Tu tập Tứ vô lượng tâm là điều kiện quan trọng để xây dựng đời sống gia đình yên ấm hạnh phúc. Thực hành bốn tâm vô lượng giúp diệt trừ tham sân si là cội nguồn của bạo lực gia đình. Sân hận và si mê khiến con người sống ích kỷ hẹp hòi với mọi người và ngay cả chính bản thân mình.

Tác giả: Thích nữ Uyển Nhiên Học viên Thạc sĩ Khóa 5, Học viện PGVN tại Tp.HCM

DẪN NHẬP

Mối quan hệ giữa vợ chồng, cha mẹ con cái, anh chị em là tình cảm thiêng liêng ấm áp, tạo nên mái ấm hạnh phúc cho gia đình. Các mối liên hệ này đáp ứng nhu cầu tình cảm và duy trì nòi giống cho xã hội loài người. Mỗi người trong chúng ta đều tìm kiếm sự bình yên ấm áp khi trở về gia đình sau những bộn bề hối hả của nhịp sống hiện đại. Dù vậy, gia đình đôi khi lại trở thành địa ngục trần gian bởi những xung đột mâu thuẫn hay thậm chí là bạo hành xảy ra với tần suất thường xuyên. Do sự phát triển nhanh chóng không bền vững của nền kinh tế thị trường khiến cho con người mải mê chạy theo đồng tiền mà lờ đi các giá trị truyền thống. Con người bỏ quên những giá trị đạo đức, tiếp thu những yếu tố văn hóa ngoại lai một cách máy móc và thụ động. Hệ lụy của sự phát triển kinh tế không bền vững đã tác động tiêu cực lên sự phát triển của gia đình. Bạo lực gia đình diễn ra nhiều hơn, chồng bạo hành vợ, cha mẹ bạo hành con cái, sự giáo dục trở nên lệch hướng,…tất cả những điều này khiến cho xã hội ngày càng hỗn loạn.

1. Thực trạng bạo lực gia đình hiện nay

Trong môi trường toàn cầu hóa, các biến động bất lợi của thị trường kinh tế tác động không nhỏ đến đời sống xã hội. Các rủi ro, bất ổn về kinh tế, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội,... gây những biến đổi đến đạo đức và lối sống trong xã hội. Sự phân hóa xã hội diễn ra một cách nhanh chóng làm sâu sắc thêm những mâu thuẫn xã hội. Quan niệm về đạo đức hôn nhân trở nên lệch lạc như đề cao tình dục, tự do trong hôn nhân thái quá…Tệ nạn yêu đương không thành lại giết người mình yêu, vợ chồng đâm chém nhau vì mâu thuẫn, mẹ ôm con tự tử vì gây gổ với chồng,..đều là những vấn nạn do đạo đức suy đồi.

