Lý luận nhận thức (hay nhận thức luận) được coi là học thuyết về khả năng nhận thức của con người, về sự xuất hiện và phát triển của nhận thức cũng như về con đường, phương pháp nhận thức... Từ trước đến nay, nó luôn là một chủ đề lớn trong lịch sử tư tưởng triết học nói chung. Trong lịch sử triết học, vấn đề về nhận thức luôn đóng vai trò chủ yếu và thậm chí, có khi (thời cận đại ở Tây Âu) còn là vấn đề trung tâm của triết học. Vấn đề này với tính cách là một nội dung quan trọng trong vấn đề cơ bản của triết học, về thực chất nó là vấn đề về mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể trong quá trình nhận thức.

Triết học Phật giáo cũng vậy, có một nội dung quan trọng là bàn về các vấn đề nhận thức luận. Nhận thức luận Phật giáo không chỉ có tác dụng làm sáng tỏ những tư tưởng triết học của bản thân trường phái này, mà còn có những cống hiến nhất định cho sự phát triển của nhận thức luận nói chung.

Đề cập đến nhận thức luận trong triết học Phật giáo. Chúng tôi muốn nhấn mạnh một số quan niệm mang tính khái quát trong nhận thức luận Phật giáo qua một số nội dung cơ bản như sau:

1. Một số quan điểm khái quát trong nhận thức luận Phật giáo qua Lý tám thức

Phật giáo cho rằng, sự nhận thức của con người được hình thành từ sự kết hợp giữa chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức, thiếu một trong hai thứ này thì sự nhận thức không thể có được. Trong đó, Phật giáo cho rằng con người có sáu năng lực nhận biết về đối tượng, gọi là Lục căn: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Tương ứng với Lục căn là đối tượng trong khách thể nhận thức (gọi là Cảnh) gồm Lục trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Khi Lục căn gặp Lục trần trong quá trình nhận biết thì Phật giáo gọi là Lục nhập. Sự gặp gỡ của Lục căn và Lục trần trong quá trình nhận biết sinh ra cái biết, gọi là Thức, mà trước hết gồm có Lục thức: Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức và Ý thức. Theo đó:

Nhãn căn lấy sắc trần làm đối tượng, có thể phát sinh ra Nhãn thức.

Nhĩ căn lấy thính trần làm đối tượng, có thể phát sinh ra Nhĩ thức.

Tỷ căn lấy hương trần làm đối tượng, có thể phát sinh ra Tỷ thức.

Thiệt căn lấy vị trần làm đối tượng, có thể phát sinh ra Thiệt thức.

Thân căn lấy xúc trần làm đối tượng, có thể phát sinh ra Thân thức.

Mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi..., tác dụng thấy, nghe, ngửi ấy là Thức. Mỗi thức có một tác dụng riêng, thức là một tác dụng vô hình, vô tướng. Thức ở đâu cũng có và ở đâu có căn và có cảnh thì tác dụng ấy có thể được biểu hiện.

Phân biệt thuần tuý của năm thức ấy là một phân biệt bằng trực giác, nên không phải là một phân biệt có tính cách suy tầm, đắn đo. Phân biệt suy tầm đắn đo là phân biệt của thức thứ sáu tức ý thức rộng lớn vô cùng. Đối tượng của ý thức là Pháp trần sinh ra các tư tưởng. Khi thức này hợp tác cùng năm thức trước thì đối tượng tổng hợp của nó là ngũ trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc).

Nếu năm căn trước (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân) có quan năng phát sinh mang hình chất thì năng lực thứ sáu (ý) có quan năng phát sinh không mang hình chất gọi là Mạt na (Mạt na thức). Phân tích các tác dụng của Mạt na, Phật giáo chia ra, Mạt na sinh ra cái biết (phân biệt) mang tính gián đoạn (biết khi tỉnh, không biết khi ngủ) gọi là Ý thức, Mạt na có tác dụng chấp ngã, tức chấp có. Mạt na chấp cái biết của bảy năng lực trên đây và trở thành kho chứa của bảy thức gọi là Alaya thức (Tàng thức).

Cái mà thức thứ bảy (Mạt na) chấp làm bản ngã là một phần của thức Alaya. Thức này là tất cả, là chỗ chứa đựng tất cả các hình ảnh do bảy thức trước khảm nhập vào, do đó dường như không để mất đi một hình ảnh nào.

