Tư tưởng Đại thừa Phật giáo ở Việt Nam là tinh thần “đạo pháp trường tồn cùng dân tộc” luôn hiện hữu trong mỗi chặng đường bảo vệ và phát triển đất nước. Tinh thần này là nguồn sức mạnh, là động lực để Phật giáo thực hiện sứ mạng cứu độ nhân sinh...
Tác giả: Thích nữ Thuần Trí Học viên Cao học Khóa II ngành Lịch sử tại Học viện PGVN tại Huế
Dẫn nhập
Phật giáo Việt Nam từ lâu đã gắn liền với vận mệnh của dân tộc Việt Nam, từ những buổi ban sơ Phật giáo đã sớm hòa mình vào những tín ngưỡng của dân tộc, len lỏi đến mọi tầng lớp nhân dân, làm chỗ dựa tâm linh cho người dân Việt. Với tinh thần “tuỳ duyên bất biến, bất biến tuỳ duyên”, Phật giáo đã được người Việt bản địa xem như là tôn giáo của dân tộc.
Trải qua bao thăng trầm biến đổi của thời gian, Phật giáo Đại thừa đã khẳng định chân giá trị của nó trên mảnh đất Việt Nam. Tư tưởng Phật giáo Đại thừa là Phật giáo đồng hành cùng dân tộc luôn hiện hữu trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước và trong giai đoạn diễn ra phong trào chấn hưng Phật giáo cũng như thế.
Trong giai đoạn chấn hưng Phật giáo, tư tưởng đại thừa đã được thể hiện như thế nào?
1. Khái quát tư tưởng Phật giáo Đại thừa Việt Nam
Chúng ta nhận thấy khi được truyền vào Việt Nam, Phật giáo đã nhanh chóng hỗn dung với các tín ngưỡng dân gian kết hợp với sự hòa trộn các phương pháp hành trì giữa những pháp môn nổi bật như Thiền, Tịnh Độ và Mật chú với văn hóa bản địa… Tư tưởng Phật giáo Đại thừa Việt Nam được hình thành trên cơ sở kế thừa từ ngoài vào và đã được bản địa hóa.
Trong đó, theo lý tưởng tối cao của Đại thừa Phật giáo là cứu độ chúng sinh làm trung tâm, lấy lý tưởng “Thượng cầu Phật đạo, hạ hoá chúng sinh” làm bản nguyện, tư tưởng đặc thù của Phật giáo Đại thừa Việt Nam là Phật giáo đi cùng với dân tộc, Phật giáo không thoát ly thế gian. Đó là sự tất yếu của lý tưởng Đại thừa Phật giáo và sự thích ứng, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử đất nước Việt Nam ta.
Chính vì thế, tư tưởng Phật giáo Đại thừa Việt Nam luôn gắn liền với tư tưởng chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Bởi lẽ người Việt Nam chết hay sống? Tổ quốc Việt Nam còn hay mất? Đều phụ thuộc vào sự chiến thắng hay thất bại của các cuộc chiến chống thù trong giặc ngoài. Khi Tổ quốc còn thì con người còn, một khi Tổ quốc mất đi thì con người chúng ta trước sau gì cũng bị đồng hoá.
Đến thời kỳ nhà Nguyễn cũng là giai đoạn phong kiến cuối cùng ở nước ta, tình hình chính trị trong nước có nhiều biến động. Nhất là vào cuối thời Nguyễn, thực dân Pháp đặt chế độ cai trị và bảo hộ hà khắc khiến nhân dân lầm than. Phật giáo theo đó cũng chịu nhiều sự áp bức và tàn phá. Tuy nhiên với tư tưởng Phật giáo Đại thừa Việt Nam cũng là tư tưởng Phật giáo đi cùng với dân tộc, Phật giáo đã chuyển mình qua phong trào chấn hưng Phật giáo, thổi vào đời sống người dân một luồng sinh khí mới, góp phần trong sự nghiệp giữ gìn và bảo vệ đất nước.
2. Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam
Đất nước Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX có nhiều biến động về chính trị, chế độ nửa thực dân nửa phong kiến được hình thành. Thực dân Pháp đã thực hiện quyền bảo hộ và khai thác thuộc địa lên đất nước ta khiến nhân dân hết sức lầm than. Nhiều phong trào khởi nghĩa diễn ra trên cả nước nhưng đều bị đàn áp.
