Tác giả: Thích Nữ Diệu Nhân Học viện PGVN tại Tp.HCM
Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, đã có lịch sử hơn hai ngàn năm có mặt tại đây, Phật giáo đã luôn đồng hành và gắn bó với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Có thể nói rằng, qua mỗi thời kì, mỗi giai đoạn thăng trầm của lịch sử nước nhà luôn mang đậm dấu ấn của Phật giáo. Nói cách khác, Phật giáo đã thấm sâu vào tư tưởng, cũng như đời sống hằng ngày của người dân đất Việt, gắn liền cùng với sự thịnh suy của dân tộc. Và có những thời điểm Phật giáo với quân dân dường như là một; điển hình là thời đại Lý-Trần, đây là thời kỳ vàng son của Phật giáo.
Dấu ấn cho sự hưng thịnh này, chính là sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm, Thiền phái do người Việt sáng lập, đóng góp vào sự phát triển đa dạng của các hệ phái Phật giáo ở Việt Nam.
Sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm
Thiền phái Trúc Lâm ra đời trong hoàn cảnh đất nước thống nhất tự chủ trên nền tảng hào khí Đông A. Thiền phái ra đời cũng cổ vũ ý thức độc lập tự chủ của dân tộc trên các phương diện khác. Từ việc xây dựng quốc gia Đại Việt độc lập tự chủ về kinh tế, chính trị, văn hóa… cho đến tín ngưỡng tâm linh.
Thiền phái đã dựa vào Thiền tông làm ý thức hệ tiêu biểu; bên cạnh đó, để thích hợp với xã hội Đại Việt lúc bấy giờ thì một số nội dung đã được thay đổi.
Thiền phái Trúc Lâm được ra đời dựa trên cơ sở hợp nhất từ ba Thiền phái đã có mặt trước đó là: Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường. Theo Nguyễn Duy Hinh, Thiền phái mới ra đời phải phục vụ 4 mục đích:
1. Biểu lộ tính độc lập dân tộc.
2. Thay đổi phần nội dung tiêu cực và phụ thuộc vào thân ngoại.
3. Mục đích thống nhất ý thức hệ để tạo nên Phật giáo Nhất tông.
4. Phải khoác cho mình chiếc áo của một tôn giáo mới. [1]
Chủ trương của Thiền phái là đào tạo ra những mẫu người dân phật tử kế thừa tông phong được giáo dục toàn diện mới đáp ứng nhu cầu lịch sử. Truyền thống giáo dục Phật giáo là Văn-tư- tu theo tinh thần “Phật Pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác”, xem mọi kiến thức ở đời đều là Phật pháp.
Tôn chỉ hoạt động của Thiền phái cũng giống như các dòng thiền khác là: Kiến tính thành Phật. Tuy nhên, điểm xuất phát của Thiền phái này khác biệt so với các Thiền phái khác từ nhận thức “Phật tại tâm”, do đó ai cũng có khả năng giác ngộ và chứng thành Phật quả ngay trên cõi đời này. Từ chủ trương “Phật tại tâm” nên bất kì ai cũng trở thành thành viên của Thiền phái để chuyển hóa thân tâm và đóng góp tích cực cho đời: “Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết tất; Sơn lâm chẳng cốc, họa kia cả đồ công”[2]. Chính những tư tưởng này làm cho lịch sử truyền thừa Thiền phái Trúc Lâm có dấu ấn lớn với những đại biểu xuất sắc kế thừa, bao gồm tại gia và xuất gia.
