Hòa thượng thế danh Nguyễn Ất, pháp hiệu Thanh Ất, sinh năm Tân Dậu (1861) tại làng Thượng Trưng, tổng Thượng Trưng, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên (1). Năm Ngài lên 12 tuổi (1873), nhân một hôm được thân mẫu dẫn tới vãng cảnh chùa Trung Hậu ở Phúc Yên. Thấy Ngài có cốt cách khác phàm, vầng trán cao rộng, với đôi mắt sáng, Hòa thượng đệ nhị Sư Tổ đem lòng yêu mến thọ ký và cơ duyên tốt lành đó khiến Ngài phát tâm bước vào cửa thiền với tâm nguyện chí thành cao đẹp.
Được gia đình chấp thuận, Ngài xuất gia đầu Phật, thế phát quy y với đệ nhị Sư Tổ chùa Trung Hậu. Từ đó ngày đêm Ngài chí tâm học đạo, tinh tấn tu hành. Năm 15 tuổi (1876), Ngài thọ Sa Di giới, và năm 20 tuổi (1881) thọ Cụ Túc giới. Sau đó Ngàiđến tham học ở trường Phật học Hạ Lôi, rồi xuống chùa Bồ Đề ở huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh ( nay thuộc Hà Nội) tiếp tục nghiên cứu kinh tạng. Thời gian sau, Ngài lại sang chùa Liên Phái ở Hà Nội, chuyên tu theo pháp môn niệm Phật hướng nguyện sinh về Tây phương Lạc quốc.
Về công phu niệm Phật, Ngài thâm đắc hơn người. Thường khi rảnh rỗi công việc, Ngài chỉ hướng mặt về phương Tây, lần tràng niệm Phật, cứ mỗi hơi một tràng. Chuỗi hạt trên tay Ngài luân chuyển không ngừng, chứng tỏ đạo lực hành trì của Ngài đã đi sâu vào chánh niệm.
Năm 1901, lúc 40 tuổi, sau khi Bổn sư qua đời, Ngài trở về tiếp đăng trụ trì chùaTrung Hậu và ở đó luôn cho đến ngày viên tịch. Do đó chúng Tăng và thiện tín thường gọi Ngài là Tổ Trung Hậu, hay Tổ Trung.
Ngài là một trong những vị Hòa thượng có công trong phong trào chấn hưng Phật giáo trên miền Bắc vào đầu thế kỷ XX . Ngài quan niệm và thấu hiểu rằng Tăng già tu học Phật pháp cốt yếu phải hiểu luật trước tiên, nên khi bắt tay vào việc hoằng pháp, Ngài liền khởi công cho đệ tử vào trường Viễn Đông Bác Cổ ở Hà Nội để sao chép bộ Tứ Phần Tiêu Thích đem về khắc bản ấn hành cho học Tăng các nơi có sách khảo cứu tu học.
Ngài lại nhận thấy Phật giáo từ lâu trên đà suy vi vì Tăng già chia ra nhiều sơn môn. Sơn môn nào biết sơn môn ấy, làm sai ý nghĩa Tăng già là hòa hợp. Do đó hàng ngũ Tăng Già như nắm cát rời, không còn có sự nhất trí trong Thanh qui, thiếu đi tinh thần đồng sự của Tứ nhiếp pháp.
Chính vì vậy mà Ngài rất tha thiết và sốt sắng, đem những ngày còn lại của tuổi đời, hoạt động cho phong trào chấn hưng Phật giáo. Ngài đã thân hành đi khắp các sơn môn, kêu gọi Tăng già đoàn kết với nhau, họp thành một khối thống nhất, chấn chỉnh lại gia phong Phật tự. Khoảng năm 1930, Ngài lập ra một chốn tùng lâm, ở ngoại vi Hà Nội xung quanh có hào lũy, phía trong xây dựng từng khu Tăng viện, Ni viện, Phật điện. Chỗ học, chỗ tu phong quang mát mẻ. Có ruộng để sản xuất lấy thóc ăn, có đất làm nghĩa địa. Tùng lâm mở rộng cửa, đón nhận tất cả Tăng Ni vô sở trụ vào đấy mà nương bóng từ bi, trọn đời tu học, không còn chịu cái vòng cương tỏa của ngu tục nữa.
Khi phong trào chấn hưng Phật giáo dâng cao khắp ba miền Nam Trung Bắc, tuy đã ngoài bảy mươi Ngài vẫn tinh tấn dũng mãnh góp phần cùng với một số Tăng hữu và cư sĩ vận động thành lập hội Bắc kỳ Phật giáo cuối năm 1934, và cung thỉnh Tổ Vĩnh Nghiêm - Hòa thượng Thích Thanh Hanh làm Thiền gia Pháp chủ . Sau đó , năm 1938 là Hòa thượng Thanh Tường trú trì chùa Vô Thạch ở Hà Nội nối tiếp ngôi đệ nhị Thiền gia Pháp chủ.
Trong buổi sơ khai, hội Bắc kỳ Phật giáo đặt trụ sở tại chùa Quán Sứ, công việc hết sức bề bộn. Ngài đã góp phần quan trọng, trên giúp Tổ Vĩnh Nghiêm cùng Ban quản trị chỉnh đốn mọi việc, dưới thù tiếp Tăng tục thập phương. Ngài lại đảm nhiệm chức Trưởng ban Thiền học, tổ chức các trường Phật học. Lắm phen kinh tế nhà trường gặp khó khăn, nhiều vị đôi phen bàn việc giải tán. Ngài vẫn cương quyết duy trì, tìm mọi phương sách chống đỡ để Tăng Ni yên tâm tu học. Công việc đa đoan, nặng nhọc như thế, mà hai ba năm đầu cùng chư Tăng dự các khóa hạ, Ngài vẫn lên ba khóa lễ mỗi ngày không hề trễ nải.
Công việc của hội vừa đi vào nề nếp, thì Thiền gia Pháp chủ Thanh Hanh viên tịch. Trong lúc chờ cung thỉnh vị Pháp chủ mới. Ngài phải đứng đầu ban Kỳ Túc mà làm thay mọi việc. Nhất là việc khởi công tu tạo chùa Hội Quán. Bấy giờ Ngài phải đảm nhiệm Chánh Đốc công ròng rã hai năm trong hoàn cảnh trăm bề thiếu thốn. Công việc sắp hoàn thành thì vào ngày mồng 3 tháng chạp năm Canh Thìn (1940), Ngài không đau ốm gì mà viên tịch, hưởng thọ 80 tuổi đời, 60 tuổi hạ.
Tổ Trung Hậu, ngoài công hạnh kiến tạo tòng lâm tiếp Tăng độ chúng, Ngài còn có công xây dựng hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ khắp miền Bắc. Trong phong trào chấn hưng Phật giáo tại miền Bắc, Ngài là bậc khai sơn đặt nền tảng cho bao lớp Tăng Ni kế thừa lợi lạc quần sinh, góp công lớn với lịch sử giai đoạn chấn hưng Phật giáo nước nhà. Ngày nay, hầu hết các chùa ở Hà Nội đều thờ tượng Ngài để tưởng nhớ bậc khai sơn những ngôi Tam Bảo còn lưu mãi với thời gian.
Chú thích: 1) Nay là tỉnh Vĩnh Phú .
Trích: Tiểu sử Danh tăng Việt Nam Thế kỷ XX - Tập 1 (Gia đoạn chấn hưng Phật giáo Việt Nam) - Chủ biên: TT.Thích Đồng Bổn
Bình luận (0)