MỞ ĐẦU
Trong bối cảnh Phật giáo không còn chỗ đứng trong xã hội sau những năm dài suy đồi hủ bại, Phật giáo cần phải chấn hưng, đổi mới để bắt nhịp với sự vận động, đổi thay với thời thế. Với ba phương châm lớn “giáo chế, giáo lý và giáo sản”, Hòa thượng Khánh Hòa cùng với các đồng chí của mình như Hòa thượng Từ Phong, Hòa thượng Thiện Chiếu,… đã đẩy mạnh phong trào chấn hưng và đạt được những thành tựu nhất định, tạo tiền đề cho các phong trào chấn hưng Phật giáo trong cả nước và tinh thần dấn thân vì đạo về sau. Trong đó, phải kể đến sự góp sức không nhỏ của lực lượng chư Ni cả nước lúc bấy giờ. Và một trong những vị tiền bối Ni hoạt động mạnh mẽ nhất lịch sử Ni giới Việt Nam nói chung và Ni giới miền Nam nói riêng, chính là Sư trưởng Như Thanh, về sau được tôn vinh là ‘ngôi sao bắc đẩu’ trong hàng Ni giới Việt Nam.
Một cuộc đời vì đạo, vì tương lai cho hàng hậu hậu Ni lưu, vì những mảnh đời khó khăn trong cuộc sống, Sư trưởng đã mang từng con chữ đến với dân nghèo; mang từng bữa ăn, liều thuốc đến với những người khó khăn, đói kém; dựng xây những mái nhà, tạo công ăn việc làm, dạy nghề… để dựng xây một đời sống vui tươi hơn với những éo le, bi thương trong cuộc sống. Sư trưởng chính là một tấm gương sáng rực rỡ cho đạo, cho đời để học theo và ngưỡng mộ.
Là hàng hậu bối, lại là con cháu Ni lưu, việc nghiên cứu và học tập theo những lời dạy của Sư trưởng, kế thừa và phát huy những tâm huyết mà Sư trưởng đã dày công tạo dựng là một vinh dự và nhiệm vụ tối cần thiết. Chúng ta hãy kính cẩn nghiêng mình cùng nhìn lại thật kỹ hành trạng của Sư trưởng, để tự thấy hổ thẹn cho chính bản thân ta trong hiện tại, từ đó cố gắng nỗ lực để không phụ lòng Sư trưởng đã cống hiến cả cuộc đời cho Đạo pháp.
1. Tinh thần nhập thế trong đạo Phật
Trong cuộc đời đức Phật, không một phút giây nào Ngài không “nhập thế”. Kể từ khi thành đạo dưới cây bồ đề năm 30 tuổi (theo Phật giáo Nam truyền là 35 tuổi), hóa độ năm anh em Kiều Trần Như lần đầu tiên tại vườn Lộc Uyển, đến năm 80 tuổi tại Kushinagar trong khu rừng giữa hai cây Sa la, Ngài sắp nhập Niết bàn, vẫn hóa độ người đệ tử cuối cùng là Tu Bạt Đà La. Suốt 49 năm hoằng hóa (theo Phật giáo Nam truyền là 45 năm), hơn 300 hội thuyết pháp với hơn 3.000 bài kinh đã để lại, đi khắp các nước trong lưu vực sông Hằng để giáo hóa không ngừng nghỉ. Thời gian trong một ngày, đức Phật dành hết cho sự giáo hóa: Buổi sáng, Ngài khất thực gieo duyên, tạo phước cho chúng sinh; buổi trưa, Ngài thọ trai và chỉ giáo pháp cho Tăng chúng; buổi chiều, Ngài dành thời gian nói pháp cho phật tử; buổi khuya, Ngài dành cho sự thưa thỉnh từ chư Tăng; giữa đêm, Ngài nói pháp cho chư Thiên và chỉ dành vỏn vẹn một canh giờ cho việc nghỉ ngơi: “Canh cuối cùng trong đêm, từ hai giờ khuya đến sáu giờ sáng, được chia làm bốn phần. Trong phần đầu tiên, từ hai đến ba giờ, đức Phật đi kinh hành. Từ ba đến bốn giờ, Ngài nằm định thần, nghiêng về phía tay mặt. Từ bốn đến năm giờ, Ngài nhập Đại Bi Định (Mahā Karunā Samapatti), rải tâm từ khắp nơi và làm êm dịu tâm trí tất cả chúng sinh. Sau đó, Ngài quan sát thế gian bằng Phật nhãn, xem coi có thể tế độ ai.”[1] Qua đó, cho chúng ta thấy cuộc đời Ngài là một minh chứng cho một ‘Phật giáo nhập thế’ sinh động nhất.
Khi bắt đầu hình thành Tăng đoàn, đức Phật đã xác quyết chủ trương nhập thế bằng chính tuyên bố: “Này các Tỳ kheo, hãy du hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người. Chớ có đi hai người một chỗ.”[2] Từ đường hướng hành đạo như thế, trong cuộc đời thuyết pháp của Ngài, ngoài những bài pháp giúp các vị Tỳ kheo chứng thánh quả giải thoát, còn lại là những giáo pháp về đạo đức xã hội, kinh tế, chính trị, giáo dục… với những bài pháp cơ bản như kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt[3], kinh Ưu Bà Tắc[4].
