Phật giáo ngày càng đóng góp vai trò quan trọng, góp phần cùng với nhà nước và cả xã hội thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Trong thời gian qua, với những đóng góp tích cực đó đã khẳng định vị trí đặc biệt quan trọng của Phật giáo trong đời sống xã hội.
Tác giả: Th.s Nguyễn Thị Huệ - Viện nghiên cứu Văn hóa
Tóm tắt: Việt Nam là quốc gia đang phát triển và có nhiều thành tựu nổi bật trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tuy vậy, ngày càng có nhiều vấn đề xã hội bức xúc nổi lên và trở thành thách thức cho Việt Nam hướng đến sự phát triển bền vững. Để góp phần xây dựng và đảm bảo sự phát triển bền vững cho xã hội, Phật giáo ngày càng có nhiều hoạt động, tích cực đóng góp cho công tác an sinh xã hội, thể hiện vai trò trách nhiệm trong điều kiện mới, qua đó đã khẳng định vị trí đặc biệt quan trọng của Phật giáo trong đời sống xã hội. Đồng thời khẳng định được sức sống của Phật giáo đối với sự phát triển của dân tộc qua suốt các thời kỳ lịch sử. Vì vậy, có thể nói là công tác an sinh xã hội, đảm bảo công bằng và tiến bộ xã hội không thể thiếu sự đóng góp của Phật giáo.
Bài viết phân tích một cách kỹ càng các yếu tố ảnh hưởng của Phật giáo tới mọi mặt của đời sống để khẳng định thêm một lần nữa vai trò to lớn của Phật giáo trong đời sống, đồng thời cũng nêu ra các giải pháp góp phần vào nâng cao vị thế của Phật giáo trong công tác an sinh xã hội.
Từ khóa: An sinh xã hội, Phật giáo và an sinh, Phật giáo
Phương pháp nghiên cứu: Để thực hiện bài nghiên cứu này, chúng tôi đã sử dụng phương pháp điền dã phỏng vấn các đối tượng có liên quan. Chúng tôi đã đi cùng nhiều đoàn hành hương trong đợt lễ chùa, du xuân 2019 ở chùa Hương, chùa Ba Vàng, chùa Bái Đính và một số chùa khác tại Miền Bắc. Dưới sự hướng dẫn và giới thiệu của các bác trong Ban quản lý các chùa, chúng tôi đã tiếp cận được nhiều nhóm du khách thường xuyên đến chùa. Từ đây, các nhóm cũng đã cung cấp các thông tin liên quan tới hành động công đức, công tác thiện nguyện và các công tác khác của họ trong quá trình phụng sự.
Qua trao đổi, họ cũng đã cởi mở trong việc chia sẻ về thói quen, về nguyên nhân, động cơ mà họ đi hành hương. Tôi cũng đã chọn được ra trong mỗi nhóm đó khoảng 10 người để phỏng vấn
Ngoài ra, tôi cũng đã sử dụng phương pháp quan sát, tham dự: Trong suốt những đợt tham dự lễ hội của chùa Bái Đính, chùa Ba Vàng, rất may mắn nhờ sự giới thiệu từ các bác trong Ban quản lý chùa, tôi đã tiếp cận và được mời về nhà của một số bà, cô phục vụ việc gom tiền công đức tại chùa để trò chuyện sâu hơn với họ.
Tôi đã có khoảng thời gian, theo chân họ và quan sát những công việc cụ thể của họ trong một ngày. Thông qua đó, hiểu được những suy nghĩa của họ về công việc, về thái độ và suy nghĩa của họ. Từ đó, giúp cho tôi có góc nhìn bao quát và toàn diện hơn.
Ngoài ra, tôi còn phỏng vấn một số các cô, các bác có tham dự lễ hội và có những công tác thiện nguyện. Để biết được ý kiến của họ về việc này. Để có các thông tin được kiểm chứng, nguồn thông tin phong phú hơn, tôi cũng đã chọn ra một nhóm các cô, các bác là người dân sống quanh vùng và hiện đang tham gia vào các dịch vụ trong mùa lễ hội để phỏng vấn.
Trực tiếp được tham gia vào các đoàn đó để cảm nhận được các công việc và sự tác động của Phật giáo tới từng ngóc ngách của xã hội.Thông qua việc họ nhìn nhận thế nào về các việc họ làm và cách xã hội tiếp nhận, nhìn nhận thế nào để có thể khái quát lên sự ảnh hưởng của Phật giáo tới công tác an sinh xã hội.
