Tác giả: Dr. Yonten Dargye

1. Giới thiệu

Bhutan là một trong những quốc gia Phật giáo được xem là quốc giáo, tại đây Phật giáo được duy trì và phát triển mạnh mẽ qua các giai đoạn lịch sử mà không bị gián đoạn. Phật giáo đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống của người dân Bhutan từ khi họ sinh ra cho đến lúc chết đi.

Các yếu tố khác như: văn hóa, phong tục - tập quán, lịch sử, cảnh quan, công trình kiến trúc… của đất nước này đều mang dáng vóc của Phật giáo.

Theo các nghiên cứu về Phật giáo Bhutan, thì Phật giáo có mặt tại đất nước này vào thế kỷ thứ VII trước công nguyên, nhưng mãi đên thế kỷ thứ IX sau công nguyên thì Phật giáo mới có những ảnh hưởng tương đối lên cuộc sống của người dân Bhutan. Từ thế kỷ thứ X dến thế kỷ thứ XVII là gian đoạn Phật giáo cực thịnh tại Bhutan, giai đoạn này có nhiều hành giả từ Tây Tạng xuất hiện tại Bhutan, thành lập nhiều tu viện, chùa chiền trên khắp đất nước và có ảnh hướng nhất định đối với sự phát triển của Phật giáo, văn hóa và phong tục truyền thống nơi đây.

Mặc dù có nhiều hành giả, học giả xuất hiện trong gia đoạn này, tùy nhiên lại không có một hệ thống, cộng đồng tu sĩ (tăng đoàn) chính thức nào được thành lập. Mãi cho đến những năm đầu của thế kỷ XVII thì Zhabdrung Ngawang Namgyel (1594-1651)[1], mới đứng ra thành lập cộng đồng Phật giáo đầu tiên. Ông bắt đầu chỉ với 30 tu sĩ và kiến thiết tu viện đầu tiên tại trung tâm Cheri năm 1621-1622, cách thủ đô Thimphu 14 km về phía Bắc. Sau đó, năm 1632 khi Tu viện Punakha Dzong được hoàn thành (tại một thung lũng ở phía Đông thủ đô Thimphu) thì các nhà sư ở Cheri mới chuyển về đó. Ngày này, Punakha Dzong vẫn tiếp tục được sử dụng làm nơi an cư mùa Đông của Hội đồng và các cơ quan của Tu viện Trung ương, còn Thimphu là nơi an cư của Hè của chư Tăng. Như vậy Tăng đoàn Bhutan có nguồn gốc từ đây.

Sau đó, số lượng tu sĩ tăng lên đáng kể khi các trung tâm Tăng già (Tu viện) được thành lập ở khắp mọi nơi trên đất nước. Vào cuối thời đại của vua Zhabdrung (năm 1651) có khoảng 360 tu sĩ trong Cơ quan Tu viện Trung ương, đến năm 1774 thì có khoảng 661 tu sĩ. Bất cứ khi nào có sự giảm sút về số lượng các tu sĩ tại các Tu viện Trung ương, thì nhà nước liền có những sắc lệnh yêu cầu các gia đình cho con em của mình xuất gia. Sắc lệnh này được gọi là “thuế tu sĩ” (tsunthrel) được thông qua lần đầu tiên vào thời vua Zhabdrung, sắc lệnh này quy định mỗi gia đình có hơn ba người con trai phải cho một người con trai vào xuất gia tại các Tu viện. Việc gửi con vào các Tu viện sẽ được nhà nước miễn trừ một số loại thuế nhất định. Tuy nhiên, sắc lệnh này đã bị chấm dứt vào khoảng thế kỷ XX. Theo Ủy ban Kế hoạch thì năm 1992 cả nước có khoảng 4000 tu sĩ, cũng theo hồ sơ này thì đến năm 2001 có tổng 3877 tu sĩ sống trong các trung tâm Tăng già khác nhau, 1062 thiền giả và 848 người mới xuất gia trong các Tu viện.

