Phàm người học đạo nếu gặp các thứ khổ vui, việc vừa ý không vừa ý, tâm không lui sụt, chẳng để tâm đến danh dự lợi dưỡng ăn mặc, chẳng tham tất cả công đức lợi ích, không bị các pháp thế gian buộc ngại, không thân mến khổ vui, tâm hằng bình đẳng, ăn cơm hẩm cốt nuôi mạng sống, mặc áo vá chỉ để ngừa lạnh; ngơ ngơ như ngu như điếc, sẽ được ít phần tương ưng.

Tác giả: Thích nữ Hòa Thảo

Thiền viện Chơn Không Ni – Thành phố Vũng Tàu

Là một tu sĩ trẻ trong thời hiện đại, các em nhận thức thế nào về lời dạy sau đây của Tổ Bá Trượng: “Phàm người học đạo nếu gặp các thứ khổ vui, việc vừa ý không vừa ý, tâm không lui sụt, chẳng để tâm đến danh dự lợi dưỡng ăn mặc, chẳng tham tất cả công đức lợi ích, không bị các pháp thế gian buộc ngại, không thân mến khổ vui, tâm hằng bình đẳng, ăn cơm hẩm cốt nuôi mạng sống, mặc áo vá chỉ để ngừa lạnh; ngơ ngơ như ngu như điếc, sẽ được ít phần tương ưng. Nếu trong tâm ham học rộng biết nhiều, cầu phước cầu trí, đều là ở trong sinh tử, đối với đạo lý thật vô ích, lại bị gió hiểu biết thổi trôi giạt trở lại trong biển sinh tử “.

I/Đặt vấn đề:

Tổ Bá Trượng.

Trong xã hội hiện nay, của cải vật chất và ham muốn vật chất cùng tăng trưởng nhanh chóng, có người thường coi nhẹ giá trị nội tại tự thân và đời sống tinh thần, thậm chí đánh mất nhân tính và giá trị con người. Trống rỗng tinh thần, nghèo nàn tâm linh là sự khủng hoảng tinh thần nhân văn, khủng hoảng giá trị. Nó trở thành trở ngại lớn đối với sự tiến bộ của loài người. Lòng ham muốn và nhu cầu của con người chịu sự chi phối của quan niệm giá trị nhất định, nếu nó dừng lại lâu dài trên tầng nấc hưởng thụ vật chất thì sẽ hình thành sự tiêu dùng xấu đồng thời đem lại sự phát triển xấu, do đó ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của xã hội, làm cho đời sống tinh thần u mê, hạ thấp tố chất nơi tâm mình, cho nên:

Lời dạy của Tổ Bá Trượng: “Phàm người học đạo nếu gặp các thứ khổ vui, việc vừa ý không vừa ý, tâm không lui sụt, chẳng để tâm đến danh dự lợi dưỡng ăn mặc, chẳng tham tất cả công đức lợi ích, không bị các pháp thế gian buộc ngại, không thân mến khổ vui, tâm hằng bình đẳng, ăn cơm hẩm cốt nuôi mạng sống, mặc áo vá chỉ để ngừa lạnh; ngơ ngơ như ngu như điếc, sẽ được ít phần tương ưng. Nếu trong tâm ham học rộng biết nhiều, cầu phước cầu trí, đều là ở trong sinh tử, đối với đạo lý thật vô ích, lại bị gió hiểu biết thổi trôi giạt trở lại trong biển sinh tử”[1].

II/Nội dung:

Quả thật chính xác, trong đó Tổ đề cao việc “lìa bỏ tất cả những vọng tưởng tức như như Phật” và khuyên thiền sinh tu tập pháp môn vô phân biệt, Bất nhị:

Như vậy, “nhập” được vào cửa Bất nhị thì sẽ thấy Như Lai “như như bất động”. Như ngài Duy Ma Cật đã “mô tả” Như Lai như sau:

“…chẳng ở bên này, chẳng ở bên kia, chẳng ở giữa dòng; không tối, không sáng; không danh, không tướng; không mạnh, không yếu; không sạch, không nhơ; chẳng phải hữu vi, chẳng phải vô vi… chẳng lại, chẳng đi, chẳng ra, chẳng vào, chẳng thủ, chẳng xả…”. “Không phải hữu tướng, không phải vô tướng, không tác, không khởi; không sinh không diệt, không sợ không lo, không mừng không chán; không phải đã tồn tại, không phải sẽ tồn tại, không phải đang tồn tại…”[2].

“Pháp nếu lìa nơi thành

Làm sao mà có hoại

Pháp nếu lìa nơi hoại

Thì làm sao có thành

Thành, hoại cùng một thời

Làm sao có thành, hoại?”[3]

Cho nên với Như Lai “chẳng thể dùng trí mà hiểu, chẳng thể dùng thức mà biết”, “không thể dùng tất cả ngôn thuyết để hiển thị hay phân biệt, tất cả ngôn ngữ đàm luận đều dứt tuyệt”. Trong Kinh Bát Nhã cũng dùng một loạt mười tám loại “Không”, từ “Nội không” cho đến “Vô pháp hữu pháp không” để đẩy toàn bộ cái thế giới hữu sắc này đến chỗ tận cùng của chân không, đến chỗ toàn triệt của phủ định. Nhiều kinh sách, luận giải cũng nói đến pháp môn này, như:

   – Lý vô thường: xác định rằng mọi việc, mọi vật đều là vô thường, không thật.

   – Lý duyên khởi: nói rằng mọi việc, mọi vật đều do nhân duyên tạo ra, nó không có chủ thể nên tự nó đã không thật.

   – Luận Trung Quán cũng chứng minh rằng mọi sự vật chẳng phải cái nọ, chẳng phải cái kia.

Thực ra trên thế gian này tất cả đều là “không”, kể cả con người (ngã). “Ngã” do ngũ uẩn hợp thành cho nên cũng là “không” (vô ngã). Nếu Pháp “không”, Ngã “không” thì Tâm làm sao có thể vướng víu, hệ lụy vào hiện tượng nào đó trong cuộc sống được? Mà tâm rỗng rang, không vướng mắc thì chả phải “chư Phật luôn hiện tiền” đó ư?

Cho nên trách nhiệm của một thiền sinh là Tu làm sao siêu xuất ra khỏi vòng biến thiên, sinh tử, ra khỏi vòng biến dịch nhị nguyên, tương đối, tương đãi, để thực hiện được cái tâm tịch diệt, cái Niết bàn tịch diệt; được trở về với căn nguyên, thực hiện được Bất Nhị Pháp Môn, mà Bất Nhị Pháp Môn là vô đối, là viên dung toàn mãn, siêu xuất lên trên các cặp đối đãi Hữu và Vô.

