Chùa Bái Đính ban ngày như một bức tranh sơn thủy hữu tình; về đêm dưới ánh đèn lung linh huyền ảo cũng như những bông hoa sen tỏa ánh sáng, hào quang bồng bềnh trên mặt nước. Dẫu thời gian thoi đưa thì Chùa Bái Đính cổ và khu chùa mới vẫn yên bình tọa lạc giữa lòng hang núi, dõi theo bao thăng trầm của thời cuộc.
Tác giả: Nguyễn Thuý Anh
"Đính Sơn danh tiếng thực cao xa Che chở kinh thành tự thuở xưa Nhân kiệt, địa linh nên vượng khí Núi thiêng cảnh đẹp vững sơn hà".
Đó là bài thơ do vua Lê Thánh Tông sang tác khi tới vãn cảnh chùa Bái Đính. Bài thờ được sang tác bằng tiếng Hán sau này được biên dịch. Chùa Bái Đính được mệnh danh là ngôi chùa có những cái nhất độc đáo như:
1. Tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á.: Tượng đồng 100 tấn ở trong điện Pháp Chủ
2. Tượng Phật Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á: tượng Phật Di lặc 100 tấn ngoài trời.
3. Chuông đồng lớn nhất Việt Nam: Đại hồng chuông nặng 36 tấn trong Tháp Chuông.
4. Bảo Tháp cao nhất châu Á: Bảo Tháp chùa Bái Đính (Ninh Bình) có 13 tầng, cao 100m.
5. Khu chùa rộng nhất Việt Nam: tổng 539 ha (riêng chùa cổ 27 ha, chùa mới 80 ha).
6. Khu chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á: hành lang La Hán dài gần 3 km.
7. Khu chùa có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam: 500 vị bằng đá xanh cao khoảng 2m.
8. Khu chùa có giếng ngọc lớn nhất Việt Nam.
9. Khu chùa có số cây bồ đề nhiều nhất Việt Nam: 100 cây bồ đề được chiết từ cây bồ đề Ấn Độ.
Ngược dòng thời gian tìm hiểu về lịch sử xây dựng Chùa Bái Đính
Chùa Bái Đính nằm trong Quần thể danh thắng Tràng An thuộc địa bàn xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, cách TP Ninh Bình khoảng 18 km và cách Hà Nội khoảng 100 km.
Ngày 23 tháng 6 năm 2014, quần thể danh thắng Tràng An (trong đó có chùa Bái Đính) đã được Ủy ban Di sản Thế giới công nhận là Di sản Thế giới hỗn hợp đầu tiên tại Việt Nam về văn hóa và thiên nhiên. Năm 1997, chùa được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cách mạng cấp Quốc gia.
Chùa Bái Đính cổ được sáng lập năm 1136 do Thiền sư Nguyễn Minh Không sáng lập. Khu chùa mới được xây dựng từ năm 2003.Tổng thể chùa Bái Đính được chia làm hai khu chính:
Khu chùa cổ có từ năm 1136 do Quốc Sư Thiền sư Nguyễn Minh Không sáng lập khi Quốc sư đi tìm cây thuốc để chữa bệnh “hóa hổ” cho vua Lý Thần Tông, Ngài đã phát hiện ra hang động trên núi Đính và chọn nơi đây để tôn thờ tượng Phật, làm nơi tu hành. Khu chùa mới xây dựng năm 2003 dựa trên nền tảng của ngôi chùa cổ, doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường đã phát tâm công đức trùng tu và mở rộng chùa với tổng diện tích hơn 1000 ha.
Khu chùa Cổ:
1. Giếng ngọc:
Giếng ngọc có diện tích xung quanh 6000m2, đường kính 30m, độ sâu 10m, mực nước 6-7m và bao quanh có 04 lầu bát giác. Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã cấp bằng xác nhận “Ngôi chùa có giếng ngọc lớn nhất Việt Nam”.