2. Mục đích của việc giáo dục trong tu viện

Cho đến khi giáo dục quốc dân ra đời thì hình thức giáo dục trong Tu viện là lựa chọn duy nhất cho việc học các kỹ năng, đọc viết và nghiên cứu. Các tu viện là các trung tâm học thuật chính của đất nước, ngôn ngữ giảng dạy chính là Choekey[2].

Mục đích cuối cùng của giáo dục trong Tu viện là đạt được những tiến bộ tâm linh. Thế nên, ngoài việc học viên được đào tạo về thế học thì họ còn phải học về các giáo lý căn bản như vô thường và cái chết, quy luật của nghiệp, cái khổ của sanh tử, phát tâm Bồ đề, giá trị của các nguyên tắc đạo đức, huấn luyện tâm trí và nhiều phương pháp đào tạo khác như thế. Vì vậy, mà có thể kết luận rằng giáo dục Tu viện chủ yếu hướng đến việc hướng dẫn, trang bị cho người học phương cách, phương pháp tu tập nhằm giải phóng bản thân ra khỏi những quy luật của sanh tử, luân hồi; tức là con đường đưa đến giải thoát.

Sau này, các bậc cha mẹ có quyền lựa chọn hình thức giáo dục mà con cái của họ nhận được và với lợi thế của nền giáo dục hiện đại mang lại, hầu hết họ đều chọn gửi con vào các trường học quốc dân. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa nền giáo dục Tu viện hiện nay không còn tồn tại, mà ngược lại nó vẫn được duy trì và thậm chí còn phát triển về quy mô và số lượng trong những năm gần đây.

Vì là những tri thức của xã hội đương thời và đóng vai trò tâm linh, nên các nhà sư từ thế kỷ XVII đến XIX luôn có nhưng đặc quyền trong cộng đồng, quyền lực chính trị nhất định. Tuy nhiên, ngày nay ngoài các lĩnh vực giáo dục, các nhà sư hầu như không còn tham gia vào các lĩnh vực hành chính dân sự. Mặc khác, với ý nghĩa tôn giáo và niềm tin các nhà sư lại hay xuất hiện trong những hộ gia đình để thực hiện các nghi lễ, nghi thức liên quan đến đời sống như: lễ hằng thuận, lễ khánh thành, xây nhà, ốm đau, chết chóc…

3. Giáo dục và thực hành tại tu viện

Chương trình giáo dục tại các Tu viện chủ yếu là các môn học về nghi lễ tôn giáo, ngữ pháp, thơ ca, triết học, thiền định…

3.1. Trường Học Cơ Bản Tại Tu Viện

Trường học cơ bản tại Tu viện tương ứng với trường Trung học hiện đại ngày nay. Chương trình học bắt đầu bằng việc học bản chữ cái, đánh vần, đọc và tiến tới ghi nhớ những cầu kinh cầu nguyện và các văn bản khác, cho đến những quy tắc ứng xử hằng ngày và các quy định trong Tu viện. Bên cạnh việc ghi nhớ các văn bản họ còn phải học các nghi lễ, nghệ thuật khác nhau như vần điệu, thổi kèn, và nghi lễ làm bánh (mạn đà la) ... Khi tiến lên các lớp cao hơn, họ bắt đầu được học ngữ pháp, triết học, văn học để hướng đến các nghiên cứu triết học Phật giáo chuyên sâu.

Tiếng Anh và số học cũng được giảng dạy để các tu sĩ dễ dàng tiếp cận và giao tiếp hiệu quả hơn trong giai đoạn Bhutan đang tăng cường kết nối với thế giới bên ngoài. Sau khi hoàn thành chương trình cơ bản tại các Tu viện, học viên được định hướng đến các trường Cao đẳng/ Đại học Phật giáo (Shedras) để tiếp tục học tập, nghiên cứu hoặc lựa chọn tu tập tại các Tu viện trung tâm.

3.2. Trường Cao Đẳng/Đại Học Phật Giáo

Chương trình giảng dạy tại đây là chương trình nâng cao, tiếp nối tại các chương trình học cơ bản cấp dưới. Học viên sẽ được học chuyên sâu về triết học Phật giáo, Prajnaparamita, Vinaya, Abhidharma, tiểu sử các bậc Thánh của truyền thống Phật giáo liên quan đến Bhutan, 13 Đại Bản… đó là các môn học chính được quy định tại trường. Ngoài ra còn có việc chấp hành quy định, quy chế hằng ngày của tu viện và việc thực hành tu tập.