Gần đây, báo chí đưa ra các vụ án khiến dư luận phẫn nộ như gì ghẻ bạo hành con chồng cho đến chết, cha dượng đánh đập con riêng của vợ tàn nhẫn,… đều là những hậu quả nghiêm trọng của việc ly hôn. Bạo lực gia đình điển hình là bạo lực giới và bạo lực trẻ em. Có thể nói hiện tượng chồng bạo hành vợ xuất phát từ nguyên nhân chủ yếu là do sự bất bình đẳng giới. Chính từ sự phân công lao động đã gây nên sự bất bình đẳng giới trong gia đình và hiện tượng bạo lực diễn ra ngày càng phổ biến. Tư tưởng Nho giáo ăn sâu vào tâm hồn con người Nam giới nhất viết, thập nữ viết vô; con gái phải theo cha, lấy chồng theo chồng, chồng mất phải theo con, người phụ nữ không có bất kỳ quyền tự do nào để phát triển bản thân. Hiện tượng bạo lực gia đình vẫn luôn diễn ra từ xưa đến nay nhưng chỉ khi xã hội tiến bộ văn minh, con người bắt đầu quan tâm đến các giá trị tinh thần thì nạn bạo lực gia đình mới được quan tâm chú ý. Bạo lực giới gồm ba dạng: bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần và bạo lực tình dục. Bạo lực giới trong gia đình đang được nhìn nhận như là một hiện tượng xã hội mang tính chất toàn cầu. Tình trạng bạo lực diễn ra tùy thuộc vào hoàn cảnh kinh tế và lứa tuổi trong gia đình. Ở các vùng miền núi, đồng bằng, thành thị, nông thôn, trong các gia đình khá giả hoặc nghèo đói, ở các nhóm lứa tuổi khác nhau đều đã và đang xảy ra bạo lực với các hình thức khác nhau như đánh đập, chửi bới, vừa bắt ép quan hệ vừa đánh đập,... Chồng bạo hành vợ với những trận đòn khủng khiếp theo đó là những lời nói mạt sát, đe doạ mang lại hậu quả cả về tinh thần lẫn thể xác. Một tình trạng đang diễn ra khá phổ biến là tình trạng ép buộc trong quan hệ tình dục giữa vợ chồng. Nó không chỉ cản trở sự phát triển cuả gia đình và xã hội mà còn làm sai lệch hệ giá trị đạo đức tích cực tiến bộ của con người. Bạo hành khiến đối tượng bị chấn thương nghiêm trọng, gây đau đớn về thể xác, chấn thương về tâm lý, có thể dẫn tới tàn tật hoặc thậm chí là tử vong.

Gia đình không có sự yêu thương chăm sóc lẫn nhau giữa các thành viên có thể sinh ra tổn thương tâm lý ở trẻ em và dẫn tới những phản ứng bạo lực, gây gổ, thù hằn ở trẻ. Bạo lực gia đình gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và thể xác, chấn động về mặt tinh thần, gây rối loạn về mặt trật tự xã hội, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển nhân cách của trẻ em. Trẻ em có tuổi thơ sống trong hoàn cảnh bạo lực hoặc là nạn nhân của bạo lực, có hành vi bạo lực cao hơn nhiều so với những trẻ bình thường. Sự bạo hành của cha mẹ đối với con cái có ảnh hưởng xấu không chỉ trong thời gian bạo hành mà còn để lại di chứng suốt cuộc đời con người. Các hành vi bạo lực trẻ em không chỉ là đánh đập, hành hạ về thể xác mà còn bao gồm cả việc cưỡng ép, kiểm soát hành vi làm tổn thương về mặt tâm lý của trẻ. Trong gia đình, các hành vi hành hạ trẻ em thường được biện minh với lý do là dạy dỗ, không được xem là bạo hành. Nhiều bậc cha mẹ luôn nhìn thấy ở trẻ những thiếu sót, lỗi lầm, cho nên ứng xử thiếu tôn trọng trẻ, luôn chê bai, trách phạt làm tổn thương tình cảm ở trẻ, khiến trẻ luôn sống trong mặc cảm, tự ti hoặc ngang ngược, quậy phá. Người lớn cho rằng cha mẹ chăm lo vật chất vô điều kiện cho trẻ thì trẻ phải có trách nhiệm phải nghe lời. Sự phiến diện trong giáo dục, đặt nặng vấn đề giáo dục trí lực, coi nhẹ việc giáo dục về hành vi, phẩm chất nhân cách của trẻ là nguyên nhân khiến cha mẹ cư xử bạo hành với trẻ. Một hình thức bạo lực trẻ em hiện nay đang có xu hướng gia tăng là bạo lực tình dục. Con cái được xem là tài sản của cha mẹ, vì vậy đa số bạo lực tình dục xảy ra ở các gia đình có cha dượng hay thậm chí có những trường hợp xảy ra do chính ba ruột của bé gái. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do gia đình không hạnh phúc, tình trạng lạc hậu của các vùng nông thôn hay miền núi, ở đây con người hoạt động tính dục theo bản năng.