Vì vậy, Bất nhị trong Phật giáo có hai ý nghĩa cơ bản, Bất nhị không phải là hai, cũng không phải là một, mà là không có số lượng. Bất nhị cũng có nghĩa là tuyệt đối, tức không có sự đối đãi giữa chủ thể và đối tượng. Thiền sư kiến tính, ngộ đạo là cách nói của thế gian. Thật ra không có Thiền sư cầu đạo, cũng không có cái tính hay cái đạo để thấy, để ngộ. Mà chỉ có trở về với tâm Bất nhị vô thủy vô chung, không còn thấy có mình hay có tâm gì nữa cả.

Như lời Lục tổ Huệ Năng nói: Đừng nói có sáng, có tối. Đừng hiểu rằng tu theo Đạo là lấy sáng trừ tối, lấy bồ đề phá phiền não, là vì phiền não tức bồ đề, chẳng khác nhau cũng chẳng phải hai. Nếu lấy trí huệ phá phiền não tức là chấp có hai của hàng Thanh Văn Duyên Giác. Hàng trí cao không thể làm vậy. Đối với sáng và tối, kẻ phàm thấy có hai, hàng Đại thừa thấy “bất nhị” (không hai). Tính Bất nhị là thực tính chân như. Thực tính này bình đẳng ở muôn vật, bất cứ ở đâu, ở phàm phu không bớt, ở hiền thánh không thêm, ở phiền não không loạn, ở thiền định không lắng. Cái thấy “bất nhị” tuyệt đối ấy chẳng đoạn, chẳng thường, chẳng đi, chẳng đến, chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, chẳng ở giữa, chẳng sinh, chẳng diệt, chẳng động, thường trụ chẳng rời, đó là Đạo.

Thiền sư Duy Khoang cũng đã nói: “Khi không còn có tâm phân biệt bận nghĩ tới ta, người, thì bấy giờ ai hỏi Đạo ở tại đâu?”. Khi thấu triệt được “Hết thảy pháp không sinh; Hết thảy pháp không diệt”,giữ được Tâm không thì mặt trời trí tuệ sẽ tự nhiên chiếu sáng và:

“…nếu thấu suốt như vậy

Chư Phật luôn hiện tiền

Chốn nào đi đến nữa”

Từ đó, chúng ta có thể nhận thấy, phương pháp Bất nhị là phương pháp quan trọng trong tám vạn bốn nghìn phương pháp nhận thức của Phật giáo. Cốt yếu của pháp môn này đã chứng minh rằng: “Những sự vật, sự việc ở cõi Ta bà này là không có thật, cốt để đưa chúng sinh thoát khỏi chấp trước, trở về với chân như, phật tính”.

Như ý nghĩa câu ngạn ngữ của người phương Tây: “Những gì ta đang có sẽ phải thuộc về kẻ khác, những gì ta tiêu xài sẽ mất đi, nhưng những gì ta cho đi sẽ còn lại mãi mãi”. Cõi thế vốn vô thường, không ai có thể nắm giữ mãi những gì mình đang có trong tay. Phải buông xả tất cả thì mới có thể an nhiên tồn tại trong cõi “Không”. Chân lý đó cho thấy chính nhờ buông bỏ tất cả nên nắm bắt được tất cả. Vạn pháp do tham luyến mà bị hư hoại và khổ đau, nhờ buông xả mà được thường tồn và an lạc. Khi hoàn cảnh bình yên, người ta lại dễ đắm chìm không tỉnh thức, quên mất rằng cuộc đời vô thường biến hoại. Nỗi đau cũng vô thường, và ngay cả bình yên đó cũng vô thường. Những đến đi trong cuộc đời, vốn là không thể lường trước được. Vậy nên:

“Gặp cảnh an yên cũng đừng vội mừng.

Gặp cảnh khổ đau cũng đừng vội khóc”.

Những hạt giống nhân quả ta đã gieo từ muôn ngàn kiếp. Bây giờ đã trở thành khu vườn chằng chịt đan xen. Tốt xấu lẫn lộn. Để cải tạo nó không phải là điều gì dễ dàng.

Khi đời bình yên, nhớ dặn lòng luôn tỉnh thức, đừng ngủ quên!!

Thật ra, chuyện tu hành là chuyện bơi ngược dòng nước, chưa bao giờ là việc dễ dàng. Hãy không ngừng buông xả ác Pháp và vun bồi phước thiện. Vì vậy, người tu cần phải có trí tuệ phán đoán đúng như thật, thấy sinh diệt không hai không thật thì phiền não làm gì có. Sở dĩ thấy sinh diệt là thật cho nên khi sinh thì vui, bảo vệ cái sinh, khi diệt thì buồn nên sợ cái diệt. Cho nên: “Nếu trong tâm ham học rộng biết nhiều, cầu phước cầu trí, đều là ở trong sinh tử, đối với đạo lý thật vô ích, lại bị gió hiểu biết thổi trôi giạt trở lại trong biển sinh tử “.

Vì vậy gốc phiền não từ đó mà ra, như việc ăn uống hằng ngày của chúng ta, do chạy theo sự ngon dở, bổ dưỡng mà phiền não dấy lên, chẳng qua là bảo vệ cái sinh vì cho nó là thật. Thấy cái diệt tức cái chết là thật, nên những gì người khác làm cho mình bị tổn thương có thể chết thì chống đối thù nghịch. Do bảo vệ cái sinh, sợ cái diệt mà bao thứ phiền não dấy khởi. Còn thấy rõ được tính của sinh diệt không thật, xưa không sinh nay không diệt, thấu suốt được lẽ đó là được vô sinh pháp nhẫn, là vào pháp môn không hai. Hiểu được pháp này rồi, các pháp khác cũng thấy rõ ràng. Nên làm Bồ-tát không phải khó, vì Bồ-tát là giác, là thấy đúng như thật.

Bồ-tát Đức Thủ nói: Ngã, ngã sở là hai. Nhân có ngã nên liền có ngã sở. Nếu không có ngã thì không ngã sở, ấy là vào pháp môn không hai. Nhưng chúng ta ai cũng chấp có ngã và ngã sở. Ngã là ta, ngã sở là những gì thuộc về ta, nào là đồ đạc, nhà cửa, bà con quyến thuộc... Nếu thấy mình thật thì ngã sở cũng thật. Ngay thân tứ đại ngũ uẩn chia chẻ ra tìm cái ngã không có, thì ngã sở làm sao có thật.

Thường trong kinh A-hàm chỉ nói thuyết vô ngã, ít nói về ngã sở, tức là pháp. Bồ-tát thấy ngã không pháp không tức là ngã và ngã sở đều không thật. Thấy được như vậy là Bồ-tát vào pháp môn không hai. Chúng ta có thói quen chấp mình là thật, nên tạo nghiệp dẫn đi trong luân hồi, làm phàm phu mãi mãi. Qua những lời chỉ dạy của Bồ-tát, thấy rõ thân này không thật, thường sống với trí tuệ là giác không còn mê mờ, không bị thói quen chi phối. Nếu sống với trí tuệ thì không gì làm chủ chúng ta nữa, đó là giải thoát. Lối tu rõ ràng như vậy, nhưng có người không hiểu, cứ khấn vái cầu xin. Tưởng đâu cầu là được, nhưng không ngờ chính vì mê lầm chấp thân này là thật, rồi sợ tai ương hoạn nạn, sợ điều này điều nọ. Vì vậy chúng ta cần có trí tuệ vững chắc, đừng sống theo thói quen, để nghiệp lôi kéo. Chỗ cách biệt giữa phàm và thánh không xa, chỉ cần chuyển cách nhìn là từ mê thành trí, đâu có gì khó.