PHẦN MỞ ĐẦU
Bất cứ một quốc gia nào, trong quá trình phát triển của mình đều phải đặc biệt quan tâm giải quyết vấn đề an sinh xã hội. Không thể phủ nhận rằng, giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội sẽ góp phần giữ vững ổn định về kinh tế - chính trị - xã hội của đất nước, đảm bảo công bằng, giúp xã hội phát triển. Trong sự hội nhập và phát triển kinh tế của Việt Nam gần 30 năm qua, cùng với những thành tựu đổi mới kinh tế, phát triển mạnh mẽ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia, Việt Nam đã có những nỗ lực to lớn, đầu tư nguồn lực và đổi mới cơ chế, chính sách, kêu gọi các lực lượng, tổ chức xã hội tham gia thực hiện an sinh xã hội, chăm lo cải thiện không ngừng cuộc sống của người dân, trong đó Phật giáo là một trong những tổ chức xã hội đóng góp tích cực và hiệu quả nhất việc thực hiện công tác an sinh xã hội. Trong bài viết này, tác giả tập trung làm rõ vai trò của Phật giáo trong công tác an sinh xã hội: Bảo trợ xã hội, cứu trợ xã hội.
II. VAI TRÒ CỦA PHẬT GIÁO VỚI AN SINH XÃ HỘI
2.1. Những nét chính về An sinh xã hội
Thứ nhất, khái niệm an sinh xã hội. Năm 1850, sau cuộc cách mạng công nghiệp làm cho đời sống của công nhân gặp rất nhiều khó khăn nhất là khi ốm đau, bị mất việc hay tuổi già, lần đầu tiên ở Đức, nhiều Bang đã thành lập quỹ ốm đau và yêu cầu công nhân phải đóng góp để dự phòng khi bị giảm thu nhập vì bệnh tật. Từ đó, xuất hiện hình thức bắt buộc đóng góp. Đến cuối những năm 1880, An sinh xã hội đã có sự đóng góp bắt buộc của giới chủ và Nhà nước. Mô hình này của Đức đã lan dần ra châu Âu, sau đó sang các nước Mỹ Latinh, rồi đến Bắc Mỹ vào những năm 30 của thế kỷ XX. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, an sinh xã hội đã lan rộng sang các nước giành được độc lập ở nhiều nơi trên thế giới. Năm 1935 đạo luật đầu tiên về an sinh xã hội (Social Security) xuất hiện ở Mỹ. Thuật ngữ an sinh xã hội được chính thức sử dụng. Đến năm 1941, trong Hiến chương Đại Tây Dương và sau đó Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) chính thức dùng thuật ngữ này trong các công ước quốc tế. An sinh xã hội đã được tất cả các nước thừa nhận là một trong những quyền con người.
Nội dung của an sinh xã hội đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn nhân quyền do Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 10/12/1948. Trong bản Tuyên ngôn có viết: "Tất cả mọi người với tư cách là thành viên của xã hội có quyền hưởng an sinh xã hội. Quyền đó đặt cơ sở trên sự thoả mãn các quyền về kinh tế, xã hội và văn hóa cần cho nhân cách và sự tự do phát triển con người...". Ở mỗi quốc gia khác nhau, có các cách hiểu khác nhau về an sinh xã hội.
Trong bài viết này, chúng tôi sử dụng khái niệm của Tổ chức lao động quốc tế (ILO): An sinh xã hội là sự bảo vệ của xã hội đối với các thành viên của mình thông qua một loạt biện pháp công cộng, nhằm chống lại những khó khăn về kinh tế và xã hội do bị ngừng hoặc giảm thu nhập, gây ra bởi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp, thương tật, tuổi già và chết; đồng thời đảm bảo các chăm sóc y tế và trợ cấp cho các gia đình đông con. Ở Việt Nam, Điều 34 Hiến pháp năm 2013 ghi nhận: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”. Đây là một quyền mới mà các bản Hiến pháp trước đây không quy định. Để bảo đảm việc thực hiện quyền này, khoản 2 Điều 29 Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội” và điều này cũng đã được cụ thể hoá trong nhiều văn bản pháp luật khác như: Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật…
Trong thực tế, nhiều năm qua nhà nước đã chú trọng phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, hiệu quả; đẩy mạnh thực hiện các chương trình an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo, đối tượng dễ bị tổn thương; chủ động phòng ngừa, giảm tới mức thấp nhất và khắc phục những rủi ro do tác động của kinh tế, xã hội, môi trường; phát triển mạnh mẽ hệ thống bảo hiểm, khuyến khích và tạo điều kiện để người lao động tiếp cận và tham gia các loại hình bảo hiểm; mở rộng các hình thức trợ giúp và cứu trợ xã hội, tăng độ bao phủ, nhất là đối với các đối tượng khó khăn, các đối tượng dễ bị tổn thương… Như vậy, về mặt bản chất, an sinh xã hội góp phần đảm bảo thu nhập và đời sống cho các công dân trong xã hội. Phương thức hoạt động là thông qua các biện pháp công cộng. Mục đích là tạo ra sự “an sinh” cho mọi thành viên trong xã hội và vì vậy mang tính xã hội và tính nhân văn sâu sắc.
