Trai giới là việc làm mà những người theo Phật giáo hoặc người bình thường có thể thực hiện trong vòng 24h nhằm tránh xa tội lỗi như sát sinh, trộm cắp, tà dâm, đạt đến sự thanh tịnh của tâm thân. Ăn chay chính là một cách tiến hành trai giới.
ThS. Mai Thị Huyền, Viện Sử học Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2024
Tóm tắt: Bài viết đề cập đến việc thực hiện trai giới của các vị vua quân chủ Việt Nam trong những năm đất nước xảy ra hạn hán và hiệu quả của việc làm này. Xuất phát từ tư tưởng “thiên nhân hợp nhất” và sự tu sửa đạo đức của người đứng đầu chính quyền, nhà vua đã ăn chay, thả bớt cung nữ, chim muông, nghiêm túc kiểm điểm lỗi lầm. Việc trai giới thể hiện lòng thành kính, niềm tin tâm linh của nhà vua với thần linh, với Trời, Phật. Cầu đảo còn là một biện pháp khắc phục về mặt tinh thần đối với thiên tai hạn hán ở Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX. Từ khóa: trai giới, quân chủ, hạn hán, cầu mưa.
Mở đầu
Sử thường chép về việc các vị vua đứng đầu chính quyền tự kiểm điểm bản thân, tu sửa đạo đức, ăn năn, hối lỗi những khi đất nước xảy ra thiên tai. Điều này được thể hiện rõ trong các bộ sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tục biên, Đại Nam thực lục. Ví như: “Có phải trẫm không lo sửa đức để mọi việc bê trễ hay là do quan tể phụ bất tài xếp đặt không điều hòa? [...] Thực là tự trẫm trên không biết thuận lòng trời, dưới không biết kính giữ phép cũ của tổ tông”(1). Hay sách Đại Nam thực lục cũng chép: “Vua dụ các quan trong ngoài rằng: Vừa rồi, thần nắng làm hại, lòng dân sợ nắng, thực bởi trẫm không có đức, trên phạm đến khí hòa của trời”(2). Do vậy, làm rõ việc làm tu thân của các vị vua cũng góp phần sáng tỏ tâm tư, tư tưởng của người trị nước, qua đó thấy được sự quan tâm của nhà nước đối với nhân dân.
Hạn hán là một trong những thực trạng thiên tai xảy ra khá nhiều và nghiêm trọng ở Việt Nam, do những yếu tố bất lợi của vị trí địa lý, địa hình và khí hậu mang lại. Vì vậy, để an dân, nhà vua ngoài những biện pháp chẩn cấp, khai kênh, đào sông thì an dân cũng là việc làm quan trọng, nhằm an ủi người dân trong cơn hoạn nạn. Việc tự răn của nhà vua, trai giới nhằm cầu mưa có hiệu quả cũng là một biện pháp để an tâm nhân dân. Tìm hiểu về hiệu quả của những lần trai giới của nhà vua cũng là gián tiếp tìm hiểu đời sống tâm linh của những người đứng đầu đất nước trong thời kỳ trung đại.
1. Nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện trai giới của các vị vua Việt Nam
Xuất phát từ thuyết Thiên- Địa – Nhân, sự hòa hợp giữa con người với môi trường tự nhiên, trời đất và con người. Con người có vị trí thứ ba giữa Trời và Đất, vì vậy bản thân họ phải biết kính Trời, tôn trọng và hòa hợp với môi trường Thiên nhiên. Tư tưởng “Thiên nhân cảm ứng” khẳng định giữa Trời, Đất và con người có sự liên hệ với nhau. Do đó, thấm nhuần triết lý Thiên - Địa- Nhân và “Thiên nhân cảm ứng” nên các vua đứng đầu đất nước đều cho rằng trời ban phước lành là năm đó thời tiết mưa thuận gió hòa, ngược lại, những năm xảy ra thiên tai, dịch bệnh, mất mùa,… thì nhà vua cho rằng đức, nhân của mình chưa đủ hoặc đã làm những việc sai trái nên bị Trời trừng phạt, giáng tai họa. Bởi vậy, nhà vua đã trai giới trước khi thực hiện các nghi lễ cầu đảo, cúng tế, với hi vọng việc làm của mình mang lại kết quả.
