Thích Nữ Thánh Thảo Học viên Ths Phật học Khóa IV - Học viện PGVN tại Tp.HCM
MỞ ĐẦU
Đời sống con người gắn liền với ba yếu tố: Sự phát triển kinh tế, xã hội và môi trường sống. Ba trụ cột này hỗ trợ và hài hòa lẫn nhau. Nếu chỉ chú trọng một trong ba, hoặc chỉ quan tâm đến việc phát triển kinh tế mà không quan tâm đến các vấn đề xã hội thì sẽ dẫn đến hệ quả mất cân bằng. Thực trạng cho thấy, trong bối cảnh thế giới bước vào giai đoạn toàn cầu hóa một cách mạnh mẽ với nhiều thành tựu vĩ đại thì con người cũng đối diện với vấn đề đạo đức suy thoái, kéo theo vô số hệ lụy đưa đến các vấn nạn xã hội ngày một nhiều như khủng hoảng kinh tế, ô nhiễm môi trường, mất cân bằng hệ sinh thái v.v...Tất cả đều từ nhận thức và trách nhiệm của con người hình thành nên. Từ đó, đạo đức trở thành một trong những vấn đề đang được lưu tâm cấp thiết và cần được điều chỉnh trong xã hội, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.
Nhân loại đang trong một cuộc chiến mới, đó là nổ lực vực dậy nền kinh tế trước tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Đứng trước thời cuộc, Phật giáo cũng thể hiện quan điểm về cách phát triển kinh tế bền vững, cũng như chứng minh sự hiện hữu của đạo Phật không chỉ mang yếu tố tâm linh mà còn có giá trị triết học, luôn nghiên cứu và tìm hiểu các vấn đề liên quan đến đạo đức trong đời sống xã hội, từ đó điều chỉnh cách tiếp cận, giáo dục và đóng góp một cách thiết thực hơn, nhập thế hơn, hướng đến cải thiện đạo đức cho con người, góp phần xây dựng nền kinh tế vững mạnh và thiết lập một đời sống an lạc hạnh phúc.
Chương 1. Vấn nạn đạo đức xã hội
1.1. Định nghĩa về đạo đức trong xã hội
Theo Từ Điển Bách Khoa Việt Nam: “Đạo đức là một trong những hình thái sớm nhất của ý thức xã hội bao gồm những chuẩn mực xã hội điều chỉnh hành vi của con người trong quan hệ với người khác và với cộng đồng (gia đình, làng xóm, giai cấp, dân tộc hoặc toàn xã hội). Căn cứ vào những chuẩn mực ấy, người ta đánh giá hành vi của mỗi người theo các quan niệm về thiện và ác, về cái không được làm (vô đạo đức) và về nghĩa vụ phải làm”[1]. Khác với pháp luật, các chuẩn mực đạo đức không ghi thành văn bản pháp quy có tính cưỡng chế, song nó được mọi người thực hiện do sự thôi thúc của lương tâm cá nhân và của dư luận xã hội.
Mối quan hệ giữa các cá nhân và hoạt động chung của con người trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội cần phải được điều chỉnh phù hợp, do đó đạo đức ra đời và phát triển để đáp ứng các nhu cầu cấp thiết đó. Tính đạo đức biểu hiện bản chất xã hội của con người, sự tiến bộ của ý thức đạo đức là cái không thể thiếu được trong sự tiến bộ chung của xã hội.
Theo Giáo trình đạo đức học: “Đạo đức thuộc hình thái ý thức xã hội, là tập hợp những nguyên tắc, quy tắc nhằm điều chỉnh và đánh giá cách ứng xử của con người trong quan hệ với nhau, với xã hội, với tự nhiên trong hiện tại hoặc quá khứ cũng như tương lai chúng được thực hiện bởi niềm tin cá nhân, bởi truyền thống và sức mạnh của dư luận xã hội”[2].
Theo Tiến sĩ Huỳnh Khái Vinh, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Hà Nội, cho rằng: “Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, gồm những nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực xã hội, nhờ đó con người tự giác điều chỉnh hành vi cho phù hợp với lợi ích, hạnh phúc của mình và sự tiến bộ xã hội trong mối quan hệ giữa người với người, giữa cá nhân với xã hội”[3]
Như vậy, căn cứ vào các định nghĩa trên, ta có thể hiểu đạo đức là một phạm trù luân lý căn bản của nhận thức về hành vi con người, là các hình thái thuộc về tâm và được biểu hiện ngang qua hành vi của mỗi cá nhân. Cá nhân là phần tử của gia đình, xã hội. Nếu cá nhân đó thiếu tinh thần đạo đức sẽ gây ảnh hưởng lớn đến hạnh phúc của gia đình, xã hội. Nhờ có đạo đức, tức các chuẩn mực về đời sống sinh hoạt hằng ngày như quan hệ gia đình, vợ chồng, con cái, bạn bè, đồng nghiệp.... mà xã hội loài người mới có thể đảm bảo ổn định và phát triển bền vững. Nói tóm lại, đạo đức xã hội là những quy tắc chuẩn mực trong hành vi ứng xử với chính mình, với cộng đồng xã hội, tức giữa người với người và rộng hơn là giữa người với vật. Chính nhờ các quy tắc này mà xã hội loài người nói riêng và cộng đồng sinh vật cùng tồn tại trên thế giới này nói chung có được cuộc sống an lành và hạnh phúc hơn.
1.2. Các vấn nạn về đạo đức trong xã hội
Thời đại ngày nay, vật chất được đề cao, sự tiến bộ khoa học và công nghệ bành trướng trên bình diện rộng, khuynh loát cả hệ thống hoạt động vật chất và tâm linh mà có lúc có nơi chưa có sự quan tâm đúng mức đến hệ giá trị đạo đức của con người, khiến “đạo đức xuống cấp ở mức đáng báo động!”[4]. Trong Nghị quyết số 33 Hội nghị lần thứ 9 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã nhận định: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng”[5].
Sự xuống cấp của đạo đức được thể hiện qua nhiều lĩnh vực.
Thứ nhất, đối với bản thân thì con người thời nay có chiều hướng sống buông thả, hưởng thụ hoặc vị kỷ, vô cảm, thiếu trách nhiệm. Thanh niên trẻ thời nay có lối sống thiếu lý tưởng, hoài bão, thiếu ý chí phấn đấu dẫn đến sự suy thoái về đạo đức và tha hóa về nhân cách.
Thứ hai, đối với gia đình thì vấn nạn bạo lực có chiều hướng gia tăng, tỷ lệ ly hôn ngày càng cao, cha mẹ ít quan tâm giáo dục đạo đức cho con cái, chỉ chăm lo phát triển vật chất và trí tuệ, nhiều gia đình không còn là tổ ấm, tế bào lành mạnh của xã hội.
Thứ ba, đối với xã hội thì vấn nạn liên quan đến đạo đức, nhân phẩm ngày càng nhiều, trở thành “quốc nạn” của mỗi đất nước. Từ việc thiếu đạo đức dẫn đến suy thoái môi trường, khủng hoảng nền kinh tế nước nhà hay là suy thoái thuần phong mỹ tục của văn hóa, xã hội. Con người vì danh lợi mà làm ăn phi pháp; gian lận trong học hành; các thủ đoạn mua danh bán chức. Đạo đức nghề nghiệp sa sút ngay cả trong những lĩnh vực được tôn vinh như: y tế, giáo dục, luật pháp, báo chí v.v...Các tệ nạn xã hội từ bạo lực, tống tiền, giết người, cướp của đến cờ bạc, nghiện ngập, mại dâm v.v...có chiều hướng lan rộng.
Vì trưởng dưỡng lòng tham, sân hạn và si mê mà người ta sẵn sàng chà đạp tình nghĩa, đạo lý, nhân phẩm của mình. Tất cả những vấn nạn này nếu không được sớm khắc phục, thì sẽ trở thành nhân tố chính đưa văn minh của một đất nước, một xã hội đi đến tình trạng suy thoái nghiêm trọng.