Tất cả chúng sinh mê muội nên khổ đau, là do sáu căn dính với sáu trần. Mắt thấy sắc bên ngoài cho là thật, đuổi theo sắc đẹp, tai theo tiếng, mũi dính mùi, lưỡi dính vị, thân đắm mê xúc chạm khoái lạc, ý duyên pháp trần. Thấy trong ngoài đều thật nên mới khởi tham sân si. Từ đó khiến chúng sinh phải chịu biết bao đau khổ. Nếu ngay đó thấy không thật thì không còn tham sân si, là Niết-bàn tịch diệt. An trụ trong đó, ấy là vào pháp môn không hai. Như những người không có tiền lại muốn thụ hưởng những thú vui của thế gian nên sinh ra trộm cướp. Vì vậy mà họ giành giật nhau từng miếng ăn, từng cái đẹp, từng tiếng hay, từng mùi thơm... Cả đời cứ chôn vùi trong đó, không thoát ra được nên khổ đau triền miên. Đó là gốc mê lầm.

Nói tóm lại, tất cả đều là những bậc thang, những bài học giúp ta tiến bộ mà thôi. Đừng bao giờ chủ quan trước những điều như ý. Vì an yên bên ngoài cũng chỉ là bề mặt của cuộc đời.

Quay về nhìn lại, bão dưỡng tự tâm, không có nghĩa tình thương yêu cuộc đời trở nên hẹp lại. Bởi lẽ, có nhiều thứ ngoài kia được hình thành từ ý đồ nhỏ hẹp của bản ngã vẽ ra. Tâm người vốn rộng bao la như biển, nhưng vì những cơn gió đời tác động, các trận cuồng phong của nghiệp lực khởi lên nên cuốn phăng bình an đi mất và trở nên nhỏ hẹp. Cũng vì mình không đủ định tĩnh, thiếu sự quán chiếu tự tâm, nên ta cũng bao bận chao lòng với hỷ, nộ, ái ,ố dậy lên theo những cơn sóng đời. Có biết bao nhiêu cơn sóng đã khởi xuất từ tâm mà người chưa thấy rõ?! Sóng tham muốn...sóng giận hờn...sóng được mất...sóng tư duy…Chỉ những ai biết cách quay về nhìn lại những cơn sóng ấy mới thấy chúng khởi diệt từ đâu, và chỉ khi nhận ra đó chỉ là hiện tượng diệt sinh của những cơn gió nước mới đủ dung hoà, từ tâm và bình thản với cuộc đời. Trong đời, nhiều người muốn chạy theo những làn sóng hư ảo, để chỉ thoả chút cảm giác mong manh, mấy ai dám mạnh dạn bước ra ngoài để ngồi nhìn con sóng nhấp nhô khởi diệt, để thấy rõ chân tướng sự việc mà lòng nhẹ nhàng bình thản mĩm nụ cười từ ái, bao dung!

Tổ Bá Trượng

Khi chúng ta nhốt sự thành tựu một điều gì đó vào cái lồng tham muốn thì cũng giống như chạy theo những con sóng, sóng sau đuổi theo sóng trước, vồ vập, hồ hỡi nhưng chỉ là những cuộc đuổi bắt theo bọt nước mong manh! Vô thường và hư ảo đến thế, vậy mà biết bao người tiếc nuối chút hư ảo kia để xuôi theo những cơn sóng nước, để rồi vỡ tan ở cuối con đường. Ai nắm bắt mong manh chỉ còn lại tiếc nuối!

Cuộc sống ấy mà, luôn đặt vào tay chúng ta cơ hội có tên “hiện tại”, nên, nếu mất thì cũng từ tay chúng ta mà mất, do lòng còn động niệm để đôi tay còn lơ đãng, không thể trách ai.

“Chẳng phải bố mẹ, chẳng phải người thân, chẳng phải bất kỳ ai trên cuộc đời này có thể biến ta thành người cao thượng. Để trở thành một người cao thượng phải bắt đầu từ tâm niệm hướng thiện của chính mình”.

Một trong những điều khó khăn nhất của người đời chính là việc thuyết phục được bản thân tin rằng tự mình chịu trách nhiệm cho những hành động của mình, từ suy nghĩ, ánh mắt, lời nói. Thời gian để thuyết phục được bản thân tin vào điều đó dài bằng chính thời gian để đi từ hoang mang, âu lo, dằn vặt, hận thù đến được bình yên, đó là một quá trình nỗ lực rất dài, rất lâu, rất nhiều.

Người đã tin và người chưa tin được điều đó, khi đi ngang qua cuộc đời, đều gặp những bất trắc như nhau cả thôi; như đi dưới mưa, ai cũng bị ướt; khác nhau, một người có nơi trú ẩn, một người lại chưa; một người đã yên, một người còn phải loay hoay tìm ngoài kia một nơi trú ẩn tạm cho mình; một người đã biết quay về tựa vào chính mình, một người thì chưa. Như khi nghe giông gió, một người vội gia cố ngôi nhà mình thật chắc chắn, một người lại trách cuộc đời sao lắm gió giông.

Qua nhiều lần giông gió, một người càng vững chãi hơn, càng biết tận dụng từng điều thiện rất nhỏ để gia cố cuộc đời mình, còn một người chỉ toàn những lời đổ lỗi cho cuộc sống làm mình bất an.

Cuộc sống ấy mà, rồi sẽ có một ngày, những chuyện chưa tin cuộc sống bắt chúng ta phải tin, những điều chưa chấp nhận được cuộc sống bắt chúng ta phải chấp nhận, chỉ là, có khi ngày đó đã quá muộn, chẳng còn nhiều thời gian để làm được gì nữa. Cuộc sống luôn đem những gì tốt đẹp nhất cất vào trái tim mỗi người, để họ tự giữ lấy.

Con người từ thuở ban sơ cái tâm giống như tâm trẻ thơ, chưa hề biết Ác là gì do đó cũng không có ý niệm Thiện. Đó là “Tính không hai” vốn có sẵn “chẳng phải thiện, chẳng phải ác”, đó cũng là phật tính. Ngày nay chúng ta biết cái ác nên có cái thiện, đó là “nhị nguyên”. Như lời lục tổ Huệ Năng: “Ðừng nói có sáng, có tối, đừng hiểu rằng tu theo đạo là lấy sáng trừ tối, lấy Bồ Ðề phá phiền não, là vì phiền não tức bồ đề, chẳng khác nhau cũng chẳng phải hai. Nếu lấy trí huệ phá phiền não tức là chấp có hai của hàng Thanh Văn Duyên Giác”. Hàng trí cao không thể làm như vậy. Ðối với sáng và tối, kẻ phàm thấy có hai, hàng Ðại Thừa thấy “bất nhị” (không hai). Tính “bất nhị” là thực tính chân như. Thực tính này bình đẳng ở muôn vật, bất cứ ở đâu, ở phàm phu không bớt, ở hiền thánh không thêm, ở phiền não không loạn, ở Thiền định không lắng. Cái thấy “Bất nhị” tuyệt đối ấy chẳng đoạn, chẳng thường, chẳng đi, chẳng đến, chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, chẳng ở giữa, chẳng sinh, chẳng diệt, chẳng động, thường trụ chẳng dời.

