Quan điểm Phật giáo nhập thế của Thái Hư Đại sư là: Nếu con người có thể đối diện với cuộc sống, phụng sự xã hội, vừa tiến tu đạo đức lại vừa thực hành tu tập theo giáo lý Phật-đà thì con người sẽ đạt được lợi ích an vui cho chính mình và người khác, đã làm người thành Phật.

TS.SC.TN.Phước Tường Giảng viên Khoa Trung Văn - Học viện PGVN tại Tp.HCM

DẪN NHẬP

Phật giáo Việt Nam chịu ảnh hưởng không ít về tư tưởng, văn hóa xã hội thậm chí cả phong cách truyền bá của Phật giáo Trung Quốc, hầu như các học giả trên thế giới đều nhận định như thế. Điều này do ảnh hưởng của các điều kiện khách quan như địa lý, hay được kế tục bởi các tông phái truyền thừa, mà các bậc cao Tăng lãnh đạo trong giới Phật giáo nói chung và Việt Nam nói riêng luôn theo kim chỉ nam “thấy tất cả Phật pháp, không rời pháp thế gian”[1].

Với phương châm chuẩn mực của đấng cứu thế đã sáng lập ra đạo Phật đức Bổn Sư Thích Ca Mâu-ni, dù đã trải qua 2564 năm, nhưng phương châm ấy không ngừng chảy trong mạch máu của các bậc chân tu luôn mang hoài bảo “nhập thế độ đời” không rời lời Phật dạy, tùy nơi, tùy thời, tùy hoàn cảnh để các bậc vĩ nhân ứng thế mượn dùng phương tiện thiện xảo, kịp thời nắm bắt thời cuộc đưa Phật pháp vào đời, để Phật pháp miên viễn tồn tại và phát triển ở thế gian qua các thời đại không gian và thời gian.

Qua bao biến cố thăng trầm sánh vai cùng thời đại, đối với đất nước Trung Quốc rộng lớn, từ thời Hậu Hán, Phật giáo mới được truyền vào nội địa, nhưng để tồn tại đến ngày nay đã trải qua biết bao sóng gió, biết bao biến đổi thời cuộc, thậm chí các bậc cao Tăng đã hy sinh cả tính mạng cho phong trào “Cải cách Phật giáo, đưa Phật pháp vào đời”, tiêu biểu như thời cận đại có ngài Kính An (敬安)[2].

Để kế thừa hoài bảo dở dang của ngài Kính An, Thái Hư (太虚) đại sư - Bậc cao Tăng nổi tiếng trong phong trào cải cách Phật giáo, là người đề xướng chủ trương “Phật giáo nhập thế”. Do đó, trong bài này người viết muốn trình bày tinh thần nhập thế và những cống hiến lớn lao của Thái Hư đại sư cho sự nghiệp hoằng dương chính pháp, đem Phật giáo đến với cuộc sống người dân. Người muốn xây dựng một cõi Tịnh độ ngay tại trần gian đầy đau khổ này.

1. Sơ lược về tinh thần nhập thế

“Tinh thần nhập thế” của Thái Hư đại sư cũng là sự tiếp nối mục đích của đức Phật xuất hiện ở đời vì lợi ích cho chư thiên và loại người. Chính Đức Phật cũng khuyên các đệ tử sau khi thấm nhuần giáo lý hãy lên đường hóa độ chúng sinh “Này các Tỳ kheo, hãy lên đường thuyết pháp vì hạnh phúc, vì an lạc cho chúng sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người. Chớ có đi hai người một chỗ…”[3]

Cho thấy, đức Phật luôn khuyến khích các đệ tử thực hành Bồ-tát hạnh, làm lợi ích cho nhân sinh, không những thế ngài còn nhắc nhở các đệ tử đừng đi hai người ở cùng một nơi, một người nên đi một hướng để đem chính pháp lan tỏa đến mọi người nhanh hơn. Đạo Phật đã trải qua hơn hai ngàn năm nhưng vẫn còn sống mãi với thời gian, đồng hành cùng con người, vượt khỏi không gian và thời gian, chính là nhờ “tinh thần nhập thế” của Phật giáo.

Thái Hư đại sư là người đầu tiên sử dụng khái niệm “Phật giáo nhân gian”, cũng là người tiên phong trong phong trào chấn hưng Phật giáo.

Tinh thần nhập thế được thể hiện qua nhiều phương cách, cụ thể là thiết lập Tăng đoàn mới, Tăng chế theo thời đại mới, thuyết giảng và ứng dụng giáo lý, biên soạn in ấn kinh sách, thành lập đạo tràng, thiết lập Phật học viện v.v.. nhưng chúng cần phải linh động, thích hợp với từng địa phương, tôn giáo tín ngưỡng, văn hóa tập tục vùng miền… Nhập thể là sự uyển chuyển để thích ứng theo từng giai đoạn lịch sử, bối cảnh và không gian văn hóa. Đó là cách mà Thái Hư Đại sư, các bậc cao tăng trong lịch sử đã tùy thuận để thực hiện.