Sự phát triển và truyền thừa của Thiền phái Trúc Lâm
Căn cứ vào tài liệu Tam Tổ thực lục, Tam Tổ Hành Trạng, Thiền tông bản hạnh, Thánh đăng lục thì tiến trình hình thành và phát triển Thiền phái Trúc Lâm có một bề dày lịch sử đáng kể. Trong đó, Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Thánh Tông được khẳng định là những thiền gia đắc pháp tiên phong đặt nền móng tư tưởng và kết nối cho Thiền phái Trúc Lâm ra đời. Kế thừa trên nền tảng của cha ông đi trước, Trần Nhân Tông là người làm cho Thiền phái Trúc Lâm đi vào hiện thực đời sống sinh hoạt Phật giáo Thiền tông. Do đó, Ngài được xem là vị Tổ đầu tiên của Thiền phái này. Tiếp đó là Đại sư Pháp Loa và Ngài Huyền Quang là những vị được truyền y bát kế thừa lần lượt làm Tổ thứ hai và Tổ thứ ba. Cả ba vị này được tôn vinh là Tam Tổ Trúc Lâm.
Sau Tam Tổ thì Phật giáo Trúc Lâm suy yếu do nhà Trần suy yếu, lúc này Phật giáo không còn nhận được sự bảo trợ của vua chúa. Khi triều đại nhà Trần sụp đổ dòng thiền này cũng suy tàn trong nhân gian. Mặc dù cho đến nay còn nhiều sự tranh cãi về sự truyền thừa cũng như phát triển của dòng thiền này, nhưng chắc chắn rằng sau Tam Tổ Thiền phái Trúc Lâm vẫn tiếp tục truyền thừa và tạo ra những gương mặt tiêu biểu. Thậm chí, Thiền phái còn được phát triển không chỉ có vị trí trên vũ đài chính trị mà còn có sức sống mạnh mẽ trong lòng dân chúng của một xã hội rộng lớn như Đại Việt vào cuối đời Trần. Đồng với nhận định trên, Nguyễn Khắc Thuần cho rằng: “Đó đây có ý cho rằng quá trình suy vị của Phật giáo bắt đầu. Thực ra thì không phải như vậy. Phật giáo phát triển, nhưng chỉ phát triển trong lòng xã hội mà thôi ... Bấy giờ người xuất gia tu hành ngày một đông. Cũng có lúc nhà nước đứng ra tổ chức đại lễ xuất gia cho hàng loạt người trong khắp cả nước. Trong đông đảo số xuất gia tu hành này, không ít người trở thành các bậc cao tăng, có uy tín rất lớn. Chính uy tín và đức độ của các bậc cao tăng này đã góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển chung của Phật giáo ở nước ta.”[3]
Vai trò của Thiền phái Trúc Lâm trong việc xây dựng quốc gia Đại Việt hưng thịnh vào đời Trần
Trên tinh thần “Tuỳ duyên”, Thiền phái Trúc Lâm đã đồng hành cùng dân tộc, góp phần mở ra trang sử huy hoàng cho thời đại; không chỉ tạo ra bản sắc Thiền tông Đại Việt mà còn tác động vào đời sống chính trị - văn hóa - xã hội nước nhà. Tinh thần “tuỳ duyên vui với đạo” còn được thể hiện vào chính sách đại đoàn kết toàn dân. Chính tư tưởng tu hành và giác ngộ ngay giữa cuộc đời này đã hình thành nên mẫu người Phật tử biết đem đạo ứng dụng vào đời một cách thật hữu ích.
Trên tinh thần ấy, một số thiền sư đã tích cực tham gia vào các hoạt động trong đời sống kinh tế, chính trị của đất nước. Do đó, họ có thể là những nhà tư tưởng chiến lược, tướng cầm quân, nhà thơ, thầy thuốc tùy theo sự phân công và khả năng của mình mà sẵn lòng đóng góp tích cực. Hình tượng này là tiêu biểu cho mẫu người Đại Việt thời đại Đông A nói chung, và Phật giáo nói riêng. Có thể nói rằng, những người có công đóng góp làm nên sự nghiệp hào hùng của dân tộc ta vào thời này hầu hết là phật tử. Họ có thái độ sống theo tinh thần tuỳ duyên, tuỳ thời mà vì dân, vì nước, chứ không vì sự giải thoát riêng của mỗi cá nhân nào.
