Tác giả: Thích Thiện Tâm Chùa Khánh Thiền, Q.Tân Bình, Tp.HCM
Phật giáo là tôn giáo bắt nguồn từ Ấn Độ vào thế kỷ thứ VI trước công nguyên (TCN) do đức Thích Ca Mâu Ni sáng lập. Đến đầu thế kỷ thứ I, Phật giáo đã du nhập vào Việt Nam thông qua các nhà thương buôn và tu sĩ Ấn Độ. Chính nhờ vào sự truyền bá từ rất sớm này, mà Phật giáo đã dần dần đi sâu vào trong đời sống, văn hóa, tư tưởng người dân nước ta.
Phật giáo là một nguồn thực thể sống, luôn phát triển triết lý tư tưởng, biến chuyển phù hợp với mọi thời gian và không gian, phù hợp với mọi yêu cầu của tầng lớp trong xã hội. Trải qua suốt chặng thời gian dài tồn tại và phát triển, Phật giáo đã có những bước chuyển biến phát triển thăng trầm khác nhau. Tuy nhiên, Phật giáo luôn gắn liền với công cuộc dựng nước và giữ nước qua các triều đại. Trong số đó, có thể nói Phật giáo thời Trần chiếm một vị thế quan trọng trong việc xây dựng một nền văn hoá dân tộc Đại Việt rực rỡ.
Phật giáo thời Trần không chỉ là sức mạnh củng cố vật chất cũng như tinh thần đã ăn sâu vào hệ tư tưởng chính trị, văn hoá, xã hội, tư tưởng tinh thần nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời Trần còn là nguồn sáng tạo văn học với những hình ảnh, ngôn từ, biểu trưng mang đậm cảm hứng “mỹ thiền” của dòng Thiền phái mới này.
Khi nhắc đến Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, chúng ta luôn tự hào bởi đấy chính là Thiền phái mang đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam, với người sáng lập là một vị Vua người Việt, vị anh hùng của dân tộc – Sơ Tổ Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Ngài đã kế thừa và phát huy những công lao đi trước của Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng Sĩ, thống nhất tư tưởng của ba Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Thảo Đường và Vô Ngôn Thông để tạo nên một Thiền phái mới với tư tưởng nhập thế “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian pháp” hay tôn chỉ “Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật”. Tất cả đã gắn kết hoà quyện với nhau tạo nên một hệ tư tưởng riêng biệt, tự chủ và thống nhất.
Ngày nay, để hiểu rõ được lịch sử các bậc tiền nhân làm rạng danh trang sử Phật giáo nước nhà, chúng ta không thể không nói đến Tam Tổ Trúc Lâm, đó là Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang. Như đã nói ở trên, Trần Nhân Tông là vị Sơ tổ khai nguồn và định hình ra Thiền phái Trúc Lâm, nhưng người đưa tư tưởng Thiền đi đến đỉnh cao của sự phát triển phải kể đến Nhị tổ Pháp Loa, một vị đệ tử kế thừa xuất sắc của Trần Nhân Tông. Chính vì thế, với vốn kiến thức và sự hiểu biết còn hạn hẹp, trong bài viết - chúng con hy vọng sẽ phân tích những nét nổi bật trong tư tưởng Thiền của Nhị tổ Pháp Loa qua tác phẩm Tam Tổ Thực Lục.
Tam Tổ Thực Lục (三 祖 實 錄) là tập sách ghi chép lại tiểu sử ba vị tổ sư của Thiền phái Trúc Lâm đời Trần. Đó là truyện về đức Điều Ngự Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang. Sách do thiền sư Tính Quảng và sa di Hải Lượng dựa vào các tư liệu có từ đời Trần đến giai đoạn sau soạn thành và được khắc bản vào năm Cảnh Hưng thứ 26 (1765), ván in lưu tại chùa Lân núi Yên Tử.