2. Cải cách Phật giáo và tinh thần nhập thế của Thái Hư Đại sư

Khi đề cập đến vấn đề cải cách Phật giáo và tinh thần nhập thế của bậc cao Tăng làm chấn động lịch sử Phật giáo cận đại Trung Quốc, thì các học giả nghiên cứu Phật học trên thế giới hay các bậc cao tăng trong giới Phật giáo phần lớn thường liên tưởng đến Thái Hư đại sư, người hội đủ tam đức: bi, trí, dũng, gióng lên tiếng hống sư tử giữa đất nước Trung Hoa rộng lớn, đầy tư tưởng truyền thống độc quyền bị áp đặt bởi bao triều đại phong kiến đang còn ẩn tàng trong thời cận đại Trung Quốc.

2.1 Thân thế Đại sư

Thái Hư (太虚năm (1890-1947)), họ Lữ, tên gốc là Kiềm Sâm (淦森), sau khi xuất gia có pháp danh là Duy Tâm, lấy tự là Hành Thế (行世), người Sùng Đức (cũng có thuyết cho rằng người Hải Ninh) tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc (nay sáp nhập vào Đồng Hương (桐乡). Khi còn nhỏ gia cảnh khốn khó và thân thể ốm yếu nhiều bệnh tật.

Năm 15 tuổi (cũng có thuyết cho rằng năm 16 tuổi) xuất gia ở Tô Châu tỉnh Giang Tô, cùng năm đó Sư thọ giới Cụ-túc với ngài Kính An (敬安) tại chùa Thiên Đồng ở Ninh Ba tỉnh Chiết Giang và từng kết nghĩa anh em với ngài Viên Anh (圆瑛)[4].

Năm 1908, Sư theo học Phật pháp với Dương Văn Hội (杨文会)[5] ở Nam Kinh, năm kế theo Kính An tham gia Hiệp hội Giáo dục Tăng Ni tỉnh Giang Tô. Cũng từ đó, sư dấn thân vào công cuộc cải cách và hoằng dương Phật pháp trên nhiều phương diện. Mãi đến năm 1947, Sư bệnh và qua đời ở chùa Phật Ngọc, Thượng Hải Trung Quốc.

2.2 Cải cách Phật giáo

Thái Hư đại sư khởi xướng phong trào cải cách Phật giáo, vốn chịu ảnh hưởng trào lưu tư tưởng cách mạng của thời đại. Khi còn trẻ, Sư đã từng nhiệt tâm tham gia vào chính trị.

Từ nhỏ, Sư đọc qua sách của Khang Hữu Vi (康有为)[6], Lương Khải Siêu (梁启超)[7], Chương Thái Viêm (章太炎)[8], … hướng đến con đường cách mạng. Khi còn trụ trì chùa Song Khê ở núi Bạch Vân tỉnh Quảng Châu, Sư vừa giảng dạy Phật học vừa liên lạc với Chu Chấp Tín (朱执信) … và các đảng viên cách mạng để tham gia vào các hoạt động bí mật. Năm 1909 sau khi Trung Hoa Dân Quốc được thành lập, Sư được giới thiệu đến Nam Kinh để gặp Tôn Trung Sơn, tổng thống lâm thời của Trung Hoa Dân Quốc vào cuối đời Thanh.

Năm 1911, Sư đến Quảng Châu hoằng dương Phật pháp, trụ trì chùa Song Khê núi Bạch Vân và tổ chức Hiệp hội Giáo dục Tăng Ni ở Quảng Châu.

Năm 1912, thành lập Hiệp hội tiến Phật giáo Trung Quốc tại Nam Kinh. Sau đó được sáp nhập vào tổng hội Phật giáo Trung Hoa do Kính An làm hội trưởng.

Năm 1913, ngài Kính An qua đời tại Bắc Kinh, trong một sự kiện yêu cầu chính phủ lâm thời bảo vệ tài sản Phật giáo. Trên mặt khách quan ngài Kính An tử vì đạo nhưng nội hàm có những ẩn khuất, bức xúc. Thái Hư nhận thấy Phật giáo đương thời đang trong tình trạng hết sức tiêu cực.

Cũng trong năm ấy, tại lễ truy điệu ngài Kính An do giới Phật giáo cử hành ở Thượng Hải, đại sư Thái Hư chính thức đưa ra khẩu hiệu cho “ba cuộc cách mạng lớn là cải cách giáo lý, giáo chế và giáo sản”[9], kêu gọi chính phủ đương thời ủng hộ và chỉnh đốn cuộc sống loạn lạc của Phật giáo nói riêng và xã hội nói chung.