1.3. Vấn nạn đạo đức trong lĩnh vực kinh tế
Một trong những vấn nạn đạo đức xã hội đó là lĩnh vực về kinh tế. Kinh tế được hiểu là tổng thể những mối quan hệ có sự tương tác qua lại lẫn nhau giữa con người với con người, liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm tạo ra sản phẩm, hàng hóa để buôn bán, trao đổi trên thị trường. Kinh tế với nghĩa rộng bao gồm nhiều ngành nghề kinh doanh trong những lĩnh vực khác nhau như: công nghiệp, nông nghiệp, ngư nghiệp, tài chính ngân hàng v.v...
Thực trạng của thời đại hiện nay đó là con người đa phần bị đời sống vật chất nắm giữ tâm trí, đồng tiền được coi là yếu tố quyết định mạnh mẽ khiến cá nhân vì lợi dưỡng mà quên đi trách nhiệm đạo đức đối với tha nhân và xã hội, “các nước tiên tiến thì tập trung phát triển các kỹ nghệ nặng, nhẹ, đặc biệt là đại kỹ nghệ. Các nước đang phát triển thì đang trên đường kỹ nghệ hóa. Tất cả đều đặt trọng tâm vào phát triển kinh tế, nghĩa là quan tâm nhiều đến sản phẩmvà lợi tức mà bỏ quên sự phát triển một hướng sống tâm linh và đạo đức” [6]. Giáo sư Joan Robinson thuộc Đại học Cambridge đã từng phát biểu rằng: “...lý thuyết của nền kinh tế thị trường tự do là nhằm để nâng cao cho sự truy cầu lợi ích cá nhân của bản thân mà thôi. Đây là việc làm có hại cho xã hội loài người”[7]. Hay Frank Knight cho rằng “con người luôn bị thúc đẩy bởi động cơ tư lợi ích kỷ và sau này trở thành chủ điểm quan trọng của lý thuyết kinh tế thị trường. Ai cũng làm vì ham lợi, phủ nhận điều này là không hợp lý”[8]. Sự trưởng dưỡng tâm ích kỷ đã khiến nhân loại đi theo khuynh hướng tích lũy ngày càng nhiều của cải vật chất, từ đó làm cho sự khác biệt giữa giàu và nghèo ngày càng sâu sắc và rõ rệt. Ngoài ra, việc đánh giá tổng sản phẩm quốc nội (GDP) xem là phúc lợi cho con người lại bỏ qua vấn đề nhân sinh và sinh thái để có lợi nhuận cao, khiến đạo đức trong kinh doanh không được chú trọng. Con người luôn luôn cạnh tranh về hàng hóa, dùng mọi cách để tối đa hóa lợi nhuận và lợi ích cá nhân nên nhiều khi đã đánh mất trí tuệ và nhân phẩm của mình. Hướng phát triển ấy ràng buộc với tâm tham ái và chấp thủ của con người đã đem lại cho thế giới các cuộc chiến tranh, nóng bỏng nhất hiện nay như tình hình chiến sự của Nga tại Ukraine đã làm trầm trọng thêm mối đe dọa đối với kinh tế toàn cầu lẫn gây trở ngại cho các giải pháp phục hồi sau đại dịch Covid-19[9]. Bên cạnh đó là các khủng hoảng kinh tế xã hội, đạo đức và môi sinh, v.v... đã báo động cho chúng ta mối hiểm họa hủy diệt tập thể gây ra cho các cuộc chiến nguyên tử, hóa chất, do sự ô nhiễm đất đai, nước non và không khí.
Trong kinh Tương Ưng, Phật chỉ rõ về lòng tham mù quáng của con người: “Loài người bị đắm say/ Trong tài sản, trong dục/ Họ tham lam, điên dại/ Trong các dục ở đời/ Không ý thức rõ ràng/ Chẳng khác gì con nai/ Không thấy đặt bẫy sập/ Hiện đời chịu đau khổ/ Sau lãnh quả ác nghiệp”[10].
Những vấn nạn đạo đức trong kinh tế vẫn đang là chủ đề được quốc gia và xã hội lên án cũng như kêu gọi mọi người cùng nhau khắc phục để đưa nền kinh tế xã hội được phát triễn một cách mạnh mẽ hơn.
Chương 2. Vai trò của Phật giáo trong việc góp phần giải quyết vấn nạn đạo đức xã hội thuộc lĩnh vực kinh tế
2.1. Đạo đức Phật giáo
Trong đạo đức có đạo đức tôn giáo, sự xuất hiện của tôn giáo cũng đồng nghĩa sự xuất hiện của đạo đức, bỡi lẽ tôn giáo ra đời để góp phần giúp con người đi về phía ánh sáng, hoàn thiện nhân cách của mình trong cuộc sống. Đạo đức Phật giáo cũng vậy, luôn hướng nhân loại sống theo chính đạo, lấy đạo đức làm nền tảng cho mọi sự tu tập và hành trì.
Theo Hòa thượng Thích Minh Châu thì đạo đức Phật giáo được hiểu là: “Một nếp sống đề cao vị trí con người và chứng minh rằng con người có khả năng đạt đến giải thoát tối thượng nếu con người có đủ ý chí và nỗ lực, nếu con người tăng trưởng được niệm lực, định lực và thiền lực, nếu con người phát huy được tuệ lực, giải thoát lực của con người. Bước thêm bước nữa, đạo đức Phật giáo là một nếp sống thanh tịnh, trong sạch và lành mạnh”[11]. Đây dường như là định nghĩa đầy đủ và chính xác nhất cho đạo đức Phật giáo. Ngoài ra, Hòa thượng Thích Chơn Thiện trong cuốn Tư Tưởng Việt Nam Nhân Bản Thực Tại Luận cho rằng: “Nếu hiểu hạnh phúc là đạo đức hay đạo đức là ít ý dục thì toàn bộ giáo lý nhà Phật là một hệ thống đạo đức mà đỉnh cao là lòng đại từ, đại bi và trí tuệ giải thoát khổ đau”[12].
Đạo đức Phật giáo được chia làm bốn phần như sau:
1. Đạo đức học giới (Sila ethics): Đạo đức giới (sīla) là nền tảng của thiền định (samādhi) và trí tuệ (paññā), gồm có Đạo đức của người tại gia: Năm giới (pañca-sīla) và tám giới (Aṭṭha-sīla); đạo đức của người xuất gia: Mười giới Sa-di (dasa-sīla), Sáu học giới (sikkhāpada), giới cụ túc (bhikkhu / bhikkhunī pātimokkha); giới Bồ-tát (Bodhisattva Prātimokkha)…
2. Đạo đức học nghiệp (Kammic ethics): là đạo đức chuyển hóa thân tâm thông qua chức năng và động cơ của hành động.
3. Đạo đức tâm lý (Psycho ethics): Các nguyên lý tâm lý Phật giáo, bản chất tâm (citta), ý (mana), thức (viññāṇa), tổ hợp tâm vật lý (nāmarūpa). Nguồn gốc thiện (kusalamūla) và bất thiện (akusalamūla). Giúp con người hiểu được sự sinh diệt, biến đổi của tâm lý, hiểu rõ động cơ và kết quả và xử lý khổ đau bằng vô ngã, “Cái này không phải là tôi, cái này không phải là tự ngã của tôi”[13].
4. Đạo đức trách nhiệm (Ethics as duties): Tương đương với đạo đức xã hội (social ethics): Dựa vào kinh Giáo Thọ Thi-ca-la-việt (Sigālovāda Sutta)[14], đức Phật từng đề cao trách nhiệm của một người đối với những mối quan hệ trong xã hội, gồm: Vợ - chồng; cha mẹ - con cái; nhà giáo – học viên; chủ lao động – người lao động; tình bạn; tín đồ - hàng tu sĩ...