Tác phẩm có kết cấu gồm bốn phần: Lời tựa của Tỳ kheo Diệu Trạm nói về cơ duyên gặp và khắc bản Tam Tổ Thực Lục vào năm Thành Thái thứ 9 (1897). Phần hai ghi chép tiểu sử về cuộc đời, hành trạng và đóng góp của Trần Nhân Tông trong việc khai sáng ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Phần ba nói về cuộc đời, hành trạng của Nhị tổ Pháp Loa trong việc kế thừa, phát triển thiền phái, xây dựng Giáo hội Trúc Lâm và góp công ấn hành Đại Tạng Kinh tại Việt Nam. Phần cuối cùng nói về tiểu sử Tam tổ Huyền Quang cùng với những đóng góp cho Thiền phái ngày càng phát triển về sau.
Theo Tam Tổ Ngữ Lục, phần thứ ba nói rằng Nhị tổ Pháp Loa quê quán tại thôn Cửa La, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương (ngày nay thuộc phường Ái Quốc, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương), Ngài sinh vào ngày 7 tháng 5 năm Giáp Thìn (1284). Thân phụ là Đồng Thuần Mậu, thân mẫu là Vũ Từ Cừu. Tương truyền, trong một đêm nằm mộng mẹ Ngài thấy dị nhân trao cho một thanh kiếm thần và sau khi thức dậy bà đã mang thai. Trước đó bà đã hạ sinh tám người cho gái nên có ý định phá thai vì nghĩ rằng lần này cũng sẽ như thế. Tuy nhiên, cả bốn lần phá thai đều không thể thực hiện được, bà đã sinh ra Ngài đặt tên là Đồng Kiên Cường. Vốn sinh ra trong gia đình thấm nhuần đạo Phật, nên ngay từ thuở nhỏ Ngài đã tỏ ra là một người có tố chất thông minh và bản lĩnh. Năm Giáp Thìn, niên hiệu Hưng Long thứ 12, trong cuộc nhân duyên gặp gỡ với Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, Ngài đã đãnh lễ và phát nguyện xin xuất gia tu học. Điều Ngự Giác Hoàng trông thấy dung mạo đĩnh đạc trang nghiêm, khí phách hơn thường của Ngài nên đã thu nhận và đặt cho Pháp danh là Thiện Lai. Sau đó, Ngài được gởi đến viện Kỳ Lân núi Linh Sơn thế phát xuất gia và tham thiền học đạo với Thiền sư Tính Giác ở chùa Quỳnh Quán. Bất kể ngày đêm, Ngài luôn tinh tấn trong các thời khoá tu học và nghiên cứu Kinh Lăng Nghiêm, khi chiêm nghiệm đến phần tôn giả A Nan Đà hỏi Phật về bảy lần trình bày tâm và ví dụ khách trần thì Ngài mới sở đắc. Năm 1305, Điều Ngự Giác Hoàng truyền giới Tỳ Kheo và Bồ Tát cho Ngài, ban cho đạo hiệu là Pháp Loa và cử Ngài làm giảng sư thuyết pháp tại chùa Báo Ân sau đó một năm. Đến năm 1307, tại Ngoạ Vân am, Điều Ngự Giác Hoàng đã truyền trao lại y bát và tâm kệ cho Pháp Loa. Ngày mồng Một tháng Một năm Mậu Thân, niên hiệu Hưng Long thứ 16 (1308), tại Cam Lộ Đường chùa Siêu Loại, Điều Ngự trao Pháp Loa chức trụ trì chùa Siêu Loại đồng thời xác nhận ông là Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm.