Vài năm sau, Sư viết nhiều bài văn quan trọng, trong đó có tác phẩm Luận Chỉnh đốn chế độ Tăng già (整顿僧伽制度论),bổ sung và hoàn thiện tư tưởng cải cách Phật giáo, đưa ra những chủ trương cụ thể về cải cách Phật giáo, mở đầu công cuộc xây dựng quy chế cho đoàn thể Tăng già mới, thúc đẩy “Phong trào chấn hưng và cải cách Phật giáo”, điều này gây chấn động rất lớn trong giới Phật giáo và có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của Phật giáo cận đại.

Vì vậy, Thái Hư đã trở thành nhân vật lãnh đạo tiên phong trong các phong trào cải cách Phật giáo cận đại Trung Quốc.

Ba tiêu chí quan trọng trong cuộc cải cách Phật giáo là:

(1) Cải cách giáo lý: là để bài trừ những tư tưởng lạc hậu về ma, thần, họa, phúc trong Phật giáo, phản đối những luận thuyết về các vấn đề sau khi chết mang nặng tính mê tín trong Phật giáo nhân gian, chủ trương tập trung nghiên cứu về đời sống hiện tại, đề xướng và phát huy tinh thần lợi mình lợi người của Phật giáo Đại thừa.

Lấy “năm giới và mười điều thiện”[10] làm nền tảng đạo đức cho đời người, coi đó làm kim chỉ nam cho cuộc sống, xây dựng một chế độ xã hội tương thân tương ái. Người tu theo giáo lý Phật Đà, nếu muốn phát nguyện thành Phật, trước hết phải lập chí làm người, trở thành người tốt mới có thể thành Phật, tức Phật cũng tại thế gian này, không ngoài thế gian này mà tìm Phật.

(2) Cải cách giáo chế: là cải cách chế độ đời sống Tăng chúng, thiết lập quy chế Tăng già hiện đại mới thích ứng với sự phát triển của thời đại và nhu cầu của xã hội Trung Quốc đương thời, để thay thế quy chế Tùng lâm trong quá khứ, phá vỡ các nội bộ cũ của Phật giáo vốn đã chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi hệ thống pháp chế Hoàng tộc phong kiến, những chế định tông phái cùng những thể chế về con cháu, thay đổi quy chế truyền thừa sang quy chế tuyển chọn hiền tài,...

Đề cao tinh thần đoàn kết giữa các tăng đoàn, cùng nhau truyền bá Phật pháp và làm theo “sáu phép hòa kính”, tức là kiến hòa cùng giải, lợi hòa cùng chia, thân hòa cùng ở, khẩu hòa không tranh, giới hòa cùng tu, ý hòa cùng vui.

(3) Cách mạng tài sản tôn giáo: là tài sản của tự viện Phật giáo mà một số trụ trì lấy làm của riêng mình, chuyển thành sở hữu chung cho tăng chúng nơi trú xứ mình, phá bỏ thói quen sở hữu tư nhân chiếm làm của riêng đối với di sản tự viện, dưới sự thừa hưởng của dòng pháp tông phái bổn tự, vốn chịu ảnh hưởng sâu sắc của pháp chế tông phái phong kiến, mà lẽ ra chúng tăng nên đem tài sản Phật giáo dùng cho tất cả Tăng sĩ, thiết lập nền giáo dục Tăng đoàn và đào tạo bồi dưỡng tăng tài…

Phong trào cải cách Phật giáo do Thái Hư đề xướng là tập trung vào việc chỉnh đốn chế định Tăng Ni, thành lập Tăng đoàn mới… theo xu hướng phát triển và thay đổi của xã hội. Đương nhiên chủ trương cải cách Phật giáo mà Thái Hư đề xuất, đã nhận được đa số Tăng chúng ủng hộ, nhưng cũng gặp phải một số tông phái bảo thủ phản đối.

Đặc biệt là những người chiếm hữu tài sản tự viện làm của riêng mình có mưu cầu trục lợi, họ ra sức phản đối kịch liệt. Chẳng hạn như trong buổi khai mạc “Hội hiệp tiến Phật giáo” được tổ chức tại chùa Kim Sơn ở Trấn Giang năm 1912, lần đầu tiên khi Sư đề xuất chủ trương này đã đưa đến cuộc tranh luận gay gắt, thậm chí còn xảy ra sự việc gây “đại náo Kim Sơn”.[11]

Những tư tưởng cải cách Phật giáo mà đại sư Thái Hư đề xuất, hiển nhiên bị ảnh hưởng sâu sắc bởi những tư tưởng của các nhà cách mạng dân chủ giai cấp tư sản cận đại. Đại Sư đã từng so sánh chủ trương ba cuộc cải cách lớn của Phật giáo với “chủ nghĩa tam dân”[12] của Tôn Trung Sơn. Ngài cho rằng “cách mạng giáo lý chính là chủ nghĩa dân quyền, cách mạng giáo chế chính là chủ nghĩa dân tộc, và cách mạng giáo sản cũng là chủ nghĩa dân sinh”.