Trong bối cảnh đó, văn hoá bị xáo trộn, Nho giáo không còn được ưa chuộng, văn hoá Tây phương xâm nhập và được một số thành phần tri thức xiển dương mạnh mẽ. Giáo dục trong nước dần xoá bỏ việc sử dụng chữ Hán thay vào đó là chữ Pháp và chữ Quốc ngữ. Xã hội nước ta ở giai đoạn này hết sức rối ren cộng với sự nghèo đói và bất ổn.
Phật giáo theo đó cũng gặp không ít những khó khăn và trở ngại, nhiều chùa chiền bị đập phá hoặc thu hồi để xây dựng nhà thờ, Tăng sĩ không tu hành miên mật và không đoàn kết. Về mặt tổ chức, Phật giáo lúc bấy giờ cũng rất rời rạc, thiếu tổ chức và không thống nhất. Sự suy vi của Phật giáo dẫn đến việc Phật giáo vẫn tồn tại nhưng không có ảnh hưởng trực tiếp và tích cực đối với xã hội.
Ngoài ra, phải kể đến sự ảnh hưởng của phong trào chấn hưng Phật giáo ở châu Á cùng với sự cai trị và chủ trương hạn chế Phật giáo của thực dân Pháp để phát triển đạo Thiên Chúa, sự cạnh tranh của các tôn giáo mới như đạo Cao Đài và Hòa Hảo làm Phật giáo bị suy yếu. Nhiệm vụ đặt ra lúc bấy giờ là cần phải có một phong trào chấn hưng để thay đổi bản thân Phật giáo nói riêng, góp phần giữ gìn văn hoá dân tộc nói chung. Vấn đề đặt ra cho Phật giáo lúc bấy giờ là phải chấn chỉnh lại nội bộ từ nội dung đến hình thức, từ con người đến tổ chức.Trước tình hình đó phong trào chấn hưng Phật giáo đã được hình thành.
Cuộc vận động chấn hưng Phật giáo bắt đầu bởi sự kêu gọi, hoạt động tích cực của Hòa thượng Khánh Hòa, Thiền sư Tâm Lai, Thiện Chiếu...Đây là giai đoạn lập ra phương hướng, xác định những việc làm cho phong trào chấn hưng Phật giáo. Tuy chỉ nằm trên mặt lý thuyết nhưng cuộc vận động đã có ý nghĩa to lớn giúp cho phong trào được phát triển mạnh mẽ sau này.
Giai đoạn vận động diễn ra sôi nổi trong suốt gần một thập kỷ và chấm dứt năm 1931 khi Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học ra đời ở miền Nam. Sau đó là sự ra đời của tờ báo Từ Bi Âm (1931) cùng một số thành tựu khác. Bên cạnh Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học còn có sự hoạt động của các hội Phật giáo khác nhưng hội này là tiêu biểu nhất. Những cái tên phải nhắc đến trong phòng trào chấn hưng Phật giáo ở Nam Kỳ ngoài bậc xuất gia như Hòa thượng Khánh Hoà còn có các vị cư sĩ như ông Trần Nguyên Chấn, Phạm Ngọc Vinh. Sự ra đời của hội Phật giáo Nam Kỳ đầu tiên đã đánh dấu phong trào chấn hưng Phật giáo đã đạt được địa vị hợp pháp, được chính quyền công nhận và được hoạt động công khai.
Ở Trung Kỳ, năm 1932, Hội An Nam Phật Học được thành lập do Hoà thượng Giác Tiên và bác sĩ Lê Đình Thám đứng đầu. Năm 1933, Hội xuất bản tạp chí Viên Âm làm cơ quan ngôn luận của hội. Thành lập đoàn Thanh Niên Đức Dục, gia đình Phật Hoá Phổ là tiền thân của Gia đình Phật tử ngày nay. Hội tổ chức thành công lễ Phật Đản, thành lập các lớp Phật học sơ cấp, trung cấp, cao cấp và trường Phật học. Sau bao năm ẩn mình trong dân gian Phật giáo đã thể hiện được tinh thần đồng hành cùng dân tộc, là chỗ dựa tâm linh không thể thiếu đối với con người Việt.