Ðó là đạo. “Đừng hiểu rằng tu theo Đạo là lấy bồ đề phá phiền não, là vì phiền não tức bồ đề, chẳng khác nhau cũng chẳng phải hai”: Khi ta còn ý niệm lấy bồ đề phá phiền não (cũng giống như khi khổ vì nghèo thì tìm cách làm giầu để được sung sướng,phá cái khổ khi còn nghèo), tức là tâm ta còn mang hai ý niệm bồ đề - phiền não, là nhị nguyên, vì bị phiền não ta mới nghĩ tới bồ đề và tìm bồ đề để phá phiền não, cũng như tìm “hoan hỉ” để phá “sầu muộn” vĩnh viễn, là điều không thể được. Con đường duy nhất là xóa bỏ ranh giới giữa bồ đề và phiền não, trở về với tâm vô phân biệt, không còn phân hai nữa (bất nhị), bồ đề hòa chung với phiền não làm một, không còn bồ đề mà cũng chẳng còn phiền não, lúc này bồ đề tức phiền não, chẳng khác nhau cũng chẳng phải hai. Tất cả lời nói trên đều được hiểu ở gốc độ Chân Đế. Vô phân biệt là sự từ chối, sự từ chối này theo Bát Nhã Tâm kinh dưới góc nhìn của duy thức.

Vì vậy kinh điển Phật giáo thường nói “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức” khoảng cách không gian chỉ là tâm thức, không có thật, bất cứ khoảng cách là bao nhiêu tỉ quang niên, chỉ một niệm là đến. Nhà vật lý Phạm Xuân Yêm mượn danh từ Không để diễn tả những khái niệm tương đồng giữa Phật giáo và khoa học.

Ông nói: “Cái Không lượng tử thực là trạng thái cơ bản, là cội nguồn và chốn trở về cũng như ra đi của vạn vật. Nó không rỗng tuếch chẳng có gì mà là cái thế lắng đọng của tất cả. Chân không - vật chất - không gian - thời gian chẳng sao tách biệt, cái này có là cái kia có, cái này không thì cái kia không, đó là hệ quả của lượng tử và tương đối! Sinh vật cũng là một cấu trúc ảo có khả năng phát sinh ra nhất niệm vô minh. Nhiều nhất niệm vô minh khởi lên liên tục tạo thành dòng tâm niệm hay tâm thức, từ đó hình thành cái ta bao gồm thân ngũ uẩn và dòng tâm niệm. Con người trở thành một chủ thể biết tư duy vì nó có ký ức, biết ghi nhớ, biết liên kết những sự kiện riêng lẻ của Sự pháp giới lại thành Lý pháp giới. Tóm lại, Tâm bắt đầu bị phân hoá thành chủ thể và đối tượng khi nó hình thành được sinh vật có cơ thể, bắt đầu hình thành cái ta. Rồi cái ta này nhận thức các vật xung quanh thành đối tượng. Khi đã xuất hiện chủ thể và đối tượng thì không gian, thời gian và số lượng cũng đồng thời hình thành. Tâm vô lượng đã phân hoá thành vô số pháp, vô số chúng sinh, vô số vũ trụ, nói chung là Tam giới[4]. Như vậy muốn Giác Ngộ là trở về nguyên thủy tức là vô phân biệt, lúc đó nhất niệm vô minh sẽ tan mất đi thì Chân Như niệm hiện ra như mây tan thì trăng tỏ hay tu tập từ từ Giới - Định - Tuệ thì Ngộ đạo. Làm sao đạt được vô phân biệt. Chỉ có Thiền là đạt được, khi đạt được định thì đạt được vô phân biệt. Cho nên cuộc sống hàng ngày nếu chúng ta dùng tính phân biệt để làm việc và bảo vệ sự sinh tồn của chính mình. Đó còn gọi là vô minh nhưng rất cần thiết, còn trong thiền định thì nó không cần thiết nữa nên là vô phân biệt. Chỉ có vô phân biệt thì mới trực nhận trực giác thật tướng các pháp tức ngộ đạo. Còn ý thức là còn cái tôi xen vào thì chưa ngộ đạo nên Phật mới giảng vô ngã tướng. Khi nào chúng ta còn có thái độ phân biệt rõ rệt giữa những người thân yêu, người oán nghịch và người xa lạ thì chúng ta không thể nào có được tấm lòng thương yêu chan hòa đối với mọi người. Vì vậy, tâm xả không những hóa giải những trạng thái rắc rối đối với tha nhân mà còn là nền tảng để rèn luyện lòng thương yêu và tâm từ ái đúng nghĩa đối với mọi người.

Thái độ chấp thủ, thù ghét và bàng quan đối với tha nhân phát triển mỗi khi chúng ta chỉ nhìn những đặc điểm hời hợt nhất thời bên ngoài của họ. Thí dụ, hôm nay anh Nguyễn tặng cho chúng ta một món quà và anh Ngô đàm tiếu về chúng ta, thế là chúng ta xem anh Nguyễn là người bạn và anh Ngô là kẻ thù. Ngày mai, anh Ngô tặng cho chúng ta một món quà và anh Nguyễn nói xấu chúng ta. Thế là cảm xúc của chúng ta bất chợt thay đổi, xem anh Ngô là người bạn còn anh Nguyễn là kẻ thù.

Trong thực tế, cả anh Nguyễn và anh Ngô đều hành động tương tự như nhau, như vậy thì làm thế nào chúng ta có thể nói rằng người này đúng là bạn và người kia đúng là kẻ thù? Nếu chúng ta có tầm nhìn vượt qua những hành động mà hai người thể hiện thì chúng ta sẽ thấy rằng cả hai đều có những phẩm tính tốt đẹp và cả hai đều có những nhược điểm. Như vậy, có tâm thái tham trước đối với một người vì thấy người ấy “tốt” và có tâm thái oán ghét đối với người kia vì thấy người kia “xấu” là một cách ứng đối không phù hợp với thực tế.

Trong vòng sinh tử luân hồi, trải qua vô số tiền kiếp, mỗi người chúng ta đã từng là một người bạn, một kẻ thù và một người dưng nào đó trong một thời gian cụ thể. Mối quan hệ của chúng ta với tha nhân là một dòng biến thiên không ngừng. Vì vậy, thái độ tham trước, thù ghét hay dửng dưng đối với tha nhân là không thích đáng.