Sau đó, Sư lại mô phỏng theo chủ nghĩa Tam dân mà nêu ra “chủ nghĩa Tam Phật” nghĩa là thành lập “chủ nghĩa Phật Tăng” tổ chức đoàn thể Tăng già có chủ nghĩa và kỷ luật, dốc sức phát triển tín đồ Phật giáo, ngoài việc tổ chức Tăng lữ còn phải tổ chức “chủ nghĩa Phật hóa” cho giới cư sĩ và “Chủ nghĩa Phật quốc” là sử dụng Phật giáo tác động đến tình hình đất nước thậm chí là cả thế giới.

2.3 Tinh thần nhập thế

Tức là nêu cao tinh thần cứu đời độ người của Phật giáo ở nhân gian, quan tâm nhiều đến vấn đề hiện tại, nghiên cứu về lẽ thật của đời sống và vũ trụ, ra sức thúc đẩy sự tiến bộ của con người và cải tạo thế giới.

Điều này được Thái Hư đại sư định nghĩa như sau: “Phật giáo nhập thế là không phải dạy con người xa lánh loài người để đi làm thần làm quỷ, hoặc phải xuất gia vào tự viện trong núi rừng làm Hòa thượng, mà là lấy đạo lý Phật giáo để cải thiện xã hội, làm cho nhân loại tiến bộ và lấy Phật giáo để cải thiện thế giới”[13]. Tinh thần nhập thế, đem đạo vào đời của đại sư thể hiện qua các lĩnh vực sau:

a. Giáo dục

Đại sư Thái Hư tích cực tham gia vào các hoạt động về giáo dục Phật giáo như:

Năm 1922, Sư thành lập viện Phật học Vũ Xương tại Hồ Bắc.

Năm 1924, Sư phát động tổ chức Hội Liên Hiệp Phật giáo Thế giới tại Lô Sơn. Năm 1927, Sư được mời đến Hạ Môn đảm nhiệm chức vụ trụ trì chùa Nam Phổ Đà và trợ giúp sáng lập kiêm viện trưởng Phật học viện Mân Nam (闽南).

Năm 1929, Sư tích cực cho việc chuẩn bị xây dựng Phật học Uyển thế giới và thư viện Phật học Uyển thế giới.

Năm 1930 thành lập Viện giáo lý Bách Lâm ở Bắc Kinh.

Năm 1931 thành lập viện Giáo lý Hán-Tạng ở Tứ Xuyên.

Ngoài việc thành lập Phật học viện để bồi dưỡng nhân tài Phật giáo, Sư còn thành lập một tập san “Nguyệt san Phật giáo nhân gian” để tuyên truyền các tư tưởng Phật học, các kinh nghiệm về Phật pháp. Đặc biệt là khuyến khích các Tăng Ni trẻ học giáo lý Phật Đà và tìm hiểu nhiều kiến ​​thức văn hóa Phật giáo.

Trong Tông Cương Học Tăng Tu Học khi nói về học Tăng, Sư nhấn mạnh “tông chỉ là học”, “căn bản của tông chỉ là học Phật”, nhưng học Phật không chỉ hiểu biết Phật pháp và tu hành để tốt cho bản thân, mà còn mở rộng đạo Phật ra toàn xã hội, phát triển cho toàn thể nhân loại. Bên cạnh đó, cần có các kiến thức phổ thông (ngoại điển) ở thế gian, như kiến thức về khoa học và triết học, kiến thức về văn hóa, lịch sử dân tộc và địa lý...

Ngoài ra còn phải tuyên truyền ngôn ngữ văn tự Phật giáo, một mặt nỗ lực thúc đẩy giáo dục Phật giáo, mặt khác nghiên cứu Phật học cận đại và sự nghiệp văn hóa Phật giáo cũng đều đẩy mạnh.