Như vậy, khi bàn về lý tám thức sẽ là những căn cứ xuất phát để chúng tôi đi vào làm rõ các quan điểm trong nhận thức luận của triết học Phật giáo.

Đề cập đến nhận thức luận, triết học Phật giáo cho rằng khách thể nhận thức được chia thành ba nhóm, gọi là Tam cảnh gồm: Tánh cảnh, Đới chất cảnh và Độc ảnh cảnh. Ba cảnh này còn được gọi là Tướng phần, trong tương quan với chủ thể nhận thức thì được gọi là Kiến phần.

Về Tánh cảnh, Kinh Bộ lượng - Du già của Phật giáo cho rằng, thực tại là một dòng biến chuyển, vận động không ngừng, là sự thống nhất của vận động và đứng im. Các thời điểm đứng im đó diễn ra trong thời khắc rất ngắn, và ngay trong thời điểm ngắn ngủi như vậy, thực tại cũng đã có sinh, có diệt, có đủ bốn tướng sinh, trụ, dị, diệt. Mặc dù có tương tục tiếp nối, song sự vật ở những sát na khác nhau được coi là những hiện tượng khác nhau. Mỗi sát na cũng có tính tách biệt với những sát na khác.

Vì vậy, chỉ những thực tại có trong từng sát na mới là đích thực, hay còn gọi là thực tại tối cao, thực tại trực tiếp, thực tại cứu cánh. Đó là thực tại không có vị trí xác định trong không gian và trì tục tính (tính liên tục) trong thời gian, mà chỉ là những điểm tồn tại trong từng sát na. Thực tại đó là thực tại siêu ngôn ngữ, không thể diễn đạt thành lời. Thực tại này trong nhận thức luận Phật giáo gọi là Tánh cảnh. Theo đó, Tánh là bản chất, Cảnh là đối tượng. Như vậy, Tánh cảnh là bản chất của đối tượng hay là bản chất của thực tại khách quan. Mặt khác, căn cứ trên phương diện bản chất và hiện tượng, Tánh cảnh được chia thành Vô chất tánh cảnh và Hữu chất tánh cảnh. Vô chất tánh cảnh là bản chất đích thực của Tánh cảnh, người ta chỉ có thể đạt tới nó bằng vô lậu trí - trí tuệ thanh tịnh của các bậc tam thừa đã dứt khỏi mọi phiền não câu nhiễm, hoặc bát nhã trí, vô phân biệt trí... Hữu chất tánh cảnh là những đối tượng được thể hiện và được nhận thức theo luật nhân quả.

Về Đới chất cảnh, loại thực tại thứ hai là thực tại gián tiếp. Đây là thực tại vay mượn, thực tại có dự phần của tưởng tượng, dự phần của tư duy kiến tạo, tức là có phần tham dự và tạo dựng của con người. Nói theo ngôn ngữ ngày nay, nó là thực tại nhận được trong hình ảnh chủ quan, trong khái niệm, trong các bản sao tinh thần. Nhưng thực tại này không thuần là thực, nghĩa là nó chỉ là bản sao, là thực tại gián tiếp hóa. Loại hiện thực này cũng có thể gọi là bán hiện thực, bởi vì dù sao, nó cũng có sơ sở ở hiện thực khách quan. Theo đó, Đới là mang theo, mang lại. Đới chất cảnh có nghĩa là cảnh mang lại từ thực tại thật (Vô chất tánh cảnh), từ thế giới Tánh cảnh, nói chung, là một đại diện hay một thể hiện của Tánh cảnh, là sản phẩm của thực tại nhưng không phải là thực tại tự thân, mà là thực tại theo quan niệm của chủ thể nhận thức.

Cảnh thứ hai này có thể là đối tượng của mọi thức, trừ thức thứ tám (Alaya). Đây là những lĩnh vực được thể hiện dưới dạng những ý tưởng. Những ý tưởng này được cấu tạo trên căn bản Hữu chất tánh cảnh để làm đối tượng của thức. Thông thường, Đới chất cảnh được chia thành Chân đới chất cảnh và Tự đới chất cảnh