Bên cạnh đó, tư tưởng “Cư trần lạc đạo” của Thiền phái đã được các nhà lãnh đạo họ Trần vận dụng thành công trong việc tuỳ duyên huy động sức mạnh đoàn kết toàn dân. Tiềm lực dân tộc trước hết nằm ở lòng yêu nước của toàn dân để xây dựng Đại Việt thành một quốc gia hùng cường mà không có một thế lực nào ngăn cản được. Kết quả cho tinh thần ấy chính là các hội nghị: Bình Than, Diên Hồng đã tập hợp sự kết nối, từ đó đi đến thắng lợi với ba lần đánh tan quân Nguyên – Mông, đưa đất nước trở lại hòa bình.
Hơn nữa, học thuyết “Cư trần lạc đạo” đã khéo léo xây dựng cõi Phật quốc ngay giữa cõi đời này, nhờ quan điểm mỗi người là một vị Phật mà họ đã tích cực tham gia đóng góp cho đời cho đạo, hướng đến việc xây dựng mẫu người phật tử nhằm bảo vệ độc lập và chấn hưng đất nước. Mỗi khi sự tồn tại quyền lợi của người này là điều kiện nhân tố cho quyền lợi người kia thì tất cả cùng phát triển. Từ đó, mọi người dân hiểu yêu nước là yêu đạo, yêu gia đình là yêu cha mẹ, bà con, yêu vợ chồng, con cái trẻ thơ; yêu mộ phần tổ tiên là yêu hồn thiêng sông nước nuôi dưỡng người. Chính vì vậy, yêu đạo chính là yêu nước, bảo vệ quê hương đất nước cũng chính là bảo vệ đạo pháp trường tồn. Cũng chính nhờ tinh thần này, Phật giáo tích cực nhập thế. Trong chiến tranh, Phật giáo cũng ra sức bảo vệ đất nước, có khi chiến trường trở thành nơi để làm thiền đường, là nơi để tụng kinh, niệm Phật, bái sám… nhằm dẹp trừ các khách trần phiền não, để tâm trở nên thanh tịnh. Mục đích để tâm an lạc, dù trong hoàn cảnh nào cũng thấy được cỏi Phật quốc ngay trong trần tục này.
Để duy trì và phát triển lâu dài, Giáo hội Trúc Lâm rất chú trọng vào công tác đào tạo tăng tài, các giáo trình giảng được quan tâm phê chuẩn, nhiều bộ ngữ lục ra đời, kinh điển được biên soạn và ấn hành. Quan trọng hơn, Giáo hội Trúc Lâm còn chủ trương thỉnh Đại tạng kinh, đã cử các vị tăng trí thức sang Trung Hoa thỉnh các bộ Đại tạng kinh, từng bước phiên dịch để thành lập Đại tạng kinh Việt Nam. Mặt khác, các thiền sư cũng cổ súy các thiền sư trong nước trước tác các tác phẩm Việt Nam kết hợp với nền tảng văn hóa để hình thành Đại tạng kinh mang bản sắc Việt. Kêu gọi mọi người đóng góp tái thiết đời sống văn hóa giáo dục, Phật giáo đời Trần đã lập ra Quốc học viện Trần Nhân Tông kiểu mẫu theo lý tưởng Bồ Tát hạnh trần tục mà nên. Khi đất nước chưa có hệ thống giáo dục đào tạo theo trường lớp, thì nhà chùa trở thành nhà trường, nơi đó dạy đủ các môn học mà con người cần học. Các trung tâm thiền học như Quỳnh Lâm, Vĩnh Yên được lập ra để đào tạo thiền học, đào đạo con người Phật giáo sống theo “Cư trần lạc đạo”, phẩm hạnh đầy đủ nhằm kiện toàn tuệ giác. Việc Trần Nhân Tông trao cho đệ nhị Tổ 100 hộp kinh sử ngoại điển cùng với 20 hộp nhỏ Đại tạng kinh và dặn dò mở rộng việc học là nhằm thực hiện việc nâng cao trình độ dân trí sau này.