Tổng hợp các nhận định trên, chúng ta có thể hiểu rằng đạo đức Phật giáo là các quy tắc ứng xử về hành vi của những người phật tử theo tinh thần đạo đức mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã chỉ dạy. Các hành vi này được thể hiện thông qua các quy định về giới luật, các giáo lý như: Từ, Bi, Hỷ, Xả, Tri túc, Tứ nhiếp pháp, Bát chính đạo, v.v... Các quy định ấy vừa đảm bảo phù hợp với các chuẩn mực về ứng xử của thế gian và đồng thời làm nền tảng hướng tới sự giải thoát trong Phật giáo.
Toàn bộ kho tàng giáo lý của Phật giáo hoàn toàn chứa đựng đầy đủ các yếu tố về đạo đức, bao gồm đạo đức thế gian và đạo đức xuất thế gian. Đạo đức chính là nền tảng của giải thoát trong Phật giáo và đồng thời giải thoát cũng chính là mục tiêu sau cùng của đạo đức Phật giáo. Nói tóm lại, đạo đức Phật giáo là một phạm trù triết học nằm trong hệ thống các triết thuyết của giáo lý Phật giáo. Nó vừa là cơ sở lý luận và cũng vừa là mục tiêu thực tiễn trong đạo Phật.
2.2. Những quan điểm của Phật giáo về phát triển kinh tế
Lễ Vesak 2009 tại Trung tâm Hội nghị Liên Hợp Quốc tại Bangkok – Thái Lan, Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova gởi bức thông điệp đến Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc lần thứ 8, với chủ đề “Những chuẩn mực đạo đức của Phật giáo đối với sự phát triển kinh tế xã hội”. Cho thấy đây là vấn đề mà mỗi quốc gia, xã hội quan tâm, cũng như kêu gọi sự góp sức của tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng đối với việc giáo dục đạo đức cho con người, khẳng định rằng sự phát triển kinh tế lâu dài chỉ có thể được tạo dựng trên sự tương tác năng động giữa nhiều nhân tố, bắt đầu là từ đạo đức con người.
Đức Phật không phải là một chính trị gia, và sự hiện hữu của đạo Phật không phải để phục vụ cho nền kinh tế nào, nhưng giáo pháp Ngài chỉ dạy tựu trung cũng là để hướng mọi người đến một đời sống an ổn, một xã hội thái bình. Đời và đạo vốn không thể tách đôi, và Phật giáo muốn mang đạo vào đời thì trước hết phải hiểu rõ về những vấn đề của con người, trong đó có vấn đề kinh tế là điều mà nhân loại xưa nay vẫn đang sống với nó, và có nhiều vấn nạn xung quanh nó cần sự minh triết của Phật giáo để chiếu soi.
Và sau đây là một số quan điểm của Phật giáo về kinh tế:
2.2.1. Hai loại của cải:
Kinh tạng Pali dùng “dana” để chỉ sự giàu có, danh từ này xuất hiện thường xuyên trong Kinh nguyên thủy. Theo Phật giáo, dana có hai loại ó là tài sản vật chất gồm: Sức khỏe, thân thể; thực phẩm; quần áo; chỗ ở; gia quyến, các quan hệ xã hội; phương tiện sản xuất; tiền bạc của cải và tài sản tinh thần gồm: Tín – Niềm tin chân chính; Giới – Đạo đức; Tàm –Tự hổ thẹn với điều bất thiện; Quý – Sự sợ hãi tội lỗi trước người khác; Văn – Sự học hỏi kiến thức và Phật pháp; Thí – Sự bố thí cúng dường, lòng vị tha; Tuệ - Trí tuệ giác ngộ (còn gọi là thất thánh tài)[15]. Người đời thường chỉ chú trọng đến tài sản vật chất - loại tài sản ngoài thân dễ bị hoại diệt mà không tìm thấy giá trị đích thực của tài sản tinh thần – loại tài sản bền vững đưa đến giải thoát. Do vậy, con người ta dễ bị cuốn theo danh lợi mà quên đi việc tạo dựng nền tảng sống chân chính cho bản thân mình.
2.2.2. Hạnh phúc chính đáng của người cư sĩ
Theo quan điểm Phật giáo, hạnh phúc cá nhân là khi bản thân được khỏe mạnh, không thiếu thốn lương thực; sống trong môi tường thân thiện và tập thể hòa hợp. Ngoài ra, trong Tăng chi bộ (Anguttara Nikāya) đức Phật còn đề cập đến bốn loại hạnh phúc: Lạc sở hữu (Atthisukha): hạnh phúc do có sở hữu hợp pháp; Lạc hưởng thụ (Bhogasukha): thụ hưởng tài sản hợp pháp để nuôi mạng, gia đình, làm công đức; Lạc vô trái (Anaṇasukha): hạnh phúc do không bị mắc nợ; Lạc vô tội (Anavajjasukha): hạnh phúc do không vi phạm luật pháp[16]. Điều này cho thấy, sự phát triển kinh tế và sỡ hữu tài sản chỉ mang lại hạnh phúc thật sự khi chúng ta tạo ra của cải một cách chính đáng, không đi ngược với lương tâm bản thân và phù hợp với đạo đức xã hội.
“Được cung phụng mẹ cha
Yêu thương gia đình mình
Được hành nghề thích hợp
Là phước đức lớn nhất”[17].
2.2.3. Cân bằng giữa nhu cầu và chi tiêu
Nhu cầu trong đời sống con người thì khá nhiều, điển hình như: Thực phẩm, quần áo, nơi ở, thuốc men,v.v…; chăm sóc cha mẹ, vợ con, trả công cho người phục vụ; đau ốm và các trường hợp khẩn cấp khác; Từ thiện, tiếp đãi họ hàng thân thích; tiếp đãi khách khứa; tưởng nhớ những người đã khuất; công đức và cúng dường; nộp các loại thuế phí cho nhà nước. nếu chúng ta không biết cách cân bằng trong chi tiêu thì những nhu cầu này sẽ trở thành gánh nặng và áp lực kinh tế cho chúng ta. Phật dạy cách chi cho chúng ta qua như sau: “Tài sản cần chia làm bốn phần: Một phần để ăn uống và làm các bổn phận, hai phần để đầu tư mở rộng doanh nghiệp, và phần tư còn lại để dành lúc khó khăn”[18]. Nếu biết cách cân bằng chi tiêu, thì sẽ giữ được sự ổn định trong đời sống mưu sinh.
2.2.4. Sự tiêu thụ chân chính
Trong Kinh Thiện Sinh thuộc Trường A Hàm đức Phật đã dạy sáu pháp
làm tổn hao tài sản mà người đệ tử nên tránh: “Này Thiện Sinh, sáu nghiệp tổn tài là: Đam mê rượu chè, cờ bạc, phóng đãng, say mê kỹ nhạc, kết bạn người ác, biếng lười”[19]. Các bài kinh Pali có chữ “attha”, có nghĩa là phúc lợi, tài sản. Sự giàu có là một cám dỗ lớn, đánh lừa chúng ta, chỉ cần chúng ta có một sự tham lam khởi lên thì ngay lập tức nó lôi kéo chúng ta làm điều sai trái. Đức Phật không ngăn cản Phật tử tìm đến những thú vui vật chất, nhưng đức Phật khẳng định tài sản vật chất phải do những phương thức làm việc chính đáng. Sự giàu có không phải xấu xa, nhưng quan trọng phải đúng chính pháp chứ không phi pháp, làm giàu bằng cách nào và sử dụng như thế nào. Ngài dạy người cư sĩ tại gia như thế nào là tiêu thụ đúng đắn, gồm bảy đối tượng để tiêu thụ là: Làm cho bản thân sung túc; phụng dưỡng cha mẹ; lo cho gia đình; giúp đỡ đồng nghiệp, người thân; cúng dường các bậc đạo đức tu hành; lo cho nhân viên, tiếp đãi khách khứa; đóng thuế cho nhà nước[20]. Nếu biết cách tiêu thụ đúng đắn, không phung phí tài sản vào những dục lạc một cách quá đà thì chúng ta sẽ giữ được đời sống kinh tế ổn định, bền vững.
