng, lời nó gọn ghẽ, người khác nghe đến nhớ ngay, sau cứ thế nhắc lại mà truyền tới bây giờ, đến nay ta không biết tác giả là ai nữa. Những câu về loại này chiếm phần nhiều nhất. 2) Những câu vốn là thơ ca mà sau biến thành tục ngữ. Những câu nguyên ở trong một bài thơ hoặc một bài ca của một tác giả nào, nhưng vì ý đúng, lời hay, nên người ta truyền tụng đi mà làm thành một câu tục ngữ”[7], nếu như tục ngữ có một phần của những bài thơ, những bài ca, những lời hay ý đúng thì chắc hẳn nội dung phải cực kỳ phong phú và sâu sắc. Vì nó được chọn lọc để lưu truyền thì đâu hẳn chỉ là những nói chuyện hằng ngày, mà chắc hẳn phải có một giá trị chuyên chở những tinh hoa ý nghĩa có giá trị trong cuộc đời.

Đồng tình với quan điểm trên, Vũ Ngọc Phan cũng cho rằng: “Tục ngữ đã được cấu tạo trên cơ sở những kinh nghiệm về sinh hoạt, về sản xuất trong lâu đời, nó là những câu đúc kết những nhận xét đã được nhiều người thừa nhận, để hướng dẫn con người ta trong sự nhìn nhận mọi khía cạnh của cuộc đời”[8]. Nếu là những câu đúc kết, những nhận xét đã được nhiều người thừa nhận và để hướng dẫn con người ta trong sự nhìn nhận mọi khía cạnh của cuộc đời thì chắc hẳn nó phải là đạo lý, những triết lý sâu xa và đúng đắn, ông còn nhấn mạnh thêm rằng: “Tục ngữ được cấu tạo trên cơ sở thực tế, do lý trí nhiều hơn là do cảm xúc, tư tưởng biểu hiện trong tục ngữ là tư tưởng đanh thép, sắc bén, rút ở cuộc đời”[9].

Tóm lại, Ca dao, tục ngữ là sản phẩm của cha ông chúng ta để lại, trải qua quá trình dài sáng tác và lưu truyền cho đến ngày nay. Nội dung phong phú và đa dạng với ngôn từ bình dị giản đơn, nhưng hàm chứa những triết lý sâu xa đươc đúc kết qua nhiều thế hệ. Chính vì lẽ đó, Ca dao, tục ngữ chính là kho tài liệu lớn để chúng ta khảo cứu về tình hình phong tục tập quán, ngôn ngữ, văn hóa, tư tưởng,… của cha ông ta trong chiều dài lịch sử qua những thời kỳ. Qua đó, chúng ta có thể khẳng định Ca dao, tục ngữ có một địa vị quan trọng trong văn học nước ta, thế hệ con cháu cần phải tìm hiểu, học hỏi, lưu giữ và phát huy những giá trị tinh hoa mà các thế hệ đi trước đã lưu truyền cho đến ngày nay.

2. Tư tưởng nhân quả trong Ca dao, tục ngữ Việt Nam

Ca dao, tục ngữ Việt Nam là một kho tàng về giá trị văn học, tư tưởng và vốn liếng ngôn từ được hun đúc từ bao đời cha ông chúng ta lưu giữ lại. Có những sắc thái độc đáo, ý tứ vô cùng tinh tế nhưng cũng mộc mạc vô cùng, là một niềm tự hào của dân tộc vì không phải nước nào cũng có. Việc tìm về những tư tưởng Ca dao, tục ngữ Việt Nam chính là hành trình tìm về nguồn cội, cái gốc của linh hồn dân tộc vì qua đó chúng ta hiểu được tâm tư, tình cảm, tư duy nhận thức, cách sống, cách nghĩ của dân tộc mình qua bao thế hệ, hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.

Nhân quả là một trong những tư tưởng chủ đạo trong tâm tưởng, lối sống của người Việt “ăn hiền ở lành; làm lành lánh dữ” đã trở thành đạo lý dạy khuyên con cháu bao đời trong cuộc sống này. Mộc mạc là thế, bình dị là thế nhưng đạo lý này lại chính là triết lý sâu xa và quan trọng nhất trong đời người mà đôi khi cả một kiếp người không làm được.