Ngoài ra, các thiền sư còn tổ chức cùng với hoàng gia kiến thiết các công trình Phật giáo, làm biểu tượng quốc gia xây dựng hệ thống chùa chiền, kiến trúc mỹ thuật người Việt, nhiều danh lam thắng cảnh đời Trần ra đời, để minh chứng cho sự phồn thịnh quốc gia Đại Việt.
Sau thời kỳ Bắc thuộc, việc định hướng bảo vệ chủ quyền dân tộc, mở rộng biên cương chấn hưng văn hóa Đại Việt của nhà Trần đều mang dấu ấn quan điểm Phật giáo, nhất là tư tưởng “Cư trần lạc đạo” của Thiền phái. Đại Việt không ngừng vạch định chính sách phát triển đất nước bằng cách mở rộng bờ cõi, thực hiện chính sách di dân, mọi người cần có công việc làm, cần có cơm ăn áo mặc đầy đủ, kết quả từ 18 phố phường, kinh thành Thăng Long phát triển thành 36 phố phường, phủ chấn làng mạc được khai hoang qua việc Nam tiến đã sáp nhập hai châu Ô Mã và Việt Lý vào bản đồ Đại Việt. Ngoài ra, các công việc tái thiết của các vua Trần cũng thật sinh động: “Dựng cầu đò, giồi chiền tháp, ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu.” Để an lòng dân chúng, đem lại sự bình an cho xã hội, Trần Nhân Tông còn đem mười điều thiện dạy khắp nơi.
Về an ninh quốc phòng, nhà Trần đã thấm nhuần tư tưởng giáo lý nhà Phật, mọi quan điểm đều mang tinh thần của Vô ngã và vị tha, nên đã tạo ra các mối quan hệ hợp tác thân thiện ngoại giao với các nước láng giềng, đặc biệt là Trung Hoa.
Có thể nói rằng, sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm, đây là niềm tự hào lớn của dân tộc, nó thể hiện bản sắc, cũng như tính tự chủ, tinh thần không chịu lệ thuộc bởi ngoại lai; là xương sống của một nền văn hoá Việt Nam độc lập. Sự ra đời của Thiền phái này đã tác động mạnh mẽ đến với lịch sử dân tộc nói chung và Phật giáo nói riêng. Với những sắc thái riêng biệt về lý luận và tính thực tiễn, Thiền phái này đã luôn sát cánh trong công cuộc xây dựng, gìn giữ và bảo vệ nền độc lập cho dân tộc, làm cho đất nước được hưng thịnh, đồng thời nó cũng đã đáp ứng được nhu cầu lịch sử trong từng thời kì giao phó. Trên tinh thần nhập thế, Thiền phái này đã ảnh hưởng sâu sắc vào tín ngưỡng của người dân và đây cũng chính là tinh thần Bồ-tát đạo của Phật giáo Đại thừa. Bên cạnh đó, Thiền phái này còn làm cho đạo pháp được xiển dương giữa cuộc đời trần tục này, xứng danh là một Thiền phái cùng với quốc gia làm nên hào khí Đông A. Không những ngày xưa mà nay Thiền phái còn hòa mình cùng với dân tộc trong ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam để xây dựng tốt đạo đẹp đời.
Tác giả: Thích Nữ Diệu Nhân Học viện PGVN tại Tp.HCM ***Chú thích: BBT Tạp chí đăng bài viết của tác giả Thích nữ Diệu Nhân, bài viết đang thiếu thông tin trích dẫn các nguồn tài liệu tham khảo.
[1] Nhiều tác giả (1981), Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý – Trần, Nxb KHXH, HN, tr.649-650. [2] Viện Văn học (1989), Thơ văn Lý - Trần, tập 2, quyển thượng, Nxb KHXH, HN,tr. 506. [3] Nguyễn Khắc Thuần (2000), Đại cương Lịch sử văn hóa Việt Nam, VNCPHVN, tr.90.
Bình luận (0)