Đặc biệt, tư tưởng đó về sau được chuyển hóa thành lý tưởng Bồ tát. Kết quả việc tu tập giải thoát chính là cái nhân đem lại lợi ích cho nhiều người, không luận là ai, tông phái nào, như Thiền tông Lục tổ Huệ Năng nói:
“Phật pháp tại thế gian
Bất ly thế gian giác
Ly thế mích Bồ đề
Kháp như cầu thố giác.”[5]
Còn ở Việt Nam, tinh thần đó được thể hiện qua “Nhậm vận tùy duyên của Thiền sư Vạn Hạnh, tinh thần ‘Hòa quang đồng trần’ của Tuệ Trung, tinh thần ‘Cư trần lạc đạo’ của Trần Nhân Tông trong thời đại Lý - Trần, tinh thần ‘Thiệt tế đại đạo’ của Thiền sư Liễu Quán thời Nguyễn, tinh thần ‘Cởi áo cà sa mặc chiến bào’ ở thời Pháp thuộc và gần đây nhất là tinh thần ‘Đạo Phật đi vào cuộc đời của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.”[6]
Qua đây, chúng ta có thể khẳng định “Phật giáo nhập thế” chẳng những xuất phát từ thời Phật mà chính Đức Phật là người đầu tiên thực hiện điều này. Điều đó được hiểu chính là sự dấn thân phụng sự, mang chân lý đạo đức vào cuộc đời, bằng mọi phương tiện nào đó xóa đi nỗi khổ niềm đau cho kiếp nhân sinh. Thiền sư Nhất Hạnh đã khái quát “Những nguyên lý của đạo Phật vào cuộc sống, thể hiện bằng những phương thức phù hợp với thực trạng của cuộc đời để cải biến cuộc đời theo chiều hướng thiện mỹ.”[7]
Ni trưởng chụp ảnh lưu niệm trước Phật học viện Từ Nghiêm
2. Cuộc đời và đạo nghiệp Sư trưởng Như Thanh
Sư trưởng Như Thanh thế danh là Nguyễn Thị Thao (1911 - 1999), sinh ra và lớn lên tại Gia Định (nay là Tp.Thủ Đức). Thân phụ là Tri huyện Nguyễn Minh Giác, nhà Nho - Y nổi tiếng đương thời, cũng là nhà nghiên cứu Phật học uyên thâm. Thân mẫu là Đỗ Thị Gần, một hiền nội mẫu mực đảm đang, một người thâm tín Phật pháp… Thiếu thời, Sư trưởng học vỡ lòng bằng chữ Hán, sau học văn hóa theo chương trình Pháp. Tuy nhiên, do không ưa chuộng Tây học, nên Sư trưởng trở về gia đình, học Hán văn và giáo lý đạo Phật do thân phụ truyền dạy[8].
Hạt giống Bồ đề trong Sư trưởng đã âm thầm phát triển ngay từ nhỏ. Đến năm 22 tuổi, Sư trưởng xin xuất gia đầu Phật với Tổ Pháp Ấn (Chùa Phước Tường, Quận 9, Tp.HCM), pháp danh là Hồng Ẩn, nối dòng Lâm Tế Gia Phổ. Với sự mong muốn thông hiểu giáo nghĩa uyên thâm của Đại thừa, Sư trưởng đã quyết tâm đi tham cầu học đạo với các bậc danh Tăng, danh Ni trên cả ba miền đất nước. Năm 23 tuổi (1933), Sư trưởng tham gia lớp học gia giáo tại Chùa Viên Giác (Bến Tre), Chùa Thiên Bửu (Bình Dương). Sau đó, Sư trưởng quyết tâm ra Huế tham vấn Phật pháp với Hòa thượng Mật Hiển qua các bộ kinh: Lăng Nghiêm Trực Chỉ, Bát Nhã,… Tiếp đó, Sư trưởng vân du ra Bắc, học luật với Chư tôn đức tại chùa Trấn Quốc, chùa Bằng Sở. Năm 1941, trên đường về Nam, Sư trưởng đến chùa Thập Tháp Di Đà (Bình Định) cầu học với Quốc sư Phước Huệ qua bộ kinh Lăng Già Tâm Ấn[9].
Khi trở về Nam, Sư trưởng mở lớp luật dạy cho chư Ni tại Chùa Hội Sơn (1942), được mời làm Thiền chủ và giảng dạy giáo lý cho chư Ni tại Trường hạ Chùa Kim Sơn (Q.Phú Nhuận, Tp.HCM). Năm 1944, Sư trưởng được thỉnh làm Giới sư và đăng đàn thuyết pháp ở Đại giới đàn Ni tại Chùa Bình Quang (Phan Thiết). Tại Chùa Hội Sơn, Sư trưởng đã khai Trường hạ và dạy bộ Luật Tứ phần Tỳ kheo ni lược ký cho các giới tử. Khi bước vào con đường hoằng pháp, Sư trưởng đã khẳng định rằng: “Dù đời hay đạo, công việc giáo dục vẫn là sự nghiệp căn bản và thiết yếu trong vấn đề đào tạo con người, là nền mống vững chắc xây dựng xã hội, Đạo pháp tốt đẹp mai sau”[10]. Sư trưởng đã bắt tay vào công cuộc giáo dục bằng cách vận động Chư tôn đức Ni thuộc Ni bộ Bắc tông cùng nhau thành lập các cơ sở Phật học như: Phật học Ni viện Huê Lâm, Dược Sư, Từ Nghiêm, Diệu Quang, Diệu Đức, và các Ni viện như Hoa Quang, Từ Thuyền, Ưu Đàm, nhằm đào tạo Ni sinh qua các lớp Sơ đẳng, Trung đẳng chuyên về nội điển lẫn ngoại điển và Cao đẳng chuyên khoa[11].