Ở Bắc Kỳ, hội Phật giáo Bắc Kỳ được thành lập năm 1934, thành lập tạp chí Đuốc Tuệ làm cơ quan ngôn luận của hội. Bên cạnh đó hội tổ chức thành công lễ suy tôn sư tổ Vĩnh Nghiêm có ý nghĩa rất to lớn cũng như xây dựng chùa Quán Sứ có vị trí chiến lược quan trọng. Những nhân vật đóng vai trò quan trọng trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kỳ phải kể đến Hoà thượng Vĩnh Nghiêm, Trí Hải cùng những cư sĩ như ông Nguyễn Năng Quốc, Trần Văn Giáp, Lê Dư…
Phong trào chấn hưng Phật giáo diễn ra trên khắp đất nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Không chỉ khắc phục được những khó khăn trong nội bộ Phật giáo mà còn tạo nên một khối đoàn kết, thống nhất, tạo tiền đề cho sự thành lập Giáo hội Phật giáo sau này.
3. Tư tưởng Phật giáo Đại thừa Việt Nam qua phong trào chấn hưng Phật giáo
Như đã đề cập ở trên, tư tưởng xuyên suốt của Phật giáo Đại thừa Việt Nam là Phật giáo đồng hành cùng dân tộc. Tư tưởng này đã được phản ánh chân thực và sinh động nhất qua phong trào chấn hưng Phật giáo (1930-1945). Điều này được thể hiện qua nhiều khía cạnh và hành động, tiêu biểu có thể phân tích qua những sự kiện đã diễn ra trong phong trào mà lịch sử đã cho ta thấy.
Thế kỷ XIX-XX, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở châu Á nở rộ. Phong trào này không chỉ tác động lên tư tưởng đấu tranh giành quyền tự do tại nhiều quốc gia mà còn ảnh hưởng đến tư tưởng của Phật giáo, khiến Phật giáo phải đặt ra những nhận định, nhiệm vụ cần thực hiện sao cho phù hợp với vị trí và vai trò của mình trong đời sống xã hội Việt Nam, đó chính là đứng lên, đại diện cho dân tộc đòi quyền tự chủ một cách ôn hoà.
Thế kỷ XIX-XX là thời kỳ Phật giáo cần phải hoà mình cùng Nho giáo, cùng các Nho sĩ trí thức đứng lên vì dân tộc. Trong khi nền Nho học bị đình đốn, chữ Hán không còn được ưa chuộng và phổ cập, phong trào tiếp thu nền Tân học thì chưa hoàn chỉnh, việc thu phục nhân tâm chỉ có thể dựa vào sự thâu nhiếp và dung hoà cả nền Nho học và Tân học, điều này chỉ có Phật giáo mới có thể dễ dàng thâu nạp. Chính vì thế Phật giáo đã hoà chung với Nho giáo trong đó có cả sự dung hoà với tư tưởng chủ nghĩa xã hội đang có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ khắp cả châu Á.
Phong trào chấn hưng Phật giáo đã diễn ra với một hình thức đấu tranh ôn hòa trong khuôn khổ "thỏa hiệp" với phe thống trị. Trong luận án “Phong trào chấn hưng phật giáo ở miền bắc (1924-1954)”, Lê Tâm Đắc khẳng định: “Mục tiêu của các hoạt động này về hình thức là khai hóa dân trí, giữ gìn bản sắc dân tộc, nhưng thực chất là những hoạt động âm thầm tìm cách đòi lại chủ quyền và thoát khỏi nô dịch thực dân.”[1]
Tại vì sao? Khi bản sắc của dân tộc ta bị mất đi cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đã bị đồng hoá. Mà bối cảnh đất nước ta lúc bấy giờ đang bị đô hộ, thực dân Pháp luôn âm mưu sử dụng tôn giáo làm công cụ đàn áp và bóc lột đồng thời chia rẻ khối đại đoàn kết toàn dân, thi hành những chính sách đồng hoá dân ta bằng cách đàn áp Phật giáo, truyền bá rộng rãi đạo Thiên Chúa nhằm biến nước ta thành thuộc địa của chúng.
Giám mục Puginier từng nói: “Tôi xác định rằng khi mà Bắc Kỳ trở thành Gia tô giáo thì nó cũng trở thành nước Pháp thu nhỏ của Viễn Đông, y hệt như quần đảo Phi Luật Tân đã là một Tây Ban Nha nhỏ.”[2] Phật giáo đương nhiên không thể để tình huống đó xảy ra, và chấn hưng Phật giáo là một hành động cụ thể.