2.2.5. Phát triển kinh tế bằng cách mưu sinh chân chính
Nói đến đạo đức trong kinh tế theo quan điểm Phật giáo tức nói tới Chính mạng trong giáo lý Bát chính đạo. Trong kinh Tăng Chi bộ, Phật dạy về năm nghề tà vạy cần nên tránh là: Buôn bán vũ khí (Satthavaṇijjā); buôn bán nô lệ (Sattavaṇijjā); buôn bán thịt (Maṃsavaṇijjā); buôn bán chất gây say, gây nghiện (Majjavaṇijjā); buôn bán thuốc độc (Visavaṇijjā)[21]; sau này có nơi bổ sung thêm hai nghề phi pháp nữa là buôn bán thân thể và cờ bạc. Thay vào đó, Phật giáo khuyến khích con người mưu sinh, phát triển kinh tế qua các nghề nghiệp chân chính, các nghề không có hại cho mình và người, không phạm pháp, nghề giúp nội tâm có thể được an tịnh, có thể thăng tiến tâm linh và phát khởi trên nền tảng tâm từ bi. “Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức mạnh bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi ra, thâu được một cách hợp pháp; tự làm mình an lạc, hoan hỷ và chơn chính duy trì sự an lạc; làm cho mẹ cha an lạc, hoan hỷ và chơn chính duy trì sự an lạc; làm cho vợ con, người phục vụ, các người làm công được an lạc, hoan hỷ và chơn chính duy trì sự an lạc.”[22].
Đức Phật đã có những lời chỉ dạy cho những người Phật tử tại gia để họ có thể sống một đời sống chơn chính, an lạc. Những lời dạy ấy có thể giúp những người Phật tử vừa giữ cho tâm mình trong sạch nhưng cũng đảm bảo cho đời sống kinh tế gia đình phát triển ổn định và vững mạnh. Như vậy, theo quan điểm Phật giáo về vấn đề phát triển kinh tế xã hội, một người Phật tử chân chính phải làm ăn trong lương thiện, không lừa lọc lẫn nhau. Tránh các nghề gây tổn hại đến lòng từ bi, phúc đức của mình. Tất cả các quy định về đạo đức này hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện.
2.2.6. Thước đo về sự thành tựu trong kinh tế:
Phật giáo khi nghiên cứu về kinh tế thì không đi sâu vào các vấn đề như phương thức sản xuất, phân phối thị trường, giá trị cung cầu, cân bằng tiêu dùng v.v...mà chú trọng đến hành vi đạo đức trong khi thực hiện hành vi kinh tế. Giáo sư kinh tế Hoa Kỳ Clair Brown đã thiết lập một khuôn khổ kinh tế học Phật giáo tích hợp phương pháp tiếp cận năng lực của Amartya Sen với sự thịnh vượng chung và bền vững. Trong mô hình kinh tế học Phật giáo của bà, việc đánh giá hiệu quả kinh tế dựa trên mức độ nền kinh tế mang lại chất lượng cuộc sống cao cho mọi người trong khi nó bảo vệ môi trường. Ngoài sản lượng (hoặc tiêu dùng) trong nước, việc đo lường hiệu quả kinh tế bao gồm công bằng, tính bền vững và các hoạt động tạo ra một cuộc sống có ý nghĩa. Sự hạnh phúc của một người phụ thuộc vào sự trau dồi của cải bên trong tinh thần, thậm chí nhiều hơn của cải bên ngoài (vật chất)[23]. Nói về sự chú trọng đảm bảo đời sống con người, từ năm 1972, Quốc vương Bhutan Jigme Singye Wangchuck và chính phủ đã thúc đẩy khái niệm “tổng hạnh phúc quốc gia” (GNH), dựa trên các giá trị tinh thần Phật giáo, như một thước đo để đánh giá sự phát triển của một quốc gia theo tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Điều này thể hiện cam kết xây dựng một nền kinh tế phục vụ văn hóa Bhutan dựa trên các giá trị tinh thần Phật giáo thay vì phát triển vật chất, chẳng hạn như chỉ được đo bằng GDP[24].
Như vậy, Phật giáo đưa ra quan điểm rõ ràng về mục đích phát triển kinh tế là vì đáp ứng những nhu cầu sinh hoạt và đảm bảo đời sống an vui của con người. Theo quan điểm Phật giáo, con người có mối tương duyên lẫn nhau theo định luật nhân duyên quả. Như vậy, khi chúng ta làm lợi ích cho cộng đồng thì cũng là đang làm lợi ích cho chính bản thân.
2.3. Phật giáo góp phần giải quyết vấn nạn đạo đức xã hội thuộc lĩnh vực kinh tế
2.3.1. Lịch sử và sự đóng góp của kinh tế học Phật giáo
Phật giáo hội nhập vào xã hội từ hai góc độ:
+ Tâm linh: Hành trì nghi lễ, tín ngưỡng và nghệ thuật sống
+ Xã hội: Góp phần vào hoạt động cải cách đời sống, giáo dục con người về đạo đức, trách nhiệm đối với bản thân và xã hội.
Lịch sử kinh điển ghi nhận rất nhiều bài kinh được đức Phật dạy về đạo đức mưu sinh, cách phát triển kinh tế, đạo đức trong xã hội cũng như cách để làm cho một quốc gia được giàu mạnh, hưng thịnh. Như Lai từng tuyên thuyết rằng, nếu Ngài sống cuộc đời tại gia, thì chắc chắc sẽ là một Chuyển luân Thánh vương, dùng chính pháp trị nước, bình định bốn phương, đem lại an toàn cho quốc độ[25]. Xuất thân từ giai tầng lãnh đạo, tiếp xúc và hóa độ đủ mọi tầng lớp từ các bậc vương quyền đến thứ dân nên Đức Phật có nhãn quan sâu rộng đối với việc trị an quốc gia. Cũng vì vậy mà có rất nhiều vị vua đang tại vị thường đến thỉnh ý ngài về những đường lối, phép tắc trị vì và phát triển kinh tế. Giáo lý của ngài đã góp phần hoàn thiện nhân cách cho số đông tín đồ thời ấy.
Đến lúc vua Asoka xuất hiện, đạo đức Phật giáo lần đầu tiên được áp dụng vào việc điều hành nền kinh tế của một quốc gia trong thời kỳ cai trị của ông (khoảng năm 268 đến 232 TCN). Tên tuổi của ông bắt đầu tỏa sáng kể từ khi cải ác hướng thiện, dùng chính sách nhân từ để cai trị và phát triển kinh tế đất nước. “Ông tự hứa sẽ dùng đường lối cai trị theo lý tưởng Luân Vương. Đó là dùng chính sách hòa bình để kiến thiết quốc gia, đem lại phồn vinh an lạc cho xã hội”[26].Triều đại của Ashoka nổi tiếng với một chương trình từ thiện và công trình công cộng rộng lớn, xây dựng bệnh viện, ký túc xá, công viên và khu bảo tồn thiên nhiên[27]. “Xây dựng hai loại hình trị liệu , chăm sóc y tế cho người và trị liệu cho thú vật. Các loại cây làm thuốc cần cho việc điều trị người và thú vật được phép nhập khẩu và cho trồng tại những nơi chưa có... Trên các trục lộ, các giếng nước được xây dựng và các loại cây được gieo trồng để phục vụ tiện ích cho người và súc vật”[28]. Đây được xem là thành tựu to lớn của Asoka, trên phương diện là một Phật tử đại diện cho chính pháp đóng góp cho đạo pháp và dân tộc, thống nhất toàn lãnh thổ Ấn Độ, đưa đất nước ngày một phát triển, thái bình thịnh trị, nhân dân được hưởng sự an ổn, ấm no hạnh phúc. Bia ký và trụ đá Asoka thông báo cho chúng ta khá chi tiết về các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội của nhà nước Maurya, cũng như chính sách đức trị của ông.