Trước tác của Sư bao gồm cả hai phương diện Thế pháp và Phật pháp, do Ấn Thuận (印顺) pháp sư biên tập thành Thái Hư đại sư toàn thư (太虚大师全书) và chia làm bốn tạng Pháp, Chế, Luận, Tạp. Trong đó trước tác chủ yếu có Luận chỉnh lý chế độ Tăng già (整理僧伽制度论), Thích tân tăng (释新僧), luận Duy Thức mới (新的唯识论), Pháp tướng Duy Thức học (法相唯识学) và Văn chép của Thái Hư đại sư (太虚法师文钞) …

b. Hoằng pháp

Năm 1917, Đại sư đáp ứng lời mời đến Đài Loan hoằng pháp và vân du đến các vùng đất Nhật để khảo sát Phật giáo.

Năm 1918, Đại sư cùng Trần Nguyên Bạch (陈元白), Chương Thái Viêm (章太炎) v.v.. thành lập hội Giác Xã (觉社) ở Thượng Hải, và chủ biên của “Tập San Giáo Xã” (phát hành theo quý), sau khi ấn hành đến kỳ thứ năm đổi tên thành “Hải Triều Âm” (phát hành theo tháng), lấy ý là “Giác ngộ âm thanh trong suy nghĩ mọi người”.

Cũng trong năm ấy sư được mời đến Hán Khẩu tỉnh Hồ Bắc giảng Luận Đại Thừa Khởi Tín. Về sau, ngài giảng rất nhiều nơi, đến khắp các tỉnh Hồ Nam, Giang Tây, An Huy, Thiểm Tây, Quảng Đông, Phúc Kiến, Bắc Kinh và Chiết Giang … Nhờ vào việc giảng dạy mà tín đồ khắp nơi theo về và tên tuổi của ngài ngày càng nổi tiếng.

Năm 1919, Đại sư lại đến giảng dạy ở trường Đại học Nam Thông tỉnh Giang Tô.

Mùa đông năm 1925, Đại sư dẫn đầu đoàn đại biểu Phật giáo Trung Quốc tham dự “Đại hội Phật giáo Đông Á” tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản, được mời diễn thuyết về Phật giáo Trung Quốc và những khảo sát về Phật giáo Nhật Bản.

Năm 1928, thành lập Hội Phật học Trung Quốc ở Nam Kinh rồi đến châu Âu, Hoa Kỳ để hoằng dương Phật pháp, khi ở Paris (巴黎), Sư đã đề xuất việc thành lập “Phật Học Uyển Thế Giới”. Đây là lần đầu tiên một tu sĩ người Trung Quốc đến châu Âu và Hoa Kỳ để truyền bá Phật giáo từ thời cận đại trở lại và có sức ảnh hưởng rất lớn.

Năm 1943, tổ chức Hội nghị liên hiệp tín đồ Tôn giáo Trung Quốc.

Sau thắng lợi kháng chiến chống Nhật, Sư giữ chức vụ chủ nhiệm hội Ủy viên chỉnh lý Phật giáo Trung Quốc. Ngày đầu âm lịch năm 1946, được chính phủ Quốc Dân Đảng trao tặng huân chương thắng lợi cho các nhà lãnh đạo Tôn giáo.

c. Ý nghĩa nhập thế

Khi đề xướng đưa Phật giáo vào đời, Thái Hư đại sư đặc biệt nhấn mạnh đến việc xây dựng một cõi tịnh độ ở nhân gian. Sư cho rằng thế giới loài người hiện tại quả thực không hoàn hảo, nhìn lại từ những thảm họa của hậu quả chiến tranh tàn khốc, đói khổ lầm than, những hạng người mưu sinh bằng nghề trộm cắp v.v.., có thể nói “hầu như không còn đạo làm người”[14].

Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta phải rời bỏ thế giới ô nhiễm này mà tìm kiếm một thế giới thanh tịnh khác. Ngược lại, chúng ta nên nỗ lực để cải tạo thế giới không hoàn hảo này, ra sức tạo dựng cõi Tịnh độ tại đây. Sư nhấn mạnh, Tịnh độ là do con người tạo ra, nên con người hiện tại phải có trách nhiệm đem nhân gian không hoàn hảo, xã hội đầy đau khổ chuyển thành Tịnh độ an vui ngay trong cuộc sống hiện tại.

Xây dựng Phật giáo tại nhân gian là đáp ứng lòng mong cầu của con người trong xã hội đương đại, lấy giáo lý nhân bản xây dựng lòng tin, chuyển đổi thế giới hiện tại trở nên tươi sáng đúng với chân lý. Điều này có nghĩa là Phật giáo nhân gian trước tiên cần phải loại bỏ những việc nói về chuyện sau khi chết hoặc bàn về quỷ thần huyễn hoặc theo kiểu mê tín, tránh xa những tệ nạn xã hội, lấy tinh thần chính kiến làm đầu để thích ứng nhu cầu xã hội, phục vụ cho đời sống một cách có khoa học.

