Tấm gương hộ pháp của cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám đối với Hội An Nam Phật học và cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền đối với Hội Phật học Nam Việt đã góp phần khơi dậy niềm tự hào về truyền thống “tốt đạo, đẹp đời” của người Phật tử nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.

Thích Thiện Mãn Học viên Thạc sĩ khóa III, chuyên ngành Lịch sử Phật giáo, tại Học viện Phật giáo Việt Nam TP. Hồ Chí Minh. Tham luận tại hội thảo về chủ đề: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước” vào ngày 04-11-2021 tại Tp.HCM

Tóm tắt: Phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam vào thế kỷ XX với sự ra đời và phát triển của các hội Phật giáo trên khắp ba miền Tổ quốc. Bên cạnh các vị tu sĩ, còn có sự nhiệt tâm tham gia và đóng góp của nhiều nam nữ cư sĩ trong các hoạt động của Hội Phật học đạt được nhiều thành tựu rực rỡ. Ba vị cư sĩ trí thức kiện tướng như Tâm Minh Lê Đình Thám với Hội An Nam Phật học, Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha với Hội Phật giáo Bắc kỳ, và Chánh Trí Mai Thọ Truyền với Hội Phật học Nam Việt góp phần thành lập và phát triển Hội Phật học, đẩy mạnh công tác hoằng pháp và giáo dục, chấn hưng Phật giáo các miền và hộ quốc an dân trong kháng chiến chống Pháp lúc bấy giờ. Từ khóa: Chánh Trí Mai Thọ Truyền, chấn hưng Phật giáo, Tâm Minh Lê Đình Thám, Việt Nam.

I. DẪN NHẬP

Với vai trò hộ pháp, người cư sĩ đã cùng chư Tăng Ni bảo vệ Phật pháp dù cho đức Phật còn tại thế hay diệt độ. Trải qua những giai đoạn thăng trầm của lịch sử tại xứ sở Ấn Độ, trước sự chèn ép và chống phá từ nhiều tôn giáo khác như Hồi giáo, Ấn Độ giáo,… khiến đạo Phật suy vong vào đầu thế kỷ XIII. Anagārika Dharmapāla đã thắp lên ngọn lửa phục hưng Phật giáo Ấn Độ vào cuối thế kỷ XIX, lan tỏa sang nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Nhật Bản,… trong đó có cả Việt Nam. Tiếp nối làn sóng chấn hưng đó, ở Việt Nam, ngoài chư Tăng Ni còn có sự tham gia của nhiều vị nam nữ cư sĩ, tầng lớp trí thức và quan lại nhiệt tâm chấn hưng Phật giáo đang trong bối cảnh suy vi và đồng thời góp phần giải phóng dân tộc nước nhà. Hình ảnh các vị cư sĩ như Tâm Minh Lê Đình Thám, Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha, Chánh Trí Mai Thọ Truyền,… đã chung tay góp sức cùng chư Tăng Ni chấn chỉnh đời sống tu học của giới tu sĩ Việt Nam, tạo dựng niềm tin tu học đối với tín đồ Phật giáo nói riêng và người dân Việt Nam nói chung, và đồng hành cùng dân tộc trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

II. KHÁI NIỆM VỀ NGƯỜI CƯ SĨ

Theo Từ điển Phật học Huệ Quang khái niệm rằng: “Cư sĩ (Sanskrit: Gṛhapati, Pāli: Gahapati, Hán: Ca-la-việt hoặc Già- la-việt) là trưởng giả, gia chủ, gia trưởng thuộc dòng họ Phệ-xá (Vaisya) một trong bốn họ giàu có ở Ấn Độ hoặc chỉ người tại gia tu theo đạo Phật”1. Một số cách gọi khác của cư sĩ như Phật tử, tín nữ, thiện nam, thí chủ, đàn việt, tín chủ. Cư sĩ gồm có nam cư sĩ (Ưu-bà-tắc, tiếng Pali là upāsaka, hay còn gọi là cận sự nam) và nữ cư sĩ (Ưu-bà-di, tiếng Pali là upāsikā, hay còn gọi là cận sự nữ). Nam cư sĩ và nữ cư sĩ là hai chúng trong bốn chúng2 hoặc bảy chúng3 đệ tử của đức Phật.