Theo Phật Quang đại từ điển, trai giới nghĩa là: “Nói theo nghĩa rộng thì Trai giới chỉ cho thân tâm thanh tịnh, thận trọng ngăn ngừa sự biếng nhác, buông thả; còn nói theo nghĩa hẹp thì trai giới chỉ 8 Quan trai, hoặc đặc biệt chỉ cho giới không ăn quá Ngọ. [...] Đến thời đại Phật giáo Đại thừa, vì lòng từ bi cấm giết hại nên chuyển sang coi trọng “thể tính của cái ăn”, vì thế cho rằng ăn chay là Trai, như Phật tử Trung Quốc phần nhiều quen gọi ăn chay là “ngật trai”, “tri trai”. [...] Hễ có trì trai thì phải có giới, cho nên hai chữ Trai giới từ xưa vẫn đi song song”(3).
Trai giới là việc làm mà những người theo Phật giáo hoặc người bình thường có thể thực hiện trong vòng 24h nhằm tránh xa tội lỗi như sát sinh, trộm cắp, tà dâm, đạt đến sự thanh tịnh của tâm thân. Ăn chay chính là một cách tiến hành trai giới. Vấn đề ăn chay trong kinh điển của Phật giáo đã được quy định: “Theo giới luật của nhà Phật, giữ giới không sát sinh là một yêu cầu tối thiểu cho tâm hướng thiện ở mức độ cơ bản, người chưa xuất gia ai cũng làm được. [...] Dành một số bữa ăn trong tháng cho các món chay, là bắt đầu giới hạn việc lạm sát của mình. Ăn chay, khi đó, là một hành động đẹp. Cuộc sống sẽ nhẹ nhàng và thanh tịnh hơn khi bữa ăn gia đình xa rời các món giết thịt, xa rời sự chết chóc”(4). Giới luật của Phật giáo đề ra nhằm giáo hóa con người trở nên tốt đẹp hơn, mang lại những lợi ích cho chính bản thân họ và cho cộng đồng. Vì vậy, tuân thủ giới luật có những tác dụng quan trọng. Hiểu theo nghĩa đó, nhà vua trai giới thực hiện không sát sinh, bằng cách ăn chay để tỏ lòng thành kính đối với Chư Phật cũng như thể hiện sự tuân thủ giới luật, hi vọng những việc cầu cúng của mình trở thành hiện thực.
Giáo lýcủa Phậtgiáo không quyđịnh cụ thểviệc cầu cúng là nhất thiết phải ăn chay hay không, nhưng đa phần những người chủ tế thường ăn chay để tỏ lòng kính Phật, tránh sát sinh, nhờ vậy có thể cảm được lòng Trời, giảm đi tai họa mà Trời giáng xuống. Việc làm trai giới, ăn chay này được phản ánh khá rõ trong các tài liệu viết về các hệ phái của Phật giáo. Trong cuốn “Hệ phái bùa chú Việt Nam” những người làm bùa và thực hiện nghi lễ cầu đảo, mật đảo đều thực hiện ăn chay trong khoảng thời gian mà họ cầu cúng thì kết quả mới hiệu nghiệm(5).
Mặt khác, trai giới cũng xuất phát từ lý do muốn tu sửa bản thân, kiểm điểm bản thân cá nhân của nhà vua. Việc trai giới cho thấy nhà vua có thể hiện niềm tin đối với thần linh nói chung cũng như đối với đạo Phật nói riêng. Các vua tin rằng, việc trai giới, giữ bản thân trong sạch sẽ có tác dụng cảm ứng được lòng trời, nhờ vậy mà việc cầu đảo mới có kết quả. Do vậy, vào những năm xảy ra thiên tai hạn hán, nhà vua đã thực hiện việc trai giới, cầu đảo.