Chính những điều trên đã thể hiện tinh thần Đại thừa Phật giáo, luôn thích ứng để đồng hành sát cánh với từng bước chuyển mình của dân tộc, đem lại lợi lạc cho quần sinh.
Bên cạnh đó, tư tưởng Đại thừa ở đây còn được thể hiện qua công cuộc chấn chỉnh Phật giáo từ trong ra ngoài, tức là trong bản thân mỗi tăng sĩ đến mỗi tự viện, sau đó là chấn chỉnh tiếng nói và hoạt động của Phật giáo trên cả nước. Phong trào này đã linh hoạt vận dụng, kết hợp vai trò của Tu sĩ lẫn cư sĩ. Cảm thấy sự yếu kém về mặt hành chính của giới Tăng đồ, Phật giáo đã linh hoạt vận dụng sự giúp đỡ của các vị cư sĩ Phật giáo, nhất là những người có tiếng nói và tầm ảnh hưởng đối với chính quyền, các tri thức thuần thành, nhiệt tâm với đạo pháp và nền độc lập tự chủ của nước nhà.
Trong phong trào chấn hưng Phật giáo, những cư sĩ tiêu biểu như: ông Trần Nguyên Chấn, Phạm Ngọc Vinh, Tâm Minh Lê Đình Thám, Nguyễn Năng Quốc,… giữ một vị trí quan trọng trong việc đệ trình hồ sơ thành lập các hội Phật giáo, ngoài ra họ còn là những ngòi bút ưu tú xiển dương tiếng nói Phật pháp, đặc biệt họ cũng là những người đóng góp không ít tịnh tài cho việc xây dựng chùa chiền, trụ sở hội và hoạt động khác của các hội.
Đây chính là “quyền tuệ” trong Phật giáo Đại thừa, bằng sự nổ lực hoằng dương chính pháp của quý tăng, ni kết hợp với sự hỗ trợ về mặt hành chính của giới cư sĩ tại gia là trí thức, phong trào chấn hưng Phật giáo và việc thành lập các hội Phật giáo, các chương trình Phật giáo thể hiện lòng yêu nước, yêu hoà bình mới có thể thành tựu được.
Quyền tuệ đó còn được bộc bạch qua ngôn ngữ báo chí. Bằng những ngòi bút sắc bén quý tăng, ni cùng phật tử đã chiến đấu trên mặt trận tư tưởng, hoằng dương và tiếp nối những giá trị nhân văn mà Phật giáo đem đến cho dân tộc, cho cuộc sống. Đây là chiến lược để chiến thắng kẻ thù trên mặt tư tưởng, như Thượng toạ Thích Gia Quang đã nói trong bài báo mang tên “Vai trò của báo chí trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam”: “Đạo Phật lại rất thích hợp với tinh thần và ước vọng của người Việt, lại có tính cách dung hợp cởi mở, có thể đóng vai trò dung hoà cũ mới (bảo tồn những giá trị cũ và tiếp thu những giá trị mới). Vì vậy xướng minh đạo Phật tức là xây dựng nền tảng cho một nền văn hoá dân tộc vừa tiến bộ vừa không mất gốc.”[3]
Từ Bắc chí Nam, không chỉ các cư sĩ phật tử đóng vai trò là những nhà báo để đưa tiếng nói của mình làm rạng danh cho đạo mà các vị Thiền sư cũng là nhà báo. Nhờ đó giáo lý được lan rộng trên khắp mọi nẻo đường, tinh thần từ bi, bác ai, yêu chuộng hoà bình được lan toả khắp muôn phương. Phê phán chế độ hà khắc, đồng hoá của thực dân Pháp lên đất nước ta nói riêng và những đất nước đang chịu sự đô hộ của Pháp nói chung. Đó chính là tư tưởng Đại thừa Phật giáo.
Đóng góp cho phong trào chấn hưng Phật giáo, bên cạnh các chư Tôn Đức Tăng, các Phật tử cư sĩ nam… còn có công lao và sự hộ trì của Ni giới và nữ giới. Bên cạnh công tác trợ duyên cho việc thành lập các hội Phật giáo trên cả nước, nữ giới còn trực tiếp là thành viên, tham gia vào các hoạt động của các hội.