Ngày nay danh từ “nhân quả” không còn là của riêng Phật giáo, danh từ này đã trở thành một câu nói cửa miệng của tất cả người dân Việt Nam với hàm nghĩa “nhân nào quả nấy; ai làm người ấy chịu”[10], một nghĩa rất phổ thông và dễ hiểu nhất của học thuyết nhân quả của đạo Phật.

Nhân quả nói cho đủ là nhân duyên quả. Nhân là nguyên nhân, duyên là những nhân phụ, hỗ trợ; Quả là kết quả. Tất cả vạn sự vạn vật trên cuộc đời này đều có nhân quả cả, không có gì là tự nhiên mà hình thành mà không có nhân và duyên, cũng như đã gieo nhân thì chắc chắn khi hội đủ các nhân, duyên thì kết quả sẽ hiện ra. Giữa nhân và quả có những tương quan như: một nhân không thể sinh ra một quả, cũng có nghĩa là để hình thành một kết quả phải dung hợp rất nhiều nhân với nhau; nhân nào quả nấy như trồng ớt được trái ớt, trồng cam được cam…; trong nhân có quả trong quả có nhân… Đứng về thời gian nhân quả còn được phân chia như: Nhân quả đồng thời, loại nhân quả này xảy ra rất nhanh như ăn thì no, tức giận thì phiền não…; nhân quả khác thời, có thể là hiện báo (đời này làm đời này chịu), sinh báo (đời này làm đời sau mới chịu), hậu báo (đời này làm nhưng qua rất nhiều đời sau mới chịu). Tuy có sự phân chia về thời gian, tuy nhiên vì từ nhân đến quả còn có các duyên, chính vì lẽ đó kết quả cũng như thời gian để có kết quả tùy thuộc rất nhiều vào các duyên và nhân phụ trợ, mà thời gian có thể xảy ra là nhanh hay chậm. Chính vì lý do trên, đạo Phật không chấp nhận định nghiệp (số mệnh) tức không thay đổi được khi đã gieo nhân, phải chấp nhận hoàn toàn thụ động, phủ nhận sự cố gắng và thay đổi… Thay vào đó là sự khích lệ nỗ lực cá nhân để thay đổi những kết quả bằng cách tạo những nhân tốt và thật nhiều nhân tốt để tạo nên một cuộc đời của chính mình vì: “Các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy”[11].

Trong Ca dao, tục ngữ người Việt chúng ta tin rằng “ở hiền gặp lành; ở ác gặp dữ” hay “ác giả ác báo, thiện giả thiện lai” nghĩa là chúng ta sống lương thiện, sống với cái tâm, sống chân thật… thì chúng ta sẽ được gặp những điều lành, những quý nhân phù trợ, không gặp những điều bất trắc và nếu có cũng hóa dữ thành lành. Ngược lại, chúng ta sống ác độc, hung hăng, hại người, xấu xa nham hiểm, mưu mô tính toán, ích kỷ hờn ghen… thì chúng ta sẽ gặp những điều lo âu, buồn khổ, những bất trắc trong cuộc đời không lường trước được. Người gây nhiều điều xấu xa thì dù có khôn ngoan, ma mãnh trong kiếp này thì “của thiên trả địa” thậm chí những điều xấu xa đó ảnh hưởng đến những kiếp sau nữa “một đời làm hại, bại hoại ba đời”.

Việc đầu tiên trong quá trình giáo dục nhân quả của cha ông chúng ta chính là khẳng định nhân và quả là sản phẩm của chính chúng ta chứ chẳng ai khác “ai làm nấy chịu; ai ăn mặn người ấy khác nước” hay một cách biểu tượng dễ hiểu hơn “bụng làm dạ chịu;ăn lắm hay no, lo lắm hay phiền” hay “công ai nấy nhờ, tội ai nấy chịu; mình làm mình chịu, chẳng ông tổ ông tông nào làm”, trong kinh Pháp Cú đức Phật cũng đã dạy:

“Tự mình, làm điều ác, Tự mình làm nhiễm ô, Tự mình ác không làm, Tự mình làm thanh tịnh. Tịnh, không tịnh tự mình, Không ai thanh tịnh ai!”[12]

Từ nhận thức như vậy mà cha ông chúng ta khuyên chúng ta phải ý thức và làm chủ chính hành động “lấy của ai nấy chịu”, lời nói “ngậm máu phun người, máu dơ mình trước; một câu nói ngay bằng làm chay cả tháng” và suy nghĩ của mình “mưu thâm họa diệt thâm”, vì tất cả những hành động đó sẽ có kết quả và chúng ta là người nhận lấy nó.