Thứ hai, cấu trúc của an sinh xã hội. Về bản chất, an sinh xã hội là góp phần bảo đảm thu nhập và đời sống cho các công dân trong xã hội. Phương thức hoạt động là thông qua các biện pháp công cộng. Mục đích là tạo ra cuộc sống tốt đẹp, bình an cho mọi thành viên trong xã hội. Vì vậy, an sinh xã hội mang tính xã hội và tính nhân văn sâu sắc.
Về cấu trúc của an sinh xã hội bao gồm: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; Bảo trợ xã hội, cứu trợ xã hội; Trợ cấp gia đình; Các quỹ tiết kiện xã hội; Các dịch vụ xã hội khác được tài trợ bằng nguồn vốn công cộng.
Thứ ba, vì sao phải đảm bảo an sinh xã hội. Bảo đảm an sinh xã hội là yêu cầu, điều kiện cần thiết của sự ổn định, phát triển đất nước. Với việc ghi nhận công dân có quyền được đảm bảo An sinh xã hội trong Hiến pháp năm 2013 cơ sở hiến định để công dân bảo đảm có được thu nhập tối thiểu nhằm thoát khỏi tình trạng nghèo đói khi không có việc làm hoặc không có thu nhập. Đây cũng là cơ sở để Nhà nước xây dựng hệ thống duy trì thu nhập do Nhà nước quản lý, bảo đảm cho công dân được hưởng quyền về an sinh xã hội. Thực hiện chính sách an sinh xã hội là sự cung cấp phúc lợi cho các hộ gia đình và cá nhân thông qua cơ chế của Nhà nước hoặc tập thể nhằm ngăn chặn sự suy giảm mức sống hoặc cải thiện mức sống thấp. Bảo đảm an sinh xã hội là yêu cầu và điều kiện cần thiết của sự ổn định, phát triển đất nước, góp phần hiện thực hóa các quyền xã hội của mọi người dân. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước, hoạt động bảo đảm an sinh xã hội ngày càng được triển khai có hiệu quả, trở thành một điểm sáng trong thực hiện nhân quyền ở Việt Nam. Việt Nam coi việc phát triển bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm chất lượng sống cho người dân ngày càng được an toàn và cải thiện là nội dung, cách thức thiết thực nhất thực hiện các quyền xã hội của mọi người dân; đồng thời, cũng là động lực và mục tiêu xuyên suốt của sự nghiệp đổi mới đất nước.
Ở Việt Nam, ngay từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Đảng và Nhà nước ta đặt quyết tâm phát triển hệ thống an sinh xã hội bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của người dân, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tiếp cận dần với chuẩn mức quốc tế. Từ nhiều năm qua, đặc biệt là từ khi thực hiện đường lối đổi mới (năm 1986) đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để ổn định chính trị - xã hội, phát triển bền vững. An sinh xã hội được xác định là một bộ phận quan trọng của chính sách xã hội, nằm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bảo đảm an sinh xã hội là điều kiện để bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa cho sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991 và bổ sung, phát triển năm 2011) và nghị quyết của các kỳ đại hội, đặc biệt Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 1-6-2012, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, về “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020” đã đặt ra yêu cầu: coi bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hình thành hệ thống an sinh xã hội bao phủ toàn dân với các yêu cầu: bảo đảm người dân có việc làm, thu nhập tối thiểu; tham gia bảo hiểm xã hội; bảo đảm hỗ trợ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người cao tuổi thu nhập thấp, người khuyết tật nặng, người nghèo,…); bảo đảm cho người dân tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản ở mức tối thiểu (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin), góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân.
2.2. Vai trò cơ bản của Phật giáo với công tác An sinh xã hội
Để làm rõ những vai trò cơ bản của Phật giáo đối với công tác An sinh xã hội, theo tôi phải làm rõ hai vấn đề: Vì sao Phật giáo lại làm tốt công tác An sinh xã hội? và vai trò của Phật giáo trong công tác an sinh xã hội là gì?
Thứ nhất, Vì sao Phật giáo lại có thể làm tốt an sinh xã hội? Một là, vì có điểm tương đồng trong triết lý vì con người của Phật giáo với lý tưởng của Đảng vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Trong báo cáo Chính trị tại Đại hội XI của Đảng ghi rõ: “Bảo đảm an sinh xã hội… trợ giúp và cứu trợ xã hội đa dạng, linh hoạt, có khả năng bảo vệ, giúp đỡ mọi thành viên trong xã hội, nhất là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương”. Chủ trương này của Đảng rất phù hợp với tinh thần vì chúng sinh của Phật giáo. Sự tương đồng này là một trong những cơ sở quan trọng, là cơ duyên để Phật giáo phát triển, đồng hành cùng với dân tộc Việt Nam, thể hiện tinh thần nhập thế hành đạo, thường xuyên tổ chức các hoạt động từ thiện - xã hội, hòa quyện cùng những triết lý sống của người dân: “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”...