2. Việc trai giới của các vị vua Việt Nam thời quân chủ (khi đất nước xảy ra hạn hán)
Sử không chép về việc ăn chay để cầu mưa dưới thời Đinh (968-980) và tiền Lê (980-1009), phải đến thời Lý (1009-1225) mới có những cứ liệu cụ thể. Dưới thời Lý, đã xảy ra 31 lần hạn hán. Tình hình hạn hán kéo dài liên tục vào những năm 1124, 1125, 1126 và 1128. Trước nạn hạn thường xuyên như vậy, năm Mậu Thân (1128), vua Lý Thái Tông chỉ ăn cơm rau để cầu đảo: “Tháng 4, trời hạn, nhà vua phải ăn cơm rau, kiêng khem để cầu đảo”(6). Năm Kỷ Dậu (1129), do trong nước gặp hạn hán, vua Lý Thái Tông đã “trai giới để cầu đảo, hạ chiếu tha những người có tội trong nước”(7). Như vậy, hai năm liên tiếp kể trên, vua Lý đã trai giới để thành tâm cầu mưa.
Thời Trần (1226-1400), sử đã chép về việc ăn chay của các vua Trần. Vào năm Kỷ Tỵ (1329): “Lại một hôm, thượng hoàng mời Huệ Túc Vương vào tẩm điện, bảo ông ngồi. Thượng Hoàng đang ăn chay. Huệ Túc Vương vốn bài xích Phật Lão, nhân nói: “Thần không biết ăn chay thì có ích lợi gì?”. Thượng hoàng đoán biết ý ông, liền dụ rằng: “Ông cha ta ngày xưa thường ăn cơm chay, cho nên ta bắt chước đó thôi, còn ích lợi gì thì ta không biết”. Huệ Túc im lặng rồi lui ra”(8). Không nhiều tư liệu thời cổ của Việt Nam cho biết tác dụng của việc ăn chay như thế nào đối với cơ thể con người, nhưng hiện nay nhiều trường phái thực dưỡng cho thấy ăn chay rất có lợi như giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư, tăng cường sức khỏe tim mạch, cải thiện tâm lý(9),...v.v Những nghiên cứu gần đây của các tác giả cũng cho biết về lợi ích của việc ăn chay: “Ngày nay, các nhà khoa học đã chứng minh rằng người ăn chay tránh được nhiều độc tố cho cơ thể hơn người ăn mặn, [...] Hãy thử quan sát kỹ đời sống của những nhà tiên tri, những nhà hiền triết, chúng ta nhận thấy rõ họ sống rất thanh đạm, hàng ngày dùng rau quả giản dị, thậm chí họ còn ít ăn; nhưng sức khỏe tốt và sức thông minh đặc biệt luôn tỏa sáng nơi họ”(10). Như vậy, hoàn toàn có những cơ sở đáng tin cậy để khẳng định ăn chay là có lợi đối với con người. Điều đó cũng là căn cứ gián tiếp để đời sau có thể hiểu vì sao các vua Trần lại ăn chay.
Thời Hồ (1400-1407), không có tư liệu chép về việc trai giới cầu mưa của vương triều này mà đến thời Lê sơ (1428-1527) mới lại có ghi chép về việc trai giới của nhà vua. Dưới thời Lê sơ, đất nước xảy ra 25 lần hạn hán, nhất là năm 1437, xuất hiện 3 lần hạn. Năm Mậu Thìn (1448), do tình hình hạn hán kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống người dân, vua Lê Nhân Tông đã hạ lệnh cho các quan trong triều cùng với nhà vua thực hiện trai giới để cầu mưa. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Xuống chiếu cho các quan văn võ phải trai giới đến chùa Báo Ân ở cung Cảnh Linh làm lễ Cầu mưa. Vua đích thân tới vái xin”(11). Sách Cương mục chép rõ hơn về sự kiện này: “Hạn hán. Nhà vua chính mình đi cầu đảo. Nhà vua đem trăm quan đến cung Cảnh Linh và chùa Báo Ân, làm lễ đảo vũ. Rồi rước tượng phật Pháp Vân đến chùa Báo Thiên, hạ lệnh cho sư tụng kinh cầu đảo. Nhà vua hầu hoàng thái hậu đến dự lễ. Ngày ấy, tha cho 24 người tù bị tình nghi”(12). Năm Quý Mùi (1463), vì xảy ra hạn hán nên vua Lê Thánh Tông đã thực hiện trai giới: “Mùa thu, tháng 7, hạn. Vua lánh chính điện, giảm món ăn, triệt bỏ đồ nhạc”(13). Thời Mạc (1527-1592), không thấy sử chép về việc nhà vua trai giới để cầu mưa.