Với quan điểm về Phật và Bồ-tát, sư nêu ra rằng “Phật và Bồ tát không phải là quỷ thần hay đấng sáng tạo huyền bí như thông thường người ta tin vào Phật và Bồ tát theo lối đa thần từ trước đến giờ do ảnh hưởng văn hóa truyền thống. Bởi vì họ nghĩ rằng các Ngài cũng giống như quỷ thần có quyền khen thưởng hay xử phạt con người, đây là một sai lầm rất lớn”. Sư chỉ ra rằng “Phật là người đã giác ngộ và chỉ dạy con người thức tỉnh để hướng đến tương lai tươi sáng” [15], Phật giáo luôn giúp ích cho cuộc sống thực tại của con người.

Thậm chí Sư còn nêu ra “Chỉ có Đức Phật mới là người theo chủ nghĩa hiện thực”[16]. Thêm vào đó, Sư còn nhấn mạnh “Nếu muốn nhanh chóng thể nghiệm được chân lý của Đức Phật, cần phải vén bỏ bức màn vô minh che đậy bởi các lời hoa mị thần thánh v.v.., sau đó mới thấy được chân lý của Phật-đà, thì cuộc sống mới phát triển”[17]. Đây chính là ý nghĩa chân chính của tinh thần Phật giáo nhập thế là có thể “đạt được ngay trong đời sống” chứ không phải tách rời khỏi cuộc sống mới đạt được.

Sư đưa ra đề xuất cải cách Phật giáo là nhấn mạnh nên “thuận theo nguyên tắc khế lý khế cơ của Phật giáo, để thích ứng với xu hướng trào lưu tư tưởng hiện đại này ở trong tương lai.

“Nên sống theo chân lý của Phật-đà, thích ứng với tư tưởng văn hóa mang tính thời đại, loại bỏ những sắc thái mang tính lỗi thời và tùy duyên tùy thời mà phát huy tinh thần của Phật giáo. Hãy nắm bắt tư tưởng chủ đạo của đạo Phật, thích ứng với thời cuộc, hòa quyện văn hóa và thích ứng với xu thế mới của thời đại mới, tiếp tục làm cho Phật pháp được lan tỏa rộng rãi”[18].

KẾT LUẬN

Tóm lại, quan điểm Phật giáo nhập thế của Thái Hư đại sư là: Nếu con người có thể đối diện với cuộc sống, phụng sự xã hội, vừa tiến tu đạo đức lại vừa thực hành tu tập theo giáo lý Phật-đà thì con người sẽ đạt được lợi ích an vui cho chính mình và người khác, đã làm người thành Phật.

Quan điểm “Phật giáo nhân gian” do Thái Hư chủ trương đã gây ra những phản ứng mạnh mẽ vào thời bấy giờ, mặc dù khó có thể xây dựng một cõi Tịnh độ ở nhân gian vào thời đại của Sư, nhưng nó đã có tác động rất sâu sắc đến sự phát triển của Phật giáo Trung Quốc cận đại.

Có thể nói, Phật giáo Trung Quốc sau thời đại sư Thái Hư đã từng bước đi trên con đường đưa Phật giáo vào nhân gian. Đặc biệt là công cuộc văn hóa Phật giáo và các tổ chức Phật giáo mới đã ra đời và phát triển ở Đài Loan và Hồng Kông từ những năm thập niên 60 của thế kỷ XX (1960) đến nay đều có đặc trưng chung đó là tính thiết thực đối với cuộc sống và xã hội hiện đại.

Mặc dù một số chủ trương cải cách Phật giáo của đại sư Thái Hư không hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu thực tế của xã hội khi ấy nhưng có thể khẳng định rằng ngài là người tiên phong trong phong trào cải cách Phật giáo và đã tạo ra những ảnh hưởng lớn đến lịch sử phát triển Phật giáo cận đại, đồng thời nó có tác dụng tích cực, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc chấn hưng và phát triển Phật giáo Trung Quốc cận đại.

TS.SC.TN.Phước Tường Giảng viên Khoa Trung Văn - Học viện PGVN tại Tp.HCM

*** TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. CBETA 電子佛典集成,《報恩論(Luận Báo Ân)》卷1. 2. CBETA 電子佛典集成,《增壹阿含經(Kinh Tăng Nhất A Hàm)》卷26. 3. 太虚大师全书(Thái Hư Đại sư toàn thư), quyển 6, Nxb.Tôn giáo văn hóa, 2004. 4. 中国佛教文化历程(Lịch Trình Văn Hóa Phật Giáo Trung Quốc), Nxb. Giáo Dục Giang Tô, năm 2005 5. 中国佛教百科全书 (Phật Giáo Trung Quốc Bách Khoa Toàn Thư) Nxb. Cổ Tịch Thượng Hải, năm 2000. CHÚ THÍCH:

[1]《報恩論 (Luận Báo Ân)》卷1:「又見一切佛法。不離世法矣」(CBETA, X62, no. 1205, p. 723, b10 // Z 2:15, p. 248, c10 // R110, p. 496, a10).