Khóa học kéo dài 5 năm – tức là gồm có 2 năm cử nhân và 3 năm thạc sĩ[3]. Bên cạnh việc học thông thường, thì thường niên còn có các khóa an cư mùa Hè, trong thời gian an cư, 45 ngày học, viên không được phép đi ra khỏi trường. Khóa an cư mùa Hè bắt đầu từ ngày 15 của tháng 6 và kết thúc vào ngày 30 của tháng 7 theo lịch của Bhutan[4] và có một ngày sau mùa an cư được gọi là Lễ Tạ ơn, để tạ ơn các cư sĩ và các vị thiên thần đã bảo hộ trong thời gian an cư mùa Hè đó.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Giao Duc Phat Giao Bhutan Kien Tao Hanh Phuc 1

3.3. Trung tâm Thiền

Giáo dục Phật giáo không kết thúc bằng việc các tu sĩ thông thạo về các nghiên cứu Phật học tại các trường mà họ theo học. Mà sau khi đã nhận được những lời dạy lý thuyết cần thiết, các tu sĩ cần phải trãi qua một thời gian nhất định tại các trung tâm thiền mà tối thiểu là 3 năm – được gọi là “Losum Chog Sum”[5].

Khóa thiền sẽ phụ thuộc vào người thực hành tu theo truyền thống Phật giáo nào, khóa thiền sẽ bắt đầu với phần cơ bản, sau đó tiến tới phần hướng dẫn trực tiếp của các thiền sư. Sau khi hoàn thành khóa thiền 3 năm, vị ấy hoặc được bổ nhiệm làm hiệu trưởng của các trường Phật học, hoặc trở thành người điều hành các trung tâm thiền, đứng đầu tăng sự của cấp huyện. Hoặc cũng có thể tiếp tục thực hành thiền định sâu hơn nếu vị ấy mong muốn và cũng có thể trở thành một vị ẩn sĩ lang thang nơi núi rừng.

3.4. Ni Viện Và Trung Tâm Đào Tạo Cư Sĩ

Theo báo cáo chính thức năm 2000 cả nước có khoảng 13 Ni viện và 214 trung tâm đào tạo cư sĩ. Cũng giống như các trường Phật học kể trên, chương trình giảng dạy ở đây cũng bắt đầu với bảng chữ cái, chính ta và đọc viết. Sau khi trở thành thông thạo các kỹ năng đó thì tiếp tục học thuộc lòng những bài kinh cầu nguyện, các nghi lễ và dần dần được đào tạo cách sử dụng các pháp khi như kèn, trống, damaru, chông, kim cương, nghi lễ làm bánh (mạn đà la) … Chương trình đào tạo hoàn tất khi người học sử dụng thành thạo các pháp khí và thực hành được nghi lễ cũng như thực hành thiền định; sau đó một số người có thể lựa chọn tiếp tục tu tập dựa trên sự hướng dẫn của các thiền sư và sự hướng dẫn giới luật của một bậc thầy.

Giống như chư tăng, các nữ tu và cư sĩ cũng được yêu cầu phải thông thạo trong việc thực hành nghi lễ, để hướng đến phục vụ cho nhu cầu đa dạng của quần chúng. Trên thực tế, những vị ấy đóng vai trò quan trọng trong nhu cầu tinh thần, tâm linh của người dân bằng việc đưa ra những lời dạy, những hướng dẫn cần thiết cụ thể trong những sự kiện quan trọng trong cuộc đời của người dần.

4. Tầm quan trọng của giáo dục Phật giáo

Giáo dục Phật giáo có vai trò vô cùng trong việc kiến tạo hạnh phúc cho mỗi cá nhân và xã hôi dù bất cứ ở quốc gia nào. Giáo dục Phật giáo hướng đến giúp con người kiểm soát, phát triển được sức mạnh nội tâm và hướng đến hoàn thiện nhân cách mỗi người, những phẩm chất quan trọng của con người như tình yêu thương, lòng trách ẩn, sự cảm thông, sự bình tâm, lòng tốt, đức tin, sự cống hiến và hợp tác, sự hiểu biết và thái độ tích cực… tất cả chỉ có thể được giáo dục và hoàn bị nhất trong môi trường giáo dục Phật giáo.