Tuy nhiên, việc giáo dục nhân quả, triết lý sống của cha ông chúng ta luôn đặt nặng ở ngay kiếp này và tin rằng những hành động của chính ta gây sẽ có kết quả ngay trong đời này chứ không hẳn là phải đợi khi nào hay ở một kiếp khác “quả báo nhãn tiền; đời xưa quả trả báo mà chầy, đời nay trả báo một giây nhãn tiền” hay “đời xưa trả báo thì chầy, đời nay trả báo thấy ngay nhãn tiền”. Từ đó, chúng ta cần nhận thức đúng về những việc làm và cố gắng của mình để sống trong cuộc đời này, từ việc chọn nghề nghiệp “sinh nghề tử nghiệp”, vì chính cái nghề đó cũng là cái nghiệp mà chúng ta phải gánh lấy trong kiếp này cũng như kiếp sau, vì rằng đều là cái nghề để kiếm sống nhưng người làm lò mổ thì mắc cái nghiệp sát sinh, còn người bác sĩ lại có cái phước trao tặng cho người khác sức khỏe; đến việc chọn mình một lối sống “mặc ai chuốt lợi mua danh, miễn ta học được đạo lành thì thôi” và nếu như cuộc đời trước đó có những việc làm sai thì “cải ác làm lành; điều lành thì nhớ, điều dở thì quên” hay “điều lành mang lại, điều dại mang đi” để chuyển các nghiệp xấu thành các nghiệp tốt mà trong Pháp Cú Phật cũng đã dạy:

“Ai dùng các hạnh lành, Làm xóa mờ nghiệp ác, Chói sáng rực đời này, Như trăng thoát mây che”[13].

Và dù cuộc đời có xô đẩy trong hoàn cảnh nào thì cũng chọn cho mình một cái tâm ngay thật, đạo đức “làm tôi ngay, ăn mày thật”.

Mối quan hệ gia đình là một tổ hợp của trùng trùng nhân duyên, tình cảm và ái luyến yêu thương, được xem là nặng nề nhất trong các mối quan hệ trong xã hội, nhất là cha mẹ với con cái, xem giữa cha mẹ và con cái như một, có tác động qua lại lẫn nhau nên “đời cha ăn mặn, đời con khát nước” và vì thương con, nghĩ đến hậu quả về sau cho con cái mà “cây xanh thì lá cũng xanh, tu nhân tích đức để dành cho con; ông cha kiếp trước khéo tu, nên sinh con cháu võng dù nghinh ngang”. Có thể nói, việc giáo dục nhân quả của cha ông ta vô cùng khéo léo, vì có những người đôi khi không sợ trời không sợ đất, không sợ quả báo đến với mình nhưng vì thương con mà sợ không làm những việc sai trái. Đây cũng là một kinh nghiệm lâu đời của chính cha ông chúng ta, bởi có ai không phải là ông, là bà, là cha, là mẹ nên rất hiểu điều này.

Các khía cạnh của nhân quả dường như cũng đã được cha ông chúng ta thẩm thấu một cách trọn vẹn, từ cách nhìn nhận “nhân quả đồng thời” nếu như phung phí, ăn chơi, không biết tiết kiệm, không biết làm ăn thì “đã sinh ra kiếp hay chơi, thì trời lại đọa vào nơi không tiền; phí của trời mười đời chẳng có” và khi nhân quả đã đến thì không thể nào lường được “quả báo ăn cháo gãy răng, ăn cơm gẫy đũa, xỉa răng gẫy chầy” bởi vì “đạo trời báo phúc chẳng lâu, hễ là thiện ác đáo đầu chẳng sai”. Cho đến những “nhân quả khác thời” đời này và các đời sau nữa “khuyên ai ăn ở cho lành, kiếp này chẳng gặp để dành kiếp sau” và những ai tạo những hành động xấu xa, gian tà cướp giật người khác thì “làm kiếp trâu kéo cày trả nợ”. Những đạo lý đó được xem như chân lý mà cha ông ta để lại, xem nó như là quy chuẩn đạo đức và phúc đức của con người, ai biết những đạo lý ấy, làm theo những đạo lý ấy thì mới khôn ngoan, được xem là người biết sự trời “biết sự trời, mười đời chẳng khó”.