Ngoài ra, Sư trưởng đã trước tác soạn thuật, dịch phẩm, thi phẩm để lại cho hàng hậu thế: “Sư trưởng đã trước tác và soạn thuật 13 tác phẩm, 06 dịch phẩm, 06 thi phẩm và chủ biên 02 tạp chí: Nhân Cách và Hoa Đàm”[12]. Bên cạnh đó, Người đã tu sửa và thành lập các tự viện cho Ni chúng tu học, tạo điều kiện và mở các cơ sở tự túc cho Ni chúng. Không chỉ lo lắng cho Ni chúng tu học, Sư trưởng còn tổ chức các hoạt động từ thiện xã hội giúp cho trẻ em và người nghèo như: mở trường văn hóa, phòng thuốc, mở các lớp huấn nghệ…
Trải qua 60 năm, Sư trưởng đã tận tụy vì Đạo pháp và dân tộc. Cho đến cuối đời, Sư trưởng vẫn còn bao tâm nguyện chưa hoàn tất, nhưng Sư trưởng đã an ủi hàng đệ tử rằng: “Các con yên tâm. Thầy sẽ trở lại để tiếp tục chí nguyện. Thầy sẽ hoằng dương Thiền tông, sẽ dựng lập đạo tràng, Thiền viện cho Tăng Ni, tạo lập Cư Sĩ Lâm cho cư sĩ phật tử, mở mang Chính pháp tối thượng”[13].
Qua cuộc đời và sự nghiệp của Sư trưởng Như Thanh, chúng ta thấy được rằng Sư trưởng đã cống hiến những tâm huyết bằng tất cả tâm từ bi, khiêm cung dành cho Đạo pháp và Dân tộc. Dù đến cuối đời, khi quảy dép về Tây, Sư trưởng vẫn canh cánh trong lòng khi tâm nguyện chưa viên mãn. Là hàng đệ tử, chúng ta hãy noi gương tiếp nối và kế thừa, phát huy những di sản của Sư trưởng để lại hằng mong báo đền thâm ân, không chỉ vậy chúng ta phải tận tâm tận lực đưa Ni giới phát triển càng mạnh hơn để chứng tỏ được những đóng góp của Ni giới cho Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo thế giới nói chung.
3. Đường lối và tư tưởng nhập thế của Sư trưởng Như Thanh
Cái gốc của sự nhập thế chính là lòng từ bi, vì không đành để cho chúng sinh phải chịu đau khổ mà mình an nhiên giải thoát nên mới dấn thân phụng sự, lăn xả vào cuộc đời tìm phương pháp để hướng dẫn.
Sống vì đạo có phải là nhập thế không? Nhìn ở khía cạnh rộng hơn, ta sẽ thấy đạo với đời thực tế nào có hai. Một gốc cây lớn, tàn của nó tỏa rộng một vùng, vốn dĩ nó không nghĩ sẽ che mát cho ai, nhưng vào những buổi trưa hè oi bức, ai đến ngồi dưới tán cây cũng đều được mát mẻ, đó là vì cành và lá có công năng che mát. Đời sống đạo hạnh của Sư trưởng cũng vậy, có công năng xoa dịu và mát lành với những người được ở gần và tiếp xúc. Chính vì thế, tu tập, xây chùa, độ Ni, giáo dục… là nền tảng, cái gốc của sự nhập thế. Cũng như Thiền sư Nhất Hạnh, mặc dù chủ trương đạo Phật đi vào cuộc đời, nhưng những việc như từ thiện… Ngài rất ít đề cập mà thay vào đó là việc giáo hóa con người thông qua Thiền tập. Huống chi ngoài những việc vun bồi cái gốc, Sư trưởng còn chính là nhành lá trực tiếp che mát cuộc đời.
Đường lối và tinh thần nhập thế của Sư trưởng vừa trực tiếp vừa gián tiếp, vừa gốc lại vừa ngọn cả thảy đều rất trọn vẹn. Từ đó, chúng ta nhìn thấy được cả cuộc đời của Sư trưởng là một hành trình dấn thân phụng sự nhập thế ban vui.
3.1 Đào tạo thế hệ phụng sự tiếp nốiTrước hết phải nói đến tinh thần giáo dục, có thể nói rằng Sư trưởng đã dành cả cuộc đời cho phương châm ‘Duy tuệ thị nghiệp’ cả hai phương diện bản thân và phương diện giáo dục: Ngay từ những năm đầu xuất gia Sư trưởng đã tham học khắp nơi với các bậc danh đức từ Nam ra Bắc “Năm 1933 Sư trưởng tham gia lớp gia giáo tại chùa Viên Giác (Bến Tre), chùa Thiên Bửu (Bình Dương). Sau đó, Sư trưởng quyết tâm ta Huế tham học Phật pháp với Hòa thượng Mật Hiển qua các bộ kinh Lăng-nghiêm Trực Chỉ, Bát-nhã,… Tiếp đó, Sư trưởng vân du ra Bắc, học Luật với chư tôn đức tại chùa Trấn Quốc, chùa Bằng Sở. Năm 1941, trên đường về Nam, Sư trưởng đến chùa Thập Tháp Di Đà (Bình Định) cầu học với quốc sư Phước Huệ- bậc danh Tăng, nhà giáo dục Phật giáo xuất sắc đương thời qua bộ Kinh Lăng Già Tâm Ấn”[14]; Sau khi trở về Nam sau những năm tham học, Sư trưởng đã bắt đầu cuộc đời dấn thân cho đạo pháp, đào tạo Ni tài bằng hàng loạt các Ni trường “Phật học Ni viện Huê Lâm, Phật học Ni viện Dược Sư, Phật học Ni viện Từ Nghiêm, Phật học Ni viện Diệu Quang, Phật học Ni viện Diệu Đức, Hoa Quang Ni viện, Từ Thuyền Ni viện,Ưu Đàm Ni viện. Các Phật học Ni viện hằng năm đào tạo được hàng ngàn Ni sinh qua các lớp sơ đẳng Phật học, trung đẳng chuyên khoa về nội điển lẫn ngoại điển và cao đẳng Phật học chuyên khoa”[15].