Thời Lê Trung Hưng (1533-1789), đã xảy ra 39 lần hạn hán. Có năm xảy ra hạn hán khiến dân lâm vào nạn đói to (1768) và có năm hạn gây ra chết người (1773)(14). Vua Lê và các chúa Trịnh quan niệm rằng thiên tai xảy ra là do bản thân làm gì đó trái với tự nhiên nên bị trời giáng tai họa. Chúa Trịnh xuống chiếu cầu lời nói thẳng, kiểm điểm, sửa đổi bản thân. Sử ít chép về các nghi lễ cầu tạnh, mà phần nhiều là các nghi lễ cầu mưa của chúa Trịnh và việc trai giới, tu thân của nhà chúa để giảm bớt sự xa hoa trong sinh hoạt của mình. Năm Đinh Dậu (1777), vì trời đại hạn lâu ngày nên chúa Trịnh trai giới cầu đảo. Khi được mưa, chúa Trịnh dụ rằng: “Ta ngày đêm xót ruột nghĩ rằng: chính sự có điều gì không phải, nên thương tổn hòa khí. Một mình ta sai trái, chứ trăm họ có tội gì, nếu dân đói tức là ta đã làm cho dân đói, vì thế vẫn lo ngay ngáy”(15).
Sử không chép rõ về việc các chúa Nguyễn ở Đàng Trong có ăn chay để cầu mưa hay không, cũng như không chép về tình hình hạn hán trong những năm từ 1600 đến năm 1789, do vậy chúng tôi chưa thể đưa ra kết luận về giai đoạn này. Đặc biệt, vương triều Tây Sơn (1788-1802), do tồn tại quá ngắn nên cũng không thấy sử chép về việc vua Quang Trung có thực hiện trai giới hay không, vì vậy chúng tôi cũng chưa thể đưa ra kết luận.
Thời vua Gia Long (1802-1919), không thấy tư liệu viết về việc vua Gia Long ăn chay cầu mưa. Phải đến thời Minh Mệnh (1820-1840), mới thấy sử chép về việc trai giới của nhà vua. Cả thời Nguyễn (1802-1884) đã xảy ra 88 lần hạn hán. Tình trạng hạn liên tiếp ba năm 1823, 1824 và 1825 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến các địa phương trong nước. Sử chép như sau: “Tháng 3 năm 1824, trong Kinh kỳ lâu không mưa. Các trấn Sơn Nam, Nam Định, Sơn Tây, Bắc Ninh thuộc Bắc Thành, từ mùa xuân đến mùa hè không mưa, lúa ruộng khoai đỗ khô héo. Bình Thuận và Thuận Thành đại hạn, dân đói đến nỗi phải ăn quả cây rễ cỏ cho đỡ đói. [...] Năm 1825, Kinh kỳ lâu không mưa; Nghệ An và Bắc Thành ít mưa”(16). Do vậy vào năm Ất Dậu (1825), Minh Mệnh đã ra lệnh thả bớt cung nữ. Bộ Đại Nam thực lục có đoạn viết: “Thả cung nữ ra. Vua thấy đại hạn lấy làm lo, bảo Thượng bảo khanh Hoàng Quýnh rằng: “Hai ba năm nay đại hạn luôn, trẫm nghĩ chưa tỏ rõ vì cớ gì. Hay vì con gái bị giam hãm trong cung nhiều, nên khí âm uất tắc mà đến thế chăng? Nay đàn bà con gái trong cung cũng không nhiều lắm, song tạm lựa cho ra 100 người, may ra tai biến bớt chăng?”(17). Đặc biệt, do việc cầu đảo vẫn chưa ứng nghiệm, nên vua quyết định từ sau những ngày đảo vũ cấm được xử án và sát sinh.