Tất cả những điều kể trên đều là một phần quan trọng trong việc xây dựng hạnh phúc, tự do và tiến bộ của xã hội. Chúng tạo thành một hệ giá trị bền vững mà trong đó người Phật tử là trung tâm, dựa vào đời sống tinh thần của vị ấy. Người Phật tử được giáo dục chuẩn mực là người quần bình, đức độ, công tâm, nhiệt thành và khiêm tốn; dễ dàng kiểm soát được mọi vấn đề và giải quyến chúng một cách hoàn hảo, với sự bình tĩnh về tinh thần và hiểu biết lẫn nhau, từ đó mang lại thiện chí, hòa bình và hài hòa cho xã hội. Nỗ lực thực hành những giá trị này trước tiên mang đến những thành tựu cho mỗi cá nhân sau đó mở rộng ra cho các thành viên trong gia đình, cộng đồng, quốc gia và cuối cùng là toàn thế giới. Vì vậy, giáo dục Phật giáo không chỉ có ích trong việc xây dựng và kiện toàn cá nhân mà còn là một cách sống hòa hợp với mọi người là thế giới.

Ngày này, hệ thống giáo dục Phật giáo tại Việt Nam cũng đã được quan tâm và đầu tư đúng mực, để hướng đến phát triển một nền văn hóa mới cho đất nước dựa trên những giá trị văn hóa truyền thống, mà ở đó người Phật tử là trung tâm. Các trường Sơ, Trung cấp Phật học được xây dựng khắp mọi tỉnh thành trên cả nước để đào tạo trình độ Phật học căn bản, từ đó hướng đến các lớp học chuyên sâu hơn; các trung tâm thiền và khóa tu được tổ chức thường xuyên với sự tham gia của đông đảo trong cộng đồng.

Cư sĩ phật tử có trình đồ cũng được tham gia vào các lớp học của chư Tăng như hệ Đạo tạo từ xa, Cử nhân, Thạc Sĩ, Tiến sĩ Phật học để học tập, tu tập và hướng đến hỗ trợ chư Tăng hoằng pháp. Chính vì hệ thống giáo dục và truyền thông Phật giáo Việt Nam được hoàn bị thế nên việc hoằng pháp và truyền tải chất liệu Phật đến cộng đồng là vô cũng dễ dàng, thuận tiện và đạt được những thành tựu nhất định như ngày này.

Tác giả: Dr. Yonten Dargye Biên dịch: Thích Nhuận Sơn Học viên Thạc sĩ khóa IV Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM Chú thích trong bài viết là của người Biên dịch. Nguồn: Vesak in Bangkok, Thailand [http://www.icundv.org/pdf/2006bhutan_monastic_edu.pdf]

***

[1]  Ông thống nhất đất nước Bhutan và cai trị đất nước từ năm 1616 - 1651. Ông giới thiệu hệ thống quản lý kép, theo đó một nhà lãnh đạo tinh thần trông coi các giáo sĩ và một nhà lãnh đạo chính trị chính trị, những sự kiện của đất nước. Hệ thống này tồn tại cho đến khi thiết lập chế độ quân chủ cha truyền con nối vào năm 1907. [2] Ngôn ngữ cổ của Bhutan [3] Dựa trên khóa học được quy định tại trường Cao đăng Phật giáo Tango, trường Cao đẳng Phật giáo tại thượng lưu thung lũng Thimphu. Chương trình học có thể khác nhau tại một số trường trên toàn thể Vương quốc. [4] Tương ứng với tháng 6 và tháng 7 theo Tây lịch. [5] Được hiểu là mỗi lần của mỗi nữa tháng. Chog là nữa tháng trên từ ngày 1 đến ngày 15 và nữa tháng dưới từ ngày 16 đến ngày 30. Chog Sum là một tháng hoàn chỉnh