Để trở thành người cư sĩ, đức Phật dạy Mahànàma trong Kinh Tăng chi bộ rằng: “Này Mahànàma, khi nào quy y Phật, quy y Pháp, quy y chúng Tăng, cho đến như vậy, này Mahànàma, là người nam cư sĩ”4. Vị cư sĩ đó cần phải tu tập đầy đủ bốn pháp là giới luật (cơ bản là năm giới), niềm tin (tin Phật, tin pháp, tin Tăng, tin giới), tâm bố thí rộng mở và trí tuệ trong đời sống tu tập hằng ngày5. Đồng thời, để trở thành vị cư sĩ chân chánh, người đó cần phải thực hành tốt tám mối quan hệ trong xã hội như:

1. Quan hệ nhà nước và công dân 2. Quan hệ tu sĩ và cư sĩ 3. Quan hệ cha mẹ và con cái 4. Quan hệ thầy và trò 5. Quan hệ vợ và chồng 6. Quan hệ trong anh em, thân tộc 7. Quan hệ bản thân và bạn bè 8. Quan hệ quản lý (chủ) và nhân viên (tớ).

Đặc biệt, với tâm buông xả và hạnh nguyện hộ pháp, vị cư sĩ phát tâm cúng dường tịnh tài và vật thực yểm trợ đời sống tu tập và hoằng pháp của người xuất gia tu tập. Một số vị cư sĩ tiêu biểu thời đức Phật tại thế như: vua Pasenadi (Ba Tư Nặc), tín nữ Visakha (Tỳ Xá Khư), trưởng giả Anathapindika (Cấp Cô Độc), kỹ nữ Ambapali,… Sau khi đức Phật diệt độ, ở Ấn Độ có cư sĩ vĩ đại Asoka (A Dục), cư sĩ B.R Ambedkar (An Bồi Khắc); Trung Hoa có vua Lương Võ Đế, học giả uyên thâm Lương Khải Siêu. Ở Việt Nam, vào thời Lý • Trần có Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Tuệ Trung thượng sĩ; cho đến thời cận đại có các cư sĩ trí thức như Lê Đình Thám, Mai Thọ Truyền, Nguyễn Hữu Kha, Đoàn Trung Còn, v.v…

Cụ Tâm Minh Lê Đình Thám

III. ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG VÀ DỊ BIỆT VỀ VAI TRÒ CỦA TÂM MINH LÊ ĐÌNH THÁM VÀ CHÁNH TRÍ MAI THỌ TRUYỀN TRONG CÔNG CUỘC CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Thứ nhất về thời gian chấn hưng, cụ Tâm Minh6 đã vận động Hoàng Xuân Ba, Lê Thanh Cảnh, Tôn Thất Quyền, Lê Quang Thiết, Tôn Thất Tùng, Trương Xướng, v.v… thành lập Phật học hội ở Trung kỳ vào nửa đầu thế kỷ XX (1931-1932), đặt trụ sở tại chùa Từ Quang7 (Huế). Sau Cách mạng tháng Tám (1945) thành công, Hội An Nam Phật học đổi tên thành Hội Việt Nam Phật học, hoạt động cho đến năm 1953 thì gia nhập vào Tổng hội Phật giáo Việt Nam.

Ở Nam kỳ, năm 1947, cụ Chánh Trí8 chuyển công tác về Sài Gòn, được bổ nhiệm vào những vị trí cao trong bộ máy chính quyền như: Chánh văn phòng Phủ thủ tướng Nguyễn Văn Xuân, Chánh văn phòng Bộ kinh tế, Giám đốc hành chánh sự vụ Bộ Ngoại giao, chính quyền Bửu Lộc. Đến năm 1950, cụ và bác sĩ Nguyễn Văn Khỏe khởi xướng vận động chư Tăng và cư sĩ tham gia thành lập Hội Phật học Nam Việt tại Sài Gòn. Ban đầu, Hội lấy chùa Khánh Hưng9 làm hội quán tạm của Hội (1950-1951), về sau Hội dời về chùa Phước Hòa10 (1951-1958) và sau cùng dời về chùa Phật học Xá Lợi11 (từ năm 1959 trở về sau).