Ảnh St

3. Giáo dục nhân quả là nền tảng đạo đức con người

Từ những tư tưởng nhân quả trong Ca dao, tục ngữ cho chúng ta một cái nhìn khái quát về căn bản luân lý, đạo đức làm người của dân tộc ta chính là hiền lành, chất phát, hướng về những điều thiện lành và tránh xa những cái ác, chú trọng cái tấm lòng của mỗi con người. Điều này giống như lời đức Phật đã từng dạy:

“Chư ác mạc tác, Chúng thiện phụng hành, Tự tịnh kỳ ý, Thị chư Phật giáo”. Dịch: “Không làm mọi điều ác, Thành tựu các việc lành, Tâm ý giữ trong sạch, Chính lời chư Phật dạy”.[14]

Nghĩa là không làm các việc ác, những chuyện xấu xa hại người, mưu mô tính toán, chỉ nghĩ cái lợi về mình mà không nghĩ đến người khác, tranh giành hơn thua. Nên làm các điều phúc thiện, giúp người, bồi công tạo đức, sống lương thiện, có hiếu với cha mẹ “ba tiền một khứa cá buôi, cũng mua cho đặng mà nuôi mẹ già”, phụng dưỡng cha mẹ ông bà, tình nghĩa với anh em, họ hàng, làng xóm, giúp đỡ mọi người xung quanh. Sống với cái tâm chân thật, không giả dối, ngoài miệng một nơi trong lòng một ngả “khẩu tâm bất nhất”, luôn luôn sống với tâm ngay thẳng, lời nói, việc làm và cả ý nghĩ đều nhất quán. Đó là căn bản của lời Phật dạy, đồng thời cũng là nền tảng đạo đức của dân tộc mà cha ông ta đã đúc kết bao đời còn lưu truyền lại qua những câu Ca dao, tục ngữ.

Ngày nay, xã hội đang đối diện với sự suy đồi của đạo đức mà xuất phát chính nơi lòng tham con người, nhận thức sai lầm, lối sống hưởng thụ và đặt nặng vật chất. Từ chính những những nhận thức sai lầm dẫn đến một lối sống sai lầm và cuối cùng là chạy theo vật chất, con người dần biến thành nô lệ của đồng tiền và bất chấp tất cả để đạt được lợi ích kể cả đạo đức luân thường.

Đứng trên phương diện của nhân quả, nhân lành cho quả lành-nhân ác cho quả ác, thì rõ ràng cuộc sống của chúng ta đang rơi vào hố sâu nguy hiểm, bởi đa phần những cái mà chúng ta đang có đều do nơi mưu mô xảo quyệt mà thành. Vậy cái kết quả này sẽ ra sao? Rất bấp bênh và mong manh và đương nhiên một ngày không xa với cái kết quả được có trên cái nhân không hợp lý đó sẽ mất đi, con người lại càng điên cuồng hơn và ác độc hơn để mong muốn có lại kết quả.

“Người ác thấy là hiền, Khi ác chưa chín mùi, Khi ác nghiệp chín mùi, Người ác mới thấy ác. Người hiền thấy là ác, Khi thiện chưa chín mùi, Khi thiện nghiệp chín mùi, Người hiền thấy là thiện”[15].

Cùng điểm qua vài điều đáng sợ mà ngày hôm nay chúng ta đang phải đối mặt: Chiến tranh; ô nhiễm môi trường; tài nguyên cạn kiệt; phá rừng; bạo lực gia đình, học đường… Tất cả những điều này do đâu mà có? Phải chăng là lòng tham và sự ích kỷ của con người, mà bắt đầu từ sự nhận thức sai lầm trong đó có sự không hiểu biết về nhân quả. Chính vì lẽ đó, giáo dục nhân quả là một điều vô cùng quan trọng và cấp thiết cho con người hiện tại và tương lai. Vì chỉ khi hiểu được nhân quả con người ta mới có cuộc sống tốt đẹp hơn và cao hơn nữa là thiết lập một xã hội tươi đẹp.