Hai là, là tính hướng thiện của Phật giáo. Tính hướng thiện của Phật giáo là một trong những nguồn gốc của chủ nghĩa nhân đạo. Là đạo đề cao con người, lấy con người là trung tâm. Tư tưởng bình đẳng, hòa bình của Phật giáo, lòng từ bi, bác ái, khuyên con người luôn nhớ đến “đạo hiếu”, lấy chữ hiếu làm đầu: “hạnh hiếu là hạnh Phật, tâm hiếu là tâm Phật”, v.v., là những giá trị tích cực, thiết thực góp phần bảo vệ gia đình - tế bào của xã hội, khích lệ mọi người quan tâm đến số phận của cộng đồng, sống lương thiện, coi trọng tính nhân bản, gắn bó với thiên nhiên. Lối sống Phật giáo nêu cao tinh thần “cư trần lạc đạo” góp phần xây dựng lối sống có trách nhiệm, không tham quyền cố vị, không bám lấy lợi ích vật chất, sống thanh cao, tự tại. Chính thông qua thái độ từ bi, không nề hà việc cưu mang, cứu vớt những số phận bất hạnh mà Phật giáo đã cảm hoá được con người, dẫn dắt họ làm điều thiện, bỏ qua lối sống vị kỷ để quan tâm đến con người và xã hội. Sự lan tỏa đạo đức và triết lý Phật giáo một phần đã cảm hóa con người, các tăng ni, Phật tử thường xuyên học tập chánh pháp, tu luyện bản thân. Đó là điều quan trọng tạo điều kiện cho Phật giáo truyền bá sâu rộng và bám rễ lâu bền cùng dân tộc, góp phần định hình những giá trị đạo đức và lối sống cho con người Việt Nam hiện nay. Điều này cũng góp phần lý giải tại sao, Phật giáo có sức hút và độ tin tưởng mạnh mẽ của của khá đông người dân Việt Nam.
Ba là, Phật giáo là đạo nhập thế, hành thiện. Phật giáo luôn đề cao lòng từ bi, nhân ái, được coi là tôn giáo nhập thế gắn bó với dân tộc Việt Nam. Định hướng bởi “Phật pháp bất ly thế gian pháp”, tinh thần cứu khổ, cứu nạn của đức Phật được phát huy rộng rãi, giúp Phật giáo gắn bó chặt chẽ cùng dân tộc Việt Nam. Giáo lý Phật giáo quan niệm con người cần có lòng từ, bi, hỉ, xả (tứ vô lượng tâm). Đây là nhân tố chủ yếu giúp phát triển tâm từ bi, hạnh cứu khổ, định hướng hoạt động của Phật giáo cho con người và vì con người.
Trong quan niệm của Phật giáo, những việc tu phước, làm việc thiện chính là con đường để giúp con người có được một cuộc sống an bình. Kinh nhà Phật luôn nhắc đến tinh thần vô ngã, vị tha, khuyên con người sống có trách nhiệm với cộng đồng, thể hiện lòng nhân ái của mình với người khác. Hoạt động từ thiện - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội không chỉ là sự thể hiện tinh thần từ bi, cứu khổ, cứu nạn của tín đồ Phật giáo mà còn đóng vai trò thực hiện công tác bảo trợ, cứu trợ xã hội rất lớn của Phật giáo. Không chỉ là sự giúp đỡ con người bằng các liệu pháp tinh thần, mà còn bằng những hành động mang tính thực tiễn, thiết thực, cụ thể. Nổi bật là sự hỗ trợ vật chất của các tôn giáo trong hoạt động hành đạo với các hoạt động an sinh xã hội ngay trong bản thân từng cộng đồng, thông qua việc giúp đỡ những người nghèo khó, gắn kết và góp phần trong việc nâng cao chất lượng sống của họ. Không thể phủ nhận rằng, Phật giáo là một tổ chức xã hội lớn và có uy tín lâu đời ở Việt Nam. Suốt quá trình phát triển dài của đất nước, Phật giáo đã là lực lượng xã hội quan trọng, đồng hành cùng Nhà nước và các tổ chức xã hội khác trong các hoạt động từ thiện - xã hội để hỗ trợ người dân, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội của nước ta, đảm bảo công bằng xã hội. Điều này phản ánh rõ nét vai trò quan trọng của Phật giáo trong đời sống xã hội.