Thứ hai về việc lãnh đạo hội Phật học, nếu ở Trung kỳ có cụ Tâm Minh soạn thảo pháp lý thành lập Hội An Nam Phật học trình với Khâm sứ Pháp và triều đình Huế vào năm 1932 thì ở Nam kỳ có cụ Chánh Trí đảm nhận việc soạn thảo pháp lý trình với Thủ hiến Nam kỳ xét duyệt vào năm 1950. Cụ Tâm Minh từng đảm nhận làm Hội trưởng Ban Trị sự vào các năm như 1932, 1933, 1934, 1943, 1944; làm Phó Hội trưởng vào năm 1935 và 1936; sang năm 1937 làm đệ nhất kiểm soát; và giai đoạn từ 1938 đến 1942 làm chức vụ giáo lý kiểm duyệt. Ban chứng minh của hai hội đều thỉnh các vị tôn túc đạo hạnh làm chứng minh đạo sư cho hội, nhưng về Ban Trị sự thì có một số khác biệt. Ngoài trừ vị Tăng cố vấn, Ban Trị sự Hội An Nam Phât học đều do các cư sĩ phụ trách. Còn với Hội Phật học Nam Việt ở Nam kỳ thì ngược lại, vị Hội trưởng thời gian đầu do Thích Quảng Minh đảm trách (cụ Chánh Trí lúc này làm Tổng thư ký hội), mãi đến năm 1955 thì cụ Chánh Trí đảm nhận chức vụ Hội trưởng cho đến khi mất đi (1973). Cụ Tâm Minh và cụ Chánh Trí đã chung tay cùng hội quán trung ương mở rộng hoạt động đến các tỉnh thành khác trong miền. Đồng thời, hai cụ đều thể hiện tốt vai trò của mình trong việc tiếp đón cơ quan chính quyền hay phái đoàn Phật giáo trong và ngoài nước đến thăm hội.

Trong hai năm 1952 và 1953, cụ Chánh Trí nói riêng và Hội Phật học Nam Việt nói chung đã hợp tác cùng các đoàn thể Phật giáo khác thành công trong việc cung nghinh xá lợi của phái đoàn Phật giáo Tích Lan. Chính điều đó, hoàng thái hậu Đoan Huy và Tổng hội Phật giáo Việt Nam đã giao phó cho Hội Phật học Nam Việt tôn thờ xá lợi, cũng là cơ duyên xây dựng ngôi phạm vũ Phật học Xá Lợi từ năm 1955. Pháp nạn Phật giáo năm 1963, với cương vị Tổng thư ký Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo, cụ Chánh Trí nỗ lực kêu gọi các tỉnh hội cùng tổ chức đấu tranh khắp miền Nam để bảo vệ sự tồn vong cho đạo pháp và yêu cầu chính quyền Ngô Đình Diệm thực thi quyền bình đẳng tôn giáo. Sau khi chính quyền Diệm bị “Hội đồng quân nhân cách mạng” lật đổ vào ngày 01-11- 1963, Tổng hội Phật giáo Việt Nam tổ chức đại hội thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất vào năm 1964. Cụ Chánh Trí đã tham gia vào Ủy ban soạn thảo Hiến chương (11 chương và 32 điều), được 11 vị Trưởng phái đoàn các hội đoàn và giáo phái duyệt qua và ký tên. Hiến chương đó được công bố vào ngày 04-01-1964 Trong cuộc họp, Đại hội đã suy cử Hòa thượng Tịnh Khiết làm Tăng thống lãnh đạo Viện Tăng thống, Thượng tọa Tâm Châu làm Viện trưởng Viện Hóa Đạo, cụ Chánh Trí làm Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Do vì bất đồng ý kiến về mặt tổ chức của Giáo hội, nên sau một thời gian ngắn, cụ Chánh Trí đã xin phép từ chức và rút Hội Phật học Nam Việt ra khỏi tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.

Thứ ba về hoằng pháp, hai cụ Tâm Minh và Chánh Trí đều hoằng pháp trên hai phương diện là giảng pháp tại đạo tràng và viết bài đăng trên tạp chí Phật học. Một số bài giảng pháp tại hội quán chùa Từ Quang (Huế) của cụ Tâm Minh như: Nhân quả luân hồi (24-05- 1933), Thiện ác nghiệp báo (07-06-1933), Nhơn thiên thừa (07--07- 1933), Pháp môn Tịnh độ (04-09-1933), Luân lý của đạo Phật (02- 11-1933), Bổn phận của người học Phật (02-12-1933), Đạo lý nhân quả (06-12-1938),… và một số trú xứ khác ở miền Trung (03-07- 1937 tại làng Giam Biểu gần chùa Linh Mộ).