Ngoài việc thành lập các hệ thống gaió dục quy mô ra, Sư trưởng còn là một giảng sư nhiệt tâm có đầy nội lực và hùng biện, với những lần Đại giới đàn hay An cư kiết hạ, Sư trưởng đều đăng đàn thuyết giảng truyền trao Phật pháp cho đàn hậu tấn. Thật đúng như những gì Sư trưởng đã tâm niệm: “Phật pháp hoằng khai đều do sứ mạng Tăng Ni đảm trách. Do đó, Tăng Ni đều phải nghiêm trì Giới luật, phát triển đạo tâm cho quần chúng. Ni sớm cần nhận thức nhiệm vụ, góp phần công đức, tô bồi nền tảng Phật pháp, mong sao đền đáp công ơn sâu dày của Đức Thế Tôn và phát triển năng lực tự hành hóa tha, hoàn thành sứ mạng phụng sự Đạo pháp”[16].
Có thể nói, Sư trưởng đã nhận thức một cách trọn vẹn những giá trị của giáo pháp, tầm quan trọng của việc học và nghiên tầm giáo điển “Dù đời hay đạo, công việc giáo dục vẫn là sự nghiệp căn bản và thiết yếu trong vấn đề đào tạo con người, là nền móng vững chắc xây dựng xã hội, Đạo pháp tốt đẹp mai sau”[17], đồng thời việc tu tập, áp dụng những lời Phật dạy vào trong sự nghiệp tu hành và truyền bá Phật pháp“Giới học là giềng mối của người Phật tử; Định học là phép tắc điều phục tâm trí; Tuệ học là năng lực bạt trừ nghiệp chướng si ái.”[18] Để từ đó dành cả cuộc đời của mình cho việc hành trì, lấy thân mình làm bài pháp sinh động và thuyết phục nhất, đồng thời làm tấm gương cho đàn hậu tấn mai sau. Bên cạnh đó, giáo dục Phật học là đào tạo ra những con người hết lòng vì đạo, vì đời. Chính thế hệ này là những cánh tay nối dài trong công cuộc hoằng pháp, là những chồi non, hạt giống sẽ sinh trưởng và lưu giữ những tinh thần và tâm huyết của Sư trưởng.
Một trong những điều chúng ta ngày nay cần học hỏi nơi Sư trưởng Như Thanh chính là tầm nhìn về đào tạo, Sư trưởng có mục đích và đường hướng rõ ràng, đó là đạo tạo để phụng sự, để cống hiến, không phải đào tạo chỉ để đào tạo, “Chúng ta chấm đúng theo trình độ của mỗi người và tùy theo khả năng, chúng ta sẽ sắp xếp cho họ mỗi người làm một việc, người nào cũng có việc làm cả. Dụng nhơn như dụng mộc mà…”[19] hay: “Vị Ni nào có khả năng diễn giảng thì diễn giảng, vị Ni nào có khả năng về từ thiện xã hội thì làm từ thiện xã hội.”[20] Và trong sự nghiệp đào tạo đó, Sư trưởng dường như thấy rõ những mặt nào cần để đào tạo, để từ đó tạo ra được nguồn nhân lực dồi dào đủ để phát triển trong một thời gian nhất định như vậy. Thật đúng như lời nhận xét của Hòa thượng Đổng Minh: “Kỳ túc Thích Nữ Như Thanh không những là một nữ tướng như cụ Tuần Vũ Lê Văn Định đã nói, mà là một dũng tướng. Ni trưởng đã chỉ huy một mặt trận đầy đủ chiến thuật, chiến lược”[21].
Một trong những công trạng lớn nhất của Sư trưởng chính là cuộc vận động thành lập Ni bộ Nam Việt về sau là Ni bộ Bắc tông và là tiền đề để ngày hôm nay chúng ta có đủ nhị bộ Tăng già. Sự nỗ lực này đánh dấu một mốc son quan trọng trong những năm dài chư Ni không được sự công nhận “Một phần vì sự xuất hiện ít ỏi, hiếm hoi của chư Ni, một phần vì những tàn dư từ định kiến của xã hội còn mang nặng dấu ấn văn hóa Nho giáo.”[22] Kể từ giây phúc này, Ni giới được nhìn với một ánh mắt khác và như lời ca ngợi của Hòa thượng Thiện Hòa bấy giờ là Trưởng ban Trị sự Giáo hội Tăng già Nam Việt trong lời giới thiệu tập Kỷ yếu Đại hội ngày 12 tháng 02 năm 1957: “Người ta thường tưởng rằng Ni lưu chỉ có khả năng tự tu, chứ không có những khả năng đảm đang những Phật sự lớn lao làm vẻ vang cho Phật pháp. Nhưng trái lại, ngày nay người ta đã thấy Ni lưu có ý chí mạnh mẽ kiên quyết, đứng ra lãnh lấy nhiệm vụ cùng với chư Tăng chia sớt gánh nặng lo đào tạo Ni tài để duy trì gia phong từ phụ. Thật là một điểm son đáng ghi trong lịch sử Phật giáo Việt Nam”[23].