Thứ hai, khi nói về vai trò cơ bản của Phật giáo trong công tác an sinh xã hội phải nói tới vai trò “bảo trợ xã hội, cứu trợ xã hội”. Đây là yếu tố thứ 2 trong cấu trúc an sinh xã hội. Bảo trợ xã hội được hiểu là sự giúp đỡ của Nhà nước, xã hội, cộng đồng bằng những biện pháp và các hình thức khác nhau đối với các đối tượng bị lâm vào cảnh rủi ro, hạn hán, nghèo đói… vì nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến không đủ khả năng tự lo liệu được cho cuộc sống tối thiểu của bản thân và gia đình, nhằm giúp họ tránh được mối đe dọa của cuộc sống thường nhật hoặc giúp họ vượt qua những khó khăn ổn định cuộc sống, và hòa nhập cộng đồng. Nó đặc biệt có ý nghĩa đối với một bộ phận là thành viên xã hội trên cơ sở sự tương trợ cộng đồng, chia sẻ rủi ro. Bảo trợ xã hội là hoạt động mang đậm tính nhân đạo, có ý nghĩa kinh tế, chính trị, xã hội, pháp luật. Điều này xuất phát từ quyền cơ bản của con người trong xã hội. Mỗi người sống trong xã hội đều có quyền được sống, được bình đẳng, được yêu thương đùm bọc, bảo vệ khỏi những biến cố bất lợi, đặc biệt là khi cuộc sống bị đe dọa. Để thực hiện vai trò bảo trợ an sinh xã hội, Phật giáo tham gia công tác xã hội như cung cấp dịch vụ giáo dục, y tế, xác lập nhiều quỹ xóa đói giảm nghèo, v.v. Cứu trợ xã hội cung cấp, hỗ trợ thu nhập cho các nhóm dễ bị tổn thương để giúp họ đối phó với những khủng hoảng bất ngờ, vượt qua được khó khăn trong cuộc sống và tồn tại trong xã hội…
Góp phần phòng ngừa và giảm thiểu các khả năng dễ bị tổn thương của các cá nhân và những dân cư yếu thế. Để thực hiện vai trò cứu trợ xã hội Phật giáo thường xuyên tổ chức cứu trợ từ thiện, chia sẻ mái ấm tình thương đối với các mảnh đời dễ bị tổn thương, các cá nhân yếu thế thuộc các tầng lớp khác nhau trong xã hội.
Cũng giống như nhiều tổ chức xã hội phi chính phủ khác đều thực hiện công tác bảo trợ, cứu trợ xã hội, đều giúp những con người dễ bị tổn thương và các cá nhân yếu thế có thể mau chóng hoà nhập cộng đồng. Tuy nhiên, khi thực hiện vai trò bảo trợ và cứu trợ xã hội Phật giáo đã thể hiện rõ vai trò của một tổ chức luôn đề cao giá trị nhân văn, giá trị con người; đề cao trách nhiệm xã hội trong quá trình thực hiện công tác an sinh xã hội đó.
III. NHỮNG GIẢI PHÁP CẦN CÓ ĐỂ NÂNG CAO VAI TRÒ CỦA PHẬT GIÁO VỚI AN SINH XÃ HỘI
3.1 Một là, đề cao giá trị nhân văn, giá trị con người.
Với tinh thần là đạo tôn trọng và đề cao con người, đặt con người vào vị trí trung tâm, nên các hoạt động an sinh xã hội của Phật giáo ra đời là để đáp ứng nhu cầu cấp thiết cần nhận hỗ trợ của những con người cụ thể để vượt qua khó khăn hiện tại của chính họ. Do đó, trong mỗi hoạt động của mình Phật giáo đều làm cho giá trị, nhân phẩm và quyền con người luôn được đặt lên hàng đầu. Chùa là nơi tâm niệm cứu độ chúng sinh bình đẳng. Không phân biệt giới tính, nghề nghiệp, tuổi tác, địa vị trong xã hội, bất cứ ai gặp khó khăn, bất trắc trong cuộc sống, bị ruồng bỏ, không nơi nương tựa khi tìm đến của chùa đều được nhà chùa giúp đỡ, cưu mang. Không những thế, tinh thần Phật giáo còn đến với người gặp khó khăn về sức khỏe nơi bệnh viện thông qua các bữa cháo từ thiện; đến với người già, neo đơn qua tấm áo tình thương; đến với người nghèo khó qua những đồ sinh hoạt thường ngày: gạo, muối, vv.; đến với trẻ em vùng cao qua áo ấm, qua những lớp học khang trang; đến với gia đình có công với cách mạng bằng những ngôi nhà tình nghĩa, đến với đồng bào gặp thiên tai, lũ lụt, người bị tai nạn giao thông,...