Trước tiên, hiểu nhân quả cho chúng ta cái nhìn như thật về cuộc đời. Trong cuộc đời này có quá nhiều câu hỏi không có lời giải đáp như: Tại sao con người sinh ra có kẻ giàu người nghèo, kẻ xấu người đẹp, người thông minh kẻ đần độn, người cố gắng không thành công, người ăn không ngồi rồi lại được giàu sang phú quý, người chung thủy lại bị phản bội, kẻ dối lừa lại được thong dong…? Tất cả những điều ấy tưởng rằng như vô lý nhưng mọi thứ lại có sẵn một nguyên nhân sâu xa nào đó. Khi hiểu về nhân quả chúng ta sẽ an yên với những trái ngang xảy ra trong cuộc đời, nhẹ nhàng đón nhận nó thay vì oán than trách móc. Việc có thái độ đón nhận khác với thái độ “chịu trận” một cách thụ động và cam chịu. Đón nhận là một tâm thái thoải mái chủ động, sẵn sàng, không khước từ né tránh, từ đó những việc xảy ra trong cuộc đời chúng ta tất cả chỉ là những thử thách và phép thử trong một chuỗi các sự kiện xảy trong quá trình nỗ lực của mình.

Thứ hai, hiểu về nhân quả cho chúng ta một lối sống không ỉ lại và chờ đợi “Hãy nương tựa nơi chính mình, không nương tựa một ai khác”[16].

Kinh Pháp Cú cũng có dạy:

“Tự mình y chỉ mình, Nào có y chỉ khác, Nhờ khéo điều phục mình, Được y chỉ khó được”[17].

Khi ta hiểu về nhân quả ta hiểu rất rõ về những kết quả mà chúng ta sẽ đạt được từ những nhân duyên nào. Từ đó không ỉ lại, trông chờ vào một sự may rủi nào, tránh đi sự mê tín dị đoan vào thần thánh, thiết lập một cuộc sống hạnh phúc bằng chủ động, sáng suốt và tự tin vào bản thân mình: Muốn có một gia đình hạnh phúc trước hết phải chung thủy, biết vun vén gia đình, người chồng phải có bổn phận “Kính trọng vợ, không bất kính đối với vợ; trung thành với vợ; giao quyền hành cho vợ; sắm đồ nữ trang với vợ”[18], ngược lại người vợ cũng có bổn phận: “Thi hành tốt đẹp bổn phận của mình; khéo tiếp đón bà con; trung thành với chồng; khéo gìn giữ tài sản của chồng; khéo léo và nhanh nhẹn làm mọi công việc”[19]; Muốn thành công, của cải thì phải biết bố thí, làm các chương trình an sinh xã hội, công đức đó không chỉ hưởng ở cõi người mà phước cả chư thiên “Ai trồng vườn, trồng rừng/ Ai dựng xây cầu cống/ Đào giếng, cho nước uống/ Những ai cho nhà cử/ Những vị ấy ngày đêm/ Công đức luôn tăng trưởng/ Trú pháp, cụ túc giới/ Những vị ấy sinh thiên”[20] và hiểu biết về tiền bạc, phân bố tài sản “Tài sản cần chia bốn/ Để kết hợp bạn bè/ Một phần mình an hưởng/ Hai phần dành công việc/ Phần tư, phần để dành/ Phòng khó khăn hoạn nạn”[21], phải giữ chữ tín “Lòng tin là bước đầu vào đạo, là mẹ của của tất cả công đức. Lòng tin hay nuôi lớn các căn lành. Lòng tin hay tựu quả Bồ Đề của Phật”[22] hay “ở đời này lòng tin/ tối thắng cho con người”[23]; muốn có được một thân thể đẹp, khỏe mạnh thì phải biết chăm sóc, bảo vệ, ăn uống khoa học….