Đóng góp tiếp theo, Thuật ngữ “kinh tế học Phật giáo” được E. F. Schumacher đặt ra vào năm 1955, được sử dung trong tiểu luận của ông có tên “Kinh tế học Phật giáo”, được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1966 tại Châu Á. Kinh tế học Phật giáo (Buddhist economics) thực chất là việc nghiên cứu các vấn đề liên quan đến đạo đức trong việc phát triển kinh tế xã hội, chú trọng đến hành vi đạo đức trong khi thực hiện hành vi kinh tế. Thuật ngữ kinh tế được định nghĩa là quản lý gia đình, quản lý các nguồn lực vật chất đến cá nhân và cộng đồng. Và theo quan điểm của Phật giáo, con người là yếu tố chủ chốt quyết định đến sự phát triển kinh tế theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực. “Các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, dù làm thiện hay ác, chính bản thân sẽ thừa tự nghiệp ấy...”[29].
Kinh tế Phật giáo chủ trương thành tựu mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, mà ở đó cả vật chất và đạo đức là hai khía cạnh đều cần quan tâm như nhau. Như giáo sư H.S.Shukla là người học cả về kinh tế và Phật giáo từng nêu lên ý kiến: “việc kết hợp kinh tế Phật giáo dựa trên đạo đức cùng với khoa học và công nghệ hiện đại, nếu được ứng dụng, sẽ lợi ích hơn cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế cùng với sự quan tâm sâu sắc về các giá trị đạo đức của con người, điều đó sẽ dần dần tạo nên một xã hội không tham nhũng, là một yếu tố được coi là cốt lõi trong cuộc sống bình an, lành mạnh”[30]. Trong sự dung hợp đó, con người phải lãnh lấy trách nhiệm cho chính mỗi cá nhân trước khi muốn tương tác với xã hội, “giáo pháp của Đức Phật đòi hỏi sự nỗ lực của cá nhân chứ không phải kinh nghiệm tập thể. Sự toàn diện đạo đức của mỗi cá nhân là nét đẹp trang nghiêm cho đoàn thể”[31].
Tiêu biểu cho tinh thần kinh tế học Phật giáo hội nhập vào đời sống đạo đức xã hội, hội nghị lần thứ nhất về Cương lĩnh Nghiên cứu Kinh tế Phật giáo được tổ chức tại Budapest, Hungary từ ngày 23 đến ngày 24 tháng 8 năm 2007 và hội nghị lần thứ hai được tổ chức tại Đại học Ubon Ratchathani, Thái Lan từ ngày 9-11 tháng 4 năm 2009 đã đánh dấu cột mốc cho việc nghiên cứu và phát triển, ứng dựng vào thực tiễn đối với lĩnh vực này. Từ đó, có rất nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học tìm hiểu và lên tiếng về vấn đề này, nhằm nâng cao tầm giá trị của triết học Phật giáo, đề cao vai trò cũng như khẳng định sự đóng góp của Phật giáo vào việc giải quyết vấn nạn đạo đức xã hội thuộc lĩnh vực kinh tế.
2.3.2. Vai trò của đạo đức Phật giáo đối với người dân Việt Nam
Nói riêng về Việt Nam, Phật giáo ngay từ khi du nhập Việt Nam vào đầu Công Nguyên, đã hòa nhập với đạo lý và văn hóa truyền thống của dân tộc. Dù ở trong giai đoạn nào, Phật giáo cũng luôn mang tinh thần hoằng hóa lợi sinh, dùng mọi phương cách để đem đạo vào đời. Thời chiến thì cùng đất nước kề vai sát cánh để bảo vệ chính nghĩa, bảo vệ sự sống và an lành của toàn dân. Thời bình, Phật giáo khuyến khích người dân sản xuất, lao động chân chính, giáo dục về đạo đức, bổn phận trách nhiệm đối với bản thân và xã hội để cùng nhau đạt đến đời sống hướng thượng, góp phần điều chỉnh những mối quan hệ xã hội.
“Rủ nhau xuống biển mò cua
Lên non hái củi, vào chùa nghe kinh”[32]
Trải qua hơn 2000 năm nhìn lại, những quan điểm về giáo dục đạo đức Phật giáo Việt Nam đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Ngày nay Phật giáo không những tập trung ở Tăng đoàn mà còn phát triển ra ngoài cộng đồng xã hội ở các tầng lớp từ các em thiếu niên nhi đồng đến tầng lớp thanh thiếu niên, người trung tuổi và người cao tuổi, có xu hướng tìm hiểu Phật giáo ngày càng tăng. Việc giáo dục tinh thần bi trí cho thanh niên, đã góp phần đẩy lùi những hành vi bất chính như các tệ nạn xã hội, bạo lực học đường, gia đình; tranh dành quyền lợi… Như trong tác phẩm Lý Hoặc Luận của Mâu Tử đã đề cập sâu sắc về bổn phận làm người, thông qua đó cũng đã phát họa lên được đạo đức Phật giáo đối với bản thân và xã hội: “Ở trong nhà thì hiếu thảo với mẹ cha, ra ngoài xã hội thì phải giúp nước hộ dân, ngồi một mình thì phải biết tu thân”[33]. Đạo đức Phật giáo rất giàu nhân bản luôn luôn nhắm đến mục tiêu đào tạo con người hướng thiện, có niềm tin chân chính, đem đến lợi lạc cho bản thân, gia đình và xã hội, cùng cộng đồng chung tay xây dựng nền hòa bình, thịnh vượng. Phật giáo đưa ra các nguyên nhân căn bản làm suy thoái đạo đức chính là bởi lòng “tham - sân - si”. Ba nguồn độc này đã dẫn lớp trẻ đi vào các con đường sai lạc trong hành vi đạo đức.
Mang trong mình trọng trách dẫn dắt ý hướng của số đông tín đồ Phật tử Việt, công tác hoằng pháp của Phật giáo trong thời đại đã nỗ lực rất nhiều, thông qua việc giảng kinh, tổ chức các lớp học giáo lý, mở các lớp đào tạo bồi dưỡng thuyết giảng Phật pháp góp phần nâng cao trình độ hiểu biết cũng như giáo dục đạo đức cho tín đồ. Phật giáo còn tham gia hoạt động mang tính xã hội như quyên góp từ thiện, điển hình được thể hiện rõ thông qua mùa dịch Covid này, góp phần cải thiện kinh tế và làm động lực cho người dân. Ngoài ra còn những hoạt động khác mang tính giáo dục như lập quỹ khuyến học, triển khai các khóa tu mùa hè cho học sinh, sinh viên... và đóng góp nhiều trên các lĩnh vực y tế, giáo dục và từ thiện nhân đạo cho đời sống nhân sinh.
Trong xu thế toàn cầu hóa đã tác động rất nhiều tới đời sống kinh tế và đạo đức xã hội, Đạo Phật mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực đối với đạo đức của con người, góp phần hình thành những giá trị, chuẩn mực trong lối sống của người dân. Một bộ phận không nhỏ người dân Việt đã gửi gắm niềm tin vào Phật giáo, lấy chuẩn mực của đạo đức Phật giáo để điều chỉnh hành vi trong đời sống hằng ngày. Đạo đức Phật giáo đã góp phần bổ sung những giá trị đạo đức mới, phù hợp với tâm lý, đạo đức của người Việt, hướng con người đến một đời sống lành mạnh, ích nước lợi dân, góp phần khai sáng ý thức về bổn phận, trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với gia đình và xã hội.