Nối dòng Tổ, suốt 26 năm hành đạo cho tới khi qua đời ở tuổi 47 (1330), Thiền sư Pháp Loa đã xây cất nhiều chùa tháp trong nước, truyền bá rộng rãi những lời dạy của Phật Thích Ca Mâu Ni và Tổ sư Thiền, kết nạp nhiều tăng, ni, cư sĩ trong đó có các vua Trần Anh Tông, Trần Minh Tông cùng nhiều thành viên hoàng gia và đại thần. Ông còn là người ấn hành Đại Tạng Kinh tại Việt Nam và đã để lại nhiều tác phẩm Thiền học như Tham Thiền Yếu Chỉ, Thạch Thất Mị Ngữ, Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục, Nhân Vương Hộ Quốc Nghi Quỹ…giảng giải về các kinh Nhập Lăng-già, Diệu Pháp Liên Hoa, Bát-nhã-ba-la-mật-đa…. Cho đến ngày nay thì đại đa số các tác phẩm này đều bị thất lạc theo thời gian, chỉ còn lại duy nhất một phần Tham Thiền Yếu Chỉ được in dưới tiêu đề là Thiền Đạo Yếu Học, đặt ngay sau phần nói về cuộc đời của Thiền sư trong tác phẩm Tam Tổ Thực Lục.
Mặc dù, Thiền Đạo Yếu Học được đưa vào trong tác phẩm Tam Tổ Thực Lục nhưng xét theo nội dung được trình bày cũng như các chú thích diễn giải phía sau, ta có thể khẳng định rằng đấy chính là tác phẩm do Thiền sư Pháp Loa viết ra. Trong Thiền Đạo Yếu Học, Pháp Loa không không đặt nặng vấn đề hệ thống triết học, lý luận cao siêu, trừu tượng hay Thiền học thâm sâu như các bậc tiền nhân đi trước, mà Ngài chỉ đơn giản nhắm thẳng vào vấn đề, đưa ra cái nhìn chân thật bằng ngôn từ mộc mạc, câu văn dễ hiểu để trình bày những tư tưởng Thiền học của mình. Và Thiền Đạo Yếu Học tuy không dài dòng như những cuốn luận thuyết khác, nhưng nó chính là nguồn dữ liệu thể hiện rõ nét hết những tư tưởng Thiền học cốt lõi từ luận giải kiến tính để đi đến phương thức hành trì tịnh giới, nhập vào thiền định và phát sinh tuệ giác của Thiền sư Pháp Loa.
Trong bài Lời Khuyến Cáo Đại Chúng Về Tam Học Của Thượng Thừa, Pháp Loa đã quan tâm chú trọng đến tiêu chí của Thiền học là kiến tính, có hay không của tâm và tham cứu đầu thoại. Trong tư tưởng của Pháp Loa, yếu tố kiến tính được đặt lên hàng đầu, bởi lẽ Ngài cho rẳng: “Phù đạo học chi nhân duy cầu kiến tính”. Trước đó, vấn đề kiến tánh cũng đã được Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ luận giải, khẳng định trong tư tưởng Thiền của mình và là nền tảng cho hệ tư tưởng Thiền phái Trúc Lâm sau này. Pháp Loa đã kế thừa diễn giải về kiến tánh ấy một cách rõ ràng hơn, trong Thiền Đạo Yếu Học Ngài nói như sau: “Phù học Phật chi lưu, tiên tu kiến tính. Kiến tính giả, phi vị hữu khả kiến chi. Vị kiến, nãi kiến vô khả kiến xứ nhi kiến chi. Cố kiến kiến phi kiến, tắc chơn tính hiện. Tính kiến vô sinh, tắt sinh kiến phi hữu, phi hữu tính thật. Nhi thật kiến bất thiên, cố danh chơn thật kiên tính giả”. Theo quan điểm của Pháp Loa, người học Phật dù là bậc xuất gia hay cư sĩ tại gia trên hành trình tu tập của mình cần phải hiểu rõ được cái kiến tính. Kiến không đơn thuần là cái thấy thông thường bằng mắt của người thế gian, mà nó thể hiện ở mức độ phi thường hơn. Thế nào lại là không bình thường? Bởi cái “kiến” của Pháp Loa là thấy cái thấy mà không thấy, không bàn luận hay suy luận được, thế Ngài mới nói “kiến” cái “kiến phi kiến” (Kiến cái không thể kiến được). Khi nhận ra được điều ấy, thấy được cái không thể thấy thì tự khắc chân tính hiện bày ra.