[2] Hồng Tu Bình (洪修平), “中国佛教文化历程(Lịch Trình Văn Hóa Phật Giáo Trung Quốc)”, Nxb. Giáo Dục Giang Tô, 2005, tr. 203:

Kính An (năm 1852-1912), tự là Ký Thiền (寄禅), hiệu là Đầu Đà Bát Chỉ (八指头陀), người Tương Đàm tỉnh Hồ Nam Trung Quốc, là thi Tăng yêu nước nổi tiếng trong lịch sử cận đại. Năm lên 7 tuổi mẹ mất, 11 tuổi cha qua đời, phải thôi học vì gia đình nghèo khó, vừa chăn gia súc vừa đi làm thuê kiếm sống, chịu mọi gian khổ.

Năm Đồng Trị thứ bảy (năm 1868) nhà Thanh, Sư xuất gia và thọ giới Cụ-túc. Sư đốt hai ngón tay trước xá-lợi Phật để cúng dường, do đó mà có tên “Đầu đà tám ngón”. Về sau học thơ ca, ngày đêm chịu khó, cuối cùng đã thành thạo luật thơ, thành danh với thơ, và sau đó bắt đầu sự nghiệp bằng Thiền và thơ…

Năm 1912, tổng hội Phật giáo Trung Hoa được thành lập tại Thượng Hải, Sư được mọi người đề cử làm hội trưởng trong nhiệm kỳ đầu tiên. Cũng trong năm đó, do Sư đến Bắc Kinh thỉnh cầu chính phủ bảo vệ tài sản của chùa, mà bị tử vì đạo.

[3] Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường bộ 1, Kinh Đại bổn, VNCPHVN, 1991, tr.502.

[4] Viên Anh: (năm 1878 - 1953) họ Ngô, pháp danh Hoằng Ngộ (宏悟), lấy tự Hành Thế, là một cao tăng yêu nước nổi tiếng trong lịch sử Phật giáo cận đại. Năm mười 19 xuất gia, năm kế thọ giới Cụ túc. (Hồng Tu Bình (洪修平), “中国佛教文化历程(Lịch Trình Văn Hóa Phật Giáo Trung Quốc)”, Nxb. Giáo Dục Giang Tô, 2005, tr.204)

[5] Dương Văn Hội (năm 1837 - 1911): tự Nhân Sơn (仁山), người Thạch Khang (nay là Thạch Đài tỉnh An Huy), xuất thân trong gia đình cha làm quan.

Thiếu thời học rộng văn hay kiêm thông sách Trang Tử và Liệt Tử Hoàng Lão, âm vận, lịch toán, thiên văn, địa lý v.v.., lên 10 tuổi biết viết văn chương, 16 tuổi kết hôn với Tô Thị, năm Thái Bình Thiên Quốc do binh sĩ đánh vào An Huy, cả nhà họ Dương cả lớn lẫn nhỏ 19 người di dời qua lại giữa ba tỉnh An Huy, Giang Tô và Chiết Giang……một cư sĩ Phật giáo lỗi lạc, cả cuộc đồi cũng hiến cho đạo pháp và dân tộc.

Ông đem Phập pháp vào đời với nhiều phương diện, khai mở học đường giảng dạy giáo lý, mở viện nghiên cứu Phật học ở Kim Lăng Khắc Kinh Xứ tại Nam Kinh Trung Quốc, đào tạo nhiều thế hệ tăng tài trong đó có Kính An, Âu Dương Cánh Vô, Thái Hư đại sư…, biên soạn trước tác v.v..

Trong đó nổi bật nhất là sự nghiệp in khắc kinh điển. Trong “Dương Nhân Sơn Cư Sĩ Di Trước”, quyển 9, “Đẳng Bất Đẳng Quán Tạp Lục”, quyển 5 Ông từng nhấn mạnh: “Tôi 40 năm lại đây, tránh bỏ hết việc thế sự, chuyên tâm khắc kinh lưu truyền.”…( Hồng Tu Bình (洪修平), “中国佛教文化历程(Lịch Trình Văn Hóa Phật Giáo Trung Quốc)”, tr.195)

[6] Khang Hữu Vi (năm 1858 – 1927): quê ở Nam Hải tỉnh Quảng Đông Trung Quốc, là nhà lãnh đạo tư tưởng chính trị cho thời kỳ “biến pháp Mậu Tuất”. Ông xuất thân trong một gia đình quan lại phong kiến, từ nhỏ đã tiếp cận nền giáo dục văn hóa Nho gia……sau đó, Ông thâm nhập tư tưởng Phật giáo và tích cực dấn thân vào quá trình cải cách xã hội......

