Mỗi năm nếu Tăng Ni chịu khó tham gia một khóa an cư kiết hạ và 03 khoá tu truyền thống, tôi nghĩ đạo lực sẽ được tăng trưởng rõ rệt. Một khi đạo lực tăng trưởng thì mọi sinh hoạt tu học và hoằng pháp lợi sanh đều đúng Chánh pháp và lợi ích thiết thực.
* Là thế hệ kế thừa mạng mạch của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang cùng các vị trưởng lão dày công gìn giữ Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam, xin Hòa thượng chia sẻ tầm quan trọng của việc phát huy tinh thần của Tổ Thầy
- Hòa thượng Giác Pháp: Khi Đức Tổ sư phát tâm Bi - Trí - Dũng thực hành tứ y pháp, với chí nguyện Nối truyền Thích-ca Chánh pháp, Ngài chỉ mong bù vào chỗ thiếu của đạo Phật đương thời. Như thế có nghĩa là về mặt hình thức sinh hoạt và các phương tiện truyền giáo đã được các tổ chức Phật giáo đương thời áp dụng trong phong trào chấn hưng Phật giáo. Tuy nhiên vấn đề ứng dụng pháp môn tu để đạt mục đích giác ngộ, giải thoát vẫn chưa được chú trọng. Do đó, Tổ sư đặt nặng việc tự thân hành trì, tu chứng hơn là phát triển hình thức bên ngoài.
Nhìn lại thực trạng ngày nay chúng ta thấy rằng Phật giáo Khất sĩ nói riêng và Phật giáo nói chung, về mặt hình thức thì quả thật phát triển rất mạnh. Tăng Ni đông, cơ sở tự viện nhiều, qui mô vượt trội, cơ sở đào tạo Tăng tài cũng đã phát triển vượt bậc. Thế nhưng, những vị xuất gia có tâm huyết thượng cầu hạ hóa thì rất ít, nếu không nói là rất hiếm. Do đó, tôi nghĩ là Tăng-Ni đoàn cần phải quan tâm phát triển về mặt tu tập cho tự thân hơn là phát triển hình thức. Mỗi người cần phải áp dụng điều mà ngày xưa Tổ Quy Sơn khuyến cáo: “Nội cần khắc niệm chi công, ngoại hoằng bất tránh chi đức; huýnh thoát trần thế, ký kỳ xuất ly” (Trong thường nhớ nghĩ công phu, ngoài rộng mở hạnh hòa kính; thoát hẳn thế trần, mong cầu giải thoát). Đây chính là sự phát huy tinh thần của Tổ Thầy đúng nghĩa nhất.
* Tổ sư Minh Đăng Quang là vị Thầy khai sáng Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam, hình ảnh Tổ luôn bao trùm và hiện diện trong lòng Tăng Ni, Phật tử Phật giáo Khất sĩ. Với Hòa thượng, hình bóng Tổ hiện diện ra sao trong sự nghiệp tu học, làm đạo?
- Hòa thượng Giác Pháp: Hình bóng Tổ sư hiện hữu trong tôi không phải là một vị sư Khất sĩ tuổi độ 30, dung nghi đĩnh đạc, cốt cách siêu phàm thoát tục. Hình ảnh của Ngài không thể dùng những từ tượng hình để diễn tả, mà phải được cảm nhận bằng trái tim, bằng tấm lòng và bằng trí tuệ của mỗi chúng ta.
Cảm nhận được tinh thần vô uý của Tổ, sẽ là động lực giúp ta vượt qua bao nhiêu chướng duyên ngăn đạo, bao nhiêu cám dỗ của cuộc đời, bao nhiêu yếu hèn của tự thân để sớm hoàn thành đạo nghiệp. Cảm nhận được lòng từ bi của Ngài giúp chúng ta mở rộng lòng từ ái bao dung, yêu thương tất cả để sẵn sàng dấn thân phục vụ. Cảm nhận trí tuệ siêu việt của Ngài để chúng ta không ngừng phát triển tự thân, tư duy quán chiếu để nhận rõ con người và cuộc đời đúng chơn lý... (HT.Giác Pháp)
* Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển, ổn định, đồng hành cùng dân tộc. Tuy nhiên, trong thời hiện đại, việc hoằng pháp, đem đạo vào đời cũng nhiều thử thách, với Tăng Ni của Phật giáo Khất sĩ thì thách thức ấy là gì?