Sau khi được quan Toàn quyền cấp phép xuất bản tạp chí Viên âm vào ngày 30-06-1933, cụ Tâm Minh đã từng đảm nhiệm làm chủ nhiệm từ Viên Âm số 1 (12-1933) đến số 25 (06-1937), chủ bút từ Viên âm số 27 (07-1937) đến số 65 (1943), chủ nhiệm kiêm chủ bút từ Viên âm số 66-67 (1943) đến số 72 (1944), trả lời thư từ trong tòa soạn. Cụ Tâm Minh đã nhận định rằng: “Hiện nay báo chương, tạp chí, sách sử sản xuất, chất chứa số kể nhiều đến bao nhiêu, mà giữa đời khổ còn thiếu một chữ tròn, thời tập Phật học nguyệt san này tưởng cũng không dư, xin độc giả lượng nghĩ”12. Cụ Tâm Minh đã viết hơn 70 bài viết với nhiều bút hiệu khác nhau như Lê Đình Thám (9 bài), Tâm Minh (29 bài), Cửu Giới (11 bài), Châu Hải (10 bài), T.M (3 bài), Tâm Bình (3 bài), Tâm Lực (1 bài), Tâm Trực (5 bài), Tâm Liên (1 bài), Tâm Văn (1 bài), T.V (1 bài). Thích Không Hạnh nhận định rằng: “Trong 11 bút hiệu của Tâm Minh thì 3 bút hiệu sau còn hồ nghi, nhưng chỉ có 3 bài viết. Vậy ít nhất, ông có 68 bài chính thức trên 78 số Viên Âm (có những số đôi). Tuy nhiên, tạp chí Viên âm có 1099 bài viết thì có đến 487 bài không đề tên tác giả (chiếm 1 nửa). Nhiều khả năng số lượng bài viết khuyết danh ấy giai đoạn đầu phần nhiều là của Tâm Minh, giai đoạn sau là của Trí Quang”13. Các bài viết của cụ Tâm Minh có cả tiếng Việt, tiếng Pháp và tiếng Hán, có thể phân thành bốn chủ đề như sau: 1/ Phật pháp, 2/ Việc của hội, 3/ Trả lời thư từ, 4/ Thi lâm và tự truyện.

Cụ Chánh Trí cùng chư Tăng giảng pháp tại hội quán chùa Phật học Xá Lợi sau thời Tịnh độ vào mỗi sáng chủ nhật. Tiêu biểu như giảng Kinh Địa Tạng, Tứ vô lượng tâm,… và một số đạo tràng ở các Tỉnh hội miền Nam. Khác với cụ Tâm Minh, kể từ khi phát hành tạp chí Từ Quang (1951) của Hội Phật học Nam Việt, cụ Chánh Trí đảm nhận chủ nhiệm kiêm chủ bút xuyên suốt cho đến khi cụ mất đi (1973), và đã xuất bản được 242 số. Cụ đã phê bình thẳng thắn những tệ nạn đương thời như tục đốt giấy vàng mã, mê tín dị đoan. Sau khi cụ Chánh Trí mất, tạp chí Từ Quang đã ngưng dòng chảy sinh tồn của mình trong sự nghiệp hoằng pháp, văn hóa và nghị luận chung. Mãi đến năm 2012, Thượng tọa Đồng Bổn cùng các thành viên trong Ban Phật học Xá Lợi nỗ lực ra mắt Tủ sách Phật học Từ Quang, tiếp nối phong cách tạp chí Từ Quang thuở xưa là không đưa ra những luận thuyết cao siêu, không bàn luận vấn đề chính trị, không cổ súy bài báng pháp môn hay giáo phái nào. Tính đến tháng 4 năm 2021, Tủ sách Phật học Từ Quang đã xuất bản được tổng cộng là 36 tập.