Về Độc ảnh cảnh, đây là thế giới ảnh tượng do ý thức tái thiết lại khi vắng mặt cảm giác trực tiếp, nghĩa là khi nó hoạt động vượt qua ảnh hưởng cộng tác của năm thức đầu. Đây cũng là những hình ảnh, biểu tượng, khái niệm, ngôn từ có tính thuần túy đã vượt qua sự chi phối trực tiếp của hiện thực khách quan đứng sau chúng, là thực tại có trong tâm thức của con người, do con người tạo dựng nên, là sản phẩm thuần túy của tư duy con người. Độc ảnh cảnh chỉ có thể là đối tượng của ý thức mà không thể là đối tượng của các thức khác. Khi ý thức cộng tác với năm thức đầu thì đối tượng có thể là Tánh cảnh hay Đới chất cảnh. Còn khi nó hoạt động độc lập, vượt khỏi năm thức ấy thì đối tượng của nó chỉ có thể là Độc ảnh cảnh, thế giới những ảnh tượng, có cả trong các trường hợp hồi tưởng, tưởng tượng và mộng mị.

Độc ảnh cảnh có hai loại, đó là độc ảnh cảnh hữu chất và độc ảnh cảnh vô chất.

Độc ảnh hữu chất là những ảnh tượng trung thành của những cảm giác và ý tưởng đã từng làm đối tượng của ý thức. Ý thức tạo dựng lại ảnh tượng của những gì đã làm đối tượng cho nó trước kia, và lấy những ảnh tượng này làm đối tượng. Ảnh tượng của một con hổ mà ta thấy hôm qua nay được nhớ lại trong trí nhớ của chúng ta, đó là một Độc ảnh cảnh chứ không phải là một Đới chất cảnh. Vì sao? Bởi vì nó không được cấu tạo trực tiếp trong trường hợp cảm giác. Ảnh tượng con hổ được tạo dựng trên một đới chất đã từng có mặt, cho nên được gọi là Độc ảnh cảnh hữu chất.

Trái lại, Độc ảnh vô chất lại là sản phẩm hoàn toàn của ý thức, không phải là hình bóng trung thành của các đối tượng cảm giác. Chẳng hạn, ảnh tượng một vị thần trong nhận thức trẻ thơ hay ảnh tượng của một ngôi nhà mà mình ước mơ sẽ xây dựng nên sau này... đó là những Độc ảnh vô chất.

Tóm lại, Độc ảnh cảnh vô chất là đối tượng của ý thức trong trường hợp tưởng tượng sáng tạo, trong khi Độc ảnh cảnh hữu chất là đối tượng của ý thức trong trường hợp tưởng tượng phục hồi.

2. Thuyết Tam lượng hình thức cơ bản của nhận thức luận Phật giáo

Lượng là lượng tính, là tính toán và so lường và cũng là sự phân biệt, cân nhắc vạn pháp của Tâm thức để hiểu biết. Lượng còn gọi là năng phân biệt. Năng phân biệt có nghĩa là tâm thức có sức, có lực phân biệt vạn pháp. Nói cách khác, lượng ở đây là chỉ cho Tâm thức thuộc về chủ thể, có khả năng phân biệt vạn pháp và Tâm thức phân biệt có tính cách so lường thiệt hơn, cân nhắc lợi hại, phân tích đúng sai để chọn lựa tinh tường, sâu sắc cho sự hiểu biết. Tâm thức nhờ phân biệt mới có thể hiểu biết rõ tính chất, giá trị và ý nghĩa của mọi vật nên gọi là Lượng.

Trong triết học Phật giáo Hiện lượng được xem là hình thái đầu tiên của quá trình nhận thức. Hiện lượng nghĩa là hiểu biết trực tiếp những cảnh vật, đối tượng đã được hiện bày đầu tiên và sự hiểu biết hiện lượng hoàn toàn không có ý niệm diễn dịch và suy luận. Tác dụng nhận thức ở đây chỉ thuần tuý trực cảm, trực quan mà chưa có tính cách phán đoán và suy luận. Năm thức đầu và ALaya thức là hai loại tâm thức luôn luôn nhận biết bằng Hiện lượng.

Hình thái nhận thức thứ hai là Tỷ lượng. Trong tiếng Hán, “tỷ” là so sánh, “tỷ lượng” là nhận thức thông qua sự so sánh. Tỷ lượng cũng là xét đoán, tính toán theo sự so sánh đúng sai, cân nhắc lợi hại, phân biệt phải quấy, lựa chọn hơn kém... của tâm thức để hiểu biết. Đây là sự hiểu biết của ý thức (thức thứ sáu). Ý thức hiểu biết vạn pháp qua ảnh tử do năm tâm thức cung cấp. Không giống như sự hiểu biết trực tiếp của năm tâm thức trước, ý thức hiểu biết vạn pháp qua sự suy luận, diễn giải, nghĩa là ý thức luôn luôn phân biệt được danh xưng, ý nghĩa và tướng trạng từng sự vật một để nhận biết tính chất cũng như giá trị mỗi loại.