Ở đây, “kiến” là yếu tố cần thiết để chúng ta quay về với bản tâm chân thật của chính mình, không có nó thì chúng ta chỉ mãi nhìn thấy những thứ bề ngoài dẫn đến u mờ trong hư vọng. Con người do đắm chìm mãi những thứ vọng tưởng nên chỉ thấy thực tính hay phi tính, cho rằng cái này đúng cái kia sai, nhận thức bị trói buộc trong khái niệm và chấp cố trong vong nhị kiến. Theo Pháp Loa, cái thấy về thể tính vốn dĩ đã vô sinh, mà đã vô sinh thì không thể nào phát sinh thêm bất cứ thứ gì về cái thấy ấy nữa, tức không có có cái thực tính tồn tại.
Thật ra, khái niệm “kiến” hay “phi kiến” đều là một, khác nhau chăng chỉ là trên mặt lý thuyểt của ngôn từ mà thôi. Chúng có mối quan hệ tương quan với nhau, cái này có thì cái kia có, nương tựa vào nhau để tồn tại, để rồi rốt cuộc cũng trở về cái bản tính ban đầu hay bản lai diện mục (tánh không). Quan niệm này của Pháp Loa cũng chính là tư tưởng “tính không” mà Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng sĩ đã đề cập trước đó.
Kiến tính chỉ là bước thang đầu tiên trên lộ trình tu tập đi đến sự giác ngộ, Pháp Loa dạy sau khi thấy được tính, người học Phật phải tiếp theo kiên trì giữ gìn giới sao cho thanh tịnh. Nói thì dễ nhưng thực hành như thế nào để một người đang nhuốm bụi trần mà giữ giới thanh tịnh thì Nhị tổ Pháp Loa đã đưa ra phương pháp thực tiễn nhiếp tâm giữ ý hay còn gọi là tịnh giới: “Dĩ thập nhị thời trung, ngoại tức chư duyên, nội tâm vô suyễn. Tâm vô suyễn động, cảnh đáo như nhàn. Nhãn bất vị thức sở duyên xuất, thức bất vị cảnh sở duyên nhập. Xuất nhập bất giao, cố danh chế chỉ. Tuy danh chế chỉ, phi chỉ chỉ cố. Cố tri nhĩ tị thiệt thân ý, diệc phục như thị. Thị danh đại thừa giới, thị danh vô thượng giới, diệc danh vô đẳng đẳng giới. Thử tịnh giới giả, tuy tiểu tăng dĩ chí đại tăng, giai khả trú trì. Nhân trì đắc giới, kiên xác bất giao, thứ nãi tập thiền, thân tâm câu xả.”
Nghĩa là trong mười hai giờ, ngoài dứt các duyên, trong tâm không loạn. Vì tâm không loạn động nên cảnh đến vẫn an nhàn. Mắt không vì cái sở duyên của thức mà chạy ra, thức không vì cái sở duyên của cảnh mà chun vào. Ra, vào không giao thiệp nên gọi là ngăn chận. Tuy nói ngăn chận mà không phải ngăn chận. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng như thế. Đó gọi là giới đại thừa, là giới vô thượng cũng gọi là giới vô đẳng đẳng. Tịnh giới nầy, dù Tiểu tăng cho đến bậc Đại tăng đều phải gìn giữ. Nhờ duy trì tịnh giới kiên cố không dao động. Sau đó mới tập thiền định, buông xả cả thân và tâm cùng một lúc.