Chương 3. Ứng dụng Phật pháp để thiết lập đời sống hạnh phúc
Phật giáo là một hệ thống khoa học năng động, thực tiễn và đầy minh chứng trên cả hai phương diện: lý thuyết và thực hành để giúp cho cuộc sống của chúng ta được an lành, sung túc và thịnh vượng. Nhiều người thể hiện quan điểm sai lầm là Phật giáo chỉ quan tâm kiếp sau hơn là hiện tại. Nhưng chính Đức Phật muốn nói là cuộc sống chúng ta ngay trong hiện tại, và nếu đúng đắn thì dẫn tới kiếp sau tái sinh hạnh phúc. Phật giáo luôn nhấn mạnh cuộc sống tốt đẹp ngay trong kiếp này, thậm chí Niết bàn, giác ngộ cũng phải thực hiện ngay bây giờ và tại đây. Nếu hiện tại không vận động, chuyển hóa, thì làm sao đạt đến an vui hạnh phúc của tương lai. Cho nên phải nương vào hiện tại, cũng như nương vào con đường chân chính, có sự hiện hữu của đạo đức để hướng đến một đời sống an vui, hạnh phúc.
3.1. Giới là nền tảng của đạo đức
Đức Phật cũng đã nhấn mạnh các vấn đề đạo đức Phật giáo như: Nghiệp báo, Nhân quả, Luân hồi v.v…. nhất là vấn đề đạo đức qua việc giữ giới. Giới luật trở thành quy tắc ứng xử của hàng xuất gia hoặc hàng tại gia. Nếu chúng ta nghiên cứu những giới luật Phật chế dù nguyên thủy hay đại thừa, chúng ta thấy tính xã hội, tính nhân bản trong đó. Tất cả đều là những phương pháp giáo dục làm lành lánh ác, hướng đến con đường an lạc giải thoát. Thực hành giới chính là nếp sống đạo đức không chỉ đối với người phật tử mà còn dành cho tất cả mọi người trong xã hội về việc hình thành nhân cách sống. Mục đích giữ giới là để từ bỏ đời sống tối tăm, từ bỏ ngã chấp, đạt sự bình an nội tại và khai phóng trí tuệ. Nếp sống hướng đến điều thiện là nếp sống văn minh tươi đẹp mà chúng ta cần hướng đến trong cuộc sống đầy tạp nhiễm này.
Giới là một trong ba chi phần của Tam Vô Lậu Học và cũng chính là đạo đức Phật giáo mà đức Thế Tôn đã thiết lập nên cho chúng đệ tử của Ngài. Sự thực hành giới là con đường của sự nhiếp phục, điều hòa cân bằng giữa trí năng và cảm xúc, khi dục vọng khởi lên giới có công năng kiểm thúc nó và đồng thời giúp cho hành giả dễ dàng kéo tâm định tĩnh trở lại. Giới được chia ra thành nhiều học giới khác nhau nhưng chính yếu vẫn là hai phần học giới căn bản là giới cho người tại gia và người xuất gia. Ta đơn cử năm giới đầu làm nền tảng cho cả tại gia lẫn xuất gia, chỉ khác người xuất gia trong giới thứ ba thì không được dâm dục còn tại gia thì chỉ cấm tà dâm. Trong Kinh Tiểu Bộ, đức Phật nói về 5 giới cấm: “Ðệ tử thực hành giới tránh sát sinh...lấy của không cho...tà hạnh trong các dục...nói láo...tránh mọi cơ hội buông lung phóng dật do uống rượu hoặc các thứ men say”[34]. Năm điều giới pháp này là chuẩn mực chung cho các quy định về đạo đức của toàn xã hội chứ không riêng gì Phật giáo. Vì những điều ấy là do quy luật nhân quả là một định luật tự nhiên của vụ trụ chứ không phải do đức Phật điều hành.
Đạo đức Phật giáo dựa trên nền tảng giới luật, giúp con người hoàn thiện đạo đức cá nhân. Phật giáo luôn đề cao sự giải thoát của con người, luôn bên cạnh quan tâm ý thức đạo đức và mong muốn con người thực hành để vượt ra khỏi ràng buộc, không chỉ bảo vệ sự sống mà nâng cao chất lượng cuộc sống của con người cả về vật chất và tinh thần. Trong Thanh Tịnh Đạo, lợi ích của giữ giới có năm điều là: “...thừa hưởng gia sản lớn nhờ tinh cần, được tiếng tốt đồn xa, không sợ hãi rụt rè khi đứng giữa hội chúng, khi chết tâm không tán loạn, mệnh chung được sinh vào thiện thú, cõi trời”[35]. Thế nên, Phật dạy “Các ngươi phải siêng năng tu các điều thiện, nhờ tu điều thiện mà mạng sống lâu dài, nhan sắc thắm tươi và được an ổn, khoái lạc, của báu dồi dào, uy lực đầy đủ…”[36].
Nói tóm lại, giới luật nói chung và năm học giới vừa kể trên nói riêng là căn bản đạo đức của người con Phật và cộng đồng xã hội. Bất kì người nào nếu thọ trì trọn vẹn các giới điều ấy thì chắc chắn người đó sẽ có một đời sống an lành, hạnh phúc trong hiện tại và mai sau.
3.2. Con đường trung đạo - nền tảng của đời sống hạnh phúc
Dù là muốn phát triển kinh tế hay bất kỳ lĩnh vực nào trong xã hội thì cũng không thể dựa vào sự tăng trưởng về mặt vật chất một chiều và bỏ qua các quy luật đạo đức tinh thần và tâm linh của Phật giáo. Nền kinh tế và nếp sống lành mạnh ổn định dường như không thể có mặt trong sự phiến diện đó mà cần phải bao gồm các yếu tố vật lý, tinh thần, tâm linh và chúng ta cần hằng ngày huân tập. Vậy, những gì cần được huân tập? Đó là đạo Pháp có mặt giữa hai đối cực, là Trung đạo bao gồm tám ngành: Chính kiến (sammādiṭṭhi), Chính tư duy (sammāsaṅkappo), Chính ngữ (sammāvācā), Chính nghiệp (sammākammanto), Chính mạng (sammāājīvo), Chính tinh tấn (sammāvāyāmo), Chính niệm (sammāsati), Chính định (sammāsamādhi) được chia thành ba giai đoạn thanh tịnh hóa là Giới (Sīla), Định (Samādhi) và Tuệ (Paññā), Sīla giúp ta giữ đạo đức vững bền, tạo cảm giác an bình, mở đường cho các hoạt động kinh tế dựa trên đạo đức; Samādhi là một trạng thái tâm tĩnh lặng, ổn định, và Paññā giúp ta tiến sâu vào bản chất của thực tại, thấu rõ lý duyên sinh và nhổ bỏ gốc rễ chấp chặt. Chúng hỗ trợ nhau giúp ta chuyển hóa tham, sân, si và những ác pháp đang ngự trị trong mỗi con người, nhờ đó ta có thể dần dần hướng thiện, hướng đến một lối sống lành mạnh, ổn định và hạnh phúc cả về mặt vật chất lẫn tâm linh. Bởi một con người có tuệ giác, có sự điềm tĩnh sâu lắng chắc chắn sẽ giải quyết vấn đề tốt hơn ai hết. Đó là ý nghĩa cũng như lợi ích của việc ứng dụng giáo pháp để chuyển hóa và phát triển bản thân, từ đó hướng đến phát triển xã hội, trong đó có cả những vấn nạn kinh tế mà mỗi con người trong thời đại đang trăn trở và lưu tâm.