Ảnh St

Thứ ba, khi hiểu được nhân quả con người sẽ sống lương thiện. Đây là một điều quan trọng để thiết lập một cuộc đời hạnh phúc và bình yên, sở dĩ con người luôn sống trong bất ổn và lo lắng là vì con người luôn gạt gẫm nhau, tranh giành, dùng mọi chiêu trò để có thể đạt được mục đích bất chấp sự đau khổ của người khác. Chính vì điều đó, con người dần đề phòng nhau và khép kín lòng lại. Khi con người hiểu về nhân quả, mọi người đua nhau làm các điều phước thiện, ai ai cũng sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau, sẵn sàng san sẻ để vun bồi công đức… điển hình như khi làm kinh tế, khi hiểu rằng sự phát triển sum sê của cành lá lợi nhuận chính là do gốc rễ của phước báu, việc muốn cho cây ngày càng xanh tốt tự khắc họ sẽ chăm bón gốc rễ phước báu thật tốt thay vì chỉ chú trọng đến những lá cành. Từ đó mọi người sẽ thiết lập một cuộc đời đạo đức, làm ăn lương thiện và các lợi nhuận tạo ra trên nền tảng của công đức mà có được. Khi đồng tiền được tạo ra từ công đức và được đầu tư để có công đức thì đồng tiền đó có ý nghĩa và bền vững, đồng nghĩa với việc phát triển kinh tế bền vững.

KẾT LUẬN

Nhân quả là một chân lý của cuộc đời, công bằng và xuyên suốt không gian và thời gian. Không bao giờ thay đổi bởi một yếu tố khách quan nào dù bạn có tin hay không nó vẫn như vậy. Nguyên tắc của luật nhân quả chính là sự công bằng và sự công tâm đó cho ta một sự công bằng trong nỗ lực chuyển hóa mọi vấn đề trong cuộc sống.

Xã hội được thiết lập dựa trên ý chí của con người, nếu con người có xu hướng sống thiện thì xã hội sẽ được văn minh hơn, công bằng hơn, dân chủ hơn… ngược lại nó là địa ngục cho những người bị áp bức bóc lột bởi những con người tham lam, ác độc. Cuộc sống này ai cũng muốn tốt hơn về mọi mặt đó là một nhu cầu đúng đắn, nhưng chọn phương pháp để đạt được nó là một chuyện quan trọng để quyết định sự tồn vong không chỉ bản thân mà còn ảnh hưởng đến cộng đồng. Giáo dục nhân quả cho con người nói chung và dân tộc Việt Nam nói riêng là nhiệm vụ thiêng liêng và quan trọng, vì nó có tác động đến nhưng xu hướng mang tính toàn cầu và xã hội, tác động trực tiếp đến sự tồn vong trong tương lai thế giới.

Để làm được các công việc đó cần lắm những nhà lãnh đạo truyền đạt tư tưởng cho quốc hội, những người cầm quyền, những người vạch ra hoạch định phát triển đất nước hiểu về nhân quả, để cho đất nước được phồn vinh, yên bình không chiến tranh xung đột; cần lắm những nhà giáo trên bục giảng nhà trường hãy tùy vào độ tuổi, lớp, trường mà truyền đạt những bài học về nhân quả như một nền tảng đạo đức của một con người chân, thiện, mỹ để tiến bước vào đời đạt được những thành tựu lớn mai sau, có thể là hiếu thảo, bao dung, yêu thương, giúp đỡ, trung thực, hi sinh… nếu các em thấu hiểu và ăn sâu vào trong tiềm thức thì cuộc đời của các em, những công dân này sẽ là người tốt và xây dựng xã hội công bằng; cần lắm những người làm kinh tế hiểu về luật nhân quả để họ điều hành công ty không đi sai với quỹ đạo phát triển không bền vững, khi hiểu về nhân quả họ sẽ không bất chấp lợi nhuận mà làm những công việc phi pháp như phá rừng, buôn gian bán lận, không ép công nhân, không giảm lương bóc lột sức lao động…Và nếu như mọi người đều biết luật nhân quả thì xã hội này, thế giới này sẽ an bình và đáng sống biết bao.