2. Đền thờ Tổ sư Nguyễn Minh Không:
Từ vị trí đi ra từ hàng động thờ Phật, đi xuống dưới vài bậc thang đá, nằm phí bên tay trái là đền thờ thiền sư Nguyễn Minh Không – người sáng lập chùa Bái Đính.
Tương truyền, một lần lên núi tìm thuốc chữa bệnh hóa hổ cho vua Lý Thần Tông, ông đã phát hiện ra các hang động đẹp, liền dựng chùa thờ Phật và tạo dựng một vườn thuốc quý để chữa bệnh cho dân. Ông không chỉ là một danh y nổi tiếng bốc thuốc cứu chữa giúp đỡ người dân mà ông còn được tôn là tổ sư nghề đúc đồng.
Trong một thời gian dài ông đã cất công nghiên cứu, tìm hiểu nguồn gốc văn minh Đông Sơn thời Việt cổ, sưu tầm các đồ đồng cổ nhằm mục đích khôi phục là nghề đúc đồng truyền thống đã bị mai một. Để tưởng nhớ và ghi tạc công ơn của thiền sư – danh y Nguyễn Minh Không, người dân đã tạc tượng thờ trên chùa Bái Đính. Ngoài ra ông còn được thờ ở nhiều nơi trên khắp tỉnh Ninh Bình.
3. Động thờ Phật tại chùa Bái Đính:
Động thờ Phật có chiều dài 25m cao 2m. Trong một lần vua Lê Thánh Tông thăm chùa Bái Đính đã ban tặng bốn chữ “Minh Đỉnh Danh Lam” trên cửa động, để ca ngợi vẻ đẹp và sự linh thiêng của núi rừng nơi đây. Trước cửa động thờ 2 pho tượng Hộ Pháp bằng đồng là ngài Khuyến Thiện và ngài Trừng Ác.
Chính giữa của động tôn thờ Tam Bảo: Phật Bảo là 10 phương ba đời các Đức Phật (Phật Thích Ca là giáo chủ); Pháp Bảo là kinh điển, giới luật, giáo lý... của nhà Phật; Tăng Bảo là những người xuất gia tu hành tu theo giới luật của Phật và truyền trì chính pháp.
Ban thờ phía bên trái thờ A Nan Tôn Giả, ngài là đệ tử thân cận của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. A Nan có trí nhớ siêu việt nên sau khi Đức Phật nhập Niết bàn, Ngài đã ghi chép lại những lời dạy của Đức Phật thành kinh kệ để lưu truyền cho thế hệ sau.
Bên phía phải thờ Ngài Cấp Cô Độc. Ông là một vị trưởng giả ở đất nước Ấn Độ cổ, sinh cùng thời với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, là đệ tử tu tại gia và là hộ pháp đắc lực của Đức Phật nói riêng và Phật giáo nói chung.
4. Động thờ Mẫu:
Bên trái cửa động treo quả chuông nặng 300kg và có khắc 8 chữ là: “Mẫu – Nghi – Thiên – Hạ / Xuân – Hạ – Thu – Đông”. Cũng như một số ngôi chùa khác ở Việt Nam, chùa Bái Đính có tín ngưỡng thờ Tam tòa Thánh Mẫu, ước vọng sức khỏe, tài lộc, may mắn. Trong đó, Mẫu Thoải là Mẫu đệ tam cai quản vùng sông nước, khoác trên người màu áo trắng; Mẫu Thượng Ngàn là Mẫu đệ nhị cai quản vùng núi rừng, khoác trên người màu áo xanh; Mẫu Liễu Hạnh là mẫu đệ nhất, khoác trên người màu áo đỏ.
Hình ảnh Mẫu Liễu Hạnh được xuất hiện vào khoảng thế kỷ XVI. Tới thế kỷ XIX, Mẫu Liễu Hạnh được triều đình nhà Nguyễn sắc phong là Mẫu Nghi Thiên Hạ (người mẹ mẫu mực của muôn dân), luôn luôn che chở, phú hộ độ trì cho muôn dân.