Nhờ việc thành lập được Ni bộ Nam Việt, tiếng nói của Ni giới được thống nhất. Từ đó, các công việc Phật sự đã trở nên động bộ, nhất quán và mạnh mẽ, các công tác Phật sự như: Đào tạo Ni tài, mở trường, xây chùa, các công việc phúc lợi xã hội,… được phát triển nhanh chóng, tạo được những thiện cảm, ánh nhìn tôn trọng và gần gũi trong quần chúng xã hội. Cũng từ đó đóng góp một phần không nhỏ trong việc đẩy Phật giáo lên một tầm cao mới, có chỗ đứng vững chắc trong xã hội, trở thành chỗ dựa tinh thần, một tôn giáo đáng tin cậy trong lòng dân tộc, qua đó tiếng nói Phật giáo cũng được nâng tầm giá trị.
Hay những trước tác soạn thuật của Sư trưởng cũng đều vì mục đích lợi đạo ích đời, như những phương tiện để truyền tải đạo lý sống đời vui đạo. Có thể nói một kho tàng đồ sộ.“Trước tác soạn thuật: Lược sử Đức Phật Thích Ca, Lược sử Kiều Đàm Di Mẫu, Nghi thức tụng niệm, Nghi thức nghiệm hương, Oai nghi người xuất gia, Nghi thức phóng sinh, Cẩm nang cho người Phật tử, Giới đức kiêm ưu, Hành Bồ tát đạo, Bát nhã cương yếu, Duy thức học, Phật pháp giáo lý. Dịch phẩm: 24 bài kệ Bát-nhã, Thiền tông và Tịnh độ tông, Thiền tông cương yếu, Gương Tăng sĩ hiện đại, Tinh thần tu dưỡng (thơ), Hương thiền hộ quốc, Làm cách nào để hoằng dương Phật pháp. Thi phẩm: Hoa thiền (40 bài), Hoa đạo (140 bài), Hoa đạo hạnh (15 bài), Hoa Bát Nhã (27 bài), Hoa chính giác (25 bài), Hoa thanh hương (27 bài), Thơ Ngụ ngôn (Ngụ ngôn 6 bài, Nhàn đàm 29 bài, Nhàn ngâm 21 bài), Thơ chữ Hán (27 bài), Phẩm chất người con Phật, Nếu còn (10 bài), Con ơi (10 bài), Người con Phật (10 bài), Ngày về Phật”[24].
Qua đó, chúng ta thấy được rõ về Sư trưởng kiêm ưu về tài đức, với nhiều các Phật sự lớn lao và đa diện.
3.2 Từ thiện xã hội
Nếu như những công việc như mở trường, độ Ni… là cái gốc của cả quá trình lâu dài cho một hành trình dấn thân phụng sự, thì các công việc trực tiếp từ từ thiện an sinh xã hội cũng được Sư trưởng đẩy mạnh phát triển vượt bậc. Nói về công tác an sinh xã hội, có thể nói, Sư trưởng đã có những bước tiến khá xa với thời đại nếu không nói là tiên phong, đột phá trong công tác từ thiện. Những công việc mà Sư trưởng đã làm cách đây hơn mấy mươi năm, giờ đây chúng ta thậm chí đã đánh mất vì không làm bằng như thế.
Trong công tác từ thiện có vô vàn những điều mà Sư trưởng Như Thanh đã làm, có ba điều mang tính đột phá vượt bậc: Một là mở trường dạy văn hóa; hai là mở lớp huấn nghệ và ba là mở phòng thuốc khám chữa bệnh miễn phí.
Về việc mở trường văn hóa dạy học, trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ còn nhiều khó khăn, cơm ăn áo mặc còn phải lo từng bữa. Việc cho con em đến trường là bất khả thi đối với những gia đình khó khăn. Sư trưởng bắt đầu từ “năm 1952, mở trường Tiểu học Từ Đàm tại Chùa Huê Lâm I (200 học sinh). Năm 1967, trường Trung Tiểu học Kiều Đàm, gồm 14 lớp học, dạy từ Mẫu giáo đến lớp 9, khoảng 800 học sinh( trường này từ trường Tiểu học Kiều Đàm mở rộng). Năm 1967, mở trường Mẫu giáo Kiều Đàm tại Gò Vấp. Năm 1970, mở Ký nhi viện Kiều Đàm ở Chùa Huê Lâm I và trường Kiều Đàm ở Vũng Tàu. Năm 1971, mở Ký nhi viện lẻ Vũng Tàu”[25]. Việc mở trường, xét về mặt chiến lược lâu dài, là một trong những công việc cực kỳ quan trọng trong việc phát triển Phật giáo bền vững. Sau một thời gian tồn tại,ngày nay, chúng ta dường như đã không còn mô hình này. Đây là một điều hết sức đáng tiếc.
Mở trường dạy học là một phương pháp tiếp cận cũng như truyền bá tư tưởng hiệu quả nhất trong các mô hình truyền bá Chính pháp. Bởi vì ở đó, người học là những mầm non của sự tiếp nối, cùng độ tuổi, cùng một sự nhận thức, đồng đều về tâm tư, tình cảm Họ là những người kế thừa Đạo pháp và dựng xây xã hội, tạo dựng một cuộc sống trong tương lai.