Vậy, Tỷ lượng và Hiện lượng có hai đối tượng nhận thức khác nhau. Đối tượng của Hiện lượng là Tự tướng với tính cách là cái riêng, cái đặc thù; trong khi đối tượng của Tỷ lượng là Cộng tướng với tính cách là cái chung, cái phổ biến, toàn thể. Cộng tướng có sự ngộ chấp chủ quan của chủ thể, sự phản ánh của Tỷ lượng về cộng tướng chỉ là “giả hữu - giả có” (ước không, ước có)

Nhận thức theo Tỷ lượng có hai loại, đó là Chân tỷ lượng và Tợ tỷ lượng.

Chân tỷ lượng có nghĩa là ý thức hiểu biết chính xác về tính chất, giá trị và ý nghĩa của vạn pháp hiện có mặt trong thế gian bằng sự suy luận và diễn giải. Những hiện tượng ảnh tử do năm thức đầu cung cấp đều phát sinh từ nơi những sự vật có thực chất trong thế gian nên gọi là chân và ý thức hiểu biết đúng những hiện tượng ảnh tử đó bằng sự suy luận và diễn giải nên gọi là Chân tỷ lượng.

Nếu Chân tỷ lượng là sự hiểu biết chính xác về tính chất, giá trị và ý nghĩa của ý thức thứ sáu về vạn pháp hiện có mặt trong thế gian bằng sự suy luận và diễn dịch thì Tợ tỷ lượng là việc ý thức nhớ lại (hồi tưởng) và so sánh những quá trình nghiệm sống của mình để hiểu biết tính chất, ý nghĩa và giá trị từng loại trong cuộc đời. Những quá trình nghiệm sống nói trên đã được đúc kết lại thành những hạt giống và cũng đã được tàng trữ trong thể thức Alaya. Khi muốn nhớ lại thì ý thức phải nhờ thức Mạt na mang những hình ảnh của hạt giống này từ trong thể thức Alaya đưa lên để trình diện cho ý thức thứ sáu so sánh. Sự so sánh này của ý thức để hiểu biết được gọi là Tợ tỷ lượng, vì những hình ảnh đem so sánh này có phần không thực chất và cũng không giống những sự vật hiện tượng có mặt trong thế gian.

Hình thái nhận thức thứ ba trong triết học Phật giáo gọi là Phi lượng. Thực ra, đây không phải là một hình thái nhận thức độc lập với hai hình thái nhận thức trước. Hiện lượng và Tỷ lượng có khi đúng và cũng có khi sai, mà mỗi khi sai thì đều là Phi lượng. Hiện lượng mà sai thì không phải là Chân hiện lượng mà là Tợ hiện lượng. Tỷ lượng mà sai thì không phải là Chân tỷ lượng mà là Tợ tỷ lượng. Tợ ở đây là có vẻ giống như cái đó nhưng thực ra không phải là cái đó. Chẳng hạn, khi ta đi trong đêm tối mà nhận lầm sợi dây làm con rắn thì đó là Tợ hiện lượng; còn khi suy diễn sai một điều gì chẳng hạn thì đó là Tợ tỷ lượng.

Như vậy, Phi lượng là sự xét đoán của Tỷ lượng và Hiện lượng nhưng sai lầm, không đúng sự thật. Đây thường là sự hiểu biết của thức Mạt na, một sự nhận thức bằng tưởng tượng, nhận biết mang tính chất so đo, chấp trước. Sự xét đoán, so lường của Mạt na thức thường chấp trước những điều không đúng chân giá trị của hiện tượng thực tại nên gọi là Phi lượng. Thức Mạt na luôn chấp trước nên khống chế và điều khiển ý thức nhận xét mọi việc và thường bóp méo sự thật. Sự hiểu biết vạn pháp của Mạt na thức không được vô tư mà lại hay sai lệch nên gọi là Phi lượng.