Ðức Phật dạy: Ðối với người có thái độ thù nghịch chúng ta trong hiện tại thì nên nhớ rằng người ấy đã từng là người mẹ, người cha, người bạn, người anh và người chị mà chúng ta từng thương yêu quý mến trong chập chùng kiếp sống xa xưa. Những người đang làm lợi lạc cho chúng ta hôm nay nên nhớ họ cũng đã từng là những kẻ thù oan nghiệt của chúng ta. Vì vậy chúng ta hãy bỏ đi thái độ tức giận đối với những người làm hại mình, hãy bỏ đi thái độ tham luyến đối với những người mà chúng ta yêu thích và hãy mở rộng lòng thương đối với vạn loại sinh linh một cách bình đẳng đại đồng.

Nhờ nhận thức được rằng không có một người nào là người thân, kẻ thù hay người dưng một cách bẩm sinh và cố định mãi mãi nên chúng ta thoát khỏi những trạng thái u mê của tham luyến, của thù ghét và của dửng dưng. Cũng chính nhận thức ấy giúp cho chúng ta có được một tấm lòng đôn hậu, bình đẳng thương yêu, trải rộng đến tất cả mọi người. Chúng ta sẽ không còn có cảm giác xa lạ đối với bất cứ người nào và cũng không còn cảm giác lo âu sợ rằng mọi người sẽ bỏ mặc chúng ta.

Trên nền tảng bình đẳng này, chúng ta có thể xây dựng ý hướng xả thân bố thí thông qua 7 pháp nhân quả. Sau đây là 6 pháp nhân đầu tiên:

Nhận thức rằng tất cả chúng sinh là người mẹ của chúng ta. Ghi nhớ về những điều tốt đẹp mà người mẹ đã dành cho chúng ta. Mong muốn đền đáp lại những điều tốt đẹp mà người mẹ đã làm cho chúng ta. Tình thương. Lòng từ. Quyết tâm.

Sáu pháp nhân này sẽ kết tụ thành pháp thứ bảy, tức là tâm xả thân bố thí hay Bồ đề tâm.

Phật giáo nhập thế tích cực trên tinh thần:

“Tùy thuận các duyên không chướng ngại

Niết bàn, sinh tử thảy không hoa”

tư tưởng Bất Nhị Pháp Môn vi diệu của Phật giáo qua bài kệ thị tịch của Phật hoàng Trần Nhân Tông trước khi ngài nhập Niết Bàn.

“Nhất thiết pháp bất sinh

Nhất thiết pháp bất diệt

Nhược năng như thị giải

Chư Phật thường hiện tiền

Hà khứ lai chi hữu”

(Hết thảy pháp không sinh

Hết thảy pháp không diệt

Nếu thấu suốt như vậy

Chư Phật luôn hiện tiền

Chốn nào đi đến nữa)

Có thể nhận thấy, đây chính là bài kệ đắc pháp thâm diệu của Phật hoàng Trần Nhân Tông ẩn chứa trong đó tư tưởng Bất Nhị Pháp Môn của Phật giáo.

“Pháp môn Bất nhị” là pháp môn nhằm làm rõ chân lý tuyệt đối không phân chia. Chương Nhập Bất Nhị Pháp Môn (Chương IX trong 14 chương của Kinh Duy Ma) chuyên thuyết giảng về vấn đề này:Bất nhị tức là không hai, không hai chứ không phải một. Mới nghe tưởng như là chơi chữ nhưng đó là cách diễn đạt con đường buông xả đầy diệu dụng. Thông thường, thế giới được nhận thức qua lăng kính nhị nguyên, nghĩa là luôn có chủ thể và đối tượng, thế giới luôn được phân hai: thiện – ác, tốt – xấu, được – mất, hơn – thua, cao – thấp, trên – dưới, trong – ngoài, ta – người… Không có hai thì thế giới không tồn tại.

Tóm lại, Bất nhị trong Phật giáo có hai ý nghĩa cơ bản, Bất nhị không phải là hai, cũng không phải là một, mà là không có số lượng. Bất nhị cũng có nghĩa là tuyệt đối, tức không có sự đối đãi giữa chủ thể và đối tượng. Thiền sư kiến tính, ngộ đạo là cách nói của thế gian. Thật ra không có thiền sư cầu đạo, cũng không có cái tính hay cái đạo để thấy, để ngộ. Mà chỉ có trở về với tâm Bất nhị vô thủy vô chung, không còn thấy có mình hay có tâm gì nữa cả

Hệ thống truyền thừa của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã được tiếp nối qua nhiều vị Thiền sư với những phương pháp tu hành mang nhiều ý nghĩa thiết thực của giáo lý Phật Đà. Song phương pháp nhận thức Bất nhị pháp môn để tu tập đem lại cuộc sống giác ngộ giải thoát của Phật Hoàng Trần Nhân Tông là một điểm cốt lõi tạo nên truyền thống Trúc Lâm Yên Tử và Nhân Tông Đệ nhất Tổ trong lịch sử Thiền phái nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.

Hệ thống truyền thừa của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã được tiếp nối qua nhiều vị Thiền sư với những phương pháp tu hành mang nhiều ý nghĩa thiết thực của giáo lý Phật Đà. Song phương pháp nhận thức Bất nhị pháp môn để tu tập đem lại cuộc sống giác ngộ giải thoát của Phật Hoàng Trần Nhân Tông là một điểm cốt lõi tạo nên truyền thống Trúc Lâm Yên Tử và Nhân Tông Đệ nhất Tổ trong lịch sử Thiền phái nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung. Khác với các thiền phái khác, thiền phái Trúc Lâm của Đại Việt mang đậm tinh thần nhập thế, muốn tìm con đường giác ngộ không phải từ bỏ thế gian này mới giác ngộ được. Với tinh thần đạo pháp thì người con Phật càng phải dấn thân vào cuộc sống, vui với niềm vui của đất nước, đau với nỗi đau của dân tộc, nhưng khi thanh bình thì vẫn trở về với cuộc sống tu hành thoát tục.

Thiền phái Trúc Lâm đã mang đầy đủ những đặc điểm ấy. Bằng sự chứng ngộ Thiền lý sâu xa, Trần Nhân Tông đã lấy tôn chỉ: “Bất lập văn tự, Giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật” làm chủ đạo, kết hợp giảng kinh thuyết pháp, giúp cho người học Phật hiểu sâu kinh điển, chuyển lời kinh chết trong sách thành những bài kinh sống nơi con người.

Thực tế, thời gian Ngài xuất gia đến khi viên tịch không dài, nhưng trong những năm đó, ngài đã lấy tinh thần Phật giáo nhập thế, “từ bi hỉ xả” cứu độ chúng sinh bằng cách phát triển đạo pháp, dân tộc cùng hoà hợp, từ vua Trần Thái Tông đến các vua Thánh Tông…tạo nên mạch truyền thống và sự phát triển bền vững của đạo Phật thời Trần, tính gắn kết mật thiết giữa dân tộc và tôn giáo, giữa chính quyền và thần quyền, tạo nền tảng bền vững cho sự phát triển xã hội.