Phương diện thứ hai chính là mở lớp huấn nghệ. Từ “năm 1966, mở lớp dạy đan len miễn phí tại Chùa Huê Lâm I. Năm 1968, mở lớp may miễn phí tại Chùa Huê Lâm I”[26]. Nếu như mở trường dạy học là dạy cho mọi người con chữ, đạo đức để bước ra đời biết được cách sống và suy nghĩ, thì dạy nghề chính là trực tiếp dạy con người đi tìm miếng cơm, manh áo. Mở trường dạy nghề trước hết là giúp đỡ những người khó khăn, thất nghiệp, không có công ăn việc làm ổn định. Từ cái nghề được học này, họ có thể tự có được công việc mưu sinh hoặc xin vào các nơi cần những người thợ có tay nghề. Bên cạnh đó, việc tạo ra một nơi miễn phí đào tạo như vậy là một nguồn động lực an ủi lớn cho những tâm hồn, mảnh đời bất hạnh trong cuộc đời, động viên họ, giúp họ vượt qua những khó khăn, đau khổ trong cuộc sống. Đây cũng chính là đường lối nhập thế của Sư trưởng.
“Phẩm hạnh cao quý của Tăng già là do công phu tu dưỡng gồm đủ sự lý Đối với tất cả chúng sinh, tìm đủ các phương tiện làm lợi ích cho mọi người, như khát thì cho uống nước, đói cho cơm ăn, bệnh cho thuốc uống, lạnh áo mặc, gặp sợ sệt giúp đỡ an ủi hết sợ sệt, thiếu trí tuệ giúp đỡ mong cho tâm trí trở nên sáng suốt”[27].
Nhận định rõ ràng, chú trọng đến những vấn đề thực tiễn, không câu nệ hình thức,… là những đức tính đặc biệt mà chúng ta cần lưu tâm và học hỏi. Làm công tác thiện nguyện chính là giúp cái họ cần chứ không phải cho cái chúng ta có. Đồng thời, việc mở trường hay dạy nghề chính là cho họ cái ‘cần câu’ thay vì cứ mãi cho con cá. Đây là một phương pháp thiện nguyện mang tính lâu dài và có kết quả thiết thực.
Phương diện thứ ba chính là mở phòng thuốc: “Năm 1961, mở phòng thuốc Nam miễn phí, mỗi tháng điều trị khoảng 600 bệnh nhân. Năm 1966, mở phòng thuốc Tây miễn phí, mỗi tháng điều trị khoảng 600 bệnh nhân. Năm 1975, mở phòng châm cứu miễn phí, mỗi tháng có 300 bệnh nhân điều trị”[28]. Về phương diện này, chúng ta thấy được tầm vóc và tư duy làm đạo của Sư trưởng, luôn làm các công việc thiện nguyện mang tính lâu dài và thực tiễn. Thay vì chỉ phát thuốc định kỳ hay đi khám chữa bệnh cho dân ở các vùng mỗi năm vài đợt…, thì Sư trưởng mở hẳn một nơi cố định để khám và chữa bệnh tập trung.
Bệnh tật là vấn đề muôn thuở. Việc tiếp cận bằng phương diện này trong công việc hoằng pháp cực kỳ hiệu quả. Chúng ta cần nhận chân được rằng đa phần người dân ban đầu đến với đạo đều do niềm tin, cầu mong và cảm tình. Hơn nữa, phần đông dân chúng thời đó là những người bình dân, quanh năm chỉ lo cái ăn cái mặc, dư chút thời gian rảnh mới đến cửa Phật để tìm một chút ‘an tâm’, mấy ai quan tâm đến Niết bàn hay giải thoát. Cho nên, nếu bỏ qua, hoặc làm các phương diện này một cách hời hợt thì ắt hẳn đạo sẽ dần mất đi số lượng lớn tín đồ Phật tử.
3.3 Kế thừa và phát huy tinh thần nhập thế của Sư trưởng Như Thanh
Sư trưởng đã nhận định: “Đã là Phật tử, không kể tại gia hay xuất gia, ai cũng có bổn phận tu học và phụng sự Đạo pháp theo khả năng và hoàn cảnh của mình. Người biết tự lợi, lợi tha là khéo tu phước huệ thì có đủ tư lương và thuận lợi trên đường giải thoát.”[29] Chúng ta ngày nay đang vô cùng thuận lợi trong một bối cảnh đất nước hòa bình, xã hội ổn định và văn minh hơn so với các thế hệ trước. Ngày nay, Phật giáo đã phục hồi và đang trên đà phát triển sau những nỗ lực chấn hưng và từ những năm 1930. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa Phật giáo đã hoàn toàn đi vào quỹ đạo phát triển ổn định, mà bên cạnh đó cũng còn vô vàn những vấn đề cần khắc phục
Việc kế thừa tinh thần nhập thế của Sư trưởng chính là kế thừa những tinh hoa và đạo nghiệp qua cuộc đời Sư trưởng, chính là đào tạo nhân tài và làm các việc thiện nguyện mang tính tổ chức. Trước nhất là xác định được khả năng của mình để làm các công việc mang tính chuyên nghiệp, mang tính chuyên môn và phù hợp sở trường của mình, để đạt được kết quả tốt nhất. Sau đó là mang tính tổng thể và toàn diện như Sư trưởng đã làm: “Sư trưởng đã tận lực đóng góp công sức cho Phật giáo nói chung, Ni giới nói riêng về nhiều lĩnh vực văn hóa, giáo dục, phiên dịch Kinh điển, sáng trước tác…”[30]
Việc đào tạo nhân tài và sử dụng nhân tài là một chiến lược mà ngày nay chúng ta đã không mấy chú trọng. Chúng ta chỉ đào tạo mà không để ý đến phải sử dụng như thế nào, khiến cho thế hệ tăng, ni trẻ không có định hướng rõ ràng và không tạo được động lực nhất định cho tăng, ni trẻ. Thiết nghĩ, việc xác lập lý tưởng cho tăng, ni là chuyện của cá nhân mỗi người. Tuy nhiên, đối với những người lãnh đạo, những người đào tạo, những người đi trước và có kinh nghiệm, có tầm nhìn…, việc định hướng cho thế hệ trẻ là việc cần thiết và dễ dàng hơn.