Việc nêu ra và làm rõ các hình thái của quá trình nhận thức, có thể xem là một trong những đóng góp có ý nghĩa tích cực của triết học Phật giáo đối với sự phát triển của nhận thức luận nói chung. Với ba hình thái của quá trình nhận thức bao gồm: Hiện lượng, Tỷ lượng và Phi lượng; trong đó Hiện lượng đã có phần nào giống với các hình thức nhận thức đầu tiên (cảm giác và tri giác) của nhận thức cảm tính, còn Tỷ lượng lại bao hàm các hình thức nhận thức lý tính (biểu tượng, khái niệm, phán đoán, suy luận), trong đó biểu tượng là hình thức giao thoa giữa nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính. Còn Phi lượng, không có gì khác hơn, đó chính là sự sai lầm của Hiện lượng và Tỷ lượng, tức sai lầm của cả nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính.

3. Kết luận

Tóm lại, với câu hỏi, những đối tượng nào được lượng biết trong quá trình nhận thức? Nhận thức luận Phật giáo cho rằng, những đối tượng ấy chính là: thế giới Tánh cảnh, thế giới Đới chất cảnh và Độc ảnh cảnh. Mỗi đối tượng trên đều mang những sắc thái riêng, tuy nhiên, đích cuối cùng mà nhận thức luận Phật giáo muốn đạt đến là thế giới Tánh cảnh, bởi đây là thế giới mang bản chất của đối tượng hay là bản chất của thực tại khách quan.

Với câu hỏi bằng cách nào để lượng biết các đối tượng ấy? nhận thức luận Phật giáo chỉ ra trong học thuyết Tam lượng rằng có ba hình thái để nhận biết đối tượng, bao gồm: Hiện lượng, Tỷ lượng và Phi lượng. Cũng như những đối tượng nhận thức nói trên, mỗi hình thái nhận thức ở đây cũng mang những sắc thái và những chức năng riêng. Hiện lượng nhận thức một cách trực tiếp, đúng thật; Tỷ lượng nhận thức một cách so đo, tính toán, suy diễn, phân biệt; Phi lượng thường mang đến những sự nhận thức sai biệt làm cho khác đi so với sự thật. Nếu cái đích mà nhận thức luận Phật giáo hướng tới ở đối tượng là thế giới Tánh cảnh thì ở các hình thái nhận thức đó phải là Hiện lượng. Bởi chỉ với Hiện lượng thì con người mới có thể nhận thức được thế giới Tánh cảnh.

Với sự ra đời của nhận thức luận là một kết quả tất yếu, do nhu cầu phát triển nội tại của bản thân triết học. Nó không những có vai trò khá lớn đối với sự phát triển của triết học Phật giáo nói riêng mà nó còn có ảnh hưởng đến sự phát triển của tư tưởng nhận thức của các trường phái triết học khác nói chung trong lịch sử triết học.

Nhận thức luận Phật giáo còn góp phần sáng tỏ và làm phong phú thêm hệ các vấn đề nhận thức nói chung, góp phần tích cực vào sự phát triển của tư tưởng loài người về nhận thức, về hình thức và phương pháp nhận thức, về các cấp độ phát triển của nhận thức, về vai trò của nhận thức. Đặc biệt, nhận thức luận Phật giáo đã góp phần làm sáng tỏ các mục tiêu của nhận thức, chỉ ra vai trò và giá trị của nhận thức đối với sự rèn luyện, tu dưỡng đời sống đạo đức của con người, đời sống mà trong đó con người hoàn thiện và làm giàu sinh hoạt tinh thần của mình.

Tác giả: Thạc sĩ Triết học Trần Huy Tạo - Bộ môn Khoa học Chính trị, trường Đại học Điện Lực Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 7/2016 --------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nguyễn Duy, Phật học tinh hoa, Nxb Văn hoá, Hà Nội. 1993 2. Minh Chi – Hà Thúc Minh, Đại cương lịch sử Triết học phương Đông, Nxb thành phố Hồ Chí Minh, 1993. 3. Hồng Dương Nguyễn Văn Hai, Tìm hiểu trung luận - Nhận thức và không tánh, phần nhận thức luận, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2001 4. Nhất Hạnh, Vấn đề nhận thức trong duy thức học, Nxb La Bối, Sài Gòn, 1974 5. Thích Thiện Hoa, Duy thức học, Nxb Tôn giáo, 1992 6. Đỗ Minh Hợp, Tôn giáo học nhập môn, Nxb Tôn giáo, 2006 7. Thích Thiện Siêu, Luận thành duy thức, Nxb văn hoá Sài Gòn, 2006 8. Thích Tâm Thiện, Vấn đề cơ bản của triết học Phật giáo, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2000