Thiền phái Trúc Lâm còn thể hiện đậm bản sắc dân tộc ở chỗ, sau khi đánh đuổi quân xâm lược, đất nước thái bình thì các Thiền sư trở về với việc tu hành và nghiên cứu để đưa hiểu biết của mình đến với người dân. Đây là tinh thần nhập thế mà các thiền phái trước chưa thực hiện được, chính tinh thần này đã tạo nên sức mạnh của dân tộc Việt và đã đưa Phật giáo phát triển đạt tới đỉnh cao trong lịch sử Việt Nam. Thiền phái Trúc Lâm đã kết hợp khéo léo giữa lý tưởng Quốc gia và Phật đạo, vốn là khía cạnh của lý tưởng tôn giáo đại đồng.

Thiền phái Trúc Lâm đã mang đầy đủ những đặc điểm ấy. Bằng sự chứng ngộ Thiền lý sâu xa, Trần Nhân Tông đã lấy tôn chỉ: “Bất lập văn tự, Giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật” làm chủ đạo, kết hợp giảng kinh thuyết pháp, giúp cho người học Phật hiểu sâu kinh điển, chuyển lời kinh chết trong sách thành những bài kinh sống nơi con người.Tư tưởng Tam giáo đồng qui thực sự cũng được hỗ trợ bởi một lý tưởng tôn giáo như thế.

Trần Nhân Tông đã chủ trương đưa thiền phái tích cực dấn thân vào xã hội, xây dựng đất nước hưng vượng bằng từ bi, trí tuệ và đạo đức của Phật giáo. Tông chỉ Thiền tông rất thực tế và gần gũi với con người, lấy “Chỉ thẳng tâm người, thấy tính thành Phật”, nhằm đánh thức mỗi người tự sống vươn lên. Phật tức tâm, ai có tâm đều có Phật, không phân biệt nam nữ, trẻ già, người trong đạo hay ngoài đạo, là chân lý bình đẳng với tất cả. Thành Phật là thành ngay trong tâm mình, không phải thành ở trên núi cao, trên cõi trời xa xôi. Đó là lấy con người làm gốc, là tôn trọng người, nâng cao giá trị con người, nâng cao sức mạnh của dân tộc. Chúng ta tu là làm sao siêu xuất ra khỏi vòng biến thiên, sinh tử, ra khỏi vòng biến dịch nhị nguyên, tương đối, tương đãi, để thực hiện được cái tâm tịch diệt, cái Niết bàn tịch diệt; được trở về với căn nguyên, thực hiện được Bất nhị pháp môn, mà Bất nhị pháp môn là vô đối, là viên dung toàn mãn, siêu xuất lên trên các cặp đối đãi Hữu và Vô. “Bất nhị” là “không hai”, nghĩa là không kẹt vào hai thái cực, nhị nguyên, hoặc Có – Không, hoặc Đời – Đạo, hoặc Sinh tử - Giải thoát, Tục đế - Chân đế, Phương tiện – Cứu cánh… Tư tưởng Bất nhị được nhấn mạnh trong kinh Duy Ma Cật xuất phát từ lý luận Nhị đế, vốn là nội dung quan trọng trong hệ tư tưởng Bát Nhã. Tư tưởng Nhị đế có từ trước khi Phật giáo Đại thừa ra đời, nhưng đến thời của Bát Nhã kinh và Trung Quán phái mới phát triển mạnh mẽ. Nhị đế là hai loại sự thật: Chân đế và Tục đế (thế đế), hay sự thật tuyệt đối và sự thật tương đối…

Trung Quán dựa vào Chân đế mà nói Không, dựa vào Tục đế mà nói Hữu (Giả hữu). Rời Tục đế mà tìm Chân đế thì không thể thấy, phải từ trong sinh tử mới tìm được giải thoát. Lục Tổ Huệ Năng đã nói rất hay “Phật pháp tại thế gian bất ly thế gian giác”. Cho nên Nhị đế là hai mặt dung thông nằm trong một chỉnh thể thống nhất, khuyết một không được. Cũng như ta không thể lấy mặt trái hay mặt phải của một tờ giấy riêng rẽ ra. Đó cũng là Trung đạo. Trung đạo tuy nhận thức là chính, nhưng không thể chỉ dừng lại ở nhận thức mà phải đi tiếp con đường “Bất nhị”, đưa tư tưởng, nhận thức vào cuộc sống. “Bất nhị” cũng thống nhất với tư tưởng “Vô phân biệt” hay “Tính không” (Chân không Diệu hữu”. Các vị lãnh đạo của thiền phái Trúc Lâm, trong đó có Pháp Loa đã áp dụng tư tưởng Bất nhị, không rời thế đế mà cầu chân đế. Nên ăn cơm, uống nước, làm việc… cũng đều là tu. Từ đó mà cống hiến hết mình bằng nhiều phương tiện, làm tất cả mọi việc có thể bằng khả năng của mình, tuy là bận rộn, mệt nhọc nhưng lại không thấy mình bận rộn, mệt nhọc mà vẫn an trụ trong thiền tâm nhàn nhã.

Ngài Tổ sư Pháp Loa dạy: “Trong mười hai giờ, ngoài dứt các duyên, trong tâm không loạn. Vì tâm không loạn nên cảnh vẫn an nhàn. Mắt không bị thức lôi cuốn mà hướng ra ngoài; thức không bị cảnh lôi kéo mà hướng vào trong. Ra vào không giao tiếp nhau nên gọi là ngừng nghỉ. Tuy gọi là ngừng nghỉ mà không phải là ngừng nghỉ.”[5]

“Ngoài dứt các duyên, trong tâm không loạn” cũng gần như cách nói về thiền định đích thực của Lục tổ Huệ Năng trong Đàn kinh: ”ngoài lìa tướng là thiền, trong không loạn là định”. “Ngoài dứt các duyên” không phải là không làm gì hết, để sáu căn không phải xúc cảnh, không sinh tâm mà là sáu căn vẫn tiếp xúc sáu trần, nhưng giữ cho “tâm không loạn”. Tâm không loạn nên cảnh vẫn an nhàn, không bị nó chi phối, mắt thấy sắc mà không bị sắc lôi kéo, tai nghe thanh mà không bị thanh dẫn dắt… Cho nên “Ra vào không giao tiếp nhau nên gọi là ngừng nghỉ. Tuy gọi là ngừng nghỉ mà không phải là ngừng nghỉ”. ”Ngừng nghỉ” ở đây là tâm không chạy theo cảnh. Ta thấy quan điểm này cũng đồng với tư tưởng “Đối cảnh vô tâm”, “Trần tục mà nên” của Trúc Lâm. Vì “Đối cảnh vô tâm” nên tự tại làm hết thảy mọi việc mà không bị những gian lao của danh dự và lợi dưỡng chi phối, và làm mà không thấy mình làm, tu mà không thấy mình tu, đó mới thực là làm, là tu. Đúng như Pháp Loa nói: “Người tu thiền không được chấp vào dụng công. Dụng công mà không thấy có dụng công gọi là Thiền.thượng thừa…”[6]