Thứ tư về giáo dục Phật học, cụ Tâm Minh tham gia vào việc hoạch định chương trình giáo dục ở các cấp Phật học từ sơ đẳng đến đại học, với vai trò kiểm duyệt giáo lý. Cụ tham gia giảng dạy lớp đại học tại chùa Trúc Lâm do Hòa thượng Giác Tiên làm Giám đốc và lớp trung học tại chùa Tường Vân do Hòa thượng Tịnh Khiết làm quản lý. Cụ luôn mặc áo tràng và xá chào chư tăng trước khi bước lên pháp tòa để giảng dạy14. Đến năm 1937, cụ hỗ trợ đạo hữu Trí Độ dạy bên lớp Tiểu học và từ chối dạy lớp Trung học khi dời về chùa Tây Thiên vì đường xa và bận nhiều công việc. Năm 1940, cụ đã vận động thành lập Đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục. Chính cụ đã trực tiếp hướng dẫn và dạy giáo lý tân học cho các em trở thành những Phật tử chân chánh. Đồng thời, cụ còn thỉnh tiến sĩ Đinh Văn Chấp giảng dạy Nho, Lão với hy vọng: “Các em sẽ là các thiếu niên Phật tử chơn chánh, đúng theo ước vọng của các em, của cha mẹ các em, và của tất cả mọi người”15. Nhận thấy các em tổ chức sinh hoạt rất hiệu quả và nhằm tạo một môi trường cho các em phát triển nên cụ Tâm Minh đã giao phó cho Đoàn tham gia quản lý và xuất bản tạp chí Viên âm từ số 45 (1941). Đến Phật đản năm 1944, các em tổ chức đại hội tại rừng Quảng Tế, thành lập tổ chức Gia đình Phật hóa phổ, tiền thân của Gia đình Phật tử về sau.

Ngày 10-02-1965, Viện Đại học Vạn Hạnh khai giảng khóa học đầu tiên của phân khoa Văn học và Khoa học Nhân văn, tạm đặt tại chùa PHXL. Cụ Chánh Trí đã đảm nhận làm giảng viên cho Viện. Ngày 09-06-1965, lễ đặt đá xây dựng Viện Đại học Vạn Hạnh, ở gần cầu Trương Minh Giảng (nay là cầu Lê Văn Sỹ, quận 3, TP. Hồ Chí Minh), cụ Chánh Trí được đề cử làm phụ tá Viện trưởng đặc trách hành chính và tài chính, kiêm Tổng thư ký khóa 1967-1968.

IV. KẾT LUẬN

Tóm lại, tấm gương hộ pháp của cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám đối với Hội An Nam Phật học và cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền đối với Hội Phật học Nam Việt đã góp phần khơi dậy niềm tự hào về truyền thống “tốt đạo, đẹp đời” của người Phật tử nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung. Chính những hành động đầy nhiệt huyết “tín, thí, giới, tuệ” của hai vị cư sĩ đã tạo nguồn động lực và sức mạnh tinh thần cho các vị cư sĩ hiện nay và mai sau tiếp bước dấn thấn bảo vệ chánh pháp, phát triển đạo pháp lan tỏa mãi trong lòng dân tộc Việt Nam, qua đó cũng nhằm giới thiệu tinh thần “học Phật và hộ pháp” của người cư sĩ Phật giáo Việt Nam đến khắp quần chúng nhân dân Việt Nam và cả thế giới trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay.

Thích Thiện Mãn Học viên Thạc sĩ khóa III, chuyên ngành Lịch sử Phật giáo, tại Học viện Phật giáo Việt Nam TP. Hồ Chí Minh. Tham luận tại hội thảo về chủ đề: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước” vào ngày 04-11-2021 tại Tp.HCM