Với phương pháp ấy, Pháp Loa muốn người thực hành phải đạt được cảnh giới tĩnh tâm trước mọi cảnh sắc bên ngoài, tức tâm phải yên và cảnh phải lặng. Để được như thế thì khi nhận thức được kiến tính phải đoạn trừ các duyên, kiểm soát làm chủ được sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, không bị thức lôi kéo hướng ra bên ngoài, một khi thức không bị xáo động mà hướng vào trong thì đó gọi là cảnh giới an nhàn. Đối với Pháp Loa, phương pháp tịnh giới không khó để thực hiện, không lựa chọn đối tượng, điều quan trọng là sự cố gắng hành trì của mọi người. Ngài cho rằng pháp này từ một vị tiểu tăng đến vị đại tăng ai ai cũng có thể duy trì và an trú trong tâm thức được. Tịnh giới như thế gọi là giới Đại thừa, là giới Vô thượng hay cũng được gọi là giới Vô đẳng. Sau khi thực hành tịnh giới chúng ta bước vào bậc thang thứ ba thực hành thiền định, đồng nghĩa với việc thân tâm buông xả cùng một lúc.
Nhân giới sinh định, theo quan niệm Pháp Loa để đạt được định thì phải kiểm soát tâm thức của mình, đưa tâm thức ra vùng an toàn, an toàn chính là không để tâm lý lung lay, lo lắng, sợ hãi, vướng mắc vào các đối tượng bên ngoài. Bởi vì tâm thức bị ảnh hưởng từ nhiều đối tượng bên ngoài thì tâm thường bị động rối loạn, tâm động thì thân cũng động theo tạo nên một bức tường ngăn cản chúng ta thực tập thiền định.
Chính vì thế, Pháp Loa cho rằng trước hết thiền định là phải định cái tâm của chính mình, thứ hai phải luôn quán tưởng: “Thân từ đâu tới? Tâm đã không có thì do đâu mà có thân? Thân và tâm đều là không thì pháp từ đâu mà có được? Pháp đã không phải là hữu thực, thì vô cũng có nhân duyên với hữu như thế nào?” Theo đó, định tâm là phải vừa trói buộc tâm vừa đánh thức tâm, đánh thức tâm không phải để tâm truôn trào ra bên ngoài mà là để tâm thức tĩnh lắng đọng, nhập vào chính niệm tỉnh giác. Thân cũng như vậy, luôn đồng hành với tâm trong việc nhập định, tâm đã định thì thân cũng phải chuyển hoá tất cả nhiễm ô. Thân và tâm tuy hai mà một, là yếu tố tất yếu cấu thành nên pháp chứng ngộ, có được pháp mới thể nhập chứng ngộ vào thiền định.
Khi nói đến Tuệ, Pháp loa nói như sau: “Phát sinh vô thượng Diệu Huệ, chiếu soi không cùng. Đối với tứ vô lượng tâm, tứ niệm xứ, tứ vô úy, bát chính đạo, thập lực của Phật, mười tám pháp bất cọng, cho đến tám muôn bốn ngàn môn đà-la-ni, trần trần sát sát, tất cả môn tam-muội đều từ nơi mình lưu xuất mỗi mỗi đều đầy đủ. Tuệ đã đầy đủ, ban cho chúng sinh, nguyện lực không cùng tận, tự giác giác tha, tứ sinh và cửu loại, tất cả đều được thấm nhuần. Nếu Tuệ mà không định gọi là càn tuệ (tuệ khô), định mà không tuệ gọi là si thiền.” Đối với Thiền sư Pháp Loa, Tuệ ấy không phải có được từ bên ngoài mà là sự sinh khởi từ bên trong, nghĩa là từ định mà phát ra. Và cũng như vậy, tuệ mà Pháp Loa nói đến là ánh đèn soi thấu tất cả các pháp từ hiện tượng đến bản thể, từ nội tâm lẫn ngoại giới, từ Phật lực đến vạn pháp một cách chân thật. Tất cả các pháp từ vô hình hay hữu hình, tuyệt đối hay tương đối, thậm chí tất cả pháp môn tam muội đều trọn vẹn nơi mình thì mọi thứ đều xuất phát từ chính mình mà ra.