Đề cao giá trị cá nhân của mỗi con người, các hoạt động hỗ trợ của nhà chùa cũng đặt yếu tố tinh thần ở tầm quan trọng, các hoạt động của nhà chùa không chỉ dừng ở mức cứu trợ tạm thời mà còn đặc biệt quan tâm tới công tác giáo dục, hướng thiện con người. Khác với những tổ chức cứu trợ xã hội khác, chùa còn mang lại sức mạnh tinh thần, vì thế con người luôn đặt niềm tin vào Phật giáo, nơi mang lại cho con người một sức mạnh tinh thần to lớn, giúp con người có thể giải tỏa căng thẳng do áp lực cuộc sống. Để thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, nhà chùa ngoài triển khai những hỗ trợ tức thời, trước mắt, còn phòng ngừa những vấn đề tiêu cực xảy đến với các cá nhân, nhóm cộng đồng thông qua các hoạt động giáo dục. Nhiều chùa đã có trách nhiệm rất cao trong việc hướng dẫn người dân hướng thiện, tránh ác, hướng dẫn người dân làm công tác an sinh xã hội. Các trung tâm bảo trợ xã hội, nuôi trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, người già không neo đơn được thành lập tại nhiều chùa. Các chương trình tiếp sức mùa thi, khoá tu mùa hè,... đang được triển khai rộng ở nhiều ngôi chùa khắp miền Tổ quốc. Nhiều chùa tổ chức dạy học cho trẻ vào các buổi tối, các ngày cuối tuần, dịp hè; nhiều chùa là điểm đến nương tựa đèn sách cho sinh viên nghèo suốt những năm đại học. Điều đó đã làm cho Phật giáo gần với đời. Giúp đỡ cho nhiều cảnh đời khó khăn, cứu được nhiều tâm hồn lầm lạc. Nhiều trẻ đã trưởng thành từ các trung tâm bảo trợ xã hội của nhà chùa và trở thành các nhà giáo, bác sĩ, doanh nhân, v.v. trở thành những công dân có ích, góp phần không nhỏ cho sự ổn định và phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
3.2. Hai là, đề cao giá trị xã hội được trách nhiệm xã hội.
Phật giáo quan niệm cuộc đời là khổ, mục đích căn bản của giáo lý của nhà Phật là nhằm giải thoát con người khỏi nỗi khổ. Nhưng giải thoát không có nghĩa là tu hành xuất thế lánh đời, mà ngược lại, giống như nhiều tôn giáo lớn khác, trong bản thân giáo lý và hoạt động của Phật giáo luôn mang ý thức về cộng đồng với một tinh thần trách nhiệm xã hội cao cả, hành động vì lợi ích của người khác và lợi ích chung cho tất cả mọi người. Giáo lý của nhà Phật là giải thoát sinh tử, đưa con người thoát khổ. Song, giải thoát chính là sự hoàn thành đầy đủ, tận tâm tận lực thực hiện mọi nghĩa vụ và bổn phận của một công dân trong xã hội, chứ không phải là trốn tránh xã hội. Có lẽ vì thế hai mệnh đề “hoằng dương Phật pháp” và “lợi lạc quần sinh” gắn liền với nhau trong giáo lý Phật giáo.
Trong kinh điển Phật giáo không có khái niệm “trách nhiệm xã hội”, song tinh thần trách nhiệm xã hội đã thấm đẫm trong tư tưởng của nhà Phật. Kinh Hoa Nghiêm có câu: “Bất vi tự kỷ cầu an lạc, đãn nguyện chúng sinh đắc ly khổ” (Không cầu yên lành cho bản thân, mà chỉ nguyện để chúng sinh thoát khổ). Hay như tinh thần của Địa Tạng Vương Bồ Tát: “Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật. Chúng sinh độ tận, phương chứng Bồ đề” (Địa ngục chưa hết người thì ta thề không thành Phật. Chỉ khi nào chúng sinh được độ hết thì ta mới chứng Bồ đề”. Trong kinh Dược sư, khi ngài A Nan hỏi bằng cách nào để thoát khỏi những tai nạn, Đức Phật trả lời: “Nếu có chúng hữu tình nào ăn ở bất hiếu, ngũ nghịch, hủy nhục ngôi Tam Bảo, phá hoại phép vua tôi, hủy phạm điều cấm giới thì vua Diêm Ma pháp vương tùy tội nặng nhẹ mà hành phạt. Vì thế ta khuyên chúng hữu tình nên thắp đèn làm phan, phóng sanh, tu phước khiến khỏi được các tai ách, khỏi gặp những tai nạn”. Như vậy, trong quan niệm của Phật giáo, những việc làm như phóng sanh, tu phước, làm việc thiện chính là con đường để giúp con người có được một cuộc sống bình an, thoát khỏi tai họa. Ngoài ra, các kinh Khuyến phát bồ đề tâm văn, Diệu pháp Liên Hoa kinh,… đều nhắc đến tinh thần vô ngã, vị tha, tức khuyên con người sống có trách nhiệm với cộng đồng, biết thể hiện lòng nhân ái của mình đến với người khác. Kinh Diệu pháp Liên Hoa, một trong những bộ kinh quan trọng của Phật giáo: “Dẫu cho tạo tội hơn núi cả/ chẳng nhọc Diệu Pháp vài ba hàng”, đã đề cập đến công đức của người phát tâm từ bi giúp chúng sinh: “Nếu Thiện nam tử! Thiện nữ nhơn thành tựu bốn pháp, thời sau khi Như Lai diệt độ sẽ đặng kinh Pháp Hoa này: Một là được các đức Phật hộ niệm, hai là trồng các cội công đức, ba là trong chánh định, bốn là phát lòng cứu tất cả chúng sanh”.