***

CHÚ THÍCH

1 Thích Minh Cảnh (chủ biên) (2016), Từ điển Phật học Huệ Quang, tập 1, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tr. 792. 2 Tứ chúng (bốn chúng): 1/ Tỳ-kheo, 2/ Tỳ-kheo-ni, 3/ Ưu-bà-tắc, 4/ Ưu-bà-di (nữ cư sĩ). 3 Thất chúng (bảy chúng): 1/ Tỳ-kheo, 2/ Tỳ-kheo-ni, 3/ Thức-xoa-ma-na-ni, 4/ Sa-di, 5/ Sa-di-ni, 6/ Ưu-bà-tắc, 7/ Ưu-bà-di. 4 Đại tạngkinh Việt Nam Nam truyền (2018), Kinh Tăng chi bộ, tập 2, chương Tám pháp, phẩm Gia chủ, Kinh Thích tử Mahànàma, Th Minh Châu (dịch), Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 340. 5 Đại tạng kinh Việt Nam Nam truyền (2018), Kinh Tương ưng bộ, tập 5, chương Tương ưng dự lưu, phẩm Phước đức sung mãn, Kinh Mahànàma, Thích Minh Châu (dịch), Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 760. 6 Lê Đình Thám (1897-1969): quê ở tỉnh Quảng Nam. Cha là ông Lê Đỉnh, mẹ là bà Phan Thị Hiệu. Cụ Thám học cả Hán học và Tây học, là bác sĩ được điều đi công tác ở nhiều bệnh viện miền Trung như Hội An, Quy Nhơn, Tuy Hòa,… Cụ quy y với Hòa thượng Giác Tiên vào năm 1928 với pháp danh là Tâm Minh. Từ 1929 đến 1945, cụ góp sức vào lãnh đạo, hoằng pháp và giáo dục của Hội An Nam Phật học. Năm 1945, cụ tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1969, cụ mất tại Hà Nội, thọ 73 tuổi. Các tác phẩm của cụ như: Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Thủ-lăng-nghiêm kinh, Đại thừa khởi tín, Nhân minh luận, Phật học thường thức, Bát-nhã tâm kinh,… và các bài viết đăng trên tạp chí Viên âm. 7 Chùa Từ Quang (Sắc tứ): hay còn gọi là chùa Đá Trắng, tọa lạc tại thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Chùa do ngài Pháp Chuyên Diệu Nghiêm khai sơn vào năm 1793 và được vua ban cho sắc tứ vào năm 1889. 8 Mai Thọ Truyền (1905 – 1973) sinh tại tỉnh Bến Tre. Cha là ông Mai Thành Cần và mẹ là bà Võ Thị Sô. Cụ học Nho học từ nhỏ, lớn lên theo học các trường của Pháp và sau này đảm nhận nhiều chức vụ trong bộ máy chính quyền các tỉnh. Cụ quy y với Hòa thượng Hành Trụ với pháp danh Chánh Trí, phát nguyện ăn trường chay và hộ trì đạo pháp. Các tác phẩm của cụ như: Phật giáo sử Đông Nam Á, Phật giáo Việt Nam, Phật thuyết vô lượng thọ kinh, Khảo cứu về Tịnh độ tông, Triết học tôn giáo Ấn Độ,… và Kinh Thủ Lăng Nghiêm còn dang dở. 9 Chùa Khánh Hưng: số 390/8, đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 11, quận 3, TP. Hồ Chí Minh. 10 Chùa Phước Hòa: số 491/14/5, đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 2, quận 3, TP. Hồ Chí Minh. 11 Chùa Phật học Xá Lợi: số 89, đường Bà Huyện Thanh Quan, phường 7, quận 3, TP. Hồ Chí Minh. 12 Thích Trung Hậu và Thích Hải Ấn (2007), Tác phẩm của bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, tập 3, Nxb Văn hóa Sài Gòn, tr. 194-195. 13 Thích Minh Cảnh (2019), Tổng mục lục Viên Âm Phật giáo sơ học, Thư viện Huệ Quang số hóa và ấn hành, tr. 144. 14 Nguyễn Lang (2008), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, Hà Nội, tr. 818. 15 Viên Âm (1943), “Phụ giải về chương trình học Phật pháp”, nguyệt san Viên Âm, số 60-61, Huế, tr.71.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Viên Âm (1943), “Phụ giải về chương trình học Phật pháp”, Viên âm số 60-61, Huế. Thích Minh Cảnh (2019), Tổng mục lục Viên Âm Phật giáo sơ học, Thư viện Huệ Quang số hóa và ấn hành. Thích Minh Cảnh (chủ biên) (2016), Từ điển Phật học Huệ Quang, tập 1, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Thích Minh Châu (dịch), 1. Đại tạng kinh Việt Nam Nam truyền (2018), Kinh Tăng chi bộ, tập 2, chương Tám pháp, phẩm Gia chủ, Kinh Thích tử Mahànàma, Thích Minh Châu (dịch), Nxb Tôn giáo, Hà Nội. Thích Minh Châu (dịch), 2. Đại tạng kinh Việt Nam Nam truyền (2018), Kinh Tương ưng bộ, tập 5, chương Tương ưng dự lưu, phẩm Phước đức sung mãn, Kinh Mahànàma, Nxb Tôn giáo, Hà Nội. Thích Trung Hậu và Thích Hải Ấn (2007), Tác phẩm của bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, tập 3, Nxb Văn hóa Sài Gòn. Nguyễn Lang (2008), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, Hà Nội.