Hầu cận của Mẫu là đôi Kim Đồng – Ngọc Nữ cùng với Ngũ vị tiên quan, tức là năm vị quan tối cao thi hành các nhiệm vụ của Mẫu khi mẫu ban lệnh.
5. Thánh Cao Sơn:
Theo truyền thuyết, Thánh Cao Sơn là một vị tướng của Vua Hùng (Tản Viên là anh cả, Cao Sơn là anh thứ hai, Quý Minh Đại Vương là thứ ba). Tương truyền rằng, lệnh bài người cầm trước ngực là do vua Hùng ban cho những cánh quân đi về núi Bái Đính để trấn giữ 99 ngọn núi.
Khu chùa mới:
Năm 2003, dựa trên nền tảng và lịch sử của ngôi chùa Cổ đã có từ năm 1136, Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường đã phát tâm công đức trùng tu và mở rộng chùa với tổng diện tích hơn 1000 ha. Hiện nay, chùa có thêm nhiều điểm thăm quan mới như: Tam Quan Ngoại và Nội, Gác Chuông, Điện Quán Âm, Điện Giáo Chủ, Điện Tam Thế, Tượng Di Lặc và Tháp Báo Thiên, Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Bát Chính Đạo, Tháp Tứ Ân.
1. Cổng Tam quan:
Cổng Tam Quan được xây dựng hoàn toàn bằng 550 m3 gỗ, với 04 cây cột trụ, mỗi cây cao 13,85m, đường kính 0,87m và nặng gần 10 tấn/cột.
Hai bên cổng Tam Quan là 2 pho tượng Hộ Pháp: Ngài Khuyến Thiện và ngài Trừng Ác, được các nghệ nhân ở Ý Yên – Nam Định đúc bằng đồng nguyên khối, có chiều cao là 5,5m, nặng 30 tấn.
Ngài Khuyến Thiện chuyên khuyến khích con người làm việc thiện; ngài Trừng Ác chuyên răn đe con người không được làm điều ác.
2. Hành lang La Hán:
La Hán là đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, là những người đã tu hành đắc đạo đạt đến quả vị A La Hán, chưa thành Phật. Hành lang La Hán gồm 02 dãy với tổng chiều dài 1700m và đặt 500 pho tượng La Hán bằng đá xanh nguyên khối do các nghệ nhân ở làng nghề đá Ninh Vân – Hoa Lư tạc. Mỗi pho cao trung bình 2,5m, nặng từ 2 – 4 tấn.
Hành lang La Hán được xác lập kỷ lục là “Hành lang La Hán dài nhất Châu Á”.
Hành lang La Hán còn đặt tượng hai vị chân sư người Việt Nam là:
- Hòa thượng Thích Quảng Đức (ở bên phải hành lang) tên thật là Lâm Văn Tức, quê ở Khánh Hòa. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ – Diệm 1963, Ngài đã tự thiêu đốt thân mình để phản đối sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Thân thể Ngài cháy thành tro bụi nhưng trái tim của Ngài bất diệt, vì vậy người đời tôn xưng Ngài là Bồ Tát Quảng Đức.
- Phật Hoàng Trần Nhân Tông (ở bên trái hành lang) sinh năm 1258, là Thái Tử Khâm con trai của vua Trần Thánh Tông. Năm 1278, Ngài kế vị ngôi vua và lấy hiệu là Trần Nhân Tông. Ngài là một vị vua anh minh, tài giỏi và giàu lòng từ bi quảng đại. Sau 15 năm tại vị, Ngài đã nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, lên núi Yên tử tu hành và sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
3. Gác chuông tại chùa Bái Đính:
Gác chuông có chiều cao 18,25m, đường kính 17m, được xây dựng bằng bê tông sơn màu gỗ, theo lối kiên trúc gác chuông cổ hình bát giác, 03 tầng với 24 mái đao cong vút mang dáng dấp là một bông hoa sen cách điệu.