Giới sinh ra định, định phát ra tuệ, một quá trình được diễn ra xuyên suốt và có mối quan hệ gắn bó với nhau, nếu thiếu mất đi một thì con đường tu chứng cũng không thành tựu được. Nhưng chung quy lại, Giới – Định – Tuệ đều bắt nguồn từ quan điểm kiến tính, nói cách khác là xuất phát từ cái tâm hay bản tâm. Bỡi lẽ, khi Tuệ tăng trưởng, chúng ta sẽ thấy mọi pháp đều phát sinh, phụ thuộc vào tâm và từ tâm mà ra. Như Thiền sư Pháp Loa nói tuệ giác được khai mở nhờ vào chính niệm, chính định từ Thiền, cũng thế tuệ giác thành tựu thì thiền định mới thật sự hữu hiệu. Ngược lại, thiền định mà không đưa tới tuệ giác tăng trưởng thì chẳng khác nào thiền si mê, có tuệ mà thiền định không có thì như là tuệ khô mà thôi.
Theo Thiền Đạo Yếu Học trong Tam Tổ Thực Lục, Nhị tổ Pháp Loa chia thiền ra làm năm bậc: Phàm phu thiền, Ngoại đạo thiền, Tiểu thừa thiền, Đại thừa thiền, Thượng thừa thiền. Theo cách chia như thế, đối chiếu với tư tưởng Thiền học của Pháp Loa thì thiền mà Ngài hành trì thuộc loại Thượng thừa thiền. Dòng thiền này được truyền từ thời Đức Phật Tỳ Lô Giá Na trãi qua vô số kiếp đến Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Rồi từ đó, truyền đến cho hai mươi tám vị Tổ Ấn Độ và sáu vị Tổ Trung Hoa, cho đến ngày nay thì sự truyền bá rộng lớn không thể tính điếm được.
Tóm lại, tư tưởng Thiền học của Nhị tổ Pháp Loa mang một giá trị triết lý vừa sâu sắc vừa thực tiễn, đáp ứng được nhu cầu cấp bách của bối cảnh đất nước Đại Việt lúc bấy giờ, đó là xây dựng và phát triển một quốc gia độc lập, thống nhất, phồn thịnh. Tiếp nối Sơ tổ Trần Nhân Tông, Nhị tổ Pháp Loa với cương vị của một người dẫn đầu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, không những phát huy được những tư tưởng Thiền học làm rạng danh Thiền phái Trúc Lâm mà còn có những đóng góp vô cùng to lớn trong việc dịch thuật trước tác, an sinh xã hội, đào tạo tăng tài,….Đặc biệt, Thiền sư là người đã có công lớn trong việc ấn hành Đại Tạng Kinh và xây dựng một Giáo hội Phật giáo thống nhất đầu tiên trong lịch sử Phật giáo của đất nước.
Nhị tổ Pháp Loa là tấm gương sáng của tư tưởng Thiền học Việt Nam nói riêng và cho cả Thiền gia của Phật giáo nói chung. Ngài đã dệt thêm những trang sử vàng cho nhà Trần bằng trí tuệ của Phật giáo, cất cao tinh thần tuỳ duyên bất biến cho Thiền phái Trúc Lâm. Mặc dù trãi qua biết bao nhiêu thời đại với mấy trăm năm lịch sử nhưng những tư tưởng Thiền học của Nhị tổ Pháp Loa vẫn còn được truyền bá rộng rãi và còn là nền tảng cốt yếu cho hành trình tu tập của thế hệ ngày nay trên con đường giác ngộ.
Tác giả: Thích Thiện Tâm Chùa Khánh Thiền, Q.Tân Bình, Tp.HCM
Bình luận (0)