Ngày nay, hệ thống giáo dục quốc gia đã có phân khoa Phật học, một dấu hiệu khả quan cho sự định hướng. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp, mỗi tăng, ni cũng chỉ hiểu biết về nghiên cứu tự thân, liệu có một tổ chức Phật giáo nào quan tâm đến và sử dụng. Phải chăng chúng ta đã chỉ dừng lại ở ‘ý tưởng’ mà không đi vào thực tiễn?
Chúng ta cần tìm hiểu, nghiên cứu cuộc đời của Sư trưởng và học tập theo để tu đạo, hành đạo đúng đắn và tư duy nhập thế, tầm nhìn chiến lược và lâu dài để góp phần làm cho Phật giáo phát triển bền vững “Công hạnh của Sư trưởng quả xứng đáng để đúc kết thành những di sản văn hóa không chỉ bởi sự có mặt của những Tổ đình phạm vũ uy nghi, những tuyệt tác bất hủ, những dịch phẩm để đời, hay những phong trào xây dựng xã hội… Di sản của Sư trưởng là một di sản sống đang tiếp tục rộ nở trong những đứa con đang nói theo nhịp thở của Sư trưởng”[31].
KẾT LUẬN
Tìm hiểu về cuộc đời Sư trưởng Như Thanh là một hành trình tìm về nguồn cội, công cuộc khai phá những giá trị thâm sâu để mang ra ứng dụng thực tế. Cuộc đời của Sư trưởng Như Thanh là một thiên hùng ca vang dội không chỉ của riêng Ni giới mà của cả Phật giáo nước nhà, chúng ta có quyền tự hào về Sư trưởng qua những thành tựu to lớn ấy.
Học ở Sư trưởng chính là học ở cái đức hạnh của người và tầm nhìn về cách hành đạo. Nếu chúng ta ngày nay kế thừa được những thành tựu, đồng thời phát triển nó lên tầm quy mô, được như thế, chúng ta đã đền ơn Sư trưởng. Đoàn kết Tăng già, xây dựng đội ngũ lãnh đạo và hoằng pháp, lập các trụ sở, cơ sở từ thiện mang tính thống nhất trong Giáo hội, các phòng thuốc, các Cô nhi viện, các trường dạy nghề, dạy chữ…
Mong rằng, mỗi cá nhân chúng ta nỗ lực thêm nữa, nỗ lực không ngừng để hoàn thiện chính mình và đem sự an lạc tự thân chiêm nghiệm ban rải đến mọi người, đem Chính pháp thiêng liêng sáng soi cho nhân thế.
Thích Nữ Huệ Đàm - Thạc sĩ Khóa III Học viện PGVN tại Tp.HCM
---------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- TS. Như Nguyệt (Chủ biên), (2019), Di sản Sư trưởng Như Thanh: Kế thừa - phát triển Ni giới Việt Nam, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
- Tổ đình Huê Lâm (1999), Sư trưởng Như Thanh: Cuộc đời và sự nghiệp, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.
- Sư trưởng Như Thanh (1972), Giới đức kiêm ưu, tư liệu lưu trữ tại Tổ đình Huê Lâm.
- Thích Nữ Như Nguyệt, “Bhiksuni Như Thanh: A Polar Star among Vietnamese Nuns”, in trong Karma Lekshe Tsomo (2014), Eminent Buddhist Women, Nxb. Suny, Hoa Kỳ.
- Tuệ Sĩ dịch và hiệu chú, (2013), Trung A-hàm III, Nxb. Phương Đông, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Thích Minh Châu dịch (1991), Tương Ưng I, VNCPHVN, Thàn phố Hồ Chí Minh.
- Thích Minh Châu dịch (2016), Trường Bộ II, Nxb. Tôn giáo, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Thích Nhất Hạnh (1964), Đạo Phật đi vào cuộc đời, Sài Gòn, Nxb. Lá Bối.
- Thích Thiện Hoa dịch (1993), Kinh Pháp Bảo Đàn, Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh.
- Thích Nhật Từ (Chủ biên), (2020), Phật giáo các tỉnh và thành phố tại vùng Nam Bộ, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
- Thích Nhật Từ (Chủ biên), (2020), Phật giáo vùng Nam Bộ trong thế kỷ XX, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
- https://giacngo.vn/tieu-su-su-truong-nhu-thanh-1911-1999-post2494.html. Truy cập ngày 27/3/2021.
- https://giacngo.vn/ty-kheo-ni-nhu-thanh-ngoi-sao-bac-dau-cua-ni-gioi-viet-nam-post7133.html. Truy cập ngày 25/3/2021.
- https://phatgiao.org.vn/mot-ngay-cua-duc-phat-d40214.html. Truy cập ngày 23/3/2021.