Trách nhiệm xã hội của Phật giáo chính là trách nhiệm đạo đức, là tinh thần luôn xả thân vì người khác, quan tâm tới người khác. Nhiều giáo lý căn bản của nhà Phật cũng là các đức hạnh căn bản, và các đức hạnh đó cũng thể hiện trách nhiệm đối với người khác, đối với nhân sinh, đối với xã hội. Do đó, trách nhiệm xã hội của Phật giáo cũng có thể hiểu chính là ngũ giới (giới sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối và uống rượu), là tứ vô lượng (từ, bi, hỉ, xả), là lục độ (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí tuệ), là tứ nhiếp (bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự). Kinh điển nhà Phật “Vô minh La Sát tập” có viết: “Năng thiện hài hòa, tạo tác nghiệp quả, chuyển luân sinh tử”, nghĩa là hòa hợp với người khác, làm những việc tạo ra sự hài hoà cũng là một công việc tạo thiện, tích đức, đồng thời cũng có tác dụng thoát ly sinh tử. Phật giáo luôn kêu gọi bình đẳng giữa người với người, thúc đẩy sự hòa hợp trong xã hội. Chủ trương chúng sinh bình đẳng, các nước hòa bình, kêu gọi từ bi tế thế, đây là sự thể hiện cao nhất trách nhiệm xã hội của Phật giáo. Do đó, trong quá trình thực hiện công tác bảo trợ xã hội, cứu trợ xã hội nói riêng và công tác an sinh xã hội nói chung Phật giáo không ngừng tuyên truyền nâng cao đạo đức qua những phương thức khác nhau, đó là hoạt động từ thiện, là công tác xã hội, tham gia tích cực vào công tác xã hội, vào sự nghiệp giáo dục, chăm sóc y tế cho tất cả mọi người, tích cực bảo vệ môi trường, bảo vệ sinh thái, v.v.
Quan niệm về trách nhiệm xã hội của Phật giáo còn thể hiện qua tình cảm, sự quan hoài của Phật giáo đối với xã hội và nhân sinh, cụ thể là triết lý “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi”. Ý nguyện cứu độ những người không có duyên chính là thể hiện một tình cảm vô điều kiện, không vì bất cứ một lý do gì, cũng không phải vì thỏa mãn cái tôi, mà thuần tuý là một hành động thiện tự nhiên. Có được động lực như vậy thì mới có thể “đồng thể đại bi”, nghĩa là coi người khác như chính bản thân mình, cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ người khác trên cơ sở bình đẳng, ngang hàng, không vụ lợi.
Xuất phát từ quan niệm Phật tính bình đẳng, mà con người ai cũng có phật tính (“Chúng sinh giai hữu Phật tính”), chúng ta có thể suy luận rằng Phật giáo quan niệm tất cả mọi người đều bình đẳng với nhau. Đạo Sinh trong “Pháp Hoa kinh sớ” có nói: “Nhất thiết chúng sinh, giai đương tác Phật” (Tất cả mọi người đều có thể thành Phật). Con người tự do ngay từ lúc sinh ra, vì vậy con người bình đẳng với nhau cả về nhân phẩm, quyền lợi và trách nhiệm. Đức Phật Thích Ca đã nói: “Tự vi tự y hỗ, tha nhân hà khả y? Tự kỷ thiện điều ngự, chứng nan đắc sở y” (“Tự mình là vị cứu tinh. Tự mình nương tựa vào mình tốt thay. Nào ai cứu được mình đây? Tự mình điều phục hàng ngày cho chuyên” - Kinh Pháp Cú, phẩm 160). Chính vì thế, trong quá trình nhập thế hành đạo, Phật giáo đã sẵn sàng giúp đỡ tất cả mọi người, mọi giai tầng trong xã hội một cách vô điều kiện, hướng con người tới các giá trị chân, thiện, mĩ.
Xuất phát từ thuyết duyên khởi: “cái này có thì cái kia có. Cái này không thì cái kia không. Cái này diệt thì cái kia diệt” Phật giáo đã tìm thấy mối tương quan giữa mọi vật, mọi việc, giữa những con người khác nhau trong xã hội. Có lẽ vì thế, Phật giáo có sức mạnh quy tụ rất lớn mọi tầng lớp trong xã hội, tạo nên các mối dây liên hệ, khơi dậy được các giá trị nhân văn, nhân ái truyền thống của dân tộc, hướng con người vun đắp thiện tâm.