 Vị Tổ Trúc Lâm trao lại cho Tổ Pháp Loa 100 hộp kinh sử ngoại điển và 20 hộp Đại tạng nội điển, đó là Tổ Trúc Lâm trao cho Tổ Pháp Loa cái nhìn rộng mở của “Bất nhị” của “Vô phân biệt”. Ở vị trí của một nhà lãnh đạo Giáo hội chớ chỉ biết nội điển hay một pháp môn thuần túy mà cần thông suốt các hệ tư tưởng khác để có thể tiếp nhận, học hỏi cái hay và dung hòa được tất cả. Tổ Pháp Loa đã lĩnh hội điều đó, để rồi cuộc đời của Ngài là một cuộc đời hoạt động không biết mỏi mệt để tiếp tục xây dựng và phát triển Giáo hội Trúc Lâm – nền Phật giáo thống nhất, bao dung, hài hòa với các hệ tư tưởng khác cũng như tín ngưỡng bản địa, ôm trọn vào mình thành một dòng chảy chung mang tên văn hóa Đại Việt với dòng chủ lưu là văn hóa Phật giáo

Tổ Pháp Loa nhấn mạnh về “Tính không” của Bát Nhã để nhắc nhở những người tu Phật có thể trong Giáo hội Trúc Lâm, cũng có thể ngoài Giáo hội Trúc Lâm, không được quản lý và hướng dẫn chặt chẽ, không hiểu rõ lẽ “Không” để xảy ra nhiều tệ lậu khiến cho Tổ Pháp Loa phải thốt lên rằng: “Nay các ngươi đã vào trong chùa, làm người con Phật, mà lại chạy theo thói phù hoa để cầu danh tiếng, không chịu tham cứu chỗ ấy.”[7] Nói “Tự tính Bát Nhã” để nhắc nhở người tu chớ có ảo vọng mà tìm cầu bên ngoài, dựa dẫm vào các điều kiện đủ đầy, chu cấp lợi dưỡng của thế tục cho là sung sướng, an nhàn, giải thoát; phải trở về với trí tuệ sáng suốt nơi tự tính của mình mà tu tập: ”Luống để cho tháng lại ngày qua, lăng xăng tìm cầu bên ngoài, một phen cái chết đến thì phải làm sao? Nơi nào là chỗ an thân lập mệnh?” Lời nhắc nhở của Tổ Pháp Loa và lời khuyên răn của tổ Bá Trượng :

“Phàm người học đạo nếu gặp các thứ khổ vui, việc vừa ý không vừa ý, tâm không lui sụt, chẳng để tâm đến danh dự lợi dưỡng ăn mặc, chẳng tham tất cả công đức lợi ích, không bị các pháp thế gian buộc ngại, không thân mến khổ vui, tâm hằng bình đẳng, ăn cơm hẩm cốt nuôi mạng sống, mặc áo vá chỉ để ngừa lạnh; ngơ ngơ như ngu như điếc, sẽ được ít phần tương ưng. Nếu trong tâm ham học rộng biết nhiều, cầu phước cầu trí, đều là ở trong sinh tử, đối với đạo lý thật vô ích, lại bị gió hiểu biết thổi trôi giạt trở lại trong biển sinh tử “.

Đều nói[8] “Bất nhị” để nhắc người tu Phật đừng để chưa có cái gì “chấp trì” mà đã đòi “phá chấp” như các bậc Thượng sĩ, để rồi “ba nghìn oai nghi, tám vạn tế hạnh, phần của mình không được mảy may nào… Chớ lấy việc trong mộng cho là lời nói thật, rồi bác bỏ nhân quả, hoang mang mờ mịt, chuốc lấy tai ương!”[9] Nhưng ta cũng biết chắc chắn rằng, Pháp Loa không chỉ nói “Không, “Vô Phân biệt, “Bất nhị” “Tự tính Bát Nhã”… để nhắc nhở những người tu đạo, mà hơn hết, nó là triết lý tư tưởng đã thấm sâu vào cuộc đời hành động của Ngài cũng như của các nhà lãnh đạo thiền phái Trúc Lâm. Vì “Không” cho nên “Vô trụ”, “Vô trước”, “Vô phân biệt”. Một vị Bồ Tát đích thực làm hạnh phúc cho nhân sinh bằng tất cả khả năng của mình, với tất cả những việc làm có thể với sự dẫn dắt của trí tuệ Bát Nhã, trên tinh thần “Tùy tục”, “Tùy duyên”. Cho nên ta mới thấy một Pháp Loa thông tuệ đã thiết lập nhiều trường, lớp, mở nhiều pháp hội giảng kinh, thuyết pháp cho Tăng Ni đạo tục; biên soạn điển tịch với nhiều thể loại từ lịch sử Phật giáo, cho đến kinh điển thiền, giáo, mật, giới luật, nghi lễ ứng phó đạo tràng; xây chùa, tô tượng, độ tăng nhiều không kể; nhưng vẫn hành các nghi lễ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của các tầng lớp trong xã hội từ vua quan cho đến dân chúng như cầu an, cầu siêu, cầu mưa, cầu tạnh; Nho cũng học, Đạo cũng tường, thiền liễu ngộ, kinh giáo thông suốt, đà la ni cũng trì; Chẳng ngại gì thân cận vua quan, dạy bảo đệ tử tứ chúng, đến đi tự do, thõng tay vào chợ. Đó không gì hơn, thực là tinh thần và trí tuệ của Bát Nhã

Hiện nay, ở thế kỷ 21, trước khủng hoảng của các tư tưởng hệ, bao gồm tư tưởng khoa học, khủng hoảng môi sinh, đạo đức xã hội,… chúng ta nhận thấy những triết lý nhân bản thực tại luận của Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông trong đó có tư tưởng Bất nhị pháp môn ngày càng được con người nhận thức, phát huy và lan tỏa. Thế nhưng khổ nỗi :

“Chúng sinh trong cõi này cang cường, khó chuyển hóa, nên Phật phải giảng thuyết bằng ngôn ngữ cứng rắn để điều phục. Đây là Niết bàn, kia là Địa ngục… Bày ra thiên đàng địa ngục, ngạ quỷ súc sinh cho họ sợ, để họ tự sửa cái tâm mình”. Chớ sau cùng Phật dặn: Ta chưa hề nói điều gì cả!

Hạt giống Như Lai bao giờ nó cũng vẫn phải “mọc” ra như thế. Nó vậy là nó vậy. Như thị tướng, Như thị tính, Như thị thể, Như thị lực… Bổn mạt cứu cánh như thị!