Khang Hữu Vi sử dụng cải tạo đối với Phật học, nhằm mang lại một sắc thái mới đặc trưng cho thời đại, từ một khía cạnh nào đó nó phản ảnh mối quan hệ mật thiết giữa chính trị xã hội và phong trào phục hưng Phật học cận đại. .” (Hồng Tu Bình (洪修平), “中国佛教文化历程(Lịch Trình Văn Hóa Phật Giáo Trung Quốc)”, tr.200)

[7] Lương Khải Siêu (năm 1873 – 1929): người Tân Hội tỉnh Quảng Đông, là nhân vật nổi tiếng trong lịch sử cận đại, có kiến thức uyên bác, công tích lớn lao, là một nhà học vấn lớn hiếm thấy trong sử học thuật cận đại. ( Hồng Tu Bình (洪修平), “中国佛教文化历程(Lịch Trình Văn Hóa Phật Giáo Trung Quốc)”, tr.202)

[8] Chương Thái Viêm (năm 1869 – 1936): người Dư Hàng tỉnh Chiết Giang, là một nhà cách mạng và nhà tư tưởng dân chủ hiện đại. Thời trẻ, ông tham gia Phong trào Duy tân biến pháp, sau đó cắt bỏ bím tóc, quyết tâm làm cách mạng……

Chương Thái Viêm dựa trên nhu cầu thật tế của cuộc đấu tranh cách mạng mà phát huy tinh thần “dũng mãnh và không sợ hãi, dựa vào bản thân không nương vào ai khác, tự mình biết quý trọng tâm mình, không nhận giúp đỡ từ quỹ thần” theo thuyết của Phật giáo…đã có tác dụng tích cực trong lịch sử cách mạng cận đại. .”…( Hồng Tu Bình (洪修平), “中国佛教文化历程(Lịch Trình Văn Hóa Phật Giáo Trung Quốc)”, tr.203)

[9]中国佛教文化历程(Lịch Trình Văn Hóa Phật Giáo Trung Quốc), tr.300:

他于1913年在上海佛教界举行的敬安追悼会上,正式提出了教理、教制、教产“三大革命”的口号

[10] Năm giới (五戒): Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói lời dối trá, không uống rượu; Mười Thiện (十善): Không giết người, không trộm cắp, không nói láo, không tà dâm, không nói dối, không nói hai lưỡi, không nói ác khẩu, không nói lời hoa mĩ, không tham muốn, không sân khuể, không tà kiến.

[11]中国佛教文化历程(Lịch Trình Văn Hóa Phật Giáo Trung Quốc), tr.301:

太虚提出的佛教革新主张,在当时得到了广大僧众的支持,但也遭到了一些守旧派的反对,例如1912年在镇江金山寺召开的“佛教协进会”成立大会上他最早提出佛教革新主张时,由于旧派的反对而引起了激烈的争论,乃至发生了“大闹金山”事件。

[12] Chủ nghĩa tam dân (三民主义): Chủ nghĩa Dân tộc, dân quyền và dân sinh. (1) Dân tộc là tìm kiếm sự bình đẳng giữa các dân tộc trong nước, công nhận quyền dân tộc tự quyết. (2) Dân quyền là chính phủ và nhân dân cùng nhau làm chủ quyền lực. (3) Dân sinh: một là quyền sở hữu đất đai bình đẳng; hai là quyền kiểm soát vốn không cho tư nhân thao túng sinh kế quốc gia.

[13] Hồng Tu Bình (洪修平), “中国佛教文化历程 (Lịch Trình Văn Hóa Phật Giáo Trung Quốc)”, Nxb. Giáo Dục Giang Tô, 2005, tr 211.

[14] “太虚大师全书(Thái Hư Đại sư toàn thư)”, quyển 6, Nxb.Tôn giáo văn hóa, 2004, tr 1037.

[15] “太虚大师全书 (Thái Hư Đại sư toàn thư)”, quyển 47, Nxb.Tôn giáo văn hóa, 2004, tr 435.

[16] “太虚大师全书 (Thái Hư Đại sư toàn thư)”, quyển 47, Nxb.Tôn giáo văn hóa, 2004, tr 283.

[17] “太虚大师全书 (Thái Hư Đại sư toàn thư)”, quyển 47 “Làm thế nào để xây dựng Phật giáo nhân gian”, Nxb.Tôn giáo văn hóa, 2004, tr 433.

[18] “太虚大师全书 (Thái Hư Đại sư toàn thư)”, quyển 2, Nxb.Tôn giáo văn hóa, 2004, tr 450-451.