3.3. Phát triển kinh tế mang tính chất bền vững theo lý Duyên khởi
Nhân loại sở dĩ rơi vào cuộc sống khủng hoảng vì không tìm thấy con đường đưa đến hạnh phúc đích thực cũng như không nhìn thấy được bản chất thật của sự sống là vô thường, vô ngã và duyên sinh. Xưa nay mọi người vẫn đua nhau đi tìm kiếm hạnh phúc trong cuộc sống, căn bản nhân loại đã đạt được một vài hạnh phúc hữu hạn tương ứng với mức độ nhận thức của mình, nhưng không phân định được đó chỉ là những niềm vui trong sự thành tựu nhỏ, nhằm thỏa mãn cảm xúc hay thỏa mãn ý chí khi đạt được mục tiêu, và không biết rằng niềm vui ấy mau tan và mỏng manh bất chợt. Cũng có nhiều người mong cầu hạnh phúc dựa trên sự tranh đấu, hơn thua, thậm chí đưa người khác xuống để mình được tiến lên trên con đường danh vọng. Thiền sư Nhất Hạnh nhận định rằng: “không thể có hạnh phúc từ những cuộc tranh giành...hạnh phúc là khi có tình yêu thương (từ bi, vô ngã) và sự hiểu biết (trí tuệ”[37]. Sự an lạc thật sự của thân tâm, chỉ có thể đạt tới được bằng đạo đức và trí tuệ, không những kinh tế dồi dào, mà những điều quý báu nhất của nhân sinh như là sức khỏe dồi dào, thọ mạng lâu dài, dung nhan sáng đẹp v.v… tất cả đều phụ thuộc vào cuộc sống đạo đức và trí tuệ.
Như vậy, con người muốn phát triển kinh tế bền vững và hướng đến một đời sống hạnh phúc thì phải có tầm nhận thức sâu sắc đối với triết lý cũng như đạo đức Phật giáo. Đạo đức thì đã được làm sáng tỏ ở trên, còn triết lý Phật giáo thì không đi ra khỏi sự vận hành của duyên khởi. Sáng tỏ được bản chất của duyên khởi thì tất cả những vọng chấp, tà kiến, những chấp thủ từ tham sân si sẽ được chuyển hóa dần dần. Nói về thái độ kinh doanh dựa trên sự chiếu soi của giáo lý duyên khởi, Thượng tọa Thích Phước Đạt từng nhận định rằng: “Từ triết lý Duyên khởi, chúng ta nhận ra bản chất cuộc đời vốn là vô thường. Tất cả đều thiết lập trên nền tảng nhân duyên sinh diệt. Con người và thế giới phải vận động không ngừng, mới kích thích nền kinh tế. Mỗi quốc gia cần chủ động sáng tạo để thích ứng với môi trường sống và hoàn cảnh cụ thể. Ở từng doanh nghiệp, sự nhạy bén là yếu tố quan trọng, quyết định thành bại trong nền kinh tế thị trường đầy biến động”[38].
Người hiểu được lý duyên sinh thì sẽ rõ được định luật vô thường thị thường. Từ đó không níu chấp, tự ngã mà luôn nỗ lực phát triển bản thân để có thể vững mạnh trong mọi hoàn cảnh kinh tế hay xã hội biến động. Hơn nữa, từ duyên sinh, ta sẽ hiểu rõ vạn vật trên đời đều nương dựa vào nhau, cuộc sống con người vốn có mối liên hệ mật thiết đến môi trường sinh thái, hữu tình, vô tình, có mối liên hệ với gia đình và xã hội. Thế cho nên trong khi bản thân phát triển kinh tế, cần phải quan tâm đến những vấn đề như môi sinh, quan hệ xã hội, sự hỗ tương giữa sản xuất vật chất và lối sống. Để hoạt động kinh tế nhằm tăng của cải cho chính mình, nhưng không được phép làm tổn hại đến người khác và môi trường xã hội xung quanh. Có như thế thì sự phát triển kinh tế mới mang tinh thần đạo đức và hạnh phúc bền vững.
Tóm lại, con người cần ý thức của cải mình làm ra gắn liền đến đạo đức, sự phát triển kinh tế phải gắn liền với sự nuôi dưỡng chính mạng, vun trồng và tạo ra một đời sống mới với những hạt giống thiện. Niềm tin Phật giáo không chỉ giúp con người cá nhân được hướng thiện mà còn giúp cho đời sống xã hội được phồn vinh, phát triển, “Những ai tin tưởng Phật Pháp Tăng không có thối chuyển, đầy đủ giới hạnh khiến bậc thánh hoan hỷ, tất cả những vị được hóa sinh, được chính pháp che chở…”[39]. Bởi tất cả những tiêu chí mà Phật giáo nêu ra, những phẩm tính mà Phật giáo khuyến tấn mọi người nên làm, qua từng thời đại, từng giai đoạn đều phù hợp và không đi ra ngoài thực trạng của kinh tế, xã hội, cũng như nhu cầu chuẩn mực đạo đức của nhân loại. Như chính lời đức Phật từng tuyên thuyết “...Pháp mà ta thuyết giảng, thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được bậc trí giác hiểu...”[40].
KẾT LUẬN
Kinh tế không phải là mục tiêu của Phật giáo, nó chỉ là một bước trên con đường đào tạo nên con người phù hợp để tiến bước đến đích cuối cùng. Phật giáo dạy con người không chủ trương cầu danh lợi hay tranh giành, tích lũy đến nỗi đánh mất giá trị nhân bản, Phật giáo luôn dạy con người tinh thần tri túc, từ bi, đoàn kết và trí tuệ, chuyển hóa từ ác nghiệp sang thiện nghiệp, để sống một đời sống hướng thiện, đem lại lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Nền kinh tế theo đạo Phật là nền kinh tế đặt trên nền tảng đạo đức và trí tuệ. Nền kinh tế đó xem mỗi người là trọng tâm của sự phát triển, lấy hạnh phúc con người làm tiêu chí mà không xem con người là công cụ sản xuất. Bên cạnh đó, con người cũng phải biết làm chủ cá nhân, làm chủ chính mình, phải tự chịu trách nhiệm đời sống kinh tế chính mình, có bổn phẩn thiết lập trật tự kinh tế với bản thân, gia đình và quốc gia theo nền tảng đạo đức để hướng tới đời sống an vui hạnh phúc.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay, giáo lý đạo Phật trở nên hết sức rõ ràng, dễ hiểu và thực tiễn, trả lời được cho những vấn nạn và khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Phật giáo đã tác động rất lớn đến xã hội, giải quyết những vấn đề xã hội đặt ra, điều đó đã được Liên Hiệp Quốc công nhận. Có thể nói, đạo Phật không lấy sự phát triển kinh tế làm mục đích, nhưng với giáo lý diệt khổ của đức Phật, đã bao hàm trọn vẹn tất cả mọi vấn đề khổ đau của muôn loài, trong đó có lĩnh vực kinh tế của con người, góp phần giải quyết vấn nạn đạo đức xã hội thuộc lĩnh vực kinh tế và hướng đến thiết lập đời sống hạnh phúc cho toàn thể nhân sinh.