Thích Nữ Huệ Đàm - Học viên Thạc sĩ Khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM

------------------------ CHÚ THÍCH [1] Phạm Quỳnh, Tục ngữ ca dao, tạp chí Nam phong, số 46, 21/4/1921, tr.256. [2] Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu, Nxb. Bộ giáo dục trung tâm học liệu, 1968, tr.12. [3] Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, Nxb.Văn học, HN, 2017, tr.31. [4] Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, Nxb.Văn học, HN, 2017, tr.30. [5] Phạm Quỳnh, Tục ngữ ca dao, tạp chí Nam phong, số 46, 21/4/1921,tr.254-255. [6] Phạm Quỳnh, Tục ngữ ca dao, tạp chí Nam phong, số 46, 21/4/1921,tr.255. [7] Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu, Nxb.Bộ giáo dục trung tâm học liệu, 1968, tr.10. [8] Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, Nxb.Văn học, HN, 2017, tr.29. [9] Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, Nxb.Văn học, HN, 2017, tr.36. [10] Lệ như Thích Trung Hậu sưu tập (2015), Ca dao tục ngữ Phật giáo Việt nam, Nxb Hồng Đức, HN, tr.395. Những câu ca dao tục ngữ sau này sẽ trích trong tác phẩm này. [11] ĐTKVN, Kinh Trung Bộ tập 2, kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt, Nxb.Tôn giáo, HN, 2012, tr.539-540. [12] Thích Minh Châu dịch, Kinh Pháp Cú số 165, phẩm Tự Ngã, Nxb.Hồng Đức, 2013, tr.63. [13] Thích Minh Châu dịch, Kinh Pháp Cú số 173, phẩm Thế Gian, Nxb.Hồng Đức, 2013, tr.65. [14] Thích Minh Châu dịch, kinh Pháp Cú số 183, phẩm Phật Đà, Nxb.Hồng Đức, 2013, tr.69. [15] Thích Minh Châu dịch, Kinh Pháp Cú số 119-120, phẩm Ác Hạnh, Nxb.Hồng Đức, 2013, tr.47. [16] ĐTKVN, Kinh Trung Bộ tập 1, phẩm Tự Mình Làm Hòn Đảo, Nxb.Tôn Giáo, HN, 2013, tr.673. [17] Thích Minh Châu dịch, Kinh Pháp Cú số 160, phẩm Tự Ngã, Nxb.Hồng Đức, 2013, tr.63. [18] https://www.budsas.org/uni/u-kinh-truongbo/truong31.htm . Truy cập ngày 21/3/2021. [19] https://www.budsas.org/uni/u-kinh-truongbo/truong31.htm . Truy cập ngày 21/3/2021. [20] ĐTKVN, Kinh Tương Ưng Bộ tập 1, chương 1: Tương ưng chư Thiên, phẩm Thiêu Cháy, Kinh Trồng Rừng, VNCPHVN, 1933, tr.75-76. [21] ĐTKVN, Kinh Trường Bộ tập 2, Kinh Giáo Tho Thi Ca La Viêt, VNCPHVN, 1991, tr.541. [22] https://phathocdoisong.com/long-tin-la-buoc-dau-vao-dao-me-cua-cong-duc-nuoi-lon-can-lanh.html. Truy cập ngày 21/3/2021. [23] ĐTKVN, Kinh Tiểu Bộ tập 1, Kinh Tập, Kinh Alavaka, Nxb.TPHCM, 1999, tr.523.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phạm Quỳnh, Tục ngữ ca dao, tạp chí Nam phong, số 46, 21/4/1921. 2. Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu, Nxb.Bộ giáo dục trung tâm học liệu, 1968. 3. Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, Nxb.Văn học, HN, 2017. 4. Lệ Như Thích Trung Hậu (sưu tập), Ca dao tục ngữ Phật giáo Việt Nam, Nxb.Hồng Đức, HN, 2015. 5. ĐTKVN, Kinh Trung Bộ tập 1, Nxb.Tôn giáo, HN, 2013. 6. ĐTKVN, Kinh Trung Bộ tập 2, Nxb.Tôn giáo, HN, 2012. 7. Thích Minh Châu dịch, Kinh Pháp Cú, Nxb Hồng Đức, HN, 2013. 8. ĐTKVN, Kinh Tương Ưng Bộ tập 1, VNCPHVN, 1933. 9. https://phathocdoisong.com/long-tin-la-buoc-dau-vao-dao-me-cua-cong-duc-nuoi-lon-can-lanh.html. Truy cập ngày 21/3/2021. 10. https://www.budsas.org/uni/u-kinh-truongbo/truong31.htm .Truy cập ngày 21/3/2021.