Với những việc làm thiết thực mà Ni giới và nữ giới đã làm được cho phong trào chấn hưng Phật giáo, chúng ta có thể thấy được tư tưởng bình đẳng và yêu thương của Đại thừa Phật giáo. Đó chính là luôn đề cao giá trị con người, không có sự phân biệt hay kỳ thị. Đây cũng chính là sự tiếp nối truyền thống của dân tộc Việt Nam, của giáo lý Phật Đà đã có từ lâu đời. Vì trước đây hơn 25 thế kỷ, tại đất nước Ấn Độ, đức Phật chính là vị đã đứng lên xoá bỏ sự phân biệt đẳng cấp và giới tính, đưa nữ giới vào đoàn thể Phật giáo mà trước kia ở Ấn Độ chưa từng có tiền lệ.
Vậy phong trào chấn hưng Phật giáo đã thành công trong việc kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Sự chấn hưng Phật giáo Việt Nam đã khẳng định chúng ta là một cộng đồng người Việt có chủ quyền; chúng ta luôn tôn kính, biết ơn tổ tiên đồng thời còn có sự coi trọng vai trò của phụ nữ trong xã hội. Tất cả điều đó đều đã chứng minh cho sự phù hợp của nó với tinh thần Đại thừa Phật giáo.
Kết luận
Tư tưởng Đại thừa Phật giáo ở Việt Nam ta là tinh thần “Đạo pháp trường tồn cùng dân tộc” luôn hiện hữu trong mỗi chặng đường bảo vệ và phát triển đất nước. Tinh thần này là nguồn sức mạnh, là động lực để Phật giáo thực hiện sứ mạng cứu độ nhân sinh của mình và cũng là chỗ dựa vững chắc cho đời sống tâm linh của nhiều tầng lớp người dân.
Tiếp nối tinh thần đó, công cuộc chấn hưng Phật giáo đã đạt được nhiều thành tựu nhờ sự phối hợp đoàn kết của mọi người, từ tăng, ni đến trí thức, từ thanh thiếu niên phật tử đến mọi tầng lớp nhân dân. Sức mạnh của khối đoàn kết này là một làn sóng mạnh mẽ để xiển dương đạo Pháp nước nhà đồng thời đánh tan những âm mưu thâm độc của chính quyền thực dân. Chúng ta không chiến đấu bằng bạo lực và vũ khí, mà chúng ta chiến đấu trên mặt trận tinh thần, làm cho kẻ địch phải phần nào e sợ.
Tinh thần đó cần được xiển dương và phát triển, không chỉ góp phần chấn hưng Phật giáo mà còn xây dựng một đời sống xã hội Việt Nam tốt đẹp hơn.
Tác giả: Thích nữ Thuần Trí Học viên Cao học Khóa II ngành Lịch sử tại Học viện PGVN tại Huế ***TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Kimura Taiken (Thích Quảng Độ Việt dịch) (1969), Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận, Nxb Viện đại học Vạn Hạnh, Tp Hồ Chí Minh. 2. Thích Phước Đạt (2022), Thiền học Việt Nam, Nxb Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội. 3. Lê Tâm Đắc, Phong trào chấn hưng Phật giáo Bắc Kỳ (1924-1954), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 4. Trần Văn Giáp (1968), Tuệ Sĩ dịch, Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến thế kỷ 13, Tu thư viện Đại học Vạn Hạnh, Tp Hồ Chí Minh. 5. Nguyễn Lang (1994), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb văn học - Hà Nội, Hà Nội. 6. Dương Thanh Mừng (2017), “Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Trung Việt Nam (1932-1951)”, Huế. 7. Ninh Thị Sinh (2020), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc kỳ: Trường hợp hội Phật giáo (1934-1945), Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội. 8. Thích Mật Thể (2004), Việt Nam Phật giáo sử lược, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội.
CHÚ THÍCH [1] Lê Tâm Đắc, Phong trào chấn hưng Phật giáo Bắc Kỳ (1924-1954), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. [2] Dẫn theo Thích Nhuận Huệ (2021), “Khái quát phong trào chấn hưng Phật giáo tại Việt Nam giai đoạn 1930-1945”, Tạp chí nghiên cứu Phật học, Hà Nội, https://tapchinghiencuuphathoc.vn/khai-quat-phong-trao-chan-hung-phat-giao-tai-viet-nam-giai-doan-1930-1945.html, truy cập 22/6/2023. [3] Thích Gia Quang (2006), “Vai trò của báo chí trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam”, Tạp chí nghiên cứu Phật học số 5/2006, Hà Nội, tr 26.
Bình luận (0)