[1] https://phatgiao.org.vn/mot-ngay-cua-duc-phat-d40214.html. Truy cập ngày 23/3/2021.
[2] Thích Minh Châu dịch (1991), Tương Ưng I, Thiên Có Kệ, Chương IV. Tương Ưng Ác Ma, Phẩm Thứ Nhất, VNCPHVN, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 235.
[3] HT. Thích Minh Châu, (2016), Trường Bộ II, Kinh Giáo thọ Ca-thi-la-việt, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội.
[4] Tuệ Sĩ dịch (2013), Trung A Hàm III, Ưu-bà-tắc kinh, Nxb. Phương Đông, Thành phố Hồ Chí Minh.
[5] Thích Thiện Hoa dịch (1993), Kinh Pháp Bảo Đàn, Kệ Vô Tướng, Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh.
[6] NCS.TS. Phạm Hoài Phong (2020), “Phật giáo nhập thế ở Nam Bộ Việt Nam giá trị và thách thức” trong Phật giáo vùng Nam Bộ trong thế kỷ XX, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 195.
[7] Thích Nhất Hạnh (1964), Đạo Phật đi vào cuộc đời, Nxb. Lá Bối, Sài Gòn, tr. 4.
[8] Tổ đình Huê Lâm (1999), Sư trưởng Như Thanh: Cuộc đời và đạo nghiệp, Nxb.Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 9.
[9] Tổ đình Huê Lâm (1999), Sđd, tr. 9 - 10.
[10] Tài liệu lưu trữ tại Tổ đình Huê Lâm.
[11] Tổ đình Huê Lâm (1999), Sư trưởng Như Thanh: Cuộc đời và đạo nghiệp, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 170.
[12] NS.TS. Thích Nữ Như Nguyệt (2019), “Sư trưởng Như Thanh ảnh hưởng đến chư Ni thế hệ hậu học”, in trong Di sản Sư trưởng Như Thanh: Kế thừa - phát triển Ni giới Việt Nam, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 249.
[13] https://giacngo.vn/ty-kheo-ni-nhu-thanh-ngoi-sao-bac-dau-cua-ni-gioi-viet-nam-post7133.html. Truy cập ngày 25/3/2021.
[14] HT.TS.Thích Tấn Đạt, “Sư trưởng Như Thanh với sự nghiệp hoằng pháp của Ni giới”, in trong NS.TS. Như Nguyệt (Chủ biển), (2019), Di sản Sư trưởng Như Thanh: Kế thừa - phát triển Ni giới Việt Nam, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 21.
[15] SC.ThS. Thích Niệm Huệ, “Nhân cách văn hóa của Sư trưởng Như Thanh”, in trong NS.ST. Như Nguyệt (Chủ biên) (2019), Di sản Sư trưởng Như Thanh: Kế thừa - phát triển Ni giới Việt Nam, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 43.
[16] Tư liệu lưu trữ tại Tổ đình Huê Lâm.
[17] Tư liệu lưu trữ tại Tổ đình Huê Lâm.
[18] Sư trưởng Như Thanh (1972), Giới đức kiêm ưu, Tư liệu lưu trữ tại Tổ đình Huê Lâm, tr. 42.
[19] Tổ đình Huê Lâm (1999), Sư trưởng Như Thanh: Cuộc đời và sự nghiệp, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 124.
[20] Thích nữ Như Nguyệt, “Bhiksuni Như Thanh: A Polar Star among Vietnamese Nuns”, in trong Karma Lekshe Tsomo (2014), Eminent Buddhist Women, Nxb. Suny, Hoa Kỳ, tr. 83 - 92.
[21] Tổ đình Huê Lâm (1999), Sư trưởng Như Thanh: Cuộc đời và sự nghiệp, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 125.
[22] NS.TS. Như Nguyệt (2020), “Nữ giới Phật giáo Nam Bộ những chặng đường chuyển tiếp giao thoa và phát triển”, in trong Phật giáo các tỉnh và thành phố tại vùng Nam Bộ, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 439.
[23] Tổ đình Huê Lâm (1999), Sư trưởng Như Thanh: Cuộc đời và sự nghiệp, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 17.
[24] SC.ThS. Thích Niệm Huệ (2018), “Nhân cách văn hóa của Sư trưởng Như Thanh”, in trong Di sản Sư trưởng Như Thanh: Kế thừa - phát triển Ni giới Việt Nam, Nxb. Tổng hợpThành phố Hồ Chí Minh, tr.45.
[25] Tư liệu lưu trữ tại Tổ đình Huê Lâm.
[26] Sđd.
[27] Sư trưởng Như Thanh (1972), Giới đức kiêm ưu, tư liệu lưu trữ tại Tổ đình Huê Lâm, tr.13.
[28] https://giacngo.vn/tieu-su-su-truong-nhu-thanh-1911-1999-post2494.html. Truy cập ngày 27/3/2021.
[29] Tổ đình Huê Lâm (1999), Sư trưởng Như Thanh: Cuộc đời và sự nghiệp, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 30.
[30] NS.TS. Thích Nữ Như Nguyệt (2019), “Sư trưởng Như Thanh ảnh hưởng đến chư Ni thế hệ hậu học”, in trong Di sản Sư trưởng Như Thanh: Kế thừa - phát triển Ni giới Việt Nam, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 252.
[31] NS.TS. Như Nguyệt (2020), “Nữ giới Phật giáo Nam Bộ những chặng đường chuyển tiếp giao thoa và phát triển”, in trong Phật giáo các tỉnh và thành phố tại vùng Nam Bộ, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 445.
Bình luận (0)