Trên Gác chuông treo một quả chuông nặng 36 tấn do các nghệ nhân của TP Huế đúc. Năm 2007, quả chuông đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam cấp bằng xác nhận là “Đại Hồng chung lớn nhất Việt Nam”. Dùi chuông có trọng lượng 5 tạ, dài 4,5m và đường kính 0,32m. Trống đồng có đường kính của mặt trống 5,5m, trọng lượng 70 tấn do các nghệ nhân của huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình đúc.
4. Điện Quán Âm:
Điện Quán Âm được xây dựng hoàn toàn bằng 900 m3 gỗ. Trong gian chính của điện tôn thờ tượng Phật Quán Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, bằng đồng dát vàng, có chiều cao 10 mét, nặng 90 tấn đồng do các nghệ nhân ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định đúc. Bên phải của Điện là tượng Đại Thế Chí Bồ Tát; bên trái của Điện là tượng Quán Thế Âm Bồ Tát, được tạc từ hai cây gỗ nguyên khối, mỗi tượng cao 10m, nặng 4 tấn.
Đây là pho tượng đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam cấp bằng xác nhận là “Pho tượng Quán Âm Bồ Tát bằng đồng giát vàng lớn nhất Việt Nam”.
5. Điện Giáo Chủ
Điện Giáo Chủ có diện tích gần 2000m2, cao 30m được xây dựng bằng bê tông sơn màu gỗ. Điện Giáo Chủ là nơi thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni – người sáng lập ra đạo Phật.
Tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được đúc bằng đồng nguyên khối giát vàng, cao 10m, nặng 100 tấn. Đây là pho tượng được Trung tâm sách xác lập kỷ lục Việt Nam cấp bằng xác nhận “Pho tượng Thích Ca bằng đồng giát vàng lớn nhất Việt Nam”.
Bên phải của Điện là tượng Tôn giả A Nan bằng đồng dát vàng, cao 7,2m và nặng 30 tấn. Ngài là một trong mười đại đệ tử thông minh của Đức Phật. Khi Phật còn tại thế, Ngài là người thân cận hầu Phật và được trực tiếp nghe nhiều giáo pháp của Phật.
Tất cả những lời Phật dạy, Ngài đều thuộc và ghi chép thành Tam tạng kinh điển để truyền lại cho đời sau. Chính vì vậy, Ngài được tôn xưng hiệu là “Đa Văn Đệ nhất”, tức là “người nghe nhiều nhất” và truyền giảng lại những lời Đức Phật giảng không thiếu ý nào.
Bên trái của Điện là tượng Tôn giả Ca Diếp bằng đồng dát vàng, cao 7,2m nặng 30 tấn. Ngài cũng là một trong mười đại đệ tử của Đức Phật và chuyên tu hạnh đầu đà, tức là tu hành khổ hạnh và đi khất thực. Chính vì vậy, ngài được tôn xưng là “Đầu Đà Đệ Nhất”.
Ngoài ra, ở hai bên Điện là Bát bộ kim cương bằng đồng nguyên khối, mỗi pho tượng cao 5m, nặng 8 tấn. Tám vị kim Cương này có nhiệm vụ là bảo vệ và hộ trì Phật pháp.
Pho tượng Thích Ca Mâu Ni ngồi trên toà sen và niệm hoa sen. Mặt Ngài mang dáng vẻ hiền từ, miệng thoáng nụ cười cứu độ, tai to dài, mũi thẳng đều đặn, tóc xoắn ốc bướu nổi trên đầu, mặc áo cà sa, cũng gọi là cà sa, biểu tượng tạo cho tâm thanh lòng tĩnh để trí tuệ phát sinh nhằm diệt trừ: tham, sân, si, ái, ố, hỷ, nộ.