Thích Nữ Thánh Thảo Học viên Ths Phật học Khóa IV - Học viện PGVN tại Tp.HCM ***Chú thích [1] Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ Điển Bách Khoa Việt Nam, Từ Điển Bách Khoa Việt Nam 1,tr.738. [2] Học viện chính trị Quốc gia, Giáo trình đạo đức học, tr.816. [3] Huỳnh Khái Vinh, Những vấn đề văn hóa Việt Nam đương đại, tr.182. [4] GS. TS. Lê Thị Quý (Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và phát triển), trả lời phỏng vấn báo Quân đội Nhân dân Cuối tuần, số ra ngày 14-7-2019. [5] https://toquoc.vn/lam-gi-de-ngan-chan-va-day-lui-su-xuong-cap-dao-duc-hien-nay-20210624165126898.htm [6] Thích Chơn Thiện, Lý thuyết Nhân tính qua tạng Kinh Pàli, tr.8. [7] Clair Brown, Thích Thiện Chánh (dịch), Kinh tế học Phật giáo, tr.31. [8] Quán Như Phạm Văn Minh, Kinh tế Phật giáo, tr.183. [9] https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/xung-dot-nga-ukraine-buc-tranh-kinh-te-the-gioi-am-dam-20220302214824476.htm [10] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng 1, tr.171. [11] Thích Minh Châu, Đạo Đức Phật Giáo & Hạnh Phúc Con Người, tr.11. [12] Thích Chơn Thiện, Tư Tưởng Việt Nam Nhân Bản Thực Tại Luận, tr.164. [13] HT Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tăng Chi Bộ 2, tr.129. [14] HT Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trường Bộ 2, Kinh Giáo Thọ Thi Ca-La-Việt, tr. 529; Tuệ Sỹ (dịch), Kinh Trung A-Hàm Tập 1, Kinh Thiện Sinh, tr.1017. [15] Sa Môn Thích Tịnh Hạnh (dịch), Kinh Đại Bát Niết Bàn,tr.241. [16] HT Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tăng Chi Bộ 1, tr.682. [17] Thích Nhất Hạnh (dịch), Nhật tụng thiền môn, tr.109. [18] Hán dịch: Âu Dương Hãn Tồn, Việt dịch: Thích Quảng Độ, Nguyên Thủy Phật Giáo Tư Tưởng Luận, tr.30 [19] Thích Trí Đức (tuyển dịch), Kinh Trường A Hàm, tr. 233. [20] HT Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tiểu Bộ 1, tr.493. [21] HT Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tăng Chi Bộ 1, tr.790. [22] HT Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tăng Chi Bộ 1, Tập 1, tr. 645. [23] Clair Brown, Thích Thiện Chánh (dịch), Kinh tể học Phật giáo, Nxb. Tri Thức, 2020, tr. 31 [24] https://tuoitre.vn/tong-hanh-phuc-quoc-gia-201225.htm [25] HT Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trường Bộ, Kinh Đại Bổn, tr.236. [26] Pháp Sư Thánh Nghiêm, Thích Tâm Trí (dịch), Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, tr.143. [27] D.R. Bhandarkar, Aśoka tr.52 [28] Thích Tâm Minh, A Dục vương cuộc đời và sự nghiệp, tr.305. [29] HT Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ 2, Kinh Tiểu nghiệp phân biệt, tr.543. [30] H.S.Shukla, Buddhist Economic Thoughts For Healthy Living, bài tham luận ở Vesak 2014, https://thuvienhoasen.org/a29260/tu-tuong-kinh-te-phat-giao-cho-mot-cuoc-song-lanh-manh [31] Thích Minh Thông, Theo dấu chân xưa, tr.92 [32] Thích Phước Đạt, Từ cội nguồn dân tộc hướng đến hiện tại và tương lai, Tạp chí văn hóa Phật Giáo số 365. [33] Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Mâu Tử, tr.553. [34] HT.Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tiểu Bộ, Tập 1, tr. 21. [35] Thích Nữ Trí Hải (dịch), Thanh Tịnh Đạo, Tập 1, tr. 27-28. [36] Sa môn Thích Tịnh Hạnh (dịch), Trường A Hàm, tr.327 [37] Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, Hạnh phúc đích thực, tr.17. [38] Thích Phước Đạt, Triết lý duyên khởi xây dựng đạo đức Phật giáo trong kinh doanh, https://thuvienhoasen.org/a35229/triet-ly-duyen-khoi-xay-dung-dao-duc-phat-giao-trong-kinh-doanh [39] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ, Kinh Xà- Ni- Sa, tr.385. [40] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tăng Chi Bộ Tập 1, Tr.189.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
+ Tài liệu chính: 1. Hòa thượng (HT) Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trường Bộ, Nhà xuất bản (NXB) Tôn Giáo, Hà Nội, 2013. 2. HT Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ 1-2, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2012. 3. HT Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tăng Chi Bộ 1-2, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2015. 4. Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng 1, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991. 5. HT Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tiểu Bộ 1, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1999. 6. Sa Môn Thích Tịnh Hạnh (dịch), Kinh Đại Bát Niết Bàn - Quyển XI, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, Taiwan, 2000. 7. Sa môn Thích Tịnh Hạnh (dịch), Trường A Hàm, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, Taiwan, 2000. 8. Thích Trí Đức (tuyển dịch), Kinh Trường A Hàm, NXB Tôn Giáo, 2003. + Tài liệu phụ: 9. Clair Brown, Thích Thiện Chánh (dịch), Kinh tế học Phật giáo, NXB Tri Thức, 2020. 10. D.R. Bhandarkar, Aśoka, University of Caltutta, 1955. 11. Hán dịch: Âu Dương Hãn Tồn, Việt dịch: Thích Quảng Độ, Nguyên Thủy Phật Giáo Tư Tưởng Luận, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2012. 12. Học viện chính trị Quốc gia, Giáo trình đạo đức học, NXB Chính trị Quốc gia, 2000. 13. Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ Điển Bách Khoa Việt Nam (2000), Từ Điển Bách Khoa Việt Nam 1(A-Đ), NXB Từ Điển Bách Khoa, 2000. 14. Huỳnh Khái Vinh, Những vấn đề văn hóa Việt Nam đương đại, NXB Khoa học xã hội, 2001. 15. Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Mâu Tử, NXB Văn hóa Sài Gòn, 2008. 16. Pháp Sư Thánh Nghiêm, Thích Tâm Trí (dịch), Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, NXB Phương Đông, 2008. 17. Quán Như Phạm Văn Minh, Kinh tế Phật giáo, NXB Văn hóa - văn nghệ, HCM, 2012. 18. Thích Chơn Thiện, Lý thuyết Nhân tính qua tạng Kinh Pàli, NXB TP. Hồ Chí Minh, 2006. 19. Thích Chơn Thiện, Tư Tưởng Việt Nam Nhân Bản Thực Tại Luận, NXB Trẻ, 2016. 20. Thích Minh Châu, Đạo Đức Phật Giáo & Hạnh Phúc Con Người, NXB Tôn Giáo, 2002. 21. Thích Minh Thông, Theo dấu chân xưa, NXB Hồng Đức, 2014. 22. Thích Nữ Trí Hải dịch, Thanh Tịnh Đạo, Tập 1, NXB Hồng Đức, 2016. 23. Thích Nhất Hạnh (dịch), Nhật tụng thiền môn, NXB lá Bối, 1997. 24. Thích Nhất Hạnh, Hạnh phúc đích thực, NXB Phương Đông, 2015. 25. Thích Tâm Minh, A Dục vương cuộc đời và sự nghiệp, NXB Tôn giáo, 2004. + Tạp chí, trang wed 26. Thích Phước Đạt, Từ cội nguồn dân tộc hướng đến hiện tại và tương lai, Tạp chí văn hóa Phật Giáo số 365. 27. Lê Thị Quý (Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và phát triển), trả lời phỏng vấn báo Quân đội Nhân dân Cuối tuần, số ra ngày 14-7-2019. 28. Thích Phước Đạt, Triết lý duyên khởi xây dựng đạo đức Phật giáo trong kinh doanh, Truy cập ngày 15/02/2022 tại https://thuvienhoasen.org/a35229/triet-ly-duyen-khoi-xay-dung-dao-duc-phat-giao-trong-kinh-doanh 29. H.S.Shukla, Buddhist Economic Thoughts For Healthy Living, bài tham luận ở Vesak 2014, Truy cập ngày 20/02/2022 tại https://thuvienhoasen.org/a29260/tu-tuong-kinh-te-phat-giao-cho-mot-cuoc-song-lanh-manh 30. Truy cập ngày 20/02/2022 tại https://toquoc.vn/lam-gi-de-ngan-chan-va-day-lui-su-xuong-cap-dao-duc-hien-nay-20210624165126898.htm 31. Truy cập ngày 20/02/2022 tại https://tuoitre.vn/tong-hanh-phuc-quoc-gia-201225.htm 32. Truy cập ngày 01/03/2022 tại https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/xung-dot-nga-ukraine-buc-tranh-kinh-te-the-gioi-am-dam-20220302214824476.htm
Bình luận (0)