2. Lời Phật dạy về Tứ vô lượng tâm trong kinh tạng

Đức Phật dạy về Tứ vô lượng tâm trong kinh Trung Bộ: “Lại nữa, này Vàsettha, vị Tỷ-kheo an trú, biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ... với tâm câu hữu với bi... với tâm câu hữu với hỷ, biến mãn một phương với tâm câu hữu với xả, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với xả, quảng đại, vô biên, không hận, không sân”[1]. Khi hành giả an trú trong bốn tâm vô lượng cũng là lúc tâm đoạn trừ cấu uế không còn tham sân si. Trong kinh Ví Dụ tấm vải đức Phật dạy về con đường để đi đến Sinh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm xong hành giả phải tu tập để đoạn trừ cấu uế của tâm. Cấu uế của tâm là tham, sân, và si. Sau khi tâm hành giả đã được thanh lọc, không còn dơ bẩn bởi những cấu uế cũng là lúc tâm vị này được an trú biến mãn với bốn tâm từ, bi, hỷ, xả không bị trở ngại. Căn bản của sự thực hành bốn tâm vô lượng này là tạo lợi lạc cho chúng sinh. Lấy sự cứu khổ ban vui cho mọi loài làm mục tiêu để tu tập. Bốn vô lượng tâm là pháp môn hướng đến toàn bộ chúng sinh không phân biệt không gian và ranh giới, không phân biệt thời gian địa điểm.

Kinh ghi: “Từ vô lượng: Tỳ-kheo đủ tâm Từ đối với chúng sinh không phân oán thân, bình đẳng an vui, luôn thực hành tâm Từ vô lượng, cho nên gọi là hạnh Từ vô lượng”[2]. Tu tập tâm Từ vô lượng là thực hành đem đến sự an ổn vui vẻ cho tất cả mọi loài không bị ngăn cách trở ngại bởi không gian và thời gian. Người tu tập tâm từ phải loại trừ sân tâm, sự nóng nảy, giận hờn đối với chúng sinh phải được loại trừ mới có thể tu tập tâm từ một cách trọn vẹn. Đức Phật dạy: "Này Rāhula, hãy tu tập sự tu tập về lòng từ; này Rāhula, do tu tập sự tu tập về lòng từ, cái gì thuộc sân tâm sẽ được trừ diệt”[3].

Tâm Bi trong Tứ vô lượng tâm được định nghĩa: “Bi vô lượng: Tỳ-kheo đủ tâm Bi đối với chúng sinh không phân oán thân, bình đẳng cứu khổ, luôn thực hành tâm Bi vô lượng, cho nên gọi là hạnh “Bi vô lượng”[4]. Hành giả tu tập tâm bi là phát khởi ý muốn cứu chúng sinh ra khỏi khổ đau không có sự phân biệt người ghét kẻ thân, không ngăn ngại bởi thời gian không gian hay giống loài. Khi hành giả tu tập lòng bi, hại tâm sẽ tự động vắng bóng: “Này Rāhula, hãy tu tập sự tu tập về lòng bi; này Rāhula, do tu tập sự tu tập về lòng bi, cái gì thuộc hại tâm sẽ được trừ diệt”[5]. Người tu tập lòng bi luôn mong muốn làm cho chúng sinh hết khổ, như vậy ý muốn hãm hại kẻ khác, lòng thương tổn đối với người khác cũng không còn.

Kinh văn ghi: “Hỷ vô lượng: Tỳ-kheo đủ tâm đại Hỷ đối với chúng sinh không phân oán thân, bình đẳng đem đến sự vui vẻ, luôn thực hành tâm Hỷ vô lượng, cho nên gọi là hạnh Hỷ vô lượng”[6]. Tâm hỷ hiểu đơn giản là sự hân hoan, vui vẻ đối với chính bản thân mình và người giống nhau không khác. Chúng ta phải hoan hỷ với chính việc làm thiện của mình vì chỉ khi cảm thấy vui vẻ với việc làm chúng ta mới làm nó một cách toàn tâm toàn ý. Chúng ta cần khởi tâm hoan hỷ với chính việc thiện của mình và người. Chúng ta thấy mình và người không khác, hoan hỷ ngợi khen việc tốt của người để trừ bỏ đi những tâm ghen ghét, không vui vẻ sinh khởi trong tâm mình: “Này Rāhula, hãy tu tập sự tu tập về hỷ; này Rāhula, do tu tập sự tu tập về hỷ, cái gì thuộc bất lạc sẽ được trừ diệt”[7].