- Hòa thượng Giác Pháp: Theo tôi, chẳng có gì là thách thức cả, chẳng qua chỉ là những chướng duyên nho nhỏ thôi, chỉ có điều chúng ta chưa toàn tâm toàn ý phụng sự đạo pháp và chúng sanh. Có người cho rằng thời đại văn minh khoa học, vật chất thịnh hành nhất là thời đại số 4.0 làm cho Tăng Ni khó tu học. Thực ra điều đó chỉ đúng một phần, nếu đem so sánh những cám dỗ trong hiện tại với cuộc sống xa hoa trong nhung lụa của hoàng cung ngày xưa Thái tử Tất Đạt Đa hưởng thụ chưa chắc ngày nay có thể bằng được. Thế nhưng, trong cuộc sống xa hoa đó Ngài vẫn nhận ra nỗi thống khổ của nhân loại và Ngài đã từ bỏ hoàng cung ra đi tìm chơn lý.
Ngày nay nếu Tăng Ni chịu khó tư duy quán chiếu năm uẩn, để từ bỏ thái độ chấp ngã và ngã sở hữu thì có gì cám dỗ được? Trong số hàng ngàn Tăng Ni, chỉ cần một người giác ngộ thì có thể giúp cho biết bao người cùng giác ngộ. Đa số Tăng Ni vẫn nhìn những vị giáo phẩm cao cấp để học theo, nhưng những vị giáo phẩm vẫn chưa đạt được mục tiêu tối hậu của người xuất gia thì bảo sao hàng đại chúng bên dưới có thể dễ dàng vượt qua thử thách, bảo sao không bị vật chất cuốn lôi?
Còn việc hoằng pháp, đem đạo vào đời thì càng không có gì gọi là thách thức cả. Phật pháp tuỳ duyên, nhân duyên tới đâu thì làm đạo tới đó, điều quan trọng là mỗi người phải tự nỗ lực tu dưỡng tự thân, không cưỡng cầu sẽ không bị thất bại.
* Theo Hòa thượng, hiện nay, nhiệm vụ trọng yếu mà mỗi môn đồ đệ tử Tổ sư cần làm trong sự nghiệp “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” mà Tổ sư đã trao truyền là gì?
- Hòa thượng Giác Pháp: Chúng ta không cần phát triển thêm cơ sở vật chất, không cần Tăng Ni đông hơn, mà cần nhất là những cơ sở hiện có phải được chỉnh trang cho hoàn thiện, đáp ứng được nhu cầu tu học của Phật tử. Tăng Ni phải được trang bị đầy đủ kiến thức Phật pháp, nhất là đời sống tinh thần phải được quan tâm nhiều hơn nữa.
Hiện nay, Tăng Ni đã đi quá xa so với lộ trình giác ngộ, giải thoát mà ngày trước Tổ sư đã vạch ra. Cho nên, điều quan trọng là cần phải điều chỉnh lại lộ trình này, sao cho từng bước gần gũi hơn chứ không nên để càng ngày càng đi xa hơn. Khóa tu truyền thống của Phật giáo Khất sĩ là một điển hình, qua đây giúp cho Tăng Ni thực tập đời sống chánh niệm tỉnh giác, nhất là cơ hội sống chung tu học theo lời Tổ sư chỉ dạy. Tuy thời gian diễn ra khóa tu không dài, nhưng cũng giúp các hành giả quay về đời sống nội tâm nhiều hơn. Mỗi năm nếu Tăng Ni chịu khó tham gia một khóa an cư kiết hạ và 03 khoá tu truyền thống, tôi nghĩ đạo lực sẽ được tăng trưởng rõ rệt. Một khi đạo lực tăng trưởng thì mọi sinh hoạt tu học và hoằng pháp lợi sanh đều đúng Chánh pháp và lợi ích thiết thực.
Tóm lại, nhiệm vụ trọng yếu mà mỗi Tăng Ni Khất sĩ cần làm, không gì hơn là từng bước quay về đời sống phạm hạnh thanh tịnh. Học tập, hoằng pháp, phụng sự đều không thể tách rời phạm hạnh. Một khi Tăng Ni có kiến thức, có phạm hạnh, đặt mục tiêu giải thoát giác ngộ lên hàng đầu là chúng ta đã đáp ứng một phần sự mong mỏi của Tổ sư - bù vào chỗ thiếu của Phật giáo hiện nay.
Thiện Tuệ thực hiện Theo: Tập san Đuốc Sen 32
Bình luận (0)