Duy-ma-cật, dù gánh nặng cha mẹ, vợ con, nhà cửa, sản nghiệp…mà vẫn tu hành thành Bồ-tát được là nhờ thấy:

Trí Bát-nhã là mẹ

Tùy nghi phương tiện là cha

Pháp hỷ là vợ nhà

Từ bi là con gái

Tâm thiện là con trai

Trần lao là đệ tử

(…)

Trong lửa sinh hoa sen

Tại năm dục hành thiền

(…)

Vô lượng ức đấng Như Lai,

Chư Phật với thân mình đây.

Không khác chi đừng phân biệt!”

Không khác chi. Đừng phân biệt! Ấy là “Bất Nhị”!

Phật mở toang kho tàng bí mật của Như Lai, “khai thị” cho chúng sinh “ngộ nhập”. Từ bi là đó. Trí huệ là đó. Bình đẳng là đó. “Thấy biết” Như Lai, sống với Như Lai, Phật tủm tỉm cười một mình. Thôi nhé. Đừng làm phiền Ta nữa nhé. Ca Diếp cũng cười được như vậy nên Phật truyền trao Ca Diếp tiếp tục con đường:

“Bên trời xanh mãi Những nụ mầm mới Ðể lại trong cõi thiên thu hình dáng nụ cười…” (Trịnh Công Sơn)

III/Kết luận:

Tóm lại , qua lời dạy của Tổ Bá Trượng là một tu sĩ trẻ trong thời hiện đại này, con có nhận thức và cảm nhận qua lời dạy của Tổ Bá Trượng cùng sự nhìn nhận hệ thống truyền thừa của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã được tiếp nối qua nhiều vị Thiền sư với những phương pháp tu hành mang nhiều ý nghĩa thiết thực của giáo lý Phật Đà. Song phương pháp nhận thức Bất nhị pháp môn để tu tập đem lại cuộc sống giác ngộ giải thoát của Phật Hoàng Trần Nhân Tông là một điểm cốt lõi tạo nên truyền thống Trúc Lâm Yên Tử và Nhân Tông Đệ nhất Tổ trong lịch sử Thiền phái nói riêng và PGVN nói chung. Dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử đã được hồi phục và phát triển mạnh mẽ bởi cách tu tập và triết lý của nó vẫn mang đậm tính thời đại: giúp con người đạt được chân lý ngay trong thực tại chứ không phải ở một thế giới nào khác, Ngài chính là linh hồn của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, vĩnh viễn bất sinh bất diệt trong lòng hậu thế.

Trải qua biết bao thăng trầm, bao nghịch duyên và thuận duyên nhưng với giới đức tinh nghiêm, đạo hạnh thanh tịnh và thệ nguyện sâu rộng, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã luôn dấn thân trọn vẹn với lý tưởng nhập thế, đem đạo vào đời, với tinh thần Tùy duyên bất biến, cư trần lạc đạo, Bất nhị pháp môn. Ngài là tấm gương sáng ngời của một bậc minh quân lỗi lạc, tài đức vẹn toàn, một vị Tổ sư đắc đạo; Ngài là biểu tượng cho tính nhân văn, tình yêu quê hương đất nước vô bờ bến và tinh thần đại đoàn kết toàn dân, ý chí quyết tâm đánh thắng giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc chủ quyền của đất nước. Thì chúng con là đàn hậu thế của chư vị Tổ , con xin kính dâng Ngài nén tâm hương con xin phát nguyện phụng trì Phật pháp, phát huy chân lý đạo nhà, giữ gìn Tổ ấn vàng son, làm rạng rỡ chốn Tổ, non sông gấm vóc thiên thành, một cõi vững bền muôn thuở, duy trì truyền thống tự lực, tự cường, phát huy nội lực, kết hợp với ngoại lực để phát huy đạo pháp:

“Mãi mãi sáng ngời gương Phật tổ

Ngàn sau rạng chiếu nét Tông phong”.

Và con cũng xin thôi “ lang thang làm kẻ phong trần khách “ lập chí tu hành tinh tấn để sớm nhận ra được lời của Tổ Bá Trượng dạy:

“Phàm người học đạo nếu gặp các thứ khổ vui, việc vừa ý không vừa ý, tâm không lui sụt, chẳng để tâm đến danh dự lợi dưỡng ăn mặc, chẳng tham tất cả công đức lợi ích, không bị các pháp thế gian buộc ngại, không thân mến khổ vui, tâm hằng bình đẳng, ăn cơm hẩm cốt nuôi mạng sống, mặc áo vá chỉ để ngừa lạnh; ngơ ngơ như ngu như điếc, sẽ được ít phần tương ưng. Nếu trong tâm ham học rộng biết nhiều, cầu phước cầu trí, đều là ở trong sinh tử, đối với đạo lý thật vô ích, lại bị gió hiểu biết thổi trôi giạt trở lại trong biển sinh tử “. để dù trong thời hiện đại, là một tu sĩ trẻ tuổi cũng sớm nhận thức được lời dạy của Tổ Bá Trượng, mà lấy đó làm kim chỉ nam tu hành thật tốt cho đến ngày viên mãn thành Phật mới thôi ạ.

Chú thích:

[1] https://diendanphatphap.com/diendan/threads/quy-y-tang.31903/page-3

[2] https://tnti.vnu.edu.vn/8337-2/

[3] https://tnti.vnu.edu.vn/8337-2/

[4] Ý nghĩa của Bất Nhị trong Phật giáo, tác giả: Truyền Bình, tham khảo: Thư Viện Hoa Sen.

[5] Tam Tổ thực lục, Thích Phước Sơn (dịch và chú), Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1995 ,trang 67.

[6]  Tam Tổ Thực Lục, sđd, trang 68.

[7] Tam Tổ Thực Lục, sđd, trang 69. “Chỗ ấy” ở đây chỉ pháp môn Thiền Thượng thừa.

[8] Tam Tổ Thực Lục, sđd, trang 69.

[9] Tam Tổ Thực Lục, sđd, trang 70.

Tài liệu Tham khảo:

  1. Ý nghĩa của Bất Nhị trong Phật giáo, tác giả: Truyền Bình, tham khảo: Thư Viện Hoa Sen.
  2. Tam Tổ thực lục, Thích Phước Sơn (dịch và chú), Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1995
  3. Vi Tếu hỏi và đáp 66, tác giả: Hòa Thượng Viên Minh, tham khảo: Trung tâm Hộ tông.
  4. https://www.vanhoaphatgiaovietnam.net/thu-vien/sing/vi-tri-vai-tro-cua-phat-hoang-nhan-tong-voi-phat-giao-viet-nam-481
  5. https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%A7n_Nh%C3%A2n_T%C3%B4ng
  6. http://thuongchieu.net/index.php?option=com_content&view=article&id=1615:trung-lun-quan-thanh-hoi&catid=17:ttttp&Itemid=347
  7. https://diendanphatphap.com/diendan/threads/quy-y-tang.31903/page-3
  8. https://tnti.vnu.edu.vn/8337-2/

Tác giả: Thích nữ Hòa Thảo

Thiền viện Chơn Không Ni – Thành phố Vũng Tàu