Đức Phật dạy về tâm Xả: “Xả vô lượng: Tỳ-kheo đối với chúng sinh không phân biệt oán thân, luôn an trụ nơi bình đẳng, cho nên gọi là hạnh Xả vô lượng”[8]. Tâm xả là tâm phát khởi để loại trừ tâm lý nhị nguyên của chúng sinh. Người tu tập tâm xả là người đã thực hành giáo lý vô ngã, không còn thấy ta và người có sự khác nhau. Vì không còn sự chấp trước phân biệt nên con người sẽ không còn hận thù, tâm lý thù hận được vắng bóng với người tu tập xả tâm vô lượng: “Này Rāhula, hãy tu tập sự tu tập về xả; này Rāhula, do tu tập sự tu tập về xả, cái gì thuộc hận tâm sẽ được trừ diệt”[9]. Người thực hành xả tâm không còn sự yêu ghét với người hay vật, không còn tâm lý chấp thủ vào của ta hay của người. Nơi nào xả tâm có mặt nơi đó có sự bình đẳng, thế giới không còn bạo loạn do đòi quyền bình đẳng gây nên như đòi bình đẳng giới, bình đẳng sắc tộc, tôn giáo,…Phạm Kim Khánh giải thích tâm xả nghĩa là: “Nhận định chân chính, hoặc suy luận vô tư, tức không luyến ái cũng không ghét bỏ, không ưa thích cũng không bất mãn, không tham cũng không sân”[10].

3. Thực hành Tứ vô lượng tâm giải quyết gốc rễ của bạo lực gia đình

Thực hành Tứ vô lượng tâm để đoạn trừ gốc rễ bạo lực gia đình vì bạo lực gia đình xuất phát từ sự khủng hoảng đạo đức con người. Bốn tâm vô lượng này không chỉ thay đổi tâm thức người tu tập khỏi tham sân si mà còn chuyển hóa được tham sân si của những đối tượng bên ngoài.

Người tu tập tâm từ phải loại trừ sân tâm, sự nóng nảy, giận hờn đối với chúng sinh. Sân tâm là tâm lý giận dữ, nóng nảy, đi ngay theo sau sân tâm là hại tâm, nghĩa là ý muốn gây tổn hại đến cho người khác. Cha mẹ có thể vì giận dữ mà la mắng con cái, thậm chí dùng những lời cay nghiệt nhất để chì chiết con, chỉ sợ những lời mình nói ra không đủ cay độc, không đủ tàn nhẫn không khiến con tổn thương.

Có những lời nói phát ra trong lúc giận dữ khiến cho người nghe tổn thương sâu sắc hơn cả sự đánh đập. Có nhiều người chồng trong lúc giận dữ đã đánh đập người vợ không thương tiếc đến mức phải nhập viện. Cha mẹ nóng giận đánh đập con cái chỉ để xả nỗi bực tức trong lòng mình.

Con người vì lòng giận hờn mà có thể không từ thủ đoạn để hại nhau. Gia đình tan nát, xã hội náo loạn cũng vì lòng tham sân của con người khởi lên. Sân tâm như ngọn lửa, một khi khởi lên sẽ đốt cháy sự an vui của chúng sinh. Thế giới sở dĩ bạo loạn chiến tranh cũng vì lòng sân khởi lên. Mọi sự đau khổ của con người đều có gốc rễ từ sân tâm. Vì vậy, từ tâm là tâm lý cần tu tập đầu tiên nhằm đoạn trừ gốc rễ khổ đau của con người.