Các chương trình an sinh xã hội, vì cộng đồng của Phật giáo đều có sức thu hút và lan tỏa rộng rãi trong xã hội, có ảnh hưởng tích cực tới đời sống tâm hồn con người. Thông qua các chương trình giáo dục, các chương trình vì cộng đồng, Phật giáo đã đi vào lối sống, nếp nghĩ của nhiều người dân Việt Nam từ những chuyện ăn ở, sinh hoạt hàng ngày đến những chuyện đối đức, vv. Điều này không chỉ khẳng định những giá trị tích cực mà Phật giáo đã mang lại cho xã hội và còn khẳng định sự tồn tại đúng đắn và sức sống của Phật giáo. Trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế ở Việt Nam hiện nay, không thể phủ nhận rằng, công tác an sinh xã hội đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, đưa lại các giá trị tích cực trong xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều vấn đề nổi cộm chưa được giải quyết đang cần sự chung tay góp sức của các tổ chức xã hội như:
Thứ nhất, tình trạng nghèo đói và kết quả giảm nghèo chưa bền vững: tỷ lệ hộ nghèo đã thoát nghèo nhưng nằm sát chuẩn nghèo rất lớn (70-80%), tỷ lệ tái nghèo còn cao khoảng 7-10%, hộ nghèo chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn (90%). Vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số hiện có 62 huyện tỷ lệ hộ nghèo trên 50%. Phân hóa giàu nghèo có xu hướng tăng, chênh lệch về thu nhập của nhóm 20% dân số giàu nhất (nhóm 5) so với nhóm 20% dân số nghèo nhất (nhóm 1) lên tới 8,4 lần, chênh lệch mức sống giữa nông thôn và thành thị vẫn trên 2,5 lần.
Thứ hai, đời sống người nông dân ngày càng bấp bênh, xã hội nông thôn Việt Nam còn nhiều khó khăn và buộc phải có chính sách giải quyết thỏa đáng, từ đói nghèo cho đến giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng, môi trường.
Thứ ba, tình trạng ô nhiễm môi trường khá nặng nề do khói bụi, do chất thải công nghiệp, hóa chất sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, v.v., làm thiệt hại sản xuất, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, tỷ lệ người mắc bệnh hiểm nghèo ngày càng tăng. Sự biến đổi của khí hậu, thiên tai lũ lụt, hạn hán, v.v. đẩy con người đững trước các nguy cơ của bệnh dịch, nghèo đói.
Thứ tư, tình hình người nhập cư đến các thành phố lớn là đáng báo động đẩy họ đứng trước những thách thức lớn bởi những biến đổi nhanh về thị trường, đất đai, nghề nghiệp, lối sống mà họ hình như chưa hề được chuẩn bị để đối phó. Sự tác động và phát triển của các ngành công nghiệp, sẽ làm cho người nghèo đô thị, công nhân lao động rất dễ bị tổn thương bởi nhiều lý do khác nhau như những vấn đề liên quan đến nhà ở, quyền sử dụng đất, điều kiện sinh hoạt không bảo đảm, bị đe doạ bởi bệnh tật và bạo lực.
Với sự tác động và những biến đổi của kinh tế, chính trị, xã hội trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế ở Việt Nam hiện nay đã, đang, và sẽ còn xuất hiện nhiều vấn đề khó khăn trong xã hội, làm trở ngại cho quá trình phát triển bền vững ở Việt Nam. Giải quyết những vấn đề này đòi hỏi phải có thời gian, sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà nước và góp sức của toàn xã hội. Vì vậy, Phật giáo Việt Nam với tư cách là một tổ chức xã hội sẽ là lực lượng quan trọng để góp phần giải quyết hiệu quả những vấn đề xã hội đang đặt ra; qua đó nhằm mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho những con người chẳng may bất hạnh và khốn khó trong xã hội.
IV. KẾT LUẬN
Việt Nam là quốc gia đang phát triển và có nhiều thành tựu nổi bật trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tuy vậy, ngày càng có nhiều vấn đề xã hội bức xúc nổi lên và trở thành thách thức cho Việt Nam hướng đến sự phát triển bền vững. Để đảm bảo sự phát triển bền vững cho xã hội, Phật giáo ngày càng có vai trò quan trọng, góp phần hỗ trợ với Nhà nước thực hiện tốt an sinh và đảm bảo công bằng xã hội. Với những đóng góp lớn, tích cực vào công tác an sinh xã hội và vai trò trách nhiệm trong điều kiện mới của Việt Nam là cơ sở chắc chắn khẳng định vị trí đặc biệt quan trọng của Phật giáo trong đời sống xã hội. Đồng thời khẳng định được sức sống của Phật giáo đối với sự phát triển của dân tộc qua suốt các thời kỳ lịch sử. Công tác an sinh xã hội, đảm bảo công bằng và tiến bộ xã hội không thể thiếu sự đóng góp của Phật giáo.
Tác giả: Th.s Nguyễn Thị Huệ - Viện nghiên cứu Văn hóa ***Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Hữu Dũng (2011), Bảo đảm gắn kết chặt chẽ tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội trong chiến lược phát triển nước ta đến năm 2020, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số tháng 1 (163). 2. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2002), Kinh Dược Sư bổn nguyện công đức (âm-nghĩa), Thích Huyền Dung dịch, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 3. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2008), Kinh Diệu pháp Liên Hoa, Thích Trí Tịnh dịch, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo. 4. Thích Trí Quảng (2008), Phật giáo nhập thế và phát triển, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
Bình luận (0)