Mắt ngài bao giờ cũng nhìn xuống soi rọi nội tâm. Giữa ngực Ngài có chữ “vạn ”, biểu thị công đức, lòng từ bi và trí tuệ vô lượng của Phật.
Tay phải cầm búp sen giơ cao gần ngang đầu, ngón cái và ngón giữa bàn tay đỡ cuống sen, tay trái đặt ngửa lòng bàn tay trên chân phải ngang trước bụng. Chân khoanh chỉ lộ một bàn chân phải để chống tà ma. Tư thế này gọi là tượng Hoa Niên.
Toà sen là 3 lớp cánh sen. Hai lớp trên chồng lên nhau: lớp trên cánh sen nhỏ, lớp dưới so le nổi rõ cánh sen to. Lớp thứ 3, gần như đối xứng với cánh sen to ờ trên là một làn cánh sen rủ xuống, hình dung như lòng từ bi của Phật đang che chở cho muôn loài đã biết quy y hối cải.
Phía sau đức Phật là tấm phù điêu cách điệu của lá bồ đề bằng đồng dát vàng gắn hàng trăm pho tượng phật nhỏ cũng bằng đồng biểu hiện cho Phật pháp biến hoá vô biên, hiện hữu vô cùng theo quan niệm "trong cõi Sa Bà này không chỗ nào là không có Phật độ".
Ngày đưa tượng Phật Tổ về điện Pháp Chủ chùa Bái Đính là ngày 24 tháng 3 năm Bính Tuất, tức là ngày 21 tháng 4 năm 2006. Pho tượng này đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam cấp bằng “Xác nhận kỷ lục “Pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng cao và nặng nhất Việt Nam”, ngày 04 tháng 5 năm 2006.
6. Điện Tam Thế:
Điện Tam Thế là ngôi điện cao nhất trong khu Du lịch văn hóa tâm linh chùa Bái Đính, gồm có 02 tầng: tầng trên là ngôi điện thờ Tam Thế Phật (Quá khứ – Đức Phật A Di Đà; Hiện tại – Đức Phật Thích Ca Mâu Ni; Tương lai – Đức Phật Di Lặc); tầng dưới là khu trưng bày hiện vật, văn hoá phẩm Phật giáo và Tịnh Tâm Chay. Điện được xây dựng bằng bê tông sơn màu gỗ, có chiều cao 35m, hơn 40m, hơn 50m.
Ba pho tượng Phật Tam Thế có ba cách kết ấn khác nhau: Phật A Di Đà kết ấn thuyết pháp, tức là mang đạo Phật để truyền giảng cho chúng sinh; Phật Thích Ca kết ấn thiền định, tức là giữ cho tâm sáng để chống lại mọi tà giáo; Phật Di Lặc kết ấn vô úy, tức là mang lại sự bình an cho chúng sinh.
Bộ tượng này được đúc bằng đồng nguyên khối và giát vàng, mỗi pho tượng có chiều cao 7,2m và nặng 50 tấn. Đây là bộ tượng được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam cấp bằng xác lập “Bộ tượng Tam Thế bằng đồng lớn nhất Việt Nam”.
Tượng Tam Thế, gọi đầy đủ là “Tam Thế Thường Trụ Diệu Pháp Thân ” (Thân pháp chân thực tức đạo thể, nhiệm màu đẹp đẽ của các đức Phật tồn tại vĩnh hằng trong cả ba thời), hoặc “Tam Thế tam thiên Phật”: Quá Khứ, Hiện Tại, Vị Lai. Tượng Phật Hiện Tại ở giữa, tượng Phật Quá Khứ và tượng Phật Vị Lai ở hai bên. Ba tượng Phật này đều ngồi trên toà sen, tượng trưng cho chư Phật nhằm dẫn dắt chúng sinh về dòng chính pháp.