Trong gia đình, chồng thấy vợ bận rộn lo toan, người chồng sẵn lòng giúp đỡ vợ công việc nhà. Vợ chồng luôn san sẻ giúp đỡ nhau trong công việc, thường xuyên nói chuyện cùng nhau để có thể thấu hiểu đối phương. Cha mẹ và con cái cũng phải thường xuyên có những buổi nói chuyện cùng nhau để kết nối tình cảm, giúp đỡ nhau, đưa ra những lời khuyên cho nhau trong cuộc sống.

Chúng ta luôn nhìn những người xung quanh ta bằng con mắt của từ bi. Ta thấu hiểu được sự đau khổ của người thân xung quanh ta, vì vậy luôn nuôi dưỡng ý muốn và tìm mọi cách để giúp họ thoát khỏi sự đau khổ.

Cha mẹ hướng dẫn con cái đi theo con đường thiện, giáo dục con làm việc tốt giúp ích cho cuộc đời. Cha mẹ ngăn chặn các hành vi tạo việc ác của con, giáo dục con trở thành người có ích cho xã hội cũng là hình thức của tâm bi. Mọi hình thức hành động có công năng đưa chúng sinh ra khỏi sự đau khổ đều gọi là thực hành tâm bi. Thương yêu để thỏa mãn nhu cầu riêng tư của mình là lợi dụng tình thương, là sự đổi chác không phải là lòng từ bi chân chính. Muốn phát khởi tâm từ bi rộng lớn, chúng ta phải tập cảm thông sự khổ vui với mọi người. Ðã xem cái khổ của người như của mình, nên chúng ta nỗ lực tinh tấn cứu giúp mà không cần điều kiện.

Một người luôn luôn vui vẻ sẽ tạo được nhiều năng lượng vui vẻ cho những người xung quanh. Không khí vui vẻ trong gia đình là rất quan trọng vì gia đình là nơi chúng ta trở về sau một ngày dài mệt mỏi.

Chúng ta cần rất nhiều năng lượng chữa lành vì cả một ngày dài chúng ta đã phải chịu đựng rất nhiều áp lực mệt mỏi ngoài xã hội. Cha mẹ cần vui chung với niềm vui của con cái dù đó là niềm vui của trẻ thơ vì đây cũng là cách để cha mẹ nuôi dạy con cái.

Trong cuộc sống gia đình rất cần sự hiện diện của tâm hỷ. Chồng giúp vợ làm việc nhà với tâm trạng không hoan hỷ sẽ không làm gia đình trở nên đầm ấm. Cha mẹ dạy bảo con cái với tâm lý không hoan hỷ cũng không khiến con tình nguyện mà làm theo. Niềm vui của cha mẹ là niềm vui của con cái và ngược lại. Niềm vui của mọi người là niềm vui của một người sẽ tạo nên một xã hội tràn đầy tình thương bác ái. Thấy người vui cũng như mình được vui, những cái vui của mình thì luôn sẵn sàng chia sớt với người, bằng cách chia sẻ, nâng đỡ, khuyên bảo, luôn mong mỏi hạnh phúc đến với người. Chúng ta phải lấy cái vui của người chính là cái vui của mình. Xả tâm loại trừ những tâm lý bất an, khó khăn bồn chồn hay dính mắc vào cái tôi khiến con người khổ đau.

Trong cuộc sống, người chồng thấy mình phải, người vợ cũng thấy mình đúng sẽ tạo ra mâu thuẫn không giải quyết được. Vợ chồng sống cùng nhau nhưng mang sự chấp giữ thái quá, luôn cho đối phương là của mình sẽ dễ gây nên ghen tuông mù quáng phá hủy đi tình cảm gia đình. Đời sống gia đình là nơi chứa đựng yêu thương, vì vậy chúng ta cần phải nhường nhịn lẫn nhau, cần quan tâm chia sẻ với nhau bằng lòng từ, bi, hỷ, xả. Sự nhẫn nhịn cần đi chung với tha thứ cho nhau mới có thể tạo nên hạnh phúc trong gia đình. Xả là người chồng thấy vợ cũng giống như mình nên sẵn sàng giúp đỡ vợ, không còn nghĩ mình là người có quyền hành nhất trong gia đình. Vợ và chồng luôn bình đẳng trong cuộc sống hôn nhân, cùng nhau có trách nhiệm riêng để xây dựng tổ ấm gia đình.