Năm Nhâm Thìn (1832), xảy ra 4 lần hạn nặng vào các tháng 3, 5, 6, 10 Âm lịch. Các địa phương như Hà Tĩnh, Bình Định, Kinh kỳ, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên ít mưa nên mùa màng bị ảnh hưởng, vì vậy vua Minh Mệnh đã ăn chay để cầu mưa. Sự việc được chép như sau: “Trước đây, đã mấy tuần nắng dữ, cầu đảo mưa chưa ứng nghiệm. Vua ở trong cung ăn chay thành kính mật đảo. Mưa to, vua rất mừng. Rồi lại nghĩ đến đoàn thuyền Bắc tào chưa tới Kinh hoặc vì gió mưa cản trở, bèn sai bộ Công tư hỏi. Nhân đó vua bảo quần thần rằng: nắng lâu khí nắng uất kết, khi mưa tất có gió to, đó là lẽ thường, âm dương phát tiết. Ta hôm trước mừng mưa nay lại lo gió, biết làm thế nào, vì thế mà không bao giờ quên lo được!”(18).
Năm Quý Tỵ (1833), xuất hiện 4 lần hạn hán vào các tháng 3, 5, 6, 8 Âm lịch. Các tỉnh Nghệ An, Kinh kỳ, Phú Yên, Nam Kỳ ít mưa, bị hạn. Vào tháng 6 năm này, Kinh kỳ Thừa Thiên đã lâu không mưa, mặc dù vua Minh Mệnh đã nhiều lần thực hiện nghi lễ cầu đảo, lại phái thêm Thị lang Lục bộ thay phiên nhau cầu mưa song không có kết quả. Điều này đã tác động đến tâm ý nhà vua, vì lo lắng về tình hình hạn hán, vua Minh Mệnh đã “lánh ở điện khác, giảm bớt món ăn và thả hết chim, muông ở vườn Cấm uyển”(19). Năm Giáp Ngọ (1834) xảy ra 4 lần hạn hán, đặc biệt vào tháng 11 cùng năm, Kinh kỳ khan hiếm mưa, vua Minh Mệnh một mặt sai Lê Văn Quý, Đề đốc Kinh thành cầu đảo, mặt khác lại “chay tịnh, thành kính làm lễ mật đảo ở trong cung”(20), sau đó liền có mưa to.
Từ thời vua Thiệu Trị trở về sau không thấy chính sử chép về việc các vua thực hiện trai giới như thế nào, vì vậy chúng tôi chưa thể đưa ra kết luận về giai đoạn nửa sau thế kỷ XIX.
Xin xem thống kê sau:
Như vậy, dù chỉ chiếm một số lượng khiêm tốn trong lịch sử Việt Nam, song việc trai giới của các vị vua thời quân chủ đã cho thấy tấm lòng vì dân của những người đứng đầu nhà nước. Có thể thấy, việc trai giới được thực hiện nhiều nhất dưới triều vua Minh Mệnh. Trong số những lần trai giới kể trên, ăn chay đã chiếm số lượng khá đáng kể. Có thể khẳng định, việc ăn chay nhằm trai giới đã mang lại những hiệu quả nhất định đối với công việc cầu mưa của nhà vua.