Quá khứ Phật là chư Phật thời quá khứ, gọi là trang nghiêm kiếp, một trong các Phật quá khứ là Phật A Dì Đà. Hiện tại Phật là Phật thời hiện tại gọi là hiện kiếp. Phật giáo Đại thừa coi Thích Ca Mâu Ni là hoá thân của Phật hiện tại xuất hiện để giáo hoá chúng sinh. Vị lai Phật là các đức Phật tương lai gọi là tinh tú kiếp, trong số đó có Phật Di Lặc. Ba tượng Tam Thế đại diện cho ba ngàn chư phật khác nhau ở trên đời của cả 3 kiếp cho nên được đặt ở nơi cao nhất.
Không chỉ có vậy, sự hiện thân của Tam Thế Phật về ba thời hiện tại, quá khứ, tương lai còn nhắc nhở con người phải biết trân trọng cuộc sống nơi hiện tại. Sống sao để thấy mỗi khi hiện tại trôi qua thành thời quá khứ đều là những ngày đáng quý, không thẹn với thân tâm, lạc quan, vui vẻ, hướng về tương lai tốt đẹp.
7. Tượng Phật Di Lặc:
Tượng Phật Di Lặc được đúc bằng đồng nguyên khối, cao 10m, nặng 80 tấn. Tượng được xác lập kỷ lục “Pho tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á”. Phật Di Lặc là biểu tượng của hạnh phúc và an lạc. Nụ cười của Phật Di Lặc mạnh luôn tỏa sáng trên khuôn mặt hiền từ; bình Hồ lô biểu tượng cho sức khỏe và trường thọ; chiếc gậy như ý biểu tượng cho quyền uy.
8. Tháp Báo Thiên:
Tháp Báo Thiên được xây dựng năm 2009, kiến trúc hình lục giác với chu vi 24 mét, chiều cao 100 mét gồm 13 tầng, được xác lập kỷ lục là ngôi Bảo Tháp cao nhất Châu Á. Tháp được xây dựng bằng bê tông cốt thép bên ngoài được ốp gạch nung Bát Tràng là những vật liệu thuần Việt. Tháp là nơi an vị Xá Lợi Phật Thích Ca và các đệ tử của Ngài, được rước từ Ấn Độ về Việt Nam từ năm 2008.
Tầng 1 của Tháp tôn thờ pho tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được đúc bằng đồng nguyên khối giát vàng với tư thế Xúc Địa ấn, có nghĩa là “chạm vào trái đất” hay “gọi trái đất để chứng kiến”. Xung quanh trên bức tường của Tháp là các bức phù điêu mô tả chân thực về cuộc đời của Đức Phật kể từ khi Ngài giáng sinh ra cho đến khi Ngài thành đạo và nhập Niết bàn.
Sau khi Đức Phật nhập Niết bàn, Ngài đã để lại hàng ngàn viên Xá Lợi với nhiều màu sắc khác nhau. Xá Lợi là một trong ba báu vật của Phật giáo (Tượng Phật – Xá Lợi – Cây Bồ đề). Xá Lợi là kim thân của Đức Phật, vì vậy chúng ta được chiêm ngưỡng, được lễ bái Xá Lợi tức là được chiêm bái kim thân đức Phật.
Đứng trên tầng 12 của Tháp có thể nhìn toàn cảnh chùa Bái Đính ban ngày như một bức tranh sơn thủy hữu tình; về đêm dưới ánh đèn lung linh huyền ảo cũng như những bông hoa sen tỏa ánh sáng, hào quang bồng bềnh trên mặt nước.
Dẫu thời gian thoi đưa thì Chùa Bái Đính cổ và khu chùa mới vẫn yên bình tọa lạc giữa lòng hang núi, dõi theo bao thăng trầm của dân tộc.
Tác giả: Nguyễn Thuý Anh (t/h)
Nguồn tham khảo: Wikipedia GOV Ninh Bình
Bình luận (0)