Thực hành tâm lý xả để cha mẹ không thấy con cái là đối tượng luôn phải phục tùng nghe lời. Cha mẹ luôn yêu thương và tôn trọng con, luôn đồng hành cùng con giải quyết những vấn đề trong cuộc sống. Hơn nữa, xả tâm cũng là sự đối xử công bằng giữa con cái, không có sự thiên lệch yêu thương.

Sự thật trong các gia đình hiện nay cho thấy do sự yêu thương không bình đẳng của cha mẹ với các con tạo nên các bệnh tâm lý của trẻ, thậm chí còn khiến trẻ phải chịu sự hành hạ mỗi ngày. Người ta hay chất chứa trong lòng không muốn buông bỏ những điều khiến người ta đau khổ. Vì vậy tâm xả khiến con người vững tâm trong những chướng duyên trong đời sống hàng ngày. Cuộc sống của cá nhân cho đến gia đình và xã hội đều cần sự bao dung tha thứ để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

KẾT LUẬN

Trong đời sống gia đình, tu tập tứ vô lượng tâm là điều kiện quan trọng để xây dựng đời sống gia đình yên ấm hạnh phúc. Thực hành bốn tâm vô lượng giúp diệt trừ tham sân si là cội nguồn của bạo lực gia đình. Sân hận và si mê khiến con người sống ích kỷ hẹp hòi với mọi người và ngay cả chính bản thân mình. Chúng ta tự hẹp hòi với bản thân, chúng ta không cho phép bản thân được sống cởi mở, rộng lượng với mọi người. Chúng ta không tạo điều kiện cho chúng ta hạnh phúc vì chúng ta cứ mãi tật đố ganh ghét với người khác. Vì vậy, tu tập từ bi hỷ xả là phương pháp giúp chúng ta hạnh phúc ngay trong cuộc sống hiện tại. Trong gia đình, cha mẹ tu tập bốn tâm vô lượng sẽ khiến con cái noi theo. Một gia đình sống với tâm thể rộng lượng, luôn luôn sẵn lòng ban rải tình thương và sự an vui cho chúng sinh thì chính tự thân gia đình này sẽ luôn sống trong bình an và hạnh phúc. Nhiều gia đình sống trong sự yên vui sẽ tạo nên một cộng đồng không có mặt của khổ đau. Cộng đồng vắng mặt khổ đau là cộng đồng lý tưởng mà con người luôn luôn mong cầu.

Tác giả: Thích nữ Uyển Nhiên Học viên Thạc sĩ Khóa 5, Học viện PGVN tại Tp.HCM

***

Chú thích: [1] Trường Bộ kinh, Thích Minh Châu, kinh Tevijja, VNCPHVN, Hồ Chí Minh, 1991, tr. 426-27. [2] Linh Sơn đại tạng, Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 68, Hội Văn Hóa giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, Taiwan, 2000, tr. 553. [3] Trung Bộ kinh 1, Thích Minh Châu, Đại kinh giáo giới La-hầu-la, nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr. 519. [4] Linh Sơn đại tạng, Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 68, Hội Văn Hóa giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, Taiwan, 2000, tr. 553, tr. 553. [5] Trung Bộ kinh 1, Thích Minh Châu, Đại kinh giáo giới La-hầu-la, nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr. 519 [6] Linh Sơn đại tạng, Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 68, Hội Văn Hóa giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, Taiwan, 2000, tr. 553. [7] Trung Bộ kinh 1, Thích Minh Châu, Đại kinh giáo giới La-hầu-la, nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr. 519 [8] Sđd, tr. 553. [9] Trung Bộ kinh 1, Thích Minh Châu, Đại kinh giáo giới La-hầu-la, nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr. 519 [9] Linh Sơn đại tạng, Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 68, Hội Văn Hóa giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, Taiwan, 2000, tr. 553. [10] Narada, Đức Phật và Phật pháp, nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2019, tr. 436.