Hiệu quả của việc trai giới
Đa số những lần trai giới nhằm cầu đảo của triều đình hoặc nhà vua đều mang lại hiệu quả. Sử chép vào các năm triều đình làm lễ cầu mưa hoặc cầu tạnh, thì vài ngày sau đó hoặc tháng sau đó liền có mưa. Điều này lại càng khẳng định thêm nghi lễ cầu đảo tỏ ra hiệu nghiệm, có tác dụng an dân trong thời điểm bấy giờ. Sách Đại Nam thực lục đã phản ánh sự vui mừng của vua Minh Mệnh khi cầu mưa có kết quả: “Trẫm lo đến việc nông càng mong mưa lắm, đã hình ra ở trong các bài thơ. Đến giờ Tỵ thì được trận mưa thấm thía tràn trề, đến đêm chưa tạnh. Trẫm xiết bao mừng rỡ, cùng vui với nông dân, mà trông lên trời thì mây đen nghịt, thế tất ở bắc nam xa gần đều mưa.(21)
Tuy nhiên, cũng có những lần nhà vua cầu đảo không thành công, hoặc phải cầu đảo nhiều lần mới có kết quả. Ví như năm Kỷ Dậu (1129), dù nhà vua đã thực hiện ân xá, tha những người có tội trong nước và trai giới cầu đảo nhưng không hiệu nghiệm: “Từ tháng 2 năm ấy đến mãi tháng 3 không mưa, nhà vua thân đi đảo vũ, không linh ứng, nhân bảo các quan hầu: “Trẫm là người ít đức, can phạm đến Trời, làm mất hòa khí: mùa xuân năm ngoái mưa dầm, mùa xuân năm nay đại hạn; Trẫm thấy lo quá! Các khanh nên nghĩ xem trẫm có điều gì lầm lỗi thì bổ cứu lại cho”. Sau đó vua nghe lời can gián của viên ngoại lang Trần Ngọc Khánh rằng “do chính lệnh của nhà vua mà sai lệch vì quá nghiêm khắc, thì điềm dữ sẽ phản ứng lại là nắng nhiều. Vậy xin bệ hạ nghĩ lại”, thì nhà vua cho là phải, xuống chiếu tha các tội nhân trong nước, đến tháng 4 có mưa”(22).
3. Nhận xét
Trai giới là một việc làm vừa thể hiện tinh thần kính Phật vừa là biện pháp để một người đạt đến thân tâm thanh tịnh. Việc trai giới trong một thời gian nhất định có những tác dụng đáng kể đối với chính cá nhân thực hiện công việc đó. Các vị vua Việt Nam thời quân chủ đã thực hiện việc trai giới khá nghiêm túc, đặc biệt là những năm đất nước xảy ra hạn hán.
Việc thực hiện trai giới của các vị vua thời quân chủ đã khẳng định tư tưởng Phật giáo đã tồn tại lâu dài trong đời sống tâm linh của một bộ phận tầng lớp cấp cao trong triều đình Việt Nam. Ăn chay đã trở thành một phần trong đời sống văn hóa của các vua Việt Nam cũng như cầu đảo thần linh là việc làm của quan lại đại thần trong triều đình. Điều này cho thấy, niềm tin của tầng lớp lãnh đạo đối với đấng tối cao đã được duy trì trong thời gian khá dài suốt thời quân chủ.
Thực hiện ăn chay để cầu mưa đã thể hiện niềm tin tâm linh của các vị vua Việt Nam đối với đấng siêu nhiên, đồng thời cho thấy tâm tư trăn trở, lo lắng cho đất nước, nhân dân trong các thời kỳ lịch sử. Đó cũng là việc làm cho thấy tính nhân văn, tinh thần kiểm điểm bản thân của nhà vua để tránh những lỗi lầm trong việc điều hành chính sự. Việc làm này không chỉ có ý nghĩa trong thời kỳ quân chủ mà còn có giá trị tham khảo đối với Việt Nam hiện nay, nhất là công việc phê bình và tự phê bình của các cán bộ nhà nước.
ThS. Mai Thị Huyền, Viện Sử học Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2024
Bình luận (0)