Tham dự buổi trao đổi khoa học có PGs Ts Nguyễn Tiến Vinh, Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông; Ths. Đào Thị Tâm Khánh, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng QLNCKH&HTPT kiêm Chánh văn phòng Dự án KĐPĐ; TS. Vũ Thị Hương, Trưởng ban Thư ký Dự Dự án KĐPĐ; PGS.TS Trần Trọng Dương ở Viện NC Hán Nôm, cùng cán bộ, nghiên cứu viên, nghiên cứu sinh của Viện và các nhà khoa học, học giả quan tâm.
Tại buổi trao đổi khoa học, TT.Thích Tiến Đạt cho biết, Việt Nam nằm trong hệ thống Bắc truyền, dùng Hán tạng, có lịch sử lâu đời, nhưng vì nhiều nguyên nhân nên hiện chưa xuất bản được Đại tạng kinh và các công trình để lại dấu ấn. Giai đoạn Lý – Trần, Việt Nam từng nhiều lần thỉnh Đại tạng kinh từ Trung Quốc, đến thời Nhị Tổ Pháp Loa từng chủ trì khắc in bộ kinh sách này, đồng thời bổ sung các tư liệu Phật giáo của Việt Nam, đáng tiếc đến nay đã không còn. Một số tư liệu hiện còn có niên đại Lê Trung Hưng và Nguyễn. Các bản in thời Lý - Trần hiện không còn, thậm chí là thời Lê Sơ cũng không còn tìm thấy. Các bản sách in hiện còn được rải rác ở nhiều tự viện, trụ xứ chứ không tập trung tại một nơi nhất định. Các tư liệu Phật giáo thể hiện pháp học của các sơn môn pháp phái. Bên cạnh đó, hệ thống kiến trúc và tượng pháp cũng phần nào cho biết được pháp học và pháp hành của mỗi tổ đình.
Qua nghiên cứu, Thượng toạ nhận thấy về tư liệu giấy có nhiều nguồn như: Thỉnh thông qua các thương nhân hoặc con đường đi sứ của các sứ thần Việt Nam; Khắc in lại từ các bản in có nguồn gốc Bắc thư Nam ấn - khắc in lại nguyên bản và chỉ thêm phần lời tựa hoặc khắc in lại có bổ sung và hiệu đính. Ngoài ra, tư liệu còn có văn khắc Hán Nôm trên bia đá, chuông đồng, hoành phi – câu đối; và hệ thống khoa nghi (nghi lễ Phật giáo) mang màu sắc riêng.
Cũng trong khuôn khổ buổi trao đổi, các chuyên viên thuộc Trung tâm tư liệu Phật giáo Việt Nam đã hướng dẫn khách mời trải nghiệm in sách mộc bản...
Tác giả: Thanh Loan
Bình luận (0)